Nguyễn Tuấn Kiệt (K17502) & Huỳnh Thị Mỹ Linh (K18501),
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
Tại Việt Nam, tiêu chí xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam lưu thông trên thị trường nội địa vẫn chưa có quy định cụ thể. Khoảng trống pháp lý này tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gian lận xuất xứ với nhiều mục đích khác nhau. Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương quy định cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam đã giải quyết một số vấn đề tồn tại nhưng vẫn còn những điểm bất cập cần làm rõ. Dựa trên cơ sở đó, bài viết nhằm mục đích giới thiệu, phân tích các quy định của dự thảo và đề ra một số khuyến nghị để hoàn thiện các quy định trong việc gắn nhãn về xuất xứ hàng hóa nội địa.
Từ khóa: nhãn hàng hoá, xuất xứ hàng hóa, dự thảo thông tư
In Vietnam, there has not any specific regulations on criteria to identify Vietnamese goods or goods made in Vietnam. This regulatory gap facilitates business individuals and organizations to infringe the commercial fraud with various purposes. The Ministry of Industry and Trade’s Draft Circular which specified how to identify the Vietnamese goods or goods made in Vietnam has just solved some existing problems but there are still inadequate points needed to be clarified. On this basis, this article aims to introduce, analyze the regulations of Draft Circular and give recommendations to complete the regulations on labeling of domestic goods.
Keywords: label of goods, origin of goods, draft circular
1. Nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ – phương tiện thể hiện thông tin xuất xứ của hàng hoá
1.1. Lý luận chung về nhãn hàng hoá
Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc hoặc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.[2]
Nội dung ghi trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo tính rõ ràng, trung thực, phản ánh chính xác bản chất của hàng hóa. Trong mỗi nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện những nội dung sau: tên hàng hóa; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác liên quan.[3]
Về ý nghĩa, nhãn hàng hóa thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ hoặc sử dụng; nhà sản xuất, kinh doanh có thể quảng bá cho hàng hóa của mình và giúp các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.[4]
Cụ thể, đối với doanh nghiệp, nhãn hàng hoá giúp nâng cao hình ảnh sản phẩm, phân biệt với các sản phẩm cùng loại khác[5], đồng thời là công cụ trong chiến lược marketing, góp phần xây dựng thương hiệu của sản phẩm cũng như doanh nghiệp trên thị trường. Đối với người tiêu dùng, nhãn hàng hoá là cơ sở để họ nắm bắt các thông tin cần thiết về sản phẩm, so sánh chất lượng, độ tin cậy giữa các sản phẩm với nhau, từ đó đưa ra quyết định tiêu dùng phù hợp. Nhãn hàng hóa cũng là cơ sở để cơ quan chức năng đối chiếu các thông tin sản phẩm được ghi trên nhãn hàng hóa (chất lượng hàng hóa, hạn sử dụng, thành phần,…) so với hàng hoá thực tế hay giấy phép công bố, lưu hành sản phẩm được đăng ký tại cơ quan Nhà nước, từ đó có thể phát hiện các hành vi vi phạm.
1.2. Nhãn hàng hóa về thông tin xuất xứ
Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hoá đã đề cập ở phần 1.1 không cần thiết phải thể hiện tập trung tất cả trên nhãn hàng hoá mà có thể ghi/gắn trên vị trí khác của hàng hóa, nhưng vẫn bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.[6]
Trên thực tế, thông tin xuất xứ của nhiều hàng hoá được thể hiện một cách riêng biệt trên hàng hoá (ví dụ mác xuất xứ của hàng may mặc, thông tin xuất xứ được in trên linh kiện điện tử,…). Trong bài viết, tác giả gọi các nhãn hàng hoá thể hiện thông tin xuất xứ này là “nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ”.
“Nhãn hàng hóa về thông tin xuất xứ” có những đặc điểm của nhãn hàng hóa như hình thức thể hiện thông tin, vị trí trên bao bì thương phẩm. Tuy nhiên, nội dung thể hiện trên nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ có thể không bao gồm đầy đủ các thông tin bắt buộc như nhãn hàng hóa mà chỉ có thông tin về xuất xứ của hàng hóa đó (hoặc một số thông tin có liên quan khác bắt buộc thể hiện trên nhãn nhãn hàng hoá như tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa,…) được thể hiện trên nhãn hàng hoá khác của hàng hoá. Vì vậy, nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ được xem như một phần của nhãn hàng hoá.[7]
Nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ không được xem là nhãn phụ của hàng hoá theo quy định tại Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Bởi lẽ, nhãn phụ chỉ được sử dụng đối với hàng hoá nhập khẩu hoặc hàng hoá không xuất khẩu được hay bị trả lại và được đưa ra lưu thông trên thị trường Việt Nam. Thông tin thể hiện trên nhãn phụ là thông tin được dịch lại từ nhãn gốc và bổ sung các thông tin khác tùy theo tính chất của hàng hoá mà pháp luật Việt Nam quy định.[8] Trong khi đó, nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ được áp dụng cho tất cả các loại hàng hoá[9] và thông tin trên nhãn là nguyên bản, không được dịch từ bất kỳ một nhãn gốc nào.
Trên nhãn xuất xứ hàng hoá, nội dung “xuất xứ hàng hoá” được hiểu là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá đó. [10] Hay nói cách khác, xuất xứ hàng hoá có thể được xác định theo pháp luật Việt Nam dựa trên hai trường hợp: nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá và nơi thực hiện công đoạn chế biến cuối cùng.
