[cs 11 – 12/2021] CHẾ ĐỊNH GIÁM HỘ BẢO VỆ QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ – THỰC TRẠNG VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

Võ Thị Trường An (K195021949)

Nguyễn Trung Nghĩa (K195032126) & Vũ Lê Hoài Thương (K195042266)

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

Chế định về giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi là “NLHVDS”) vẫn luôn được quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, họ không thể tự mình tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật, đó chính là người giám hộ. Trên thực tế, việc áp dụng các quy định pháp luật vẫn còn nhiều bất cập. Vì thế, bên cạnh việc làm rõ cơ chế pháp lý bảo vệ quyền lợi đối với người được giám hộ là người mất NLHVDS, nhóm tác giả cũng sẽ nêu lên thực trạng và hướng hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam.

Từ khóa: giám hộ, người giám hộ, người được giám hộ, người mất năng lực hành vi dân sự.

The supervision regime for incapacitated persons (hereinafter referred as “NLHVDS”) has always been of special interest. Because they can not participate in the civil legal system by themselves but must go through their legal representative, that is, the supervisor. Actually, the application of the law remains and much of any right of access. Therefore, in addition to clarifying the mechanism to protect the interests of the supervised persons who have lost their civil rights, the authors will also point out a number of states and complete guidelines for Vietnamese law.

Keywords: guardianship, guardians, wards, incapacitated persons.

1. Khái quát về chế định giám hộ bảo vệ quyền lợi đối với người mất NLHVDS

1.1. Khái quát về chế định giám hộ theo pháp luật Việt Nam

1.1.1. Khái niệm giám hộ

Theo Điều 46(1) Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là “BLDS 2015”), giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại Điều 48(2) của Bộ luật này (sau đây gọi chung là “người giám hộ”) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất NLHVDS, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là “người được giám hộ”). Theo đó, giám hộ là chế định mà người giám hộ phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ theo quy định của pháp luật về dân sự.

1.1.2. Điều kiện làm người giám hộ

Cá nhân muốn trở thành người giám hộ theo phải đáp ứng các điều kiện sau[1]:

(i) Có NLHVDS đầy đủ, nghĩa là từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị mất NLHVDS, không có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi hay không bị hạn chế NLHVDS. Điều này hợp lý, bởi chính bản thân đối tượng này cũng cần người đại diện theo pháp luật nên không thể trở thành người giám hộ cho người khác.

(ii) Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Việc xác định tư cách đạo đức tốt và điều kiện cần thiết tùy thuộc vào nhiều yếu tố liên quan như chưa từng có tiền án, tiền sự, sống hòa thuận với hàng xóm láng giềng, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không làm mất an ninh trật tự,…

(iii) Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác. Việc xác định các yếu tố này dựa trên những quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

(iv) Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Viện dẫn quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để làm rõ vấn đề này. Theo đó, cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây: bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy; xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Vì thế, cá nhân muốn trở thành người giám hộ theo quy định của pháp luật phải có đủ điều kiện về năng lực hành vi, đạo đức tốt, có các yếu tố cần thiết để thực hiện quyền và nghĩa của mình, không thuộc các trường hợp không được phép trở thành người giám hộ theo luật định. Ngoài cá nhân thì pháp nhân cũng có thể trở thành người giám hộ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 50 BLDS 2015.

1.2. Chế định giám hộ bảo vệ quyền lợi đối với người mất NLHVDS

1.2.1. Chế định giám hộ đối với người mất NLHVDS

Trường hợp một người do bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì có thể bị Tòa án tuyên bố mất NLHVDS theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Yếu tố quan trọng để xác định một người bị mất NLHVDS chính là khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của họ. Theo nhóm tác giả, trong trường hợp một người bị mất NLHVDS trước khi Tòa án ra quyết định thì người này vẫn được xem là mất NLHVDS kể từ thời điểm họ không thể nhận thức, làm chủ hành vi. Nếu người này bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất NLHVDS thì thời điểm đó được xác định là ngày quyết định có hiệu lực. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu một người bị mất NLHVDS trước thời điểm Tòa án đưa ra quyết định chính thức thì cơ quan giám định pháp y tâm thần cũng sẽ kiểm tra và xác định rõ thời điểm mất NLHVDS. Điều này một phần nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị mất NLHVDS, một phần tránh các trường hợp tiêu cực như giả vờ mất NLHVDS để trốn tránh nghĩa vụ,…

