Tấn Trúc Hạnh Đoan
Sinh viên K18501, trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
Việc thẻ điện thoại được dùng để mua sắm, thanh toán điện tử hay nạp vào các ứng dụng cung cấp bởi các bên thứ ba đang được Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ, pháp luật Việt Nam hiện tại chỉ có Dự thảo Nghị định Quy định thanh toán không dùng tiền mặt 2020 được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo và lấy ý kiến từ tháng 12 năm 2019 là đề cập đến việc sử dụng thẻ điện thoại của người dùng trong thanh toán điện tử. Bài viết sau sẽ làm rõ những khái niệm, ưu điểm và khuyết điểm trong thực tế, từ đó ủng hộ thẻ điện thoại nên được dùng với tư cách là công cụ thanh toán điện tử trung gian. Dựa trên nội dung Dự thảo và các quy định pháp luật liên quan, bài viết sẽ đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề này.
Từ khóa: thẻ điện thoại, thanh toán điện từ, thanh toán qua mạng, thanh toán phi tiền mặt, mobile money
The State is paying attention to the convenience of using phone cards for shopping, electronic payment (e-payment) or paying for third-party applications. However, Vietnamese legal system only has a draft Decree on non-cash payments 2020 regulating phone cards in e-payment. This article clarifies the definitions on phone card and e-payment, analyzes advantages and disadvantages in reality, in order to recommend phone cards as a means of intermediary electronic payment. Based on the draft and related legal provisions, this paper finally proposes some recommendations to complete the legal framework for this issue.
Key words: phone card, e-payment, non-cash payment, mobile money
1. Lý luận chung về thẻ điện thoại
1.1. Thẻ điện thoại theo pháp luật Việt Nam
Điều 3(1)(b) của Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) [1] đã định nghĩa thẻ điện thoại là “thẻ được nạp sẵn tiền dùng để thanh toán giá cước khi sử dụng dịch vụ thông tin di động. Mệnh giá thẻ bằng số tiền được nạp sẵn trong thẻ.”
Thẻ điện thoại hay còn gọi là thẻ nạp, thẻ viễn thông là tấm thẻ có sẵn mệnh giá được dùng để trả tiền dịch vụ điện thoại cho tài khoản viễn thông trong mệnh giá đó. Tại Việt Nam, người dùng có thể dễ dàng mua chúng tại các đại lý phân phối hoặc ứng dụng bán hàng trực tuyến mà không cần cung cấp bất cứ thông tin nào.
Về trách nhiệm pháp lý[2], thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông được xem là hàng hóa viễn thông chuyên dùng, gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông phát hành và chịu trách nhiệm.
1.2. Phương thức thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử là một mô hình thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến. Loại hình thanh toán này hoạt động theo cơ chế trung gian: khách hàng nạp tiền vào tài khoản thanh toán điện tử được mở thuộc hệ thống (nguồn tiền nạp từ thẻ ngân hàng liên kết, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử…), hệ thống sẽ lưu trữ tiền trong tài khoản điện tử của khách, giúp khách hàng giao dịch thông qua các website hoặc các cổng thanh toán điện tử có liên kết.
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, thẻ điện thoại có thể thực hiện các tính năng của thanh toán điện tử: khách hàng nạp tiền từ các thẻ điện thoại vào tài khoản viễn thông có thể giao dịch điện tử do một số cổng thanh toán hiện nay đã chấp nhận nguồn tiền này. Tuy nhiên tổ chức cung ứng thẻ điện thoại lại là doanh nghiệp viễn thông mà không thuộc các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo luật định. [3] Vì vậy nước ta chỉ mới quy định về việc quản lý mã code, số series và mệnh giá thẻ trong Luật Viễn thông cùng các nghị định liên quan [4] chứ chưa có quy định nào về việc dùng thẻ điện thoại như một công cụ để thanh toán qua mạng.
Điều này đang được triển khai làm rõ trong quá trình thí điểm “Mobile Money” của Bộ TT&TT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
1.3. Mobile money
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA), [5] Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. [6] Mobile Money chính là nền tảng để thanh toán điện tử theo phương pháp trên, giao dịch thông qua tài khoản viễn thông có đầu vào là nguồn tiền nạp từ thẻ điện thoại. Nó được triển khai đầu tiên tại Philippines vào năm 2001 để khắc phục những hạn chế: địa hình chia cắt bởi các đảo nhỏ, hệ thống ngân hàng không phổ biến…
Mobile Money hoàn toàn có những tính năng của thanh toán điện tử không tiền mặt, gần giống với ví điện tử. Điểm khác biệt lớn nhất của Mobile Money so với ví điện tử là không cần liên kết tài khoản ngân hàng của khách hàng. Mobile Money cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ trong tài khoản viễn thông; khách hàng nhập mã thẻ điện thoại trực tiếp vào tài khoản theo tỷ lệ tiền gửi bằng tiền khả dụng (không tính phí giao dịch). [7] Trong khi đó, ví điện tử vẫn đóng vai trò nhận nguồn tiền từ các loại thẻ do Ngân hàng phát hành mà chưa tận dụng hết các nguồn phi tiền mặt khác.
