[CS 09 – 12/2020] ÁP DỤNG CƠ CHẾ TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ TẬN DỤNG ƯU ĐÃI THUẾ QUAN THEO EVFTA [1] – KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO VIỆT NAM

Dương Minh Trúc (K195022C)

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

Đảm bảo hàng hóa được xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam là điều kiện cốt lõi để doanh nghiệp Việt được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA khi tiếp cận thị trường EU. Chứng nhận xuất xứ theo EVFTA bao gồm cả quy định cho phép doanh nghiệp xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ (“TCNXX”) thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Bài viết này nhằm đưa ra bức tranh tổng quan về cơ chế TCNXX và thực tiễn áp dụng cơ chế này tại Việt Nam. Trên cơ sở chỉ ra các vướng mắc tồn tại, bài viết sẽ giới thiệu một số kinh nghiệm quốc tế có giá trị tham khảo cho việc khắc phục các bất cập về quy định và thực tiễn áp dụng cơ chế TCNXX.

Từ khóa: tự chứng nhận xuất xứ, ưu đãi thuế quan, EVFTA

The key condition for Vietnamese enterprises to benefit from tariff preferences of EVFTA is to ensure the exported products made in Vietnam. Certification of origin under EVFTA includes regulations allowing exporters to self-certify the origin instead of having a Certificate of Origin issued by the competent authority. This paper aims to give an overview of the self-certification of origin mechanism and its implementation in Vietnam. Based on certain existing problems pointed out, the paper introduces international practices and experiences as a reference value to overcome the inadequacies of the regulations and the practice of applying the self-certification of origin mechanism.

Keywords: self-certification of origin, preferential tariff benefits, EVFTA

1. Đặt vấn đề

Sự kiện ký kết thành công EVFTA đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho Việt Nam khi trở thành thành viên của nhóm FTA (Free Trade Agreement) độc quyền của EU.[2] Bởi bắt đầu từ ngày 01/08/2020, thời điểm EVFTA có hiệu lực, chỉ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam mới được hưởng ưu đãi thuế quan với mức cắt giảm thuế đáng kể[3], tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao lợi thế so với đối thủ cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường các quốc gia thành viên của EU.

Hiện tại, hàng hóa xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo hai khuôn khổ: Quy chế ưu đãi phổ cập[4] (Generalized Scheme of Preferences – GSP) và EVFTA. Tuy nhiên, về nguyên tắc khi một quốc gia đang được EU cho hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP thì khi ký FTA với EU và hiệp định đó có hiệu lực thì GSP sẽ kết thúc.[5] Do đó, trong lộ trình 07 năm chuyển đổi mức thuế ưu đãi từ GSP sang EVFTA[6], doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA thông qua thực thi cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại Điều 15(2) Nghị định thư 1, cụ thể là cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin – C/O) mẫu EUR.1[7] và cơ chế TCNXX. Mặc dù EU cho phép Việt Nam áp dụng song song hai cơ chế nhưng với lợi thế tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước so với đăng ký cấp C/O, việc sớm áp dụng cơ chế TCNXX là điều tất yếu đối với các doanh nghiệp hưởng mức thuế ưu đãi theo EVFTA và là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp đang hưởng cơ chế GSP để có thể tiếp tục chế độ ưu đãi thuế quan này trong thời gian chuẩn bị chuyển đổi qua mức thuế ưu đãi theo EVFTA[8]. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích cơ chế TCNXX dưới góc nhìn quy định về hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

2. Tổng quan về cơ chế TCNXX theo quy định của EVFTA

2.1. Bản chất của TCNXX

TCNXX được hình thành dựa trên giả thuyết rằng “nhà xuất khẩu là người biết rõ nhất họ đang làm gì, sản xuất như thế nào và ai đã cung cấp nguyên liệu để làm ra sản phẩm đó”; và rõ ràng là, nhà xuất khẩu hầu như luôn ở vị trí tốt nhất để xác định ban đầu liệu hàng hóa của mình có đáp ứng các tiêu chí xuất xứ hay không. Với cơ chế TCNXX, nhà xuất khẩu trực tiếp gửi chứng từ TCNXX đến khách hàng của mình tại nước nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm với thông tin khai báo. Trong khi phương thức cấp C/O truyền thống tập trung vào tình trạng xuất xứ của một sản phẩm cụ thể tại thời điểm kiểm tra, biện pháp hậu kiểm xuất xứ hàng hóa thông qua hồ sơ của nhà xuất khẩu tập trung vào xuất xứ tại thời điểm xuất khẩu. Cơ chế hậu kiểm này cung cấp “hồ sơ xuất xứ của hàng hóa” (origin profile of the goods) chính xác hơn và là bằng chứng giá trị tái hiện các nguyên, vật liệu tạo thành sản phẩm.[9] Chính vì những lợi ích về tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm của nhà xuất khẩu, EU đã luôn thêm vào cơ chế TCNXX với hầu hết các FTA mà họ ký kết và thực tế EU đã thực hiện thành công TCNXX trong suốt hơn 20 năm qua.[10] Tuy nhiên, cơ chế này lại không được định nghĩa cụ thể trong bất cứ FTA[11] nào mà EU là một bên đối tác và EVFTA cũng không ngoại lệ. Nghị định thư 1 EVFTA chỉ ghi nhận cơ chế TCNXX dưới hình thức là các điều khoản về quy định chung, điều kiện TCNXX, các tiêu chí về nhà xuất khẩu đủ điều kiện, …

Theo tài liệu hướng dẫn về thuế quan ưu đãi của Hải quan EU thì TCNXX là bản tự khai báo của nhà xuất khẩu về tình trạng xuất xứ của sản phẩm trên một chứng từ thương mại. Bản tự khai báo này có thể được sử dụng như một tài liệu về xuất xứ trong khuôn khổ của một số FTA.[12] Hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ của Tổ chức Hải quan thế giới định nghĩa rằng: “TCNXX là một hình thức chứng nhận xuất xứ sử dụng tờ khai xuất xứ hoặc giấy chứng nhận xuất xứ tự cấp làm phương tiện để khai báo hoặc khẳng định tình trạng xuất xứ của hàng hóa. Giấy chứng nhận xuất xứ tự cấp là một văn bản cụ thể thể hiện nhà sản xuất (producer, manufacturer), nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu xác nhận rõ ràng rằng hàng hóa ghi nhận trong giấy chứng nhận liên quan được coi là có xuất xứ theo các quy tắc xuất xứ quy định trong khuôn khổ FTA”[13].