Bên cạnh đó, Điều 47(1)(c) BLDS 2015 quy định về người được giám hộ trong đó bao gồm cả người mất NLHVDS. Tuy nhiên, nếu một người đang có NLHVDS đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì đến khi họ ở tình trạng cần được giám hộ thì người được chọn sẽ là người giám hộ nếu người này đồng ý. Quy định trên nhằm nâng cao quyền năng của người được giám hộ trong việc lựa chọn người giám hộ mà mình tin tưởng, đảm bảo an toàn cho chính mình nếu chẳng may rơi vào tình trạng cần được giám hộ.

1.2.2. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ là người mất NLHVDS

Người giám hộ của người mất NLHVDS có các nghĩa vụ sau đây: (i) Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ; (ii) Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; (iii) Quản lý tài sản của người được giám hộ; (iv) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.[2]

BLDS 2015 đã có những cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của người được giám hộ là người mất NLHVDS. Theo đó, việc chăm sóc được hiểu là quan tâm, giúp đỡ người được giám hộ sinh hoạt thường ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, học tập, vui chơi giải trí,… và bảo đảm việc trị bệnh sẽ dựa trên bệnh lý của người đó ghi nhận tại kết luận giám định pháp y tâm thần. Đại diện cho người được giám hộ trong việc tham gia giao dịch dân sự cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ là một trong những nghĩa vụ trọng tâm của người giám hộ. Ngoài ra, người giám hộ còn có nghĩa vụ quản lý tài sản cho người được giám hộ nhằm bảo đảm chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu của người này trong quá trình diễn ra việc giám hộ.

1.2.3. Cử, chỉ định người giám hộ cho người được giám hộ là người mất NLHVDS

Trường hợp người mất NLHVDS không có người giám hộ đương nhiên theo quy định thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp giữa những người giám hộ về người giám hộ hoặc việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ. Theo đó, vợ là người mất NLHVDS thì chồng là người giám hộ hoặc ngược lại; cha và mẹ đều mất NLHVDS hoặc cả hai không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ; người thành niên mất NLHVDS chưa có vợ, chồng, con hoặc nếu có nhưng đều không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.[3] Ngoài ra, việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ cũng như phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

1.2.4. Giám sát người giám hộ với được giám hộ là người mất NLHVDS

Những chủ thể được giám hộ đều là những người không thể tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ mà họ đang có, vì thế người giám hộ phải thay họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ ấy. Việc dự liệu những hành vi trục lợi, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền, nghĩa vụ vì lợi ích của người được giám hộ,… là cần thiết. Đây được xem là một trong những quy định quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ, đặc biệt là người mất NLHVDS.

Pháp luật quy định người thân thích[4] của người được giám hộ thỏa thuận cử hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Nếu giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người này phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ. BLDS 2015 cho phép người thân thích của người được giám hộ tự thỏa thuận để cử ra hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm giám hộ tuy nhiên vẫn phải có sự đồng ý của này nhằm tôn trọng sự thỏa thuận, tự nguyện giữa các bên.[5]

Đồng thời, khi có tranh chấp xảy ra giữa những người giám hộ về việc cử người giám hộ thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.[6] Như vậy, UBND xã và Tòa án sẽ chỉ can thiệp khi không có hoặc không thống nhất được người giám sát việc giám hộ nhằm giúp người được giám hộ bảo đảm được quyền lợi khi không thể tự mình lựa chọn.

Do đó, người giám sát việc giám hộ cũng cần đảm bảo về điều kiện chủ thể như phải có NLHVDS đầy đủ nếu là cá nhân, có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát nếu là pháp nhân và một số điều kiện khác theo luật định.

2. Thực tiễn áp dụng

Giám hộ là chế định được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng ở mỗi nơi lại có những đặc thù riêng. Ở bài viết này, nhóm tác giả muốn so sánh thực tiễn áp dụng pháp luật về giám hộ tại Hoa Kỳ và Việt Nam.

