[CS 09 – 12/2020] CHÍNH SÁCH KHÔNG CHO PHÉP KIỂM TRA HÀNG HOÁ TRƯỚC KHI THANH TOÁN CỦA MỘT SỐ SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

Tấn Trúc Hạnh Đoan, Lớp K18501

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh

Từ đầu năm 2019, chính sách của một số sàn Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam như Lazada, Shopee về việc chính thức không hỗ trợ “đồng kiểm” đã khiến nhiều khách hàng hoang mang. Nói cách khác, chính sách do các sàn thương mại điện tử này đơn phương ban hành chỉ cho phép bên mua mở kiện hàng sau khi đã thanh toán chứ không cho phép người mua kiểm tra hàng trước khi thanh toán như trước đây. Bài viết sau đây sẽ phân tích về chính sách này, làm rõ những rủi ro tiềm ẩn bên trong đó, đặc biệt là về mặt pháp lý, từ đó đưa ra những đề xuất để điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp với quy định pháp luật.

Từ khoá: sàn thương mại điện tử, dịch vụ giao nhận, kiểm tra hàng hoá thực tế, lòng tin khách hàng

Since early 2019, the new policy of some e-commerce marketplaces in Vietnam such as Lazada and Shopee that officially has not allowed customers to check the status of delivered products before making payment has made many customers confused. In other words, the policy unilaterally issued by these e-commerce marketplaces allows buyers to unbox the package only after the bill is already paid instead of allowing buyers to check the goods regardless of the payment as before. This article will analyze this policy, highlight several underlying legal risks, and then set out some recommendations to adjust this policy.

Keywords: E-commerce, trading services, inspection rights, brand trust

1. Tổng quan về việc kiểm tra hàng hóa khi mua hàng trực tuyến và các quy định pháp luật liên quan

1.1. Khái quát về mua sắm trong thương mại điện tử

Xét theo nghĩa rộng, Luật mẫu về Thương mại điện tử UNCITRAL[1] đã định nghĩa thương mại điện tử (TMĐT) là việc trao đổi thông tin thương mại thông qua các phương tiện điện tử mà không cần phải in ra giấy trong toàn bộ quá trình giao dịch. Ở nghĩa hẹp, WTO đã liệt kê TMĐT bao gồm “việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hàng hoặc chuyển giao hàng hóa, dịch vụ bằng phương tiện điện tử.”[2]

Có thể hiểu, các hoạt động thương mại trực tuyến đã hình thành nên TMĐT và nó ngày càng phát triển nhiều mô hình kết nối các bên.[3] Trong đó, mô hình B2C (Business to Customer) – mua bán lẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng – được ưa chuộng tại Việt Nam bởi nó đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hoá ở mỗi người.[4] Điển hình cho B2C là các sàn TMĐT tiếp cận người dùng qua website và các ứng dụng; cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân (không phải là chủ sở hữu website của sàn TMĐT) trưng bày, mua bán hàng hóa, dịch vụ trên website đó. Ở Việt Nam hiện nay, các sàn TMĐT nổi bật như Lazada, Shopee, Tiki… và chúng phải được đăng ký hoạt động với Bộ Công thương theo quy định.[5] Nhìn chung, mô hình B2C ở các sàn TMĐT tại Việt Nam cần sự phối hợp giữa sàn TMĐT, bên bán lẻ, bên vận chuyển/giao nhận, bên mua (người tiêu dùng).

Bài viết này chỉ đề cập đến khâu nhận hàng và kiểm tra hàng hoá của bên mua là người tiêu dùng khi mua sắm tại sàn TMĐT.

1.2. Phương thức kiểm hàng, thanh toán COD khi mua sắm trực tuyến tại Việt Nam và quy định pháp luật điều chỉnh

1.2.1. Đồng kiểm

Đồng kiểm là dịch vụ giúp các bên cùng kiểm tra nội dung vận đơn[6] khi nhận bưu gửi (giữa nhân viên nhận và bên bán hàng), và khi phát bưu gửi (giữa nhân viên phát và bên mua). Biên bản đồng kiểm thường được lập thành nhiều bản để các bên xác nhận trong quá trình khai thác vận đơn với nội dung thường đề cập đến số lượng, chủng loại, tình trạng bên ngoài của hàng hoá. Khi bên mua đồng kiểm với bên phát hàng thấy hàng hoá sai sót, hư hỏng thì có quyền từ chối nhận hàng trước khi thanh toán, các bên xác nhận tình trạng hàng hoá trong biên bản.

1.2.2. COD (Cash On Delivery)

Cash On Delivery thường được gọi là dịch vụ “thanh toán khi nhận hàng”, bên giao hàng sẽ kiêm chức năng thu hộ số tiền của khách rồi chuyển số tiền này về cho bên bán sau khi đã trừ khoản phí vận chuyển, phí thu hộ nếu có.

Thông thường, người mua hàng khi đặt hàng online chọn phương thức trả tiền COD kèm thoả thuận kết hợp với đồng kiểm hoặc kiểm tra hàng trước để họ được quyền thanh toán cho bên giao hàng chỉ sau khi nhận và kiểm hàng hóa của mình. Mục đích của dịch vụ COD cho phép kiểm hàng trước khi thanh toán là khiến khách hàng có được sự an tâm[7] và nhiều người vẫn sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ này.[8]

Tuy nhiên, COD, đồng kiểm lại đem đến một số rủi ro cho sàn TMĐT và bên bán:

– Bên bán không trực tiếp nhận tiền từ bên mua. Tiền được bên vận chuyển thu hộ sẽ tạm giữ trước khi chuyển về bên bán. Bên bán phải giữ vận đơn để tránh các sự cố phát sinh cho đến khi nhận lại tiền hàng.

