Nguyễn Đặng Minh Châu (K17502) & Trần Hiếu Ngân (K18502C),
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp. HCM
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện có một số lượng không nhỏ trẻ em vẫn chưa được xác định danh tính pháp lý. Bài viết này xem xét các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất một số nội dung nhằm hỗ trợ trẻ em chưa được xác định danh tính pháp lý do mất hoặc chưa đăng ký giấy khai sinh và bị bắt cóc, buôn người.
Từ khóa: danh tính pháp lý, bắt cóc, buôn người, đăng ký khai sinh
There are a significant number of children who have not yet been legally identified due to different reasons. This article reviews and recommends the current legal framework to support children who lack legal identity resulting from lost or unregistered birth certificates and kidnapping or trafficking.
Keywords: legal identity, kidnapping, trafficking, birth registration
1. Nêu vấn đề
Trên thế giới, ước tính hiện đang có khoảng 1 tỷ người không có cơ sở xác định danh tính pháp lý.[1] Trong gần 166 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ không được đăng ký khai sinh trên thế giới ngày nay.[2] Tại Việt Nam, con số này được ước tính tổng cộng là 3,9% (dựa trên tổng số trẻ em Việt Nam) vào năm 2014.[3]
Bên cạnh đó, báo cáo tháng 6/2019 thực hiện bởi tổ chức Coram đã ước tính tổng cộng 5,6% số trẻ em Việt Nam có thể đã trải qua những hoàn cảnh có dấu hiệu của nạn buôn bán trẻ em hoặc chính xác là đã từng bị buôn bán.[4] Những con số trên phản ánh thực trạng quyền của trẻ em đang bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với trẻ em chưa xác định được danh tính pháp lý. Việc tìm hiểu quy định pháp luật hiện hành cũng như tìm ra những bất cập về các biện pháp bảo đảm quyền của trẻ em là cần thiết và tất yếu trong bối cảnh hiện tại.
2. Khái quát về đảm bảo quyền trẻ em chưa xác định danh tính pháp lý
2.1. Khái niệm trẻ em và danh tính pháp lý (legal identity)
Trẻ em được xác định là người dưới độ tuổi thành niên. Theo Điều 1, Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em năm 1989 (CRC)[6], trẻ em được hiểu là những người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định độ tuổi thành niên sớm hơn. [5]Trên thế giới, mỗi quốc gia đặt ra tiêu chuẩn riêng về độ tuổi này. Tại Việt Nam, trẻ em được định nghĩa là những người dưới 16 tuổi (Điều 1, Luật Trẻ em 2016). Việc xác định độ tuổi trẻ em có vai trò quan trọng, bởi lẽ đây là cơ sở xã hội để xác định quyền và nghĩa vụ công dân của người chưa thành niên và người thành niên.[7]
Danh tính pháp lý là sự công nhận sự tồn tại của một người trước pháp luật, tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền cụ thể và nghĩa vụ tương ứng.[8] Danh tính pháp lý có được thông qua đăng ký khai sinh, được công nhận như một chủ thể của pháp luật và được nhà nước bảo vệ.[9] Danh tính pháp lý có thể được xác định thông qua các chứng thư pháp lý sau đây: giấy tờ về hộ tịch (ví dụ: giấy khai sinh, giấy nhận con nuôi, giấy tờ chứng nhận kết hôn, ly hôn hoặc giấy chứng tử), giấy tờ về quốc tịch (ví dụ: quốc tịch, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu) và các hình thức nhận dạng dựa trên tình trạng di dân (ví dụ: thẻ tị nạn, thẻ căn cước công dân nước ngoài).[10]
2.2. Quyền của trẻ em được xác định danh tính pháp lý
2.2.1. Được thừa nhận bởi pháp luật quốc tế
Theo Điều 8 CRC mà Việt Nam là nước thành viên, mọi trẻ em có quyền có danh tính pháp lý, bao gồm tên, quốc tịch và quan hệ gia đình được pháp luật thừa nhận. Trong trường hợp trẻ em bị tước đoạt các yếu tố thuộc về danh tính pháp lý, các quốc gia thành viên phải cung cấp các biện pháp trợ giúp và bảo vệ thích hợp nhằm khôi phục danh tính pháp lý cho trẻ nhanh nhất có thể.
2.2.2. Được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam
Điều 3(1), Bộ luật Dân sự 2015 thừa nhận mọi cá nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân. Điều 13 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định rõ “Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật”.
