[CS 10 – 06/2021] CHỦ THỂ THỰC HIỆN QUYỀN BẢO VỆ SỰ TOÀN VẸN CỦA TÁC PHẨM SAU KHI TÁC GIẢ MẤT

Nguyễn Thị Ánh Dương (K19504T),

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp. HCM

Tóm tắt:

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền của người sáng tạo nên tác phẩm, thuộc phạm vi quyền tác giả trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mang giá trị tinh thần[1] và được bảo hộ vĩnh viễn. Các hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm như sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm, gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả[2] đều bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vì bản chất quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là một quyền nhân thân không gắn với tài sản thuộc về tác giả, không thể chuyển giao cho người khác[3] nên quyền này bị rơi vào tình trạng không có chủ thể thực hiện sau khi tác giả mất. Bài viết sẽ làm rõ vấn đề liệu khi tác giả mất thì quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có mất đi hay không, nếu không thì chủ thể nào sẽ tiếp tục thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm nếu tác giả qua đời. Việc tìm hiểu những quy định hiện hành, nêu lên một số bất cập về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và có những đề xuất liên quan là điều cần thiết trong vấn đề bảo vệ tác quyền.

Từ khóa: Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

Abstract:

The moral right of integrity which is the right of the authors, under the copyright scope in intellectual property, has spiritual value and is protected forever. Acts of infringing upon the moral right of integrity, such as modifying, truncating, or distorting the works, causing harm to the honour and reputation of the author, shall be regarded as illegal acts. However, since the nature of the moral right of integrity is not attached to property belonging to the author, which cannot be transferred to anyone, this right will be in a state which does not have subjects to exercise after the author’s death. The article clarifies whether the author dies, the moral right of integrity will be lost or not; who will continue to exercise the moral right of integrity if the author dies. Understanding the current regulations and mentioning some inadequacies on the moral right of integrity is essential to protecting copyright issues.

Keywords: Intellectual property, author’s rights, the moral right of integrity

1. Khái quát về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

1.1. Định nghĩa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

Có nhiều định nghĩa về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, trong đó, các định nghĩa chủ yếu tập trung vào nội dung của quyền này: cho phép tác giả ngăn cản các hành vi xâm phạm tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Chẳng hạn, Công ước Berne 1971 về Bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật (sau đây gọi là Công ước Berne) mô tả quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là một trong những quyền nhân thân quan trọng của tác giả, “phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén, sửa đổi hoặc những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm tác giả”.[4] Tương tự, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có định nghĩa về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gần giống như Công ước Berne. Đơn cử, Đạo luật Bản quyền Australia khái quát quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền phản đối sự xâm phạm của người khác đến tác phẩm[5]. Đồng thời, Đạo luật này cũng diễn giải về các “hành vi xâm phạm” tác phẩm bao gồm: “bất kỳ việc gì liên quan đến tác phẩm dẫn đến sai lệch, bóp méo tác phẩm, phá hủy, cắt xén hoặc làm thay đổi quan trọng đối với tác phẩm gây phương hại đến danh dự hoặc danh tiếng của tác giả; hoặc triển lãm trước công chúng về tác phẩm gây phương hại đến danh dự hoặc danh tiếng của tác giả bởi cách thức hoặc địa điểm diễn ra triển lãm; hoặc làm bất cứ điều gì khác liên quan đến tác phẩm gây phương hại đến danh dự hoặc danh tiếng của tác giả”.[6]

Trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được đề cập tại Điều 19(4), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ). Theo đó, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được thể hiện qua quy định “không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Đối tượng của quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm cũng là các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, được nêu cụ thể tại Điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ.

Tóm lại, từ các định nghĩa về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, có thể thấy tinh thần chung của quyền này đó là quyền của người sáng tạo ra tác phẩm không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả.

1.2. Ý nghĩa của quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được xem là một trong những quyền nhân thân quan trọng nhất đối với tác giả.[7] Tác phẩm là “đứa con tinh thần” của tác giả, được tạo nên bằng toàn bộ tâm huyết, tình cảm, trí tuệ của tác giả. Qua đó, tác phẩm vừa phản ánh nhân cách, suy nghĩ của người sáng tạo, vừa là viên gạch tác giả dùng để xây dựng hình ảnh của mình trong lòng công chúng. Xét trên phương diện tinh thần, không ít quan điểm ủng hộ rằng “tác phẩm đồng nhất với tác giả”[8] và bản thân tác phẩm cũng chứa đựng “tính chất cá nhân đặc biệt” của tác giả[9]. Suy cho cùng, tác phẩm là một vật chất hữu hình, mang tính “định danh” cho người sáng tạo ra tác phẩm đó. Trong bối cảnh ấy, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được sinh ra với mục đích bảo vệ những giá trị mà tác giả đã thể hiện trong tác phẩm, bao gồm cả những giá trị nhân thân của tác giả đó.

Trên thực tế ngay cả sau khi tác giả qua đời, nhiều tác phẩm mà họ để lại vẫn còn được công chúng tiếp cận, tiếp tục sứ mệnh thay tác giả phản ánh đời sống tinh thần của họ lúc sinh thời. Do vậy, các quyền nhân thân thuộc phạm vi quyền tác giả nói chung và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm nói riêng được bảo hộ vĩnh viễn.[10] Quy định về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không chỉ thể hiện sự tôn trọng tính nguyên bản trong các sản phẩm trí tuệ, sự vẹn nguyên của các giá trị cá nhân tác giả thể hiện qua tác phẩm mà còn động viên tinh thần tác giả, khuyến khích các hoạt động sáng tạo chân chính. Bên cạnh đó, quyền này còn ngăn chặn các hành vi sao chép, cải biên bất hợp pháp, làm sai lệch ý chí của tác giả đối với thành quả sáng tạo của mình.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và thực trạng quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

2.1. Các quy định hiện hành về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được quy định tại Điều 19(4), Luật Sở hữu trí tuệ là quyền “không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Quy định này được giải thích cụ thể tại Điều 20(3), Nghị định 22/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Nghị định 22/2018/NĐ-CP): “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại Điều 19(4) của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả.”