– Vấn đề đảm bảo chất lượng hàng hoá sau khi khách hàng kiểm tra.

– Khách hàng từ chối nhận hàng hoặc không chịu ra nhận hàng. Trong trường hợp này, bên bán phải chịu phí vận chuyển hai chiều để kiện hàng hoàn về.

Ngoài hai phương thức kiểm tra hàng hoá cơ bản kể trên, còn tồn tại nhiều cách phân loại và tên gọi của hình thức kiểm tra hàng khác, ví dụ như kiểm tra thực tế hàng hóa (Physical inspection)…

Hiện nay, nền tảng pháp lý quan trọng cho TMĐT đó là Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, Luật Thương mại 2005 và Luật Giao dịch điện tử 2005. Bên cạnh đó, hoạt động TMĐT còn chịu sự điều chỉnh đặc biệt của Nghị định 52/2013-NĐ-CP[9]; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Viễn thông năm 2009; Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 (LBVQLNTD 2010); Luật Bưu chính năm 2010; Luật Quảng cáo năm 2012; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Cạnh tranh năm 2018. Ngoài ra, để hướng dẫn, quản lý hoạt động TMĐT cụ thể còn có các Nghị định, Thông tư liên quan.

Việc giao nhận và kiểm tra hàng hoá khi mua sắm là những khâu thuộc hoạt động thương mại, vì vậy nó cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của hệ thống văn bản pháp luật trên.

2. Thực trạng việc không cho phép kiểm tra hàng hoá của bên mua trước khi thanh toán

Từ ngày 15/3/2019 Lazada áp dụng chính sách “Không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng.”[10] Người mua chỉ có quyền mở kiện hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho bên giao hàng. Trước khi thanh toán nếu phát hiện kiện hàng có dấu hiệu móp méo, không còn nguyên vẹn hoặc sai thông tin người nhận, người mua có quyền từ chối nhận hàng. Nếu sau khi đã nhận hàng và thanh toán, người mua có thể chọn đổi trả hàng hay khiếu nại theo quy trình của Lazada rồi chờ phản hồi từ bên bán hay kết quả giải quyết khiếu nại từ sàn TMĐT này. Lazada sẽ bảo vệ quyền lợi khách hàng bằng cách không tính chi phí vận chuyển do đổi trả với người mua. Tương tự, Shopee “không cho người nhận kiểm tra hàng trước khi thanh toán (Thanh toán tín dụng hoặc Thanh toán khi nhận hàng)”[11] mà chỉ cho phép khách hàng kiểm tra các yếu tố bên ngoài của gói hàng để quyết định nhận hay từ chối nhận hàng.

Đại diện các sàn TMĐT nói trên đã lý giải về sự thay đổi này. Ông Trần Tuấn Anh – giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết đồng kiểm là dịch vụ gia tăng. Đa phần chi phí này sẽ do bên bán chịu.[12] Trong khi đó, đại diện phía Lazada cho rằng chính sách này nhằm giảm bớt áp lực cho bên vận chuyển, vì người giao hàng không đủ kinh nghiệm, cung cấp được đầy đủ thông tin về hàng hóa do đó không thể gọi là đồng kiểm với khách hàng.[13]

Với sự thay đổi này, theo báo cáo của Nielsen về chỉ số NPS[14] từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020, mức độ hài lòng của khách hàng trên các sàn TMĐT ở Việt Nam có sự biến động. Chỉ 50% khách hàng hài lòng với chất lượng dịch vụ của Lazada và có đến 19% bày tỏ phàn nàn. Điều này đã đẩy chỉ số NPS Lazada xuống mức 31, bằng một nửa so với sàn TMĐT dẫn đầu Tiki là 56. Bên cạnh đó, Shopee vẫn giữ được số khách hàng hài lòng nhưng lượng phàn nàn lại ngày một tăng.[15] Thậm chí, số lượng người tiêu dùng khiếu nại đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương về chính sách cũng như chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo của Lazada ngày một tăng khiến Cục này phải đưa ra những khuyến cáo với các người dùng.[16] Có thể thấy chính sách hiện nay của Lazada hay Shopee đã không tạo ra được sự hài lòng nơi người dùng. Điều này cũng khiến cho một số nhà bán hàng chưa kịp tạo dựng thương hiệu vững chắc trên sàn TMĐT, vẫn hay thu hút khách hàng bằng chế độ COD – đồng kiểm trở nên bị động hơn trước.

3. Những rủi ro pháp lý trong chính sách không cho phép bên mua kiểm tra hàng hoá trước khi thanh toán

3.1. Việc sàn TMĐT đơn phương ra chính sách dừng hỗ trợ đồng kiểm có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hợp đồng

3.1.1 Việc đơn phương đưa ra chính sách điều chỉnh giao dịch đi ngược lại tinh thần tự do ý chí trong pháp luật về hợp đồng, thương mại

 Đối với khách hàng lựa chọn mua sắm trực tuyến, họ đã chấp nhận đánh cược nhiều hơn vì môi trường thương mại điện tử cung cấp rất ít cơ hội để xác minh chất lượng hàng hóa.[17] Cụ thể, khách hàng mua sắm trực tuyến đã phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn phương thức truyền thống như rủi ro cảm nhận đối với sản phẩm hoặc dịch vụ, rủi ro cảm nhận trong bối cảnh giao dịch trực tuyến. Vì vậy, khách hàng ở thị trường này đang ở thế yếu do thiếu thông tin trong giao dịch so với các bên còn lại. Theo lý thuyết thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến càng phải được theo dõi sát sao.

Trong hệ thống pháp luật nước ta về thương mại, tinh thần tự do, tự nguyện của các chủ thể tham gia giao dịch vì thế luôn được đặt lên hàng đầu.[18] Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, Điều 26.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã đề cập: “Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.”

Tuy nhiên, với đặc điểm các chính sách của sàn TMĐT là điều kiện giao dịch chung,[19] khách mua hàng sẽ không có cơ hội được thoả thuận hay sửa đổi các điều khoản trong chính sách mà các sàn đã ban hành, điều khách hàng có thể làm là tự thoả thuận với người bán. Chấp nhận tham gia giao dịch đồng nghĩa với việc bên mua phải chịu tự giới hạn quyền dù bản thân có muốn hay không để đạt được mục đích giao kết. Cụ thể bên mua phải tuân theo phương thức kiểm tra hàng do sàn TMĐT đặt ra dù đây thuộc nhu cầu và quyền lợi của họ. Ngược lại, bên mua muốn đảm bảo quyền lợi của mình thì phải tìm nơi bán khác ngoài sàn TMĐT đó trong bối cảnh hiện nay lại có nhiều sàn TMĐT đồng loạt thực hiện chính sách dừng kiểm hàng này. Trong khi đó, sàn TMĐT xử lý khảo sát ý kiến của khách hàng để cải thiện chính sách có thể cân bằng mong muốn với bên mua còn mang tính hình thức là chủ yếu, thậm chí diễn ra còn ít, khiến cho khách hàng khó có thể lên tiếng thoả thuận. Trường hợp như vậy, dù vẫn tồn tại yếu tố “thuận mua vừa bán” tức tinh thần tự nguyện của bên mua khi tham gia giao dịch; nhưng suy cho cùng sự tự nguyện này mang tính chất khiên cưỡng chứ không đem lại sự tự do về mặt ý chí ở việc bên mua có hay không những sự lựa chọn mang tính chất thay thế. Điều này không chỉ đẩy khách hàng vào thế khó, còn kéo theo yếu tố tự do thoả thuận mà các nhà lập pháp mong muốn cũng sẽ không được đảm bảo. Dẫn đến bên mua bị thiếu căn cứ bảo vệ quyền lợi của mình khi đến khâu giải quyết các tranh chấp phát sinh trong giao dịch.

3.1.2. Vi phạm nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT

Điều 9.1 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (LBVQLNTD) quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng phải “Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận”.

Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định cụ thể cho phép bên mua được kiểm tra hàng hoá trước khi thanh toán theo Điều 44 và Điều 55 Luật Thương mại 2005. Theo Điều 44, nếu các bên có thoả thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng thì “bên bán phải bảo đảm cho bên mua hoặc đại diện của bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra”; trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì “việc kiểm tra hàng hoá có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hoá được chuyển tới địa điểm đến.” Sau cùng, Điều 55.2 quy định “bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 của Luật này.” Việc sàn TMĐT đơn phương huỷ bỏ hỗ trợ kiểm tra hàng trước khi thanh toán đã tước đi việc thực hiện nghĩa vụ và cũng là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được quy định trong pháp luật.

Theo khuyến nghị từ các sàn TMĐT, trong quá trình giao dịch bên mua chỉ còn hai sự lựa chọn: (i) đồng ý trả tiền rồi đổi trả sản phẩm/khiếu nại sau nếu hàng không đúng quảng cáo; (ii) từ chối nhận hàng và tìm kiếm sàn TMĐT khác.

Về hình thức thì khách hàng vẫn có hai sự lựa chọn, nhưng về bản chất thì không một lựa chọn nào thể hiện ý chí của họ khi tham gia giao dịch là trả tiền cho đúng món hàng mình mong muốn và tiết kiệm các khoản chi phí so với mua hàng truyền thống. Có thể bên mua chấp nhận thanh toán rồi mới kiểm hàng với hy vọng kiện hàng sẽ không xuất hiện sai sót nào.[20] Trường hợp còn lại bên mua từ chối nhận hàng khi chỉ trông vào vỏ bên ngoài của kiện hàng có dấu hiệu móp méo theo khuyến nghị của các sàn TMĐT, mà đành phải chấp nhận bỏ đi thời gian chờ hàng cùng cơ hội vốn có thể mua món hàng này từ nhà phân phối khác. Vì vậy, điều khoản mới này đã đẩy bên mua đến tình thế buộc phải lựa chọn tiếp tục tham gia hay huỷ bỏ giao dịch do thiếu thông tin vì bên mua không được biết bên trong kiện hàng chứa gì cho đến khi hoàn tất thanh toán.

Dường như đang có sự bất cân xứng về quyền lợi giữa các bên trong giao dịch, khi mà người tiêu dùng phải trả tiền trước trong khi phía sàn TMĐT không cung cấp thông tin thực tế về kiện hàng. Lựa chọn kiểm tra hàng trước rồi thanh toán có thể giải quyết thắc mắc của người tiêu dùng, phù hợp với quy định pháp luật nhưng lại không được thực hiện khi chính sách ngưng đồng kiểm đặt ra.

3.2. Rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hoá và đổi trả, khiếu nại

Thực tế, sàn TMĐT không thể kiểm soát được hết chất lượng hàng hoá mà bên bán giao cho bên mua,[21] kết hợp với các điều khoản một chiều tạo ra sự không công bằng đối với khách hàng tham gia vào thị trường này.

Thông tin về kiện hàng bị che lấp cùng với chính sách khiếu nại, đổi trả hàng từ các sàn TMĐT vẫn còn rườm rà có thể khiến bên bán giao hàng với chất lượng không đúng như quảng cáo. Bên cạnh đó, vấn đề bảo quản chất lượng hàng hoá giao cho bên mua không chỉ dừng lại ở bên bán mà còn phụ thuộc vào quá trình vận chuyển. Điều này làm nảy sinh lo ngại rằng chính sách dừng hỗ trợ đồng kiểm đang vô tình tạo cơ hội để bên bán hoặc bên vận chuyển không chú trọng vào chất lượng trước khi hàng hoá đến với bên mua.

 Mặt khác theo chính sách mới thì khách mua không được xem hàng; nếu người mua muốn trả hàng thì phải chịu tốn thời gian, công sức làm theo quy trình của sàn TMĐT đó.[22] [23] Một điểm cần lưu ý, khách hàng ở Lazada chỉ được áp dụng chính sách đổi trả, hoàn tiền đối với các sản phẩm Điện tử, Thiết bị viễn thông nếu kết quả kiểm tra ghi nhận sản phẩm có từ ba “điểm chết” trở lên do lỗi kỹ thuật. Đối với sản phẩm thanh lý và hàng quà tặng kèm theo sản phẩm thì khách hàng sẽ không được áp dụng chính sách này.[24] Phần rủi ro đang nghiêng về phía bên mua nhiều hơn – nếu họ lựa chọn nhận hàng khi không được kiểm tra – do không phải sản phẩm không đạt chất lượng nào cũng thuộc chính sách đổi trả.

Tuy nhiên, nếu yêu cầu đổi trả/hoàn tiền của khách hàng được chấp nhận, thì nhà bán hàng phải chịu mất một khoảng thời gian: có kết quả giải quyết yêu cầu/khiếu nại từ sàn TMĐT, khởi động lại chu kỳ giao nhận hàng để hàng trở về nơi bán. Trong khi đó nếu khách mua được kiểm tra hàng và có cơ sở chắc chắn để từ chối kiện hàng trước khi thanh toán thì các bên sẽ tiết kiệm dược chi phí thời gian hơn. Rủi ro này càng trở thành gánh nặng với những bên bán ở nước ngoài.[25]

Việc từ bỏ phương thức kiểm tra hàng trước thanh toán trước mắt giúp sàn TMĐT và bên vận chuyển giảm đi một khâu trong quá trình. Tuy vậy, không thể vì quyền lợi một bên mà đẩy rủi ro cho bên còn lại; khiến bên mua vì thiếu thông tin, không được thoả thuận mà phải chọn những cách giải quyết không đáng có như tự cảnh giác hoặc chọn phương thức mua hàng khác, đặc biệt là những lúc nhiều người hạn chế ra ngoài như đợt chịu tác động của dịch Covid-19. Trong khi vốn dĩ, sàn TMĐT sinh ra nhằm đem đến người dùng sự tiện nghi, cảm giác được hỗ trợ tốt nhất. Vì vậy, điều cần làm là các sàn TMĐT nên có thoả thuận về vấn đề này và các quy định pháp luật chặt chẽ hơn.

4. Một số kiến nghị

4.1. Về phía sàn TMĐT

4.1.1. Tạo cơ hội để cân bằng mong muốn các bên trong giao dịch

Thực chất, sàn TMĐT tạo không gian trên mạng giúp kết nối các bên quan trọng là bên mua – bên bán, thúc đẩy giao dịch giữa họ. Vì vậy, nó cần tôn trọng lựa chọn của hai bên, tuân theo quy định pháp luật; không thể tự can thiệp sâu vào quá trình giao dịch khiến khách hàng mất lòng tin ở TMĐT nói chung.

Phương án mà tác giả đưa ra rằng các sàn TMĐT nên tạo một mục cho phép mỗi người bán tự lựa chọn có cho bên mua được kiểm tra hàng trước khi thanh toán hay không, người mua sẽ căn cứ vào thông tin này để chọn bên bán và phương thức kiểm hàng. Tất cả lựa chọn phải được hiển thị rõ khi giao kết. Điều này sẽ giúp bên bán và bên mua điều khiển được quá trình giao dịch theo mong muốn của mình.

4.1.2. Tham khảo kinh nghiệm

Tham khảo các sàn TMĐT khác trên thế giới, để có thể khiến khách hàng chuyển từ COD sang thanh toán điện tử thì một trong những bài toán mà sàn phải giải quyết đó chính là việc tạo lòng tin nơi khách hàng[26]:

– Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tính xác thực và trung lập. Sàn TMĐT cần chung tay cải thiện chất lượng hàng hoá tương xứng với lời quảng cáo, xác minh thông tin nhà bán hàng; thay vì quy hết trách nhiệm cho người bán trong khi người mua sắm online đã hoàn toàn dựa vào thông tin được cung cấp trên trang web. Để thực hiện điều này cần phải có một hệ thống hoặc thuật toán giải quyết khiếu nại của khách hàng về sản phẩm nhanh chóng hơn.[27] Hệ thống kiểm soát đánh giá nhanh chóng hiện nay có thể tham khảo ở lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, ví dụ như TripAdvisory, cách tính Kappa…[28]

– Tham khảo tinh thần TMĐT trong nền kinh tế chuyển đổi của Trung Quốc. Người dân ở đây từng rất xa lạ với Internet, vì thế các sàn TMĐT đã nắm bắt tâm lý khách hàng kết hợp với vạch rõ lộ trình, minh bạch hoá.[29] Giúp khách hàng hiểu được mục tiêu của chính sách nhằm hướng đến môi trường thanh toán điện tử tiện lợi hay lý do khác thay vì ngưng hỗ trợ đồng kiểm do không đủ khả năng tài chính, quản lý.

– Cải thiện các chính sách đổi trả, hoàn tiền để chúng trở nên gọn nhẹ hơn, kết hợp giải thích đối với những mặt hàng không được áp dụng chính sách này.

– Cải thiện dịch vụ như chăm sóc khách hàng, bảo mật thông tin.[30]

4.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về chính sách sàn TMĐT

Sàn TMĐT là nơi diễn ra rất nhiều giao dịch, vì thế chính sách của mỗi sàn nên là điều được pháp luật quan tâm hàng đầu để mỗi giao dịch bên trong nó được thực hiện trơn tru, nhanh gọn hơn. Nói cách khác, chính sách, điều khoản bán hàng, giao nhận, đổi trả của các sàn TMĐT nên được xem như là “điều kiện giao dịch chung” theo Điều 3.6 LBVQLNTD 2010[31], Điều 406.1 BLDS 2015[32] bởi chúng do sàn TMĐT đơn phương đưa ra và được áp dụng cho các giao dịch được thực hiện trên nền tảng của sàn TMĐT đó.

Hiện nay, chỉ có 09 loại hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. [33] Những hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không thuộc phạm vi phải đăng ký sẽ được kiểm soát theo Điều 16 Nghị định 99/2011/NĐ-CP,[34] chủ yếu là sửa đổi hay hủy bỏ nội dung vi phạm. Có thể thấy, để đảm bảo yếu tố tự do hợp đồng, các cơ quan quản lý tại Việt Nam chỉ bắt buộc đăng ký đối với các hợp đồng theo mẫu liên quan đến các mặt hàng, dịch vụ cụ thể, mang tính đặc thù. Sẽ rất khó khăn nếu chính sách của các sàn TMĐT cũng phải đăng ký như 09 loại mặt hàng trên, vì sàn TMĐT vốn tập hợp nhiều giao dịch nhỏ lẻ nhưng phạm vi, số lượng mặt hàng, dịch vụ đa dạng, có sự chuyển biến linh hoạt.

Mặc dù vậy vẫn còn sự lựa chọn khác, chính sách của sàn TMĐT nên đảm bảo các nguyên tắc của điều kiện giao dịch chung theo các quy định liên quan. Điều này đặt ra vấn đề phải có hướng dẫn rằng liệu chính sách của sàn TMĐT là điều kiện giao dịch chung hay ở dạng nào khác, cũng như cải thiện quy định pháp luật sao cho điều kiện giao dịch chung đảm bảo được tính cân xứng giữa các bên trong giao dịch; giúp cho cơ quan quản lý có cơ sở để áp dụng khi giải quyết tranh chấp, và nguyên tắc tự do hợp đồng theo lý thuyết hợp đồng cổ điển thật sự phát huy được ý nghĩa của nó trong các chính sách này.[35]

4.2.1. Hạn chế tính bất cân xứng về quyền và nghĩa vụ

Điều 406.2 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) đã đề cập: “Điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Trường hợp điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Chi tiết hơn, Điều 16.1 LBVQLNTD 2010 dùng biện pháp liệt kê các trường hợp mà điều kiện giao dịch chung sẽ bị vô hiệu.

Những quy định của Việt Nam đảm bảo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ trong các điều kiện giao dịch chung nêu trên có nét tương đồng với quy định của một số nước, song quy định từ các nước sau đây lại ngắn gọn, xây dựng khoảng không gian để giải thích luật một cách linh hoạt hơn nếu xảy ra tranh chấp chứ không theo phương pháp liệt kê các trường hợp vi phạm. Ví dụ Điều 3.1 Chỉ thị 93/13/EEC của Ủy ban Châu Âu[36]: “Một điều khoản không được thoả thuận riêng lẻ sẽ bị coi là không công bằng nếu nó trái với tinh thần thiện chí, gây ra sự bất cân xứng đáng kể về quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh theo hợp đồng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”. Ở đây, sự bất cân xứng sẽ được xem xét tuỳ vào bối cảnh, mà tinh thần thiện chí cũng đóng vai trò lớn trong việc xác định điều khoản có công bằng hay không. Từ đó, các tiêu chí này sẽ hỗ trợ Toà án ở các nước thành viên trong việc xem xét và tuyên vô hiệu đối với điều khoản đó theo phụ lục của chỉ thị.[37] Tiêu chí cân bằng về quyền và nghĩa vụ trong điều khoản đã được luật hoá chi tiết hơn trong Điều 307.2 BLDS Đức[38] để xem xét điều khoản có rơi vào trường hợp bất hợp lý hay không và theo Điều 3 Đạo luật về Điều khoản bất bình đẳng trong hợp đồng của Anh[39], để xác định điều khoản không công bằng trừ khi chứng minh được tính hợp lý của nó.

Có thể thấy, các nhà làm luật Việt Nam đã có nỗ lực cải cách, học hỏi, cho ra Điều 406 BLDS 2015 quy định về điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng mà BLDS 2005 chưa có, cùng với quy định ở LBVQLNTD 2010 cũng đã cố gắng bổ sung những trường hợp cụ thể hơn để minh hoạ cho tính bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch. Tuy nhiên ta cần phải làm rõ có hay không sự chênh lệch giữa “sự bình đẳng” ở BLDS 2015 với “tính cân xứng về quyền và nghĩa vụ” mà pháp luật các nước đề cập, bằng cách cụ thể hoá nguyên tắc “bình đẳng” trong quan hệ hợp đồng phù hợp với những đặc điểm phát triển của Việt Nam. Đặt trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều vi phạm xảy ra làm ảnh hưởng đến tinh thần của luật, biện pháp liệt kê các trường hợp như Điều 16.1 LBVQLNTD đã đủ để đáp ứng hay chưa? Ngoài ra các điều luật cũng nên xét đến sự thiện chí như một yếu tố thứ yếu khi xác định điều khoản có thuộc dạng không công bằng hay không để đảm bảo tinh thần pháp luật hợp đồng, bởi lẽ nếu chỉ xét đến tính cân xứng thì việc tuyệt đối, đo lường yếu tố này là khó có thể xảy ra trong thực tế.

4.2.2. Hạn chế tính bất cân xứng về thông tin

Không chỉ giải quyết việc bất cân xứng về quyền và nghĩa vụ, mà bài toán đảm bảo cân bằng thông tin giữa các bên cũng được các nhà lập pháp quan tâm.

Đầu tiên, thông tin phải được công khai. Theo Điều 18 LBVQLNTD 2010: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng điều kiện giao dịch chung có trách nhiệm thông báo công khai điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với người tiêu dùng.” Đặc biệt, Điều 406.1 BLDS 2015 nhấn mạnh yếu tố công khai, các bên phải biết về điều kiện giao dịch chung khi xác lập giao dịch là yêu cầu để điều kiện đó có hiệu lực.

Thứ hai, thông tin về điều kiện giao dịch chung phải đảm bảo được tính minh bạch. Pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định để đảm bảo tính công khai, minh bạch của hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung, cụ thể ở Điều 7 Nghị định 99/2011/NĐ-CP, chúng phải được lập thành văn bản và phải đáp ứng hai điều kiện về ngữ nghĩa minh bạch và độ tương phản giữa nền giấy với chữ hiển thị. Tuy nhiên trong thực tế, dù các chính sách, điều khoản của sàn TMĐT vẫn nằm trong các đường link có thể truy cập trên internet để đảm bảo tính “công khai”, song không phải người tiêu dùng nào cũng nắm được đầy đủ thông tin do quy định còn thiếu tính bắt buộc bên đưa ra điều kiện giao dịch chung phải có sự chỉ dẫn, khuyến nghị để bên còn lại nắm bắt được rằng đang có những điều khoản như vậy điều chỉnh giao dịch của mình. Bên cạnh đó, sự rõ ràng, dễ hiểu vẫn chưa được thực hiện tốt về nội dung lẫn hình thức. Ví dụ để bảo đảm cho nội dung được hiển thị rõ ràng, Điều 7 Nghị định này có quy định: “Nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải tương phản nhau”, nhưng độ tương phản ở đây chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Một số điều kiện giao dịch chung còn chứa các thuật ngữ tối nghĩa mà không đi kèm với việc giải thích nhưng vẫn chưa được nhắc nhở, hay màu sắc của điều khoản còn mờ nhạt gây khó quan sát. Người tiêu dùng nếu muốn mua hàng đành phải chấp nhận điều kiện đặt ra dù họ không hoàn toàn nắm được nội dung, gây xâm phạm đến lợi ích của họ.

Tham chiếu BLDS Đức tại Điều 305,[40] để tạo điều kiện nắm bắt thông tin và hạn chế tính áp đặt của điều khoản giao dịch chung do một bên soạn sẵn, thì hơn cả việc ngữ nghĩa bắt buộc phải minh bạch, điều khoản muốn có hiệu lực trong hợp đồng phải đáp ứng các điều kiện: i) bên đặt ra các điều khoản phải chỉ dẫn cho bên kia một cách rõ ràng; ii) phải tạo điều kiện để cho bên kia có thể nhận biết nội dung của điều khoản một cách chấp nhận được, kể cả trường hợp người đó bị khuyết tật thì bên đặt ra các điều khoản phải có cách để bên kia có thể hiểu được nội dung đó. Có thể thấy, ngoài yếu tố “công khai”, “nội dung rõ ràng dễ hiểu” giống như pháp luật Việt Nam, thì BLDS Đức còn quan tâm đến yếu tố bên đặt ra điều khoản phải giải thích, tạo điều kiện để bên còn lại có thể hiểu rõ nội dung điều khoản.

Từ đó, ta cần phải làm rõ tính chất và mức độ “công khai”, “dễ hiểu” trong điều kiện giao dịch chung quy định ở LBVQLNTD và BLDS sao cho sát với thực tiễn. Công khai sẽ được triển khai theo tiêu chí nào, như thế nào là đạt: công khai là giúp bên còn lại biết đến điều khoản khi xác lập giao dịch hay là phải đạt đến mức bên còn lại nắm rõ nội dung điều khoản khi xác lập giao dịch?

5. Tổng kết

Kiểm tra hàng trước khi thanh toán là quyền lợi của bên mua đã được pháp luật công nhận nhưng lại đem đến những bất lợi cho các bên còn lại. Tuy nhiên sẽ không công bằng nếu sàn TMĐT tự động chuyển nỗi lo bị hoàn hàng trở thành rủi ro nhận hàng kém chất lượng của bên mua nhằm để thoái thác trách nhiệm. Đây là một ví dụ thực tế cho thấy pháp luật Việt Nam cần phải xem xét chính sách, điều khoản của sàn TMĐT, liệu đây có phải là “điều kiện giao dịch chung” hay không, từ đó hỗ trợ cơ quan quản lý trở nên dễ dàng hơn trong việc nhận diện, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các chính sách do sàn TMĐT đơn phương đưa ra.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UNCITRAL Model Law on Electronic Commerce của Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế năm 1996.
  2. Bộ luật Dân sự 2015.
  3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
  4. Luật Thương mại 2005.
  5. Quyết định 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
  6. Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  7. Nghị định 52/3013/ NĐ-CP ngày 16/05/2013 của Chỉnh phủ về Thương mại điện tử.
  8. Đạo luật về điều khoản bất bình đẳng trong hợp đồng năm 1977 của Anh.
  9. Chỉ thị 93/13/EEC ban hành ngày 5/4/1993 về Điều khoản không công bằng trong hợp đồng tiêu dùng.
  10. Bộ luật Dân sự Đức 2002 (BGB).
  11. Dương Anh Sơn, Hoàng Vĩnh Long, “Thử bàn về bản chất của hợp đồng dưới góc độ kinh tế học”, Nhà nước và Pháp luật 2013 số 2.
  12. Lee Dongwon, Park Jinsoo, Ahn JoongHo (12/2001), “On the Explanation of Factors Affecting E Commerce Adoption”.
  13. D. McKnight and Norman L. Chervany (2001), “What Trust Means in E-Commerce Customer Relationships: An Interdisciplinary Conceptual Typology”
  14. Jeannie Paterson, “The Australian unfair contract terms law: the rise of substantive unfairness as a ground for review of standard form consumer contracts”, Melbourne University Law Review, Vol. 33, No. 3, 2009.
  15. Yuan Sun, Shuyue Fang và Yujong Hwang (15/6/2019), “Investigating Privacy and Information Disclosure Behavior in Social Electronic Commerce”.
  16. Lê Văn Huy, Rowe Frantz, Truex Duent, Huỳnh Minh Q (9/2012), “An empirical Study of Determinants of E-commerce Adoption in SMEs in Vietnam an economy in transition”.
  17. Stuart E. Levy, Soyoung Boo, Wenjing Duan (2012), “Utilizing Consumer-Generated Online Reviews in an Urban Destination to Develop a Comprehensive Hotel Complaint Framework”.
  18. John A. Rothchild (30/11/2016), “Research Handbook on Electronic Commerce Law”.
  19. K Le-Nguyen, Y Guo (2016), “Choosing e-commerce strategies: Insights from eBay.vn partnership”.
  20. Trần Thanh Tuyền (9/11/2019), “On the factors affecting the development of e-commerce in Vietnam: Case study of Lazada, Shopee, and Tiki”, International Journal of Advanced and Applied Sciences
  21. Minh Chí (2019), “Tác dụng ngược khi sàn TMĐT không cho kiểm hàng trước?”, <https://www.thesaigontimes.vn/288237/Tac-dung-nguoc-khi-san-TMDT-khong-cho-kiem-hang-truoc?.html>
  22. Đỗ Giang Nam (1/3/2015), “Bình luận về các quy định liên quan đến Hợp đồng theo mẫu và Điều kiện giao dịch chung trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, < http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208330&gt;

[1] UNCITRAL Model Law on Electronic Commerce của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế năm 1996.

[2] World Trade Organization, “Electronic commerce”, <https://www.wto.org/english/tratop_e/ecom_e/ecom_e.htm>, truy cập này 19/3/2020.

[3] Yuan Sun, Shuyue Fang và Yujong Hwang, 15/6/2019, “Investigating Privacy and Information Disclosure Behavior in Social Electronic Commerce”, trang 1.

[4] EVBN, research report, 2018, “E-commerce industry Vietnam”, trang 16.

[5] Bộ Công Thương xác nhận đăng ký thành lập website, sàn TMĐT tại Điều 55 và 58 Nghị định 52/3013/ NĐ – CP về Thương mại điện tử.

[6] Vận đơn (bill of lading) Là một loại chứng từ vận tải, biên nhận do bên vận chuyển ký phát sau khi hàng hóa đã tiếp nhận hàng hoá, chuẩn bị chuyên chở. Có nhiều dạng vận đơn cho mỗi phương thức chuyên chở: hàng không, đường biển, đường tàu…

[7] Trần Thanh Tuyền (9/11/2019), “On the factors affecting the development of e-commerce in Vietnam: Case study of Lazada, Shopee, and Tiki”, International Journal of Advanced and Applied Sciences, trang 51.

[8] Theo báo cáo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam công bố vào cuối năm 2018 của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo của người Việt khi mua sắm trực tuyến với 80% người được hỏi cho biết sử dụng hình thức thanh toán COD – trả tiền khi nhận hàng. Còn các hình thức khác như thanh toán qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển khoản chỉ chiếm lần lượt 8%, 6% và 5%. <https://www.thesaigontimes.vn/288237/Tac-dung-nguoc-khi-san-TMDT-khong-cho-kiem-hang-truoc?.html>, truy cập ngày 6/3/2020

[9] Nghị định 52/2013 ngày 16/05/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử

[10] Điều khoản sử dụng của Lazada, https://www.lazada.vn/terms-of-use/

[11] Chính sách vận chuyển Shopee, <https://shopee.vn/docs/3606&gt;, truy cập ngày 20/3/2020.

[12] Báo Tuổi trẻ (25/4/2019), trao đổi tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, TP.HCM, <https://tuoitre.vn/bo-quyen-kiem-tra-truoc-khi-nhan-hang-ai-bao-ve-nguoi-mua-sam-online-20190426084249049.htm>, truy cập ngày 6/3/2020.

[13] Trung tâm tin tức VTV24, 26/4/2019, “Lazada không cho kiểm tra trước khi nhận hàng có làm khó người mua?”, <https://vtv.vn/kinh-te/lazada-khong-cho-kiem-tra-truoc-khi-nhan-hang-co-lam-kho-nguoi-mua-20190426151840274.htm>, truy cập ngày 6/3/2020.

[14] Chỉ số NPS – Net Promoter Score – đánh giá sự hài lòng của khách hàng để đo lường khả năng khách hàng có thể giới thiệu doanh nghiệp với người khác. Chìa khóa để đạt được NPS cao là có số lượng người quảng bá (đánh giá 9-10 điểm cho doanh nghiệp) nhiều hơn người phàn nàn (đánh giá 0-6 điểm).

[15] Báo Xây dựng, “1/3 người mua hàng trực tuyến Việt Nam chưa hài lòng về dịch vụ”, <https://baoxaydung.com.vn/13-nguoi-mua-hang-truc-tuyen-viet-nam-chua-hai-long-ve-dich-vu-273321.html>, truy cập ngày 10/3/2020.

[16] Bình An (08/09/2019), “Khuyến cáo khách hàng thận trọng khi mua hàng qua sàn thương mại điện tử”, <https://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/Khuyen-cao-khach-hang-than-trong-khi-mua-hang-qua-san-thuong-mai-dien-tu-153679.html>, truy cập ngày 20/3/2020.

[17] Lee Dongwon, Park Jinsoo, Ahn JoongHo (12/2001), “On the Explanation of Factors Affecting E-Commerce Adoption”, trang 110.

[18] Luật Thương mại 2005, Điều 11 về Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại

[19] Điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này. Điều kiện này được sinh ra để phục vụ cho nhiều giao dịch có tính chất giống nhau, tiết kiệm nguồn lực khi soạn thảo.

[20] Dương Anh Sơn, Hoàng Vĩnh Long, “Thử bàn về bản chất của hợp đồng dưới góc độ kinh tế học”, Nhà nước và Pháp luật 2013 số 2, trang 64.

[21] Hiện tại Lazada đang triển khai lớp học cho các nhà bán hàng, tuy nhiên bộ phận duyệt nội dung của Lazada không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng như việc sản phẩm có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không vì nhà bán hàng đã phải cam kết với sàn TMĐT này về các nội dung đó. Chất lượng hàng hoá tại đây chỉ được kiểm nghiệm thông qua khảo sát và báo cáo từ phía khách hàng. Theo Bộ phận hỗ trợ đối tác (PSC) Lazada Seller Center (22/5/2017), “Quy định và chính sách của Lazada về chất lượng hàng hóa”, <https://lazadavnpsc.zendesk.com/hc/vi/articles/115007537567-Quy-%C4%91i-nh-va-chi-nh-sa-ch-cu-a-Lazada-v%C3%AA-ch%C3%A2-t-l%C6%B0%C6%A1-ng-ha-ng-ho-a>, truy cập ngày 8/3/2020

[22] Chính sách trả hàng/hoàn tiền, Shopee, <https://help.shopee.vn/vn/s/article/T%C3%B4i-ph%E1%BA%A3i-l%C3%A0m-g%C3%AC-khi-mu%E1%BB%91n-tr%E1%BA%A3-h%C3%A0ng-ho%C3%A0n-ti%E1%BB%81n-1542942531175>.

[23] Chính sách Đổi Trả hàng, Lazada,< https://www.lazada.vn/chinh-sach-doi-tra-hang/>, truy cập ngày 15/3/2020.

[24] Chính sách Đổi Trả hàng, Lazada (tldd tại chú thích số 21).

[25] Minh Chí, 2019, “Tác dụng ngược khi sàn TMĐT không cho kiểm hàng trước?”, <https://www.thesaigontimes.vn/288237/Tac-dung-nguoc-khi-san-TMDT-khong-cho-kiem-hang-truoc?.html>, truy cập ngày 15/3/2020.

[26] D. Harrison McKnight and Norman L. Chervany (2001), “What Trust Means in E-Commerce Customer Relationships: An Interdisciplinary Conceptual Typology”, trang 36.

[27] John A. Rothchild (30/11/2016), “Research Handbook on Electronic Commerce Law”, trang 7.

[28] Stuart E. Levy, Soyoung Boo, Wenjing Duan (2012), “Utilizing Consumer-Generated Online Reviews in an Urban Destination to Develop a Comprehensive Hotel Complaint Framework”, trang 4 – 5.

[29] Lê Văn Huy, Rowe Frantz, Truex Duent, Huỳnh Minh Q (9/2012), “An empirical Study of Determinants of E-commerce Adoption in SMEs in Vietnam an economy in transition”, trang 24 – 25.

[30] D. Harrison McKnight and Norman L. Chervany, (tldd tại chú thích số 24), trang 17

[31] LBVQLNTD 2010, Điều 3.6 : “Điều kiện giao dịch chung là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng.”

[32] BLDS 2015, Điều 406.1 : “ Điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này.”

[33] Theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg được sửa đổi gần đây nhất bởi Quyết định 38/2018/QĐ-TTg, có 09 loại hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu tại Việt Nam, gồm: Cung cấp điện sinh hoạt; Cung cấp nước sinh hoạt; Truyền hình trả tiền; Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả sau); Dịch vụ truy nhập internet; Vận chuyển hành khách đường hàng không; Vận chuyển hành khách đường sắt; Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp.

[34] Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/10/2011 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

[35] “Phán quyết của toà án về điều khoản không công bằng có thể gây mâu thuẫn với lý thuyết hợp đồng cổ điển khi nó can thiệp vào nguyên tắc tự do hợp đồng” theo Jeannie Paterson, “The Australian unfair contract terms law: the rise of substantive unfairness as a ground for review of standard form consumer contracts”, trang 937, Melbourne University Law Review, Vol. 33, No. 3, 2009

[36] Chỉ thị 93/13/EEC ban hành ngày 5/4/1993 về Điều khoản không công bằng trong hợp đồng tiêu dùng

[37] Đỗ Giang Nam (1/3/2015), “Bình luận về các quy định liên quan đến Hợp đồng theo mẫu và Điều kiện giao dịch chung trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, < http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208330>, truy cập ngày 17/3/2020

[38] Bộ luật Dân sự Đức (BGB), sửa đổi lần cuối vào ngày 01/10/2013, <https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html#p1274>

[39] Unfair Contract Terms Act 1977, <http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1977/50>

[40] Bộ luật Dân sự Đức (tldd tại chú thích số 38).

Advertisement