[09 – 12/2020] TƯ CÁCH PHÁP LÝ CỦA THAI NHI VÀ KIẾN NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN ĐƯỢC SỐNG CỦA THAI NHI

 Vũ Mai Như Huỳnh (K19502) & Trần Thị Hoàng Oanh (K19504),

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp. HCM

Hiến pháp Việt Nam 2013 lần đầu tiên công nhận quyền được sống của con người một cách riêng biệt tại Điều 19: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Tuy nhiên một cá thể được xem là con người từ thời điểm nào thì pháp luật vẫn chưa làm rõ, gây ra nhiều ý kiến trái chiều[1] về thời điểm xác lập quyền được sống: quyền này bắt đầu từ thời điểm còn trong bụng mẹ hay sau khi sinh ra. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ khái niệm thai nhi, từ đó chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về quyền được sống của thai nhi trong sự tương quan với một số quyền khác và đề xuất, kiến nghị sửa đổi.

Từ khóa: con người, quyền sống của con người, thai nhi, trẻ chưa sinh, quyền sống của thai nhi.

The 2013 Constitution of Vietnam has firstly recognized the right to life of human beings at Article 19: “Everyone has the right to life. Human life is protected by law. No one may be deprived of life in contravention of law”. However, the law has not specified when an individual becomes a human being. Thus, there are numerous controversies about this issue: the right to life starts while the individual is still in the uterus of the mother or when he/she is born. This article analyzes and clarifies the definition of foetus, then indicates the inadequacies in Vietnamese law about the right to life of foetus concerning some other rights and gives recommendations to complete.

Keywords: human beings, right to life of human beings, foetus, unborn child,  right to life of foetus.

1. Định nghĩa thai nhi

1.1. Dưới góc độ sinh học

Thai nhi có thể được định nghĩa là con chưa sinh trong tử cung của người mẹ đại diện cho giai đoạn phát triển mô phân sinh cho đến khi sinh.[2] Quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ thường được chia thành 03 giai đoạn cơ bản là làm tổ, phôi và thai.[3]

(1) Giai đoạn làm tổ thường diễn ra từ 01 đến 02 tuần đầu sau khi tinh trùng kết hợp với trứng. Tại giai đoạn này, trứng sẽ “làm tổ” ở lớp trong của tử cung, để hấp thu các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển dần dần.[4]

(2) Giai đoạn phôi thường kéo dài từ tuần lễ thứ 02 đến tuần thứ 12. Ở thời điểm này, hệ thống nuôi dưỡng phôi thai đã hình thành các mao mạch cung cấp máu, chất dinh dưỡng, năng lượng giúp quá trình phân chia và biệt hóa tế bào xảy ra ngày càng nhanh. Vào tuần thứ 09, quả tim thai nhi hình thành được bốn ngăn hoàn chỉnh. Đến tuần thứ 10-11 thai nhi thực sự có hình dáng một con người.[5]

(3) Giai đoạn thai thường bắt đầu từ tuần thứ 12 cho đến khi sinh, đây là giai đoạn thai nhi đã đầy đủ cơ quan bộ phận chỉ cần lớn lên về kích thước và hoàn chỉnh về cơ năng.[6] Với nền y khoa hiện đại, thai nhi đã có nhiều cơ hội sống độc lập và khỏe mạnh nếu người mẹ vì lý do nào đó buộc phải sinh non, lúc này thai nhi sẽ được chăm sóc tăng cường[7] và tỷ lệ sống sót của thai nhi sinh non tăng dần theo số tuần thai[8].

1.2. Dưới góc độ pháp lý

Điều 1 Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em đều không nêu rõ từ thời điểm nào thì được coi là con người và trẻ em. Tuy Công ước có chỉ ra “trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi”[9], nhưng dưới 18 tuổi có phải được tính từ ngày đầu tiên tồn tại trong bụng mẹ hay không thì Công ước chưa khẳng định. Tại Việt Nam, Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi nhưng cũng không chỉ rõ dưới 16 tuổi có được tính từ khi còn trong bụng mẹ hay không. Như vậy, dưới góc độ sinh học thì thai nhi đã được định nghĩa nhưng dưới góc độ pháp luật thì khái niệm thai nhi chưa được quy định rõ ràng[10].

Chuẩn luật số 18 Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã đề cập đến trẻ chưa sinh (unborn child), đứa trẻ đang ở trong tử cung (child in utero) và nghiêm cấm hành vi giết trẻ chưa sinh.[11] Tương tự, Hiến pháp Peru cũng quy định trẻ chưa sinh là “đối tượng có quyền đối với cuộc sống, sự toàn vẹn về thể chất”. Nhìn chung, các nước này không đưa ra khái niệm về thai nhi mà xem thai nhi là trẻ em chưa sinh và bảo vệ quyền lợi của đối tượng này.