Như đã trình bày, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là một trong những quyền nhân thân không gắn với tài sản thuộc phạm vi quyền tác giả[11]. Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định cụ thể về việc quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không được là đối tượng chuyển nhượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả[12] cũng như không được là đối tượng được chuyển quyền sử dụng trong hợp đồng chuyển giao quyền tác giả[13]. Đồng thời, Luật Sở hữu trí tuệ cũng nêu rõ quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm cũng là một trong những quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn.[14] Như vậy, theo quy định hiện hành, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền chỉ thuộc về tác giả, không thể chuyển giao cho người khác và được bảo hộ vô thời hạn, kể cả sau khi tác giả mất.

Có thể thấy rằng, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những quy định cụ thể về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, cho phép tác giả ngăn cản sự xâm phạm từ người khác đối với tác phẩm khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Tuy vậy, các quy định trên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Thực trạng áp dụng các quy định về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm đã thể hiện những vấn đề nảy sinh từ bất cập đó.

2.2. Tính chất không thể chuyển giao của quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trong pháp luật Việt Nam

Quyền nhân thân nói chung trong pháp luật dân sự Việt Nam có thể được chia thành hai nhóm: quyền nhân thân gắn với tài sảnquyền nhân thân không gắn với tài sản.[15] Các quyền nhân thân gắn với tài sản vừa bảo vệ yếu tố nhân thân của tác giả, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu[16]. Ví dụ, trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là một quyền nhân thân gắn với tài sản và có thể được chuyển giao. Với quyền này, chủ sở hữu có thể tự mình phổ biến tác phẩm tới công chúng để thu về lợi nhuận hoặc có thể chuyển quyền sử dụng quyền công bố tác phẩm cho một người khác để thu lợi. Có thể thấy rằng, quyền nhân thân gắn với tài sản vừa có giá trị tinh thần, vừa có giá trị kinh tế, điều đó làm cho quyền này có thể được chuyển nhượng.

Ngược lại, quyền nhân thân không gắn với tài sản thì không thể được chuyển nhượng[17], trong đó có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Các quyền này chỉ có giá trị tinh thần, không định giá được bằng tiền và không có giá trị kinh tế. Quyền nhân thân không gắn với tài sản trong pháp luật sở hữu trí tuệ là quyền mang tính “định danh” của một tác giả, cho phép tác giả nói lên rằng tác giả đó là ai với đầy đủ những gì tạo nên “thương hiệu cá nhân” của họ, giống như tên, giới tính,.. của một cá nhân[18]. Vì vậy, các quyền nhân thân không gắn với tài sản nói chung và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm nói riêng là quyền không thể chuyển giao cho chủ thể khác, mà chỉ trực tiếp bảo vệ những giá trị nhân thân của một cá nhân nhất định. Các giá trị nhân thân đó cùng hướng tới việc “định nghĩa” một chủ thể, “làm cho bản thân cá nhân đó không bị lặp lại” hay không thể nhầm lẫn với chủ thể khác.[19] Bên cạnh đó, cần phải nói thêm, trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, các quyền nhân thân không gắn với tài sản nói chung và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm nói riêng cũng không được chuyển quyền sử dụng[20]không được thừa kế[21]. Bản chất không thể chuyển nhượng cũng như quy định không được thừa kế và chuyển quyền sử dụng của quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm đã gây ra những bất cập trong việc bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và danh dự, uy tín của tác giả sau khi tác giả mất.

2.3. Thực trạng áp dụng các quy định về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

Trong thực tế, nhiều trường hợp do thiếu quy định về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất mà quyền này đã không được bảo vệ một cách phù hợp. Tại Việt Nam, các hành vi xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm diễn ra tràn lan trên nhiều phương tiện đại chúng, từ những bài hát, bài thơ chế lời công khai trên mạng Internet lên đến sóng truyền hình[22]. Trong đó, có nhiều bản nhạc, bài thơ chế lại từ tác phẩm gốc trực tiếp xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm khi tác giả của những “tác phẩm” chế này đã không có sự chấp thuận trước với tác giả của tác phẩm gốc, đồng thời việc cải biên tác phẩm gốc làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả.

Về mặt pháp lý, các “tác phẩm” chế (parody) có thể được xem là tác phẩm phái sinh[23]. Hoạt động làm tác phẩm phái sinh chỉ hợp pháp khi tác giả của tác phẩm phái sinh đó xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả[24], đồng thời việc làm tác phẩm phái sinh không được xâm phạm đến các quyền tác giả đối với tác phẩm gốc[25]. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều “tác phẩm phái sinh” vi phạm quyền tác giả, trong đó có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Ngay cả nhiều chương trình nổi tiếng, được phát sóng trên các kênh truyền hình uy tín cũng không tránh khỏi vi phạm này.[26]

Vấn đề bức thiết nhất được nhìn nhận qua thực trạng áp dụng các quy định về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là rất nhiều trường hợp do thiếu quy định về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất mà quyền này đã không được bảo vệ một cách phù hợp. Điển hình cho vấn đề này là trường hợp của các nghệ sĩ diễn trích đoạn vở cải lương “Tô Ánh Nguyệt” tại sân khấu hải ngoại Thúy Nga Paris by Night vào năm 2016. “Tô Ánh Nguyệt” trong nguyên tác là vở cải lương được viết bởi soạn giả cố NSND Trần Hữu Trang, kể về cuộc đời của một người phụ nữ nết na, đoan chính, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt, hi sinh trong suốt cuộc đời mình vì những người thân yêu.[27] Kịch bản “Tô Ánh Nguyệt” được xem như một trong những kịch bản cải lương mẫu mực, là tác phẩm kinh điển của nghệ thuật cải lương Việt Nam mà nhiều nghệ sĩ đã ghi dấu tên tuổi của mình. Tuy nhiên, tại một buổi biểu diễn hài hải ngoại, các nghệ sĩ Huỳnh Trấn Thành (nghệ danh Trấn Thành), Phong Thị Ngọc Giàu (nghệ danh Ngọc Giàu), Tạ Anh Đức (nghệ danh Anh Đức) đã xuyên tạc hình tượng Tô Ánh Nguyệt khi diễn lại phân đoạn ông Minh (một nhân vật trong vở cải lương này) tìm đến nhà Tô Ánh Nguyệt, sau thời gian dài cả hai không liên lạc nhau, để mời bà đến dự đám cưới con trai mình. Trong nguyên tác, đây là một trích đoạn tuồng cải lương rất cảm động, nhưng trái lại, qua sự thể hiện của diễn viên Trấn Thành (vai Tô Ánh Nguyệt), Ngọc Giàu (vai ông Minh) và Anh Đức (vai đứa con trai), trích đoạn bị cải biên theo thể loại hài kịch. Trong đó, Trấn Thành đã phô trương hình thể một cách nhố nhăng, phản cảm, có những lời thoại ám chỉ về giới tính, quan hệ nam nữ và những câu đùa dung tục, không phù hợp với nhân vật trong nguyên tác.[28] Màn biểu diễn của các nghệ sĩ này đã làm mất đi giá trị nhân văn sâu sắc của vở cải lương “Tô Ánh Nguyệt”, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự và uy tín của tác giả Trần Hữu Trang.

