[CS 08 – 06/2020] – GÓC KẾT NỐI – VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN “KHỦNG HOẢNG” THỜI COVID-19

Nhóm thực hiện: Nguyễn Tuấn Kiệt (K17502), Huỳnh Thị Mỹ Linh (K18501),
Trần Hiếu Ngân (K18502C) & Nguyễn Hồ Hoài Ngọc (K19504C),
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

Thời gian vừa qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước tình hình này, doanh nghiệp buộc phải dùng đến phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự nhằm tối giản mọi chi phí, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn vì họ có khả năng sẽ bị tạm ngừng, tạm hoãn thực hiện hợp đồng, thậm chí là mất việc làm. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp phải có phương án tối ưu và người lao động cần có cách bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, Ban biên tập Chuyên san Sinh viên & Pháp luật số 08 – 06/2020 đã có cuộc trao đổi, trò chuyện thú vị với Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH MTV An Luật, giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề lao động trong giai đoạn “khủng hoảng” thời COVID-19.

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như:
– Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH MTV An Luật.
– Trọng tài viên của PIAC (Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương).
– Diễn giả thành công tại các buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình tư vấn.
– Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, để cắt giảm chi phí nhân công cũng như chi phí vận hành, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động. Chị đánh giá thế nào về giải pháp tình thế này của các doanh nghiệp ạ?
Theo Chị, việc doanh nghiệp lựa chọn giải pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động cũng được xem là một giải pháp hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ nên được áp dụng trong điều kiện doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện tất cả các biện pháp nhằm duy trì quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng vẫn không giải quyết được khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt. Đến lúc đó doanh nghiệp buộc phải thực hiện giải pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để tối giản chi phí nhân công và chi phí vận hành của doanh nghiệp.

2. Ngoài giải pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như trên, doanh nghiệp còn có thể thực hiện các giải pháp nào khác để giải quyết vấn đề sử dụng lao động trong thời kỳ COVID-19 mà vẫn đảm bảo chấp hành đúng quy định của pháp luật ạ?
Có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề sử dụng lao động trong thời COVID-19 mà các doanh nghiệp có thể thực hiện. Chị sẽ giới thiệu hai nhóm giải pháp như sau:
(i) Tiếp tục duy trì quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động như: thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; tạm ngừng thực hiện hợp đồng lao động; nghỉ việc không hưởng lương; tạm thời chuyển việc người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động. Trong trường hợp tạm thời chuyển việc, nếu mức lương công việc mới thấp hơn tiền lương so với công việc cũ thì người lao động được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
(ii) Chấm dứt quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động như tái sắp xếp lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với giải pháp tái sắp xếp thì doanh nghiệp cần trình phương án sử dụng lao động lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được thông qua, thực hiện chi trả tiền trợ cấp mất việc cho Người lao động theo đúng trình tự. Cũng như, khi thực hiện việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng cần tuân thủ trình tự và thời gian báo trước theo quy định pháp luật.

3. Vấn đề trợ cấp thôi việc được pháp luật quy định như thế nào trong trường hợp người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh như COVID-19 ạ? Nếu các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính dẫn đến không có khả năng chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động thì việc chi trả trợ cấp này sẽ được giải quyết như thế nào ạ?
Đến thời điểm hiện tại thì chưa có bất kỳ quy định nào về trợ cấp thôi việc cho người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng do COVID-19 gây ra mà chỉ có quy định chung về các trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp sau khi trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có thời gian làm việc được nhận trợ cấp thôi việc từ người sử dụng lao động thì Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm này. Trong trường hợp doanh nghiệp không chi trả khoản trợ cấp này thì phải chịu mức phạt hành chính theo quy định của Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Theo Chị, những nhóm đối tượng nào trong lực lượng lao động được xét là nhóm dễ bị tổn thương trong tình hình dịch bệnh hiện nay? Đối với những đối tượng này, họ nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trong thời kỳ COVID-19 ạ?
Những nhóm đối tượng trong lực lượng lao động được xem là dễ bị tổn thương hiện nay đầu tiên có lẽ là những lao động tự do. Họ gần như không có hợp đồng lao động, không đăng ký bảo hiểm xã hội, điều này dẫn đến việc họ không thể tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội. Tiếp theo là những lao động làm việc tại các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh cá thể nhưng không ký kết Hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội dẫn đến không có đủ căn cứ, cơ sở để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Cuối cùng phải kể đến các doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, du lịch,… bị ngưng trệ do dịch bệnh và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn vì hàng hóa bị tồn kho do không thể xuất khẩu đi nơi khác trong tình hình hiện nay.
Điều kiện hỗ trợ những đối tượng này và hồ sơ, trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định tại Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương thì doanh nghiệp lập Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. Sau đó doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi đặt trụ sở thẩm định rồi trình lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh để được ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ. Còn đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hoặc không có giao kết hợp đồng thì người lao động tự lập hồ sơ gửi UBND cấp xã. Sau đó UBND cấp xã tổ chức rà soát, lập danh sách rồi gửi UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh để được ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ.