Nếu tại Việt Nam, người được giám hộ được chia thành 03 đối tượng đặc thù là người chưa thành niên, người mất NLHVDS và người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; thì tại Hoa Kỳ, người được giám hộ chỉ bao gồm người chưa thành niên và người thành niên. Theo đó, pháp luật Hoa Kỳ không phân định rạch ròi giữa người mất NLHVDS và người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi mà quyết định cử giám hộ thường dựa vào phán quyết của Tòa án nếu nhận định cá nhân đó không có khả năng tự chăm sóc và quản lý tài chính của mình. Theo luật pháp các tiểu bang, Tòa án sẽ chịu trách nhiệm chỉ định việc một người được giám hộ hay không. Những người được cho là “mất năng lực” do thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm thần hoặc suy giảm nhận thức sẽ chính thức chịu quyền giám hộ[7]. Nhìn chung, chế định giám hộ sinh ra để bảo vệ quyền và lợi ích của người được giám hộ. Tuy nhiên, giám hộ cũng có thể được nhìn nhận như việc tước đi quyền lợi hợp pháp của người được giám hộ, bởi trong trường hợp bị người giám hộ lạm quyền, người được giám hộ không đủ khả năng phản kháng, tự nhân danh mình tham gia vào các giao dịch dân sự vì lợi ích của bản thân.

Tại Florida, mỗi quy định giám hộ yêu cầu rằng ngay cả khi quyền của một cá nhân đã được trao cho người giám hộ hoặc người giám sát giám hộ thì người giám hộ đó vẫn phải xem xét mong muốn của cá nhân đó và cho phép họ tham gia quyết định những gì ảnh hưởng đến cuộc sống của mình trong chừng mực có thể.[8] Tương tự tại Bắc Carolina, pháp luật quy định người được giám hộ cần được tạo điều kiện tham gia vào tất cả các quyết định trong phạm vi nhất định và phù hợp với khả năng của người đó.[9] Hội đồng Tư pháp California cũng cho rằng người được giám hộ vẫn có thể tham gia vào các quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến tài sản và cuộc sống của mình.[10]

Thế nhưng, thực trạng lợi dụng kẽ hở để bóc lột, lạm dụng và bỏ bê người được giám hộ vẫn thường xuyên xảy ra ở các bang của Hoa Kỳ. Theo Bộ Tư pháp, ước tính có khoảng 1,3 triệu người trưởng thành ở Mỹ đang phải chịu sự giám hộ, tổng tài sản bị kiểm soát có giá trị ít nhất 50 tỷ USD.[11] Nổi bật nhất trong những năm qua có lẽ là vụ việc công chúa nhạc pop Britney Spears đấu tranh thoát khỏi quyền giám hộ của cha ruột trong suốt 13 năm, tạo nên làn sóng phong trào trả tự do cho Britney Spears trên khắp thế giới.[12]

Xét về lẽ thường, một cá nhân trẻ có năng lực làm việc và thậm chí đang thành công trong sự nghiệp của bản thân dĩ nhiên có khả năng tự chăm sóc bản thân và không cần chịu giám hộ. Luật sư Adinolfi cũng nhận xét nhiều tòa án có nguồn lực hạn chế và thiếu năng lực để xem xét các vụ việc một cách thấu đáo.[13] Trong trường hợp của Britney, quyền giám hộ bao trùm hầu như mọi khía cạnh trong cuộc sống của cô, từ đời sống cá nhân cho đến thu chi tài chính. Có thể thấy rằng quyền tự do trên nước Mỹ còn chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa gia đình khi quyết định của người cha có thể làm thay đổi cuộc đời của con gái. Quyền giám hộ liên quan mật thiết tới quyền tự do, bởi lẽ khi trao quyền giám hộ một cá nhân cho một ai đó thì tức là họ đã trao đi quyền quyết định một số vấn đề của cá nhân cho người giám hộ đó, đặc biệt là quyền quản lý tài chính. Dù tại một quốc gia phát triển hay đang phát triển, nếu tòa án không nghiêm minh và luật pháp không thắt chặt thì nghĩa vụ giám hộ hay quyền tự do của con người vẫn có thể bị vi phạm.