Như vậy, từ các định nghĩa trên kết hợp với tinh thần trong mỗi điều khoản tại Mục D Nghị định thư 1 EVFTA thì về bản chất, TCNXX là cơ chế cho phép nhà xuất khẩu được tự khai báo, cam kết về tình trạng xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên chứng từ TCNXX dưới dạng văn bản do thương nhân tự phát hành như hoá đơn, phiếu giao hàng hoặc bất kỳ chứng từ thương mại nào thể hiện hàng hoá được chứng nhận xuất xứ với đủ thông tin để xác định được hàng hoá đó có xuất xứ từ một trong các nước tham gia EVFTA[14] và tự chịu trách nhiệm về thông tin xuất xứ hàng hóa thay cho C/O cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.

Về ý nghĩa, cơ chế TCNXX xuất hiện là để khắc phục các nhược điểm của hình thức cấp C/O và giảm bớt gánh nặng chứng nhận hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khi số lượng C/O được đề nghị cấp gia tăng tỷ lệ thuận với số lượng FTA mà Việt Nam ký kết trước xu hướng tích cực tham gia FTA của Việt Nam. Không chỉ vậy, hình thức cấp C/O truyền thống còn làm cho doanh nghiệp tốn kém một số khoản chi phí nhất định như chi phí làm thủ tục hồ sơ chứng từ, chi phí đi lại… tăng chi phí kinh doanh. Ngoài ra, để được cấp C/O cũng cần có thời gian nộp hồ sơ và thông qua bởi cơ quan có thẩm quyền. Trong khi với cơ chế TCNXX này, doanh nghiệp có thể sử dụng quyền TCNXX của mình để chủ động áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong một thời gian nhất định. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động chuyển sang TCNXX vì những lợi ích có được từ việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giảm thiểu thời gian đồng thời giúp doanh nghiệp am hiểu hơn về các cam kết quy tắc xuất xứ tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Ngoài ra, áp dụng cơ chế TCNXX còn góp phần làm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực hạn chế của nhà nước và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong khu vực.

2.2. Điều kiện áp dụng TCNXX

Về chủ thể áp dụng, cơ chế TCNXX trong khuôn khổ EVFTA chỉ được áp dụng cho nhà xuất khẩu[15] thuộc ba trường hợp là nhà xuất khẩu bất kỳ, nhà xuất khẩu đủ điều kiện[16] và nhà xuất khẩu đã đăng ký[17]. Nội dung quy định về nhà xuất khẩu thực hiện TCNXX tại Điều 15 Nghị định thư 1 đã được nội luật hóa tại Điều 19 Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA (“Thông tư số 11”).

Đối với trường hợp đầu tiên, tùy vào mức giá trị lô hàng xác định theo pháp luật của bên xuất khẩu mà cơ chế TCNXX mới được áp dụng. Cụ thể là bất kỳ nhà xuất khẩu Việt Nam nào đều được phép TCNXX đối với lô hàng có trị giá không vượt quá 6000 euro. Khi trị giá lô hàng trên 6000 euro, các nhà xuất khẩu không được TCNXX mà phải có chứng nhận xuất xứ C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp. Quy trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 thực hiện tương tự các mẫu C/O hiện hành.[18]

Trong trường hợp nhà xuất khẩu đã đáp ứng các tiêu chí trở thành nhà xuất khẩu đủ điều kiện thì được quyền áp dụng cơ chế TCNXX mà không tính đến trị giá của lô hàng xuất khẩu.[19] Đối với nhà xuất khẩu đã đăng ký, việc TCNXX được thực hiện trong cơ sở dữ liệu điện tử phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Bên xuất khẩu, cụ thể là tại cơ sở dữ liệu phù hợp với quy định của Bộ Công Thương, sau khi thông báo với Bên nhập khẩu quy định đó được áp dụng với nhà xuất khẩu.

Về xuất xứ hàng hóa, điều kiện tiên quyết để nhà xuất khẩu TCNXX là khi hàng hóa liên quan được coi là có xuất xứ từ EU hoặc Việt Nam và đáp ứng các quy định khác của Nghị định thư 1. Mục B Nghị định thư 1 về cách xác định xuất xứ theo EVFTA gồm ba nội dung chính: hàng hóa có xuất xứ thuần túy, hàng hóa có xuất xứ cộng gộp và hàng hóa thu được tại một bên từ các nguyên vật liệu không có xuất xứ từ bên đó, với điều kiện những nguyên liệu đó phải trải qua công đoạn gia công, chế biến đầy đủ tại bên đó theo quy định tại Điều 5.

Riêng quy tắc cộng gộp[20] theo EVFTA có điểm mới so với các FTA khác là cho phép cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc đối với hàng dệt may và cộng gộp xuất xứ với ASEAN đối với mực và bạch tuộc. Trước điểm mới này, doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản đã cho thấy hai luồng phản ứng trái ngược nhau. Đối với doanh nghiệp dệt may, nhiều bất lợi trong ngắn hạn là điều tất yếu bởi ngành này chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu[21], phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc (chiếm hơn 46% tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 05/2020, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan)[22] – quốc gia không thuộc danh sách được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Việc chuyển đổi qua sử dụng nguyên liệu của Hàn Quốc không đem lại lợi nhuận cao vì chủng loại không phong phú, giá thành cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc dù chất lượng tốt hơn.[23] Theo Chương 61 Biểu thuế Cam kết tại Tiểu phụ lục 2-A-1, ngành dệt may cần 06 – 08 năm để thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may Việt Nam tiến về 0 và để được ưu đãi thuế này thì hàng dệt may xuất xứ Việt Nam chỉ cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, do đó để đạt mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp có thể tính toán chênh lệch lợi ích thuế quan và giá nguyên liệu mà chọn sử dụng vải trong nước hoặc nhập khẩu vải Hàn Quốc. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản, việc cộng gộp xuất xứ tạo điều kiện xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU tăng trở lại[24] và thúc đẩy các nhà đầu tư ASEAN đầu tư vào các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam. Nhìn chung, quy định cộng gộp xuất xứ là một nội dung mang tính đột phá và có lợi cho tăng trưởng GDP Việt Nam từ việc tận dụng chuỗi cung ứng nội địa và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là thủy sản và dệt may.

