[CS07 – 12/2019] – NHỮNG BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA TRẺ EM TRÊN MẠNG XàHỘI

Văn Thị Thảo Vy,
Sinh viên K18502, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM

Công nghệ số ngày càng phát triển, vấn đề về quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội cũng đang trở nên phức tạp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ ra những thực trạng cũng như những thiếu sót trong quy định của pháp luật Việt Nam và những kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội.
Từ khóa: trẻ em, quyền riêng tư, mạng xã hội

As digital technology is growing, the issue of children’s privacy on social networks is also becoming more complex. Within the scope of this article, the author points out the realities as well as shortcomings in the provisions of Vietnamese law and recommendations to complete the legal framework to protect children’s privacy on social networks.
Keywords: children, right to privacy, social networks

1. Khái niệm
1.1. Trẻ em
Công ước Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em (sau đây gọi là UNCRC) định nghĩa trẻ em là “người dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”[1]. Công ước này được 192 nước trong 194 nước thành viên phê duyệt, trong đó có Việt Nam. Cũng về vấn đề này, pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi[2].
Sự khác biệt trong quy định về độ tuổi của trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 và UNCRC đang gây ra những khó khăn cho Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền trẻ em. Mặc dù là quốc gia đầu tiên của Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em nhưng đến nay, Việt Nam lại là nước còn lại duy nhất trong khối ASEAN, nước thứ tư ở Châu Á và thứ mười một trên thế giới chưa nâng độ tuổi trẻ em lên 18[3]. Hơn nữa, việc quy định độ tuổi trẻ em từ 16 lên từ dưới 18 tuổi là phù hợp dưới góc độ khoa học, vì 18 là ranh giới hợp lý giữa trẻ em và người trưởng thành cả về thể chất và nhận thức của não bộ[4].
Vì vậy, việc xem xét nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế và đem lại những lợi ích tốt nhất cho trẻ em, trong đó phải kể đến việc thực thi quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội.
1.2. Quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội
Pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa cụ thể về quyền riêng tư của trẻ em, thay vào đó chỉ có khái niệm liên quan nhất là thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em do Chính phủ ban hành ngày 09/05/2017 định nghĩa “thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”[5].
Trong khuôn khổ quốc tế, năm 2004, báo cáo “Quyền riêng tư và nhân quyền” của Trung tâm bảo mật thông tin điện tử với nội dung công bố về sự phát triển của pháp luật về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia từ năm 1997 ghi nhận quyền riêng tư có các nội dung cơ bản sau:
(i) Sự riêng tư về thông tin cá nhân: các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó.
(ii) Sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
(iii) Sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
(iv) Sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng.[6]
Có thể nhận thấy khái niệm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trong quy định của pháp luật Việt Nam và quyền riêng tư trong khuôn khổ quốc tế về cơ bản có một vài điểm tương đồng. Sau khi xem xét các khái niệm, trong phạm vi bài viết này, tác giả ghi nhận quyền riêng tư của trẻ em là quyền bất khả xâm phạm đối với những yếu tố thuộc sự riêng tư về thông tin cá nhân, thông tin liên lạc, về nơi cư trú và về thân thể của trẻ.
Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về việc quản lý, cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng, mạng xã hội (social network) được hiểu là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.[7]
Như vậy, có thể hiểu quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội là quyền của trẻ em được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nơi ở, về thông tin cá nhân, thông tin liên lạc trên mạng xã hội mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận, công khai trừ một số trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
2. Thực trạng vấn đề xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội hiện nay

