[CS SỐ 05 – 12/2018] CÁC CƠ CHẾ PHÒNG NGỪA TRANH CHẤP GIỮA NHÀ NƯỚC & NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI – GÓC NHÌN TỪ ASEAN

Trần Ngọc Phương Minh (K15502) & Nguyễn Lê Bảo Châu (K16502),

ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.

Theo dữ liệu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tới 2015, 10 thành viên ASEAN đã kí kết 664 Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và các Hiệp định thương mại chứa các chương quy định về đầu tư.[1] Các hiệp định này được kí kết trong nội khối các thành viên ASEAN với nhau, giữa các thành viên ASEAN và các quốc gia bên ngoài, và dưới danh nghĩa khối ASEAN với các quốc gia khác. Ngoài sự chồng lấn về các định nghĩa, các quy định về bảo hộ đầu tư và các điều khoản giải quyết tranh chấp dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng luật đối với đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư còn có thể lợi dụng mạng lưới này để “treaty shopping”, lựa chọn hiệp định chứa những điều khoản có lợi cho mình làm luật áp dụng khi xảy ra tranh chấp. Bài viết tập trung nêu ra những vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư từ góc nhìn của ASEAN, từ đó kiến nghị các cơ chế phòng ngừa tranh chấp hiệu quả cho các quốc gia này.

Từ khóa: ASEAN, Hiệp định đầu tư, tranh chấp nhà nước & nhà đầu tư nước ngoài

 

According to the United Nations Conference on Trade & Development (UNCTAD),  as of 2015, the 10 Member States of ASEAN had ratified 664 Bilateral Investment Treaties (BITs) and Free Trade Agreements containing chapters on investment. These treaties were signed between ASEAN members, ASEAN members with other non-ASEAN States, and most importantly, ASEAN as a whole with non-ASEAN States.  Notwithstanding the overlapping definitions, investment protection clauses and dispute resolution mechanisms which make resolving international investment disputes difficult, the investors can make use of these treaties to conduct “treaty shopping”, choosing favourable treaties to be the applicable laws in their disputes with host states. Hence, this article concentrates on citing difficulties in dispute resolution between host states and foreign investors from an ASEAN perspective and then recommends effective prevention methods for international investment disputes.

Keywords: ASEAN, Bilateral Investment Treaties, Investor – State disputes.

  1. Khái niệm khoản đầu tư và nhà đầu tư

Đầu tư quốc tế được hiểu là việc chủ sở hữu chuyển tài sản vô hình hoặc hữu hình của mình từ một quốc gia tới một quốc gia khác, với mục đích tạo ra lợi nhuận.[2] Đầu tư quốc tế thường được điều chỉnh bởi các hiệp định đầu tư quốc tế song phương và đa phương. Các hiệp định này được kí kết giữa các quốc gia là nước mà nhà đầu tư mang quốc tịch và quốc gia được đầu tư, đặt ra các nguyên tắc bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài và tài sản của họ. Ngoài ra, các hiệp định này cũng tạo cơ hội để nước được đầu tư thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, tạo đà phát triển kinh tế.

Đối với khối ASEAN, việc kí kết các Hiệp định đầu tư song phương và đa phương mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đa số các quốc gia trong khối này đều là các quốc gia đang phát triển, nhất là nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Vào năm 2009, các quốc gia ASEAN đã kí kết Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ASEAN Comprehensive Investment Agreement – ACIA) với mong đợi đây sẽ là cơ chế giúp ASEAN thu hút đầu tư nước ngoài, tiến tới hoàn thiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, các BIT kí kết giữa các quốc gia thành viên nội khối ASEAN vẫn có hiệu lực và tạo ra sự chồng lấn với ACIA. Không chỉ vậy, các quốc gia này vẫn tiếp tục giữ quyền tự định đoạt và quyền kí kết các BIT khác, với các quốc gia khác trong tương lai.[3]

1.1. Khoản đầu tư

Thuật ngữ “khoản đầu tư” thường được định nghĩa dưới hai góc độ là góc độ tài sản và và góc độ doanh nghiệp.[4] Góc độ tài sản (‘assets-based approach’) nhắm tới bảo vệ quyền và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Góc độ doanh nghiệp (‘enterprise-based approach’) xác định khoản đầu tư thông qua sự sở hữu hoặc kiểm soát của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp.[5]

