[CS 07 – 12/2019] – NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN TRONG GIAI ĐOẠN TIỀN HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN

TRONG GIAI ĐOẠN TIỀN HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

 Trịnh Tuấn Anh *

Tóm tắt: Quan điểm về nghĩa vụ tiền hợp đồng và nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng được thừa nhận tại nhiều nền tài phán khác nhau. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng thương mại, thực trạng và hướng hoàn thiện. 

Từ khóa:  Hợp đồng thương mại, cung cấp thông tin, giai đoạn tiền hợp đồng

Summary: The views on pre-contractual obligations and information-providing obligations during the pre-contractual period are acknowledged in various jurisdictions. The paper analyzes the provisions of Vietnamese law on the obligation to provide information in the pre-commercial period, the status and direction of completion.

Keywords: Commercial contract, information provision, pre-contractual period

Xuất phát từ thực tiễn thực hiện hợp đồng, đặc biệt việc xảy ra các tranh chấp mà luật sư người Đức Rudolph Von Jhering là người đầu tiên đưa ra học thuyết về nghĩa vụ tiền hợp đồng “Culpa in contrahendo” vào năm 1861[1]. Theo đó, một bên phải chịu trách nhiệm đối với vi phạm của mình trong giai đoạn đàm phán hợp đồng. Đây có thể xem là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm về giai đoạn tiền hợp đồng. Tác giả Kezt Hain và Lorman Frank đã khẳng định: ‘Tại thời điểm các bên tiến hành đàm phán, mỗi bên đều đáp ứng được yêu cầu trung thực và công bằng trong việc xây dựng mối quan hệ với bên còn lại’[2]. Hiện nay, bên cạnh nhiều nền tài phán thừa nhận giá trị pháp lý của giai đoạn tiền hợp đồng, có những nền tài phán chưa thừa nhận nó. Tuy nhiên, có thể nhận thức chung rằng những yếu tố của hợp đồng tương lai bắt nguồn từ giai đoạn tiền hợp đồng và ẩn sâu trong tư duy của người giao kết. Hầu hết những tính toán cân nhắc để đi đến giao kết hợp đồng đều xuất phát từ giai đoạn này. Những suy nghĩ và dự định hợp tác hay sự bắt đầu hợp tác đều xuất phát từ đó. Đề nghị và chấp nhận có quy chế tương đối rõ ràng.[3] Về cơ bản, nghĩa vụ tiền hợp đồng thể hiện các tính chất đặc trưng: (1) Thời điểm phát sinh nghĩa vụ tiền hợp đồng là trước khi các bên tiến hành ký kết hợp đồng; (2) Căn cứ phát sinh nghĩa vụ tiền hợp đồng là các quy định của pháp luật dưới sự chi phối của nguyên tắc trung thực, thiện chí. Đây cũng là cơ sở để khẳng định nghĩa vụ tiền hợp đồng là các nghĩa vụ do luật định; (3) Nghĩa vụ tiền hợp đồng là cơ sở làm phát sinh trách nhiệm dân sự nếu có hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng.[4] Hợp đồng ngày càng không chỉ mang tính chất quá trình, mà còn là sự điều tiết, trong đó các bên cùng nhận diện, đánh giá, phân chia, điều tiết rủi ro – gọi chung là quản lý rủi ro.[5] Lý thuyết về hợp đồng chuyển dần sang xu hướng dự phòng và quản lý rủi ro. Đặc biệt trong giai đoạn tiền hợp đồng, các rủi ro về thông tin là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Theo xu thế phát triển, thông tin ngày càng có sức mạnh trong việc định hướng hành vi của con người. Việc thông tin bất cân xứng giữa các bên chủ yếu xảy ra trong giai đoạn tiền hợp đồng. Theo các Nhà kinh tế học George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz thì trước khi tiến hành ký kết hợp đồng, các bên tham gia giao dịch cố tình che đậy thông tin, người mua không có thông tin xác thực, đầy đủ và kịp thời nên trả giá thấp hơn giá trị đích thực của hàng hóa. Hậu quả là người bán cũng không còn động lực để sản xuất hàng có giá trị và có xu hướng cung cấp những sản phẩm có chất lượng thấp hơn chất lượng trung bình trên thị trường.[6] Do đó, trong giai đoạn tiền hợp đồng nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên có thông tin được đặt ra. Trong nhiều trường hợp, bên có thông tin buộc phải tiết lộ thông tin, vi phạm nghĩa vụ đó hợp đồng có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu, ràng buộc hợp đồng bị phá vỡ, đặc biệt trong pháp luật về công ty, chứng khoán, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Trong lĩnh vực thương mại các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng được ghi nhận trong BLDS năm 2015, Luật thương mại năm 2005 và các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2019), Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010….Cụ thể, BLDS năm 2015 đã quy định cụ thể về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng:  ‘Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết. Bên vi phạm quy định này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường’[7]. Quy định này được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng. Trong quy định về hợp đồng thương mại trong lĩnh vực bảo hiểm, bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu  cho thấy, các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng có quy định. Ví dụ, Trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng thì hợp đồng giữa thương nhân và người tiêu dùng đặt ra nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng: ‘Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó’[8].  