Riêng ở Việt Nam, có nhiều chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có quyền sống; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu,… Từ năm 2015, Việt Nam chọn tháng 06 hằng năm là Tháng hành động vì trẻ em, đây là hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm bảo đảm cho trẻ em có sự phát triển toàn diện và thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn[12]. Ngày 26/5/2020 vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Thông qua các hoạt động này, có thể thấy tại Việt Nam cơ quan có thẩm quyền rất chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, trong khi đó thai nhi là trẻ em chưa được sinh ra lại không có tư cách pháp lý, không được đảm bảo quyền lợi cơ bản, cụ thể là quyền được sống.

2. Quyền được sống của thai nhi

2.1. Quyền được sống là quyền cơ bản của thai nhi

Một trong những quyền cơ bản của một con người là quyền được sống. Theo Điều 3 Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948, mỗi cá nhân“có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể” và theo Điều 19 Hiến pháp Việt Nam “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Tương tự, Điều 6(1) Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em quy định rằng quyền được sống là quyền cố hữu và các quốc gia phải đảm bảo tối đa quyền này. Sở dĩ nói đây là quyền cố hữu bởi lẽ đây là quyền tự nhiên của con người và không cần đến sự ra đời của bất kỳ nhà nước nào. Nhà nước chỉ thừa nhận quyền chứ không ban cho con người quyền được sống. Do đó, quyền được sống là nhân quyền, là quyền mà mỗi con người đều có đơn giản vì họ là con người[13]. Như đã phân tích ở mục 1.2, thai nhi chưa được thừa nhận tư cách pháp lý như một con người nên ngay cả quyền cơ bản nhất là quyền được sống thai nhi cũng không được thừa nhận ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, Lời mở đầu Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 đã nêu: “do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời[14]. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ nhất định trong việc bảo vệ sự sống của trẻ em từ khi còn là bào thai. Trước khi nói đến các quyền lợi khác, quyền được sống là quyền căn bản mà pháp luật cần xem xét đến khi thai nhi nằm trong giai đoạn tồn tại tách biệt với cơ thể người mẹ vẫn có khả năng sống sót bởi lẽ quyền được sống là quyền cố hữu khi một cá thể (con người) tồn tại. Đơn cử như Hungary, Hiến pháp[15] nước này ghi nhận “embryonic and foetal life shall be subject to protection from the moment of conception”, tạm dịch là “sự sống của thai nhi và phôi thai phải được bảo vệ từ thời điểm thụ thai” tại Điều 2. Theo đó, Hungary bảo vệ quyền được sống của thai nhi ngay từ thời điểm tinh trùng kết hợp với trứng tạo thành hợp tử. Tương tự, Hiến pháp Chile[16] cũng ghi nhận sự sống của thai nhi tại Điều 19 “The law protects the life of the unborn”, tạm dịch là pháp luật bảo vệ sự sống trước khi sinh. Như vậy có thể nói, quyền được sống là quyền cơ bản của thai nhi trước khi xem xét bảo vệ các quyền lợi khác.

2.2. Quan điểm về việc công nhận quyền được sống của thai nhi trên thế giới

Hiện nay trên thế giới, có nhiều quan điểm về việc công nhận quyền được sống của thai nhi bao gồm:

(i) Cấm phá thai: Thừa nhận quyền được sống trước khi sinh như Cộng hòa Dominica[17], Malta[18]. Ở quan điểm này, lợi ích của thai nhi được bảo đảm tối đa và không suy xét đến quyền lợi của người mẹ. Cấm phá thai tức là người mẹ không được phá thai trong bất kỳ trường hợp nào. Theo tác giả, điều này là chưa hợp lý bởi trên thực tế có rất nhiều lý do bất khả kháng khiến người mẹ không thể hoặc không muốn tiếp tục thai kỳ. Trong trường hợp mang thai ngoài ý muốn do cưỡng hiếp, loạn luân… quy định cấm phá thai đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do của người phụ nữ – một trong những quyền con người cơ bản tại pháp luật các nước. Hoặc trường hợp thai phụ bị nhiễm bệnh nặng, điều kiện sức khỏe không đủ khả năng mang thai hoặc thai nhi bị dị tật bẩm sinh, việc tiếp tục thai kỳ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của cả mẹ và con, nếu được sinh ra thì đứa trẻ cũng có khả năng cao bị bệnh, sức khỏe yếu, khó có thể phát triển bình thường. Ví dụ tiêu biểu, năm 2019 tại Argentina xảy ra vụ việc bé gái 11 tuổi Lucia (tên đã được đổi) mang thai đôi do bị cưỡng hiếp nhưng phải đến tuần thứ 23 mới được mổ lấy thai do sự ngăn cản từ các nhà chức trách. Trong phòng mổ, huyết áp của Lucia tăng vọt lên mức nguy hiểm đến tính mạng, thai nhi được lấy ra trong tình trạng còn sống nhưng bác sĩ cho biết sẽ không sống được lâu vì quá yếu.[19]

(ii) Cho phép phá thai có điều kiện như Ireland[20]: Quan điểm này bảo đảm sự công bằng cho cuộc sống của cả người phụ nữ mang thai và trẻ chưa sinh bằng cách liệt kê các trường hợp cụ thể mà người mẹ buộc phải bỏ thai nhi. Ví dụ, ở Ireland, luật mới cho phép phụ nữ mang thai đang trong tình trạng nguy kịch tính mạng, bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng được phép phá thai. Điều này là hợp lý so với quy định cấm phá thai triệt để ở Hiến pháp cũ bởi lẽ người mẹ có quyền quyết định phá thai khi phát hiện thai bị dị tật. Quan điểm này đảm bảo quyền tự do của người phụ nữ so với quan điểm (i) nhưng vẫn bảo vệ quyền được sống của thai nhi.

