Người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể di sản của mình cho người thừa kế. Người lập di chúc có quyền phân chia di sản cho mỗi người không nhất thiết phải ngang nhau mà không cần phải nêu lý do. Người lập di chúc cũng có thể chỉ định nhiều người thừa kế và di sản được chia đều cho những người có tên trong di chúc. Nếu những người này có sự thỏa thuận về việc hưởng di sản thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo sự thỏa thuận đó. Người lập di chúc cũng có thể phân định di sản theo tỷ lệ mà không xác định rõ phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng và mỗi người thừa kế được hưởng phần di sản theo tỷ lệ đã được xác định trên tổng giá trị khối tài sản đang còn vào thời điểm phân chia. Hoặc người lập di chúc có thể phân định rõ trong di chúc người thừa kế nào được hưởng di sản là hiện vật gì; khi di sản được phân chia, các thừa kế được nhận hiện vật theo sự xác định trong di chúc.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, pháp luật quy định quyền của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, các đối tượng được thừa kế tài sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Cụ thể, Điều 669 BLDS quy định:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”