Đối với trẻ em không có quốc tịch, một trường hợp trẻ em bị thiếu danh tính pháp lý điển hình, Điều 36 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Hơn nữa, trẻ em không có quốc tịch vẫn được đảm bảo được hưởng các quyền của trẻ em theo nguyên tắc chung quy định tại Điều 5 Luật Trẻ em 2016. Nguyên tắc này là phù hợp với tinh thần của CRC, “không trẻ em nào bị đối xử bất công vì bất cứ lý do nào”.
2.3. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu danh tính pháp lý
Trên thực tế tồn tại nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc trẻ em không thể được công nhận danh tính pháp lý. Tuy nhiên, nhóm tác giả chủ trương nghiên cứu 02 nguyên nhân chính đó là (i) sau khi ra đời, trẻ em không được đăng ký khai sinh hoặc giấy khai sinh đã bị mất, và (ii) trẻ em bị bắt cóc, buôn người nên không thể xác định được danh tính pháp lý, bởi những lý lẽ sau đây:
(i) Danh tính pháp lý còn có thể hiểu là sự kết hợp của những yếu tố cho phép công dân được hưởng các quyền, lợi ích và thực hiện nghĩa vụ. Danh tính pháp lý biểu hiện dưới các dạng như là đăng ký khai sinh, các tài liệu về thông tin cá nhân thậm chí là các dữ liệu dưới dạng sinh trắc học hoặc số nhận dạng. Do đó, việc không được ghi nhận dưới các dạng tài liệu xác định danh tính hoặc không có giấy tờ đồng nghĩa với việc người đó từ chối mọi cơ hội và khả năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ vì họ không thể chứng minh danh tính. Đối với trẻ em, danh tính pháp lý biểu hiện chủ yếu dưới dạng giấy khai sinh, đây là yếu tố quan trọng trong việc trẻ em được hưởng các quyền, tiếp cận với các dịch vụ và được nhận sự bảo trợ xã hội.[11]
(ii) Vấn nạn bắt cóc, buôn người là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu và đã nhận được sự chú ý ngày càng tăng của các quốc gia trong thập kỷ vừa qua.[12] Khi trở thành đối tượng của vấn nạn này, trẻ em sẽ rơi vào trạng thái không xác định được danh tính pháp lý, từ đó dễ dàng bị xâm hại và lạm dụng. Đáng chú ý, những đứa trẻ bị bắt cóc, buôn người có nguy cơ cao trở thành đối tượng của lạm dụng tình dục hoặc bóc lột sức lao động[13] và dẫn đến hậu quả về mặt thể chất, lẫn tinh thần. Việc sớm nhận diện và sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách còn chưa phù hợp là cần thiết.
2.4. Tầm quan trọng của việc xác định danh tính pháp lý
Tại phiên họp thứ 12 năm 1996, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em đã nhận định hậu quả của việc không xác định được danh tính pháp lý như sau: “Thiếu danh tính pháp lý sẽ dẫn đến việc trẻ em bị tước các biện pháp bảo vệ cơ bản để thúc đẩy và bảo vệ các quyền của mình, kể cả trong các trường hợp buôn bán, bắt cóc, ngược đãi trẻ em, lạm dụng hoặc bỏ rơi”.[14] Bên cạnh đó, những đứa trẻ này còn không được hưởng các quyền cơ bản như giáo dục, y tế, tự do đi lại và tiếp cận công lý.[15]
Tại Việt Nam, đăng ký khai sinh là hành động xác định danh tính pháp lý cho trẻ. Việc đăng ký khai sinh đóng vai trò cơ bản giúp trẻ tiếp cận với các dịch vụ cơ bản và bảo trợ xã hội, đảm bảo các quyền cơ bản cho trẻ như quyền được học tập, quyền được chăm sóc y tế,… cũng như giúp trẻ có quyền được cấp hộ chiếu, mở tài khoản ngân hàng, vay tín dụng, bầu cử hoặc tìm kiếm việc làm khi trưởng thành.[16]
3. Về hỗ trợ và khuyến khích đăng ký khai sinh cho trẻ em
3.1. Quy định pháp luật
3.1.1. Đăng ký khai sinh trong thời hạn và đăng ký khai sinh quá thời hạn
Nhằm mục đích khuyến khích việc đăng ký khai sinh sớm, pháp luật về hộ tịch quy định những trường hợp đăng ký khai sinh trong thời hạn 60 ngày sẽ được miễn phí lệ phí đăng ký khai sinh[17].
Đối với trường hợp quá thời hạn mà không đăng ký, người có trách nhiệm đăng ký khai sinh sẽ bị phạt cảnh cáo.[18] Tuy vậy, quyền đăng ký khai sinh của trẻ sau thời hạn này vẫn được bảo đảm như thủ tục đăng ký khai sinh bình thường quy định Điều 16, Luật Hộ tịch 2014.