Quy tắc xuất xứ trong EVFTA còn các điểm mới khác như cho hưởng ưu đãi đối với một số lãnh thổ đặc thù hay chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định… Vì các quy tắc này được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong GSP, là cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay nên dù có nhiều điểm khác biệt so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ không thực sự quá bỡ ngỡ[25] trong việc đáp ứng điều kiện về xuất xứ để được TCNXX hàng hóa.

2.3. Hình thức và nội dung chứng từ TCNXX

Về hình thức chứng từ TCNXX, nhà xuất khẩu sẽ khai báo xuất xứ trên chứng từ thương mại với đầy đủ thông tin xác định được hàng hoá xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung TCNXX trên chứng từ đó.[26] Thuật ngữ “chứng từ thương mại nào” đã được làm rõ tại Điều 24(3), 25(3) Thông tư số 11 với lưu ý rằng chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa.[27]

Theo Điều 19(4) Nghị định thư 1, chứng từ TCNXX phải có chữ ký gốc của nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo Điều 20 Nghị định thư 1 có thể không phải ký tên trên khai báo đó với điều kiện nhà xuất khẩu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền một văn bản cam kết rằng nhà xuất khẩu chịu trách nhiệm toàn bộ về bất kỳ TCNXX đã được ký. Quy định về chữ ký gốc của nhà xuất khẩu tại Điều này là quy định bắt buộc cho cả hai phía Việt Nam và EU, trừ trường hợp ngoại lệ đã nêu trên.

Về nội dung chứng từ TCNXX, nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 11 và phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.[28] Ngoài ra, nội dung TCNXX không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt, nếu thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại phải đảm bảo nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại. Với những khác biệt nhỏ và lỗi hình thức như lỗi đánh máy sẽ không là lý do để chứng từ TCNXX bị từ chối nếu lỗi đó không tạo ra nghi ngờ về tính xác thực của khai báo thể hiện trên chứng từ hoặc nếu những khác biệt giữa thông tin khai báo trên chứng từ TCNXX và thông tin trên chứng từ nộp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vẫn phù hợp với hàng hóa nhập khẩu trên thực tế.[29]

2.4.  Nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân TCNXX

          Một là, nhà xuất khẩu có nghĩa vụ phát hành chứng từ TCNXX và nhà nhập khẩu xuất trình các chứng từ đó cho cơ quan hải quan Bên nhập khẩu. Trong vòng 03 ngày kể từ ngày phát hành chứng từ TCNXX, nhà xuất khẩu phải tiến hành khai báo, đăng tải chứng từ TCNXX và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h Điều 15(1) Nghị định 31/2018/NĐ-CP trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ http://www.ecosys.gov.vn của Bộ Công Thương.[30] Việc phát hành có thể được thực hiện sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện chứng từ TCNXX được xuất trình đầy đủ tại Bên nhập khẩu không muộn hơn 02 năm hoặc theo quy định của Bên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Bên nhập khẩu.[31] Chứng từ có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại Bên xuất khẩu và phải xuất trình cho cơ quan hải quan Bên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực đó. Trong trường hợp thời điểm xuất trình sau thời hạn có hiệu lực, nếu nhà nhập khẩu không đưa ra được lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu, chứng từ TCNXX sẽ không được chấp nhận để hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA và hàng hóa sẽ không được thông quan.[32]

Có thể thấy, theo cơ chế TCNXX, nhà xuất khẩu sẽ tự phát hành chứng từ xuất xứ và chịu trách nhiệm về thông tin xuất xứ hàng hóa đã khai trong các chứng từ mà không cần đợi chứng nhận của bên thứ ba là các cơ quan quản lý cấp chứng nhận xuất xứ như Bộ Công Thương hoặc các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền. Đồng thời trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang nhà nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nhập khẩu phải tự thực hiện các thủ tục, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác.

          Hai là, nhà xuất khẩu TCNXX phải chuẩn bị sẵn sàng các chứng từ thích hợp chứng minh tình trạng xuất xứ của hàng hóa để nộp tại bất kỳ thời điểm nào theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu[33]. Vì việc kiểm tra, xác minh chứng từ TCNXX được thực hiện xác suất hoặc khi cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu có nghi ngờ hợp lý về tính xác thực của chứng từ, về xuất xứ của hàng hóa hoặc về việc tuân thủ quy định khác của EVFTA[34], nhà xuất khẩu TCNXX phải lưu trữ ít nhất 03 năm bản sao của chứng từ chứng nhận xuất xứ cũng như các chứng từ khác, việc kiểm tra được thực hiện dựa trên nguyên tắc hợp tác hành chính giữa cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu và Bên xuất khẩu.[35]