Qua việc này, các nghệ sĩ đã phải chịu mức phạt hành chính đến 32.000.000  đồng, trong đó bị phạt 7.500.000 đồng vì hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.[29] Tuy nhiên, số tiền phạt đã nêu chỉ là mức phạt hành chính đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, chứ không phải là số tiền bồi thường cho gia đình tác giả do việc khởi kiện thành công hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Giả sử, trong trường hợp này, gia đình cố soạn giả Trần Hữu Trang muốn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi bị xâm phạm cho người thân đã qua đời (soạn giả Trần Hữu Trang) thì cũng không thể, bởi hiện nay luật chưa có một quy định nào cho phép người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay tác giả đã mất khởi kiện hành vi xâm phạm quyền nhân thân trong phạm vi quyền tác giả.

Một trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm khác là quảng cáo thương hiệu phở ăn liền Cung Đình – Phở Hà Nội vào năm 2019. Cụ thể, tại clip quảng cáo này, nữ ca sĩ Hồng Nhung đã thể hiện một đoạn trong ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp bằng một lời bài hát bị cải biên. Những ca từ mang tính hào hùng, được xem là “mang trọn vẹn hồn cốt người Hà Nội” trong tác phẩm gốc: “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình…” đã bị cải biên thành “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai, ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành…”[30]. Khi được phát sóng, đoạn clip này đã vấp phải sự phản đối của nhiều khán giả về việc thay đổi ca từ của bản gốc để phục vụ mục đích quảng cáo thương mại.[31] Đồng thời, một số khán giả còn chỉ trích việc làm này khi cho rằng đây là một sự xúc phạm lớn đối với cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, với những giá trị văn hóa tinh thần mà ca khúc gốc đã xây dựng trong lòng công chúng, được công chúng đón nhận và lưu giữ.[32] Rõ ràng, những thay đổi, chỉnh sửa ca từ của lời bài hát đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc thẩm mỹ của khán giả, đặc biệt là những người yêu mến ca khúc “Nhớ về Hà Nội”.

Đối với vấn đề bảo vệ quyền được làm tác phẩm phái sinh, gia đình tác giả trước đó đã ủy quyền bảo hộ tác phẩm cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam – VCPMC và sau đó trung tâm đã đồng ý cho đơn vị truyền thông quảng cáo Phở Hà Nội làm tác phẩm phái sinh[33]. Tuy nhiên, khi xem clip quảng cáo trên, con trai của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã bày tỏ rõ sự phản đối với tác phẩm phái sinh này và cho biết nếu VCPMC hỏi ý kiến của gia đình trước về việc thực hiện đổi lời cho ca khúc này thành một bài hát quảng cáo phở ăn liền như thế thì gia đình cũng sẽ không đồng ý[34].

Việc thay đổi lời bài hát trong tình huống này tuy không vi phạm quyền tài sản của chủ sở hữu, nhưng lại trực tiếp xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, cụ thể là quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm bằng những ca từ mới làm mất đi giá trị vốn có của tác phẩm gốc, gây ảnh hưởng đến cảm xúc thẩm mỹ của người tiếp nhận, tổn hại danh dự và uy tín của tác giả. Có thể thấy, nếu những người thừa kế tác phẩm của cố nhạc sĩ có đủ tư cách pháp lý để thay ông thực hiện việc quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trên thì không loại trừ khả năng họ sẽ khởi kiện đơn vị truyền thông đã thực hiện hành vi chế lời tác phẩm, làm tổn hại các giá trị tinh thần mà tác phẩm gốc đã mang đến cho người tiếp nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố nhân thân liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của cố nhạc sĩ.

Những trường hợp được viện dẫn chỉ là số ít trong vô vàn các trường hợp cải biên tác phẩm, xâm phạm quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả. Thực trạng về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm đã đặt ra hai vấn đề: thứ nhất, liệu hành vi cắt xén, sửa chữa tác phẩm (không có sự cho phép của tác giả) mà không làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả thì có bị xem là hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm hay không; thứ hai, ai sẽ yêu cầu tòa án bảo vệ quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm nếu có người thực hiện hành vi xâm phạm quyền sau khi tác giả mất. Hiện tại, hai câu hỏi này vẫn là những vấn đề còn bỏ ngỏ trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

3. Bất cập của pháp luật Việt Nam hiện hành và một số kiến nghị hoàn thiện quy định về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

3.1. Sự không thống nhất trong cách xác định hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và kiến nghị hoàn thiện định nghĩa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

Tại Điều 19(4) Luật Sở hữu trí tuệ, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là “không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Tuy nhiên, quy định này lại được giải thích tại Điều 20(3), Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Nghị định 22/2018/NĐ-CP) với một nội hàm khác: “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại Điều 19(4) của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả.” Có thể thấy rằng, cách giải thích này không thống nhất với định nghĩa về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm tại Điều 19(4) Luật Sở hữu trí tuệ. Tại Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm phải thỏa mãn hai điều kiện: một là, “sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm”; hai là, “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Trong khi đó, theo định nghĩa tại Điều 20(3), Nghị định 22/2018/NĐ-CP, mọi hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm, dù có làm phương hại đến uy tín và danh dự của tác giả hay không, nếu không có sự thỏa thuận với tác giả, không được tác giả bày tỏ sự thống nhất về mặt ý chí thì đều bị xem là hành vi vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

Sự không đồng bộ giữa hai văn bản quy phạm pháp luật này đã dẫn đến câu hỏi liệu những hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm một cách thiện chí, không làm phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả nhưng không được tác giả đồng ý thì có phải là hành vi vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm hay không. Hay nói một cách khác, tác giả có cần phải chứng minh  việc sửa chữa cắt xén này đã gây phương danh dự, uy tín của mình (theo Luật Sở hữu trí tuệ) khi thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình hay không.