Với việc khắc phục khuyết điểm này, Mobile Money được xem là bước đột phá so với chức năng ban đầu của tài khoản viễn thông và thẻ cào, đem lại một nguồn thanh toán mới cho người dùng.
1.4. Các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề liên quan đến thẻ điện thoại và chức năng thanh toán trung gian của nó
Thẻ điện thoại với các chức năng truyền thống đang được điều chỉnh trực tiếp bởi Luật Viễn thông 2019 và cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.
Xét đến chức năng thanh toán trung gian của thẻ điện thoại, hiện ta chỉ mới Dự thảo Nghị định Quy định thanh toán không dùng tiền mặt 2020 được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo và lấy ý kiến từ tháng 12 năm 2019 quy định về vấn đề này chứ chưa có một văn bản pháp luật chính thức. Chức năng thanh toán trung gian nằm trong phạm vi quản lý của NHNN là chính, vì vậy những quy định trên được đặt ra dựa trên nền tảng Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi vào năm 2017; kết hợp với các quy định về dịch vụ trung gian thanh toán, thanh toán điện tử theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về Dịch vụ trung gian thanh toán do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, sửa đổi gần đây nhất bởi Thông tư 23/2019/TT-NHNN.
2. Thực trạng sử dụng thẻ điện thoại như một công cụ thanh toán trung gian qua mạng tại Việt Nam
2.1. Ưu điểm của việc thanh toán bằng thẻ điện thoại tại Việt Nam
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép triển khai thí điểm Mobile Money – dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam vẫn đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực tế cho thấy, thẻ điện thoại ở nước ta được bày bán rộng rãi ở các đại lý phân phối và việc sở hữu tài khoản viễn thông dễ dàng hơn nhiều so với tạo tài khoản ngân hàng. Đây chính là lợi thế lớn để Mobile Money phát triển.
Với Mobile Money, khách hàng có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động từ thanh toán các dịch vụ công đến chuyển nhận tiền. Con người không cần phải đem quá nhiều tiền mặt hay các loại thẻ bên mình, doanh nghiệp kiểm soát tốt dòng tiền, ngân hàng giảm chi phí huy động vốn, Nhà nước cũng điều tiết và kiểm soát tốt hơn lượng tiền lưu thông.
Ở khía cạnh tập quán tiêu dùng thì tại Việt Nam đang có một bộ phận không nhỏ người dân sử dụng thanh toán điện tử, thanh toán di động trong các giao dịch hàng ngày. Trong đó, phải kể đến các dịch vụ tài chính số nổi tiếng như Bank Plus, Viettel Pay, VNPT Pay với 25 triệu giao dịch và 39 nghìn tỷ đồng mỗi tháng. [8]
Việc thẻ điện thoại trở thành công cụ thanh toán điện tử không còn là nhu cầu tự phát, mà dường như đang trở thành nhu cầu thiết thực của những khách hàng thời đại 4.0.
2.2. Những bất cập tồn tại
Bên cạnh những ưu điểm trên, nếu Việt Nam áp dụng thẻ điện thoại như một công cụ thanh toán điện tử chính thức thì các cơ quan quản lý phải tăng cường độ kiểm soát, đảm bảo an toàn thông tin, cơ sở hạ tầng… Riêng luật pháp phải đối mặt một cuộc chạy đua mới, cụ thể là vấn đề về cơ quan quản lý thẻ điện thoại và giao dịch bằng thẻ này.
Việt Nam đã nhận được một bài học sâu sắc về khi việc sử dụng thẻ điện thoại trong môi trường không gian ảo bị “biến tướng” qua đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia RikVip.vn do hai cựu tướng cùng các đối tượng phạm tội liên quan đến công nghệ cao cầm đầu. [9] Thay vì ứng dụng vào các mục đích vốn có của thẻ điện thoại, các đối tượng đã sử dụng thẻ này như một nguồn tiền nạp vào để đổi điểm, cá độ…
Thứ nhất, các con bạc thường dùng thẻ điện thoại làm công cụ nạp vào web cá độ bởi sự thiếu minh bạch trong cách thức quản lý việc mua bán, sử dụng thẻ điện thoại. [10] Thực tế, các đại lý phân phối thẻ điện thoại không bắt buộc người mua thẻ phải khai báo bất kỳ thông tin cá nhân nào, không quan tâm thẻ đó sử dụng vào dịch vụ gì. [11] Với tâm lý của những người đang thực hiện hành vi trái pháp luật, sự ẩn danh là điều mà họ mong muốn nhất.
Thứ hai, pháp luật nước ta nhưng chưa có quy định chính thức nào về thanh toán điện tử bằng thẻ điện thoại, tiềm ẩn nguy cơ khiến cho nguồn tiền trên mạng đến từ thẻ này không được kiểm soát. Mặc dù ta đã có quy định cấm đổi tiền ảo và một số loại tiền điện tử sang tiền mặt, [12] nhưng với số tiền đang có trên mạng đến từ thẻ điện thoại thì đây trở thành món tiền có thể rút ra ngoài hoặc chuyển đi mà không vi phạm điều cấm nào.