3. Thực tiễn áp dụng cơ chế TCNXX ở Việt Nam và những bất cập trong quy định về TCNXX

3.1. Thực tiễn áp dụng cơ chế TCNXX ở Việt Nam

Ở các quốc gia thành viên của EU, TCNXX đã được sử dụng hơn 40 năm qua với nhiều mô hình khác nhau, nhưng ở Việt Nam hình thức này chưa thật sự phổ biến với các doanh nghiệp vốn chỉ quen xin cấp C/O thông qua Bộ Công Thương.[36] Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu dẫn đến chưa tận dụng triệt để các quy tắc xuất xứ, quy định về TCNXX, chưa có hệ thống lưu trữ chứng từ để đáp ứng yêu cầu xác minh thường xuyên và đột xuất[37]. Do đó, dù nhận thức được ưu điểm nổi trội của cơ chế TCNXX song doanh nghiệp vẫn cảm thấy chưa tự tin khi áp dụng cơ chế này vì lo ngại vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ nặng hơn sau khi thông quan hàng hóa so với áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận bởi bên thứ ba như trước đây. Tuy nhiên, vì nhà xuất khẩu là chủ thể có khả năng chứng minh được xuất xứ hàng hoá và phải nắm rõ xuất xứ hàng hoá hơn là cơ quan kiểm tra . Vì vậy, việc để doanh nghiệp TCNXX và cơ quan hải quan áp dụng biện pháp hậu kiểm khi có yêu cầu của bên nhập khẩu là hợp lý hơn hết. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm chủ động tham gia tập huấn về cơ chế TCNXX do Bộ Công thương tổ chức nếu chưa nắm vững, chủ động nghiên cứu tìm hiểu các ưu đãi thuế quan tại nước nhập khẩu và tuân theo quy định về chứng nhận xuất xứ. Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần học cách làm ăn trung thực, không vì lợi ích trước mắt mà gian lận xuất xứ hàng hoá làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam nói chung.

Mặc dù việc áp dụng TCNXX sẽ đem lại nhiều thuận lợi để phát hiện ra gian lận xuất xứ do cơ quan nhà nước chỉ cần truy cứu trách nhiệm của nhà nhập khẩu và truy thu từ họ.[38] Thế nhưng, cơ chế này không loại bỏ được rủi ro gian lận thương mại xuất xứ hàng hoá. Đáng lo ngại, nguy cơ gian lận thường vào các sản phẩm mà Trung Quốc bị áp các biện pháp hạn chế nhập khẩu (hạn ngạch, thuế chống bán phá giá và các rào cản kỹ thuật khác) vào thị trường lớn như EU.[39] Qua theo dõi, Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công thương đã lập ra danh sách 26 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ, trong đó có nhiều sản phẩm thuộc loại xuất khẩu chủ lực sang EU như da giày, nông, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, xe đạp điện…[40]

Các hình thức gian lận thương mại trong TCNXX thường là việc thương nhân nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác của Việt Nam trong EVFTA nhằm hưởng thuế suất ưu đãi, cụ thể lợi dụng Việt Nam để trung chuyển hàng hóa, tạm nhập tái xuất qua lãnh thổ Việt Nam để hợp thức hóa chứng từ xuất xứ và lẩn tránh được thuế phòng vệ thương mại[41]. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, làm mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này.[42]

3.2. Những bất cập trong quy định về TCNXX

Vấn đề nhà xuất khẩu thực hiện TCNXX thay cho cấp C/O truyền thống đang gặp phải một số vướng mắc mà phần lớn là do cơ quan quản lý chưa xây dựng khung pháp lý hiệu quả cho việc thực thi cơ chế này.

Thứ nhất, Việt Nam chưa đặt ra bộ tiêu chí để nhà xuất khẩu hàng hoá xuất xứ Việt Nam sang EU được công nhận là nhà xuất khẩu đủ điều kiện TCNXX cũng như chưa quy định các quyền và nghĩa vụ tương ứng khi trở thành nhà xuất khẩu đủ điều kiện. Trong khi đó, về tiêu chí công nhận nhà xuất khẩu đủ điều kiện, Điều 20(2) Nghị định thư 1 chỉ mang tính định khung, theo hướng để mỗi quốc gia thành viên tự quy định các điều kiện cụ thể và dựa trên các điều kiện thích hợp được quy định trong pháp luật hiện hành của quốc gia đó mà cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp mã số chứng nhận xuất xứ chấp thuận nhà xuất khẩu trở thành nhà xuất khẩu đủ điều kiện hay không.

Hiện nay, Việt Nam chưa chính thức triển khai cơ chế TCNXX theo EVFTA. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương chỉ mới quy định các tiêu chí để thương nhân được chọn tham gia thí điểm TCNXX hàng hóa theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) qua Thông tư 19/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong ATIGA (“Thông tư số 19”). Các tiêu chí này chỉ áp dụng trong phạm vi các nước ASEAN với nhau và còn đang trong giai đoạn thí điểm nên vẫn chưa là điều kiện chính thức để xác định nhà xuất khẩu đủ điều kiện. Thậm chí ngay cả khi chương trình thí điểm này thành công thì các tiêu chí quy định tại Điều 3(4) Thông tư số 19[43] cũng không được trở thành điều kiện xác định nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo EVFTA trừ khi pháp luật Việt Nam công nhận và có thông báo với EU quy định đó được áp dụng với nhà xuất khẩu Việt Nam.

Thứ hai, chế tài xử lý hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam để chuyển tải hàng hóa xuất khẩu bất hợp pháp chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Hiện nay, mức phạt mới nhất đối với hành vi này đã được nâng lên 100.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên[44] đi kèm với đó là áp dụng hình thức tịch thu tang vật, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lợi nhuận có được từ mỗi lô hàng nước ngoài có giá thành siêu rẻ như hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam xuất khẩu thành công là rất lớn[45], đủ bù lại giá trị đợt hàng giả mạo bị tịch thu hoặc tiêu hủy nên việc nâng mức phạt tiền không có nhiều ý nghĩa trong việc loại bỏ được vấn nạn hàng xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Mục tiêu chính của mọi doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận nên vì lợi ích trước mắt nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận rủi ro bị xử phạt gian lận xuất xứ để đổi lại được hưởng lợi hai đầu, một từ giá nguyên liệu đầu vào, hai từ ưu đãi thuế quan của EVFTA. Hậu quả tất yếu của việc coi gian lận xuất xứ là cơ hội trục lợi một khi bị nước nhập khẩu phát hiện ra không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gian lận mà còn làm tổn hại đến uy tín hàng Việt Nam và gây thiệt hại lớn cho quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU. Thế nhưng, hành vi này cũng chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền, không thuộc trường hợp bị áp dụng chế tài hình sự. Bộ luật Hình sự 2015 chỉ tồn tại chế tài đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm… mà chưa có chế tài đối với tội giả mạo xuất xứ Việt Nam. Do đó, cần thiết bổ sung chế tài hình sự bên cạnh mức xử phạt hiện hành để có thể ngăn chặn doanh nghiệp gian lận trong hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA và đảm bảo uy tín thương hiệu hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

4. Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam

Để khắc phục được những bất cập hiện hữu, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế vận dụng trên các phương diện sau:

Một là, về phía doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản lý, lưu trữ dữ liệu chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa chuyên nghiệp phục vụ cho việc kiểm tra đột xuất của cơ quan hải quan bên nhập khẩu. Quản lý xuất xứ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập các quy trình và hệ thống yêu cầu xuất xứ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu.