Đối với sự không thống nhất này, người viết ủng hộ quan điểm của Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Theo người viết, tác phẩm chính là biểu hiện của ý tưởng, suy nghĩ, tình cảm, phong cách cá nhân của tác giả, do đó, việc cắt xén sửa chữa mà không có sự đồng ý của tác giả đã là hành vi làm sai lệch đi ý chí của tác giả đối với tác phẩm mà không cần phải xem xét đến việc hành vi đó có làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín tác giả hay không. Bên cạnh đó, nếu áp dụng Điều 19(4) Luật Sở hữu trí tuệ, thì hành vi cắt xén, sửa chữa tác phẩm mà không làm phương hại đến danh dự và uy tín tác giả sẽ không bị xem là hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Lúc này, ý nghĩa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm như được phân tích ở mục 1.2 ở trên sẽ không đạt được. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trước hết và trực tiếp nhất phải bảo vệ được tính nguyên bản, toàn vẹn của bản thân tác phẩm. Nếu quy định phải đủ hai điều kiện như Luật Sở hữu trí tuệ mới cấu thành hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, thì yếu tố “toàn vẹn” sẽ không còn được đảm bảo khi hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm không làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín tác giả. Bởi ít nhất, trong trường hợp này, sự xâm phạm tính toàn vẹn của tác phẩm đã được thể hiện một cách rõ ràng qua hành vi cắt xén, sửa chữa tác phẩm đó.

Mặt khác, sẽ rất khó khăn trong việc xác định một hành vi có hay không tính chất gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.[35] Việc xác định hành vi cắt xén, sửa chữa tác phẩm làm tổn hại danh dự và uy tín của tác giả là một vấn đề tinh thần, khó định lượng được, dẫn đến việc mỗi tòa án sẽ hiểu theo một cách khác nhau và quá trình áp dụng luật vào thực tế cũng sẽ gây ra nhiều bất cập. Ví dụ điển hình cho vấn đề này là vụ án Confetti Records v Warner Music UK Ltd [2003] EMLR 35, Nguyên đơn đã bán một bài nhạc có tựa đề là “Burnin” cho Bị đơn. Sau đó phía Bị đơn sửa chữa bài nhạc này và chèn vào đó một lời bài hát mà Nguyên đơn cho rằng có nhiều ca từ ám chỉ bạo lực và ma túy. Vì hành vi đó, Bị đơn bị khởi kiện với cáo buộc xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Nhưng cuối cùng Nguyên đơn lại thua kiện vì gặp rắc rối với việc chứng minh lời bài hát đó làm tổn hại danh dự và uy tín của tác giả do khi chơi bản nhạc này ở tốc độ trung bình và thì các cụm từ trong lời bài hát không rõ ràng và rất khó để giải mã nghĩa của chúng. Thẩm phán giải quyết vụ án này đã tuyên bố rằng, ông không thấy có bất kỳ sự tổn hại nào về danh dự và uy tín của tác giả trong trường hợp này, do vậy, hành vi của Bị đơn không bị xem là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Có thể thấy, nếu tính “gây phương hại” xuất hiện mờ nhạt thì dù cho tác phẩm có sự can thiệp, cắt xén, sửa chữa từ một người khác, nó có thể vẫn không bị xem là hành vi vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Hơn nữa, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc xác định “tính phương hại đến danh dự và uy tín” lại càng gặp nhiều khó khăn hơn, bởi nó không giống như việc xác định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trong dân sự và hình sự, mà “tính phương hại” đó lại được ẩn sâu dưới lớp vỏ ngôn từ nói riêng hay hình thức truyền đạt của tác phẩm cải biên nói chung. Điều đó sẽ khiến cho mỗi Tòa án, thậm chí là các thẩm phán trong cùng một tòa án, sẽ có những cách xác định khác nhau, khó thống nhất, dẫn đến kết quả xét xử khác biệt giữa các vụ việc có tính chất tương tự nhau.

Việc xác định tính “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” trong một tác phẩm cải biên luôn là một vấn đề phức tạp. Một trường hợp khác có thể minh chứng cho vấn đề này là vụ án Michael Snow kiện Trung tâm Eaton về việc sửa chữa tác phẩm điêu khắc “Flight Stop”[36]. Tác phẩm này bao gồm 60 con ngỗng được Michael Snow điêu khắc ở tư thế đang bay. “Flight stop” là tác phẩm điêu khắc được giới phê bình lúc bấy giờ đánh giá là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Trung tâm Eaton – một khu phức hợp lớn bao gồm trung tâm thương mại và các tòa cao ốc văn phòng tại thành phố Toronto (Canada) – đã mua lại tác phẩm này để treo trên trần nhà phòng trưng bày bên trong trung tâm. Cuối năm 1982, người đại diện của trung tâm này đã cho tiến hành treo những dải ruy băng màu đỏ lên cổ những con ngỗng nhằm mục đích trang trí cho mùa mua sắm vào Giáng sinh. Sau đó, Snow đệ đơn khởi kiện trung tâm Eaton với cáo buộc trung tâm này đã xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của ông với hành vi “sửa chữa tác phẩm” mà chưa thông qua ý kiến tác giả, những dải ruy băng màu đỏ đó đã làm “nhiễu loạn sự hài hòa trong bố cục tự nhiên”, làm sai lệch ý tưởng và ảnh hưởng đến danh tiếng nghệ thuật của Snow. Cáo buộc của Snow đối với trung tâm Eaton được ba chuyên gia nghệ thuật độc lập ủng hộ. Cả ba người này đều cho rằng việc trang trí “Flight stop” đã hạ thấp giá trị của tác phẩm, làm biến dạng ý tưởng nghệ thuật ban đầu và làm ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của Snow. Tuy nhiên, phía Bị đơn lại cho rằng việc trang trí tác phẩm này không làm biến dạng ý tưởng nghệ thuật cũng như tổn hại danh tiếng của tác giả. Điều này được nhìn nhận bởi một chuyên gia nghệ thuật nổi tiếng khác khi người này cho rằng việc trang trí tác phẩm chỉ mang đến thông điệp “Giáng sinh vui vẻ” mà không làm ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng như danh tiếng của tác giả. Tòa án đã nêu quan điểm rằng hành vi của trung tâm này có vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm hay không không phụ thuộc vào niềm tin hay nhận thức của tác giả. Cuối cùng, Tòa án đã ra phán quyết buộc trung tâm Eaton phải tháo gỡ các dải ruy băng đỏ xuống với lập luận rằng “việc sửa đổi tác phẩm khi chưa có sự đồng ý của tác giả có thể bóp méo tác phẩm, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả”.[37] Rõ ràng, đối với vụ án này, Tòa án vẫn xem xét yếu tố “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” trong hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm. Tuy nhiên, quá trình xem xét đó không dựa vào niềm tin cá nhân hay nhận thức của riêng tác giả về việc hành vi này có làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả đó hay không. Tiêu chuẩn để xác định ở đây là ý kiến của những người có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật và “tính hợp lý” của các lập luận được đưa ra.[38] Tuy vậy, có thể thấy rằng, ngay cả những chuyên gia nghệ thuật trong trường hợp này đã có ý kiến trái chiều về tính chất ảnh hưởng của hành vi sửa chữa đến giá trị tác phẩm và danh tiếng của tác giả. Mỗi chuyên gia nghệ thuật lại có một góc nhìn riêng, quan điểm nghệ thuật riêng và lý do xác đáng để bảo vệ cho kết quả “thẩm định nghệ thuật” của mình. Do vậy, việc đánh giá một hành vi cắt xén, sửa chữa làm ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm hay danh dự và uy tín của tác giả ở một mức độ nhất định là vấn đề khó có thể phân định một cách rõ ràng và khách quan.

