[CS 09 – 12/2020] HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRONG QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI LÁI XE VÀ CÔNG TY CÔNG NGHỆ DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Hoàng Khánh Linh (K433527) & Đào Phương Mai (K433520),

Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Industrial Revolution 4.0 – IR 4.0), chạy xe công nghệ là một công việc mới xuất hiện. Mặc dù chiếm một số lượng lớn trên thị trường lao động, nhất là ở các đô thị lớn, nhưng hiện nay tài xế xe công nghệ vẫn chưa được coi là người lao động, mối quan hệ giữa các tài xế và công ty công nghệ chưa được xác định rõ có phải quan hệ lao động hay không. Trên cơ sở phân tích thực tiễn, bài viết này đánh giá các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam về xác định quan hệ lao động, xác lập hợp đồng lao động giữa công ty và tài xế xe công nghệ.

Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, chạy xe công nghệ, tài xế xe công nghệ, quan hệ lao động, hợp đồng lao động.

In the context of the fourth industrial revolution, “Grab driver” is a new job. Grab drivers are not currently considered employees, although they account for a large number of the labor market, especially in big cities. The relationship between them and technology companies is not determined to be labor relations. Based on practical analysis, this article reviews the current legal regulations and proposes some solutions to complete the legal framework of determining labor relations and establishing labor contracts to protect the legitimate rights and interests of technology drivers under the influence of IR 4.0.

Keywords: the fourth industrial revolution, Grab driver, labor relation, labor contract.

 1. Khái quát về IR 4.0 và những tác động đến quan hệ lao động

1.1. Khái quát về IR 4.0

IR 4.0 là sự cải tiến công nghệ nhanh chóng thông qua việc tăng cường sử dụng truyền thông di động và kết nối mạng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ các đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật số, sinh học và vật lý[1]. Trong bài viết Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác giả Klaus Schwab[2] đã khái quát đặc trưng của từng cuộc cách mạng công nghiệp. Đối với IR 4.0, ông nhận định rằng: “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có đặc trưng là việc đẩy mạnh phát triển công nghệ giúp xóa mờ ranh giới giữa các yếu tố vật chất, kỹ thuật số và sinh học”[3]. Trong bối cảnh IR 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, một số thay đổi nổi bật có thể kể tới là sự xuất hiện và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ rô-bốt, phương tiện tự điều khiển,…

1.2. Những tác động đến quan hệ lao động

Trên cơ sở bối cảnh toàn cầu và của riêng Việt Nam, trong bối cảnh giảm sút lao động con người và tăng cường lao động máy móc, IR 4.0 tạo ra sự thay đổi trong lực lượng lao động. Người lao động (NLĐ) gặp thuận lợi hay khó khăn do tự động hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm kỹ năng của chính NLĐ và liệu rằng NLĐ là nhân tố bổ trợ hay thay thế cho robot và máy móc[4] [5]. Khái niệm việc làm và cách xác định quan hệ lao động cũng nảy sinh những quan điểm mới. Việc sử dụng các thiết bị di động với mức độ tiếp cận mạng rộng rãi đã tạo ra những việc làm có thể thực hiện từ xa.

Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ trở thành nhân tố khởi tạo và chuyển đổi việc làm. IR 4.0 đã và đang tạo ra xu hướng khiến NLĐ chuyển sang làm những công việc hoạt động trên các nền tảng trực tuyến. Ví dụ: dịch vụ đưa đón hành khách, dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn, kết nối thông qua việc sử dụng các ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động (Grab, Gojek, Be,…). Theo kết quả nghiên cứu của ABI Research, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam[6].

Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả chỉ đề cập đến tác động của IR 4.0 tới pháp luật lao động trong lĩnh vực dịch vụ, cụ thể là dịch vụ lái xe (ôm) công nghệ. Thời gian qua, trên thị trường vận tải hành khách ở Việt Nam xuất hiện loại hình chạy xe “ôm” sử dụng ứng dụng công nghệ. Tuy mới nhưng loại hình này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ lớn từ phía người tiêu dùng. Tiêu biểu phải kể tới Grab. Sau 5 năm hiện diện tại Việt Nam, Grab đã có mặt ở 43 tỉnh. Về số lượng tài xế, Grab cho biết hãng có 190.000 đối tác tính đến tháng 5/2019[7]. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab đã thực hiện 146 triệu cuốc xe (chiếm 73% thị phần)[8]. Có thể thấy rằng công ty Grab đang chứng minh vị trí thống lĩnh của mình trong thị trường. Bởi vậy, nhóm tác giả nhận định Grab là hình mẫu tiêu biểu cho loại hình chạy xe công nghệ và sẽ lựa chọn Grab với dịch vụ Grabbike là đối tượng để phân tích, chứng minh có tồn tại quan hệ lao động giữa công ty công nghệ và tài xế xe công nghệ.