1.3. Trách nhiệm gắn nhãn hàng hóa nói chung và nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ nói riêng
Tại Việt Nam, việc xác định xuất xứ hàng hoá, thể hiện trên nhãn hàng hoá hay nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh này tự xác định và ghi thông tin xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa[11] hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết[12].[13] Cách xác định xuất xứ hàng hoá được hướng dẫn một cách đơn giản là thể hiện cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt[14]. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định hàng hóa được gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể.
Với các nước trên thế giới, nhiều nước cho phép áp dụng việc gắn nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước, nhưng một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định[15]. Ở Mỹ, theo quy định của Luật ghi nhãn Nguồn gốc Xuất xứ (COOL)[16], trách nhiệm của các nhà bán lẻ được quy định trong một số mặt hàng cụ thể như sau:
Thông tin khai báo về nguồn gốc xuất xứ và phương pháp sản xuất đối với cá và động vật có vỏ phải rõ ràng, dễ đọc và được bố trí ở một vị trí dễ thấy, nhằm làm cho khách hàng dễ dàng đọc và hiểu được trong điều kiện mua hàng bình thường. Thông tin khai báo về nguồn gốc xuất xứ có thể được đánh máy, in hoặc viết tay miễn sao thông tin đó dễ thấy, phù hợp với các luật ghi nhãn khác của Liên bang và không làm che khuất các thông tin ghi nhãn khác được quy định bởi các quy định khác của Liên bang.[17]
Ngoài ra, các tổ chức cá nhân cố tình ghi sai nhãn nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (origin labeling) sẽ chịu chế tài xử phạt nặng, phải chịu trách nhiệm hành chính hay cả trách nhiệm hình sự.[18] Theo Luật Cạnh tranh của Canada, cá nhân vi phạm đối với đơn hàng lần đầu trong việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính 750.000$, đối với đơn hàng vi phạm lần thứ hai sẽ bị phạt 1.000.000$, nếu chủ thể vi phạm là tổ chức sẽ bị phạt đến 10.000.000$ lần đầu và 15.000.000$ lần thứ hai.[19] Thậm chí các chủ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù không quá 14 năm hoặc bị kết án theo thủ tục tố tụng không có hội thẩm đoàn khi không có thẩm quyền hợp pháp hoặc sự miễn trừ nào nhưng đã chế tạo, sửa chữa, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vào Canada hay sở hữu dụng cụ, thiết bị, máy móc, vật liệu, vật dụng mà họ biết nó được sử dụng, được điều chỉnh hoặc dự định được sử dụng để thực hiện hành vi giả mạo.[20] Như vậy có thể thấy các nước trên thế giới cũng giao trách nhiệm xác định xuất xứ hàng hoá và gắn nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ cho doanh nghiệp và kiểm tra tính xác thực của nhãn theo phương thức hậu kiểm, nếu phát hiện hành vi sai phạm sẽ có chế tài xử phạt tương ứng với hành vi đó.
2. Thực trạng việc xác định xuất xứ hàng hoá của Việt Nam và thực hiện gắn nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ trên thị trường nội địa
Thời gian vừa qua, trên thị trường nội địa, hiện tượng gian lận thương mại thông qua gắn nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ ngày càng gia tăng. Có những trường hợp hàng hóa được sản xuất, gia công từ nước ngoài, nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhưng lại gắn nhãn “Made in Vietnam”, “Sản xuất tại Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam”[21]. Trong 9 tháng đầu năm năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và mua bán hàng giả, khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018)[22]. Hành vi vi phạm về gắn nhãn hàng hóa liên quan đến thông tin xuất xứ hàng hoá của các chuỗi cửa hàng Khaisilk, Seven-am là những ví dụ điển hình cho thực trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đang ngày càng phổ biến và nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, những khiếm khuyết, sự thiếu rõ ràng của quy định pháp luật về việc xác định xuất xứ hàng hoá cũng gây ra nhiều khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm gắn nhãn hàng hoá của mình. Trong vụ việc nhập nhằng xác định xuất xứ hàng hóa linh kiện điện tử của công ty Asanzo, trước khi có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng, rõ ràng hoạt động kinh doanh cũng như uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Trên thực tế, các doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài để sản xuất, gia công, lắp ráp đơn giản tại Việt Nam. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tiến hành thành lập nhiều công ty khác nhau, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng, bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công các công đoạn đơn giản[23], thậm chí thay nhãn gốc hàng hoá nhập khẩu từ nước khác bằng nhãn hàng hoá của Việt Nam.
Doanh nghiệp thực hiện hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá vì một mặt không chủ động được tất cả nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, mặt khác nhằm giảm thiểu chi phí cho việc nghiên cứu – phát triển (R&D), đầu tư công nghệ, nhà máy, nhân công sản xuất. Ngoài ra, việc gắn nhãn hàng hoá “xuất xứ tại Việt Nam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “Made in Viet Nam” mang lại sự an tâm về chất lượng, sự hợp lý về giá sản phẩm, cộng với sự khuyến khích của nhà nước về chương trình “Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ dễ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước. Hàng hoá sản xuất có nguồn gốc từ Việt Nam còn được hưởng một số ưu đãi khi được phân phối tại các siêu thị, trung tâm thương mại như một biện pháp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước. Do đó, chi phí đầu vào thấp, doanh nghiệp có cơ sở để hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường so với các hàng hóa cùng loại.
