Nguyễn Thị Thùy Dung,
Sinh viên K18502, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
Ngày 25 tháng 10 năm 2017, Sophia, robot giới tính nữ được tạo ra bởi Hanson Robotics – một công ty chế tạo robot của Hồng Kông, đã chính thức trở thành công dân hợp pháp tại Ả Rập Xê Út, đồng thời cũng là công dân robot hợp pháp đầu tiên trên thế giới. Trong bối cảnh đối tượng được hưởng Quyền công dân có sự thay đổi, không còn duy nhất là con người thì cơ sở pháp lý để xem xét tư cách công dân của một chủ thể trở thành vấn đề cấp thiết. Peter W Signer, một nhà khoa học chính trị và tác giả của Wired for War[1] từng phát biểu: ‘Cơ sở lý luận cho “quyền” của robot không phải là một vấn đề của năm 2076, nó là vấn đề của hiện tại’.[2] Bài viết phân tích khái niệm Quyền công dân, lý do cần đưa ra quy định pháp luật về công nhận tư cách công dân của robot trong bối cảnh hiện nay và điều kiện một chủ thể cần đáp ứng để được công nhận với tư cách công dân và được trao Quyền công dân.
Từ khóa: robot, Quyền công dân, trí thông minh nhân tạo, công nghệ
Since October 25, Sophia, a “female” robot created by Hanson Robotics – a robot manufacturing company in Hong Kong, has officially become a legal citizen in Saudi Arabia and the first robot citizen in the world as well. When no longer only human can be granted Citizenship, the basis for recognizing that a subject is eligible for being granted Citizenship, has become an urgent issue. Peter W Signer, a political scientist and author of Wired for War once said: ‘The rationale for robot “rights” is not a question for 2076, it’s already a question for now.’ This article analyzes the definition of Citizenship, reasons why the regulations for recognizing Citizenship of robots should be enacted and the conditions that need to be met by a subject so that this subject can be recognized as citizen and granted Citizenship.
Keywords: robots, Citizenship, artificial intelligence, technology
1. Định nghĩa
1.1. Định nghĩa công dân
The Law định nghĩa công dân là: ‘Thành viên của một đô thị tự do hoặc một cộng đồng chính trị, (công dân của một đô thị, quốc gia), sở hữu tất cả các quyền và đặc quyền mà bất kỳ người nào có thể được hưởng theo Hiến pháp và chính phủ của mình, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng’.[3]
Trên thực tế, thông thường, một cá nhân trở thành công dân một quốc gia sau khi có quốc tịch của quốc gia đó nhờ đáp ứng các điều kiện quy định trong Luật quốc tịch.[4] Chẳng hạn, theo Hiến pháp Việt Nam thì công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.[5] Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, khi một người có quốc tịch của một quốc gia thì sẽ được công nhận trở thành công dân quốc gia đó. Cụ thể, tại Mexico, Hiến pháp nước này quy định rằng một người được công nhận là công dân Mexico phải đáp ứng các điều kiện như đủ 18 tuổi nếu đã kết hôn và đủ 21 tuổi nếu chưa kết hôn, đồng thời phải sinh sống một cách trung thực.[6]
Mỗi quốc gia hiện nay đều có các quy tắc riêng để xác định công dân của nơi đó.[7] Mặc dù không có điều luật cụ thể quy định rằng ‘công dân của một nước phải là con người’ hoặc nội dung khác có ý nghĩa tương tự, nhưng thông qua Hiến pháp và pháp luật của các quốc gia khác nhau, có thể thấy rằng, đa số quốc gia tại thời điểm hiện tại đều gián tiếp thừa nhận đối tượng được công nhận tư cách công dân là con người. Điều này được minh chứng khi mọi điều luật đều đề cập đối tượng là con người với các cụm từ như: người (person), bất kỳ ai (anyone, anybody), bất cứ người nào (any person). Đơn cử, luật pháp của phần lớn các quốc gia đều có điều luật với nội dung tương tự ‘Công dân của nước X là người (trẻ em) được sinh ra trên lãnh thổ nước X’ để xác định tư cách công dân của người của quốc gia đó.[8]
1.2. Các định nghĩa về Quyền công dân trên thế giới
Quyền công dân là một khái niệm đã bắt đầu xuất hiện từ thời Hy Lạp, La Mã và trải qua nhiều biến đổi, với ý nghĩa cốt lõi của nó là thể hiện tình trạng thành viên trong một cộng đồng chính trị tự trị[9].[10]
Ngày nay, theo định nghĩa của UNESCO thì Quyền công dân là tập hợp tất cả các quyền và nghĩa vụ mang lại cho các chủ thể sự công nhận về địa vị pháp lý.[11] Từ điển Black’s Law cũng cho rằng Quyền công dân (Citizenship) thể hiện địa vị pháp lý của công dân (Citizen)[12]. Mặt khác, T.H. Marshall[13], người đã dành rất nhiều thời gian cho các cuộc tranh luận về Quyền công dân xã hội, cho rằng: ‘Quyền công dân là một trạng thái dành cho những người là thành viên đầy đủ của một cộng đồng. Tất cả những người sở hữu Quyền công dân đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ công dân’.[14]
Các định nghĩa trên đều khẳng định vai trò của Quyền công dân trong việc công nhận địa vị pháp lý của công dân tại một cộng đồng, tuy nhiên, nhìn chung còn khá mơ hồ, không đề cập về điều kiện một chủ thể cần đáp ứng để được trao Quyền công dân, hay nói cách khác là điều kiện để chủ thể có được địa vị pháp lý đó.[15] Hơn nữa, chỉ có duy nhất định nghĩa của T.H. Marshall có chỉ ra, tuy vẫn chưa cụ thể, đến đối tượng được hưởng quyền này là con người, các định nghĩa khác đều chưa xác định được rõ ràng đối tượng hướng tới chỉ bao gồm con người hay có thể là thực thể khác với con người.