3.1.2. Đăng ký khai sinh cho trẻ trong trường hợp không có giấy tờ
Trường hợp bị mất giấy chứng sinh[19], người đi đăng ký khai sinh có thể nộp văn bản thay thế, bao gồm văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh[20]; hoặc giấy cam đoan về việc sinh. Đây là một quy định tiến bộ, mở rộng cơ hội đăng ký khai sinh cho trẻ, từ đó giúp giảm số lượng trẻ em không có danh tính pháp lý.
Trường hợp ba mẹ của trẻ chưa đăng ký kết hôn, trẻ em có thể được đăng ký khai sinh theo diện chưa xác định cha hoặc mẹ. Trong trường hợp, ba mẹ của trẻ mong muốn đứng tên trên giấy khai sinh, thì chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là cần thiết thông qua hai loại chứng cứ sau đây[21]:
(i) Văn bản xác nhận về quan hệ cha con, quan hệ mẹ con của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài, ví dụ như văn bản xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì chi phí xét nghiệm ADN khá cao và khó chi trả. Điều này vô tình dẫn đến những thân phận thiếu danh tính pháp lý của trẻ em.[22]
(ii) Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người và có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Các hộ gia đình không có khả năng kinh tế có thể dựa vào quy định này của luật để yêu cầu đăng ký khai sinh cho con. Trên thực tế việc sử dụng chứng cứ này cũng gặp khó khăn, bởi lẽ cơ quan đăng ký gặp lúng túng khi xác định giá trị của thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con hoặc trường hợp công dân không thể cung cấp được chứng cứ này.[23]
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không xác định được người thân và có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập, cá nhân, gia đình hoặc tổ chức hiện đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh[24]. 3.1.3. Quyền đăng ký lại khai sinh
Hiện nay, pháp luật đã cho phép việc đăng ký khai sinh lại đối với các trường hợp đã đăng ký khai sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng bị mất Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch[25]. Yêu cầu về hồ sơ đăng ký khai sinh được quy định cụ thể tại Điều 26, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
3.2. Thực tiễn
Để đảm bảo mọi trẻ em đều được đăng ký khai sinh, ngoài chính sách được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chính phủ đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn đưa ra những chính sách hỗ trợ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Ở Tp.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững phối hợp phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM cùng với nhiều đơn vị liên quan thực hiện chương trình “Trang mới cuộc đời” làm giấy khai sinh cho các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cho khoảng 130 trường hợp, với mức hỗ trợ là 3,5 triệu đồng/trường hợp[26]. Đáng chú ý hơn cả là chính sách liên thông đăng ký khai sinh với cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi do Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện. Theo chính sách này, khi đi đăng ký khai sinh cho trẻ, cán bộ tư pháp địa phương sẽ đồng thời hoàn thiện thông tin cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm bớt thủ tục hành chính cho các bậc cha mẹ. Sau 1 tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu tại 13 tỉnh, thành phố, hơn 15.000 trẻ em đã được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế.[27]
3.3. Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, nhằm thực hiện mục tiêu cấp danh tính pháp lý cho tất cả mọi người, gồm cả đăng ký khai sinh đến năm 2030 trong Quyết định 622/QĐ-TTg[28], Thủ tướng Chính phủ nêu hai nhiệm vụ chính cần thực hiện là: (i) Triển khai thực hiện tốt Luật Hộ tịch và định kỳ đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật và sửa đổi Luật cho phù hợp nếu cần thiết; (ii) Xây dựng, áp dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch. Nhóm tác giả cho rằng để thực hiện tốt mục tiêu được đề ra, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và báo cáo đánh giá tiến độ định kỳ. Trong đó, nhóm tác giả đề xuất một số hành động cụ thể như sau:
Một là, rà soát, kiểm tra tình trạng đăng ký khai sinh khai sinh tại các hộ gia đình trong mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương.
Hai là, tiến hành khai báo toàn dân, xem xét nguyện vọng của các hộ gia đình về vấn đề đăng ký khai sinh, có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với các hộ gia đình khó khăn hoặc đối với các trường hợp đặc biệt.
Ba là, tuyên truyền pháp luật về đăng ký khai sinh và hướng dẫn thủ tục đăng ký khai sinh.