Trên thực tế, trước sự thay đổi được tạo ra bởi công nghệ, việc nhận diện loại quan hệ và xác lập loại hợp đồng tương ứng giữa công ty công nghệ với tài xế làm phát sinh nhiều quan điểm khác nhau. Về loại quan hệ, có ý kiến cho rằng đây là quan hệ lao động, ý kiến khác lại xác định là quan hệ dân sự. Hoặc về loại hợp đồng, có quan điểm cho rằng các bên xác lập với nhau một hợp đồng hợp tác, song cũng có quan điểm nhận định là hợp đồng lao động (HĐLĐ). Việc nhận diện và làm rõ những vấn đề này là rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tài xế, nhất là khi phát sinh rủi ro nghề nghiệp, tai nạn lao động,…

2. Xác định quan hệ giữa các công ty công nghệ kết nối dịch vụ vận tải và tài xế xe công nghệ

Theo nhóm tác giả, “Grab” chỉ là một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại với tài xế. Về bản chất, công ty Grab không cung cấp dịch vụ vận tải, và theo quy định của pháp luật họ cũng không đủ điều kiện để được cung cấp dịch vụ này[9]. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty Grab không đơn thuần chỉ kinh doanh phần mềm, mà còn đang hoạt động sang cả lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách. Bởi lẽ, công ty Grab đang trực tiếp thực hiện các hoạt động: lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe; tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện việc cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách; điều động xe, quyết định hành trình của xe; quyết định giá cước khi kết thúc hành trình; thu phí của lái xe, khuyến mại cho khách hàng; nhận và giải quyết phản hồi của khách hàng…. Vì vậy, nhóm tác giả nhận định rằng: Dịch vụ do công ty Grab cung cấp tại thị trường Việt Nam là dịch vụ vận tải trên nền tảng phần mềm ứng dụng Grab.

Trên thực tế, các tài xế xe công nghệ hiện đều đang làm việc dưới hình thức là đối tác độc lập cho các công ty dịch vụ công nghệ kết nối người dùng. Theo đó, nếu tài xế đáp ứng được các điều kiện của công ty, các bên sẽ tiến hành giao kết hợp đồng hợp tác. Hợp đồng này ghi nhận thỏa thuận giữa các bên về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm[10]. Cụ thể, công ty và tài xế xe công nghệ giao kết hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, căn cứ vào định nghĩa về HĐLĐ quy định tại Điều 13(1) Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019[11], có thể hiểu khác về quan hệ giữa các công ty công nghệ kết nối dịch vụ vận tải và tài xế. Theo điều luật này, trường hợp các bên giao kết một hợp đồng hoặc một thỏa thuận không phải là HĐLĐ nhưng có thể hiện các nội dung về: (1) công việc phải làm, (2) tiền lương và (3) sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên đối với bên còn lại thì cũng được coi là HĐLĐ. Theo đó, hợp đồng hợp tác giữa các công ty dịch vụ công nghệ và tài xế đang mang những dấu hiệu của một HĐLĐ.

2.1. Về công việc phải làm

Các công ty dịch vụ công nghệ hiện đều có một quy chế hoạt động và các điều khoản sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử riêng, bắt buộc áp dụng cho tất cả các tài xế xe công nghệ của họ. Theo đó, tài xế phải tuân thủ một quy trình tác nghiệp cụ thể như quy trình về nhận cuốc xe, quy trình vận chuyển khách hàng[12]. Như vậy, công việc phải làm của tài xế đang được quy định theo từng dịch vụ cụ thể mà công ty xây dựng trên ứng dụng của mình.