Đa số trẻ em chưa ý thức được về các quyền của bản thân và cũng thiếu khả năng tự bảo vệ mình. Đây là đối tượng dễ bị xâm phạm về quyền riêng tư dưới nhiều hình thức khác nhau, bởi nhiều đối tượng khác nhau. Theo tác giả, có ba thực trạng phổ biến nhất liên quan đến việc xâm hại quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội.
2.1. Trào lưu Sharenting (hoặc oversharenting)
“Sharenting” (tạm dịch “cha mẹ chia sẻ”) – cụm từ kết hợp giữa “share” (chia sẻ) và “parenting” (nuôi dạy con cái) – được Wall Street Journal sử dụng để gọi tên một hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội. Đây là hiện tượng các bậc phụ huynh lạm dụng mạng xã hội để đăng và chia sẻ trực tuyến những thông tin, hình ảnh và video về con cái của họ, ví dụ như hình ảnh trẻ đang ngủ, những lời khuyên về ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ, kỷ luật đối với trẻ, trẻ ở nhà trẻ/trường mẫu giáo và các vấn đề khác về hành vi của trẻ.[8] Một ví dụ điển hình cho trào lưu Sharenting trên thế giới là kênh Youtube nổi tiếng DaddyOFive được tạo bởi một cặp vợ chồng tên Michael và Heather Martin.[9] Ở Việt Nam, hiện tượng cha mẹ chia sẻ hình ảnh, thông tin về con cái lên trang mạng xã hội của mình cũng rất phổ biến. Câu chuyện về vlogger có tên Quỳnh Trần JP nổi tiếng trên YouTube nhờ những video thưởng thức đồ ăn cùng con trai tên Sa là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, trong vlog review lẩu gà đăng ngày 10/11/2019, vlogger Quỳnh Trần JP bất ngờ thông báo con mình – bé Sa sẽ tạm thời không xuất hiện trong vlog của cô từ tháng 4/2020 với lý do rằng cô không hài lòng khi hình ảnh của con trai mình bị cộng đồng mạng mang ra chế ảnh và sử dụng với mục đích không hay trên mạng.[10]
Không thể phủ nhận mạng xã hội là phương tiện hữu ích để kết nối, chia sẻ, nhận được lời khuyên và bớt cảm giác cô đơn trong việc nuôi dạy con. Thế nhưng cha mẹ dường như không quan tâm đến việc chia sẻ thế nào để không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái. Vì thế mà hiện tượng Sharenting vô tình trở thành một hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em được thực hiện bởi chính cha mẹ, người thân của trẻ. Ngoài ra, trào lưu Sharenting còn trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện tình trạng Bắt cóc kỹ thuật số (Digital Kidnapping) – một khái niệm khá phổ biến với các bố mẹ phương Tây, khi ai đó hoàn toàn có thể lấy toàn bộ dữ liệu và hình ảnh của con bạn để biến thành con của họ trên mạng.[11]
2.2. Sự bùng nổ các chương trình trực tuyến có đối tượng chính là trẻ em
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các chương trình, gameshow truyền hình thực tế không chỉ được phát sóng trên màn ảnh nhỏ mà còn được đăng tải trên Youtube, Facebook, Instagram,… và đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các nhà sản xuất. Hiện nay, ở nước ta có khoảng 15 chương trình truyền hình giải trí có khai thác đối tượng là trẻ em. Bắt đầu từ năm 2007, cuộc thi “Đồ Rê Mí” nhằm tìm kiếm tài năng nhỏ tuổi ra đời, thu hút lượng người xem “khủng” đã mở màn cho thời kỳ bùng nổ gameshow nhí. Rất nhiều cuộc thi dành cho người lớn đều có phiên bản nhí, như “Gương mặt thân quen nhí”; “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”; “Người hùng tí hon”; “Con biết tuốt”, “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Cha con hợp sức”; “Vũ điệu tuổi xanh”, “Vua đầu bếp nhí”… và qua đó, quyền riêng tư của trẻ em cũng bị xâm phạm nghiêm trọng khi các chương trình cung cấp cho người xem quá chi tiết các thông tin về trẻ.
2.3. Báo trực tuyến
Qua việc đăng tải thông tin vi phạm các quyền riêng tư của trẻ mà báo trực tuyến cũng được xếp vào nhóm có khả năng gây nhiều tổn thương cho trẻ. Một khảo sát gần đây của Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội thực hiện trên năm tờ báo điện tử trực tuyến (thuộc top 50 trang web có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam) cho kết quả khiến nhiều người lo ngại: trong vòng một năm, có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em, trong số này có tới 62% số bài báo mô tả một cách chi tiết cùng với bình luận về trẻ em một cách không phù hợp, thậm chí còn gây tổn thương cho các em; 39% số bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, vùng bị tổn thương cùng với gia đình hoặc nhà cửa, trường học.[12] Nhiều tờ báo trực tuyến đưa quá chi tiết thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ của trẻ, khai thác những góc khuất trong đời sống riêng tư của các em. Có thể nói đây là hành vi xâm phạm quyền riêng tư đang diễn ra ngày một phức tạp nhưng lại chưa được xã hội thực sự quan tâm.
3. Pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng
Đa số các ngành luật đều coi trẻ em là một chủ thể đặc biệt và dành cho trẻ em những quy định riêng. Điều này xuất phát trước tiên từ những đặc điểm riêng về độ tuổi cũng như sự phát triển chưa đầy đủ về tâm sinh lý.[13] Quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội được quy định trực tiếp trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau: Hiến pháp 2013, BLDS 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018 và một số nghị định có liên quan.
Có thể nhận thấy Hiến pháp 2013 đã mở rộng chủ thể được bảo vệ quyền riêng tư từ công dân sang tất cả mọi người không phân biệt quốc tịch.[14] Theo đó, Điều 21 Hiến pháp 2013 có quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