Cách quy định này đã chỉ ra rằng một bên phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho đối tác của mình trước khi các bên giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, thông tin này bao gồm những thông tin gì? Đó là các thông tin liên quan trực tiếp như chất lượng, giá cả của đối tượng hợp đồng hay liên quan gián tiếp như thông tin về thị trường của đối tượng hợp đồng thì không đề cập. Để làm rõ quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng, chúng tôi giả định tình huống: Bên A (Bên mua) và Bên B (Bên Bán) giao kết hợp đồng mua bán nhà ở. 

Trường hợp thứ nhất, nếu Bên B biết được thông tin mà ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên A thì phải thông báo cho bên A biết. Do đó nếu Bên B biết là căn nhà ở này bị giải tỏa nhưng không thông báo cho bên A thì sẽ bị xem là vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên Bên B không chỉ vi phạm Điều 387 BLDS 2015 mà còn vi phạm đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là thiện chí và trung thực. 

Trường hợp thứ hai, nếu Bên B biết Bên A nhầm lẫn về vấn đề gì liên quan đến căn nhà ở này mà không thông báo cho Bên A thì Bên B có phải thông báo cho Bên A biết không? Trường hợp này để bảo vệ cho Bên A chúng ta có thể áp dụng được Điều 387 BLDS 2015 để bảo vệ quyền lợi. 

Trường hợp thứ ba, Bên A biết được rằng sẽ có một con đường đi qua trước mặt nhà Bên B và trong tương lai gần căn nhà ở này sẽ tăng giá, vậy Bên A có phải thông báo cho Bên B biết về vấn đề này không, giả sử rằng Bên B không biết và không thể biết thông tin này, nếu áp dụng đơn thuần Điều 387 BLDS 2015 sẽ cho ra cùng kết quả là Bên A phải có nghĩa vụ thông báo cho Bên B. Bởi vì, nếu không phải trong trường hợp cần tiền gấp, khi Bên B biết được thông tin này thì Bên B sẽ không bán nhà cho Bên A ngay, mà sẽ đợi đến khi con đường xuất hiện, nhưng điều này sẽ đặt ra câu hỏi trong thực tiễn Bên A sẽ làm như vậy không? Có lẽ trường hợp này sẽ làm cho Điều 387 BLDS 2015 khó được áp dụng trong thực tiễn.[9] Bên cạnh đó, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng sẽ theo các quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay theo hợp đồng. Tuy nhiên BLDS năm 2015, Luật thương mại 2005 không đề cập cụ thể vấn đề này ở bất kỳ điều khoản nào, kể cả phần bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nghiên cứu so sánh, chúng tôi thấy pháp luật các nước có quy định  quy định rõ ràng, cụ thể hơn về loại thông tin cần phải cung cấp. Đáng lưu ý, theo pháp luật của Pháp, đối với một số hợp đồng chuyên biệt, bên có nghĩa vụ cung cấp thông tin còn phải tìm kiếm thông tin mà người thực hiện công việc kinh doanh thông thường của mình biết và phải biết để cung cấp cho đối tác của mình. Như vậy, nghĩa vụ cung cấp thông tin không chỉ giới hạn ở cung cấp thông tin đã có, mà còn phải tìm kiếm thông tin cần thiết khác để cung cấp cho đối tác.[10] Trong pháp luật Cộng Hòa Pháp, cơ sở để xác định trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin dựa trên nguyên tắc: Bất cứ hành vi nào của một người gây thiệt hại cho người khác thì người gây thiệt hại do lỗi của mình phải bồi thường (Điều 1382 BLDS năm 1804); và mỗi người phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra, không những do hành vi mà còn do sự cẩu thả hoặc không thận trọng (Điều 1383 BLDS 1804). Trên cơ sở nguyên tắc “abus de droit”. BLDS Pháp năm 1804 quy định nguyên đơn phải chứng minh được bị đơn có lỗi hoặc lỗi đó gây thiệt hại cho nguyên đơn đồng thời nguyên đơn hoàn toàn có quyền đàm phán với bên bị đơn mà không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Nói cách khẩm, thẩm quyền tuyên bố vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng, Tòa án Pháp buộc bên nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin không chính đáng, gây thiệt hại cho bên kia phải gánh chịu hậu quả pháp lý.[11] Xin dẫn một ví dụ: Bà X và Bà Ricci ký kết một hợp đồng môi giới bất động sản. Theo hợp đồng này, Bà Ricci đã giới thiệu bà X mua một căn nhà, nhưng sau đó Bà Ricci phát hiện người giao kết hợp đồng mua bán không có thẩm quyền ký kết hợp lệ. Do đó Bà Ricci yêu cầu hủy hợp đồng môi giới với Bà X. Theo Tòa án tối cao Pháp: ‘với tư cách là một người trung gian và trên cơ sở nghĩa vụ thông tin đối với bà X. Việc không thực hiện nghĩa vụ này cho phép hủy hợp đồng’[12].