Thứ hai, trong trường hợp xét nghiệm ADN là cần thiết để chứng thực quan hệ cha, mẹ và con. Chi phí xét nghiệm ADN cho 02 người dao động từ 1.500.000 đến 10.000.000 VND[29]ư, đối với các hộ gia đình khó khăn thì đây là khoản tiền lớn khó xoay sở, điều này đã gián tiếp dẫn đến những thân phận trẻ em vô hình. Theo nhóm tác giả, UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương nên có chính sách hỗ trợ chi phí đối với các trường hợp cần thiết xét nghiệm ADN thuộc diện hộ gia đình khó khăn nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em không được hưởng các quyền và bảo trợ xã hội do thiếu giấy khai sinh.
Thứ ba, trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia khi đưa con về cư trú tại Việt Nam hầu hết nhập cảnh trái phép về Việt Nam để tiết kiệm chi phí và thời gian làm các giấy tờ chứng minh nên không thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất nhập cảnh[30] để xin hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế mà đưa con về cư trú tại Việt Nam theo đường dân sinh, do đó khi đăng ký khai sinh cho con không có các giấy tờ chứng minh trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam[31]. Đối với những trường hợp này, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nên kịp thời hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các em được học tập, thụ hưởng các chính sách ưu đãi về y tế, xã hội.[32]
4. Về hỗ trợ trẻ em chưa xác định danh tính pháp lý hậu nạn bắt cóc, buôn người
4.1. Quy định pháp luật
Sau khi được giải cứu từ nạn mua bán người, trẻ em sẽ được tiếp nhận, hỗ trợ và xác minh có phải là “nạn nhân” của hành vi mua bán người hay không[33]. Trong trường hợp được xác định là “nạn nhân”, trẻ em sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ theo luật định.
Cụ thể, pháp luật Việt Nam thừa nhận một số quyền của trẻ em hậu nạn buôn người. Trẻ em bị mua bán được xếp vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và được nhận các chính sách hỗ trợ đặc biệt[34], bao gồm cả trợ giúp pháp lý[35]. Quy định này cũng được ghi nhận tại Điều 32(1)(d), Luật Phòng chống mua bán người 2011 (Luật PCMBN 2011). Theo đó, trẻ em hoàn toàn có quyền được hỗ trợ làm thủ tục đăng ký hộ tịch.[36] Đây là một trong những biện pháp giúp trẻ em xác định danh tính pháp lý, từ đó đảm bảo quyền cho trẻ.
4.2. Thực trạng pháp luật về hỗ trợ trẻ em xác định danh tính pháp lý
4.2.1. Chưa có quy định hỗ trợ trẻ em bị bắt cóc
Điều 28, Luật Trẻ em 2016 ghi nhận quyền của trẻ em được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bắt cóc. Chế tài đối với các nhóm hành vi bắt cóc cũng được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)[37]. Tuy vậy, trẻ em bị bắt cóc lại không được xếp vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cũng không được quy định việc hỗ trợ cụ thể trong bất kỳ văn bản pháp luật nào.
4.2.2. Bất cập về căn cứ xác định nạn nhân buôn người
Để được nhận chính sách trợ giúp pháp lý, trẻ em phải được xem là nạn nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Điều 27, Luật PCMBN 2011 quy định một người được xác định là nạn nhân khi có căn cứ cho rằng người đó là đối tượng bị mua bán, chuyển giao, tiếp nhận hoặc là đối tượng bị tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp.[38]
So sánh với Tuyên ngôn về Các nguyên tắc công lý cơ bản cho các nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực năm 1985 – OHCHR, Điều 1 của Tuyên ngôn quy định “nạn nhân là những cá nhân hoặc tập thể, khi mà, là kết quả của hành vi phạm hàng loạt luật nhân đạo hoặc các vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế về quyền con người, người đó đã chịu sự tổn hại, bao gồm sự tổn thương về thể chất và tinh thần, chịu đựng sự mất mát về xúc cảm, thiệt hại kinh tế hay làm hư hại đến các quyền pháp lý cơ bản của người đó”. Bên cạnh đó, căn cứ xác định nạn nhân không phụ thuộc vào việc thủ phạm đã được nhận dạng, bị bắt, bị truy tố hoặc đã bị kết tội hay chưa và bất kể mối quan hệ có thể tồn tại hay có thể đã tồn tại giữa nạn nhân và thủ phạm.