“Mọi người” trong quy định Hiến pháp 2013 là phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Trẻ em 2016 về định nghĩa “trẻ em là người dưới 16 tuổi” thay vì “trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004.
Trước những đòi hỏi bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trên môi trường mạng, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”.[15] Theo đó, để đảm bảo an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng, các Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện những biện pháp nhất định theo quy định pháp luật.
Luật An ninh mạng 2018 cũng đặc biệt lưu ý bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng. Điều 29(1) quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng”.[16] Điều này thể hiện sự quan tâm, chú trọng đến việc bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có quyền riêng tư trên không gian mạng. Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Đồng thời, luật quy định cụ thể trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng; cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động không gian mạng; cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan; lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng.
4. Những bất cập trong pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng
4.1. Thiếu sót trong định nghĩa về quyền riêng tư của trẻ em
Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Điều 33 của nghị định có định nghĩa thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân “là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”.[17] Theo tác giả, định nghĩa được quy định ở Điều 33 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP chưa bao hàm đầy đủ tất cả các phạm vi, đối tượng có liên quan đến “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân riêng tư của trẻ em”.
Thứ nhất, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chỉ “thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án” mới được coi là thông tin riêng tư, bí mật và cần được bảo vệ. Như thế đồng nghĩa với việc những thông tin khác về tình trạng sức khỏe và đời tư không xuất hiện trong hồ sơ bệnh án của trẻ sẽ được thoải mái công khai trên mạng xã hội và không có cơ chế để bảo vệ.
Thứ hai, định nghĩa về quyền riêng tư của trẻ em đã bỏ sót các đặc điểm sinh học, đặc biệt là yếu tố âm thanh (giọng nói của trẻ). Luật của Cộng hòa Pháp quy định quyền riêng tư là quyền được bảo mật bất kỳ thông tin nào liên quan đến một cá nhân có thể xác định một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngoài dữ liệu cho phép nhận dạng trực tiếp một người (tên, hình ảnh, giới tính) hoặc gián tiếp (ngày và nơi sinh, địa chỉ, địa chỉ email, số an sinh xã hội, v.v.), thuật ngữ này cũng bao gồm dữ liệu y tế, di truyền và tất cả các đặc điểm sinh học của một cá nhân (bản in kỹ thuật số, giọng nói, mống mắt, võng mạc, v.v.).[18] Trong khi đó, pháp luật Việt Nam lại chưa có một quy định cụ thể về việc xem xét các đặc điểm sinh học, di truyền là một yếu tố của quyền riêng tư và tất nhiên cũng cần được bảo vệ.
4.2. Khó khăn trong việc áp dụng quy định về quyền riêng tư trên mạng xã hội đối với trẻ em trên và dưới 7 tuổi
Điều 6(1) Luật Trẻ em 2016 quy định một trong những hành vi bị luật nghiêm cấm là “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Theo đó, khi trẻ em dưới 7 tuổi bố mẹ có thể tự quyết định việc công bố, tiết lộ thông tin, hình ảnh cá nhân của trẻ trên mạng, và khi con trên 7 tuổi thì cần thêm có sự cho phép của trẻ.
Thứ nhất, khi trẻ em dưới 7 tuổi, bố mẹ có thể tự quyết định việc công bố, đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của con lên mạng xã hội. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng có khả năng kiểm soát đâu là những hình ảnh, thông tin có thể xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái mình. Nhất là trong trường hợp như đã phân tích trên đây, những yếu tố thuộc về đặc điểm sinh học, di truyền chưa được pháp luật Việt Nam xem xét là một bộ phận của quyền riêng tư. Ngoài ra, với việc kiểm tra, rà soát thiếu chặt chẽ, việc các bố mẹ đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của con cái dưới 7 tuổi ở mức độ xâm phạm quyền riêng tư của trẻ là hoàn toàn có khả năng.
Thứ hai, BLDS 2015 cũng như Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cha mẹ là người đại diện của con chưa thành niên. Chính vì thế, quy định rằng việc đăng tải thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ dưới 7 tuổi do cha mẹ quyết định là không cần thiết. Khi cha mẹ là đại diện pháp luật cho con, cha mẹ đương nhiên có quyền quyết định việc công bố, tiết lộ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư của con có nằm trong lợi ích của con hay có nguy hiểm cho con hay không.
Thứ ba, việc quy định cha mẹ, người thân, người giám hộ phải có được sự đồng ý của trẻ trên 7 tuổi trước khi đăng tải thông tin về đời sống riêng tư của mình lên mạng còn nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến việc áp dụng. Bởi lẽ, không phải hầu hết mọi đứa trẻ từ 7 tuổi trở lên đều nhận thức được những thông tin liên quan đến quyền riêng tư của mình để biết rằng có nên cho phép hay không, và càng khó khăn khi cần bằng chứng chứng minh về sự cho phép hay không đối với một đứa trẻ. Trường hợp hai đứa trẻ nhà Michael và Heather Martin đồng ý với bố mẹ của chúng về việc dàn dựng những video về việc nuôi dạy con cái nêu trên là một ví dụ. Mặc dù trường hợp này không phải ở Việt Nam, nhưng có thể cho chúng ta thấy rằng việc thực thi quy định những nội dung đăng tải có liên quan đến quyền riêng tư đối với trẻ em từ 7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của trẻ là không thật sự dễ dàng.