Cụ thể như trong Điều 4 (d) Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), thuật ngữ “khoản đầu tư” được định nghĩa là “bất kì loại tài sản nào được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một nhà đầu tư”,[6] định nghĩa này được gắn với một danh sách liệt kê nhưng không giới hạn các loại tài sản được xem là một khoản đầu tư, bao gồm cả cổ phần, trái phiếu và các hình thức đầu tư đem lại quyền và lợi nhuận khác. Các hiệp định kí kết bởi các quốc gia ASEAN thường sử dụng cách định nghĩa này để tạo ra sự bảo hộ cao nhất đối với các khoản đầu tư.[7]

“Khoản đầu tư được bảo hộ” (‘covered investment’) là các khoản đầu tư nằm trong phạm vi bảo hộ của một hiệp định đầu tư. ACIA bảo hộ các khoản đầu tư “phù hợp với luật, quy định và chính sách của quốc gia nhận đầu tư”[8]. Hiệp định ASEAN – Trung Quốc làm rõ hơn khái niệm “chính sách” là những chính sách ảnh hưởng tới khoản đầu tư mà đã được tuyên bố và xác nhận bởi Chính phủ của một Bên Kí kết, và đã được công khai bằng văn bản”[9].

1.2. Nhà đầu tư

“Nhà đầu tư” là người tiến hành việc đầu tư. Trong các hiệp định đầu tư quốc tế, nhà đầu tư bao gồm cá nhân, pháp nhân và các hình thức tổ chức khác như các doanh nghiệp và tổ chức không có tư cách pháp nhân.[10] Quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thường được xác định qua quốc tịch, quyền công dân hoặc nơi thường trú. Quốc tịch của pháp nhân thường được xác định qua nơi đăng kí thành lập, trụ sở chính hoặc nơi pháp nhân thực hiện nhiều giao dịch nhất.

Điều 4 (d) ACIA đã định nghĩa nhà đầu tư là thể nhân hoặc pháp nhân của một Bên Kí kết, đã và đang thực hiện đầu tư tại một nước thành viên khác. Theo Điều này, pháp nhân phải được thành lập hợp pháp và phải có hoạt động thương mại đáng kể trên lãnh thổ của quốc gia được đầu tư.

            Khi nhà đầu tư đầu tư vào một quốc gia khác, nhà đầu tư sẽ được bảo hộ bởi các nguyên tắc chung của luật quốc tế như nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc (MFN), nguyên tắc đối xử Quốc gia (NT), nguyên tắc Đối xử công bằng và bình đẳng (FET). Đồng thời, tài sản của nhà đầu tư cũng được bảo vệ khỏi việc bị truất hữu bất hợp pháp hoặc quốc hữu hóa. Tuy nhiên, các hiệp định đầu tư quốc tế thường có xu hướng chứa đựng các điều khoản bảo hộ quá mức và vô hạn do các quốc gia quá chú trọng vào việc thu hút đầu tư.[11] Vì vậy, bất cứ hành động nào của chính phủ ảnh hưởng tới lĩnh vực được đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài cũng có khả năng bị xem là biện pháp vi phạm các điều khoản bảo hộ đầu tư, dẫn tới tranh chấp.

  1. Các cơ chế giải quyết tranh chấp

Các Hiệp định kí kết bởi các quốc gia ASEAN thường cung cấp đầy đủ một loạt các cơ chế giải quyết tranh chấp và thủ tục liên quan, có thể kể đến một số cơ chế thường được ghi nhận như: 1) Hòa giải; 2) Tham vấn; 3) Cơ chế giải thích chung của các quốc gia là Bên Kí kết; 4) Tố tụng hành chính tại các quốc gia ASEAN; 5) Tranh tụng tại hệ thống Tòa án trong nước của các quốc gia ASEAN; 6) Cơ chế trọng tài của Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID); 7) Trọng tài vụ việc theo luật UNICITRAL.[12]

Đối với ACIA, khi có tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư thì đầu tiên các bên phải hòa giải[13] hoặc sử dụng các cơ chế không ràng buộc khác[14] để giải quyết tranh chấp. Nếu sau 180 ngày việc hòa giải không thành, một trong các bên có thể nộp đơn khởi kiện theo cơ chế trọng tài.[15] Điều 33 ACIA quy định hàng loạt các cơ chế mà các bên có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp như tố tụng hành chính, tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài ad hoc và tố tụng trọng tài theo ICSID. Nhà đầu tư nước ngoài là bên có quyền quyết định cơ chế giải quyết tranh chấp, nhưng một khi đã quyết định tố tụng theo một cơ chế quy định trong Điều 33, nhà đầu tư sẽ mất quyền sử dụng các cơ chế còn lại.