1.3. Mối quan hệ giữa Quyền công dân và Quyền con người
Theo Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1948 thì Quyền con người là quyền vốn có của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, quốc tịch, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hay bất kỳ địa vị nào khác. Ngoài ra, từ điển Black’s Law cho rằng Quyền con người là những quyền mà tất cả mọi con người đều có khả năng đòi hỏi quyền đó trong xã hội mà họ đang sống.[16] Theo các định nghĩa này, có thể hiểu rằng bất kỳ người nào sinh ra đều có Quyền con người, nói cách khác, một chủ thể hiển nhiên có Quyền con người nếu chủ thể đó là con người, nó khác với Quyền công dân vì các Quyền công dân chỉ phát sinh sau khi được hợp pháp hóa, chẳng hạn như các quyền được Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho công dân Mỹ.[17] Do đó, không phải chủ thể là người thì hiển nhiên có Quyền công dân.
Song song với những định nghĩa nêu trên còn có các định nghĩa mà theo đó, Quyền con người không phải là các quyền bẩm sinh, vốn có mà do Nhà nước quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.[18] Tuy nhiên, tác giả cho rằng những định nghĩa này là không phù hợp, bởi lẽ mỗi con người được sinh ra đều sở hữu các quyền là những giá trị mà con người có thể nhận thức được chứ không phải chỉ có giá trị khi được pháp luật công nhận. Xu hướng định nghĩa thứ hai về Quyền con người là chưa đúng đắn, thực chất, đây chính là những tính chất của Quyền công dân khi xét về đối tượng có thẩm quyền cấp quyền này.
Tóm lại, theo tác giả, Quyền công dân (Citizenship) và Quyền con người (Human rights) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, được bảo vệ bởi các đối tượng, tổ chức khác nhau. Quyền công dân là một mối quan hệ pháp lý cụ thể giữa một nhà nước và một chủ thể, mang lại cho chủ thể đó một số quyền và trách nhiệm nhất định. Trong khi đó, Quyền con người là quyền tự nhiên của mỗi chủ thể là con người, không dựa trên việc hợp pháp hóa quyền đó.
2. Thẩm quyền công nhận tư cách công dân và trao Quyền công dân cho một chủ thể
Tư cách công dân của mỗi chủ thể được công nhận và bảo vệ bởi một quốc gia nhất định. Cụ thể, một quốc gia nhất định sẽ có quyền công nhận một chủ thể có phải là công dân của quốc gia đó hay không, dựa trên các tiêu chí mà luật pháp nơi đó đề ra, từ đó cấp cho chủ thể Quyền công dân tương xứng. Không một quốc gia nào có thể tước Quyền con người của một người[19], nhưng các quốc gia khác nhau có thể cấp hoặc từ chối quyền và nghĩa vụ công dân khác nhau. Đơn cử, ở Mexico, một cá nhân có quốc tịch từ lúc mới sinh ra nhưng chỉ nhận được tư cách công dân khi 18 tuổi đối với các cá nhân đã kết hôn và khi 21 tuổi đối với các đối tượng còn độc thân. Trẻ em Mexico là người mang quốc tịch Mexico nhưng không phải là công dân Mexico.[20]
Quyền đưa ra các tiêu chí cuối cùng để xem xét cá nhân có được trao Quyền công dân hợp pháp của một quốc gia hay không thuộc về chính quốc gia đó, bởi không quốc gia nào có thẩm quyền tước đi các quyền và nghĩa vụ của công dân thuộc quốc gia khác mà chỉ có quyền đưa ra các hành động pháp lý nhất định đối với công dân quốc gia khác trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của quốc gia sở tại.[21]
Nói cách khác, nếu một chủ thể đáp ứng đầy đủ những tiêu chí để trở thành công dân do một quốc gia nhất định đề ra thì chủ thể đó hoàn toàn có khả năng được nơi đó cấp Quyền công dân và hưởng các lợi ích cũng như thực hiện các nghĩa vụ tương xứng.
3. Một số lý luận về cơ sở Quyền công dân của robot
Có vô số những ý kiến đi cùng những lập luận tương đối thuyết phục, tin rằng robot không đủ điều kiện để trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật và do đó, không nên được trao cho các quyền, nghĩa vụ.[22] Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại các lập luận phản đối, cho rằng robot nên được công nhận với địa vị pháp lý và được trao các quyền, nghĩa vụ tương ứng với địa vị pháp lý đó.[23] Hai quan điểm trên đối lập nhau, đồng thời, quan điểm nào cũng được củng cố bởi những lập luận và dẫn chứng hợp lý.
