[CS 07 – 12/2019] – LUẬT GIA VŨ ĐÌNH HÒE VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN

Trần Thị Mỹ Linh K19502 & Nguyễn Thủy Tiên K195022C,

Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM

Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh niềm vui và sự phấn khởi, nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc xây dựng một hiến pháp dân chủ. Bước ngoặt để hoàn thành mục tiêu trên chính là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 cùng với việc vận dụng tư tưởng Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa – nhà nước dân chủ; vận hành, quản lý theo pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào giai đoạn 1946-1960, dưới sự dẫn đường của Hồ Chủ tịch, luật gia Vũ Đình Hòe được xem là trợ thủ đắc lực giúp Người thúc đẩy hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền.

Bo truong Vu Dinh Hoe đã chỉnh độ phân giải

Vũ Đình Hòe – từ một sinh viên Luật đến người đứng đầu Bộ Tư pháp

Vũ Đình Hòe sinh ngày 01/06/1912 tại làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, tỉnh Hải Dương trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật khoá 2 tại Viện Đại học Đông Dương và là một trong những thành viên cốt cán của nhóm trí thức cấp tiến Thanh Nghị. Vũ Đình Hòe là chủ nhiệm của tờ Thanh Nghị nổi tiếng lúc bấy giờ với các tri thức liên quan đến văn chương, kinh tế, chính trị.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 (CMT8), Vũ Đình Hòe là một trong những thành viên sáng lập Đảng Dân chủ. Với lòng yêu nước nồng nàn, ông gia nhập mặt trận Việt Minh, đóng góp cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám. Sau CMT8, trong vòng hai năm 1945 và 1946, ông liên tiếp nắm giữ hai chức vụ: Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (1945) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp (1946). Suốt 15 năm đứng đầu Bộ Tư pháp (1946-1960), ông đã hoàn thành sự ủy thác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, củng cố Bộ Tư pháp, đắc lực giúp Người trong công cuộc hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền, đặt nền móng cho Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa. 

Tư tưởng pháp quyền

Pháp quyền là một tư tưởng có góc độ tiếp cận, sự giải thích và vận hành khác nhau tùy thuộc vào từng hình thức nhà nước, do vậy không có một định nghĩa hoàn toàn thống nhất. Điểm chung trong các quan niệm về pháp quyền là thừa nhận mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và sự ràng buộc của pháp luật, theo đó, quyền lực nhà nước phải được điều chỉnh bởi pháp luật, phát sinh trên cơ sở pháp luật và bị giới hạn, kiểm soát bởi pháp luật.

Ở Việt Nam, người có nhận thức đầy đủ nhất về tư tưởng pháp quyền là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, luật gia Vũ Đình Hòe lúc bấy giờ cũng có tư tưởng xây dựng một nhà nước “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, “của dân, do dân, vì dân”. Ông cho rằng nhà nước pháp quyền coi hiến pháp và pháp luật là tối thượng; luôn bảo vệ quyền con người, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình, có sự thống nhất giữa đức trị và pháp trị; là một nhà nước có quyền lực thống nhất, có sự phân công và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, độc lập về tư pháp.

Những đóng góp của Luật gia Vũ Đình Hoè trong quá trình hiện thực hoá tư tưởng pháp quyền

 Vũ Đình Hoè đã có rất nhiều đóng góp thiết thực cho nền tư pháp Việt Nam và quá trình hiện thực hoá tư tưởng pháp quyền. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, Bộ Tư pháp đã ban hành khối lượng lớn các văn bản pháp luật. Chỉ trong thời gian rất ngắn từ ngày 02/09/1945 – ngày Bản Tuyên ngôn Độc lập được công bố đến ngày 19/12/1946 – Ngày toàn quốc kháng chiến, Nhà nước ta đã ban hành 479 văn bản pháp luật, trong đó có 243 sắc lệnh, 172 nghị định, 46 thông tư và 12 văn bản khác, chủ yếu tập trung vào việc tạo cơ sở pháp lý thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp. Những văn bản pháp luật này đã có đóng góp to lớn trong công cuộc ổn định đời sống nhân dân, hình thành tư tưởng pháp quyền và là một bước đệm quan trọng của quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp. 