5. Theo Chị, với tình hình hiện tại, các tổ chức đại diện tập thể người lao động như Công đoàn cơ sở đóng vai trò như thế nào trong việc đảm bảo lợi ích cân bằng giữa người lao động và người sử dụng lao động ạ?
Công đoàn cơ sở đóng vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động dù trong bất cứ thời điểm nào, không chỉ riêng tình hình dịch bệnh COVID-19 thì Công đoàn mới thể hiện được vai trò của mình. Công đoàn có quyền đưa ra ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến người lao động nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của họ. Chẳng hạn trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nếu doanh nghiệp đã thực hiện tất cả các giải pháp nhằm duy trì quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng vẫn không đạt hiệu quả, dẫn đến buộc phải tái sắp xếp lao động thì phương án này phải được trình lên Công đoàn để lấy ý kiến trước khi trình lên Sở Lao động – Thương binh Xã hội thông qua.

6. Ngày 09/04/2020 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, các đối tượng là người lao động bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết. Chị đánh giá thế nào về tính hiệu quả của giải pháp này ạ?
Nếu nói về việc đánh giá thì Chị nghĩ mình chưa đủ khả năng để đánh giá Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 hiệu quả hay không hiệu quả. Bởi vì để đánh giá một chính sách hay việc thực thi một Nghị quyết cần có đủ thời gian và phạm vi chính sách đó được áp dụng. Đối với Nghị quyết 42/NQ-CP, nhiều người vội vàng cho rằng Nghị quyết này không có tính hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bởi một số điểm bất cập trong quá trình thi hành Nghị quyết là chưa thực sự hợp lý và chưa đủ sức thuyết phục. Chị nhận thấy rằng Nghị quyết 42/NQ-CP được ban hành tại thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp là điều hợp lý bởi lẽ đây là chính sách tích cực, hỗ trợ phần nào giúp người dân vượt qua khó khăn và động viên tinh thần toàn thể công dân Việt Nam cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn này.

7. Cuối cùng, Chị có lời khuyên nào cho doanh nghiệp trong việc tổ chức lại lao động khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc không ạ?
Dưới góc độ của một người sử dụng lao động, Chị mong rằng doanh nghiệp sẽ thấu tình thấu lý trong vấn đề quản lý nhân sự, không nên lợi dụng tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp là cơ hội chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Vì điều này sẽ khiến người lao động gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc cố gắng áp dụng mọi giải pháp để duy trì mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp với người lao động là điều cần thiết.
Đồng thời, Chị cũng rất ủng hộ những doanh nghiệp đã mạnh dạn xử lý nhanh gọn việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong tình thế các giải pháp duy trì quan hệ lao động đều không đạt hiệu quả. Điều này vừa giúp doanh nghiệp ổn định lại cơ cấu nhân sự vừa nhanh chóng hoàn tất thủ tục cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng cùng cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động để tránh rủi ro, tranh chấp nếu có sau này.

Cảm ơn Chị đã dành thời gian quý báu của mình để giúp chúng em thực hiện bài phỏng vấn này. Chúc Chị luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống và thành công trong công việc.

Advertisement