Về hệ quả, xét ở góc độ doanh nghiệp, việc gian lận thương mại thông qua nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp khi bị các cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm. Xét ở góc độ người tiêu dùng, họ sẽ giảm sự tin dùng hàng hoá sản xuất trong nước và quay lại xu hướng sử dụng hàng ngoại nhập trong bối cảnh nhu cầu sử dụng hàng hóa chất lượng, xuất xứ rõ ràng của người tiêu dùng ngày càng cao. Đối với nền sản xuất quốc gia, kinh tế Việt Nam sẽ chịu các tác động tiêu cực như hành vi gian lận xuất xứ tạo ra sự cạnh tranh bất cân xứng giữa các doanh nghiệp trên thị trường; nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung gia công góp phần hình thành nền sản xuất gia công với giá trị thặng dư không đáng kể so với một nền sản xuất tự chủ công nghệ, sáng tạo và những hệ luỵ khác.
3. Cách xác định xuất xứ hàng hóa của quốc gia và quy định gắn nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ của một số nước trên thế giới và Việt Nam
3.1. Cách xác định xuất xứ hàng hóa của quốc gia và quy định về gắn nhãn xuất xứ hàng hóa ở một số nước trên thế giới
Các quốc gia trên thế giới đã quy định khá chi tiết về gắn nhãn hàng hóa về thông tin xuất xứ. Tiêu chí và điều kiện ghi xuất xứ hàng hóa có thể được quy định chung như “made in …, produced in …” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in …, assembled in …, processed in …, packaged in …, imported by/for”[24]. Tại Canada, công đoạn gia công, chế biến hàng hóa cuối cùng phải được thực hiện ở Canada. Cụ thể, nhãn “product in Canada” yêu cầu 98% tổng chi phí sản xuất trực tiếp hoặc sản xuất hàng hóa thực hiện ở Canada, còn nhãn “made in Canada” chỉ yêu cầu 51%[25]. Ở Thụy Sĩ, để được gắn nhãn “made in Switzerland” thì: (i) với sản phẩm công nghiệp, tỷ lệ chi phí sản xuất và các công đoạn gia công quan trọng phải đạt ít nhất 60%[26]; (ii) với thực phẩm, tỉ lệ nguyên liệu thô và quá trình sản xuất thiết yếu tại nội địa phải đạt ít nhất 80%.
Tại Mỹ, “made in USA” nghĩa là tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng, khâu hoàn thiện và xử lý cuối cùng đều phải diễn ra tại Mỹ[27]. Đối với hàng hóa nhập khẩu, nguyên tắc chung và cơ bản để xác định xuất xứ hàng hóa là dựa vào sự biến đổi đặc tính[28] và giá trị gia tăng[29] của hàng hóa. Theo đó, nước xuất xứ của hàng hóa là nước cuối cùng sản xuất ra hàng hóa đó với điều kiện chúng đã biến dạng để mang tên mới và có đặc tính sử dụng mới. Trường hợp hàng hóa chỉ trải qua các công đoạn lắp ráp, chế biến đơn giản, không tạo ra bản sắc riêng và giá trị gia tăng đáng kể của hàng hóa thì quốc gia đó cũng không được xem là nước xuất xứ hàng hóa. Ngoài nguyên tắc chung và cơ bản trên còn có những quy định riêng để xác định nước xuất xứ hàng hóa cho một số hàng hóa cụ thể. Đáng chú ý, Đạo luật Thuế quan 1930[30] không cho phép ghi trên nhãn hàng hóa có xuất xứ nước ngoài những từ như “United States” hoặc “U.S.A” hoặc bất kỳ thành phố hoặc địa điểm nào ở Hoa Kỳ để tạo cảm giác là hàng được sản xuất tại Hoa Kỳ, trừ phi trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa có ghi kèm một cách rõ ràng ở chỗ dễ thấy nước xuất xứ của hàng hóa.[31]
Ngoài ra, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)[32], hàng hóa được coi là có xuất xứ tại nước thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến hàng hóa đó nếu: hàng hóa đó có hàm lượng giá trị khu vực (RVC)[33] hoặc phải trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC)[34] ở cấp 4 số của Hệ thống Hài hoà[35]. Nếu RVC của nguyên vật liệu nhỏ hơn 40% thì hàm lượng này sẽ được cộng gộp[36] theo đúng tỉ lệ thực tế vào hàm lượng nội địa với điều kiện RVC đó bằng hoặc lớn hơn 20%.
Như vậy, dựa trên quy định từ các nước và Hiệp định ATIGA, có thể định nghĩa hàng hóa của một nước được gắn nhãn “made in…” hay “product in…” hoặc các nhãn khác có nội dung tương tự chỉ khi các công đoạn sản xuất, chế tạo quan trọng; nguyên vật liệu; chi phí sản xuất và khâu hoàn thiện cuối cùng phải được thực hiện tại nước đó.