Hơn 640 Hiệp định của các nước ASEAN có các cơ chế tương tự như trên, hơn nữa, mối quan hệ hay thứ bậc ưu tiên giữa các Hiệp định này chưa được nghiên cứu và xem xét.[16] Do vậy, có rủi ro rất cao một tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài phát sinh từ một vi phạm quy định trong cả một Hiệp định do khối ASEAN kí kết và một Hiệp định do bản thân quốc gia thành viên ASEAN kí kết sẽ được giải quyết bởi hai cơ chế giải quyết tranh chấp quy định trong hai Hiệp định. Quốc gia nhận đầu tư sẽ tốn rất nhiều chi phí và công sức để tham gia tranh tụng dưới các cơ chế khác nhau quy định trong các Hiệp định khác nhau.[17]

Hơn nữa, các hiệp định đầu tư quốc tế hiện nay đều có những quy định rất rõ ràng, cụ thể đến từng chi tiết cam kết về quyền và nghĩa vụ, các điều khoản chọn bỏ, bảo lưu,… do đó, chỉ cần nhà nước, đặc biệt là các nước ASEAN ứng xử không phù hợp với các quy định trong hiệp định đầu tư thì nguy cơ bị khởi kiện là rất cao.[18]

  1. Thực trạng giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực ASEAN

Với lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ASEAN càng lúc càng tăng lên, các quốc gia ASEAN càng có rủi ro lớn đối mặt với các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Các quốc gia thành viên như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Philippines đều đã vướng phải tranh tụng với nhà đầu tư tại tòa trọng tài.[19]  Mặc dù số lượng tranh chấp thấp so với dòng vốn đầu tư dồi dào trong khu vực này, ảnh hưởng của chúng đã trở nên đáng báo động với các quốc gia liên quan.[20]

Ví dụ như tại Việt Nam hiện đang thực thi áp dụng cơ chế phân cấp đầu tư. Theo đó, các địa phương được quyền cấp phép dự án tùy theo quy mô, mức độ dự án.[21] Việc này đã tạo quyền lực rất lớn cho các địa phương, dẫn đến việc cấp phép tràn lan và rút phép một cách tùy tiện, gây ra sự bức xúc cho nhà đầu tư nước ngoài và tăng nguy cơ khởi kiện đối với Việt Nam.

Trong vụ việc SGS v. Philippines, hội đồng trọng tài đã giải nghĩa umbrella clause [22] quá rộng làm cho Philippines thua vụ kiện.[23] Trong vụ việc Amco v. Republic Indonesia, hội đồng trọng tài đã tính toán số tiền bồi thường thiệt hại quá lớn tới mức Indonesia đã từ chối thực thi phán quyết.[24] Với nhiều vụ việc tương tự khác, những lập luận không thuyết phục và bảo vệ các nhà đầu tư quá mức, không màng tới các chính sách của các quốc gia được đầu tư làm cho cho các quốc gia ASEAN không thể bảo vệ lợi ích phát triển kinh tế của mình.[25]

Hơn nữa, quy trình giải quyết tranh chấp quy định trong các Hiệp định đầu tư thường chỉ sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ tố tụng, và luật tố tụng (lex arbitri) được xây dựng bởi các tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại Mỹ hoặc Châu Âu. Việc này tạo ra rất nhiều hậu quả tiêu cực cho các quốc gia ASEAN như: rào cản ngôn ngữ; gánh nặng tài chính và thiếu số lượng chuyên gia bào chữa, dẫn tới những kết quả không như ý.[26] Hội đồng trọng tài và hội đồng tư vấn tới từ các quốc gia nói tiếng Anh cũng không thân thuộc với tình hình xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa của các quốc gia ASEAN.[27] Vì vậy, các quốc gia ASEAN nên có các cơ chế phòng ngừa tranh chấp hiệu quả, nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của các hiệp định tự do thương mại và đầu tư.