(iii) Tự do phá thai: Đặt quyền lợi của người mẹ lên hàng đầu, như hầu hết các nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở châu Âu[21]. Ở quan điểm này, người mẹ được quyền phá thai theo nguyện vọng dù thai nhi đã có hình hài đầy đủ và có cơ hội được sống dưới sự trợ giúp của y học nếu buộc phải sinh non, vậy quyền được sống của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người mẹ. Như vậy, cho dù thai nhi có khả năng sống sót khỏe mạnh ở những tuần thai nhất định thì thai nhi vẫn không có quyền được sống.

Dựa trên tình hình thực tế về số lượng ca nạo phá thai ở Việt Nam[22], đặc biệt là các cơ sở tiến hành nạo phá thai có số tuần tuổi lớn vẫn còn tồn tại đáng kể[23], nhóm tác giả cho rằng mức độ (ii) là thích hợp. Người mẹ có quyền phá bỏ thai nhi vì lý do chính đáng nhưng tới giai đoạn thai nhi có thể tách khỏi cơ thể mẹ mà vẫn sống sót thì thai nhi cần được công nhận tư cách pháp lý và bảo vệ quyền được sống.

2.3. Thời điểm công nhận quyền được sống của thai nhi

Tương ứng với việc công nhận quyền được sống của thai nhi, thời điểm công nhận quyền được sống cũng gây nhiều tranh cãi, có 3 thời điểm nổi bật gồm:

Thời điểm một tinh trùng thâm nhập vào một tế bào trứng để tạo thành một hợp tử: Về mặt sinh học, vòng đời con người bắt đầu ngay từ quá trình thụ tinh, khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau, cả tế bào trứng và tế bào tinh trùng đều không còn tồn tại mà tạo thành một thực thể sống mới gọi là hợp tử.[24]

Thời điểm bắt đầu hình thành phôi thai: Từ tuần thứ 9 đến tuần 12 là giai đoạn hình thành phôi và các cơ quan khác (não, tim, tủy sống). Phá thai chính là chấm dứt hoạt động của một trái tim đang đập.

Thời điểm thai nhi được sinh ra và còn sống: Thai nhi không được xem là con người bất kể từ thời điểm nào còn trong bụng mẹ. Sản phẩm của quá trình thụ tinh chỉ mới là một phức hợp của các yếu tố tế bào, là một “cục máu”, một “mảnh mô của người mẹ”.[25] Thai nhi trong bụng mẹ dù phát triển đến mức nào thì đều phải phụ thuộc vào người mẹ, mà vòng đời của một con người thực sự chỉ bắt đầu khi nó trở nên độc lập với cá thể khác.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì thời điểm công nhận quyền được sống của thai nhi ở Việt Nam nên dựa trên thực tiễn y khoa có thể nuôi dưỡng thai nhi sống khỏe mạnh như người bình thường nếu thai nhi buộc phải sinh non ở tuần nào. Tuổi thai đối với thai nhi rất quan trọng, thai càng lớn tuổi thì khả năng sống sót càng cao. Theo số liệu thống kê của Thụy Điển vào những năm 2004-2007, khả năng sống sót của thai nhi ở tuần 26 dao động khoảng 85%[26] và ở tuần 25 là 81%[27] và ở Nhật Bản là 86% vào tuần thai 25 (năm 2003-2005).[28]. Đặc biệt, ở Việt Nam, tỷ lệ đẻ non theo những nghiên cứu đơn lẻ khoảng 8-10%[29] và thai nhi đã có thể sống độc lập và phát triển bình thường nếu bị buộc phải tách khỏi cơ thể người mẹ vào tuần thứ 25 với tỷ lệ sống sót là 80%[30]. Đơn cử, đã ghi nhận trường hợp điều trị và nuôi dưỡng thành công một bé gái sinh non tại tuần 25 có cân nặng 500 gam ngay từ năm 2010.[31] Thậm chí theo sự phát triển của y khoa, ở Việt Nam đã từng ghi nhận trường hợp cứu sống 2 bé sinh đôi có tuổi thai thấp nhất là 24 tuần tuổi vào năm 2018.[32] Theo đó, công nhận quyền được sống của thai nhi vào tuần 25 khi thai nhi có tỷ lệ sống sót cao nếu vì nguyên nhân chính đáng buộc phải tách khỏi cơ thể mẹ, thai nhi vẫn có thể sống sót. Trong tương lai, có thể nền y khoa Việt Nam sẽ cứu sống được thai nhi ở tuần thai nhỏ hơn với tỷ lệ sống sót cao nhưng thời điểm hiện tại, con số 25 là thích hợp với tỷ lệ sống sót 80% tại Việt Nam.