Các trang web đánh bạc đã vạch ra lối đi vòng hòng “lách luật” theo mô hình:
Dùng tiền thật mua thẻ điện thoại > nạp thẻ vào game, app > tiền từ thẻ điện thoại được hiển thị dưới dạng điểm thưởng trong trò chơi > chơi và tích luỹ điểm thưởng khiến tăng hay giảm số tiền > đổi ngược ra tiền mặt ở một số đại lý, nhà cái hoặc liên kết qua cổng chuyển sang thẻ cào
Bên cạnh những trang web hoạt động phi pháp thì các nhà mạng là đơn vị hưởng lợi từ việc bán thẻ cũng tìm cách thoái thác trách nhiệm. [13] Với Luật Viễn thông 2009, các nhà mạng chỉ chịu trách nhiệm về những thông tin trên thẻ điện thoại được phát hành. Do đó, với những hoạt động không liên quan đến phạm vi trên, chủ thể này không có nghĩa vụ phải quản lý. Họ chỉ cung cấp thẻ điện thoại có giá trị, việc khách hàng sử dụng số tiền điện tử đó để đánh bạc, đổi thưởng, lấy tiền ra, nhà mạng không chịu trách nhiệm. [14]
Thứ ba, vì không có quy định cụ thể nên không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm quản lý việc này, tạo điều kiện “chiếu bạc” quy mô nghìn tỷ tồn tại gần 3 năm cho đến khi những nhân vật đứng sau bị khởi tố.
+ Theo Điều 2 Thông tư 39/2014/TT-NHNN thì NHNN [15] chỉ mới công nhận và quản lý các loại dịch vụ trung gian thanh toán gồm: Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử) và Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; dịch vụ ví điện tử). Thẻ điện thoại chuyển thành tiền trên các tài khoản điện tử để thanh toán không thuộc những nội dung trên. [16]
+ Trong khi đó Bộ TT&TT không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ điện thoại. Đối với hoạt động quản lý dịch vụ trò chơi điện tử, theo Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT [17] tuy có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán trò chơi điện tử, nhưng lại không có chế tài cụ thể để ràng buộc trách nhiệm và xử lý đối với loại doanh nghiệp này cùng với doanh nghiệp chấp nhận thanh toán trung gian.
Ta cần phải thừa nhận việc thiếu tính chặt chẽ trong hành lang pháp lý và sự biện chứng giữa các cơ quan quản lý dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm.
3. Tính khả thi của việc chính thức áp dụng Mobile Money hay các hình thức thanh toán điện tử bằng thẻ điện thoại ở Việt Nam
Theo tác giả, việc áp dụng Mobile Money hay các hình thức thanh toán bằng mã thẻ cào vẫn khả thi ở Việt Nam:
(i) Về lượng người sử dụng, phần lớn người Việt có thói quen dùng tài khoản viễn thông hơn thẻ ngân hàng.
(ii) Luật pháp Việt Nam đã chính thức công nhận và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn về các dịch vụ thanh toán không tiền mặt; trong đó có ví điện tử – loại hình gần giống với thanh toán bằng thẻ điện thoại.
(iii) Về cơ sở hạ tầng, hiện có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt, nước ta cũng đã phủ sóng 3G mọi tỉnh thành với tốc độ ổn định. [18] Đây là nền tảng băng thông cần thiết để triển khai thêm các giao dịch điện tử.
(iv) Xét đến phương diện kỹ thuật, hiện nay Việt Nam đang thí điểm loại hình này và ViettelPay, VNPT Pay… được nhiều khách hàng hưởng ứng với tốc độ giao dịch nhanh, tính bảo mật cao và hiện chưa để xảy ra bất cứ lỗi nào. [19]
Nếu Mobile Money chính thức được ra đời sẽ thu hút được nhiều người dùng, giúp thúc đẩy bán lẻ phát triển tốt hơn. Đây còn là một trong những cách khiến “giấc mơ người dân Việt Nam có thể thanh toán phi tiền mặt” trở thành hiện thực trong bối cảnh tiền mặt đang dần lộ ra những khuyết điểm của nó. [20]
Ngược lại, nếu không có cơ chế bảo đảm, hoặc hạn chế hoặc cấm hoàn toàn loại hình thanh toán điện tử bằng thẻ điện thoại có thể mang đến nhiều thiệt hại.