Hai vụ án điển hình trên đã chứng minh rằng, việc xác định một hành vi sửa chữa tác phẩm có làm xâm phạm danh dự và uy tín của tác giả hay không chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản. Pháp luật áp dụng đối với hai vụ án này (Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Bằng sáng chế của Anh năm 1988; Đạo luật Bản quyền Canada năm 1921) đều quy định tương tự một số quốc gia khác về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền của tác giả có thể phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén, sửa đổi nào đối với tác phẩm làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm tác giả.[39] Tuy vậy, với những tình tiết xác định tính chất “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” gần như nhau (tính chất “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” xuất hiện mờ nhạt trong tác phẩm và có những ý kiến trái chiều về việc có ảnh hưởng đến danh tiếng của tác giả hay không), các Tòa án vẫn những có cách lập luận khác nhau, dẫn đến phán quyết của hai vụ án này đối lập nhau.

Vì các lý do trên mà người viết cho rằng, không cần phải đáp ứng yêu cầu về sự ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả, một hành vi bị xem là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm khi hành vi đó làm sai lệch hình thức hoặc nội dung tác phẩm mà không có sự thỏa thuận trước với tác giả. Theo đó, cách định nghĩa về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm như Nghị định 22/2018/NĐ-CP sẽ phù hợp với thực tiễn hơn. Điều 19 (4) Luật Sở hữu trí tuệ về định nghĩa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và Điều 28(5) về hành vi xâm phạm quyền này[40] nên được sửa đổi theo hướng bỏ điều kiện “gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả” để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của tác giả và thuận lợi cho quá trình áp dụng các quy định về quyền tác giả nói chung.

3.2. Khoảng trống về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất và kiến nghị hoàn thiện

3.2.1. Khoảng trống về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất

Xuất phát từ nguyên nhân pháp luật hiện hành chưa có quy định về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất mà quyền này chưa thực sự được phát huy một cách hiệu quả năng lực của mình tại thời điểm sau cái chết của tác giả. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (Điều 19(4), Luật Sở hữu trí tuệ) cũng được ghi nhận là quyền được bảo hộ vô thời hạn[41], không bị chấm dứt bởi bất kỳ sự kiện pháp lý nào, kể cả việc tác giả mất. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một quy định nào đề cập về cách thức thực hiện quyền này sau khi tác giả mất. Vấn đề sẽ phát sinh khi tác phẩm bị cắt xén, sửa chữa, xuyên tạc, nhưng vì tác giả đã qua đời nên không thể yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình và cũng không chủ thể nào có tư cách pháp lý để khởi kiện thay tác giả. Điều này dẫn đến thành quả lao động sáng tạo của tác giả trực tiếp bị tổn hại, phá vỡ đi tính nguyên bản, không truyền tải được những giá trị vốn có của tác phẩm đến với người tiếp nhận ở thế hệ sau, quan trọng hơn, danh dự, uy tín của tác giả có thể bị ảnh hưởng, trong khi những giá trị này được bảo hộ vô thời hạn thông qua quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Như vậy, sự kiện tác giả mất sẽ tạo ra một khoảng trống về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Điều đó dẫn đến tình trạng, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm chỉ được ghi nhận trên danh nghĩa, còn trong thực tiễn thì không thể bảo vệ sau khi tác giả mất.

3.2.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm đã sớm được xem như một quyền nhân thân đặc biệt, được bảo hộ kể cả sau khi tác giả mất và được thực hiện bởi người thừa kế hoặc đại diện của tác giả đó.[42] Một số quốc gia trên thế giới coi quyền bảo vệ bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là một trường hợp ngoại lệ của các quyền nhân thân thuộc phạm vi quyền tác giả, quyền này không thể chuyển giao nhưng có thể được thực hiện bởi một chủ thể khác sau khi tác giả mất.[43]

Ví dụ, theo Điều 28(1) và Điều 29(1), Đạo luật Bản quyền của Đức (UrhG), quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm[44] là quyền không thể chuyển nhượng[45], nhưng có thể thừa kế[46] và mọi vấn đề liên quan đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm phát sinh sau khi tác giả mất đều được thực hiện bởi người thừa kế của tác giả đó[47]. Nghĩa là trước khi tác giả mất, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm đều hoàn toàn thuộc sở hữu của tác giả và do chính tác giả thực hiện khi xảy ra các vấn đề liên quan đến quyền này. Tuy nhiên, với việc trao quyền này cho người thừa kế, sau khi tác giả mất, người thừa kế đó hoàn toàn có đủ tư cách để thực hiện bảo vệ tác phẩm liên quan đến bản quyền trong phạm vi thừa kế. Tương tự, Đạo luật Bản quyền của Áo cũng quy định về việc thừa kế quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Điều  23(1) và Điều 23(3), Đạo luật Bản quyền Áo có nêu quyền này chỉ được chuyển giao trong một trường hợp đặc biệt là để lại di sản cho người thừa kế sau khi tác giả mất, không được chuyển giao trong bất kỳ trường hợp nào khác. Với những quy định như vậy, người thừa kế hoàn toàn có đủ tư cách thay tác giả thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn sau khi tác giả mất.[48] Có thể thấy rằng, khác với các quy định của pháp luật Việt Nam, theo quan điểm của các nhà lập pháp tại một số quốc gia khác như Đức và Áo, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền nhân thân không thể chuyển nhượng nhưng có thể được thừa kế.

Quy định về vấn đề thừa kế quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới đã giải quyết được sự thiếu sót về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất. Vụ kiện Bernard-Rousseau v. Soc. des Galeries Lafayette (France, 1973), Merryman là một minh chứng cho điều này[49]. Họa sỹ Herri Rousseau mất năm 1910. Năm 1971, cháu gái ông đã đệ đơn khởi kiện một cửa hàng bách hóa tại Paris vì hành vi  bày trí trong tủ kính bán hàng (windows display) của ông với sự cải biên về hình ảnh và màu sắc. Cuối cùng, tòa án đồng ý rằng hành vi của cửa hàng này đã xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của Rousseau[50]. Dù lúc khởi kiện, các quyền tài sản đối với tác phẩm này đã hết thời hạn bảo hộ, nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền nhân thân không gắn với tài sản như quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, bởi các quyền này được bảo hộ vô thời hạn. Trong trường hợp trên, nếu không có quy định cho phép người thừa kế, cô cháu gái của họa sĩ Herri Rousseau sẽ không thể thay ông thực hiện quyền này.

Từ đó, có thể thấy rằng, quy định về chủ thể thực hiện quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất có vai trò quan trọng đối với quá trình bảo vệ quyền lợi chính đáng của tác giả và áp dụng các quy định liên quan đến quyền này. Thêm vào đó, quy định bảo hộ vô thời hạn đối với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sẽ không còn ý nghĩa sau khi tác giả mất nếu pháp luật không có quy định cho phép chủ thể khác thay tác giả thực hiện quyền này trong tình huống tác giả không thể tự mình bảo vệ.

Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ một số quốc gia trên thế giới mà điển hình là các quy định đã được viện dẫn của Áo và Đức có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chế định về quyền tác giả. Khoảng trống về chủ thể thực hiện việc bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sau khi tác giả mất đòi hỏi cần phải có một cơ chế pháp lý rõ ràng và cụ thể. Theo người viết, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cần có các quy định rõ ràng về chủ thể thay tác giả thực hiện quyền này khi tác giả mất. Cụ thể là, đối với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, Việt Nam có thể xem xét học hỏi kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia khác như Đức và Áo, xem trường hợp tác giả mất là một trường hợp đặc biệt, mà ở đó, quyền này có thể được chuyển giao bằng cách thừa kế. Trường hợp này có thể xem là một trường hợp đặc biệt được Bộ luật Dân sự 2015 nhắc đến tại Điều 25(1)[51]. Để phù hợp với bản chất của một quyền nhân thân được bảo hộ vĩnh viễn, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có thể được phép thực hiện bởi một chủ thể khác – người thừa kế của tác giả – sau khi tác giả mất.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Danh mục văn bản pháp luật

1. Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật năm 1971

2. Bộ luật Dân sự 2015

3. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019

4. Nghị định 22/2018/NĐ-CP, Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan

5. Đạo luật Bản quyền Đức 1965

6. Đạo luật Bản quyền Áo 1936

Danh mục nguồn điện tử

1. Đoàn Thị Ngọc Hải, ‘Chế định quyền nhân thân trong pháp luật dân sự Việt Nam’, moj.gov.vn (6/9/2018), <https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2366>

2. Nidhi Kumari – CNLU, ‘The Moral Rights of an Author’ (06/4/2015) lawctopus.com <https://www.lawctopus.com/academike/moral-rights-author/>

3. ‘Report of the register of copyrights on the general revision of the U.S. copyright law’ (7/1961), <https://www.copyright.gov/history/1961_registers_report.pdf>

4. Joachim Pierer, ‘Authors’ Moral Rights after Death The Monistic Model of German Law, Austrian Law and the Revised Berne Convention’, viennalawreview.com, <https://viennalawreview.com/index.php/vlr/article/view/2721/2383

5. Joachim Pierer, ‘Authors’ Moral Rights after Death The Monistic Model of German Law, Austrian Law and the Revised Berne Convention’, viennalawreview.com, <https://viennalawreview.com/index.php/vlr/article/view/2721/2383>

6. Case file: The mutilated work, <https://www.copyrightuser.org/wp-content/uploads/2017/07/CU_CaseFile_11.pdf>

7. U.S. Government Printing Office, ‘Report of the register of copyrights on the general revision of the U.S. copyright law’ (7/1961), <https://www.copyright.gov/history/1961_registers_report.pdf>,

8. Gloria Dominguez, ‘Effective protection of moral rights authors rights systems over copyright system’ Central European University – Hungary <http://www.etd.ceu.hu/2012/dominguez_gloria.pdf>

9. Javier André Murillo Chávez, ‘COCOpyright and the value of moral rights’ (08/2018) wipo.int, <https://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2018/04/article_0003.html>

10. Flore Krigsman, ‘Section 43(a) of the lanham act as a defender of artists’ “moral rights”’ cyber.harvard.edu, <https://cyber.harvard.edu/metaschool/fisher/integrity/Links/Articles/krigsman.html#anchor16560736>

11. Nguyễn Thị Quế Anh, ‘Một số vấn đề về ghi nhận và bảo vệ các giá trị nhân thân trong pháp luật dân sự’ Tạp chí khoa học ĐHQG Hà Nội, Luật học 27 (2011) 213 – 220, <https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.phpsubfolder=29/66/40/&doc=29664020495246366118200954396378231989&bitsid=1e8c990b-03e4-43c7-a09dc2971f6cb4ef&uid=>