Trên đây nhóm tác giả đã đưa ra lý do vì sao chọn tuần 25 là thời điểm công nhận quyền được sống dựa trên thực tiễn y học. Tiếp theo, nhóm tác giả sẽ chỉ ra nguyên nhân cần công nhận quyền được sống của thai nhi tại Việt Nam mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định bảo vệ thai nhi gián tiếp thông qua mối quan hệ với người mẹ.

3. Những quy định liên quan đến quyền được sống của thai nhi trong pháp luật Việt Nam hiện hành và sự cần thiết phải công nhận quyền được sống của thai nhi

Hiện nay, pháp luật Việt Nam hiện hành có những điều khoản gián tiếp bảo vệ thai nhi thông qua mối quan hệ với người mẹ. Thứ nhất, theo Bộ luật Lao động 2019, trường hợp phụ nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, pháp luật cho phép họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.[33] Quy định này trước hết nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của lao động nữ mang thai, nhưng đã phần nào gián tiếp bảo vệ sự an toàn và khả năng phát triển bình thường cho cả thai nhi. Với mục đích tương tự, Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cho phép lao động nữ được nghỉ việc 06 tháng hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con.[34] Ngoài giúp người mẹ có thời gian phục hồi sức khỏe, điều này còn tạo điều kiện để họ chuyên tâm chăm sóc con trong khoảng thời gian vô cùng quan trọng đầu đời. Các chuyên gia quốc tế kết luận rằng chỉ riêng việc cho con bú sớm và bú hoàn toàn trong 06 tháng đầu đã là một trong số các cơ hội to lớn giúp giảm tỷ lệ ốm đau và tử vong ở trẻ.[35] Căn cứ vào các quy định này, có thể thấy pháp luật Việt Nam đã có những quan tâm nhất định tới thai nhi chứ không chỉ riêng trẻ em. Thứ hai, Pháp lệnh Dân số 2013 với mục đích điều chỉnh dân số đã quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”, trong đó có “loại bỏ thai nhi”. Hành vi phá thai[36] trong khi biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính cũng bị phạt hành chính từ 7 – 15 triệu đồng.[37] Quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi được xem là việc bảo vệ thai nhi vì ở phương đông, tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có con trai nối dòng vẫn còn tồn tại. Trong hoàn cảnh quy định chính sách dân số như hiện nay, không tránh khỏi việc tồn tại trường hợp biết giới tính con là nữ nhưng mong muốn có đứa con trai mà lựa chọn phá thai. Chính vì thế quy định này ra đời để bảo vệ thai nhi. Bên cạnh đó, pháp luật còn có quy định tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.[38] Như vậy, những quy định này không trực tiếp công nhận quyền được sống của thai nhi ở bất kỳ giai đoạn nào, nhưng đã gián tiếp góp phần bảo vệ quyền được sống, quyền được phát triển an toàn của thai nhi.

Tuy nhiên có một trường hợp pháp luật Việt Nam đề cập trực tiếp đến quyền lợi của thai nhi, Điều 660(1) Bộ luật Dân sự (sau đây gọi là BLDS) 2015 quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng”. Quy định này đã chỉ đích danh một trong những đối tượng có quyền lợi được hưởng thừa kế là thai nhi. Theo đó, khi tài sản được để lại cho thai nhi và mở thừa kế ngay tại thời điểm thai nhi chưa sinh ra thì phần tài sản này vẫn được giữ nguyên để thai sinh ra được thừa kế, trừ trường hợp thai nhi chết đi. Như vậy, pháp luật Việt Nam luôn có những quy định bảo vệ thai nhi, thậm chí chỉ đích danh thai nhi là một đối tượng có quyền lợi được chia tài sản thừa kế, quyền lợi này không khác với con người bình thường.

Mặt khác, theo Điều 30 BLDS 2015, thai nhi sinh ra được 24 giờ mới buộc phải đăng ký giấy khai sinh, dưới 24 giờ thì chưa cần đăng ký trừ trường hợp cha mẹ đẻ có yêu cầu khác. Như vậy, trước thời điểm thai nhi được sinh ra và còn sống 24 giờ, pháp luật vẫn chưa có sự quan tâm đến tư cách pháp lý của đối tượng này.  Điều 660 BLDS 2015 mặc dù tạo cho thai nhi cơ hội được hưởng quyền thừa kế nhưng đặt ra điều kiện phải còn sống sau khi được sinh ra mà thời điểm còn sống sau khi sinh ra được pháp luật quan tâm trao cho tư cách pháp lý là sau 24 giờ. Trong khi đó, thai nhi đã có thể sống sót ở tuần 25 nếu bị buộc phải tách khỏi cơ thể người mẹ. Mấu chốt ở đây là sống sót, như vậy việc bỏ ngỏ giai đoạn từ tuần 25 đến hết hai mươi bốn giờ là chưa hợp lý. Việc xác định thai nhi có quyền sống hay không và nếu có thì bắt đầu từ giai đoạn nào là cần thiết cho việc hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hiện hành về chính sách bảo vệ thai nhi.

Bên cạnh đó, Quyết định số 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Điều 7(2) Pháp lệnh dân số năm 2003 quy định phụ nữ bị cấm phá thai to và phá thai vì lý do lựa chọn giới tính. Tuy nhiên trên thực tế hành vi giết thai nhi trên 25 tuần tuổi vẫn không bị coi là giết người mà chỉ bị khép vào tội phá thai trái phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ theo Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Điều này chưa hợp lý bởi lẽ thai nhi 25 tuần tuổi đã có khả năng sống độc lập như một con người nếu buộc phải tách khỏi người mẹ vì lý do chính đáng. Pháp luật hiện hành đã hướng đến bảo vệ thai nhi bằng biện pháp cấm phá thai, tuy nhiên chế tài xử phạt đối với hành vi giết thai lớn là chưa phù hợp vì thai nhi chưa được xem là con người, do vậy không được quy vào tội giết người.

Từ những lý do trên, có thể thấy những quy định gián tiếp bảo vệ đến quyền lợi và sự sống của thai nhi thông qua người mẹ là chưa đủ mà cần có những quy định trực tiếp, xác định thai nhi khi có khả năng sống sót độc lập như con người thì cần được tôn trọng và công nhận quyền được sống. Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng xem xét đến sự công bằng về quyền được sống của thai nhi và quyền tự do của người mẹ.

4. Công nhận quyền được sống của thai nhi vào tuần 25 đảm bảo sự công bằng giữa quyền được sống của thai nhi và quyền tự do của người mẹ

Như đã phân tích ở trên, công nhận quyền được sống của thai nhi phải đi đôi với việc bảo đảm sự công bằng quyền tự do của người mẹ, không nên thiên vị bất kỳ bên nào, lấy ví dụ về án lệ về hậu quả của việc thiên vị một trong hai bên:

(i) Quyền lợi của thai nhi được ưu tiên hàng đầu: Trong vụ State v. Ashley, chính quyền Florida đã truy nã một người mẹ đơn thân 19 tuổi với tội ngộ sát vì cô ấy tự bắn vào bụng mình sau khi biết mình không nhận được trợ cấp y tế cho việc phá thai. Khi công nhận quyền sống của thai nhi, từ đó cấm triệt để việc phá thai thì phụ nữ mang thai sẽ bị đối xử khác thường chỉ vì họ đang mang thai và bị buộc phải tuân theo tiêu chuẩn không áp dụng cho bất kỳ đối tượng nào khác[39].

(ii) Quyền lợi của người mẹ được ưu tiên hàng đầu: tại Canada, một phụ nữ nghiện keo đang mang thai đứa con thứ tư được năm tháng. Do sự nghiện ngập của người mẹ, hai trong số những đứa con mà cô ấy sinh trước đây đã bị tàn tật vĩnh viễn và mãi mãi được đặt dưới sự giám hộ của bang. Vì thế, Tòa án tối cao Canada được yêu cầu trao quyền ưu tiên cho bào thai cao hơn người mẹ. Tuy nhiên, tòa án không thể đưa ra phán quyết vì điều này trái ngược với việc thai nhi không có bất cứ tư cách pháp lý nào cho tới khi được sinh ra và sống sót.[40]

Qua hai án lệ trên có thể thấy, quyền lợi của thai nhi gắn liền với người mẹ khi thai nhi không thể sống sót nếu tách khỏi mẹ. Trong điều kiện y tế Việt Nam chưa thể đáp ứng số lượng ca thai nhi mới thành hình tách khỏi người mẹ có khả năng sống sót cao, thì đặt quyền lợi của người mẹ lên hàng đầu là hợp lý, nhưng khi thai nhi đã có thể sống sót nhờ nền y học tiên tiến hiện nay, việc công nhận thai nhi là con người ngay từ tuần 25 và tăng nặng chế tài đối với hành vi giết thai nhi như hành vi giết người là cần thiết để đảm bảo công bằng cho đôi bên. Cần xem xét việc phá thai ở các tháng tuổi là khác nhau và chỉ rõ thời điểm nào thai nhi có quyền được sống như trẻ em, con người bình thường để có cơ sở pháp lý bảo vệ thai nhi và áp dụng chế tài nặng tương ứng với hành vi giết thai nhi có khả năng sống như người bình thường.

5. Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, thai nhi cần được bảo vệ về mặt pháp lý, cần được công nhận quyền được sống ngay khi thai nhi có hình dạng như một con người bình thường và có thể sống độc lập nếu buộc phải tách khỏi cơ thể mẹ, cụ thể là ở giai đoạn thai tuần thứ 25. Nếu người mẹ vì bất kỳ lý do chính đáng nào mà phải bỏ đi đứa trẻ thì đến giai đoạn này đứa trẻ đã có khả năng sống sót cao, bất kỳ hành vi giết thai nhi nào ở giai đoạn này nên được xem là giết người.

Thứ hai, cần có những sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp luật liên quan về quyền sống của thai nhi để các văn bản quy phạm pháp luật mang tính thống nhất:

(i) Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989: Điều 44 quy định: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng”. Dù được ban hành đã lâu nhưng luật vẫn còn hiệu lực và cũng cơ sở để người mẹ được phá thai theo mong muốn, điều này là không phù hợp với tình trạng thực tiễn. Tuy đã có Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” cấm tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần, nhưng cần phải quy định có hệ thống từ luật đến những văn bản dưới luật cấm phá thai trên 22 tuần tuổi.

(ii) Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): Điều 316 quy định: “Người nào thực hiện phá thai trái phép làm chết 02 người thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”. Đáng chú ý là điều luật này sử dụng cụm từ “chết 02 người”, tức là người mẹ và thai nhi nằm trong bụng, dễ gây lầm tưởng thai nhi cũng là người (nhưng trên thực tế thai nhi chưa được công nhận quyền được sống). Bên cạnh đó, điều luật nằm trong chương “Các tội khác xâm phạm an toàn công cộng” chứ không nằm trong chương “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”.

Từ (i) và (ii), nhóm tác giả đề xuất đưa tội phá thai trái phép từ tuần 25 (thai nhi có thể sống khi tách khỏi mẹ) vào nhóm tội xâm phạm tính mạng con người. Trước tuần 25, khả năng sống sót của thai nhi vẫn còn phụ thuộc vào người mẹ và chưa có khả năng tồn tại như một cá thể độc lập nên chưa công nhận quyền được sống mà chỉ bảo vệ quyền sống tối đa thông qua các quy định cấm phá thai như luật hiện hành.

6. Tổng kết

Trong 41 tuần phát triển của thai nhi, việc được công nhận tư cách pháp lý và có quyền được sống từ giai đoạn nào là một vấn đề vô cùng quan trọng bởi lẽ quyền được sống là quyền tự nhiên, cơ bản nhất. Nếu pháp luật chỉ coi trọng và bảo vệ quyền của thai nhi một cách gián tiếp mà không có một sự thừa nhận cụ thể nào thai nhi vẫn không có quyền được sống cho đến khi được sinh ra và sống sót[41].

Trong thời gian tới, cần phải cụ thể hóa vấn đề quyền được sống của thai nhi trong các văn bản quy phạm pháp luật, sao cho những quy định đó nhằm mục đích bảo vệ quyền của thai nhi và phù hợp với chuẩn mực của xã hội, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật về vấn đề này.

Danh mục tài liệu tham khảo

Văn bản pháp luật

  1. Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người 1948
  2. Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em
  3. Constitution of Peru
  4. Constitution of Hungary
  5. Constitution of Chile
  6. The U.S. Code Title 18
  7. Hiến pháp 2013
  8. Bộ luật Dân sự 2015
  9. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
  10. Bộ luật Lao động 2019
  11. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
  12. Luật Bảo hiểm xã hội 2014
  13. Luật Trẻ em 2016
  14. Pháp lệnh Dân số 2003
  15. Nghị định số 114/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em
  16. Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch
  17. Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế Về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”

Bản án

  1. State v. Ashley, 670 So.2d 1087 (Fla.App. 2d DCA 1996)

Nguồn điện tử

  1. Ghosh, Shampa, Raghunath, Manchala, Sinha, Jitendra Kumar, ‘Fetus’ Encyclopedia of Animal Cognition and Behavior, Springer International Publishing (2017), <https://bitly.com.vn/7yzs45
  2. ‘Quyền sống: Những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ ở Việt Nam’ Tạp chí Tia Sáng (24/08/2020), <http://redsvn.net/quyen-song-nhung-van-de-phap-ly-con-bo-ngo-o-viet-namx>
  3. Trần Bá Thoại, ‘Phôi khác thai, trẻ em không phải là người thu nhỏ’ Dân trí (29/05/2018), <https://bitly.com.vn/JyT9F> truy cập ngày 19/08/2020
  4. Lynn Sinclair, Jacqueline Stack, Robert Guaran, ‘Sinh trước 23 tuần’ The Neonatal Intensive Care Units Managers Group, <https://bitly.com.vn/87kxel 
  5. Sara Fovargue, José Miola, ‘The legal status of the fetus’ Sage Journals <https://bitly.com.vn/6uco2l
  6. Mỹ Ngọc, ‘Tuyên truyền Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019’ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tiền Giang <https://bitly.com.vn/oqxsen>
  7. ‘Tóm lược về quyền con người’ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (03/2018), <https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/ebook/humanrightinbrief.pdf>
  8. ‘Những quốc gia có luật phá thai nghiêm ngặt nhất thế giới’ Lao Động (17/06/2020), <https://bitly.com.vn/dsIAT>
  9.  An Hồng, ‘Bé gái 11 tuổi mang thai khiến dư luận Argentina dậy sóng’ VNExpress, <Bé gái 11 tuổi mang thai khiến dư luận Argentina dậy sóng – VnExpress>
  10.  Anh Thư, ‘Quốc hội Ireland thông qua luật phá thai’ Tuổi Trẻ Online <Quốc hội Ireland thông qua luật phá thai – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)>
  11.  Việt Nam là nước đứng thứ năm trên thế giới và đứng đầu khu vực Ðông Nam Á về tình trạng nạo phá thai, Thanh Mai, ‘Báo động nạn phá thai ở người trẻ’ Nhân Dân điện tử (10/02/2019), <https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/bao-dong-nan-pha-thai-o-nguoi-tre-349344>
  12.  ‘Bức tử thai nhi: Đại biểu Quốc hội nói cần coi đó là hành vi giết người’ Lao Động <https://bitly.com.vn/c2q7qc
  13.  Dianne N. Irving, ‘When do human beings begin? Scientific myths and scientific facts’ International Journal of Sociology and Social Policy (1999), <https://bitly.com.vn/BMmIg> truy cập ngày 19/08/2020
  14.  ‘Life Cycle, Human’ Biology Reference, <https://bitly.com.vn/c8>
  15.  ‘One-Year Survival of Extremely Preterm Infants After Active Perinatal Care in Sweden’ JAMA Network, <https://jamanetwork.com/article.aspx?doi=10.1001/jama.2009.771>
  16.  ‘Survival of Infants Born at Periviable Gestational Ages’ NCBI, <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5424630/>
  17.  ‘Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa’ Bộ Y tế, <https://bitly.com.vn/lyzz8h>
  18.  Thiên Lam, ‘Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr’ Nhân Dân điện tử (20/10/2018), <https://bitly.com.vn/e7hve6
  19.  ‘Trẻ sinh ở tuần thai nào thì được coi là sinh non?’ VINMEC, <https://bitly.com.vn/ffvj7t
  20.  ‘Một chế độ nghỉ thai sản ưu việt là sự đầu tư thông minh cho tương lai Việt Nam’ alive and thrive, <https://bitly.com.vn/9j5cpa
  21.  ‘What’s wrong with the fetal rights’ ACLU, <https://bitly.com.vn/bar93t
  22.  Sara Fovargue, Jose Miola, ‘The legal status of the fetus’ Sage Journals, <https://bitly.com.vn/lf8lac>
  23.  ‘Abortion in Europe’ euro.who.int, <en59.pdf (who.int)>

[1] ‘Quyền sống: Những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ ở Việt Nam’ Tạp chí Tia Sáng (24/08/2020), <http://redsvn.net/quyen-song-nhung-van-de-phap-ly-con-bo-ngo-o-viet-namx/> truy cập ngày 29/8/2020

[2] Ghosh, Shampa, Raghunath, Manchala, Sinha, Jitendra Kumar, ‘Fetus’ Encyclopedia of Animal Cognition and Behavior, Springer International Publishing (2017), <https://link.springer.com/content/pdf/10.1007%2F978-3-319-47829-6_62-1.pdf> truy cập ngày 19/08/2020

[3] Trần Bá Thoại, ‘Phôi khác thai, trẻ em không phải là người thu nhỏ’ Dân trí (29/05/2018), <https://bitly.com.vn/JyT9F> truy cập ngày 19/08/2020

[4] Tlđd, n3

[5] Tlđd, n3

[6] Tlđd, n3

[7] Lynn Sinclair, Jacqueline Stack, Robert Guaran, ‘Sinh trước 23 tuần’ The Neonatal Intensive Care Units Managers Group, <https://bitly.com.vn/hacrpz> truy cập ngày 21/09/2020

[8] Biểu đồ 2, tlđd, n7

[9] Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, Điều 1

[10]  Sara Fovargue, José Miola, ‘The legal status of the fetus’ Sage Journals <https://bitly.com.vn/essizb> truy cập ngày 15/12/2020

[11] 18 U.S. Code § 1841.Protection of unborn children, <https://www.law.cornell.edu/uscode/text/18/1841> truy cập ngày 15/12/2020

[12] Mỹ Ngọc, ‘Tuyên truyền Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019’ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tiền Giang <https://bitly.com.vn/ci2wfq> truy cập ngày 15/12/2020

[13] ‘Tóm lược về quyền con người’ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (03/2018), <https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/ebook/humanrightinbrief.pdf> truy cập ngày 18/10/2020

[14] Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, <https://www.unicef.org/vietnam/sites/unicef.org.vietnam/files/2018-08/03_-_Cong_uoc_LHQ_ve_quyen_tre_em_1989.pdf> truy cập ngày 18/08/2020

[15] Hungary’s Constitution 2011, <https://www.constituteproject.org/constitution/Hungary_2011.pdf> truy cập ngày 15/12/2020

[16] Chile’s Constitution of 1980 with Amendments through 2012, <https://www.constituteproject.org/constitution/Chile_2012.pdf#page=3&zoom=auto,-107,585> truy cập ngày 17/12/2020

[17] ‘Những quốc gia có luật phá thai nghiêm ngặt nhất thế giới’ Lao Động (17/06/2020), <https://bitly.com.vn/dsIAT> truy cập ngày 21/08/2020

[18] ‘Abortion in Europe’ euro.who.int, <en59.pdf (who.int)> truy cập ngày 15/12/2020

[19] An Hồng, ‘Bé gái 11 tuổi mang thai khiến dư luận Argentina dậy sóng’ VNExpress, <Bé gái 11 tuổi mang thai khiến dư luận Argentina dậy sóng – VnExpress> truy cập ngày 15/12/2020

[20] Anh Thư, ‘Quốc hội Ireland thông qua luật phá thai’ Tuổi Trẻ Online <Quốc hội Ireland thông qua luật phá thai – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)> truy cập ngày 15/12/2020

[21] Tlđd, n18, 5

[22] Việt Nam là nước đứng thứ năm trên thế giới và đứng đầu khu vực Ðông Nam Á về tình trạng nạo phá thai, Thanh Mai, ‘Báo động nạn phá thai ở người trẻ’ Nhân Dân điện tử (10/02/2019), <https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/bao-dong-nan-pha-thai-o-nguoi-tre-349344> truy cập ngày 14/12/2020

[23] ‘Bức tử thai nhi: Đại biểu Quốc hội nói cần coi đó là hành vi giết người’ Lao Động, <https://laodong.vn/y-te/buc-tu-thai-nhi-dai-bieu-quoc-hoi-noi-can-coi-do-la-hanh-vi-giet-nguoi-812889.ldo> truy cập ngày 14/12/2020

[24] ‘Life Cycle, Human’ Biology Reference, <https://bitly.com.vn/c8> truy cập ngày 19/08/2020

[25] Dianne N. Irving, ‘When do human beings begin? Scientific myths and scientific facts’ International Journal of Sociology and Social Policy (1999), <https://bitly.com.vn/BMmIg> truy cập ngày 19/08/2020

[26] ‘One-Year Survival of Extremely Preterm Infants After Active Perinatal Care in Sweden’ JAMA Network, <https://jamanetwork.com/article.aspx?doi=10.1001/jama.2009.771> truy cập ngày 15/12/2020 

[27] ‘Survival of Infants Born at Periviable Gestational Ages’ NCBI, <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5424630/> truy cập ngày 15/12/2020

[28] Figure 2, tlđd, n26

[29] ‘Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa’ Bộ Y tế, <https://bitly.com.vn/2yhxje> truy cập ngày 15/12/2020

[30] Thu thập dữ liệu của Neonatal Intensive Care Units (NICUS), tlđd, n7

[31] Thiên Lam, ‘Người mẹ đặc biệt của những em bé sơ sinh chỉ nặng 500gr’ Nhân Dân điện tử (20/10/2018), <https://nhandan.com.vn/tieu-diem/nguoi-me-dac-biet-cua-nhung-em-be-so-sinh-chi-nang-500gr-338557/> truy cập ngày 18/10/2020

[32] ‘Trẻ sinh ở tuần thai nào thì được coi là sinh non?’ VINMEC, <https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/tre-sinh-o-tuan-thai-nao-thi-duoc-coi-la-sinh-non/> truy cập ngày 15/12/2020

[33] Bộ luật Lao động 2019, Điều 138(1)

[34] Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 134(1) quy định “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng”.

[35] ‘Một chế độ nghỉ thai sản ưu việt là sự đầu tư thông minh cho tương lai Việt Nam’ alive and thrive, <https://www.aliveandthrive.org/wp-content/uploads/2016/12/Maternity-leave-booklet-2012-Vietnamese.pdf> truy cập ngày 15/10/2020

[36] ‘Phá thai chính là sự kết thúc một chu kỳ thai nghén bằng cách loại bỏ phôi thai hoặc lấy thai nhi ra khỏi tử cung trước thời hạn sinh nở’, <https://medlatec.vn/tin-tuc/hau-qua-khon-luong-cua-viec-pha-thai-s195-n17852> truy cập ngày 15/10/2020

[37] Nghị định 114/2006/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em, Điều 9(3)(b)

[38] Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế Về việc ban hành Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

[39] ‘What’s wrong with the fetal rights’ ACLU, <https://bitly.com.vn/1cwdbo> truy cập ngày 23/9/2020

[40] Sara Fovargue, Jose Miola, ‘The legal status of the fetus’ Sage Journals, <https://bitly.com.vn/em7snv> truy cập ngày 23/9/2020

[41] Tlđd, n1

Advertisement