+ Việc ngưng nhận nguồn thanh toán từ thẻ điện thoại có thể khiến tốc độ phát triển trong nước chậm hơn so với các nước bạn. Sau vụ việc đường dây đánh bạc RikVip.vn bị phanh phui, các nhà mạng VinaPhone, Viettel và Mobifone tạm dừng thanh toán trực tuyến bằng thẻ cào trong lĩnh vực nội dung số khiến doanh thu mảng cung cấp dịch vụ số của ba nhà mạng giảm 50-80%. [21] Trong khi đó, báo cáo của GSMA cho thấy, 92 quốc gia khác đã triển khai 200 dự án Mobile Money với gần 844 triệu tài khoản được đăng ký, giao dịch trung bình 1.3 tỷ USD/ngày. [22]
+ Việc ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ điện thoại khiến người dùng chuyển ra các ứng dụng thanh toán bên ngoài, làm xã hội mất 30% tiền phí giao dịch. [23]
+ Với nhu cầu sử dụng đang ngày một tăng, việc không hợp pháp hoá nhưng cũng không cấm hoàn toàn có thể khiến một số đối tượng tìm cách đầu cơ dịch vụ.
Bên cạnh đó, để Mobile Money chính thức ra mắt ở Việt Nam thì ta cần phải giải quyết những bất cập đã nêu cùng với các vấn đề: địa điểm rút tiền, kinh phí hoạt động khi Mobile Money chủ trương không tính phí giao dịch… [24] Nếu Dự thảo Nghị định Quy định về không dùng tiền mặt 2020 được thông qua sẽ đồng nghĩa với việc thanh toán qua tài khoản viễn thông chính thức được công nhận; Việt Nam cũng giải quyết phần nào bài toán về thuê bao trả sau, bảo hiểm tiền gửi, uỷ thác cung ứng dịch vụ, bảo mật định danh khách hàng trong lĩnh vực này.
Tham khảo từ nhiều nước đã sử dụng loại hình này và qua đánh giá, Mobile Money là một xu thế tất yếu và nên được phát triển ở Việt Nam. Xét về mặt pháp lý, ta cần có những biện pháp bảo vệ quyền lợi người dùng và các bên liên quan bằng cách “luật hóa” hình thức này.
4. Đề xuất khung pháp lý về việc thẻ điện thoại trở thành công cụ thanh toán trung gian qua mạng tại Việt Nam
Hiện nay trên thế giới có hai mô hình quản lý Mobile Money: mô hình nhà điều hành mạng di động (Mobile Network Operator – MNO) và mô hình quản lý kiểu ngân hàng (Bank-led model). [25] Theo đó, mô hình MNO tạo nên không gian cởi mở, thường xuyên được nhà phát triển ứng dụng cập nhật tính năng mới. Ngược lại mô hình Bank-led model, [26] các nhà cung ứng dịch vụ phải làm việc với ngân hàng, tuân thủ những quy định khắt khe kèm theo.
Theo tác giả, với tình hình tội phạm đã xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta nên học hỏi mô hình Bank-led model và do Ngân hàng Nhà nước quản lý để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. [27] Trong tương lai ta vẫn có thể tạo ra sự chuyển đổi mô hình cơ cấu dựa trên tình hình thực tế. Cụ thể:
(i) Ta nên xây dựng khái niệm cùng những quy định chi tiết về việc dùng thẻ điện thoại làm công cụ thanh toán trung gian qua mạng, bổ sung cho Dự thảo.
Tại Điều 3 (13) Dự thảo có quy định khái niệm: “Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.” Tên gọi “Tiền di động” dịch từ “Mobile Money” chưa nêu lên được chức năng giao dịch điện tử của tiền này; nó cũng có thể gây nhầm lẫn với số tiền có trong thuê bao di động cũng có thể là tiền trả sau trong khi nước ta chỉ mới cho phép khách hàng sử dụng tiền điện tử được trả trước. [28] Mặt khác “tiền di động” là một phần thuộc tiền điện tử, mà tiền điện tử chỉ được xem là biểu hiện của tiền, cụ thể là “giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử”. [29] Vì vậy nếu dùng “tiền di động” được hiểu theo nghĩa tiền tệ sẽ gây mâu thuẫn với bản chất tiền điện tử “chỉ là hình thái biểu hiện khác của đồng tiền pháp định” [30] từ ban đầu. Thay vào đó, ta có thể sử dụng thuật ngữ “Ví điện tử viễn thông” vì chỉ có tài khoản viễn thông mới thực hiện chức năng lưu trữ tiền và dùng tiền này để giao dịch điện tử.
(ii) Cần phải làm rõ mức độ kiểm soát, tăng cường sự điều tiết, xác định rõ phạm vi quản lý và việc phối hợp giữa cơ quan nhà nước đối với tiền trong thẻ điện thoại nếu xem nó như một loại tiền có chức năng giao dịch điện tử.
Đầu tiên, ta cần xác định rõ phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề này.