Theo kết quả báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết ở các quốc gia phát triển, nhiều tập đoàn lớn đã bị phạt vì không lưu giữ thông tin xuất xứ phù hợp dù đã có sử dụng phần mềm quản lý toàn bộ hệ thống (system-wide software) để lưu giữ lượng dữ liệu lớn về mỗi giao dịch. Điều này không phải do thiếu hệ thống hồ sơ vận chuyển tổng thể (overall shipping records), mà do phần mềm không được thiết kế để giữ lại thông tin xuất xứ được quy định trong thỏa thuận ưu đãi ít nhất 03 năm.[46]

Bản chất của quản lý hồ sơ chứng từ là phải tạo ra được sự kết nối về thông tin xuất xứ giữa nhà xuất khẩu và một số hoặc hầu hết các nhà cung cấp. Do đó, để xác định chính xác xuất xứ, nhà sản xuất phải kiểm tra và giữ lại hóa đơn nguyên vật liệu của sản phẩm xuất khẩu. Không chỉ vậy, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp cần được xây dựng theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền dễ tiếp cận với các chứng từ nhằm mục đích giám sát và xác minh tính chính xác của nội dung tự khai báo xuất xứ trên từng tờ khai hóa đơn.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo hệ thống quản lý chứng từ xuất xứ của Ấn Độ được xây dựng theo một quy trình gồm các bước sau: Xác định bảng kê nguyên vật liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu → Tính toán giá trị gia tăng hoặc các yêu cầu về hàm lượng giá trị địa phương → Đánh giá các yêu cầu chuyển đổi đáng kể theo Quy tắc xuất xứ → Tìm nguồn cung cấp thông tin giá cả đầu vào và nguyên liệu thô được sử dụng → Tích hợp phần mềm chuyên trách về xuất xứ hàng hóa để phục vụ các yêu cầu xác minh khi cần thiết → Tổ chức các buổi đào tạo thường xuyên về các FTA cho các đội vận hành, tài chính, thương mại và logistics.[47]

          Hai là, về phía nhà nước, hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam phải được bổ sung chế tài hình sự. Tham khảo Điều 45 Đạo luật Quy định về Xuất nhập khẩu Singapore[48] cho thấy, chế tài hình sự đã có thể được áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm lần đầu kết hợp với hình thức phạt tiền. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền không quá 100.000 đô la hoặc gấp 03 lần giá trị của hàng hóa giả mạo xuất xứ hoặc bị phạt tù không quá 02 năm hoặc áp dụng đồng thời cả hai hình thức xử phạt. Đối với lần vi phạm thứ hai hoặc lần tiếp theo, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền không quá 200.000 đô la hoặc gấp 04 lần giá trị hàng hóa giả mạo xuất xứ hoặc bị phạt tù không quá 03 năm hoặc áp dụng đồng thời cả hai hình thức xử phạt.

5. Kết luận

Để tận dụng tốt cơ chế TCNXX, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững quy định về quy tắc xuất xứ và đặc biệt phải xây dựng được hệ thống lưu trữ chứng từ đáp ứng yêu cầu xác minh thường xuyên và đột xuất. Doanh nghiệp chỉ được tự khai báo xuất xứ đối với hàng hóa do mình sản xuất đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và có đầy đủ các chứng từ cần thiết chứng minh hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ tại thời điểm TCNXX. Nếu có sự thay đổi trong nội dung chứng từ TCNXX ban đầu, nhà xuất khẩu có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền.[49] Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc thiết kế hệ thống chế tài hình sự cho hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm chuyển tải hàng hóa xuất khẩu bất hợp pháp để nâng cao tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn, đảm bảo giữ uy tín cho thương hiệu hàng hóa xuất xứ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

1. Nghị định thư 1 EVFTA – Quy định hàng hóa có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính

2. Quy định (EU) số 2020/750 ngày 05/06/2020 về gia hạn đăng ký TCNXX hàng hóa (REX)

3. Quy định (EU) số 2015/2447 ngày 24/11/2015 về thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP

4. Regulation Of Imports And Exports Act (Chapter 272A, Section 3) G.N. No. S 530/1995 Revised Edition 1999 (01/07/1999) Article 45, <https://sso.agc.gov.sg/SL/RIEA1995-RG1#pr45->

5. Quy định (EU) số 978/2012 của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ngày 25/10/2012 áp dụng chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập và bãi bỏ Quy định của Hội đồng (EC) số 732/2008

6. Nghị định 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA giai đoạn 2020 – 2022

7. Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

8. Thông tư 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

9. Thông tư 19/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong ATIGA

10. Công văn 812/XNK-XXHH ngày 30/07/2020 hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ trong EVFTA

Sách, tạp chí

1. Edmund W. Sim, Stefano Inama, Possible way forward: Self – certification (Cambridge University Press 2015)

2. Singapore’s submission, ‘Singapore’s experience in self-certification of origin’, (APEC’s Workshop 3, 04-05/04/2011)

3.  UNCTAD, ‘Rules of origin and origin procedures applicable to exports from least developed countries’, <http://unctad.org/en/docs/ditctncd20094_en.pdf>

4. Deloitte, ‘Utilizing Free Trade Agreements Requires Robust Origin Management System’, (India, 31/03/2020), <https://tinyurl.com/ybzkx9m8>