 

  1. Kiến nghị các phương thức phòng ngừa tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài

            Khi các tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho quốc gia tiếp nhận đầu tư, các quốc gia đã có những phản ứng khác nhau. Một số quốc gia đã quyết định rút khỏi hệ thống giải quyết tranh chấp ICSID[28] (Bolivia, Ecuador, Venezuela,…), sửa đổi các Hiệp định đầu tư hoặc FTA mà quốc gia đó là một bên ký kết, hoặc thiết lập các phương thức phòng ngừa tranh chấp. Trong đó, theo nhóm tác giả, các quốc gia ASEAN nên định hướng tham khảo các phương thức phòng ngừa tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài để bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia và vẫn thu hút được dòng vốn đầu tư quốc tế.

4.1. Chia sẻ thông tin   

Thời điểm tốt nhất để giải quyết một tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài là trước khi tranh chấp đó xảy ra.[29] Cách tốt nhất để các quốc gia phòng ngừa tranh chấp là thực hiện các chính sách chia sẻ thông tin và tạo ra sự hợp tác trong hệ thống các cơ quan nhà nước.[30] Các hiệp định đầu tư quốc tế chủ yếu được đàm phán giữa các viên chức ngoại giao, viên chức chính phủ cấp cao, đồng thời nội dung và mức độ nghĩa vụ mà họ thỏa thuận thường không liên kết đến các cơ quan địa phương – những chủ thể làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư. Rất ít những chính sách khuyến khích, bảo hộ và tự do hóa đầu tư mà chính phủ cam kết được các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện đối với nhà đầu tư.[31]

Để giải quyết vấn đề trên, các nước đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện việc chia sẻ thông tin. Một trong số đó là Peru[32] với các biện pháp chủ yếu được đặt ra là:

(i) Thông báo đến các cơ quan nhà nước ở địa phương về các cam kết quốc tế của chính phủ đối với các nhà đầu tư;

(ii) Thiết lập hệ thống thông tin trên website của một cơ quan nhà nước (có thể là Chính phủ hoặc Bộ Kế hoạch & Đầu tư), theo đó các cơ quan ở địa phương sẽ thông báo kịp thời qua website khi nảy sinh vấn đề với nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống này có thể cảnh báo sớm vấn đề, giúp các quốc gia kịp thời can thiệp và có những quyết định thích hợp khi có tranh chấp. Hơn nữa, hệ thống này cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài gửi thông báo, khiếu nại đến các cơ quan nhà nước và yêu cầu giải quyết thông qua hệ thống thông tin này.

Đồng thời, các hội thảo cũng nên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan địa phương đối với tranh chấp nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong cách tiếp cận và thực hiện các Hiệp định đầu tư.

4.2. Thực hiện thủ tục xem xét lại các quyết định hành chính (‘administrative review’)

Một phương thức khác giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài là đặt ra một cơ chế để xem xét lại các quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước khi nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở cho rằng các quyết định vi phạm các điều khoản của các BIT.[33]

Khi quốc gia tiếp nhận đầu tư xem xét lại các quyết định hành chính và nhận ra những sai sót trong việc ban hành chính sách, họ sẽ kịp thời sửa chữa những vấn đề phát sinh hoặc thay thế bằng một chính sách khác. Với cách tiếp cận như vậy, nhà nước sẽ đạt được sự cải thiện trong bộ máy hành chính, từ đó tránh được việc tranh tụng trước hội đồng trọng tài với khoản chi phí giải quyết tranh chấp khổng lồ. Không chỉ vậy, nhà đầu tư cũng có sự tin tưởng hơn đối với quốc gia tiếp nhận đầu tư khi vấn đề được giải quyết nhanh chóng.

Các BIT được kí kết trong thời gian gần đây đều cung cấp cơ chế xem xét lại các quyết định hành chính trước khi tiến tới giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trong số đó có thể kể đến bản dự thảo BIT của Trung Quốc và Latvia[34] và BIT đã kí kết giữa Belgium-Luxembourg và Colombia năm 2009[35]. Điều này cho thấy sự tích cực của các quốc gia trong nỗ lực cải thiện bộ máy hành chính để giảm thiểu các tranh chấp về đầu tư và khuyến khích đầu tư nước ngoài.

4.3. Cơ quan giám sát (“ombuds”) và hòa giải

Hiện nay, một số quốc gia tiếp cận đầu tư đã cung cấp các cơ chế chuyên tiếp nhận và giải quyết các vấn đề mà nhà đầu tư gặp phải bằng cách thiết lập cơ quan tiếp nhận khiếu nại từ nhà đầu tư và dịch vụ hòa giải.