Điều 3 (10) trong Dự thảo sẽ đặt ra một trách nhiệm mới cho Ngân hàng Nhà nước về việc cấp giấy phép cho tổ chức cung ứng hoặc thanh toán liên quan đến tiền di động từ thẻ điện thoại. [31]
Mặt khác, tiền di động vốn có bản chất là mệnh giá tiền được nạp sẵn vào thẻ điện thoại mà Bộ TT&TT hiện vẫn là cơ quan quản lý chuyên ngành lĩnh vực viễn thông này. Có thể hiểu rằng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT sẽ là cơ quan cấp giấy phép cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ viễn thông như từ trước đến nay; [32] nhưng nếu doanh nghiệp muốn phát triển thẻ điện thoại của mình để có thể thanh toán điện tử hoặc tổ chức nào muốn thanh toán bằng thẻ điện thoại được thì phải tiếp tục xin phép ở Ngân hàng Nhà nước theo Điều 3 (10) của Dự thảo.
Tuy nhiên để tránh nhiều cách hiểu khác nhau và hiện tượng chồng chéo khi xác minh trách nhiệm, quy định trên cần phải làm rõ phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước với Bộ TT&TT; khi Dự thảo được thông qua cần có thông tư được ban hành kịp thời để hướng dẫn rõ hơn toàn bộ quy trình đăng ký kinh doanh thẻ điện thoại có chức năng giao dịch điện tử, cùng những vấn đề liên quan đến trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thẻ này mà sáp nhập, chia tách, uỷ quyền cho đại lý nhỏ lẻ hay vấn đề kiểm soát thẻ điện thoại…
Tiếp theo, cần phải có sự tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT để giúp việc phát hành – sử dụng thẻ điện thoại trở nên minh bạch hơn, đồng thời tránh sự chuyên chế trong việc phát triển của kênh thanh toán từ thẻ này.
Bộ TT&TT cần phối hợp với NHNN rà soát, lập danh sách những trang web, cổng thanh toán nhận thanh toán bằng thẻ điện thoại đã đăng ký để người dùng có sự sàng lọc. Điều này bắt buộc các cổng trung gian thanh toán phải đăng ký minh bạch ba bên giữa ngân hàng – đơn vị hỗ trợ thanh toán – nhà mạng [33] giúp việc kiểm soát hoạt động của thẻ điện thoại có chức năng thanh toán điện tử được chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần xác định lại phạm vi quản lý của doanh nghiệp viễn thông đối với thẻ điện thoại do mình phát hành, không nên chỉ quản lý khâu phát hành mà còn thực hiện rà soát hoạt động của thẻ và khách hàng sử dụng thẻ. Vì việc kiểm soát tài khoản viễn thông có điểm khác với tài khoản ngân hàng nên ngoài những quy định mang tính sơ bộ trong Dự thảo, ta cần phải ban hành hướng dẫn chi tiết để định danh khách hàng viễn thông (KYC – Know your customer). [34] Bởi lẽ, chúng ta không thể triển khai dự án này nếu tình trạng sim rác vẫn còn tồn tại. Mặt khác, rút bài học từ những vụ rò rỉ thông tin người dùng tại Ghana, [35] việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin cũng như quy định có chế tài kèm theo phải được nâng lên để các bên bảo mật thông tin người dùng tốt hơn.
(iii) Tham khảo cách điều phối, quản lý từ các nước
Trước mắt, hạ tầng công nghệ thông tin phải được nâng cao để tiếp nhận thêm các giao dịch phi tiền mặt đến từ tài khoản viễn thông. Ta cũng phải đối mặt với các thách thức lớn như hacker xâm nhập, rà soát các dấu hiệu gian lận hay rửa tiền trong hệ thống, [36] xây dựng các yếu tố bảo mật nhất là với trường hợp điện thoại chứa tài khoản bị đánh cắp. Điều này cần sự đóng góp của Bộ TT&TT, các nhà mạng cùng lực lượng lao động.
Đối mặt với khó khăn trong công tác quản lý thì hạn mức là một phương pháp để giảm thiểu rủi ro. Ta có thể học tập dịch vụ Mobile Money được đánh giá là phát triển thành công nhất hiện nay – hệ thống M-PESA đến từ Kenya. Từ những ngày đầu, M-PESA đã áp dụng: hạn mức giao dịch; hạn mức chuyển tiền hàng ngày; hạn mức số dư tối đa trong tài khoản. [37] Sau này ta có thể nới rộng hạn mức tùy tình hình thực tế cho phép.
Theo kinh nghiệm từ Tanzania và Uganda, sau khi Mobile Money đã được quản lý ổn định thì cần phải có sự phối hợp giữa các bên từ phía cơ quan nhà nước đến các công ty viễn thông, tổ chức tài chính [38] để tạo nên sự minh bạch và phát huy tính kinh tế trong bối cảnh dịch vụ này chưa tính phí giao dịch.
Trong tương lai, nếu Mobile Money được áp dụng chính thức, chúng ta có thể tận dụng dịch vụ này để hỗ trợ cho những tồn đọng bấy lâu nay: triển khai các chương trình xã hội như tài chính vi mô, giải ngân đến tận tay người dân hoặc các đối tượng bảo trợ xã hội trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai lũ lụt.