 Bộ nguyên tắc luật hợp đồng Châu Âu (PECL) gián tiếp quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng, thông qua các quy định về nguyên tắc thiện chí và trung thực. Theo đó, hành vi cố tình không cung cấp thông tin hoặc cố tình cung cấp thông tin không chính xác bị coi là hành vi gian dối; dẫn đến hậu quả pháp lý là hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu hoặc bên bị vi phạm có quyền tuyên bố hủy hợp đồng. Ví dụ như, Điều 4.107 của Bộ nguyên tắc luật hợp đồng Châu Âu quy định hợp đồng bị tuyên vô hiệu khi một bên gian dối không cung cấp một thông tin mà theo nguyên tắc thiện chí buộc phải cung cấp.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

  1.  Bộ nguyên tắc Luật hợp đồng Châu Âu
  2.  Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804
  3.  Bộ luật Dân sự năm 2015
  4.  Luật Thương mại 2005

Tài liệu tham khảo

  1.  Kiều Thị Thùy Linh ‘Nghĩa vụ tiền hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật dân sự’ (2015) số đặc biệt Tạp chí Luật học
  2. Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật hợp đồng Phần chung (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2013)
  3.  Kiều Thi ̣Thùy Linh, ‘Nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dich vụ của nguyên tắc luật Châu Âu (PEL SC) và bài học kinh nghiêm trong viêc hoàn thiên quy đinh pháp luật ở Viêt Nam’ (2015) Tap chí Dân chủ và pháp luât điên tử <http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=143>  truy cập ngày 22/10/2019
  4. Phạm Duy Nghĩa ‘Điều chỉnh thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong pháp luật hợp đồng Việt Nam’ (2003) 5  Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  5.  Nguyễn Thúy Anh ‘Thông tin bất cân xứng – rủi ro tiềm ẩn’ (2007) Tạp chí Tia sáng<http://tiasang.com.vn/-khoi-nghiep/thong-tin-bat-can-xung-rui-ro-tiem-an-1687> truy cập ngày 20/10/2019
  6.  Nguyễn Bình Minh, Hà Công Bảo Anh ‘Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng-pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới’ (2016) 86/2016 Tạp chí Kinh tế Đối ngoại  
  7.  Đỗ Văn Đại ‘Nghĩa vụ thông tin trong pháp luật hợp đồng Việt Nam’ (2007) 22 Tạp chí Nhà nước và pháp luật
  8. Friedrich Kessler and Edith Fine, Culpa in Contrahendo, Bargaining in Good Faith, and Freedom of Contract: A Comparative Study (77 Harv. L. Rev. 401. 1964

 

* Giảng viên Khoa Kinh tế – Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

[1] Friedrich Kessler and Edith Fine Culpa in Contrahendo, Bargaining in Good Faith, and Freedom of Contract: A Comparative Study (77 Harv. L. Rev. 401. 1964)

[2] Kiều Thị Thùy Linh , ‘Nghĩa vụ tiền hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật dân sự’ (2015) Tạp chí Luật học 111, 122

[3] Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật hợp đồng Phần chung (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2013) 350

[4] Kiều Thi ̣Thùy Linh, ‘Nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dich vụ của nguyên tắc luật Châu Âu (PEL SC) và bài học kinh nghiêm trong viêc hoàn thiên quy đinh pháp luật ở Viêt Nam’ Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điên tử <http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=143&gt; truy cập ngày 22/10/2019

[5] Phạm Duy Nghĩa, ‘Điều chỉnh thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong pháp luật hợp đồng Việt Nam’ (2010) 5 Tạp chí Nghiên cứu lập pháp 38-46

[6] Nguyễn Thúy Anh, ‘Thông tin bất cân xứng – rủi ro tiềm ẩn’ (2007) Tạp chí Tia sáng <http://tiasang.com.vn/-khoi-nghiep/thong-tin-bat-can-xung-rui-ro-tiem-an-1687&gt; truy cập ngày 20/10/2019

[7] BLDS 2015 Điều 387

[8] Luật Thương mại 2005 Điều 14(1)

[9] Nguyễn Bình Minh, Hà Công Bảo Anh, ‘Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng-pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới’ (2016) 86/2016 Tạp chí Kinh tế Đối ngoại 9, 10

[10] Đỗ Văn Đại, ‘Nghĩa vụ thông tin trong pháp luật hợp đồng Việt Nam’ (2007) 22 Tạp chí Nhà nước và Pháp luật 25

[11] Kiều Thị Thùy Linh, ‘Nghĩa vụ tiền hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật Dân sự’ (2015) Tạp chí Luật học 113

[12] Phòng dân sự số 1 ngày 13 tháng 4 năm 199 của Tòa án tối cao Pháp, dẫn nguồn: Đỗ Văn Đại, ‘Nghĩa vụ thông tin trong pháp luật hợp đồng Việt Nam’ (2007) 22 Tạp chí Nhà nước và Pháp luật

Advertisement