2.2. Về tiền lương

Trên thực tế, công ty không phải là bên trả tiền công cho tài xế mà khách hàng mới là chủ thể trả tiền. Tuy nhiên, trong khoản tiền khách hàng trả, thù lao thực sự tài xế được hưởng lại được tính theo tỷ lệ phần trăm mà công ty quy định[13]. Như vậy, một cách gián tiếp, công ty quyết định số tiền mà một tài xế nhận được từ mỗi chuyến xe. Nói cách khác, xét về chủ thể, ở đây có tồn tại mối quan hệ giữa bên trả lương và bên nhận tiền lương.

Gần đây có xảy ra cuộc “biểu tình” của các tài xế Grab phản đối quyết định tăng chiết khấu của công ty. Theo ghi nhận, vào sáng ngày 07/12/2020, hàng trăm tài xế mặc áo đồng phục Grab tập trung rất đông trước trụ sở công ty, tất cả đều tắt ứng dụng, yêu cầu được làm việc với đơn vị chủ quản về việc tăng thuế ảnh hưởng tới thu nhập của họ. Trước đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126[14], Grab vừa tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc[15]. Vụ việc nói trên cho thấy sự phụ thuộc của tài xế Grab vào chính sách của công ty. Khi chính sách có sự điều chỉnh bất lợi, quyền lợi của các tài xế lập tức bị tổn hại.

2.3. Về việc quản lý, điều hành, giám sát của một bên đối với bên còn lại

Hiện nay các công ty dịch vụ công nghệ phủ nhận yếu tố quản lý, điều hành đối với các tài xế và cho rằng mình chỉ là đơn vị cung ứng nền tảng, hệ thống và ứng dụng kết nối giữa tài xế và khách hàng[16]. Tuy nhiên, nếu cho rằng công ty không quản lý, điều hành đối với các tài xế là không chính xác. Bởi trên thực tế, tài xế không thể chủ động nhận các cuốc xe, đơn hàng từ khách mà phải thông qua hệ thống tự động quét tài xế của ứng dụng. Hơn nữa, khi thực hiện dịch vụ, tài xế cũng không được quyền tự do thương lượng giá cả với khách hàng mà chỉ được thu đúng số tiền theo tính toán trên hệ thống. 

Trên thực tế, các công ty đang thực hiện giám sát các hành vi của tài xế khá chặt chẽ thông qua phần mềm kết nối nhằm phát hiện ra các hành vi vi phạm của tài xế như: hủy chuyến không lý do, có hành vi thiếu tôn trọng khách hàng,… để có những hình thức xử lý. Nội dung hợp đồng của Grab cũng ghi nhận những điều khoản thể hiện sự quản lý, điều hành, giám sát sau:

“…sẽ không cố gắng khai thác thương mại bất kỳ phần nào của Ứng Dụng mà không có sự cho phép…”[17].

“…nhận hoàn toàn trách nhiệm và nghĩa vụ đối với toàn bộ tổn thất hoặc thiệt hại được gây ra”[18].

“…có giấy phép lái xe hợp lệ và được phép điều khiển xe cơ giới/ xe máy và có tất cả các giấy phép, chấp thuận và quyền hạn thích hợp để cung cấp dịch vụ vận chuyển hoặc giao hàng thuê…”[19].

“….không được tra cứu ngược, theo dõi hoặc tìm cách theo dõi bất kỳ thông tin nào về bất kỳ người dùng hoặc khách truy cập nào khác vào Ứng Dụng hoặc bất kỳ khách hàng nào khác của Grab….nhằm mục đích tiết lộ bất kỳ thông tin nào ngoài thông tin được cung cấp bởi Ứng Dụng”[20].

Ngôn ngữ trong hợp đồng nói trên thể hiện sự ràng buộc và phân định vai vế giữa “Người sử dụng lao động”[21] và “Người lao động”[22]. Bởi lẽ đối chiếu giữa khái niệm NLĐ, NSDLĐ theo luật định với với ngôn ngữ trong hợp đồng, có thể thấy phía công ty đang đặt ra những điều kiện mà phía tài xế phải đáp ứng nếu muốn ký kết hợp đồng như: “có giấy phép lái xe”, “nhận hoàn toàn trách nhiệm và nghĩa vụ”; đồng thời phía công ty cũng đặt ra yêu cầu về những việc tài xế không được làm như: “không cố gắng khai thác thương mại”, “không được tra cứu ngược”. Theo đó, các tài xế khi đã ký kết hợp đồng sẽ phải bằng hành vi của chính mình, thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đã cam kết dưới sự giám sát, quản lý của công ty nhằm bảo đảm nội dung hợp đồng được tài xế thực hiện đúng như thỏa thuận. Sự ràng buộc này phản ánh bản chất của quan hệ giữa công ty công nghệ và tài xế chính là quan hệ giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ.