Giám sát viên (“Ombud”) là viên chức được chỉ định bởi cơ quan nhà nước thực hiện giải quyết các khiếu nại hành chính và tư pháp, được xem là “cơ chế giám sát” các hoạt động đầu tư.[36] Đối với các nhà đầu tư, cơ quan giám sát cung cấp kênh đối thoại chính thức để xác định những vấn đề nhà đầu tưư gặp phải ở giai đoạn đầu. Thông thường, cơ quan giám sát giúp nhà đầu tư giải quyết khó khăn một cách nhanh chóng và chi phí thấp hơn nhiều so với giải quyết tranh chấp bằng các hình thức khác.

Giám sát viên hoặc cơ quan giám sát của quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ tạo cầu nối giải quyết vấn đề mà nhà đầu tư gặp phải. Cơ quan giám sát sẽ cung cấp thông tin kịp thời, giúp chính quyền địa phương tiếp cận và đánh giá vấn đề. Cơ quan này cũng tạo điều kiện cho chính quyền địa phương đưa ra những hành động cần thiết để khắc phục các vướng mắc trước khi mối quan hệ giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương trở nên xấu đi.

Một điển hình cho những cơ quan giám sát như vậy có thể được tìm thấy ở Hàn Quốc, văn phòng giám sát là vị trí chiến lược nằm trong KOTRA (The Republic of Korea investment promotion agency – Cơ quan xúc tiến đầu tư Hàn Quốc), tuy vậy văn phòng hoàn toàn độc lập với KOTRA và chịu trách nhiệm trực tiếp trước thủ tướng. OIO[37] (The Office of the Foreign Investment Ombudsman – Văn phòng thanh tra đầu tư nước ngoài) là một tổ chức phi lợi nhuận nằm trong KOTRA với mục tiêu chính là hỗ trợ nhà đầu tư đối mặt với khó khăn trong quản lý doanh nghiệp, theo dõi và giải quyết các vấn đề cũng như tiếp tục hướng đến việc cải thiện môi trường đầu tư ở nước tiếp nhận đầu tư.

OIO thường giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư theo hai loại thủ tục đặc biệt, tùy thuộc vào bản chất của khiếu nại. Một mặt, vấn đề sẽ được giải quyết thông qua hội đồng tư vấn doanh nghiệp, bao gồm dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài trong việc nghiên cứu luật quốc gia, giải quyết vấn đề,… để giúp nhà đầu tư vượt qua khó khăn khi đối mặt với môi trường đầu tư ở Hàn Quốc. Mặt khác, nếu các khiếu nại xuất phát từ lỗ hổng pháp luật hay các trở ngại hành chính, ngoài việc tư vấn cho nhà đầu tư, OIO có thể để nghị các cơ quan liên quan của Chính phủ cải thiện chính sách đầu tư, thủ tục hành chính, luật pháp và các quy định.

Một cách tiếp cận tương tự như trên có thể được tìm thấy trong việc thiết lập dịch vụ hòa giải về đầu tư. Nhà nước có thể lập ra cơ quan hòa giải cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc chỉ định một hòa giải viên xúc tiến đối thoại giữa các bên nhằm tạo điều kiện giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Cơ chế hòa giả đóng vai trò như là một người truyền đạt, tư vấn và hòa giải chứ không phải là người cầm quyền hay thẩm phán, cơ chế này sẽ phản hổi những yêu cầu từ nhà nước như nhà đầu tư và đưa ra những giải pháp có cân nhắc lợi ích giữa các bên.