5. Brian Staples, Lê Thị Hồng Ngọc, Phạm Văn Hồng, Sổ tay Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên (Tháng 11/2017)

6. Tổ chức Hải quan thế giới, Hướng dẫn chứng nhận xuất xứ (Tháng 06/2018) <https://tinyurl.com/y6np5t7p>

7. Hải quan EU, ‘Hướng dẫn về thuế quan ưu đãi” (CPG 129) (Tháng 06/2020) <https://tinyurl.com/y639tysc>

8. Bộ Công thương, EU – Vietnam MUTRAP, EVFTA: Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam (Tháng 05/2016)

Website

1. Bộ Công thương, ‘Gia hạn đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (REX) đến 31/12/2020’ (Hà Nội, 23/07/2020), <https://tinyurl.com/yyt9vquq>

2. Bộ Công thương, ‘Giải bài toán nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam’ (Hà Nội, 08/04/2020), <https://tinyurl.com/y9bwwhjw>

3. Cổng thông tin điện tử về EVFTA, ‘Cam kết về Quy tắc xuất xứ’ (evfta.moit.gov.vn), <https://tinyurl.com/yx8r8ym6>

4. ‘10 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2019’ (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, 18/12/2019), <https://tinyurl.com/ydz2jm59>

5. Ánh Dương, ‘EVFTA và cơ hội mới cho ASEAN’ (Bộ Thông tin và Truyền thông, 18/08/2020),<http://ictvietnam.vn/evfta-va-co-hoi-moi-cho-asean-20200818004635759.htm>

6. Thanh Hoa, ‘Báo động gian lận xuất xứ’, Thời báo Kinh doanh (30/12/2019), <https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/bao-dong-gian-lan-xuat-xu-1064161.html>

7. Thái Hoàng, ‘Để tránh nguy cơ hàng nước ngoài ‘đội lốt’ hàng Việt’, Thời báo ngân hàng (03/07/2019), <https://thoibaonganhang.vn/de-tranh-nguy-co-hang-nuoc-ngoai-doi-lot-hang-viet-89571.html>

8. Uyên Hương, ‘Doanh nghiệp sắp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU’, Báo Chính phủ (01/05/2018), <http://baochinhphu.vn/Kinh-te/DN-sap-tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-sang-EU/335385.vgp>

9. Ngọc Khanh, ‘Hàng xuất khẩu có dễ “tự vượt rào” xuất xứ?!’, Thời báo Ngân hàng – Cơ quan của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (12/08/2020), <https://tinyurl.com/y5qyuhbu>

10. Bảo Ngọc, ‘Quy tắc xuất xứ trong EVFTA: Hiểu đúng, hưởng lợi lớn’ Báo Công thương (07/07/2020), <https://congthuong.vn/quy-tac-xuat-xu-trong-evfta-hieu-dung-huong-loi-lon-140093.html>

11. Lê Nguyễn, ‘Thế khó của dệt may Việt Nam trước cơ hội EVFTA: Các địa phương từ chối dự án dệt nhuộm’, VietnamFinance (10/06/2020), <https://tinyurl.com/ybcwyhye>

12. Hoa Quỳnh, ‘Cảnh báo 12 sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ’, Tạp chí Tài chính (Hà Nội, 16/04/2020), <https://tinyurl.com/y58t5afg>

13. Như Quỳnh, ‘Doanh nghiệp cần làm gì để tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU?’, Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (16/05/2018), <https://tinyurl.com/yypho9by>

14. Kim Thu, ‘Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang hầu hết thị trường chính tăng’ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (25/09/2020), <https://tinyurl.com/y4ozhko>

15. Lê Thúy, ‘Xuất khẩu sẽ “mất trắng” thị trường nếu gian lận xuất xứ’, Tạp chí Tài chính (Hà Nội, 08/06/2020), <http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/xuat-khau-se-mat-trang-thi-truong-neu-gian-lan-xuat-xu-323997.html>

16. Tố Uyên, ‘Gỡ vướng về quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp tự tin đón “sóng” EVFTA’ Thời báo Tài chính Việt Nam (Hà Nội, 07/07/2020), <https://tinyurl.com/yy4tfgh6>


[1] Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS); Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT); Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Phòng vệ thương mại; Cạnh tranh; Doanh nghiệp nhà nước; Mua sắm Chính phủ; Sở hữu trí tuệ; Thương mại và Phát triển bền vững; Hợp tác và xây dựng năng lực; Pháp lý – thể chế. Xem tại: Bộ Công thương, EU – Vietnam MUTRAP, EVFTA: Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam (Tháng 05/2016), 23

[2] Ánh Dương, ‘EVFTA và cơ hội mới cho ASEAN’ (Bộ Thông tin và Truyền thông, 18/08/2020), <http://ictvietnam.vn/evfta-va-co-hoi-moi-cho-asean-20200818004635759.htm> truy cập ngày 12/09/2020

[3] Nghị định thư 1 Điều 2, Nghị định 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA giai đoạn 2020 – 2022 Điều 4

[4] GSP là cơ chế đơn phương của EU để hỗ trợ các đang phát triển và kém phát triển nhất xuất khẩu hàng hóa sang EU dễ dàng hơn bằng cách giảm, miễn thuế nhập khẩu cho các hàng hóa này. EU tự đặt ra các tiêu chí (về mức thu nhập, tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu, các thỏa thuận đặc biệt, v.v.) để quyết định và rà soát định kỳ một nước hoặc một nhóm sản phẩm có được hưởng GSP hay không. Nước hoặc nhóm sản phẩm “trưởng thành” theo các tiêu chí trên sẽ không được hưởng GSP nữa. Các sản phẩm nhạy cảm (như thuốc lá và các sản phẩm công nghiệp…) chỉ được giảm chứ không được miễn thuế.