Ngay tại Việt Nam, thực trạng áp dụng quyền giám hộ với người mất NLHVDS cũng tồn tại những điểm đáng lưu ý. Những người mất NLHVDS thường là các đối tượng yếu thế trong xã hội như người mắc bệnh tâm thần, người già bị hội chứng Alzheimer,… nên việc giám hộ với các đối tượng này cần được lưu ý hơn cả, bởi lẽ họ không đủ khả năng để nhận thức và phản kháng lại nếu người giám hộ có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Ngay cả khi người thực hiện hành vi lạm dụng và bóc lột không phải người giám hộ thì trách nhiệm của người giám hộ lẫn người giám sát giám hộ trong vấn đề này cũng cần được xem xét.

Hiện nay dân số của Việt Nam đang trở nên già hóa, số lượng người già tăng cao, tỷ lệ thuận với số lượng người được giám hộ là người già mất NLHVDS. Theo số liệu do UNFPA[14] thống kê vào năm 2020 cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019. Các trường hợp con cái bỏ bê, chiếm đoạt tài sản của cha mẹ già cũng tăng lên không kém. Tại bản án sơ thẩm ngày 09/9/2020 của TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tòa đã tước quyền giám hộ của con với mẹ già 94 tuổi khi kết luận người này có hành vi vi phạm nghĩa vụ đại diện và nghĩa vụ tài sản với người được giám hộ.[15] Theo đó, người cháu của bà đã đưa ra các bằng chứng cho thấy người cô của mình đã không trực tiếp chăm sóc bà nội cũng như không công khai việc quản lý và sử dụng số tiền 14 tỷ đồng. Người cô này đã không lập sổ tiết kiệm mang tên mẹ mình mà rút tiền mặt hoặc chuyển vào các ngân hàng khác mang tên mình. Dựa vào đó, Tòa đã hủy tư cách giám hộ của người cô này cũng như quyền giám sát giám hộ của một người cô khác. Có thể thấy người giám sát giám hộ đã không chủ động lên tiếng để bảo vệ cho người được giám hộ mà cần sự lên tiếng từ một người thứ ba khác. Bên cạnh đó, hành vi của người cô đã vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 57 BLDS 2015 về nghĩa vụ của người giám hộ trong việc chăm sóc và quản lý tài sản của người được giám hộ. Như vậy, trên thực tế thì người giám sát giám hộ vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

3. Một số bất cập và hướng hoàn thiện cho chế định giám hộ bảo vệ quyền lợi đối với người mất NLHVDS

3.1. Quy định về thủ tục tuyên bố tình trạng mất NLHVDS

Thực tiễn cho thấy thủ tục tuyên bố một người mất NLHVDS gây khó khăn cho bên được giám hộ. Cụ thể, như đã phân tích phía trên, để được công nhận tình trạng mất NLHVDS thì một người cần phải đáp ứng cả hai điều kiện: (i) Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan; và (ii) Được Tòa án ra quyết định tuyên bố mất NLHVDS dựa trên kết luận giám định pháp y tâm thần.[16] Theo đó, đối với những gia đình gặp khó khăn về kinh tế nhưng lại có người thân mất khả năng nhận thức thì thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố mất NLHVDS có thể bị ảnh hưởng, kéo dài. Bởi lẽ, nhiều gia đình không có khả năng chi trả hoặc không có nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục giám định pháp y tâm thần. Điển hình là trường hợp người bị tai nạn trong quá trình lao động dẫn đến việc mất khả năng nhận thức hành vi. Cụ thể, để có thể khởi kiện, yêu cầu một chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, gia đình của người bị tai nạn phải làm đơn yêu cầu công nhận người đó mất NLHVDS và có thể phải trải qua công đoạn giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu của Tòa án.[17] Điều này đã khiến cho gia đình nạn nhân phải chi trả nhiều khoản phí từ việc khám chữa bệnh đến các khoản để được Tòa án tuyên bố mất NLHVDS. Đồng thời, công tác thực hiện chế định giám hộ đối với người mất NLHVDS cũng vì thế mà bị trì trệ, khiến cho gia đình của người cần được giám hộ gặp khó khăn để hoàn tất các thủ tục khởi kiện trên, gây ảnh hưởng tới quyền lợi cho người cần được giám hộ.[18]