Có thể thấy, so với Tuyên ngôn trên, căn cứ xác định nạn nhân theo Luật PCMBN 2011 dẫn đến cách hiểu rằng: nạn nhân chỉ được xác định khi chủ thể phạm tội được xác định và bị buộc tội[39] và gây khó khăn trong việc xác định nạn nhân. Song, khiếm khuyết này đã được khắc phục bởi quy định tại Nghị định 62/2012/NĐ-CP về Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ[40]. Theo đó, việc xác định nạn nhân có thể dựa vào các nguồn tài liệu, chứng cứ từ cơ quan có thẩm quyền và nhiệm vụ hoặc lời khai, tài liệu do nạn nhân hoặc người liên quan cung cấp.[41] Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng việc thay đổi cách tiếp cận trong căn cứ xác định nạn nhân là cần thiết. Theo đó, việc xác định nạn nhân cần phải đặt trọng tâm vào hậu quả của hành vi phạm tội, những thiệt hại, mất mát mà nạn nhân đang gánh chịu.
4.2.3. Thủ tục hỗ trợ xác định danh tính pháp lý chưa rõ ràng, cụ thể
Với mục đích áp dụng pháp luật vào thực tiễn, Điều 22(3) Nghị định 09/2013/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Luật Trợ lý pháp lý 2017 và các văn bản hướng dẫn[42] lại không chứa bất kỳ quy định cụ thể nào liên quan đến trình tự, thủ tục hỗ trợ nạn nhân hậu bắt cóc, buôn người. Thay vào đó, Thông tư 12/2018/TT-BTP chỉ hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý gắn liền với một số giai đoạn nhất định, như thụ lý, theo dõi, thực hiện trợ giúp pháp lý. Các quy định này hoàn toàn không rõ ràng để có thể hỗ trợ nạn nhân là trẻ em một cách kịp thời và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em theo nguyên tắc trợ giúp pháp lý.[43]
4.3. Đề xuất, kiến nghị
4.3.1. Bổ sung các quy định cụ thể hỗ trợ trẻ em bị bắt cóc
Cả hành vi bắt cóc và mua bán người đều có những điểm chung như: tồn tại hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, làm tổn hại đến quyền cơ bản của nạn nhân. Vì vậy, bên cạnh hành vi mua bán người, hành vi bắt cóc cũng cần được quan tâm và bổ sung vào quy định pháp luật. Vì lẽ trên, nhóm tác giả đề xuất bổ sung như sau:
Thứ nhất, xây dựng văn bản pháp luật mới, tạm gọi “Luật Phòng chống bắt cóc và mua bán người”, văn bản là sự thừa kế các chế định phòng chống, mua bán người hiện quy định tại Luật PCMBN 2011 và bổ sung thêm các chế định phòng chống bắt cóc. Trong đó, việc xây dựng khái niệm “bắt cóc” cần được ưu tiên triển khai. Nhóm tác giả đề xuất cách tiếp cận bao quát từ Bộ luật Hình sự của California, theo đó, bắt cóc là hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để bắt một người và di chuyển họ một khoảng cách đáng kể với động cơ và mục đích bất hợp pháp.[44]
Thứ hai, bổ sung đối tượng trẻ em bị bắt cóc vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, quy định tại Điều 10(1), Luật Trẻ em 2016 và Chương 2 Nghị định 56/2017/NĐ-CP về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ.
4.3.2. Điều chỉnh căn cứ xác định nạn nhân tương thích với Điều ước quốc tế
Theo nhóm tác giả, nhằm đáp ứng sự thống nhất giữa các văn bản và tương thích với điều ước quốc tế, căn cứ xác định nạn nhân quy định tại Điều 27 Luật PCMBN 2011 cần được điều chỉnh như sau:
1. Một người được xem là nạn nhân khi được xác định chịu sự tổn hại, bao gồm sự tổn thương về thể chất và tinh thần, chịu đựng sự mất mát về cảm xúc, thiệt hại kinh tế hoặc không được hưởng các quyền pháp lý cơ bản của người đó, do hậu quả của hành vi bắt cóc hoặc buôn người theo quy định của Luật này.
2. Căn cứ xác định nạn nhân không phụ thuộc vào việc thủ phạm đã được nhận dạng, bị bắt, bị truy tố hoặc đã bị kết tội hay chưa và bất kể mối quan hệ có thể tồn tại hay có thể đã tồn tại giữa nạn nhân và thủ phạm.
