Nguyễn Ngọc Minh Anh,
Sinh viên K19501, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp. HCM
Luật sư Ngô Bá Thành, một nữ luật sư tài năng, người đã từ bỏ mọi thành công cá nhân để quay về cống hiến cho đất nước nói chung và giúp đỡ những phụ nữ chịu bất công lúc bấy giờ. Bà cũng là người đã giúp Uỷ ban Phụ nữ đòi quyền sống[1] phát triển thành một lực lượng đấu tranh đắc lực, một nỗi ngán ngại cho chính quyền Sài Gòn vào những năm 1970. Bà đã làm cho lớp trí thức trẻ ở các trường đại học Hà Nội thời đó hết sức khâm phục.
1. Luật sư Ngô Bá Thành (1931-2004)[2]– người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu
Phạm Thị Thanh Vân hay còn gọi là bà Ngô Bá Thành (Ngô Bá Thành là tên người chồng quá cố của bà) sinh ngày 25/9/1931 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là con gái của ông Phạm Văn Huyến, một trong những bác sĩ thú y đầu tiên
của Việt Nam[3].
Tròn 18 tuổi, bà kết hôn với bác sĩ Ngô Bá Thành. Ở tuổi 20, bà cùng chồng và hai con nhỏ sang Paris du học với sự giúp đỡ của gia đình. Bà học tú tài chuyên ngành Luật so sánh. Vì cuộc sống khó khăn nơi xứ người, ngoài giờ học ở trường, bà còn nhận đánh máy thuê để trang trải thêm chi phí. Với khả năng nhanh nhẹn trời phú, trong một cuộc thi đánh máy toàn nước Pháp, bà đã đoạt chức vô địch và trở thành Người phụ nữ Đông Dương đầu tiên vô địch tốc ký tại nước Pháp.
Năm 1957, bà bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Luật so sánh tại Pháp và được Trường Đại học Quốc tế Paris mời giảng dạy môn học này. Sau đó bà sang Tây Ban Nha học Luật tại Đại học Barcelona và nhận bằng tiến sĩ xuất sắc về Luật Công ty. Bản luận án tiến sĩ của bà đã lưu hành tại khắp các nước châu Mỹ – Latinh và các nước nói tiếng Tây Ban Nha khác. Chưa dừng lại ở đó, bà còn nhận được học bổng của Đại học Columbia – Hoa Kỳ theo đề cử của Đại học Quốc tế Paris và tiếp tục sang Hoa Kỳ học tập, nghiên cứu tại trường Đại học danh tiếng bậc nhất trên thế giới. Tại đây, bà tiếp tục có được tấm bằng tiến sĩ Luật Thương mại loại xuất sắc.
Là nữ luật gia Việt Nam đầu tiên giỏi chuyên môn đa ngành luật, thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và nắm rõ hệ thống pháp luật các nước này; bà đã được đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thời bấy giờ, ông Dag Hammarskjöld[4] mời làm việc cho Ban Luật quốc tế[5]. Tuy nhiên luật sư Ngô Bá Thành đã từ chối lời mời của ông và trở lại trường Đại học Quốc tế Paris nhận vị trí Giám đốc Nghiên cứu Khoa học kiêm Giám đốc Tổ chức. Bà đã từ bỏ cơ hội được làm việc ở Liên Hiệp Quốc mà quay về Đại học Quốc tế Paris để thể hiện sự biết ơn của mình và cùng đồng hành với ngôi trường giúp bà có được nhiều cơ hội quý báu trong đời. Đây cũng chính là nơi làm việc cuối cùng của luật sư Ngô Bá Thành trước khi bà trở về Việt Nam.
2. Những cống hiến tiêu biểu của luật sư Ngô Bá Thành
2.1. Luật sư Ngô Bá Thành và công cuộc đấu tranh giành quyền sống trong những năm 1970
Sau bao nhiêu năm bôn ba khắp nơi để học tập, trau dồi kiến thức và làm việc với ước mơ trở về giúp đỡ quê hương, năm 1963 luật sư Ngô Bá Thành rời Pháp trở về Việt Nam và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Trong bối cảnh hàng ngàn Việt kiều tại Campuchia bị thảm sát một cách dã man và các phong trào đấu tranh chống chính phủ Lon Nol diễn ra liên tiếp, thì Phong trào Phụ nữ đấu tranh đòi quyền sống của phụ nữ Sài Gòn cũng ra đời[6]. Ngày 2/8/1970, tại chùa Ấn Quang, lễ ra mắt Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống được tổ chức. Với tư cách là người khởi xướng phong trào, luật sư Ngô Bá Thành được cử làm Chủ tịch của Ủy ban. Với lời lẽ sắc bén của mình, bà đã chỉ rõ những việc mà người phụ nữ phải làm để chung tay với phong trào đòi hòa bình: nói lên tiếng nói của mình, đòi lại quyền sống cho người thân và cho chính mình. Từ đó, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống đã trở thành một lực lượng đấu tranh đắc lực, một nỗi ngán ngại cho chính quyền Sài Gòn.