2.4. Về chủ thể giao kết hợp đồng

HĐLĐ phải do đích danh NLĐ thực hiện[23]. Cụ thể, trong Hợp đồng dịch vụ của Grab có các điều khoản quy định nghĩa vụ thuộc về đích danh tài xế. Yếu tố nhân thân của tài xế cũng được Grab xét đến như là điều kiện để được làm “đối tác” như:

“…có đầy đủ năng lực pháp lý để ký kết Hợp Đồng và rằng bạn đủ mười tám (18) tuổi. Bạn không thể ký kết Hợp Đồng nếu bạn dưới mười tám (18) tuổi;”[24].

“…sẽ cung cấp các thông tin nhận dạng như họ và tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản… hoặc bất kỳ tài liệu nào khác mà chúng tôi có thể yêu cầu một cách hợp lý để cung cấp Dịch Vụ”[25].

Căn cứ vào các phân tích trên, nhóm tác giả xác định mặc dù không mang tên gọi là HĐLĐ nhưng thỏa thuận công việc ký kết giữa công ty Grab và các tài xế xe công nghệ mang đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng của một HĐLĐ. Vì vậy về bản chất, đây là HĐLĐ.

3. Bất cập về nội dung giao kết hợp đồng giữa công ty công nghệ và tài xế xe công nghệ

Khi quan hệ giữa công ty công nghệ và tài xế được công nhận là quan hệ lao động, giao kết giữa hai bên là HĐLĐ, đồng nghĩa với việc quan hệ giữa hai bên sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động. Câu hỏi pháp lý được đặt ra là: Hợp đồng ký kết giữa hai bên có thỏa mãn đủ các nội dung cơ bản của một HĐLĐ theo quy định tại Điều 21(1) BLLĐ năm 2019 không? Ban đầu, cơ sở xây dựng loại hình chạy xe công nghệ nhằm để người có xe có cơ hội kiếm tiền trong lúc nhàn rỗi, người tiêu dùng có thêm lựa chọn giá rẻ. Trước những quy định bắt buộc về mặt pháp lý, có những bất cập đã phát sinh.

3.1. Về mức lương tối thiểu

Hiện nay, giữa công ty và tài xế chạy xe không thỏa thuận với nhau về mức lương tối thiểu cụ thể. Hãng quy định về mức chiết khấu (8-20% tùy loại xe) trên mỗi cuốc xe mà tài xế thực hiện. Ngoài ra, công ty quy định về giá cước phí dựa trên 02 yếu tố: (i) số ki-lô-mét đường và (ii) số phút thực hiện chuyến đi. Nằm ngoài sự điều chỉnh các quy định pháp luật, giá cước xe thay đổi liên tục hàng giờ trong ngày. Dựa vào những yếu tố khách quan: thời tiết, tắc nghẽn giao thông, ngày lễ,… giá cho một cuốc xe có thể tăng gấp ba, bốn lần bình thường[26]. Do đó vấn đề lương tối thiểu là một trong những vướng mắc đầu tiên cần giải quyết. Dựa trên căn cứ nào để xác định mức lương tối thiểu cho tài xế? Khi xác định mức lương tối thiểu thì tính chất tự do và linh động của công việc có bị ảnh hưởng hoặc mất đi không?

3.2. Về thời giờ làm việc, làm thêm giờ

Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của NLĐ, đồng thời là nội dung bắt buộc phải được làm rõ khi giao kết HĐLĐ. Với tính chất công việc tự do, tài xế chủ động chạy xe, không có quy định cụ thể về thời giờ làm việc. Nhiều tài xế phản ánh họ làm việc trung bình từ 10-12 giờ/ngày mà không hưởng tiền làm thêm hay nghỉ có hưởng lương[27]. Theo quy định của pháp luật lao động, thời giờ làm việc bình thường của NLĐ là không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần[28]. Trường hợp NLĐ làm thêm giờ thì được trả lương tính theo theo tiền lương thực trả theo công việc đang làm (ít nhất bằng: 150% nếu làm vào ngày thường; 200% nếu làm vào ngày nghỉ hàng tuần; 300% nếu làm vào ngày nghỉ lễ, tết,…)[29]. Đối chiếu với BLLĐ, có thể thấy, giữa quyền lợi trên thực tế hiện nay với quyền lợi hợp pháp tài xế được hưởng dưới tư cách là NLĐ đang có sự chênh lệch. Theo đó, dù tính chất đều là quan hệ lao động, quyền và lợi ích của tài xế xe công nghệ đang không được bảo đảm. Cụ thể có một số vấn đề liên quan mật thiết tới vấn đề tiền lương cần được giải quyết: (i) tiền lương trong trường hợp làm việc quá giờ; (ii) nghỉ phép có lương.