Nhằm khắc phục bất cập trên, pháp luật dân sự cần có sự điều chỉnh nhất định đối với thủ tục tuyên bố một người mất NLHVDS. Cụ thể, pháp luật nên hạn chế áp dụng những thủ tục mang tính hình thức hoặc sửa đổi chúng để có giá trị thực tiễn cao hơn. Theo đó, nhóm tác giả nhận định BLDS 2015 cần được sửa đổi theo hướng trong trường hợp cử, chỉ định người giám hộ, nếu gia đình của người mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi gặp khó khăn về mặt thời gian, kinh tế do các điều kiện khách quan thì cá nhân mất khả năng nhận thức trên có thể “đương nhiên được xem là mất NLHVDS”.[19] Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi có thể bảo đảm quyền lợi của người được giám hộ, đặc biệt là những người mất NLHVDS.

3.2. Quy định về điều kiện của người giám hộ, người giám sát người giám hộ

Như đã đã đề cập ở phần thực trạng, chế định giám hộ đối với người mất NLHVDS khi áp dụng vào thực tiễn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, việc người được giám hộ bị người giám hộ hoặc người giám sát người giám hộ lạm dụng quyền hạn trong việc trục lợi, bóc lột về tài sản của người được giám hộ đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, xét về năng lực, vì người mất NLHVDS thường không có đủ khả năng để tự bảo vệ bản thân mình so với một người có đầy đủ NLHVDS nên người được giám hộ trong trường hợp này là bên yếu thế hơn. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam chưa quy định rõ những tiêu chí trong việc lựa chọn, cử người giám sát. Đồng thời, về điều kiện trở thành người giám hộ, BLDS 2015 chưa quy định cụ thể về tư cách đạo đức hoặc “điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”[20].   Điều này dễ dẫn tới bất cập là có trường hợp người giám hộ không đủ tiêu chuẩn để giám hộ hoặc người giám sát với người giám hộ có thể thông đồng với nhau nhằm trục lợi từ người được giám hộ.

Nhằm đề xuất hướng giải quyết cho vấn đề này, nhóm tác giả nhận định BLDS 2015 cần quy định chi tiết hơn những điều kiện để trở thành người giám hộ và người giám sát người giám hộ, đặc biệt là trường hợp giám hộ người mất NLHVDS. Theo đó, pháp luật dân sự cần ban hành thêm các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết hơn về tư cách đạo đức và các điều kiện cần thiết để trở thành người giám hộ. Có thể kể đến một số điều kiện như về tình trạng tài sản, nghề nghiệp của người giám hộ và người giám sát người giám hộ,… Thông qua việc đánh giá khả năng tài chính, nhân thân của người giám hộ và người giám sát người giám hộ, cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm soát, hạn chế tình trạng trục lợi, phòng ngừa trường hợp bóc lột tài sản của người giám hộ. Bên cạnh đó, khi tài chính ổn định, người giám hộ, người giám sát người giám hộ có thể tập trung thực hiện nhiệm vụ của bản thân, tránh bị chi phối bởi các yếu tố vật chất khác.

4. Kết luận

Đi từ lý luận và thực tiễn, có thể thấy pháp luật về giám hộ trong BLDS 2015 còn tồn tại một số bất cập vẫn. Trong xã hội hiện đại, thủ đoạn lợi dụng quyền giám hộ để bóc lột, lạm dụng và bỏ bê người giám hộ càng xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi pháp luật cần phải cặn kẽ và quyết liệt hơn trong vấn đề này cũng như tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để bổ sung và hoàn thiện hơn chính mình. Vậy nên, việc tìm ra một cơ chế pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền lợi của người giám hộ là người mất NLHVDS là cần thiết để đảm bảo quyền tự do và quyền tài sản của một bộ phận những người yếu thế trong xã hội ngày nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

1. Bộ luật Dân sự 2015;

2. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

3. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Sách

3. Nguyễn Thị Lan, ‘Một số điểm mới về năng lực hành vi dân sự của cá nhân trong Bộ luật Dân sự 2015’ (2017) Vol 91 No Số 91 (2017): Tạp chí Kinh tế Đối ngoại số 91/2017.