Trước đó, trong quá trình làm việc tại Đại học Quốc tế Paris bà đã kết giao với nhiều trí thức ở Pháp nói riêng và cả châu Âu – đây là lực lượng góp phần kêu gọi chống chiến tranh, đòi hòa bình tại Việt Nam lúc bấy giờ. Không chỉ vậy, bằng năng lực, kỹ năng giao tiếp tốt của một luật sư cũng như những mối quan hệ mà bà đã có trong quá trình đi hầu khắp châu Âu, châu Mỹ, luật sư Ngô Bá Thành đã kêu gọi được Chủ tịch Hội phụ nữ 05 quốc gia là Mỹ, Pháp, Canada, Úc và New Zealand tham gia vào buổi hội thảo với nội dung lên án Nixon[7] và Nguyễn Văn Thiệu đưa thanh niên ra chiến trường, đòi Mỹ rút quân, lập chính phủ ba thành phần[8], đòi bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm cho phụ nữ. Bản tuyên bố đã có tiếng vang lớn trong nước cũng như trên thế giới.[9] Nhiều lần bà còn lớn tiếng tranh luận với cảnh sát về pháp luật, hiến pháp để yêu cầu công bằng cho các học sinh, sinh viên bị bắt vì tham gia biểu tình. Tài diễn thuyết, vận động của bà đã thuyết phục được mọi tầng lớp từ nông dân, công dân đến tiểu thương, trí thức, cả những người đương chức, có vị thế trong xã hội. Thậm chí bà còn vô số lần ra tòa để biện hộ và đã giúp sinh viên, học sinh, những người tham gia phong trào được trắng án. Cũng chính vì những hành động chống đối như vậy, bà đã bị bắt giam 05 năm, bốn lần bị chính quyền Sài Gòn đưa ra xét xử. Trong đó có lần luật sư Ngô Bá Thành rơi vào tình huống rất nguy hiểm vì tham gia một cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử tổng thống ở miền Nam Việt Nam, trong đó Nguyễn Văn Thiệu là ứng cử viên duy nhất, bà bị cầm tù vào tháng 9 năm 1971.[10] Nhưng nhờ tài diễn thuyết, đấu lý đầy thuyết phục của mình và cũng nhờ vào dư luận phương Tây, người dân Việt tại nước Mỹ – những người biết đến luật sư Ngô Bá Thành, đã bảo vệ và lên án mạnh mẽ việc bắt giam bà, cuối cùng, bà được trả tự do và lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
2.2. Những cống hiến của Luật sư Ngô Bá Thành sau hòa bình lập lại
Từ khi hòa bình lập lại, bà có nhiều cống hiến cho đất nước ở các lĩnh vực chính trị, xã hội và pháp luật. Tiêu biểu về mặt pháp luật phải kể đến đóng góp của bà trong ‘The 1992 Constitution and the Rule of Law Ngo Ba Thanh’[11]. Về mặt chính trị và xã hội bà được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng vào phẩm chất và tài năng nên đã giữ nhiều trọng trách quan trọng trong cơ quan nhà nước như: Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I và II, Ủy viên Đoàn Chủ tịch khóa III và IV, là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và X, Ủy viên Ủy ban Dự án Pháp luật, Ủy viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa VII, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa VIII. Trong quá trình đảm nhận chức vụ bà luôn hoàn thành trách nhiệm của mình với tổ quốc, với nhân dân và không phụ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, bà còn là thành viên của Hiệp hội Luật sư Quốc tế Mỹ. Năm 2000, Luật sư Ngô Bá Thành được Trung tâm tiểu sử quốc tế bầu chọn là “Người phụ nữ của thiên niên kỷ”[12]. Với vai trò của mình trong bộ máy nhà nước Việt Nam và cũng là người có tiếng nói trên nghị trường, Tiến sĩ luật Ngô Bá Thành đã đưa ra lý lẽ phản đối Đạo luật Nhân quyền được Mỹ viện dẫn để gắn kết vào Hiệp định Thương mại Việt Mỹ[13]. Bà đã chỉ rõ Thượng nghị viện Mỹ chỉ tạm gác lại Đạo luật Nhân quyền chứ chưa thực sự bác bỏ đạo luật này đối với Việt Nam. Đây là một hành vi thiếu minh bạch và vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc vì theo Hiến chương này, bất cứ quốc gia nào cũng không được phép can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Hành động không rõ ràng này của Mỹ đã bị luật sư Ngô Bá Thành chỉ rõ. Là một luật sư đã từng được đào tạo ở Mỹ, hiểu rõ về luật pháp Mỹ, bà Ngô Bá Thành khẳng định Đạo luật Nhân quyền ở Việt Nam của Mỹ không có giá trị pháp lý[14]. Người phụ nữ không biết sợ hãi điều gì, bà luôn dũng cảm trình bày ý kiến của mình một cách mạch lạc, chặt chẽ và rõ ràng nhất để bảo vệ quyền lợi cho đất nước dù đứng trước bất kỳ thế lực lớn mạnh nào.
3. Lời kết
Cuộc đời của một nữ luật sư tài ba, đức độ trải qua bao nhiêu thăng trầm, sóng gió và vinh quang cuối cùng cũng khép lại ở tuổi 73 vào ngày 3/2/2004 trong sự tiếc thương vô hạn của toàn thể nhân dân ta và cả giới trí thức trên toàn thế giới. Những cống hiến của luật sư Ngô Bá Thành đã được lịch sử Việt Nam và cả thế giới ghi nhận. Bà là người đã từng đấu tranh cho phong trào tiến bộ của phụ nữ trên thế giới, đóng góp lớn vào công cuộc thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Người phụ nữ huyền thoại” ấy sẽ mãi là tấm gương sáng về sự nỗ lực, ý chí, kiên cường, bất khuất cho các thế hệ con cháu mai sau.
[1] Sự kiện hàng ngàn Việt kiều tại Campuchia bị thảm sát một cách dã man đã làm nổi lên phong trào đấu tranh chống chính phủ Lon Nol. (Lon Nol giữ chức Thủ tướng Campuchia hai lần và liên tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời vua Norodom Sihanouk. Ông tự tuyên bố là tổng thống nước Cộng hòa Khmer sau khi thực hiện cuộc đảo chính chống lại chính quyền Sihanouk vào năm 1972). Các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên diễn ra liên tiếp và đỉnh cao là cuộc tấn công vào Tòa đại sứ Lon Nol của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ. Chính trong hoàn cảnh đó, Phong trào Phụ nữ đấu tranh đòi quyền sống của phụ nữ Sài Gòn ra đời, mau chóng lan rộng khắp miền Nam Việt Nam. Xem thêm tại: Nguyễn Túc, ‘Luật sư Ngô Bá Thành- người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu’ (Đại Đoàn Kết, 19/10/2018), <http://m.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/luat-su-ngo-ba-thanh-nguoi-phu-nu-viet-nam-tieu-bieu-tintuc420412> truy cập ngày 26/02/2020
[2] 2 ‘Danh nhân Đức Thọ – Luật sư Ngô Bá Thành’ (Cổng thông tin điện tử Huyện Phú Thọ, 19/10/2018), <http://ductho.hatinh.gov.vn/luat-su-ngo-bathanh-1536026381.html> truy cập ngày 14/10/2019
[3] VNN, ‘Luật sư Ngô Bá Thành qua đời vì đột quỵ’ Tuổi trẻ online (04/02/2004), <https://tuoitre.vn/luat-su-ngo-ba-thanh-qua-doi-vi-dot-quy-18621.htm> truy cập ngày 02/04/2020
[4] Dag Hjalmar Agne Carl Hammarskjöld (1905 – 1961) là nhà ngoại giao người Thụy Điển, Tổng thư ký thứ hai của Liên Hiệp Quốc. Ông làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ tháng 4-1953 tới khi mất. Xem thêm tại: ‘Dag Hjalmar Agne Carl Hammarskjöld’ United Nations Secretary-General, <https://www.un.org/sg/en/content/dag-hjalmar-agne-carl-hammarskj%C3%B6ld> truy cập ngày 05/05/2020
[5] Lương Bích Ngọc, ‘Luật sư Ngô Bá Thành qua đời’ Người lao động (04/02/2004), <https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/luat-su-ngo-ba-thanh-qua-doi-79181.html> truy cập ngày 04/02/2020
[6] Tlđd, n1
[7] Richard Milhous Nixon là tổng thống thứ 37 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ tổng thống của ông bắt đầu từ năm 1969, kết thúc khi ông từ chức vào năm 1974. Xem thêm tại: ‘Richard M. Nixon’ The White House, <https://www.whitehouse.gov/about-the-white-house/presidents/richard-m-nixon/> truy cập ngày 05/05/2020
[8] “Thành phần thứ ba” là tên gọi của một trong ba lực lượng chính trị ở miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Lực lượng này không ủng hộ cho hai lực lượng còn lại là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Họ yêu nước và chỉ đấu tranh cho hòa bình và kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc. Xem thêm tại: Hoàng Lan, ‘‘Lực lượng thứ ba’ và những đóng góp cho chiến thắng 30/04/1975’ VietNamFinance (30/04/2019), <http://m.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/luat-su-ngo-ba-thanh-nguoi-phu-nu-viet-nam-tieu-bieu-tintuc420412> truy cập ngày 05/05/2020