3.2. Cách xác định xuất xứ hàng hoá của Việt Nam theo pháp luật Việt Nam hiện hành
Hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lí và nhãn hiệu.[37]
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật nước ta chỉ dừng lại ở điều chỉnh nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý[38], nhãn hiệu của hàng hoá mà chưa điều chỉnh cách xác định xuất xứ hàng hoá và thực hiện việc dán nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ của hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa Việt Nam.[39]
Ngoài các quy định của pháp luật trong nước, Việt Nam cũng đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những quy định cụ thể phục vụ cho hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng hoá tại thị trường nội địa Việt Nam. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 là bước đầu hình thành hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa áp dụng cho hàng hoá lưu thông nội địa. Trong đó, nổi bật là định nghĩa ‘Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng đó.’[40]. So với định nghĩa xuất xứ hàng hóa được quy định ở Luật Thương mại 2005, định nghĩa này bổ sung thêm nơi sản xuất hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến ngoài nước, vùng lãnh thổ còn bao gồm nhóm nước. Đây là điểm tiến bộ của Nghị định khi đã mở rộng phạm vi xuất xứ hàng hóa vì thực tiễn sản xuất, lắp ráp hàng hóa có thể cần sự kết hợp các thành phần từ các nước thuộc một khu vực chẳng hạn như ASEAN, EU, … để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Nghị định này vẫn chưa đưa ra các quy định cụ thể về các tiêu chí để một sản phẩm được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
4. Bàn luận về dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (dự thảo Thông tư)
4.1. Tổng quan về dự thảo Thông tư
Dự thảo Thông tư dựa trên nền tảng các văn bản pháp luật đang áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, hàng hóa xuất, nhập khẩu để hình thành những quy định mới phù hợp với thực tiễn sản xuất và kinh doanh hàng hóa nội địa. Cụ thể, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung, cách thể hiện nội dung trên nhãn và quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về quy tắc, trình tự, thủ tục liên quan đến xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trên cơ sở quy định của hai Nghị định này, dự thảo Thông tư đưa ra các nguyên tắc xác định thế nào là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO)[41], hàm lượng giá trị khu vực (RVC)[42] (trong dự thảo Thông tư gọi là “hàm lượng giá trị gia tăng (VAC))[43] hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS)[44] của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được tham khảo hoặc áp dụng trong dự thảo Thông tư.
Một số nội dung chính của dự thảo Thông tư bao gồm: (i) các trường hợp được phép và không được phép thể hiện hàng hóa là của Việt Nam; (ii) cách xác định và ngôn ngữ thể hiện hàng hóa Việt Nam; (iii) trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Theo đó, điều kiện quan trọng để một hàng hóa được xác định là hàng Việt Nam nếu đáp ứng một trong hai trường hợp sau: (1) hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; (2) hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Hàng hóa được xem là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam bao gồm: cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; các sản phẩm từ động vật sống; các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam, các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, sản phẩm lấy được từ nước, đáy biển,…[45] Những loại hàng hóa này được xem là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam vì cả quá trình tạo ra hàng hoá hoàn thiện hoàn toàn trong lãnh thổ của Việt Nam.
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa thì cách xác định xuất xứ hàng hóa là cần đáp ứng tiêu chí thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I[46] ban hành kèm theo Thông tư này. Các tiêu chí được định nghĩa và hướng dẫn chi tiết trong dự thảo Thông tư như Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), công thức tính Hàm lượng giá trị gia tăng (VAC), trị giá nguyên liệu và các chi phí trong toàn bộ quá trình sản xuất ra hàng hóa (Giá xuất xưởng, Chi phí nguyên liệu, Chi phí nhân công trực tiếp, Chi phí phân bổ trực tiếp, Lợi nhuận của nhà sản xuất)[47]. Những tiêu chí này được quy định chi tiết vì đây là điều kiện quan trọng để xác định một cách chuẩn xác xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam.
4.2. Ưu điểm của dự thảo Thông tư
Thứ nhất, nếu dự thảo Thông tư được thông qua, một số vấn đề tồn tại có thể được giải quyết. Các tổ chức, cá nhân sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định chính xác nhãn hàng hoá có được ghi “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” so với chỉ tuân theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định về gắn nhãn hàng hóa cũng không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh rủi ro kiện tụng và đảm bảo uy tín với người tiêu dùng[48]. Hơn nữa, dự thảo thông tư có thể ngăn chặn những hàng hóa chỉ trải qua công đoạn chế biến, lắp ráp, gia công đơn giản tại Việt Nam, chất lượng không đảm bảo nhưng được gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”. Với việc kết hợp thực thi nghiêm túc Nghị định 43/2017/NĐ-CP tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng gian lận thương mại khi hàng nhập khẩu giả mạo hàng Việt Nam.
Thứ hai, về nguyên tắc, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện gắn nhãn và công bố nước xuất xứ hàng hóa vì từ lâu đây đã là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Đồng thời, dự thảo Thông tư không quy định thêm bất kì một thủ tục hành chính mới nào mà chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định qua đó, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.
Thứ ba, quy định tiêu chí hàng hóa có xuất xứ Việt Nam của dự thảo Thông tư khá phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước vì nếu đưa ra tỉ lệ cao hơn 30% thì doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng. Thực tế, ngoài những mặt hàng nông sản được sản xuất hoàn toàn từ Việt Nam, còn lại tất cả đồ dùng khác, đặc biệt là hàng sử dụng công nghệ, công nghiệp cao thì phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu[49]. Đây cũng là bài toán nan giải đặt ra cho ngành sản xuất công nghiệp nước ta khi chưa phát triển đồng bộ ngành công nghiệp phụ trợ, đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn và đòi hỏi chất lượng cao.
Cuối cùng, trong khi ASEAN quy định hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hoá là 40% thì mới đáp ứng quy tắc xuất xứ còn theo dự thảo Thông tư, hàng hóa chỉ cần đạt tỷ lệ VAC 30% đã được xem là hàng hóa Việt Nam . Vì trong quy tắc xuất xứ của Hiệp định ATIGA, có trường hợp cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.
Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Còn VAC 30% nêu tại Thông tư chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. Do đó, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.[50]
Như vậy, điều kiện đủ để được gắn nhãn hàng hóa Việt Nam cũng không hề dễ dàng hơn so với điều kiện khu vực, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.
4.3. Hạn chế còn tồn tại của dự thảo Thông tư
Bên cạnh những ưu điểm, vì phạm vi điều chỉnh của Thông tư nếu được ban hành là xác định xuất xứ hàng hoá, sản phẩm là của Việt Nam[51] nên nó vẫn tồn tại một số điều thiếu tính bao quát và chặt chẽ trong các trường hợp ngoại lệ (không đáp ứng đủ điều kiện là hàng hoá của Việt Nam).