12. Vũ Quỳnh, ‘Cẩn trọng khi thay đổi ca từ’ Báo Nhân dân điện tử (02/8/2019) <https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/can-trong-khi-thay-doi-ca-tu-366490/>

 13. Mai Ngọc, ‘Trấn Thành bị phạt 32,5 triệu đồng vì ‘chế’ cải lương Tô Ánh Nguyệt’ thanhnien.vn (16/5/2016) <https://thanhnien.vn/van-hoa/tran-thanh-bi-phat-325-trieu-dong-vi-che-cai-luong-to-anh-nguyet-703325.html>

14. Thoại Hà, ‘Trấn Thành bị phạt hơn 332 triệu vì diễn “Tô Ánh Nguyệt” phản cảm’ VnExpress.net (16/5/2016) <https://vnexpress.net/tran-thanh-bi-phat-hon-32-trieu-vi-dien-to-anh-nguyet-phan-cam-3403875.html>

15. Linh Đoan, ‘Diễn Tô Ánh Nguyệt Remix: Trấn Thành bị phạt hơn 32,5 triệu đồng’ Tuoitre.vn (16/5/2016) <https://tuoitre.vn/dien-to-anh-nguyet-remix-tran-thanh-bi-phat-hon-32-trieu-dong-1101799.htm>

16. Như Ý, ‘Ca khúc “Nhớ về Hà Nội” bị chế thành “phở Hà Nội, VCPMC xin lỗi gia đình nhạc sĩ Hoàng Hiệp’ Anninhthudo.vn (12/7/2019) <https://anninhthudo.vn/ca-khuc-nho-ve-ha-noi-bi-che-thanh-pho-ha-noi-vcpmc-xin-loi-gia-dinh-nhac-si-hoang-hiep-post399565.antd>

17. Viết Thịnh, ‘Ca khúc ‘Nhớ về Hà Nội’ thành ‘Phở Hà Nội’, gia đình lên tiếng’ Plo.vn (10/7/2019) <https://plo.vn/van-hoa/ca-khuc-nho-ve-ha-noi-thanh-pho-ha-noi-gia-dinh-len-tieng-845252.html>

18. Thùy Trang, ‘Sử dụng nhạc “chế” là vi phạm tác quyền’ nld.com.vn (03/8/2015) <https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/su-dung-nhac-che-la-vi-pham-tac-quyen-20150803222755313.htm>

19. Nguyễn Huy Hoàng, ‘Mối quan hệ giữa quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm và quyền làm tác phẩm phái sinh’ Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (29/4/2021) <https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=682>

20. Đặng Thị Lưu, ‘Quyền nhân thân trong pháp luật dân sự’, tapchitoaan.vn (22/4/2019) <https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quyen-nhan-than-cua-ca-nhan-trong-phap-luat-dan-su-2>


[1] Đoàn Thị Ngọc Hải, ‘Chế định quyền nhân thân trong pháp luật dân sự Việt Nam’, moj.gov.vn (6/9/2018), <https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2366>, truy cập ngày 25/8/2020

[2] Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 Điều 19(4)

[3] Bộ luật Dân sự 2015, Điều 25 (1)

[4] Công ước Berne 1971 về Bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, Điều 6bis(1)

[5] 195AI  Author’s right of integrity of authorship, Copyright Act 1986

[6] 195AK  Derogatory treatment of artistic work, Copyright Act 1986

[7] Nidhi Kumari – CNLU, ‘The Moral Rights of an Author’ (06/4/2015) lawctopus.com <https://www.lawctopus.com/academike/moral-rights-author/> truy cập ngày 15/9/2021

[8] ‘Report of the register of copyrights on the general revision of the U.S. copyright law’ (7/1961), <https://www.copyright.gov/history/1961_registers_report.pdf>, truy cập ngày 14/9/2020

[9] Joachim Pierer, ‘Authors’ Moral Rights after Death The Monistic Model of German Law, Austrian Law and the Revised Berne Convention’, viennalawreview.com, <https://viennalawreview.com/index.php/vlr/article/view/2721/2383>, truy cập ngày 13/09/2020

[10] Tại một số quốc gia trên thế giới, quyền nhân thân trong phạm vi quyền tác giả được bảo hộ ít nhất là 50 năm sau khi tác giả mất, hoặc ít nhất là sau khi các quyền về kinh tế phát sinh từ tác phẩm đó chấm dứt thì thời hạn bảo hộ quyền nhân thân mới kết thúc. Tại một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, các quyền nhân thân trong phạm vi quyền tác giả là quyền được bảo hộ vĩnh viễn, kể cả sau khi tác giả mất.

[11] Trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, các quyền nhân thân không gắn với tài sản thuộc phạm vi quyền tác giả được quy định tại Điều 19 (1); (2) và (4), gồm 3 quyền: Quyền đặt tên cho tác phẩm; Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng và Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

[12] Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 45(2): “Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm”

[13] Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 47(2): “Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm”

[14] Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 27(1): “Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn”

[15] Trong pháp luật dân sự Việt Nam, sự phân chia này được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2019, Điều 17 (1)

[16] Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 20(3)

[17] Tại Điều 45(2), Luật Sở hữu trí tuệ có quy định: “Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm”. Các quyền nhân thân không được chuyển nhượng được nhắc đến trong điều luật này được quy định tại các khoản 1; 2; 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ

[18] Xem chú thích 9

[19] Nguyễn Thị Quế Anh, ‘Một số vấn đề về ghi nhận và bảo vệ các giá trị nhân thân trong pháp luật dân sự’ Tạp chí khoa học ĐHQG Hà Nội, Luật học 27 (2011) 213 – 220, <https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.phpsubfolder=29/66/40/&doc=29664020495246366118200954396378231989&bitsid=1e8c990b-03e4-43c7-a09d-c2971f6cb4ef&uid=> truy cập ngày 31/8/2020

[20] Tại Điều 47(2), Luật Sở hữu trí tuệ có quy định: “Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm”. Các quyền nhân thân không được chuyển quyền sử dụng được nhắc đến trong điều luật này bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm; Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng và Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả..