3.3. Về các loại bảo hiểm cho người lao động

Căn cứ vào Điều 34(3)(a) Nghị định số 10/2020/NĐ-CP[30], mọi đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô phải ký kết HĐLĐ, đóng các loại bảo hiểm cho tài xế lái xe ô tô. Song chưa có quy định về nội dung tương tự đối với xe máy. Hiện nay hãng Grab có bảo hiểm tai nạn cá nhân dành cho cả tài xế GrabCar/GrabBike và hành khách khi thực hiện chuyến đi hợp lệ thông qua ứng dụng[31]. Ngoài loại bảo hiểm này, các tài xế không được tham gia và hưởng chế độ an sinh xã hội bắt buộc đối với NLĐ như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo pháp luật lao động quy định, NLĐ ký hợp đồng từ 01 tháng trở lên phải tham gia BHXH[32] và người có HĐLĐ từ 03 tháng trở lên phải tham gia BHTN[33]. Trên thực tế, nhiều tài xế đã làm việc được 06 tháng, 01 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có căn cứ áp dụng quy định tính đóng BHXH, BHYT và BHTN cho lái xe.

3.4. Về tổ chức đại diện người lao động

Một quyền rất quan trọng của NLĐ là được tham gia công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp. Đây là những tổ chức được thành lập nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Việc tài xế xe công nghệ được quyền tham gia tổ chức đại diện NLĐ có liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Hiện nay, các hãng xe có sự chi phối rất lớn đối với quyền lợi của tài xế xe công nghệ. Cụ thể, công ty có quyền quyết định về phần tiền công mà các tài xế nhận được với mỗi cuốc xe thực hiện, công ty cũng có thể áp dụng hình phạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập của tài xế, ví dụ như khóa phần mềm. Khi những bất đồng dẫn đến tranh chấp, do làm việc độc lập, tài xế không được hướng dẫn, không biết phải tìm đến tổ chức nào để bảo vệ quyền lợi cho mình. Theo đó, nhằm gây sức ép cho công ty, các tài xế tổ chức những cuộc “biểu tình” phản đối các quyết định không phù hợp.

4. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động

Để giải quyết các bất cập đã phân tích ở trên, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, hiện nay đã có Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho rằng Chính phủ nên xây dựng dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe máy, những nguyên tắc cơ bản về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe máy nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách đi xe, bảo vệ về tính mạng và tài sản cho người hành nghề vận tải hành khách công cộng bằng xe máy.

Thứ hai, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian sớm nhất, cần ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLLĐ năm 2019. Nghị định này quy định quyền, trách nhiệm của NSDLĐ, NLĐ, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện một số quy định của BLLĐ về HĐLĐ, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và giải quyết tranh chấp lao động.

Thứ ba, ban hành Nghị định quy định về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, tổ chức đại diện, giải quyết tranh chấp lao động của NLĐ trong khu vực phi chính thức bao gồm: lao động tự tạo việc làm, lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số. Nghị định nhằm mở rộng diện bao phủ của Bộ luật Lao động, bảo đảm quyền, lợi ích của NLĐ trong khu vực phi chính thức, cụ thể trong phạm vi bài viết là bảo đảm quyền, lợi ích của các tài xế xe công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015
  2. Bộ luật Lao động năm 2019
  3. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
  4. Luật Việc làm năm 2013
  5. Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 01 năm 2020 quy định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
  6. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế

Nguồn điện tử

Working papers

1. Schwab K, ‘The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond’ (2016) World Economic Forum 1/2016, weforum.org <https://www.weforum.org/agenda/2016/01/thefourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond>

2. Katz F. Lawrence và Margo A. Robert, ‘Technical Change and the Relative Demand for Skilled Labor: The United States in a Historical Perspective’ (2013) National Bureau of Economic Research 02/2013, nber.org <http://www.nber.org/books/bous12-1>