Kinh nghiệm từ các nước áp dụng trước cho thấy, pháp luật đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thẻ điện thoại trong vai trò là công cụ thanh toán trung gian qua mạng. Các nhà hoạch định chính sách và cơ quan liên quan cần tạo điều kiện cho thị trường này phát triển nhưng cũng cần có các biện pháp kiểm soát cần thiết. [40]
5. Kết luận
Ta không thể phủ nhận những lợi ích khi thẻ điện thoại trở thành công cụ thanh toán trung gian qua mạng như đem đến sự tiện lợi cho người dùng, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, với lỗ hổng xuất hiện từ lâu mà chưa có quy định chính thức, đối tượng phạm tội công nghệ cao dễ dàng lợi dụng điều này không chỉ để thực hiện việc cá độ như đã phát hiện mà còn có thể tiến hành các hoạt động phi pháp khác trên không gian mạng. Việc Dự thảo Nghị định Quy định thanh toán không dùng tiền mặt xuất hiện có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khi đề cập đến thanh toán điện tử qua tài khoản viễn thông, tuy vậy các quy định cần phải làm rõ và có hướng dẫn chi tiết hơn để hạn chế rủi ro trong thực tế.
[1] Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành ngày 12 tháng 10 năm 2012 về Quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất
[2] Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 06 tháng 04 năm 2011 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông Điều 10 (1)
[3] Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt Điều 4 (1) tại Việt Nam, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt gồm: ‘Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và một số tổ chức khác’
[4] Luật Viễn thông 2009, Điều 56 và Nghị định 25/2011/NĐ-CP về Hướng dẫn Luật Viễn thông Điều 38
[5] Global System Mobile Associations – GSMA
[6] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ‘Mobile Money – Dịch vụ thanh toán cho người không có tài khoản ngân hàng’ Mục Nghiên cứu trao đổi (17/08/2011) <https://bitly.com.vn/83yFr> truy cập ngày 20/09/2019
[7] Jake Kendall và các tác giả , ‘An Emerging Platform: From Money Transfer System to Mobile Money Ecosystem’ (UC Irvine School of Law Research Paper, No.14, 2011) 49 50
[8] Mai Hà, Thanh Xuân, Anh Vũ, ‘Dùng tài khoản điện thoại “bắn” tiền, mua hàng’ (17/01/2019), <https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dung-tai-khoan-dien-thoai-ban-tien-mua-hang-1044278.html> truy cập ngày 20/09/2019
[9] Trong vụ án này, tiền chơi bạc từ thẻ điện thoại chiếm 97% là 9.296 tỷ đồng trên tổng tiền qua các cổng trung gian thanh toán, với khoảng 91% là thẻ cào viễn thông và 6% là thẻ game. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông được hưởng lợi từ 15,5 – 16,3% doanh thu. Vân Anh, “Đánh bạc, rửa tiền qua thẻ cào viễn thông: do quản lý quá lỏng?”, (19/03/2018), <https://vov.vn/kinh-te/danh-bac-rua-tien-qua-the-cao-vien-thong-do-quan-ly-qua-long-740964.vov>, truy cập ngày 14/09/2019
[10] James Whisker, Mark Eshwar Lokanan, ‘Anti-money laundering and counter-terrorist financing threats posed by Mobile Money’ (Journal of Money Laundering Control, Vol.22, No.1, 7/1/2019) 3-9
[11] Xuân Mai, Nguyễn Hưng, ‘Cần khắc phục lỗ hổng quản lý thẻ cào viễn thông’ (04/12/2018), <http://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/Can-khac-phuc-lo-hong-quan-ly-the-cao-vien-thong-522975/>, truy cập ngày 15/09/2019
[12] Ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửiCông văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo:
Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
[13] Trong vụ án đường đây đánh bạc nghìn tỷ Rik.vn, 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone được hưởng tổng số tiền hơn 1.230 tỷ đồng (Viettel là hơn 913 tỷ; Vinaphone là gần 150 tỷ; Mobifone là hơn 171 tỷ), đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, link xem thêm tại: <https://news.zing.vn/video-3-nha-mang-huong-loi-ra-sao-trong-vu-an-danh-bac-nghin-ty-post888751.html>
[14] Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu, Ngọc Bích, ‘Lỗ hổng trong quản lý thẻ cào di động’ (30/03/2018), <https://baotintuc.vn/phap-luat/lo-hong-trong-quan-ly-the-cao-dien-thoai-di-dong-20180330092234738.htm> truy cập ngày 20/09/2019
[15] Thông tư 39/2014/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 11 tháng 12 năm 2014 Hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán
[16] Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về Hoạt động thẻ ngân hàng và Nghị định 80/2016/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt thì điều kiện cần và đủ của các loại hình trung gian thanh toán là hệ thống dịch vụ phải kết nối với hệ thống tài khoản ngân hàng hoặc phải là thẻ ngân hàng, ngoài ra Ngân hàng Nhà nước không chịu trách nhiệm quản lý, mà thẻ điện thoại được người dùng sử dụng tự do không cần liên kết với ngân hàng