Thứ nhất, Điều 10 Chương 3 của dự thảo Thông tư quy định hàng hóa chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn gia công, chế biến đơn giản[52] thì không được coi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhưng lại không quy định trường hợp này sẽ được xác định xuất xứ của nước thuộc công đoạn gia công hay chế biến nào. Ví dụ, một chiếc điện thoại được lắp ráp tại Việt Nam nhưng linh kiện lại nhập từ nhiều nước khác nhau, không được ghi xuất xứ Việt Nam vì chỉ trải qua giai đoạn gia công đơn giản thì sẽ được ghi xuất xứ như thế nào mới phù hợp. Trong trường hợp này, nhà sản xuất sẽ không xác định chắc chắn được xuất xứ hàng hóa sẽ ghi trên nhãn là gì do không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Khi đó, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro nếu có tranh chấp phát sinh.
Thứ hai, tương tự, những mặt hàng có tỉ lệ VAC dưới 30% chưa có hướng dẫn xác định xuất xứ hàng hóa như thế nào. Thực tiễn chứng minh có nhiều trường hợp mặt hàng nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng sản xuất tại Việt Nam không đủ tiêu chuẩn để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam thì doanh nghiệp tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là không thể hiện xuất xứ Việt Nam.[53] Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ghi nhãn hàng hoá về thông tin xuất xứ như tình trạng khi chưa có dự thảo Thông tư.
Thứ ba, thông tư áp dụng tỉ lệ 30% cho tất cả các loại hàng hoá là không hợp lý. Đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thì hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30% là không khó[54]. Nhưng với những ngành sử dụng ít lao động, chi phí nguyên liệu đầu vào lớn thì tỉ lệ này lại trở thành trở ngại cho doanh nghiệp.
4.4. Khuyến nghị hoàn thiện dự thảo Thông tư liên quan đến cách xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông tại thị trường nội địa
Để giải quyết các trường hợp ngoại lệ mà phần 4.3 đã nêu ra, nhóm tác giả cho rằng Bộ Công thương nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư theo hướng xác định xuất xứ của hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa[55] một cách tổng quát, nghĩa là xác định xuất xứ hàng hoá của Việt Nam hoặc một quốc gia khác trong chuỗi sản xuất hàng hoá mà không chỉ quan tâm đến cách xác định xuất xứ hàng hoá của Việt Nam như hiện tại. Cách xác định xuất xứ hàng hoá không đáp ứng điều kiện là hàng hoá của Việt Nam có thể được tham khảo từ các quy định cho hàng hoá nhập khẩu hay xuất khẩu tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa.
Đối với quy định tỷ lệ VAC, thay vì áp dụng tỷ lệ 30% cho tất cả các loại hàng hoá như đã đề cập ở mục 4.3, Thông tư nên được bổ sung phụ lục quy định tỷ lệ VAC tương ứng với từng ngành/nhóm hàng một cách phù hợp và linh hoạt với tình hình thực tế, năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác, tham khảo từ khung quy định/tiêu chuẩn xác định hàng hoá của quốc gia hay xuất xứ từ quốc gia của các nước tiên tiến như Mỹ, Thuỵ Sĩ, Canada, theo nhóm tác giả, Bộ Công thương cần xây dựng tỷ lệ VAC cao hơn mức áp dụng chung như quy định tại dự thảo Thông tư cho những mặt hàng chiến lược mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ,… nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu hàng chất lượng cao cho các mặt hàng này, qua đó cũng góp phần nâng cao giá thành sản phẩm trên thị trường trong nước và tác động gián tiếp lên hoạt động sản xuất, cung ứng phục vụ cho xuất khẩu.
Ngoài ra, Thủ tướng chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 2441/QĐ-TTg về chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, tương lai là các đề án phát triển trong các giai đoạn tiếp theo. Nhóm tác giả nhận thấy quy định tiêu chuẩn xác định hàng hoá của Việt Nam có thể là công cụ để thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp “mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm để đạt hoặc tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế” và “hình thành và phát triển những sản phẩm quốc gia mới”[56], nếu nó được xây dựng một cách hài hoà và có định hướng rõ ràng từ cơ quan có thẩm quyền.Dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam
[1] Dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam
[2] Nghị định 43/2017/NĐ-CP Điều 3(1)
[3] Nghị định 43/2017/NĐ-CP Điều 10(1)
[4] Nghị định 43/2017/NĐ-CP Điều 3(2)
[5] Luật Sở hữu trí tuệ 2009 (sửa đổi, bổ sung 2019) Điều 72(2): “Bên cạnh nhãn hàng hoá, nhãn hiệu cũng có chức năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác”. Trên thực tế, nhãn hiệu và nhãn hàng hoá hay bị nhầm lẫn với nhau, tuy nhiên, chúng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Minh Đức, ‘Phân biệt nhãn hiệu và nhãn hàng hoá’ Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, http://sokhcn.binhduong.gov.vn/New/phan-biet-giua-nhan-hieu-va-nhan-hang-hoa-521 truy cập ngày 15/05/2020
[6] Thông tư 05/2019/TT-BKHCN Điều 4(1)
[7] Tlđd, n5
[8] Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa Điều 8(4)
[9] Phạm vi bài viết chỉ phân tích đến nhãn sản xuất của hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lưu thông trên thị trường Việt Nam
[10] Luật Thương mại 2005 Điều 3(14)
Luật Sở hữu trí tuệ Điều 4(22) định nghĩa ‘Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.’
Hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) Điều 22 định nghĩa Chỉ dẫn địa lý ‘giống như một loại hàng hóa xuất xứ từ lãnh thổ của một Thành viên, hay một khu vực hoặc địa điểm trong khu vực đó, và chính xuất xứ địa lý quy định chất lượng, danh tiếng hay đặc trưng khác của sản phẩm.’
Từ các định nghĩa trên có thể thấy: xuất xứ hàng hóa và chỉ dẫn địa lý là hai khái niệm khác nhau, không thể thay thế cho nhau. Xuất xứ hàng hóa mang tính bao quát ở cấp độ quốc gia (Made in Việt Nam) còn chỉ dẫn địa lý thường thể hiện một địa phương cụ thể như (Nước mắm Phú Quốc, Lụa Hà Đông, …)
Nếu một hàng hoá có chỉ dẫn địa lý thì hàng hoá được xem là hàng hoá có xuất xứ thuần túy theo dự thảo thông tư (Điều 8) và được xác định là hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam/hàng hoá của Việt Nam (Điều 7). Do đó, có thể suy ra rằng, chỉ dẫn địa lý là một căn cứ để xác định xuất xứ hàng hoá thì đúng hơn là cách hiểu chỉ dẫn địa lý được xem là xuất xứ hàng hoá.
[11] Các quy định về xuất xứ hàng hóa được thể hiện cụ thể tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu; Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu; Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu
[12] Các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan đến quy định về xuất xứ hàng hóa: Các hiệp định thương mại tự do ký kết với các nước ASEAN (AANZFTA, AKFTA, AJCEP, ATIGA, AIFTA,VCFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, giữa Việt Nam và Chi Lê, …
Xem thêm tại:
Anh Duy, ‘EVFTA: “Ứng phó” với nguồn gốc xuất xứ’ enternews.vn (25/07/2019), https://enternews.vn/ung-pho-voi-nguon-goc-xuat-xu-154499.html truy cập ngày 16/05/2020
‘Tìm hiểu về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia’ hoinhap.org.vn (05/12/2014), http://www.hoinhap.org.vn/phan-tich-va-binh-luan/8310-tim-hieu-ve-qui-tac-xuat-xu-trong-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-tham-gia.html truy cập ngày 16/05/2020
[13] Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa Điều 15(1)
[14] Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa Điều 15(2)
[15] Trịnh Thị Thu Hiền, Vũ Hùng Thịnh, ‘Ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là yêu cầu cấp bách’ cptpp.moit.gov.vn, https://bit.ly/3fmMy5m truy cập này 03/05/2020
[16] COOL (Country of Origin Labeling) là luật ghi nhãn trong đó quy định các nhà bán lẻ, chẳng hạn như cửa hàng tạo hóa, siêu thị, các cụm nhà kho phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc của các loại thực phẩm nhất định được gọi là “hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh” bao gồm: thịt cừu, dê và gà cắt miếng hoặc xay; cá, động vật có vỏ và động vật hoang dã hoặc nuôi tại trại nuôi; trái cây, rau quả tươi và đông lạnh, đậu phộng, hồ đào và hạt macamadia; và nhân sâm.
Xem thêm tại: United State Department of Agriculture, ‘Country of Origin Labeling (COOL)’ usda.gov, https://www.ams.usda.gov/rules-regulations/cool truy cập ngày 09/05/2020
[17] Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ‘COOL – Ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ, thông tin dành cho nhà bán lẻ’ usda.gov, https://www.ams.usda.gov/sites/default/files/media/COOLRetailerFactsheetVietnamese.pdf truy cập ngày 09/05/2020
Xem thêm tại: United State Department of Agriculture, ‘Country of Origin Labeling (COOL) frequently asked questions’ usda.gov, https://www.ams.usda.gov/rules-regulations/cool/questions-answers-consumers
[18] Xem thêm tại: tlđd, n13
[19] Xem thêm tại Canadian Competition Act Part VII.1 Article 74(1)(1) (R.S.C., 1985, c. C-34) https://laws.justice.gc.ca/eng/acts/C-34/page-19.html?fbclid=IwAR3b2dIIosGV-I-KXNlx9qefLOFPt7Viqinq3U8Wn1Cn5WeJLSoSRSBSzlA#h-89299 truy cập ngày 10/05/2020
[20] Xem thêm tại Canada Criminal Code Part IX Article 368(1) (R.S.C., 1985, c. C-46), https://laws.justice.gc.ca/eng/acts/C-46/page-81.html?fbclid=IwAR1rlHJ3p_aL8ytjj05z0wuqVAJasYEC6n57QVNGLWs99p8RBveAxwNshvg#h-122291 truy cập ngày 10/05/2020
[21] Huy Thắng, ‘Hải quan nêu nhiều thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa’ baochinhphu.vn, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Hai-quan-neu-nhieu-thu-doan-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa/371189.vgp truy cập ngày 12/09/2019
[22] ‘Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: cả nước đã khởi tố 1635 vụ trong 9 tháng đầu năm 2019’ customs.gov.vn, https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ViewDetails.aspx?ID=29045&Category=Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt truy cập ngày 25/10/2019
[23] Tlđd, n19
[24] Tlđd, n12
[25] ‘“Product of Canada” and “Made in Canada” Claims’ competitionbureau.gc.ca, https://www.competitionbureau.gc.ca/eic/site/cb-bc.nsf/eng/03169.html truy cập ngày 20/03/2020
[26] ‘Tighter rules for ‘Made in Switzerland’ label by 2017’ swissinfo.ch, truy cập ngày 20/03/2020
Xem thêm: Ngô Hạnh, ‘Xác định hàng hóa “Made in Vietnam” và “Made in USA”’ tuoitre.vn, https://tuoitre.vn/cach-xac-dinh-hang-hoa-made-in-vietnam-va-made-in-usa-20190803081406759.htm truy cập ngày 13/09/2019
[27] Federal Trade Commission, ‘Complying with the MADE IN USA STANDARD’ business.ftc.gov, https://www.ftc.gov/system/files/documents/plain-language/bus03-complying-made-usa-standard.pdf truy cập ngày 20/03/2020
Xem thêm: tlđd, n24
[28] Biến đổi đặc tính: là sự biến đổi của cấu trúc vật chất dưới tác động của các yếu tố bên ngoài nhằm làm cho cấu trúc vật chất không bị phá vỡ hoặc tan rã
[29] Giá trị gia tăng dùng để chỉ quá trình đóng góp của các nhân tố sản xuất như đất đai, lao động, hàng hóa tư bản vào quá trình tăng thêm giá trị của một sản phẩm và tương ứng với thu nhập có được của người chủ sở hữu những nhân tố này. Trong kinh tế, giá trị gia tăng là cách lấy giá trị của đầu ra trừ đi giá trị của hàng hóa trung gian
[30] Xem thêm tại Tariff act off 1930, https://legcounsel.house.gov/Comps/Tariff%20Act%20Of%201930.pdf truy cập ngày 20/03/2020
[31] ‘Quy định về xuất xứ hàng hóa của Hoa Kì’ tapchicongthuong.vn, http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/quy-dinh-ve-xuat-xu-hang-hoa-cua-hoa-ky-35431.htm truy cập ngày 13/09/2019
[32] Xem thêm tại ASEAN Trade in Goods Agreement, , https://fta.miti.gov.my/miti-fta/resources/2.ASEAN_Trade_in_Goods_Agreement_.pdf truy cập ngày 20/03/2020
[33] Công thức tính quy định tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN Điều 29
[34] Thông tư 22/2016-TT/BCT Phụ lục 1 Điều 4(1)
[35] Hiệp định ATIGA Điều 2(1)(i): Hệ thống hài hòa hay HS là Hệ thống Mã số và Mô tả Hàng hóa Hài hoà trong Phụ lục của Công ước Quốc tế về Hệ thống Mã số và Mô tả Hàng hóa Hài hòa gồm sửa đổi được thông qua và áp dụng ở các Quốc gia Thành viên theo luật pháp của quốc gia đó.
[36] Hướng dẫn cụ thể được quy định tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) Phụ lục VI http://trungtamwto.vn/upload/files/fta/174-da-ky-ket/191-asean—aec/207-noi-dung-hiep-dinh/Annex%206.pdf truy cập ngày 20/03/2020
[37] Cục Xuất Nhập khẩu, ‘Ghi nhãn sản xuất hàng hoá tại Việt Nam – Một yêu cầu cấp bách’ moit.gov.vn, http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ghi-nhan-hang-hoa-san-xuat-tai-viet-nam-mot-yeu-cau-cap-bach-14038-22.html truy cập ngày 06/05/2020
[38] Một hàng hoá có chỉ dẫn địa lý thì hàng hoá được xem là hàng hóa có xuất xứ thuần túy theo dự thảo thông tư (Điều 8) và được xác định là hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam/hàng hoá của Việt Nam (Điều 7). Do đó, chỉ dẫn địa lý là một căn cứ để xác định xuất xứ hàng hoá thì đúng hơn cách hiểu chỉ dẫn địa lý được xem là xuất xứ hàng hoá
[39] Nguyễn Hường, Thu Phương, ‘Gắn mác xuất xứ hàng hóa thế nào là đúng?’ congthuong.vn (22/07/2019), https://congthuong.vn/gan-mac-xuat-xu-hang-hoa-the-nao-la-dung-122705.html truy cập ngày 10/09/2019
[40] Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa Điều 3(1)
[41] Wholly Obtained (WO): Xuất xứ thuần túy là sản phẩm được sản xuất, khai thác, đánh bắt, thu lượm được hoàn toàn trong lãnh thổ của một bên tham gia hiệp định mà không tích hợp thêm bất cứ thành phần của quốc gia khác vào. Mỗi hiệp định thương mại có quy định khác nhau về xuất xứ thuần túy
[42] Regional Value ContenT (RVC): Hàm lượng giá trị khu vực là hàm lượng nguyên vật liệu cấu thành lên sản phẩm hàng hóa mà có xuất xứ được công nhận từ các nước tham gia các hiệp định thương mại
[43] Value Added Content (VAC): Hàm lượng giá trị gia tăng là tỷ lệ trị giá có được đủ để coi là có xuất xứ Việt Nam. Tỷ lệ này được xác định là phần giá trị gia tăng có được tính trên tổng trị giá của hàng hoá được sản xuất, gia công, chế biến tại Việt Nam sau khi trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hoặc trị giá nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa
[44] Tlđd, n20
[45] Xem thêm tại: Dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam Điều 8
[46] Xem thêm tại: Phụ lục I Quy tắc cụ thể mặt hàng bàn hành kèm theo dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, http://trungtamwto.vn/download/18868/Ph%E1%BB%A5%20l%E1%BB%A5c%20I.pdf
[47] Xem thêm tại Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam Điều 9
[48] Cục xuất nhập khẩu, ‘Ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam – Một yêu cầu cấp bách’ moit.gov.vn, https://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ghi-nhan-hang-hoa-san-xuat-tai-viet-nam-mot-yeu-cau-cap-bach-14038-22.htm truy cập ngày 13/09/2019
[49] Tuệ Anh, ‘Hàng hóa có tỉ lệ gia tăng nội địa dưới 30% sẽ gắn nhãn như thế nào?’ thutuchanhchinh.vn , http://thutuchanhchinh.vn/noidung/tintuc/Lists/TinTuc/View_Detail.aspx?ItemID=2268 truy cập ngày 17/09/2019
[50] ‘Dự thảo thông thư hàng “made in Vietnam” có thể đạt xuất xứ ASEAN nhưng chưa là hàng Việt’ trungtamwto.vn, http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/13820-du-thao-thong-tu-hang-made-in-vietnam-co-the-dat-xuat-xu-asean-nhung-chua-la-hang-viet- truy cập ngày 18/09/2019
[51] Dự thảo Thông tư Chương 1 Điều 1
[52] Dự thảo Thông tư Chương 3 Điều 10
[53] Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa Điều 15(1)
[54] Tuệ Anh, ‘Hàng hóa có tỉ lệ gia tăng nội địa dưới 30% sẽ gắn nhãn như thế nào?’ thutuchanhchinh.vn, http://thutuchanhchinh.vn/noidung/tintuc/Lists/TinTuc/View_Detail.aspx?ItemID=2268 truy cập ngày 08/05/2020
[55] Riêng cách xác định xuất xứ hàng hoá nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa đã được quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư 05/2018/TT-BTC
[56] Quyết định số 2441/QĐ-TTg về chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn bản pháp luật
1.Đạo luật thuế quan 1930
2.Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
3.Luật Ghi nhãn Nguồn gốc và Xuất xứ hàng hóa (COOL)
4.Canadian Competition Act
5.Canadian Criminal Code
6.Luật Thương mại 2005
7.Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa
8.Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương vể xuất xứ hàng hóa
9.Thông tư 22/2016/TT-BCT về thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
10.Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa
11.Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 43/2017/NĐ-CP
12.Quyết định số 2441/QĐ-TTg về chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020
13.Dự thảo thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam
Nguồn điện tử
1.Minh Đức, ‘Phân biệt nhãn hiệu và nhãn hàng hoá’ Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, http://sokhcn.binhduong.gov.vn/New/phan-biet-giua-nhan-hieu-va-nhan-hang-hoa-521
2.Huy Thắng, ‘Hải quan nêu nhiều thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa’ baochinhphu.vn, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Hai-quan-neu-nhieu-thu-doan-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa/371189.vgp
3.‘Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: cả nước đã khởi tố 1635 vụ trong 9 tháng đầu năm 2019’ costums.gov.vn, https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ViewDetails.aspx?ID=29045&Category=Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt
4.‘“Product of Canada” and “Made in Canada” Claims’ competitionbureau.gc, https://www.competitionbureau.gc.ca/eic/site/cb-bc.nsf/eng/03169.html
5.‘Complying with the MADE IN USA STANDARD’ ftc.gov, https://www.ftc.gov/system/files/documents/plain-language/bus03-complying-made-usa-standard.pdf
6.Ngô Hạnh, ‘Xác định hàng hóa “Made in Vietnam” và “Made in USA”’ tuoitre.vn, https://tuoitre.vn/cach-xac-dinh-hang-hoa-made-in-vietnam-va-made-in-usa-20190803081406759.htm
7.‘Tighter rules for ‘Made in Switzerland’ label by 2017’ swissinfo.ch, < https://www.swissinfo.ch/eng/swissness-test_tighter-rul, s-for–made-in-switzerland–label-by-2017/41639236>
8.United State Department of Agriculture, ‘Country of Origin Labeling (COOL) frequently asked questions’ usda.gov, https://www.ams.usda.gov/rules-regulations/cool/questions-answers-consumers
9.Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ‘COOL – Ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ, thông tin dành cho nhà bán lẻ’ usda.gov, https://www.ams.usda.gov/sites/default/files/media/COOLRetailerFactsheetVietnamese.pdf
10.United State Department of Agriculture, ‘Country of Origin Labeling (COOL)’ usda.gov, https://www.ams.usda.gov/rules-regulations/cool/questions-answers-consumers
11.‘Quy định về xuất xứ hàng hóa của Hoa Kì’ tapchicongthuong.vn, http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/quy-dinh-ve-xuat-xu-hang-hoa-cua-hoa-ky-35431.htm
12.Nguyễn Hường, ‘Gắn mác xuất xứ hàng hóa thế nào là đúng?’ tapchitaichinh.vn, https://congthuong.vn/gan-mac-xuat-xu-hang-hoa-the-nao-la-dung-122705.html
13.Cục xuất nhập khẩu, ‘Ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam – Một yêu cầu cấp bách’ moit.gov.vn, http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ghi-nhan-hang-hoa-san-xuat-tai-viet-nam-mot-yeu-cau-cap-bach-14038-22.html
14.Tuệ Anh, ‘Hàng hóa có tỉ lệ gia tăng nội địa dưới 30% sẽ gắn nhãn như thế nào?’ thutuchanhchinh.vn, http://thutuchanhchinh.vn/noidung/tintuc/Lists/TinTuc/View_Detail.aspx?ItemID=2268
15.‘Dự thảo thông thư hàng “made in Vietnam” có thể đạt xuất xứ ASEAN nhưng chưa là hàng Việt’ trungtamwto, http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/13820-du-thao-thong-tu-hang-made-in-vietnam-co-the-dat-xuat-xu-asean-nhung-chua-la-hang-viet-
16.Trịnh Thị Thu Hiền, Vũ Hùng Thịnh, ‘Ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là yêu cầu cấp bách’ cptpp.moit.gov.vn, https://bit.ly/3fmMy5m
17.Anh Duy, ‘EVFTA: “Ứng phó” với nguồn gốc xuất xứ’ enternews.vn, https://enternews.vn/ung-pho-voi-nguon-goc-xuat-xu-154499.htm