4.3. Chưa có quy định về quyền được gỡ bỏ
Ngay cả khi trẻ cho phép công khai tại thời điểm công bố, nhưng một thời điểm nào đó trẻ lại không còn muốn hình ảnh hay thông tin bất kì của mình còn tồn tại trên mạng nữa, thì pháp luật Việt Nam lại chưa có giải pháp. Không cần xét đến những thông tin được đăng tải là tốt hay xấu, chỉ cần không phải là mong muốn của trẻ, thì cần phải được gỡ bỏ, bởi xét đến cùng đó là quyền cơ bản của con người. Tương tự, luật của bang California mang tên Online Eraser Law có hiệu lực từ năm 2015 cũng cho phép trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) gỡ bỏ nội dung hoặc thông tin mà họ tự đăng là người dùng đã đăng ký trên trang web, dịch vụ trực tuyến, ứng dụng trực tuyến hoặc ứng dụng di động (gọi chung là dịch vụ trực tuyến).[19] Với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, giả sử trẻ cho phép bố mẹ đăng tải thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội lúc 8 tuổi, liệu đến thời điểm 10 tuổi, thậm chí trên 18 tuổi (đã thành niên) thì có quyền yêu cầu những thông tin đó được gỡ bỏ hay không? Ban hành quy định về việc xóa bỏ các nội dung liên quan đến đời sống riêng tư được đưa lên mạng trước đó, ngay cả trong trường hợp nội dung đó được đưa lên với sự đồng ý của các em trong quá khứ là điều mà các nhà làm luật Việt Nam cần xem xét.
4.4. Khó khăn trong áp dụng quy định xử phạt
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội. Nghị định 144/2013/NĐ-CP hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em không có quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Riêng Điều 34, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em 2018 của Bộ LĐ – TB & XH quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong số các hành vi sau: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.[20]
Trong khi đó, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP) quy định hành vi vi phạm về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.[21] Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Như vậy, hiện chưa có một văn bản nào được thông qua trong đó quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội cũng như mức xử phạt cho từng đối tượng (cha mẹ, người giám hộ, cá nhân, tổ chức khác). Theo tác giả, chưa có một biện pháp xử phạt cụ thể là rào cản trong việc thực thi quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội hiện nay.
5. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội
Qua một số phân tích trên, tác giả đề xuất một vài kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam phù hợp với các Công ước quốc tế và pháp luật các quốc gia khác cũng như để thực hiện có hiệu quả về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.
5.1. Sửa đổi khái niệm về quyền riêng tư
Tác giả kiến nghị sửa đổi khái niệm về quyền riêng tư, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP là bao gồm toàn bộ những thông tin, dữ liệu cá nhân của trẻ và không ai có quyền xâm hại nếu không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, để hạn chế xảy ra tình trạng giọng nói, đặc điểm sinh học hay tình trạng sức khỏe không được ghi trong hồ sơ bệnh án của trẻ lại không được pháp luật bảo vệ, trong khi đó là những yếu tố hiển nhiên thuộc về quyền riêng tư của trẻ em.
5.2. Quy định về việc gỡ bỏ
Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ dừng lại ở việc cấm đăng tải những thông tin xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em mà chưa xem xét đến quyền được gỡ bỏ. Theo đó, tác giả đề xuất nên có quy định về nghĩa vụ gỡ bỏ của người đăng tải (bao gồm cả cha mẹ, người giám hộ) trong Luật Trẻ em và những văn bản hướng dẫn thi hành cho phép trẻ được xóa, được gỡ bỏ những thông tin cá nhân của mình trong quá khứ. Theo đó, việc không chấp hành gỡ bỏ những thông tin đã đăng tải cũng sẽ bị xử phạt tương tự như các hành vi xâm phạm khác đối với quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội.
5.3. Quy định về việc xử phạt hành chính
Luật Trẻ em năm 2016 chỉ mới quy định cấm các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà chưa quy định về xử lý đối với các hành vi vi phạm. Vì vậy, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này.
Tác giả đề xuất Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em 2018 của Bộ LĐ – TB & XH cần được thông qua với những quy định cụ thể, chi tiết hơn về mức độ vi phạm và mức độ xử phạt của từng hành vi. Theo đó, người có hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, việc cân nhắc, xem xét sửa đổi quy định về mức độ xử phạt ở các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội là cần thiết để đảm bảo tính thống nhất và dễ dàng hơn trong việc áp dụng.
6. Tổng kết
Trên đây là những hạn chế mà tác giả đã chỉ ra và những đóng góp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội. Tại thời điểm công nghệ số đang ngày càng phát triển thì các quyền của trẻ em đang ngày càng bị xâm phạm, do đó việc xem xét, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội là thật sự cần thiết.