[17] Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT Bộ TT&TT ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2014 về Quy định chi tiết hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng
[18] Hoàng Lâm, Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019: ‘Có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam’ (03/07/2019), <https://andrews.edu.vn/bao-cao-digital-marketing-viet-nam-2019/> truy cập ngày 16/10/2019
[19] Phong Vân, ‘Những nhầm lẫn phổ biến về ngân hàng số ViettelPay’ (25/02/2019), <https://vnexpress.net/so-hoa/nhung-nham-lan-pho-bien-ve-ngan-hang-so-viettelpay-3886149.html> truy cập ngày 16/10/2019
[20] Thời đại số khiến tiền mặt tốn không gian lưu trữ hơn so với tiền điện tử và con người phải tìm cách bảo quản. Việc sử dụng, trao đổi tiền mặt cũng gây nên nhiều mối lo về sức khoẻ hay nạn trộm cướp do tiền mặt không có bảo mật
[21] Việt Nga, ‘Dừng thanh toán thẻ cào trực tuyến vì thếu hành lang pháp lý’ (12/05/2018), <http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/901699/dung-thanh-toan-the-cao-truc-tuyen-vi-thieu-hanh-lang-phap-ly>, truy cập ngày 01/10/2019
[22] Claire Scharwatt và các tác giả, ‘State of the Industry: Mobile Financial Services for the Unbanked’ (GSMA) 26
[23] Việt Nga, ‘Dừng thanh toán thẻ cào trực tuyến vì thếu hành lang pháp lý’ (tldd tại chú thích số 21)
[24] William Jack, Tavneet Suri ‘Risk Sharing and Transactions Costs: Evidence from Kenya’s Mobile Money Revolution’ (The American Economic Review, Vol.104, No.1, 1/2014) 188 – 192
[25] Trần Hùng Sơn, ‘Mô hình nào cho Mobile Money tại Việt Nam’ (09/06/2019), <https://vietnambiz.vn/mo-hinh-nao-cho-mobile-money-tai-viet-nam-20190609161826906.htm> truy cập ngày 16/10/2019
[26] David Ramos và các tác giả, ‘Protecting Mobile Money customer funds in Civil Law jurisdictions’ (UNSW Law Research Paper, No.79, 2015) 6
[27] Theo Nghị định 101/2012/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt Điều 5, hiện Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các tổ chức được phép cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung
[28] Dự thảo Nghị định Điều 3(12)
[29] Dự thảo Nghị định Điều 3(12)
[30] NHQuang & Associates, ‘Dự thảo Nghị định Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt’ (4/5/2020), <https://bitly.com.vn/9iM5u> truy cập ngày 6/5/2020
[31] Dự thảo Nghị định,Điều 3 (10) có định nghĩa:
Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện dựa trên hình thức giấy hoặc điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép phát hành và được sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, ví điện tử, tiền di động và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
[32] Thông tư 12/2013/TT-BTTT của Bộ TT&TT ban hành ngày 13 tháng 05 năm 2013 về Hướng dẫn cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông Điều 5
[33] Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên VTC về vấn đề Thanh toán thẻ cào di động <http://vi.sblaw.vn/hien-nay-da-co-quy-dinh-ve-viec-su-dung-the-cao-lam-cong-cu-trung-gian-thanh-toan-tren-mang-chua/>
[34] Andrew Harris, Seymour Goodman, Patrick Traynor, ‘Privacy and Security Concerns Associated with Mobile Money Applications in Africa’ (Washington Journal of Law, Technology & Arts, Vol.8, Iss.3 Mobile Money Symposium, 2013) 248 – 250
[35] Isaac Akomea-Frimpong và các tác giả, ‘Control of fraud on mobile money services in Ghana: an exploratory study’ (Journal of Money Laundering Control, Vol.22, Iss.2, 2018)302 – 305
[36] Emery S. Kobor, ‘The Role of Anti-Money Laundering Law in Mobile Money Systems in Developing Countries’ (Washington Journal of Law, Technology & Arts, Vol.8, Iss.3, 1/1/2013) 312 – 315
[37] Alfred Kesenwa, David O. Oima, Moses Oginda, ‘Effects of Strategic Decision Making on Firm`s Performance: A Case Study of Safaricom Limited, Nairobi, Kenya’ (Semantic Scholar, 10/2013)97
[38] Addisu A. Lashitewa, Rob van Tulderb, Yann Liassec, ‘Mobile Phones for Financial Inclusion: What Explains the Diffusion of Mobile Money Innovations?’ (Research Policy, Vol.48, Iss.5, 6/2019) 6
[39] Điển hình, trong trận động đất ở Haiti, nhờ việc triển khai Mobile Money mà Hội chữ thập đỏ quyên góp được gần 5 triệu USD trong vòng 48 giờ và chuyển nhanh đến các gia đình bị nạn
[40] Trần Hùng Sơn, Huỳnh Thị Ngọc Lý, ‘Mobile Money: kinh nghiệm thế giới nào phù hợp với Việt Nam’ tinnhanhchungkhoan.vn, <https://tinnhanhchungkhoan.vn/fin-tech/mobile-money-kinh-nghiem-the-gioi-nao-phu-hop-voi-viet-nam-298384.html> truy cập ngày 08/10/2019