[9] Nguyễn Túc, ‘Luật sư Ngô Bá Thành- người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu’ (Đại Đoàn Kết, 19/10/2018), <http://m.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/luat-su-ngo-ba-thanh-nguoi-phu-nu-viet-nam-tieu-bieu-tintuc420412> truy cập ngày 26/02/2020
[10] ‘Yale Urged to Honor Jailed Vietnamese Lawyer’ The New York Times (12/05/1973), <https://www.nytimes.com/1973/05/12/archives/yale-urged-to-honor-jailed-vietnamese-lawyer.html> truy cập ngày 08/04/2020
[11] Carlyle A. Thayer and David G. Marr (eds), Vietnam and the Rule of Law <https://bit.ly/3fl7Lwp> 81-115 truy cập ngày 08/04/2020
[12] P.L., ‘Tiến sĩ luật Ngô Bá Thành qua đời’ VnExpress (04/02/2004), <https://vnexpress.net/phap-luat/tien-si-luat-ngo-ba-thanh-qua-doi-1998166.html> truy cập 21/3/2020
[13] Hiệp Định thương mại Việt Mỹ được ký kết ngày 13/7/2000 là một sự kiện đánh dấu bước phát triển tích cực của mối quan hệ song phương kể từ ngày hai quốc gia lập quan hệ ngoại giao. Xem thêm tại: ‘Hiệp định về Quan hệ Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ’ Trung tâm WTO Việt Nam, <http://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/209-hiep-dinh-ve-quan-he-thuong-mai-giua-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-hop-chung-quoc-hoa-ky-> thang-3041975-20180504224222831.htm> truy cập ngày 6/5/2020
[14] ‘Luật Sư Ngô Bá Thành – Người Phụ Nữ Viết Nên Huyền Thoại’ (Công ty Luật Dragon, 28/1/2019), <https://bit.ly/2USPWLG> truy cập ngày 21/3/2020
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ‘Danh nhân Đức Thọ – Luật sư Ngô Bá Thành’ (Cổng thông tin điện tử Huyện Phú Thọ), <http://ductho.hatinh.gov.vn/luat-su-ngo-ba-thanh-1536026381.html>
2. ‘Luật Sư Ngô Bá Thành – Người Phụ Nữ Viết Nên Huyền Thoại’ Công ty Luật Dragon, <https://bit.ly/2USPWLG>
3. Nguyễn Túc, ‘Luật sư Ngô Bá Thành- người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu’ Đại Đoàn Kết, <http://m.daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/luat-su-ngo-ba-thanh-nguoi-phu-nu-viet-nam-tieu-bieu-tintuc420412>
4. P.L., ‘Tiến sĩ luật Ngô Bá Thành qua đời’ VnExpress.net, <https://vnexpress.net/phap-luat/tien-si-luat-ngo-ba-thanh-qua-doi-1998166.html>
5. Lương Bích Ngọc, ‘Luật sư Ngô Bá Thành qua đời’ Người lao động, <https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/luat-su-ngo-ba-thanh-qua-doi-79181.htm>
6. VNN, ‘Luật sư Ngô Bá Thành qua đời vì đột quỵ’ Tuổi trẻ online, <https://tuoitre.vn/luat-su-ngo-ba-thanh-qua-doi-vi-dot-quy-18621.htm>
7. ‘Yale Urged to Honor Jailed Vietnamese Lawyer’ The New York Times, <https://www.nytimes.com/1973/05/12/archives/yale-urged-to-honor-jailed-vietnamese-lawyer.html>
8. Carlyle A. Thayer and David G. Marr (eds) Vietnam and the Rule of Law, <https://bit.ly/3fl7Lwp> 81-115
9. ‘Dag Hjalmar Agne Carl Hammarskjöld’ United Nations Secretary-General, <https://www.un.org/sg/en/content/dag-hjalmar-agne-carl-hammarskj%C3%B6ld>
10. ‘Richard M. Nixon’ The White House, <https://www.whitehouse.gov/about-the-white-house/presidents/richard-m-nixon/>
11. Hoàng Lan, ‘‘Lực lượng thứ ba’ và những đóng góp cho chiến thắng 30/4/1975’ VietNamFinance, <https://vietnamfinance.vn/luc-luong-thu-ba-va-nhung-dong-gop-cho-chien-thang-3041975-20180504224222831.htm>
12. ‘Hiệp định về Quan hệ Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ’ Trung tâm WTO Việt Nam, <http://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/209-hiep-dinh-ve-quan-he-thuong-mai-giua-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-hop-chung-quoc-hoa-ky-thang-3041975-20180504224222831.htm>