  1. Kết luận

Mặc dù các vụ kiện trên thực tế đối với các quốc gia ASEAN chưa thực sự nhiều, nhưng ảnh hưởng của chúng thì không hề nhỏ. Từ những kinh nghiệm của các quốc gia khác, cùng với những vụ kiện đã gặp phải, các quốc gia ASEAN phải cảm thấy sự cần thiết trong việc xây dựng và phát triển các biện pháp phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế để bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia, đồng thời vẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các biện pháp như thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin, ban hành thủ tục rà soát hành chính và thiết lập các cơ quan giám sát và hòa giải chính là các biện pháp nổi bật và được đánh giá cao về tính hiệu quả mà các quốc gia ASEAN nên nghiên cứu tham khảo và áp dụng cho quốc gia của mình.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Văn bản pháp luật:
  2. Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)
  3. Hiệp định Đầu tư ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)
  4. Hiệp định Đầu tư ASEAN- Ấn Độ.
  5. Hiệp định ASEAN- Australia-New Zealand.
  6. Hiệp định Đầu tư ASEAN – Hàn Quốc.
  7. Luật đầu tư công Việt Nam số 49/2014/QH13 của Quốc hội ngày 18 tháng 6 năm 2014.
  1. Phán quyết trọng tài quốc tế:
  2. SGS Société Générale de Surveillance S.A. v. Republic of the Philippines, ICSID Case No. ARB/02/6, 29/01/2004.
  3. Amco Asia Corporation and others v. Republic of Indonesia, ICSID Case No. ARB/81/1, 17/12/1992.
  1. Bài viết chuyên ngành:
  2. Barton Legum, (2006). “The difficulties of conciliation in investment treaty cases: A comment on Professor Jack C. Coe’s ‘Toward a complementary use of conciliation in investor-State disputes—A preliminary sketch’”. 21:4 Mealey’s Arbitration Rep. 72 (2006), reprinted in 2:2 Mediation Committee Newsletter 27 (International Bar Association 2006).
  3. Diane A. Desierto (2015), Monitoring and Implementing AEC Investment Policy in ASEAN’s Regional Treaties.
  4. Herliana. (2015). ASEAN Synergy to Overcome Challenges in Investment Arbitration. Indonesian J. Int’l L., 13, 32.
  5. M Sornarajah, Asian Views of Foreign Investment Law, in Nottage, Foreign Investment and Dispute Resolution Law and Practice in Asia, Routledge, 2011, Vivienne Bath and Luke Nottage (eds).
  6. Nipawan, P. (2015). The ASEAN way of investment protection: an assessment of the ASEAN comprehensive investment agreement (Doctoral dissertation, University of Glasgow).
  7. Sornarajah, M. (2017). The international law on foreign investment. Cambridge University Press.
  8. Schefer, K. N. (2016). International investment law: text, cases and materials. Edward Elgar Publishing.
  9. UNCTAD (2010), Investor–State Disputes: Prevention and Alternatives to Arbitration, UNCTAD Series on International Policies for Development, 2010.
  10. UNCTAD (2011), Scope and Definition, UNCTAD Series on Issues in IIAs II, New York, Geneva, UN.
  1. Link tham khảo:
  2. Administrative Review Policy, November 2014, xem 24.11.2018, <https://bit.ly/2DRWbse>.
  3. Nguy cơ Chính phủ bị khởi kiện theo CPTPP: Mối lo mang tên “phân cấp đầu tư”, xem 05.12.2018, <https://bit.ly/2FXDR3O&gt;.
  4. Xem 24.11.2018, <http://investmentpolicyhub.unctad.org/Download/TreatyFile/754&gt;
  5. Xem 24.11.2018, <http://investmentpolicyhub.unctad.org/Download/TreatyFile/342&gt;
  6. Xem 24.11.2018, <http://ombudsman.kotra.or.kr/&gt;.

[1] Diane A. Desierto (2015), Monitoring and Implementing AEC Investment Policy in ASEAN’s Regional Treaties, tr.15.

[2] Sornarajah, M. (2017). The international law on foreign investment. Cambridge University Press, tr.7.

[3] Nipawan, P. (2015). The ASEAN way of investment protection: an assessment of the ASEAN comprehensive investment agreement (Doctoral dissertation, University of Glasgow), tr.41.

[4] UNCTAD (2011), Scope and Definition, UNCTAD Series on Issues in IIAs II, New York, Geneva, UN, tr.21.

[5] Schefer, K. N. (2016). International investment law: text, cases and materials. Edward Elgar Publishing., tr.70.

[6] ACIA, Điều 4 (c): “Every kind of asset, owned or controlled, by an investor”. See more: Salacuse, J. W. (2010). The law of investment treaties. Oxford University Press on Demand. tr.160.

[7] UNCTAD, (2011), Scope and Definition, UNCTAD Series on Issues in IIAs II, New York, Geneva, UN, tr.24-27.

[8] ACIA, Điều 4 (a).

[9] Hiệp định Đầu tư ASEAN – Trung Quốc, Điều 1(d), chú thích số 1.

[10] Schefer K. N. (2016). Id 5, tr.135.

[11] Herliana. (2015). ASEAN Synergy to Overcome Challenges in Investment Arbitration. Indonesian J. Int’l L.13, 32, tr.01.