Năm 1946, ông tham gia xây dựng bản Hiến pháp mang tư tưởng pháp quyền đầu tiên của nước ta. Những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực nhà nước nhằm ngăn chặn việc lạm quyền, chuyên quyền, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân được thể hiện ở 4 điểm cơ bản:

Thứ nhất, theo Điều 70, Hiến pháp 1946, Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Đây là quy định không những thể hiện rõ nét về quyền lực pháp luật trong nhà nước pháp quyền, mà còn phù hợp với bản chất tập trung dân chủ và hình thức chính thể cộng hòa của nhà nước Việt Nam giai đoạn này.

Thứ hai, các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều này thể hiện tính dân chủ rõ ràng của Nhà nước ta khi đó. 

Thứ ba, quyền năng giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương được phân chia khá rõ, có nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế. Điều này giúp bộ máy nhà nước (BMNN) có cơ cấu chặt chẽ, tinh gọn, trong sạch. 

Thứ tư, vai trò độc lập xét xử của toà án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp. Đây là nguyên tắc tư pháp độc lập với hành chính mà Luật gia Vũ Đình Hòe luôn tin tưởng và tuân thủ. 

Trong 15 năm nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Luật gia Vũ Đình Hòe đã kiên trì chỉ đạo tuân theo chủ trương Hiến pháp năm 1946, đặc biệt là hai nguyên tắc: nguyên tắc tư pháp nhân dân và nguyên tắc tư pháp độc lập với hành chính. Nguyên tắc tư pháp nhân dân được thể hiện rõ ở Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/05/1950. Sau khi sửa đổi một số quy lệ và chế định trong Dân luật, Điều 1 đã thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền nhân dân: ‘Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân’. Nguyên tắc này lấy lợi ích của nhân dân làm nền tảng, xây dựng và phát triển nhằm phục vụ quyền lợi của nhân dân. Còn nguyên tắc tư pháp độc lập với hành chính là điều kiện quan trọng của hoạt động bảo vệ công lý. Theo nguyên tắc này, tòa án nhân dân phải có tính độc lập ở một mức độ nào đó để có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ “bảo vệ công lý”. 

Lời kết

Sau một quá trình dài nhìn lại, chúng ta đã nhận thức và hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp, nhất là công cuộc hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền ở nước ta của Luật gia Vũ Đình Hòe. Ngày nay, tư tưởng pháp quyền vẫn còn nguyên giá trị, đóng vai trò như “kim chỉ nam” cho Đảng và Nhà nước trong quá trình nghiên cứu, đổi mới mô hình bộ máy nhà nước đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hiến pháp 1946
  2. Minh Thư, ‘Vũ Đình Hòe – Từ sinh viên đại học Đông Dương đến Bộ trưởng của nước Việt Nam độc lập ĐHQG Hà Nội (Hà Nội, 05/2006)<http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7798/> truy cập ngày 03/12/2019
  3. Nguyễn Tùng Lâm, ‘Những đặc trưng cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam’ Hue university journal of science (Huế, 01/11/2016) <http://jos.hueuni.edu.vn/index.php/TCKHDHH/article/view/1713> truy cập ngày 18/10/2019
  4. Nguyễn Đức Minh, ‘Một số quan niệm về Pháp quyền trên thế giới’ Trang thông tin điện tử Hội đồng lí luận trung ương (Hà Nội, 01/11/2018) <http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/mot-so-quan-niem-ve-phap-quyen-tren-the-gioi.html> truy cập ngày 18/10/2019
  5. ‘Vũ Đình Hòe- một nhân cách lớn, một nhà trí thức, một luật gia chân chính’ Student KGU (10/02/2011)<http://www.studentkgu.vn/user/blogs/view/name_NghiPH/id_18/title_V-nh-H-e-m-t-nh-n-c-ch-l-n-m-t/.> truy cập ngày 18/10/2019