Người tham gia giao thông có được phép rẽ phải khi đèn đỏ không?

Điểm b Khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định:

“3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:

  1. a) Tín hiệu xanh là được đi;
  2. b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
  3. c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.”

Tiếp đến, khoản 9.3.4 Điều 9 Quy chuẩn 41:2012/BGTVT quy định:

“Điều 9. Điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn

9.3. Ý nghĩa của đèn tín hiệu:

9.3.4. Tín hiệu đỏ: Cấm đi.”

Sau khi ban hành các Luật, văn bản dưới Luật thì người tham gia tuân thủ chấp hành quy định là đèn đỏ dừng, không đi, cho dù đi thẳng hay rẽ phải, rẽ trái. Tuy nhiên, với một số tỉnh, thành chẳng hạn như Hà Nội, TP.HCM,… nạn ùn tắc xe kéo dài, và để giải quyết tình trạng này, các tỉnh, thành đã có văn bản quy định cho phép rẽ phải khi có đèn tín hiệu hay biển báo hiệu. Đơn cử như sau:

Tại Quyết định 2992/QĐ-UBND của TP.HCM:

“Nhóm giải pháp 3: Các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

  1. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, điều chỉnh chu kỳ hợp lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông; Lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ có mật độ xe lưu thông cao nhưng chưa có đèn tín hiệu giao thông (Phụ lục 9); lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu giao thông cho phép rẽ trái hoặc rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ đủ điều kiện.”

Như vậy, trong các trường hợp không có đèn tín hiệu giao thông hay biển hiệu cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông không được phép rẽ phải, nếu vi phạm thì tùy loại phương tiện người đó điều khiển sẽ bị xử phạt theo mức sau, căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 01/8/2016):

Phương tiện giao thông Mức xử phạt trong trường hợp rẽ phải khi có đèn đỏ
Ô tô 1.200.000 – 2.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 5)
Xe máy, xe mô tô 300.000 – 400.000 đồng (điểm c khoản 4 Điều 6)
Máy kéo, xe máy chuyên dùng 400.000 – 600.000 đồng (điểm g khoản 4 Điều 7)
Xe đạp 60.000 – 80.000 đồng (điểm h khoản 2 Điều 8)
Advertisement