[1] Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em Điều 1

[2] Luật Trẻ em 2016 Điều 1

[3] Hà Phong, ‘Nâng độ tuổi trẻ em – cần căn nhắc kĩ’ duthaoonlinequochoi.vn <http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1510&gt; truy cập ngày 07/11/2019

[4] Jay N. Giedd, Jonathan Blumenthal et al, Neal O. Jeffries, ‘Brain Development during Childhood and Adolescence: A Longitudinal MRI Study’<https://www.researchgate.net/publication/12807832_Brain_Development_during_Childhood_and_Adolescence_A_Longitudinal_MRI_Study/link/0046351b08eef02d5a000000/download&gt; truy cập ngày 27/10/2019

[5] Nghị định 56/2017/NĐ-CP Điều 33

[6] Privacy and human rights, ‘An International Survey of Privacy Laws and Practice’ Global Internet Liberty Campaign <http://gilc.org/privacy/survey/intro.html&gt; truy cập ngày 27/10/2019

[7] Nghị định 72/2013/NĐ-CP Điều 3(22)

[8] Stacey Steinberg, ‘Sharenting: Children’s Privacy in the Age of Social Media’ (2017) 16 University of Florida Levin College of Law Research Paper 841, 847

[9] Michael và Heather Martin chuyên đăng tải các video liên quan đến năm đứa con của họ mà chủ yếu tập trung vào việc nuôi dạy con cái. Vào thời kỳ đỉnh cao 2017, khi DaddyOFive mà Michael bắt đầu vào năm 2015, có khoảng 750.000 người đăng ký, và việc tát hoặc la mắng con cái trong những video được đăng tải bắt đầu bị lên án và cho là tàn nhẫn. Mặc dù Martin tuyên bố rằng các video chỉ là được dàn dựng và những đứa con của họ đồng ý với điều đó. Cuối cùng chính quyền đã can thiệp và một nhà tâm lý học phát hiện ra rằng hai trong số những đứa trẻ lúc đó mới chín tuổi, mười một tuổi đã bắt đầu có những dấu hiệu sự suy yếu trong nhận thức và những biểu hiện không khả quan về tâm lý.