[21] Luật Sở hữu trí tuệ quy định về thừa kế quyền tác giả tại Điều 40: “Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này.” Tức là, chỉ các quyền tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản mới có thể là đối tượng của thừa kế, còn các quyền nhân thân không gắn với tài sản thì không được thừa kế.

[22] Thùy Trang, ‘Sử dụng nhạc “chế” là vi phạm tác quyền’ nld.com.vn (03/8/2015) <https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/su-dung-nhac-che-la-vi-pham-tac-quyen-20150803222755313.htm> truy cập ngày 21/04/2021

[23] Điều 4(8), Luật sở hữu trí tuệ định nghĩa: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.”

[24] Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 20(3)

[25] Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 28(7)

[26] Xem chú thích 22

[27] Mai Ngọc, ‘Trấn Thành bị phạt 32,5 triệu đồng vì ‘chế’ cải lương Tô Ánh Nguyệt’ thanhnien.vn (16/5/2016) <https://thanhnien.vn/van-hoa/tran-thanh-bi-phat-325-trieu-dong-vi-che-cai-luong-to-anh-nguyet-703325.html> truy cập ngày 21/4/2021

[28] Thoại Hà, ‘Trấn Thành bị phạt hơn 332 triệu vì diễn “Tô Ánh Nguyệt” phản cảm’ VnExpress.net (16/5/2016) <https://vnexpress.net/tran-thanh-bi-phat-hon-32-trieu-vi-dien-to-anh-nguyet-phan-cam-3403875.html> truy cập ngày 4/5/2021

[29] Linh Đoan, ‘Diễn Tô Ánh Nguyệt Remix: Trấn Thành bị phạt hơn 32,5 triệu đồng’ Tuoitre.vn (16/5/2016) <https://tuoitre.vn/dien-to-anh-nguyet-remix-tran-thanh-bi-phat-hon-32-trieu-dong-1101799.htm> truy cập ngày 21/4/2021

[30] Như Ý, ‘Ca khúc “Nhớ về Hà Nội” bị chế thành “phở Hà Nội, VCPMC xin lỗi gia đình nhạc sĩ Hoàng Hiệp’ Anninhthudo.vn (12/7/2019) <https://anninhthudo.vn/ca-khuc-nho-ve-ha-noi-bi-che-thanh-pho-ha-noi-vcpmc-xin-loi-gia-dinh-nhac-si-hoang-hiep-post399565.antd> truy cập ngày 8/5/2019

[31] Vũ Quỳnh, ‘Cẩn trọng khi thay đổi ca từ’ Báo Nhân dân điện tử (02/8/2019) <https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/can-trong-khi-thay-doi-ca-tu-366490/> truy cập ngày 05/5/2021

[32] Xem chú thích 31

[33] Xem chú thích 30

[34] Viết Thịnh, ‘Ca khúc ‘Nhớ về Hà Nội’ thành ‘Phở Hà Nội’, gia đình lên tiếng’ Plo.vn (10/7/2019) <https://plo.vn/van-hoa/ca-khuc-nho-ve-ha-noi-thanh-pho-ha-noi-gia-dinh-len-tieng-845252.html> truy cập ngày 6/5/2021

[35] Case file: The mutilated work, copyrightuser.org <https://www.copyrightuser.org/wp-content/uploads/2017/07/CU_CaseFile_11.pdf>, truy cập ngày 4/5/2021

[36] Snow v The Eaton Centre Ltd. (1982), cipil.law.cam.ac.uk <https://www.cipil.law.cam.ac.uk/virtual-museum/snow-v-eaton-centre-ltd-1982-70-cpr-2d-105> truy cập ngày 29/6/2021

[37] Nguyễn Huy Hoàng, ‘Mối quan hệ giữa quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm và quyền làm tác phẩm phái sinh’ Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (29/4/2021) <https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=682> truy cập ngày 09/7/2021

[38] Nhận định của thẩm phán xét xử vụ án Snow v The Eaton Centre Ltd. (1982) – O’Brien J. <https://www.cipil.law.cam.ac.uk/virtual-museum/snow-v-eaton-centre-ltd-1982-70-cpr-2d-105>, truy cập ngày 29/6/2021

[39] Xem thêm The Copyright, Designs and Patents Act 1988 of The United Kingdom (Art 80); Copyright Act of Canada (Art 14.1);

[40] Điều 28(5) Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi bị coi là xâm phạm quyền tác giả, trong đó có: “Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”

[41] Điều 27(1), Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền nhân thân quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn”.

[42] U.S. Government Printing Office, ‘Report of the register of copyrights on the general revision of the U.S. copyright law’ (7/1961), <https://www.copyright.gov/history/1961_registers_report.pdf>, truy cập ngày 14/9/2020

[43] Joachim Pierer, ‘Authors’ Moral Rights after Death The Monistic Model of German Law, Austrian Law and the Revised Berne Convention’, viennalawreview.com, <https://viennalawreview.com/index.php/vlr/article/view/2721/2383>, truy cập ngày 13/09/2020

[44] Đạo luật Bản quyền Đức quy định trong tác quyền có các quyền nhân thân gồm: Quyền công bố, xuất bản tác phẩm; Quyền đứng tên là tác giả của tác phẩm; Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

[45] §29, Đạo luật Bản quyền Đức, quy định về “Giao dịch hợp pháp về bản quyền”, <https://dejure.org/gesetze/UrhG/29.html>

[46] §28, Đạo luật Bản quyền Đức, quy định về “Thừa kế bản quyền”, <https://dejure.org/gesetze/UrhG/28.html>

[47] §28(2), Đạo luật Bản quyền Đức: “Tác giả có thể chuyển quyền thực hiện quyền tác giả cho người thi hành theo di chúc”, <https://dejure.org/gesetze/UrhG/28.html>

[48] Xem chú thích 9

[49] Gloria Dominguez, ‘Effective protection of moral rights authors rights systems over copyright system’ Central European University – Hungary <http://www.etd.ceu.hu/2012/dominguez_gloria.pdf> truy cập ngày 30/4/2021

[50] Flore Krigsman, ‘Section 43(a) of the lanham act as a defender of artists’ “moral rights”’ cyber.harvard.edu, <https://cyber.harvard.edu/metaschool/fisher/integrity/Links/Articles/krigsman.html#anchor16560736> truy cập ngày 04/6/2021

[51] Điều 25(1) Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”

Advertisement