[12] Xem ACIA Điều 28 et seq; Hiệp định Đầu tư ASEAN- Ấn Độ, Điều 20 et seq; Chương Đầu tư của Hiệp định ASEAN- Australia-New Zealand, Điều 18 et seq.; Hiệp định Đầu tư ASEAN – Hàn Quốc, Điều 18 et seq.; Hiệp định Đầu tư ASEAN – Trung Quốc, Điều 13 et seq.

[13] ACIA, Điều 30.

[14] ACIA, Điều 31.

[15]  ACIA, Điều 32.

[16] Diane A. Desierto (2015), id 1, tr.37.

[17] Diane A. Desierto (2015), id 1, tr.7.

[18] Nguy cơ Chính phủ bị khởi kiện theo CPTPP: Mối lo mang tên “phân cấp đầu tư”, xem 05.12.2018, <https://bit.ly/2FXDR3O>.

[19] Herliana, (2015).  Id 11, tr.03. Một số tranh chấp có thể kể tới như Thai-Lao Lignite v. Lao PDR, Malaysian Historical SalvorsSdnBhd v. Government of Malaysia, Trinh VinhBinh v. Vietnam.

[20] M Sornarajah, Asian Views of Foreign Investment Law, in Nottage, Foreign Investment and Dispute Resolution Law and Practice in Asia, Routledge, 2011, Vivienne Bath and Luke Nottage (eds) page 248.

[21] Điều 39 Luật Đầu tư công 2014

[22] Điều khoản cho phép đưa các nghĩa vụ hợp đồng kí kết giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài vào trong phạm vi bảo hộ của các BIT.

[23] SGS Société Générale de Surveillance S.A. v. Republic of the Philippines, ICSID Case No. ARB/02/6, 29/01/2004.

[24] Amco Asia Corporation and others v. Republic of Indonesia, ICSID Case No. ARB/81/1, 17/12/1992.

[25]  Herliana, id 11, tr.04.

[26] Herliana, id 11, tr.04.

[27] Herliana, id 11, tr.01.

[28] Trung Tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (The International Centre for Settlement of Investment Disputes – ICSID) được thiết lập vào năm 1966 dựa trên Công ước 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và công dân các quốc gia khác.. Tính đến ngày 27/08/2018, Công ước ICSID có 162 quốc gia thành viên. Xem 04.12.2018, <https://icsid.worldbank.org/en/Pages/icsiddocs/List-of-Member-States.aspx>.

[29]  Barton Legum, (2006). “The difficulties of conciliation in investment treaty cases: A comment on Professor Jack C. Coe’s ‘Toward a complementary use of conciliation in investor-State disputes—A preliminary sketch’”. 21:4 Mealey’s Arbitration Rep. 72 (2006), reprinted in 2:2 Mediation Committee Newsletter 27 (International Bar Association 2006).

[30] Investor–State Disputes: Prevention and Alternatives to Arbitration, UNCTAD Series on International Policies for Development, 2010, tr.93.

[31] Id 27, 2010, tr.67.

[32] Peru đã có tranh chấp đầu tiên với nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2003 và sau đó cũng nhận nhiều khiếu kiện dựa trên các hiệp định đầu tư giữa Peru và nhà đầu tư nước ngoài. Để giải quyết vấn đề trên, Peru đã ban hành luật số 28933 để góp phần phòng tránh tranh chấp đầu tư dựa trên cơ chế chia sẻ thông tin, Investor–State Disputes: Prevention and Alternatives to Arbitration, UNCTAD Series on International Policies for Developement, 2010, tr.69.

[33]Administrative Review Policy, November 2014, xem 24.11.2018, <https://bit.ly/2DRWbse>.

[34]“…The Republic of Latvia takes note of the statement that the People’s Republic of China requires that the investor concerned exhausts the domestic administrative review procedure specified by the laws and regulations of the People’s Republic of China, before submission of the dispute to ICSID…” , xem 24.11.2018, <http://investmentpolicyhub.unctad.org/Download/TreatyFile/754>.

[35] “With regard to acts of a governmental authority, in order to submit a claim to arbitration under this Article or to a local court or administrative tribunal, local administrative remedies shall be exhausted, should it be required by the law of the Contracting Party. Such procedure shall in no case exceed six months from the date of its initiation by the investor…”, xem 24.11.2018, <http://investmentpolicyhub.unctad.org/Download/TreatyFile/342>.

[36] Id 27, 2010, pg.87

[37] Xem 24.11.2018, <http://ombudsman.kotra.or.kr/>.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s