[10] Lê Vy, ‘Bé Sa tạm dừng xuất hiện ở vlog và hậu quả khi trẻ nổi tiếng quá sớm’ zing.vn (TP HCM 14/11/2019) <https://news.zing.vn/be-sa-tam-dung-xuat-hien-o-vlog-va-hau-qua-khi-tre-noi-tieng-qua-som-post1012643.html&gt; truy cập ngày 4/12/2019

[11] Steven Bearak, ‘Digital Kidnapping: What It Is and How to Keep Your Kids Safe on Social Media’ (ParentMap 16/11/2017)<https://www.parentmap.com/article/kidnappers-kids-photos-digital-kidnapping-social-media&gt; truy cập ngày 4/12/2019

[12] Khánh Minh, ‘Tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em’, Nhân dân (13/07/2017) <https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/33457902-ton-trong-quyen-rieng-tu-cua-tre-em.html&gt; truy cập ngày 25/10/2019

[13] Đinh Hạnh Nga, ‘Bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam hiện hành’ (2004) 01 Tạp chí khoa học ĐHQGHN 65, 73

[14] Điều 73 Hiến pháp 2013 quy định:
Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.

[15] Luật Trẻ em 2016 Điều 42(2)

[16] Luật An ninh mạng 2018 Điều 29

[17] Nghị định 56/2017/NĐ-CP Điều 33

[18] Nicole Atwill, ‘Online Privacy Law: France’ Library of congress (06/2012) <https://www.loc.gov/law/help/online-privacy-law/2012/france.php&gt; truy cập ngày 27/10/2019

[19] Kathleen Miles, ‘Get Online ‘Eraser Button’ With New California Law’ (Huffpost, 24/09/2013) <https://www.huffpost.com/entry/teens-online-eraser-button-california_n_3976808&gt; truy cập ngày 30/10/2019

[20] Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em Điều 34

[21] Nghị định số 174/2013/NĐ-CP Điều 64(2)(b)

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Danh mục văn bản pháp luật
1. Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em
2. Hiến pháp 2013
3. Bộ luật Dân sự 2015
4. Luật An ninh mạng 2018
5. Luật Trẻ em 2016
6. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
7. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện
8. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em
9. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Danh mục nguồn điện tử
1. Đinh Hạnh Nga, ‘Bảo vệ quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam hiện hành’ (2004) 01 Tạp chí khoa học ĐHQGHN 65, 73
2. Hà Phong, ‘Nâng độ tuổi trẻ em – cần căn nhắc kĩ’ duthaoonlinequochoi.vn <http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1510&gt;
3. Khánh Minh, ‘Tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em’, Nhân dân (13/07/2017) <https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/33457902-ton-trong-quyen-rieng-tu-cua-tre-em.html&gt;
4. Lê Vy, ‘Bé Sa tạm dừng xuất hiện ở vlog và hậu quả khi trẻ nổi tiếng quá sớm’ zing.vn (TP HCM 14/11/2019) <https://news.zing.vn/be-sa-tam-dung-xuat-hien-o-vlog-va-hau-qua-khi-tre-noi-tieng-qua-som-post1012643.html&gt;
5. Giedd J. N, Blumenthal et al J, Jeffries O. N, ‘Brain Development during Childhood and Adolescence: A Longitudinal MRI Study’, <http://bit.ly/353wgst&gt;
6. Miles K, ‘Get Online ‘Eraser Button’ With New California Law’ (Huffpost, 24/09/2013)<https://www.huffpost.com/entry/teens-online-eraser-button-california_n_3976808&gt;
7. Atwill N, ‘Online Privacy Law: France’ Library of congress (06/2012) <https://www.loc.gov/law/help/online-privacy-law/2012/france.php&gt;
8. Privacy and human rights, ‘An International Survey of Privacy Laws and Practice’ Global Internet Liberty Campaign <http://gilc.org/privacy/survey/intro.html&gt;
9. Steinberg S, ‘Sharenting: Children’s Privacy in the Age of Social Media’ (2017) 16 University of Florida Levin College of Law Research Paper 841, 847
10. Bearak S, ‘Digital Kidnapping: What It Is and How to Keep Your Kids Safe on Social Media’ (ParentMap 16/11/2017) <https://www.parentmap.com/article/kidnappers-kids-photos-digital-kidnapping-social-media&gt;

Advertisement