Nguồn điện tử

4.  Dani Anguiano, ‘The #FreeBritney movement finds its moment: ‘All the hard work was worth it’’ (2021), The Guardian, <https://www.theguardian.com/music/2021/nov/14/freebritney-movement-britney-spears-conservatorship>;

5. Minh Anh (tổng hợp), ‘Câu chuyện của Britney Spears và mặt trái chế độ giám hộ tại Mỹ’ (2021), Báo Quân đội nhân dân, <https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-cua-britney-spears-va-mat-trai-che-do-giam-ho-tai-my-677344>;

6. Nguyễn Văn Dũng, ‘Chế định giám hộ trong Bộ luật Dân sự một số tồn tại từ thực tiễn áp dụng’ (2013), Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, <https://toaanquangnam.gov.vn/che-dinh-giam-ho-trong-bo-luat-dan-su-mot-so-ton-tai-tu-thuc-tien-ap-dung/>;

7. Phương Loan, ‘Tòa tước quyền giám hộ của con với mẹ già 94 tuổi” (2021) Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh <https://plo.vn/phap-luat/toa-tuoc-quyen-giam-ho-cua-con-doi-voi-me-gia-94-tuoi-969917.html> truy cập ngày 20/9/2021;

8. Tuấn Đạt, ‘Trường hợp của Britney Spears và góc khuất của luật pháp Mỹ’ (2021), Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến, <https://zingnews.vn/truong-hop-cua-britney-spears-va-goc-khuat-cua-luat-phap-my-post1231148.html>;

9. ‘Turning 18, Guardianship & Other Options’ (2021) Disability Rights Florida <https://disabilityrightsflorida.org/disability-topics/disability_topic_info/turning_18_guardianship_other_options>.


[1] BLDS 2015, Điều 49

[2] BLDS 2015, Điều 57(1)

[3]  BLDS 2015, Điều 53

[4] Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.

[5] BLDS 2015, Điều 51(1)

[6] BLDS 2015, Điều 54(1)

[7] Minh Anh (tổng hợp), ‘Câu chuyện của Britney Spears và mặt trái chế độ giám hộ tại Mỹ’ (2021), Báo Quân đội nhân dân, <https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-cua-britney-spears-va-mat-trai-che-do-giam-ho-tai-my-677344> truy cập ngày 21/12/2021

[8] ‘Turning 18, Guardianship & Other Options’ (2021) Disability Rights Florida <https://disabilityrightsflorida.org/disability-topics/disability_topic_info/turning_18_guardianship_other_options> truy cập ngày 20/9/2021

[9] Các trách nhiệm của người giám hộ tại North Carolina, North Carolina Administrative Office of the Courts, trang 2

[10] Tuấn Đạt, ‘Trường hợp của Britney Spears và góc khuất của luật pháp Mỹ’ (2021), Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến, <https://zingnews.vn/truong-hop-cua-britney-spears-va-goc-khuat-cua-luat-phap-my-post1231148.html> truy cập ngày 20/9/2021

[11] Tlđd, n14

[12] Dani Anguiano, ‘The #FreeBritney movement finds its moment: ‘All the hard work was worth it’’ (2021), The Guardian, <https://www.theguardian.com/music/2021/nov/14/freebritney-movement-britney-spears-conservatorship> truy cập ngày 15/12/2021

[13] Tlđd, n14

[14] Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

[15] Phương Loan, ‘Tòa tước quyền giám hộ của con với mẹ già 94 tuổi” (2021) Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh <https://plo.vn/phap-luat/toa-tuoc-quyen-giam-ho-cua-con-doi-voi-me-gia-94-tuoi-969917.html> truy cập ngày 20/9/2021

[16] BLDS 2015, Điều 22(1)

[17] Bộ luật Tố tụng dân sự số 02/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi: Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Điều 376, 377

[18] Nguyễn Văn Dũng, ‘Chế định giám hộ trong Bộ luật Dân sự một số tồn tại từ thực tiễn áp dụng’ (2013), Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, <https://toaanquangnam.gov.vn/che-dinh-giam-ho-trong-bo-luat-dan-su-mot-so-ton-tai-tu-thuc-tien-ap-dung/> truy cập 18/9/2021

[19] Tlđd, n19

[20] BLDS 2015, Điều 49(2)