4.3.3. Xây dựng thủ tục đặc biệt hỗ trợ xác định danh tính pháp lý cho trẻ em hậu bắt cóc, buôn bán người
Đối với các vấn đề liên quan trẻ em hậu bắt cóc, buôn bán người, trợ giúp pháp lý là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm giúp trẻ em xác định được danh tính pháp lý. Vì vậy, theo nhóm tác giả, việc xây dựng trình tự, thủ tục đặc biệt trong việc trợ giúp pháp lý nhóm đối tượng này là cần thiết. Theo đó, nhóm tác giả đề xuất những thay đổi như sau:
Thứ nhất, xếp nhóm đối tượng trẻ em và đặc biệt trẻ em hậu nạn bắt cóc buôn người vào diện ưu tiên, được thụ lý ngay vụ việc trợ giúp pháp lý.[45]
Thứ hai, xây dựng thủ tục đặc biệt cho việc xác định danh tính pháp lý trẻ em. Trong đó quy định cụ thể một số vấn đề sau: (i) Chủ thể theo dõi, đánh giá tiến trình thủ tục đặc biệt, (ii) Chủ thể có trách nhiệm nộp yêu cầu trợ giúp pháp lý và cung cấp giấy tờ, thông tin liên quan đến nạn nhân, (iii) Tiếp nhận ngay vụ việc và thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý, (iii) Đánh giá kết quả trợ giúp pháp lý. Mục đích của việc trợ giúp pháp lý được xác định nhằm xác định danh tính pháp lý cho trẻ em, vì vậy, cần sự đơn giản, tinh gọn trong trình tự, thủ tục.
5. Tổng kết
Bài viết này đã phân tích một số vấn đề liên quan đến việc xác định danh tính pháp lý đối với hai đối tượng là trẻ em bị mất hoặc chưa đăng ký giấy khai sinh, và trẻ em bị bắt cóc, buôn người. Nhìn chung, có thể nhận thấy pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định chung về vấn đề này, song vẫn chưa giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Trên cơ sở đó bài viết đưa ra một số kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ đăng ký khai sinh và các biện pháp hỗ trợ trẻ em hậu nạn bắt cóc, buôn người. Nhóm tác giả cho rằng việc xác định danh tính pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm các loại quyền cho trẻ em. Vì vậy, việc sớm hoàn thiện pháp luật sẽ giúp bảo vệ tốt nhất quyền của trẻ em, nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội.
[1] World Bank Group’s Identification for Development (ID4D), ‘Global Identification Challenge by the Numbers’ (The ID4D Initiative), <https://id4d.worldbank.org/global-dataset> truy cập ngày 27/02/2020
[2] UNICEF, ‘Birth Registration for Every Child by 2030: Are we on track?’(UNICEF Data, 12/2019), <https://data.unicef.org/resources/birth-registration-for-every-child-by-2030/> truy cập ngày 27/02/2020
[3] MICS 2014, ‘Cross-sector Indicators’ (UNICEF Data, 2014), <https://data.unicef.org/resources/data_explorer/unicef_f/?ag=UNICEF&df=GLOBAL_DATAFLOW&ver=1.0&dq=VNM.PT_CHLD_Y0T4_REG.&startPeriod=1970&endPeriod=2019> truy cập ngày 28/02/2020
[4] Kara Apland & Elizabeth Yarrow, Casting Light in the Shadows: Child and youth migration, exploitation and trafficking in Vietnam 28
[5] Garner, Bryan A & Henry Campbell Black, Black’s Law Dictionary (tái bản lần thứ 9, NXB Thomson West 2009) 271
[6] Tên tiếng Anh: Convention on the Rights of Child. Công ước được thông qua và mở để ký, phê chuẩn và gia nhập Nghị quyết Đại hội đồng 44/25 ngày 20/11/1989, có hiệu lực kể từ ngày 02/09/1990
[7] 7 Hoàng Minh Khôi, ‘Cần thống nhất độ tuổi của người chưa thành niên trong các văn bản pháp luật’ Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (01/09/2013), <www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207393> truy cập ngày 01/03/2020
[8] Lucia Gonzalez Lopez, Tanja Brondsted, Sejersen, Nicholas Oakeshott, Gaspar Fajth, Taimur Khilji & Nicoleta Panta, ‘Civil Registration, Human Rights, and Social Protection in Asia and the Pacific’, 29(1) Asia Pacific Population Journal (2014) 77 <www.unescap.org/sites/default/files/APPJ-Vol-29-No-1.pdf> truy cập ngày 01/03/2020
[9] Benítez Molina, Juan Carlos, Harbitz & Mia Elisabeth, ‘Civil Registration and Identification Glossary’ (Inter-American Development Bank, 2010) 64 <https://publications.iadb.org/publications/english/document/Civil-Registration-and-Identification-Glossary.pdf> truy cập ngày 02/03/2020
[10] Open Society Foundations (OSF), ‘A Community-Based Practitioner’s Guide: Documenting Citizenship & Other Forms of Legal Identity’ (UNHCR Data, 2018) 9 <https://data2.unhcr.org/en/documents/download/65246> truy cập ngày 03/03/2020
[11] Mia Harbitz & Maria del Carmen Tamargo, ‘The Significance of Legal Identity in Situations of Poverty and Social Exclusion. The Link between Gender, Ethnicity, and Legal Identity’ (Inter-American Development Bank, 2009) 5 <https://publications.iadb.org/publications/english/document/The-Significance-of-Legal-Identity-in-Situations-of-Poverty-and-Social-Exclusion-The-Link-between-Gender-Ethnicity-and-Legal-Identity.pdf> truy cập ngày 03/03/2020