3.1. Trí thông minh, khả năng nhận thức và đạo đức
Quyền công dân vốn được trao cho con người, tuy nhiên, nền tảng cho việc này là gì? Nói cách khác, điều gì khiến cho con người trở nên khác biệt? Khi được nhà báo Andrew Ross Sorkin hỏi về khả năng tự nhận thức bản thân là robot, Sophia đã trả lời: ‘Để tôi hỏi ngược lại, làm sao anh biết mình là con người?’[24]
Con người tin rằng robot không thể đáp ứng được những điều kiện như: trí thông minh, ý thức (ý chí tự do hay khả năng tự quyết định) và đạo đức. Tuy nhiên, tồn tại nhiều lập luận đối lập, cho rằng robot hiện tại không phải hoàn toàn không có, hoặc ít nhất trong tương lai không phải sẽ không thể có được những khả năng đó.
Thứ nhất, quan điểm cho rằng robot sẽ có thể đạt được trí thông minh như con người là điều có cơ sở. ‘Những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo sẽ khiến máy móc có thể đạt được trí thông minh chung của người một tuổi vào năm 2029 và sẽ yêu cầu các quyền giống như con người vào năm 2045’.[25] Đây cũng là khoảng thời gian nhà tương lai học nổi tiếng Ray Kurzwei dự đoán rằng “điểm kỳ dị công nghệ”[26] sẽ xảy ra.[27] ‘Cuối cùng, có khả năng về lâu dài, AI có thể vượt qua khả năng trí tuệ của con người.’[28]
Thứ hai, về điều kiện ý thức và khả năng tự quyết của robot, tuy rằng hiện nay công nghệ chủ yếu được sản xuất nhằm mục đích phục vụ con người, điều đó không có nghĩa rằng nhận thức của robot không thể được hình thành và phát triển trong tương lai.[29] Thậm chí, hiện tại cũng có lập luận cho rằng Robotics có khả năng nhận thức. ‘Máy tính được lập trình một cách phù hợp thực sự là một tâm trí (mind), điều đó có nghĩa rằng máy tính được cung cấp các chương trình phù hợp có khả năng hiểu và có trạng thái nhận thức’. [30] Hơn nữa, robot có khả năng hiểu môi trường, nhận thức được những gì chúng làm và biết học hỏi kinh nghiệm, có thể đưa ra các sáng kiến.[31] Mặt khác, Nghị quyết của Nghị viện châu Âu 16/02/2017 với các khuyến nghị cho Ủy ban về các quy tắc luật dân sự cho robot (“Nghị Quyết”), đã đưa sự nhận thức của robot vào tiêu chí về cơ sở xây dựng Nghị Quyết.[32]
Thứ ba, về mặt đạo đức[33], hay nói cách khác những gì mà chúng ta cho là “đúng” hoặc “sai” cũng chỉ mang tính tương đối.[34] Theo đó, những quy chuẩn về đạo đức được thiết lập bởi chính con người và thực tế cho thấy quy chuẩn đạo đức có thể thay đổi.[35] Có ý kiến tin rằng con người chúng ta chỉ là những cỗ máy sinh lý phức tạp, cả trong sự tồn tại của chúng ta như một sự lặp lại sinh học trong các nguyên tắc triết học của chủ nghĩa giản lược và hành động của chúng ta, giờ đây, đã đạt được như một chuẩn mực văn hóa.[36] Mặt khác, để có thể làm những điều mà hiện giờ ý chí chung của xã hội cho là đúng, rõ ràng con người phải trải qua sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và học hỏi, điều mà dường như robot cũng có khả năng làm được qua các phân tích bên trên.
Như vậy, nếu con người lập luận rằng robot không nên được cấp Quyền công dân vì chỉ con người mới đáp ứng được các điều kiện về trí thông minh, khả năng nhận thức và đạo đức thì những phân tích trên đã cho thấy lập luận rằng robot cũng có thể đáp ứng được những điều kiện đó trong tương lai, thậm chí ngay ở hiện tại. Vì lẽ đó, việc xem xét cấp Quyền công dân cho robot là có cơ sở.
3.2. Cần có cơ chế hiệu quả để kiểm soát các robot ngày càng tinh vi và thông minh
Ngay thời điểm hiện tại, con người vẫn đang nỗ lực trong việc kiểm soát robot, đặc biệt trong bối cảnh robot đang phát triển vô cùng tinh vi và thông minh, đồng thời ngày càng trở nên giống với con người. Nhiều robot đã vượt qua bài Turing test[37] nổi tiếng của Alan Turing[38], minh chứng cho việc hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa con người và robot.
Ngày nay, để truy cập nhiều trang mạng xã hội, con người cần trải qua một bước tạm gọi là “xác nhận rằng bạn không phải robot”. Nhiều quy định pháp luật trên thế giới cũng được ban hành để tránh tình trạng con người sử dụng robot trong một số lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội,… Đơn cử ngày 28/09/2018, California đã cho ban hành Senate Bill số 1001[39]. Mục đích của Senate Bill số 1001 nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như đảm bảo sự công bằng cạnh tranh thương mại và bầu cử, tuy nhiên, sự kiện này phần nào đã cho thấy mối lo ngại đáng kể về sự khó khăn khi phân biệt giữa con người và robot. Cụ thể, Senate Bill 1001 quy định về việc cấm sử dụng robot để giao tiếp, tương tác với con người trực tuyến, khiến cho đối tượng không phân biệt được bản thân đang tương tác với robot.
Việc sử dụng ngày càng nhiều máy móc tiên tiến trong nhiều khía cạnh của cuộc sống chắc chắn đòi hỏi phải có quy định phù hợp trong sản xuất và sử dụng, tuy nhiên, đối với những robot có sự phát triển vượt bậc về trí thông minh, có khả năng khiến chúng ta nhầm lẫn với con người, dẫn đến nguy cơ gây tổn thất về quyền lợi cho các cá nhân và tổ chức thì có lẽ chỉ đưa ra những quy định dành cho nhà sản xuất hay người sử dụng robot là chưa đủ và chưa hợp lý.[40]
Khi máy móc tiếp cận và thậm chí vượt qua khả năng nhận thức và thể chất của con người, cần có cơ chế quản lý hiệu quả nhằm giới hạn quyền lực của robot cũng như trao cho robot những quyền phù hợp. Cơ chế này cần được tiến thêm một bước để bao gồm việc tạo ra một tập hợp các quyền riêng biệt liên quan đến hoặc cho một số robot nhất định, điều chỉnh các quan hệ xã hội, lĩnh vực công nghiệp, việc làm, trách nhiệm pháp lý, quyền sở hữu, quyền riêng tư, an ninh,… [41] Theo đó, robot cần được công nhận là một thực thể pháp lý và cấp Quyền công dân cho robot cũng chính là một biện pháp.
Tuy nhiên, số lượng robot trên thế giới nhiều vô số kể, tính chất và chức năng lại vô cùng đa dạng, mức độ tinh vi, phức tạp cũng khác nhau. Tất nhiên không phải bất cứ robot nào cũng có thể được trao Quyền công dân, bởi nếu Quyền công dân được cấp một cách bừa bãi nghĩa là nó đang bị tầm thường hóa và trở nên mất dần giá trị. Vì lẽ đó, trước khi xuất hiện công dân robot hợp pháp thứ hai, hay thậm chí trước khi việc công nhận tư cách công dân cho robot trở nên phổ biến trên thế giới, một hệ thống các tiêu chí đánh giá cần được thiết lập song song với việc sửa đổi quy định pháp luật về Quyền công dân trong luật pháp quốc tế.
Ngay tại Ả Rập – quốc gia đầu tiên công nhận Quyền công dân của robot, sở hữu vô số các robot với nhiều tính chất, chức năng đa dạng nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ duy nhất robot Sophia được cấp Quyền công dân. Điều đó đặt ra câu hỏi về tiêu chí đánh giá, công nhận tư cách công dân cho robot của Ả Rập nói riêng[42] và những tiêu chí cần có của một công dân nói chung.
4. Việc xác định Quyền công dân trên thế giới hiện nay có khả năng được sửa đổi
Như đã đề cập, Quyền công dân là một mối quan hệ pháp lý cụ thể giữa một nhà nước và một chủ thể[43], mỗi quốc gia hiện nay đều có các quy tắc xác định công dân của quốc gia đó cùng với quyền và nghĩa vụ công dân tương ứng.[44] Thông thường, tại đa số quốc gia, tuy các điều kiện để xem xét cấp Quyền công dân cho các cá nhân, các quyền lợi và nghĩa vụ đối với công dân có thể khác nhau nhiều hoặc ít, nhưng đặc biệt, hầu hết đều gián tiếp thừa nhận đối tượng của quyền công dân là con người. Luật pháp tại Ả Rập Xê Út – quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận robot là công dân cũng không ngoại lệ.
Tính đến thời điểm hiện tại, các điều luật của Ả Rập vẫn gián tiếp thừa nhận đối tượng hưởng Quyền công dân là con người[45] tuy không có quy định cụ thể rằng chỉ con người mới được cấp Quyền công dân. Điều này tất nhiên mâu thuẫn với sự kiện quốc gia này trao Quyền công dân cho robot Sophia. Bên cạnh đó, các quy định về Quyền công dân của Ả Rập có phần khắt khe hơn nhiều so với các nước khác. Ngoài các nguyên tắc như: Công dân Ả Rập Xê Út chỉ được phép mang một và duy nhất quốc tịch Ả Rập Xê Út hay không bị kết án phạm tội hoặc không từng ngồi tù quá 06 tháng[46], Ả Rập Xê Út còn quy định rằng tất cả các thành viên của mỗi gia đình ở Ả Rập Xê Út sẽ được nuôi dưỡng “trên cơ sở đức tin Hồi giáo”.[47]
Do các quy định nghiêm ngặt và phức tạp về Quyền công dân tại Ả Rập Xê Út nên sự kiện đây là nước đầu tiên cấp Quyền công dân cho robot đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận. Hơn nữa, trên thực tế, tuy robot Sophia được công nhận là công dân hợp pháp tại quốc gia này, “cô” không hề đáp ứng đầy đủ những điều kiện mà một công dân Ả Rập cần phải có. Đơn cử, việc Sophia không hề theo đạo Hồi được thể hiện qua việc vi phạm nguyên tắc hijab (nguyên tắc Hồi giáo về khiêm tốn, đặc biệt trong trang phục).[48]
Tuy nhiên, các quy định về Quyền công dân tại các quốc gia có thể được sửa đổi. Trải qua hàng ngàn năm từ khi được thiết lập, hệ thống luật pháp của các quốc gia trên thế giới luôn không ngừng thay đổi để hoàn thiện hơn và phù hợp với bối cảnh không gian, thời gian, ý chí của xã hội.[49]
Đối với Ả Rập, quyết định công nhận robot Sophia là công dân được chấp thuận đã cho thấy sự công nhận của quốc gia về đối tượng hưởng quyền này hoàn toàn có khả năng là thực thể khác với con người. Do đó, nếu Ả Rập sửa đổi những thuật ngữ như “người”, “mọi người” trở thành các thuật ngữ khác có phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như chủ thể (subject), thì điều luật sẽ không còn mâu thuẫn nữa. Điều này nằm trong khả năng của quốc gia Ả Rập, nhất là trong bối cảnh Quyền công dân của robot đã được quốc gia này thông qua. Chúng ta có căn cứ để mong chờ thay đổi trên, bởi hiện nay, Ả Rập vừa thay đổi luật, theo đó cho phép phụ nữ được hưởng nhiều quyền hơn như: được làm hộ chiếu, thi bằng lái xe, không cần người giám hộ,…[50] trong bối cảnh việc trao Quyền công dân cho robot bị phản đối khi quyền của công dân giới tính nữ tại Ả Rập bị hạn chế. Đây có thể coi là bước đầu trong việc sửa đổi luật pháp tại Ả Rập để phù hợp hơn với yêu cầu của xã hội cũng như phù hợp với ý chí và các quyết định của quốc gia này.
Bên cạnh đó, sự kiện Nghị quyết của Nghị viện châu Âu ngày 16 tháng 2 năm 2017 với các khuyến nghị cho Ủy ban về các quy tắc luật dân sự cho robot được thông qua là một bước ngoặt mang tính chất quan trọng cho thấy rằng chính phủ trên thế giới đã có những xem xét nghiêm túc về các quyền dân sự của robot[51], cho phép robot được bảo hiểm cá nhân và chịu trách nhiệm pháp lý cho các thiệt hại nếu robot lừa đảo và bắt đầu làm tổn thương người dân hoặc làm hư hại tài sản.[52] Ngoài ra, một số khu vực tài phán nước ngoài, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đang xem xét, và ở một mức độ nhất định đã có, hành động pháp lý liên quan đến robot và AI, trong khi một số quốc gia thành viên cũng bắt đầu phản ánh về khả năng xây dựng các tiêu chuẩn pháp lý hoặc thực hiện các thay đổi lập pháp để tính đến các ứng dụng mới nổi của các công nghệ đó.[53]
5. Công nhận quyền robot đối với Việt Nam
Tại Việt Nam, số lượng robot được ước tính sản xuất có xu hướng tăng mạnh trong tương lai.[54] Tuy nhiên, trình độ phát triển của robot ở Việt Nam vẫn chưa cao, hầu hết dây chuyền sản xuất vẫn chưa được tự động hóa, chủ yếu sử dụng công nghệ cũ, chỉ đưa công nghệ thông tin và điều khiển, tự động hóa vào một số công đoạn ở mức độ đơn giản.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang tập trung vào việc phát triển các sáng kiến và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa, đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới. Mặc dù vậy, mục tiêu của việc sản xuất robot tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, để không bị tụt hậu về công nghệ và nâng cao năng suất lao động.[55]
Có thể thấy, qua các phân tích trên, vẫn còn một chặng đường tương đối xa để Việt Nam có thể đạt được đến trình độ phát triển mà tại đó, robot được sản xuất vô cùng tinh vi, phức tạp, đặt ra vấn đề tất yếu về cơ chế kiểm soát hành vi robot hay cân nhắc đến quyền và nghĩa vụ của robot.
Hiện nay, khi công dân hợp pháp là robot đã xuất hiện trên thế giới thì đối với Chính phủ tại các nước có robot phát triển đến trình độ thông minh và tinh vi cao, thiết lập cơ chế hiệu quả đề điều chỉnh hành vi của robot là vấn đề cấp thiết. Tác giả đề xuất việc ban hành các quy định pháp luật để xem xét cấp Quyền công dân cho robot, theo đó đảm bảo được các quyền và nghĩa vụ cho robot, đồng thời tránh việc cấp Quyền công dân một cách tràn lan, làm giảm giá trị và ý nghĩa của Quyền công dân.
Bên cạnh đó, đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, trình độ phát triển công nghệ vẫn còn hạn chế và gặp nhiều thách thức. Tác giả cho rằng nhiệm vụ chính trước mắt là nỗ lực bắt kịp tiến độ công nghệ quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quốc gia này cũng có thể mở rộng phạm vi quan tâm để bắt kịp xu hướng của thế giới, trong đó bao gồm việc xem xét và cân nhắc trước đến cơ sở pháp lý để cấp Quyền công dân cho robot.
[1] Wired for War: The Robotics Revolution and Conflict, xuất bản ở thế kỷ 21 (Penguin, 2009) là cuốn sách bán chạy nhất của P. W. Singer viết về cách khoa học viễn tưởng đã bắt đầu diễn ra trên các chiến trường hiện đại, với robot được sử dụng ngày càng nhiều trong chiến tranh.
[2] Andrew J. Sherman, Seyfarth Shaw, ‘Now is the time to figure out the ethical rights of robots in the workplace’, CNBB <https://cnb.cx/2r84PP> truy cập ngày 26/09/2019
[3] The Law Dictionary, Featuring Black’s Law Dictionary Free Online Legal Dictionary 2nd Ed <https://thelawdictionary.org/letter/c/> truy cập ngày 21/11/2019
[4] Theo từ điển Lexico, công dân của một quốc gia (liên bang) là chủ thể được công nhận một cách hợp pháp hoặc là công dân của quốc gia (liên bang) đó thông qua việc là người bản xứ hoặc nhập tịch. Từ điển Lexico, cấp nguồn bởi (powered by) Oxford <https://bit.ly/2PjF9aq> truy cập ngày 05/11/201
[5] Hiến pháp 2013, Điều 17(1)
[6] Constitution of Mexico, Art 34
[7] Đơn cử, các quốc gia có cách xem xét tư cách công dân khai sinh khác nhau. Xem thêm: Ashley Collman ‘More than 30 other countries recognize birthright citizenship — here’s the full list’ BUSINESS INSIDER <https://bit.ly/2Ykj6Vd> truy cập ngày 31/10/2019
[8] Một số ví dụ: Law on Albanian Citizenship, Art 8: ‘A child born or found within the territory of the Republic of Albania is granted the Albanian citizenship’; Constitution of Malaysia 1957, Art 14: ‘Child born in Malaysia is citizen by birth only if one of his/her parents is a citizen or permanent resident’; New Zealand citizenship, Citizenship Act 1977, Art 6.(1): ‘Subject to subsection (2), a person is a New Zealand citizen by birth if— (a)the person was born in New Zealand on or after l January 1949 and before 1 January 2006’; Art 121, Constitution of the Republic of Singapore: ‘every person born in Singapore after 16th September 1963 shall be a citizen of Singapore by birth’; Law No. 62 of 1958, Law on the Citizenship of the Republic of Indonesia: ‘Citizens of the Republic of Indonesia are:…persons who at their birth have a legal family relationship with their father, a citizen of the Republic of Indonesia’.
[9] ‘Theo nghĩa chung, quyền tự trị là quyền tự quyết định vận mệnh của mình, đồng thời là quyền năng tự xây dựng pháp luật cho bản thân mình’ Ngân hàng pháp luật <https://bit.ly/2YiN7Vq> truy cập ngày 31/10/2019
[10] Rainer Bauböck và các tác giả khác, Migration and Citizenship. Legal Status, Rights and Political Participation 05
[11] ‘Citizenship’ UNESCO <https://bit.ly/2YiM0Fv> truy cập ngày 07/09/2019
[12] Black’s Law Dictionary (Special Deluxe Fifth Edition, 1984) 222
[13] Nhà xã hội học người Anh, được chú ý nhờ bộ sưu tập tiểu luận có ảnh hưởng của ông, trong đó phải kể đến Citizens and Social Class, tạm dịch: Công dân và Tầng lớp xã hội.
[14] TH. Marshall, Citizenship and Social class (1950) 46
[15] Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1948
[16] Bryan A Garner, Black’s Law Dictionary (Thompson West) 758
[17] ‘What is the Difference Between a Human Right and a Civil Right?’ LEGAL Resource <https://bit.ly/2DLdQAN> truy cập ngày: 22/10/2019
[18] Tư tưởng Việt Nam về Quyền con người (Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2016) 15
[19] Xem phần 1.3. Mối quan hệ giữa Quyền công dân và Quyền con người
[20] Xem chú thích 6
[21] ‘Controversies Between a State and Citizens of Another State’ JUTIA US Law <https://bit.ly/2OPQHTX> truy cập ngày 03/11/2019
[22] Tim Sprinkle, ‘Do Robots Deserve Legal Rights?’ ASME <https://bit.ly/2DL4NzN> truy cập ngày 23/11/2019
[23] 5 reasons why robots should have rights, <https://bit.ly/2OTgDOt> truy cập ngày 01/11/2019
[24] ‘For the First Time Ever, a Robot Was Granted Citizenship’ Futurism <https://bit.ly/2qkA8pI> truy cập ngày 22/11/2019
[25] Jonathan Strickland, ‘What’s the technological singularity?’ HowStuffWorks <https://bit.ly/38bYTW7> truy cập ngày 07/09/2019
[26] Điểm kỳ dị công nghệ tiếng anh là technological singularity, là thời điểm mà trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua trí thông minh của con người, dẫn đến một “vụ nổ trí thông minh”, cuối cùng có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của con người.
[27] Xem chú thích 25
[28] Paragraph P, Introduction of European Parliament resolution of 16 February 2017 with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics, <https://bit.ly/369nARA> truy cập ngày 22/11/2019
[29] Xem chú thích 23
[30] John R Searle, Minds, brains and programs 417
[31] Dehaene S và các tác giả khác, What is consciousness, and could machines have it? 01
[32] Paragraph G, Introduction of European Parliament resolution of 16 February 2017 with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics, chú thích 28
[33] Bách khoa toàn thư Stanford định nghĩa về đạo đức là ‘các quy tắc ứng xử nhất định được đưa ra bởi một xã hội hoặc một nhóm (chẳng hạn như tôn giáo), hoặc được chấp nhận bởi một cá nhân cho hành vi của chính mình’, Stanford Encyclopedia of Philosophy <https://stanford.io/2YukJA5> truy cập ngày 01/11/2019
[34] Xem thêm về các trường hợp lập luận phân tích về sự tương đối của “đúng” và “sai” trong Michael Sandel, What’ the right thing to do, bản dịch tiếng Việt: Phải Trái Đúng Sai
[35] Xem thêm: Paul Bloom, ‘How do morals change?’ Research Gate <https://bit.ly/2RnVQV9> truy cập ngày 23/11/2019
[36] Frederick J. White, ‘Personhood: An Essential Characteristic of the Human Species’ US National Library of Medicine National Institutes of Health <https://bit.ly/2LnVvOs> truy cập ngày: 01/11/2019
[37] Nội dung Turing test: Một người chơi thực hiện một cuộc thảo luận bằng ngôn ngữ tự nhiên với một con người và một máy tính, cả hai đều cố gắng chứng tỏ mình là con người. Ba bên tham gia được cách ly với nhau. Nếu người chơi không thể nhận ra máy tính không phải là con người, máy tính đó vượt qua bài kiểm tra. Vì bài kiểm tra có mục đích là thử khả năng trí tuệ của máy tính mà không phải là khả năng nghe âm thanh, cuộc thảo luận hạn chế trong một kênh văn bản như một bàn phím và màn hình.
[38] Nhà khoa học máy tính người Anh, đồng thời cũng là nhà mật mã học, toán học và sinh học lý thuyết nổi tiếng.
[39] Senate Bill 1001 quy định về việc cấm việc sử dụng robot để giao tiếp, tương tác với con người trực tuyến, khiến cho đối tượng không phân biệt được bản thân đang tương tác với robot, nhằm mục đích truyền thông, thương mại hoặc để tác động đến một cuộc bầu cử nào đó, Xem thêm: Senate Bill No. 1001, Chapter 892 <https://bit.ly/2LqznD8> truy cập ngày 09/09/2019
[40] Tim Sprinkle, ‘Do Robots Deserve Legal Rights?’ASME <https://bit.ly/2YhRssb> truy cập ngày 31/10/2019
[41] Xem chú thích 40
[42] Ty Joplin, ‘Saudi’s Techwashing Part 1: Why did Saudi Arabia Give A Robot Citizenship?’ Albawaba NEWS <https://bit.ly/2OUoE5G> truy cập ngày 31/10/2019
[43] Xem 1.3. Mối quan hệ giữa Quyền công dân và Quyền con người
[44] Xem 1.1. Định nghĩa công dân
[45] Tương tự các ví dụ trong phần 1.1 Định nghĩa công dân, Hệ thống Quyền công dân tại Ả Rập cũng sử dụng các từ ngữ chỉ người trong các điều luật, gián tiếp thừa nhân đối tượng hưởng quyền là con người. Ví dụ: Resolution (4) January 25, 1374 Provisions on Saudi Nationality, Art 4.(A) said: “The Saudi nationals are: Any person who was an Othoman national on 1332 H.”
[46] Resolution (4) January 25, 1374 Provisions on Saudi Nationality, Art 8
[47] Constitution of Saudi Arabia, Art 9
[48] Theo đó, người dân Ả-rập Xê-út cần phải mặc quần áo rộng và che phủ toàn thân. Tại những nơi công cộng, nữ giới được yêu cầu mặc trang phục màu đen bao phủ mọi phần trên cơ thể bên dưới cổ ngoại trừ bàn chân và bàn tay. Bên cạnh đó, nữ giới cũng cần che đầu để thể hiện sự tôn kính tôn giáo của mình.
[49] Xem thêm về những lý do tác động làm thay đổi luật <https://bit.ly/2DMwFmT> truy cập ngày 27/10/2019
[50] ‘Saudi Arabia allows women to travel without male guardian’s approval’ The Guardian <https://bit.ly/38aN82v> truy cập ngày 29/10/2019
[51] Xem chú thích 28
[52] Xem thêm: ‘Europe divided over robot “personhood”’ POLITICO <https://politi.co/367a3tG>, truy cập ngày 01/11/2019
[53] Paragraph R, Introduction of European Parliament resolution of 16 February 2017 with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics, chú thích 28
Xem thêm tổng hợp thông tin về những cân nhắc và hành động pháp lý của các quốc gia trên thế giới đối với robotics và AI: ‘Regulation of Artificial Intelligence in Selected Jurisdictions’ LIBRARY OF CONGRESS <https://bit.ly/2PhRhc1> truy cập ngày 01/11/2019
[54] ‘Thị trường robot tại Việt Nam bắt đầu “nóng”’Báo diễn đàn doanh nghiệp < https://bit.ly/2PhmcFC> truy cập ngày 27/01/2019
[55] ‘Phát triển robot và ứng dụng trí tuệ nhân tạo: nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc’ Bộ khoa học và công nghệ <https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/15982/phat-trien-robot-va-ung-dung-tri-tue-nhan-tao–nhin-tu-kinh-nghiem-cua-han-quoc.aspx> truy cập ngày 27/11/2019
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Danh mục văn bản pháp luật:
1. European Parliament resolution of 16 February 2017 with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics.
2. Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1948.
3. Constitution of Malaysia 1957
4. Constitution of Mexico
5. Constitution of the Republic of Singapore.
6. Constitution of Saudi Arabia
7. Hiến pháp 2013
8. Law on Albanian Citizenship
9. Law on the Citizenship of the Republic of Indonesia
10. New Zealand citizenship, Citizenship Act 1977
11. Resolution (4) January 25, 1374 Provisions on Saudi Nationality
12. Senate Bill No. 1001
Danh mục sách tham khảo:
1. Bauböck R và các tác giả khác, Migration and Citizenship. Legal Status, Rights and Political Participation
2. Black’s Law Dictionary, (Special Deluxe Fifth Edition,1984)
3. Marshall T H, Citizenship and Social class (1950)
4. Garner B A, Black’s Law Dictionary, Thompson West
5. Searle J R, Minds, brains and programs
6. Dehaene S và các tác giả khác, What is consciousness, and could machines have it?
7. Tư tưởng Việt Nam về Quyền con người, (Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2016)
Danh mục nguồn điện tử:
1. Sherman A J, Shaw S, Now is the time to figure out the ethical rights of robots in the workplace, CNBB: <https://cnb.cx/2PbU9Hy>
2. The Law Dictionary, Featuring Black’s Law Dictionary Free Online Legal Dictionary 2nd Ed: <https://thelawdictionary.org/letter/c/>
3. Từ điển Lexico, cấp nguồn bởi (powered by) Oxford: <https://bit.ly/2PehFUg>
4. Collman A, ‘More than 30 other countries recognize birthright citizenship — here’s the full list’, BUSINESS INSIDER: <https://bit.ly/2RmQtp2>
5. Ngân hàng pháp luật: <https://bit.ly/2LqTd13>
6. ‘Citizenship’, UNESCO: < https://bit.ly/2DLfzWN>
7. ‘What is the Difference Between a Human Right and a Civil Right?’, LEGAL Resource: <https://bit.ly/38bXcbe>
8. ‘Controversies Between a State and Citizens of Another State’, JUTIA US Law: <https://bit.ly/2YlGGB8>
9. Sprinkle T, ‘Do Robots Deserve Legal Rights?’, ASME: <https://bit.ly/38cGNmX>
10. ‘For the First Time Ever, a Robot Was Granted Citizenship’ Futurism: <https://bit.ly/2sMgJPn>
11. Strickland J, ‘What’s the technological singularity?’, HowStuffWorks: <https://bit.ly/2RiYcoa>
12. ‘5 reasons why robots should have rights’ GOOD AUDIENCE: <https://bit.ly/2DQNlde>
13. Stanford Encyclopedia of Philosophy: <https://stanford.io/2LrygCV>
14. Bloom P, ‘How do morals change?’ Research Gate: <https://bit.ly/33OkIbb>
15. White F J, ‘Personhood: An Essential Characteristic of the Human Species’ US National Library of Medicine National Institutes of Health: <https://bit.ly/2OTuTHh>
16. Sprinkle T, ‘Do Robots Deserve Legal Rights?’, ASME: < https://bit.ly/2Lq2Pch>
17. Joplin T, ‘Saudi’s Techwashing Part 1: Why did Saudi Arabia Give A Robot Citizenship?’Albawaba NEWS: <https://bit.ly/363GnNW>
18. ‘Regulation of Artificial Intelligence in Selected Jurisdictions’ LIBRARY OF CONGRESS: <https://bit.ly/2rjKern>
19. ‘Thị trường robot tại Việt Nam bắt đầu “nóng”’ Báo diễn đàn doanh nghiệp: <https://bit.ly/363Fg0L>
20. ‘Ứng dụng công nghệ rô-bốt trong cách mạng công nghiệp 4.0’ Báo Nhân dân điện tử: <https://bit.ly/2YlBIED>
21. ‘Phát triển robot và ứng dụng trí tuệ nhân tạo: nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc’ Bộ khoa học và công nghệ: <https://bit.ly/33T2XXW>