3. Goos M, ‘How the world of work is changing: a review of the evidence’ (2013) International Labour Organization Research Paper 2013, ilo.org <https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—ed_dialogue/—act_emp/documents/presentation/wcms_582793.pdf>

Tạp chí online

4. Nguyễn Thị Dung, ‘Một vài khía cạnh pháp lý đối với hoạt động của doanh nghiệp Grab/Uber’ (2018) Tạp chí tài chính tapchitaichinh.vn <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nghien-cuu-dieu-tra/mot-vai-khia-canh-phap-ly-doi-voi-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-grabuber-142811.html>

5. Phạm Thị Hồng Nhung, ‘Khía cạnh pháp lý của “hợp đồng số” trong ứng dụng Uber, Grab’ (2018)5 Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán elearning.tdmu.edu.vn <https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/T%E1%BA%A1p%20Ch%C3%AD%20S%E1%BB%91%20Ho%C3%A1/PhanThoHongNhung178.pdf>

6. Di Lâm, ‘Tài xế Grab là đối tác của doanh nghiệp hay người làm công?’(2019) <https://nld.com.vn/cong-doan/tai-xe-grab-la-doi-tac-cua-doanh-nghiep-hay-nguoi-lam-cong-20190716192820448.htm>

7. Việt Đức, Lan Anh, ‘Grab nắm 70% thị phần, cơ hội nào cho Go-Viet và Be?’(2019) <https://zingnews.vn/grab-nam-70-thi-phan-co-hoi-nao-cho-go-viet-va-be-post992435.html>

8. Văn Huế, ‘Hơn 200 tài xế Grab đi xe máy quanh hồ Gươm phản đối tăng giá cước’ (2020) atgt.vn <https://www.atgt.vn/hon-200-tai-xe-grab-di-xe-may-quanh-ho-guom-phan-doi-tang-gia-cuoc-d488386.html&gt;

Website

9. ‘Cách thức tính giá cước GrabBike – Áp dụng từ 24/02/2019’ grab.com <https://www.grab.com/vn/en/blog/gia-cuoc-gb-ap-dung-tu-190224/>

10. Điều khoản sử dụng: dành cho Vận tải, Giao nhận và Thương mại của Grab grab.com <https://www.grab.com/vn/terms-policies/transport-delivery-logistics/>

11. ‘Thông tin sơ lược về bảo hiểm tai nạn cá nhân của Grab’ grab.com <https://www.grab.com/vn/insurance/>

12. ‘Quy chế quản lý hoạt động của của ứng dụng di động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử Grab’ < https://www.grab.com/vn/en/terms-wip>

13. Nguyễn Văn Minh, ‘Tài xế công nghệ sẽ trở thành người (2019) <https://www.thesaigontimes.vn/td/294224/tai-xe-cong-nghe-se-tro-thanh-nguoi-lam-cong-.html>

14. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp <dangkykinhdoanh.gov.vn>


[1] Klaus Schwab, ‘The Fourth Industrial Revolution’ (2018) Britannica.com

<https://www.britannica.com/topic/The-Fourth-Industrial-Revolution-2119734> truy cập ngày 04/11/2020

[2] Klaus Schwab – người sáng lập ra Diễn đàn kinh tế thế giới

[3] Klaus Schwab, ‘The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond’ (2016) World Economic Forum 1/2016 weforum.org <https://www.weforum.org/agenda/2016/01/thefourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond> truy cập ngày 04/11/2020

[4] Lawrence F. Katz, và Robert A. Margo, ‘Technical Change and the Relative Demand for Skilled Labor: The United States in a Historical Perspective’ (2013) National Bureau of Economic Research 02/2013 nber.org <http://www.nber.org/books/bous12-1> truy cập ngày 04/11/2020

[5] Maarten Goos, ‘How the world of work is changing: a review of the evidence’ (2013) International Labour Organization Research Paper 2013 ilo.org <https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—ed_dialogue/—act_emp/documents/presentation/wcms_582793.pdf> truy cập ngày 04/11/2020

[6] Việt Đức, Lan Anh, ‘Grab nắm 70% thị phần, cơ hội nào cho Go-Viet và Be?’ (2019) zingnew.vn <https://zingnews.vn/grab-nam-70-thi-phan-co-hoi-nao-cho-go-viet-va-be-post992435.html> truy cập ngày 05/11/2020

[7] Việt Đức, Lan Anh, ‘Grab nắm 70% thị phần, cơ hội nào cho Go-Viet và Be?’ (2019) zingnew.vn <https://zingnews.vn/grab-nam-70-thi-phan-co-hoi-nao-cho-go-viet-va-be-post992435.html> truy cập ngày 19/12/2020

[8] Việt Đức, Lan Anh, ‘Grab nắm 70% thị phần, cơ hội nào cho Go-Viet và Be?’ (2019) zingnew.vn <https://zingnews.vn/grab-nam-70-thi-phan-co-hoi-nao-cho-go-viet-va-be-post992435.html> truy cập ngày 19/12/2020

[9] Căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển phần mềm, bán lẻ,vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành.<https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn/inf/Forms/Searches/EnterpriseInfo.aspx?h=163> truy cập ngày 19/12/2020

[10] Bộ luật số 91/2015/QH13 của Quốc hội ban hành ngày 24/11/2015 về Dân sự (Bộ luật Dân sự 2015), Điều 504

[11] Bộ luật số 45/2019/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 20/11/2019 về Lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (Bộ luật Lao động 2019), Điều 13(1) quy định:

‘1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.’

[12] ‘Quy chế quản lý hoạt động của của ứng dụng di động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử Grab’ <https://www.grab.com/vn/en/terms-wip/> truy cập ngày 18/12/2020

[13] ‘Cách thức tính giá cước GrabBike – Áp dụng từ 24/02/2019’ <https://www.grab.com/vn/en/blog/gia-cuoc-gb-ap-dung-tu-190224/> truy cập ngày 05/11/2020

[14] Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế

[15] Văn Huế, ‘Hơn 200 tài xế Grab đi xe máy quanh hồ Gươm phản đối tăng giá cước’ (2020)<https://www.atgt.vn/hon-200-tai-xe-grab-di-xe-may-quanh-ho-guom-phan-doi-tang-gia-cuoc-d488386.htm> truy cập ngày 8/12/2020

[16] Nguyễn Văn Minh, ‘Tài xế công nghệ sẽ trở thành người làm công?” (2019) <https://www.thesaigontimes.vn/td/294224/tai-xe-cong-nghe-se-tro-thanh-nguoi-lam-cong-.html> truy cập ngày 18/12/2020.

[17] Điều khoản sử dụng: dành cho Vận tải, Giao nhận và Thương mại của Grab, mục 3.1.7 grab.com <https://www.grab.com/vn/terms-policies/transport-delivery-logistics/> truy cập ngày 05/11/2020

[18] Tlđd, mục 3.1.17, n17

[19] Tlđd, mục 3.2.1, n17

[20] Tlđd, mục 3.2.7, n17

[21] Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 3(1): Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

[22] Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 3(2): Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

[23] Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 18(1)

[24] Tlđd, mục 3.1.1, n17

[25] Tlđd, mục 3.1.9, n17

[26] Nguyễn Thị Dung, ‘Một vài khía cạnh pháp lý đối với hoạt động của doanh nghiệp Grab/Uber’ (2018) tapchitaichinh.vn <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nghien-cuu-dieu-tra/mot-vai-khia-canh-phap-ly-doi-voi-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-grabuber-142811.htm > truy cập ngày 05/11/2020

[27] Di Lâm, ‘Tài xế Grab là đối tác của doanh nghiệp hay người làm công?’ (2019) nld.com.vn <https://nld.com.vn/cong-doan/tai-xe-grab-la-doi-tac-cua-doanh-nghiep-hay-nguoi-lam-cong-20190716192820448.htm> truy cập ngày 05/11/2020

[28] Bộ luật Lao động 2019, Điều 105(1)

[29] Bộ luật Lao động 2019, Điều 98(1)

[30] Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 01 năm 2020 quy định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

[31]‘Thông tin sơ lược về bảo hiểm tai nạn cá nhân của Grab’ grab.com <https://www.grab.com/vn/insurance/> truy cập ngày 05/11/2020

[32] Luật số 58/2014/QH13 của Quốc hội ban hành 20/11/2014 về Bảo hiểm xã hội, Điều 2(1)(b)

[33] Luật số 38/2013/QH13 của Quốc hội ban hành 16/11/2013 về Việc làm, Điều 43(1)(c)

Advertisement