[12] World Health Organization/ Pan American Health Organization, ‘Understanding and addressing violence against women’ (apps.who.int, 2012) tiêu mục Human trafficking <https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/77394/WHO_RHR_12.42_eng.pdf;jsessionid=1D8A77E6657CAFB2537D322F44534514?sequence=1> truy cập ngày 03/03/2020
[13] Kara Apland & Elizabeth Yarrow, tlđd n4, 48
[14] Concluding Observations of the Committee on the Rights of the Child, China, U.N. Doc. CRC/C/15/Add.56 (Human Rights Library, 1996) đoạn 16 <http://hrlibrary.umn.edu/crc/crc-China96.htm> truy cập ngày 03/03/2020
[15] Open Society Foundations (OSF), tldđ n10, 9
[16] Laura Ngô – Fontaine, ‘Bảo vệ những trẻ em Việt Nam chưa được khai sinh’ (UNICEF Việt Nam, 2015), <www.unicef.org/vietnam/vi/stories/b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-nh%E1%BB%AFng-tr%E1%BA%BB-em-vi%E1%BB%87t-nam-ch%C6%B0a-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-khai-sinh> truy cập ngày 28/02/2020
[17] Luật số 60/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc Hội về Hộ tịch (Luật Hộ tịch 2014) Điều 11(1)(b) & Điều 15(1)
[18] Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính Phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP) Điều 27(1)
[19] Giấy chứng sinh là giấy chứng nhận việc sinh, được cấp bởi các cơ sở sau đây:
a) Bệnh viện đa khoa có khoa sản; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện sản – nhi;
b) Nhà hộ sinh;
c) Trạm y tế cấp xã;
d) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ.
(Xem thêm tại Thông tư 17/2012/TT-BYT về Quy định cấp và sử dụng giấy khai sinh)
[20] Luật Hộ tịch 2014 Điều 16(1)
[21] Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/ 11/2015 của Chính Phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch Điều 11(2)
[22] Như Lịch, ‘Cứu tinh của trẻ không có giấy khai sinh’ (Báo Thanh Niên, 14/12/2019), <https://thanhnien.vn/gioi-tre/cuu-tinh-cua-tre-khong-co-khai-sinh-1159143.html> truy cập ngày 10/03/2020
[23] Phòng hành chính Tư pháp, ‘Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành trên địa bàn tỉnh Bình Dương’(Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp – tỉnh Bình Dương, 20/12/2018), <https://stp.binhduong.gov.vn/hanhchinhtuphap/Lists/HoTich/DispForm.aspx?ID=65> truy cập ngày 11/03/2020
[24] Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính Phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định 123/2015/NĐ-CP) Điều 14
[25] Nghị định 123/2015/NĐ-CP Điều 24, Điều 25 và Điều 26
[26] Thiên Cầm, ‘Hỗ trợ làm giấy khai sinh cho trẻ em khó khăn’ (Báo Thanh Niên, 23/08/2019), <https://thanhnien.vn/thoi-su/ho-tro-lam-giay-khai-sinh-cho-tre-em-kho-khan-o-tphcm-1117886.html> truy cập ngày 01/03/2020
[27] D. Thu, ‘Làm giấy khai sinh, trẻ sẽ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế’(Báo Người lao động, 21/11/2019), <https://nld.com.vn/cong-doan/lien-thong-dang-ky-khai-sinh-va-cap-the-bhytcho-tre-em-duoi-6-tuoi-2019112111374656.htm> truy cập ngày 01/03/2020
[28] Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
[29] Vũ Thị Thúy Chi, ‘Những yếu tố chi phối tới giá một lần xét nghiệm ADN’(Trang thông tin điện tử Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, trực thuộc Công ty TNHH Công nghệ và Xét nghiệm Y học, 04/10/2019), <https://medlatec.vn/tin-tuc/nhung-yeu-to-chi-phoi-toi-gia-mot-lan-xet-nghiem-adn-s58-n14844> truy cập ngày 23/03/2020
[30] Thông tư số 15/2015/TT-BTP Điều 6(1) quy định: Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là Công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì phải nộp các giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam (như: Hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam)
[31] Nguyễn Nhật Vũ, ‘Những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật về hộ tịch’ (Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Quảng Bình, 1/2/2019)<https://stp.quangbinh.gov.vn/3cms/nhung-kho-khan-vuong-mac-tu-thuc-tien-thi-hanh-phap-luat-ve-ho-tich.htm> truy cập ngày 17/3/2020
[32] Đoàn Phú, ‘Tháo gỡ vướng mắc về đăng ký hộ tịch’ (Báo điện tử Đồng Nai , 7/7/2018), <http://baodongnai.com.vn/phapluat/201805/thao-go-vuong-mac-ve-dang-ky-ho-tich-2892295/> truy cập ngày 17/03/2020
[33] Luật PCMBN 2011 Điều 24, Điều 25, Điều 26 & Điều 27
[34] Luật Trẻ em 2016 Điều 10
[35] Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/05/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em Điều 21(1)
[36] Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người Điều 22(2)
[37] Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157) và Tội bắt cóc con tin (Điều 301)
[38] Luật PCMBN 2011 Điều 3(1), (2) & (3):
1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật Hình sự.