Xem tại: Bộ Công thương, EU – Vietnam MUTRAP, EVFTA: Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam (Tháng 05/2016), 20

[5] Quy định (EU) số 978/2012 về áp dụng GSP của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 25/10/2012 và bãi bỏ Quy định của Hội đồng (EC) số 732/2008 Điều 5(2)(b)

[6] Tố Uyên, ‘Gỡ vướng về quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp tự tin đón “sóng” EVFTA’ Thời báo Tài chính Việt Nam (Hà Nội, 07/07/2020), <https://tinyurl.com/yy4tfgh6> truy cập ngày 12/07/2020

[7] C/O mẫu EUR.1 được phát hành theo quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BCT Điều 20 đến Điều 23, thay thế C/O mẫu A dành cho hàng xuất đi EU từ 01/08/2020. Hình thức C/O quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư, gồm các nội dung chính như: số tham chiếu gồm 16 kí tự do cơ quan, tổ chức cấp C/O điền (Ví dụ: VN-DE 20/02/00006 với VN: tên viết tắt của nước thành viên xuất khẩu là Việt Nam; DE: tên viết tắt của nước thành viên nhập khẩu là Đức; 20: năm cấp C/O là 2020; 02: mã số của Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; 00006: số thứ tự của C/O); tên, địa chỉ đầy đủ, tên quốc gia của nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, hóa đơn thương mại, ký xác nhận của người nhà xuất khẩu, xác minh xuất xứ của cơ quan, tổ chức cấp C/O… Về nội dung khai báo, EU và Việt Nam thống nhất không bắt buộc thể hiện tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa trên C/O.

Xem: Cổng thông tin điện tử về EVFTA, ‘Cam kết về Quy tắc xuất xứ’ (evfta.moit.gov.vn), <https://tinyurl.com/yx8r8ym6> truy cập ngày 13/09/2020

[8] Theo Quy định thực thi số 2015/2447 của EU, cơ quan hải quan EU không chấp nhận cấp C/O mẫu A mà yêu cầu áp dụng cơ chế nhà xuất khẩu TCNXX. Do đó, các thương nhân đang hưởng chế độ GSP phải đăng ký mã số REX (Registered Exporter System) – mã số chứng nhận thương nhân đăng ký để thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP. Việc thực hiện TCNXX để hưởng chế độ GSP được Bộ Công thương quy định trong Thông tư 38/2018/TT-BCT. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, EC đã ban hành Quy định thực thi số 2020/750 về việc gia hạn thời gian đăng ký mã số REX cho đến hết ngày 31/12/2020 và gửi thông báo quy định này đến các nước được thụ hưởng, trong đó có Việt Nam.

Xem tại: Bộ Công thương Việt Nam, ‘Gia hạn đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (REX) đến 31/12/2020’ (http://www.moit.gov.vn, 23/07/2020), <https://tinyurl.com/yyt9vquq> truy cập ngày 13/09/2020

[9] Edmund W. Sim, Stefano Inama, Possible way forward: Self – certification (Cambridge University Press 2015), 76 – 77

[10] Bộ Công thương, EU – Vietnam MUTRAP, EVFTA: Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam (Tháng 05/2016), 54

[11] Ví dụ như FTA giữa EU-Singapore, EU-Mexico, EU-Canada, EU-Japan, …

[12] Hải quan EU, ‘Hướng dẫn về thuế quan ưu đãi” (CPG 129) (Tháng 06/2020) <https://tinyurl.com/y639tysc> truy cập ngày 13/11/2020, 69

[13] Tổ chức Hải quan thế giới, ‘Hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ’ (cập nhật tháng 06/2018 <https://tinyurl.com/y6np5t7p> truy cập ngày 13/11/2020, 4-5

[14] Nghị định thư 1 Điều 19(3) quy định về chứng từ TCNXX

[15] Nghị định thư 1 Điều 1(e) định nghĩa: “Nhà xuất khẩu là cá nhân tại nước xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa sang sang Bên kia và có khả năng chứng minh được xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu đó, cá nhân đó là nhà sản xuất hoặc người thực hiện thủ tục xuất khẩu hoặc không.

[16] Bộ Công thương chỉ mới đặt ra điều kiện cho mô hình nhà xuất khẩu đủ điều kiện áp dụng thí điểm cho ATIGA. Do đó, nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo EVFTA hiện tại sẽ được xác định theo các quy định tại Nghị định thư 1 Điều 20

[17] Nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu phù hợp quy định của Bộ Công Thương và áp dụng sau khi Việt Nam thông báo tới EU (Thông tư 11/2020/TT-BCT Điều 19(2)(c))

[18] Công văn số 812/XNK-XXHH của Cục Xuất nhập khẩu Điều 1(a)

[19] Nghị định thư 1 Điều 20(1)

[20] Đối với các FTA mà Việt Nam là thành viên, có 02 dạng cộng gộp gồm: (i) Cộng gộp thông thường: Nguyên liệu nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chí xuất xứ của FTA, 100% giá trị nguyên liệu sẽ được dùng để tính RVC (Regional Value Content – Hàm lượng giá trị khu vực) trong sản phẩm được sản xuất tại Bên xuất khẩu sản phẩm đó; (ii) Cộng gộp từng phần: áp dụng duy nhất trong ATIGA rằng nếu nguyên liệu chỉ đáp ứng ngưỡng RVC từ 20% đến 39% thì được cộng gộp đúng số phần trăm thực tế trong khoảng từ 20% đến 39% đó vào công đoạn sản xuất tiếp theo để xác định xuất xứ cho hàng hóa.

Xem: Brian Staples, Lê Thị Hồng Ngọc, Phạm Văn Hồng, Sổ tay Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên (11/2017), 37

[21] Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt hơn 39 tỷ USD nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm tới 22,36 tỷ USD. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, phản ánh sự mất cân đối trong chuỗi toàn cầu bởi doanh nghiệp chỉ mới tham gia công đoạn cắt may thuê là chính.

Xem: Bộ Công thương, ‘Giải bài toán nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam’ (Hà Nội, 08/04/2020), <https://tinyurl.com/y9bwwhjw> truy cập ngày 15/10/2020

[22] Ánh Dương, ‘Trung Quốc chiếm áp đảo trong nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày Việt Nam tháng 05/2020’, VietnamBiz (13/07/2020), <https://tinyurl.com/y7nshd9n> truy cập ngày 15/10/2020

[23] Lê Nguyễn, ‘Thế khó của dệt may Việt Nam trước cơ hội EVFTA: Các địa phương từ chối dự án dệt nhuộm’, VietnamFinance (10/06/2020), <https://tinyurl.com/ybcwyhye> truy cập ngày 16/11/2020

[24] Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU từ tháng 03/2020-07/2020 liên tục giảm mạnh do chịu tác động của thẻ vàng IUU và dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu giảm. Tuy nhiên, từ tháng 08/2020, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đã tăng trở lại 10% đạt 5,8 triệu USD.

Xem: Kim Thu, ‘Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang hầu hết thị trường chính tăng’ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (25/09/2020), <https://tinyurl.com/y4ozhko> truy cập ngày 25/09/2020

[25] Bảo Ngọc, ‘Quy tắc xuất xứ trong EVFTA: Hiểu đúng, hưởng lợi lớn’ Báo Công thương (07/07/2020), <https://congthuong.vn/quy-tac-xuat-xu-trong-evfta-hieu-dung-huong-loi-lon-140093.html> truy cập ngày 25/09/2020

[26] Nghị định thư 1 Điều 19(3)

[27] Tlđd, n25

[28] Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ trích dẫn phiên bản tiếng Anh để minh họa vì đây là ngôn ngữ phổ biến nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Mẫu tiếng Anh

The exporter of the products covered by this document (customs authorization No…) declares that, except where otherwise clearly indicated, these products are of…preferential origin.

…………………………………………………………………………………………………

(Place and date)

………………………………………………………………………………………………

(Signature of the exporter; in addition, the name of the person signing the declaration has to be indicated in clear script)

[29] Thông tư số 11 Điều 32

[30] Thông tư số 11 Điều 25(7)

[31] Nghị định thư 1 Điều 19(5)

[32] Thông tư số 11 Điều 26(2)

[33] Nghị định thư 1 Điều 19(2)

[34] Thông tư số 11 Điều 34(1)

[35] Thông tư số 11 Điều 31(1)

[36] Uyên Hương, ‘Doanh nghiệp sắp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU’, Báo Chính phủ (01/05/2018), <http://baochinhphu.vn/Kinh-te/DN-sap-tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-sang-EU/335385.vgp> truy cập ngày 16/09/2020

[37] Như Quỳnh, ‘Doanh nghiệp cần làm gì để tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU?’, Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (16/05/2018), <https://tinyurl.com/yypho9by> truy cập ngày 16/09/2020

[38] Ngọc Khanh, ‘Hàng xuất khẩu có dễ “tự vượt rào” xuất xứ?!’, Thời báo Ngân hàng (12/08/2020), <https://tinyurl.com/y5qyuhbu> truy cập ngày 20/09/2020

[39] Lê Thúy, ‘Xuất khẩu sẽ “mất trắng” thị trường nếu gian lận xuất xứ’, Tạp chí Tài chính (Hà Nội, 08/06/2020), <http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/xuat-khau-se-mat-trang-thi-truong-neu-gian-lan-xuat-xu-323997.html> truy cập ngày 20/09/2020

[40] Hoa Quỳnh, ‘Cảnh báo 12 sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ’, Tạo chí Tài chính (Hà Nội, 16/04/2020), <https://tinyurl.com/y58t5afg> truy cập ngày 20/09/2020

[41] Thanh Hoa, ‘Báo động gian lận xuất xứ’, Thời báo Kinh doanh (30/12/2019), <https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/bao-dong-gian-lan-xuat-xu-1064161.html> truy cập ngày 20/09/2020

[42] ‘10 sự kiện nổi bật của Hải quan Việt Nam năm 2019’ (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị,18/12/2019), <https://tinyurl.com/ydz2jm59> truy cập ngày 20/09/2020

[43] Cụ thể, thương nhân được lựa chọn thí điểm TCNXX hàng hóa phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau: (1) Là nhà xuất khẩu đồng thời là nhà sản xuất; (2) Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký TCNXX hàng hóa; (3) Có cán bộ được đào tạo về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định cấp.

[44] Điều 17(1)(đ) Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

[45] Đơn cử ngành dệt may, đại diện một doanh nghiệp may có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh tiết lộ, việc đặt mua hàng từ Trung Quốc và đưa về gắn mác “Made in Vietnam” diễn ra khá phổ biến do thu được mức lợi nhuận “khủng”, cao hơn nhiều so với việc tổ chức sản xuất tại Việt Nam. Chiêu thức đó, theo đại diện doanh nghiệp này, thì “chỉ có chính bản thân doanh nghiệp đó mới biết được, chứ chẳng ai dại mà tự nhận”.

Xem: Thái Hoàng, ‘Để tránh nguy cơ hàng nước ngoài ‘đội lốt’ hàng Việt’, Thời báo ngân hàng (03/07/2019), <https://thoibaonganhang.vn/de-tranh-nguy-co-hang-nuoc-ngoai-doi-lot-hang-viet-89571.html> truy cập ngày 20/09/2020

[46] UNCTAD, ‘Rules of origin and origin procedures applicable to exports from least developed countries’, <http://unctad.org/en/docs/ditctncd20094_en.pdf> truy cập ngày 07/12/2020

[47] Deloitte, ‘Utilizing Free Trade Agreements Requires Robust Origin Management System’, (India, 31/03/2020), <https://tinyurl.com/ybzkx9m8> truy cập ngày 17/11/2020

[48] Regulation Of Imports And Exports Act (Chapter 272A, Section 3) G.N. No. S 530/1995 Revised Edition 1999 (01/07/1999) Article 45, <https://sso.agc.gov.sg/SL/RIEA1995-RG1#pr45-> truy cập ngày 29/10/2020

[49] Tổ chức Hải quan thế giới, Hướng dẫn chứng nhận xuất xứ (Tháng 06/2018) <https://tinyurl.com/y6np5t7p> truy cập ngày 13/11/2020, 14

Advertisement