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn bản pháp luật
- Luật viễn thông 2009
- Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6 tháng 4 năm 2011 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông
- Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 11 năm 2012 về Thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi
- Thông tư 14/2012/TT-BTTTT của Bộ TT-TT ban hành ngày 12 tháng 10 năm 2012 Quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất
- Thông tư 39/2014/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 11 tháng 12 năm 2014 Hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán
- Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2016 quy định về Hoạt động thẻ ngân hàng
- Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ TT&TT ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2014 về Quy định chi tiết hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng
- Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21 tháng 07 năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về Vấn đề tiền ảo
Sách:
- Claire Scharwatt và các tác giả, ‘State of the Industry: Mobile Financial Services for the Unbanked’ (GSMA)
- Jake Kendall và các tác giả, ‘An Emerging Platform: From Money Transfer System to Mobile Money Ecosystem’ (UC Irvine School of Law Research Paper, No.14, 2011)
- Andrew Harris, Seymour Goodman, Patrick Traynor, ‘Privacy and Security Concerns Associated with Mobile Money Applications in Africa’ (Washington Journal of Law, Technology & Arts, Vol.8, Iss.3 Mobile Money Symposium 2013)
- Emery S. Kobor, ‘The Role of Anti-Money Laundering Law in Mobile Money Systems in Developing Countries’ (Washington Journal of Law, Technology & Arts, Vol.8, Iss.3, 1/1/2013)
- Alfred Kesenwa, David O. Oima, Moses Oginda, ‘Effects of Strategic Decision Making on Firm`s Performance: A Case Study of Safaricom Limited, Nairobi, Kenya’ (Semantic Scholar, 10/2013)
- William Jack, Tavneet Suri, ‘Risk Sharing and Transactions Costs: Evidence from Kenya’s Mobile Money Revolution’ (The American Economic Review, Vol.104, No.1, 1/2014)
- David Ramos và các tác giả, ‘Protecting Mobile Money customer funds in Civil Law jurisdictions’ (UNSW Law Research Paper, No.79, 2015)
- Isaac Akomea-Frimpong và các tác giả, ‘Control of fraud on mobile money services in Ghana: an exploratory study’ (Journal of Money Laundering Control, Vol.22, Iss.2, 2018)
- James Whisker, Mark Eshwar Lokanan, ‘Anti-money laundering and counter-terrorist financing threats posed by Mobile Money’ (Journal of Money Laundering Control, Vol.22, No.1, 7/1/2019)
- Addisu A. Lashitewa, Rob van Tulderb, Yann Liassec, ‘Mobile Phones for Financial Inclusion: What Explains the Diffusion of Mobile Money Innovations?’ (Research Policy, Vol.48, Iss.5, 6/2019)
Nguồn điện tử:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Mục Nghiên cứu trao đổi, ‘Mobile Money – Dịch vụ thanh toán cho người không có tài khoản ngân hàng’ (17/08/2011)
- Ngọc Bích, ‘Lỗ hổng trong quản lý thẻ cào di động’ (30/03/2018) <https://baotintuc.vn/phap-luat/lo-hong-trong-quan-ly-the-cao-dien-thoai-di-dong-20180330092234738.htm>
- Việt Nga, ‘Dừng thanh toán thẻ cào trực tuyến vì thếu hành lang pháp lý’ (12/05/2018) <http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/901699/dung-thanh-toan-the-cao-truc-tuyen-vi-thieu-hanh-lang-phap-ly>
- Xuân Mai, Nguyễn Hưng, ‘Cần khắc phục lỗ hổng quản lý thẻ cào viễn thông’ (04/12/2018) <http://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/Can-khac-phuc-lo-hong-quan-ly-the-cao-vien-thong-522975/>
- Trần Hùng Sơn, ‘Mô hình nào cho Mobile Money tại Việt Nam’ (09/06/2019) <https://vietnambiz.vn/mo-hinh-nao-cho-mobile-money-tai-viet-nam-20190609161826906.htm>
- Trần Hùng Sơn, Huỳnh Thị Ngọc Lý, ‘Mobile Money: kinh nghiệm thế giới nào phù hợp với Việt Nam’ <https://tinnhanhchungkhoan.vn/fin-tech/mobile-money-kinh-nghiem-the-gioi-nao-phu-hop-voi-viet-nam-298384.html>
- Hoàng Lâm, Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019: ‘Có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam’ (03/07/2019) <https://andrews.edu.vn/bao-cao-digital-marketing-viet-nam-2019/>
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên VTC về vấn đề Thanh toán thẻ cào di động, <http://vi.sblaw.vn/hien-nay-da-co-quy-dinh-ve-viec-su-dung-the-cao-lam-cong-cu-trung-gian-thanh-toan-tren-mang-chua/>
- NHQuang & Associates, ‘Dự thảo Nghị định Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt’ (4/5/2020) <https://bitly.com.vn/9iM5u>