2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
[39] Oanh Nguyen & Hoang Nguyen, ‘Human trafficking and responses to identification of and assistance for victims of human trafficking in Vietnam’ (2018) 20 Flinders Law Journal 83
[40] Oanh Nguyen & Hoang Nguyen, tlđd 84
[41] Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/08/2012 của Chính phủ về Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ Điều 5(2)
[42] Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của luật trợ giúp pháp lý; Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý & Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/08/2018 của Bộ Tư pháp về Hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Thông tư 12/2018/TT-BTP)
[43] Luật số 11/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội về Trợ giúp pháp lý (Luật Trợ giúp pháp lý 2017) Điều 3
[44] 44 Bộ luật Hình sự California Điều 207 về tội bắt cóc (Kidnapping under Section 207 California Penal Code) (justia.com), <https://www.justia.com/criminal/docs/calcrim/1200/1201/> truy cập ngày 18/03/2020
[45] Thông tư 12/2018/TT- BTP Điều 6
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn bản pháp luật
1. Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em năm 1989 (CRC)
2. Tuyên ngôn về Các nguyên tắc công lý cơ bản cho các nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực năm 1985 – OHCHR
3. California Penal Code 2017
4. Bộ luật Dân sự 2015
5. Luật Phòng, chống mua bán người 2011
6. Luật Hộ tịch 2014
7. Luật Trẻ em 2016
8. Luật Trợ giúp pháp lý 2017
9. Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người
10. Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ
11. Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch
12. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
13. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em
14. Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý
15. Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch
16. Thông tư số 08/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. 17. Thông tư số 12/2018/TT-BTP của Bộ Tư pháp về Hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
18. Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Sách và bài viết
1. Benítez Molina, Juan Carlos; Harbitz, Mia Elisabeth, ‘Civil Registration and Identification Glossary’ (Inter-American Development Bank, 2010)
2. Garner, Bryan A & Henry Campbell Black, Black’s Law Dictionary (tái bản lần thứ 9, NXB Thomson West 2009)
3. Kara Apland & Elizabeth Yarrow, ‘Casting Light in the Shadows: Child and youth migration, exploitation and trafficking in Vietnam’ (Coram International, 2019)
4. Lucia Gonzalez Lopez, Tanja Brondsted, Sejersen, Nicholas Oakeshott, Gaspar Fajth, Taimur Khilji & Nicoleta Panta, ‘Civil Registration, Human Rights, and Social Protection in Asia and the Pacific’, 29(1) Asia Pacific Population Journal (2014)
5. Mia Harbitz & Maria del Carmen Tamargo, ‘The Significance of Legal Identity in Situations of Poverty and Social Exclusion. The Link between Gender, Ethnicity, and Legal Identity’ (Inter-American Development Bank, 2009)
6. Oanh Nguyen & Hoang Nguyen, ‘Human trafficking and responses to identification of and assistance for victims of human trafficking in Vietnam’ 20 Flinders Law Journal (2018)
7. Open Society Foundations (OSF), ‘A Community-Based Practitioner’s Guide: Documenting Citizenship & Other Forms of Legal Identity’ (UNHCR Data, 2018)
8. Hoàng Minh Khôi, ‘Cần thống nhất độ tuổi của người chưa thành niên trong các văn bản pháp luật’, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp