Nguyễn Thùy Vân,
Sinh viên K18501, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, lao động giúp việc gia đình là một nghề đã được công nhận và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội, nhưng tại một số nước, nghề này không được đề cập trong pháp luật lao động quốc gia hoặc có nhưng còn rất lỏng lẻo. Nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc quản lý và đảm bảo quyền lợi của lực lượng lao động này, ngày 09 tháng 10 năm 2017, ở hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 10 cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO- International Labour Organization) tại Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tuyên bố sẽ xem xét phê chuẩn Công ước về Lao động giúp việc gia đình của ILO (Công ước C189) vào năm 2020. Bài viết này sẽ phân tích lợi ích và rủi ro khi Việt Nam phê duyệt Công ước về lao động giúp việc gia đình thông qua việc phân tích công ước này và Bộ luật Lao động Việt Nam 2012.
Từ khóa: Giúp việc gia đình, lao động giúp việc gia đình, Công ước C189, Công ước về lao động giúp việc gia đình
In many countries all around the world, domestic work is a recognized career and makes a significant contribution to socio-economic development, but in some countries it is not mentioned in national labor laws or is mentioned but still loose. Realizing the urgent demand for management and assurance rights of this workforce, on October 9th, 2017, at the national workshop to prepare for the 10th ASEAN Migrant Work Forum together with the World Labor Organization (ILO) in Vietnam, the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs announced that it would consider approving the ILO’s Domestic Worker Convention (189 Convention) in 2020. This essay will be written about benefits and risks if Vietnam ratified Domestic Worker Convention by analyzing this convention and Vietnam Labour Code 2012.
Keywords: Domestic work, domestic worker, Convention C189, Domestic Workers Convention
1. Khái niệm
1.1. Công ước về lao động giúp việc gia đình – Công ước C189: (Domestic Worker Convention – C189 Convention)
Công ước về lao động giúp việc gia đình là một công ước thiết lập các tiêu chuẩn cho đối tượng là lao động giúp việc gia đình. Công ước được thông qua trong phiên họp thứ 100 của Tổ chức Lao động Quốc tế và ra đời vào năm 2011, có hiệu lực vào ngày 05 tháng 09 năm 2013. Đã có 29 quốc gia trên thế giới tham gia vào Công ước này bao gồm: Brazil, Đức, Ý, Philippines, Bỉ, Chile, Cộng hòa Dominican, Phần Lan, Panama, Bồ Đào Nha…[1]
Sự ra đời của Công ước về giúp việc gia đình đã bước đầu đặt được cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của lao động giúp việc gia đình, đối tượng vốn chưa được pháp luật các nước bảo vệ hoặc có nhắc đến nhưng còn lỏng lẻo vào thời điểm 2011. Ra đời tại Anh năm 1823, Luật về Gia chủ và Người giúp việc (United Kingdom’s Master and Servant Act) mới là bộ luật đầu tiên về lao động giúp việc. Tuy nhiên, chỉ đến Công ước C189, quyền lợi của người giúp việc mới được bảo vệ chặt chẽ hơn thay vì quyền lợi của người chủ như trước đó. Nói cách khác, Công ước này như một trong những tiếng nói đầu tiên về vấn đề bảo vệ quyền lợi người giúp việc một cách cụ thể nhất. Nội dung chính của Công ước khẳng định lao động giúp việc gia đình phải được hưởng những quyền cơ bản của người lao động như các lao động khác. Cụ thể, Công ước đặt ra yêu cầu về những quyền lợi chính đáng của lao động giúp việc gia đình bao gồm: thời gian làm việc hợp lý, thời gian nghỉ ngơi, hạn chế trả lương bằng hiện vật, thông tin rõ ràng về điều khoản, điều kiện làm việc, tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản ở nơi làm việc, bao gồm quyền tự do thành lập và tham gia các hiệp hội và quyền thương lượng tập thể…[2]
1.2. Lao động giúp việc gia đình (Domestic worker)
Công ước về lao động giúp việc gia đình của ILO quy định: Giúp việc gia đình là một công việc được diễn ra trong một hay nhiều hộ gia đình. Do đó, lao động giúp việc gia đình là bất cứ ai được thuê mướn làm các công việc trong gia đình.[3] Bộ luật Lao động 2012 quy định “Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.”[4] Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 cũng không có sự thay đổi nào về định nghĩa cũng như quy định về loại hình lao động này. Giúp việc gia đình được pháp luật chia thành hai dạng là người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động và người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động.[5] Ngoài ra, ta còn có thể phân loại giúp việc gia đình thành nhiều dạng khác nhau như giúp việc toàn thời gian, giúp việc bán thời gian, giúp việc theo giờ, theo ca … Tóm lại, có thể hiểu giúp việc gia đình là hình thức lao động các công việc trong gia đình.
2. Lợi ích Việt Nam có thể đạt được khi phê duyệt công ước ILO C189
Trước thực trạng số lượng lao động giúp việc gia đình ngày càng tăng, song người lao động vẫn còn phải đối mặt với nhiều bất công và không được đảm bảo đầy đủ về mặt quyền lợi, việc Việt Nam xem xét phê chuẩn Công ước về lao động giúp việc gia đình của ILO có thể mang đến những lợi ích đáng kể cho người lao động và cho đất nước.
2.1. Đối với người lao động
2.1.1. Công ước C189 đảm bảo sự công bằng[6] giữa lao động giúp việc gia đình với các lao động khác
Trước hết, Công ước về lao động giúp việc gia đình (Công ước C189) sẽ thúc đẩy sự công bằng giữa những người lao động, đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động giúp việc gia đình. Phần lớn người sử dụng lao động không xem lao động giúp việc gia đình là một “người lao động” (worker), họ thường xem lao động giúp việc gia đình là “người ở” (servant), người giúp việc (helper), người chăm sóc (caregiver)… Và chính suy nghĩ đó vô hình trung tạo nên một định kiến về thân phận của lao động giúp việc gia đình.
Một nghiên cứu mới đây của ILO đã chỉ ra rằng 61% người giúp việc gia đình tại Châu Á hoàn toàn nằm ngoài tầm bảo vệ về lao động và chỉ có 3% được hưởng các hình thức bảo vệ như những người lao động khác. Chính ILO cũng chỉ ra rằng người lao động giúp việc di cư tại 2 nước ASEAN trung bình làm việc 14 tiếng mỗi ngày, chỉ 40% trong số họ có một ngày nghỉ trong tuần và phần lớn bị trả công dưới mức lương trung bình.[7] Mặc dù tình hình ở Việt Nam khá hơn, nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt lớn – chỉ 86,5% người lao động giúp việc gia đình được nhận lương tương đương mức lương tối thiểu trở lên, trong khi tỷ lệ này trên tổng số người lao động nói chung ở mức 95,2%.[8]
Một khi Công ước C189 được phê duyệt, lao động giúp việc gia đình sẽ được đảm bảo về vị trí ngang bằng của mình với tất cả các lao động từ mọi lĩnh vực khác. Nó thể hiện rõ nét ở việc ILO buộc bên sử dụng lao động giúp việc gia đình phải thỏa thuận và ký hợp đồng với người lao động.[9] Trong đó, những vấn đề công ước buộc các bên phải thỏa thuận trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người lao động; địa chỉ của nơi làm việc; ngày bắt đầu làm việc và thời hạnh hợp đồng; loại công việc sẽ được thực hiện; mức thù lao, phương thức tính toán và tính định kỳ của các khoản thanh toán; số giờ làm việc bình thường; nghỉ phép hàng năm và thời gian nghỉ hàng ngày và hàng tuần; việc cung cấp thực phẩm và chỗ ở, nếu có; thời gian thử việc, nếu có; các điều khoản về việc hồi hương[10], nếu có; và các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc nghỉ việc, bao gồm cả khoảng thời gian thông báo của người giúp việc gia đình hoặc người sử dụng lao động.
So với Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định 27/2014/NĐ-CP, Công ước C189 có thêm hai vấn đề buộc phải thỏa thuận trong hợp đồng là “loại công việc phải thực hiện” và “các điều khoản về việc hồi hương”. Có thể thấy, mỗi ngành nghề lao động thường chỉ mang một hình thức lao động chuyên biệt. Tuy nhiên, lao động giúp việc gia đình lại bao gồm khá nhiều hình thức lao động có thể tách ra thành từng nghề riêng biệt như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, chăm sóc trẻ, nấu ăn… Do đó, việc công ước quy định phải thỏa thuận về “loại công việc phải thực hiện” sẽ đảm bảo người lao động chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình thay vì phải bao quát hết tất cả việc nhà. Ngược lại, nếu người sử dụng lao động mong muốn người giúp việc làm nhiều loại công việc hơn thì buộc phải tăng mức lương cho người lao động.
Mặt khác, khi số lượng lao động giúp việc gia đình Việt Nam làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng thì việc quy định về các điều khoản hồi hương là vô cùng cần thiết. Theo một báo cáo của Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ và Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2012 có một số lượng đáng kể lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình tại Cộng hoà Síp, Macao (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc)[11]. Bởi bản chất môi trường làm việc khá khép kín của lao động giúp việc gia đình, việc được trở về quê hương là rất khó khăn. Để điều khoản về việc hồi hương xuất hiện trong hợp đồng tức ILO đang bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời hạn chế việc lợi dụng sức lao động của người sử dụng lao động vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết… Tuy nhiên, vì Công ước chỉ có hiệu lực với các nước thành viên, do đó, điều khoản hồi hương chỉ được đảm bảo khi người lao động là công dân của một quốc gia thành viên và làm việc ở các quốc gia là thành viên khác của Công ước.
2.1.2. Công ước C189 sẽ là một bước tiến trong việc chấm dứt cưỡng bức lao động
Với thực trạng môi trường lao động riêng biệt và đối tượng lao động đa phần là trẻ em và phụ nữ, lao động giúp việc gia đình càng dễ bị lâm vào tình cảnh bị khai thác, bạo lực và lạm dụng. Số liệu của ILO công bố vào ngày 20 tháng 05 năm 2014 chỉ ra hơn một nửa trong tổng số lao động bị cưỡng bức toàn cầu là phụ nữ và bé gái.[12] Trong đó, hình thức cưỡng bức chủ yếu là cưỡng bức tình dục và giúp việc gia đình. Vì vậy, việc phê chuẩn và triển khai Công ước C189 kết hợp thực hiện Bộ luật Lao động đảm bảo rằng các hành vi lạm dụng này sẽ chấm dứt và được thực hiện để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức.
Theo ILO, các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động giúp việc gia đình là: tự do thành lập tổ chức và công nhận quyền được thương lượng của các lao động giúp việc gia đình; xóa bỏ tất cả hình thức cưỡng bức lao động; xóa bỏ việc sử dụng lao động trẻ em một cách hiệu quả; xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các ngành nghề lao động.[13] Tuy không nêu rõ từng nguyên tắc song Bộ luật Lao động 2012 vẫn có những quy định đảm bảo những nguyên tắc nêu trên, hoặc có lẽ những nguyên tắc của Công ước là cơ sở để các nhà làm luật xây dựng các điều khoản của Bộ luật. Cụ thể, các nguyên tắc này được quy định tại Điều 181 về nghĩa vụ của người sử dụng lao động giúp việc gia đình và Điều 183 về những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động.
Công ước C189 cũng yêu cầu các nước tham gia đảm bảo các quyền lợi hợp pháp về chế độ làm việc, lương bổng và chế độ bảo hiểm cho lao động giúp việc gia đình. Điều 10 Công ước C189 quy định: “Mỗi nước thành viên phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo đối xử bình đẳng giữa lao động giúp việc gia đình và lao động nói chung về các vấn đề liên quan đến giờ làm việc bình thường, lương làm thêm giờ, thời gian nghỉ hàng ngày và hàng tuần và nghỉ phép hàng năm theo luật pháp quốc gia…”[14] Công ước cũng bắt buộc người giúp việc gia đình phải có thời gian nghỉ ngơi hằng tuần ít nhất là 24 giờ liên tục.[15] Như vậy, bất lợi về việc buộc phải làm thêm giờ vì môi trường làm việc khép kín, vì người sử dụng lao động cung cấp cho các yếu phẩm khác như nơi ăn ở, … cũng được Công ước này hạn chế. Lao động giúp việc gia đình bấy giờ có thể hưởng số lương xứng đáng với sức lao động mình bỏ ra, đồng thời cũng có quyền được thỏa thuận rõ ràng với người sử dụng lao động về việc cung cấp bữa ăn, nơi ở…
Đặc biệt, việc ký kết Công ước C189 chính là cách bảo vệ lao động giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài – điều mà Bộ luật Lao động vẫn chưa đề cập một cách cụ thể. Điều 15(1) của Công ước quy định để đảm bảo được lao động giúp việc gia đình, bao gồm cả lao động nhập cư, mỗi thành viên của công ước phải áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp, trong phạm vi quyền hạn của mình và khi thích hợp phải phối hợp với các thành viên khác, để kịp thời bảo vệ và ngăn chặn sự lạm dụng lao động giúp việc gia đình được tuyển dụng hoặc đưa vào lãnh thổ của mình (…). Điều này đề ra nhiệm vụ phải hợp tác, liên kết giữa các quốc gia nhằm đảm bảo được công dân của mình. Đồng thời, người lao động ở nước ngoài cũng được bảo vệ quyền lợi một cách chặt chẽ và đảm bảo hơn.
Tóm lại, một khi Công ước C189 được phê chuẩn, lao động giúp việc của Việt Nam sẽ được đảm bảo về mặt quyền lợi và sự công bằng. Chính điều này sẽ mang lại tiếng nói và khẳng định tầm quan trọng của lao động giúp việc gia đình trong thị trường lao động, tạo điều kiện để họ đứng lên bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, thúc đẩy sự công bằng giữa các ngành nghề trong xã hội. Theo bà Nelien Haspels, chuyên gia về giới của ILO Châu Á – Thái Bình Dương: ‘Việc ban hành công ước về giúp việc gia đình năm 2014 gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng nghề giúp việc gia đình, khi đảm bảo các yêu cầu quy định, là một nghề chuyên nghiệp, mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội cho các gia đình thuê người giúp việc, cho bản thân người giúp việc và cả xã hội Việt Nam.'[16]
2.2. Đối với xã hội, đất nước
Việc phê duyệt Công ước C189 trước hết là sự khuyến khích phát triển loại hình lao động này, công nhận vai trò của một lực lượng lớn người lao động trong xã hội, đồng thời giảm được tỷ lệ thất nghiệp. Công nhận giúp việc gia đình chính là một cách tạo việc làm cho những phụ nữ, người lao động chưa thành niên, người lớn tuổi vẫn còn sức lao động, những người không có điều kiện được hưởng chế độ giáo dục cơ bản…
Phê duyệt Công ước C189 còn là cách giúp nước ta ngăn chặn nạn buôn bán lao động nhập cư, mà đối tượng chủ yếu là trẻ em và phụ nữ. Không ít lao động nước ta bị dẫn dắt bởi các công ty môi giới bất hợp pháp và tham gia lao động ở nước ngoài. Công ước C189 đề ra các quy định ràng buộc khắt khe với các quốc gia thành viên trong việc kiểm soát các công ty tư nhân và tập thể đưa lao động giúp việc gia đình ra nước ngoài. Cụ thể, Điều 15 của Công ước C189 yêu cầu các quốc gia thành viên phải quản lý chặt chẽ các công ty tư nhân, tổ chức có tuyển dụng hoặc cho thuê lao động giúp việc gia đình, đảm bảo có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc xử lý, điều tra các khiếu nại, cáo buộc lạm dụng… từ lao động giúp việc gia đình… Tuy vậy, thực tế, các quy định về công ty cho thuê hay các tổ chức lao động giúp việc gia đình vẫn chưa được quy định cụ thể và rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Do đó, phê duyệt Công ước C189 còn thúc đẩy nước ta hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình ở lĩnh vực lao động giúp việc gia đình.
Một nghiên cứu của ILO cho thấy tỷ lệ lao động giúp việc Việt Nam làm việc tại nước ngoài gia tăng đáng kể qua các năm.[17] Các nước tiêu biểu có thể kể đến là: Trung Quốc, Ả Rập, Thái Lan, Malaysia… Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) là nơi thu hút nhiều lao động giúp việc gia đình Việt Nam nhất theo thống kê năm 2011[18]. Như vậy, phê chuẩn Công ước C189 còn góp phần mở rộng hợp tác song phương với các nước khác trên thế giới, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Thực tế trước đây nước ta đã có các hợp tác song phương về vấn đề này. Ví dụ, để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động trong nước, Đài Loan (Trung Quốc) đã huỷ bỏ lệnh cấm tuyển dụng lao động giúp việc gia đình mới từ Việt Nam. Lệnh cấm này đã được áp dụng từ năm 2005 khi tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc ở mức cao.[19] Hay Chính phủ Thái Lan đã đồng ý cho phép một số lượng nhất định lao động Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp, gồm lao động làm giúp việc gia đình, được đăng ký giấy phép lao động có thời hạn một (01) năm[20], Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ả rập Xê út đã ký một Bản ghi nhớ về việc phái cử và tiếp nhận lao động giúp việc gia đình.[21] Đồng thời, ngay trong Công ước C189, ILO cũng yêu cầu các quốc gia thành viên ký kết các thỏa thuận song phương, khu vực hoặc đa phương để ngăn chặn lạm dụng và hành vi gian lận trong tuyển dụng, chức vụ và việc làm nhằm bảo vệ người lao động.[22] Và nếu Công ước C189 được phê duyệt trong thời gian tới, thì việc hợp tác song phương và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước có thể được mở rộng hơn nữa, đặc biệt, việc bảo vệ công dân Việt Nam lao động ở nước ngoài cũng trở nên thuận lợi.
3. Rủi ro khi Việt Nam phê duyệt Công ước
Bên cạnh các lợi ích về nhiều mặt cho người lao động và cho xã hội, đất nước, việc phê duyệt Công ước C189 cũng còn tồn tại những rủi ro nhất định. Những rủi ro này có thể sẽ làm phức tạp hóa tình hình của thị trường lao động trong và ngoài nước hoặc ảnh hưởng phần nào đến hệ thống pháp luật quốc gia.
Thực tế, việc Việt Nam phê duyệt Công ước C189 sẽ làm số lượng lao động giúp việc gia đình tăng lên vì họ nghĩ quyền lợi của mình có thể được bảo vệ tốt hơn. Với các lý do như mức lương, mức sống cao hơn…, lao động Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc này lại không đảm bảo rằng các cơ quan chức trách có thể quản lý tốt một số lượng lớn người lao động đó. Những quy định về lĩnh vực lao động giúp việc gia đình trong Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định 27/2014 NĐ-CP vẫn không đủ để kiểm soát chặt chẽ người lao động, nhất là chưa có một quy định cụ thể nào về đối tượng lao động giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài. Và vấn đề này sẽ phức tạp hơn khi lao động giúp việc gia đình nhập cư bất hợp pháp hay phạm tội ở nước ngoài. Nếu những đối tượng nêu trên ở nước ngoài ngày càng tăng lên thì những hiệp ước, hiệp định hay mối quan hệ song phương, hữu nghị của Việt Nam với các quốc gia đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hơn thế, nếu nước ta không kiểm soát chặt chẽ được lực lượng lao động, thì điều này sẽ gây nên một ấn tượng xấu về đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
Mặt khác, Công ước C189 yêu cầu các quốc gia phê duyệt Công ước phải tuân theo các quy định mà Công ước đề ra. Việc này cũng có thể gây ra những rủi ro nhất định đối với hệ thống pháp luật nước ta. Cụ thể, sự sai khác hay khoảng cách của luật pháp nước ta với Công ước C189 có thể gây ra những khó khăn trong việc làm luật và sửa đổi luật. Việc chấp hành các quy định của công ước hoàn toàn có thể làm hệ thống pháp luật trở nên cồng kềnh hay không ổn định.
Ví dụ tại Điều 10(1) Công ước C189, ILO quy định mỗi nước thành viên phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo sự công bằng giữa lao động giúp việc gia đình và các lao động khác nói chung về các vấn đề như giờ làm việc bình thường, lương làm thêm giờ, thời gian nghỉ hàng ngày và hàng tuần và nghỉ phép hàng năm theo luật pháp quốc gia…[23] Điều này có nghĩa mọi chế độ làm việc của lao động giúp việc gia đình và lao động bình thường phải ngang bằng nhau, đảm bảo sự công bằng. Có thể kể đến một ví dụ như sau: Pháp luật nước ta quy định người lao động bình thường làm việc không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần[24], trong khi thời gian làm việc của lao động giúp việc gia đình lại phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người giúp việc mà không có thêm sự ràng buộc nào khác. Như vậy, quy định về thời gian làm việc của lao động giúp việc gia đình với lao động thông thường là khác nhau. Điều này có thể gây nên sự bất công đối với người giúp việc trong trường hợp người sử dụng lao động lạm dụng quyền lợi và yêu cầu thời gian làm việc dài hơn. Do đó, “sự công bằng” được nêu ở Công ước C189 của ILO vẫn chưa được đảm bảo ở khía cạnh trên.
Hay xét đến thời gian nghỉ ngơi, Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc, người làm ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc, người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.[25] Song luật lại có một quy định khá khác biệt về thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho lao động giúp việc gia đình. Cụ thể, lao động giúp việc gia đình có thời gian nghỉ theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải đảm bảo người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục.[26] Có thể thấy, cách tính thời gian nghỉ ngơi dành cho lao động bình thường và lao động giúp việc gia đình là hoàn toàn khác biệt. Do đó, cơ sở để chứng minh thời gian nghỉ ngơi được luật quy định là công bằng đối với hai bên như trong quy định của Công ước C189 cũng trở nên nhập nhằng. Như vậy, việc làm hệ thống pháp luật nước ta hoàn toàn phù hợp với các quy định của công ước C189 là điều không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, ta cũng cần lưu ý rằng, hiện nay các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đa phần đều chưa tham gia vào Công ước này (ngoại trừ Philippines)[27]. Các quốc gia tiếp nhận phần lớn lao động giúp việc gia đình di cư từ Việt Nam cũng chưa có dấu hiệu phê duyệt Công ước.[28] Do đó, việc Việt Nam chỉ đơn phương phê duyệt Công ước C189 mà không có sự kết nối hay hợp tác của các quốc gia lân cận, các quốc gia có nhiều lao động Việt Nam đang định cư, thì việc quản lý và bảo vệ lực lượng lao động giúp việc gia đình cũng là một thử thách lớn.
4. Kết luận
Việc quyết định có nên phê duyệt Công ước C189 của ILO về lao động giúp việc gia đình là một quyết định có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ lực lượng lao động trong lĩnh vực này và cả tình hình nước ta. Đặt tình hình nước ta hiện tại trước các nội dung của công ước này, bên cạnh những lợi ích có thể trông thấy, vẫn còn đó những rủi ro có thể mang đến những ảnh hưởng xấu đối với đất nước. Tóm lại, để Công ước này thật sự phát huy tác dụng, việc lường trước và khắc phục các rủi ro là hoàn toàn cần thiết, đồng thời cũng cần phát huy tối đa những lợi ích mà ta có thể đạt được nếu phê duyệt Công ước, mang đến một thị trường lao động bình đẳng, an toàn cho lao động giúp việc gia đình nói riêng và người lao động nói chung.
[1] ‘Ratification by Countries of Domestic Workers’’ Convention’ WIEGO <https://www.wiego.org/ratification-countries-domestic-workers-convention-c189> truy cập ngày 21/08/2019
[2] ‘Landmark treaty for domestic workers to come into force (2012)’ ILO <https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_189191/lang–en/index.htm> truy cập ngày 10/08/2019
[3] Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189) Article 1
[4] Bộ luật Lao động năm 2012 Điều 179
[5] Nghị định 27/2014/NĐ-CP Điều 3(1)
[6] Ở mục này sự công bằng được thể hiện chủ yếu ở các vấn đề về thỏa thuận thời gian làm việc, quyền lợi cá nhân, khối lượng công việc…
[7] Tomoko Nishimoto, ‘Việc làm bền vững cho người giúp việc gia đình: Đã đến lúc biến cam kết thành hành động (2017)’ ILO <https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_189191/lang–en/index.htm> truy cập ngày 10/08/2019
[8] Chang-Hee Lee, ‘Giúp việc gia đình – một nghề như bao nghề khác (2017)’ ILO <https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_558647/lang–vi/index.htm> truy cập ngày 10/08/2019
[9] Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189) Article 7
[10] Hồi hương là việc công dân của một quốc gia cư trú ở nước ngoài trở lại đất nước mà công dân đó có quốc tịch.
[11] ‘Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài (2015)’ ILO <https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_376174/lang–vi/index.htm> truy cập ngày 15/08/2019
[12] ‘Lao động cưỡng bức tạo ra 150 tỷ USD lợi nhuận hàng năm trên thế giới (2014)’ ILO <http://www.oit.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_243736/lang–vi/index.ht>m> truy cập ngày 10/08/2019
[13] Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189) Article 3
[14] Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189) Article 10
[15] Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189) Article 11
[16] ‘Văn bản pháp luật: Giúp việc gia đình được công nhận là một nghề chuyên nghiệp (2014)’ ILO <http://www.oit.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/newsitems/WCMS_241181/lang–vi/index.htm> truy cập ngày 09/08/2019
[17] ‘Thông tin tóm lược: Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài (2015)’ ILO <https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_376174/lang–vi/index.htm> truy cập ngày 15/08/2019
[18] ‘Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài (2015)’ ILO <https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_376174/lang–vi/index.htm> truy cập ngày 15/08/2019
[19] ‘Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài (2015)’ ILO <https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_376174/lang–vi/index.htm> truy cập ngày 15/08/2019
[20] Nghị quyết của Nội các Thái Lan ngày 10 tháng 2 năm 2015
[21] Nghị quyết hoàng gia số M/51, 23 Sha’ban 1426/ ngày 27 tháng 9 năm 2005
[22] Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189) Article 15
[23] Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189) Article 10
[24] Bộ luật lao động 2012 Điều 68(1)
[25] Bộ luật lao động 2012 Điều 71
[26] Nghị định 27/2014/NĐ-CP về lao động là người giúp việc gia đình Điều 21(1)
[27] ‘Ratifications of C189-Domestic Workers Convention (No. 189)’ ILO <https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/fp=NORMLEXPUB:11300:0::NO::P11300_INSTRUMENT_ID:2551460> truy cập ngày 10/08/2019
[28] Các nước như: Trung Quốc, Ả Rập, Thái Lan, Malaysia… (Theo bảng thống kê “Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài” của ILO).
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Danh mục văn bản pháp luật
1. Bộ luật Lao động 2012
2. Convention C189-Domestic Workers Convention, 2011 (No. 189).
3. Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động và người giúp việc
Danh mục nguồn điện tử
1. Dattatreya B, ‘India doesn’t ratify ILO convention on domestic workers’ (2015) The Economics Times <https://economictimes.indiatimes.com/news/economy/policy/india-doesnt-ratify-ilo-convention-on-domestic-workers-bandaru-dattatreya/articleshow/46610697.cms?from=mdr>
2. ‘Convention N° 189: Landmark treaty for domestic workers to come into force’ (2012), ILO<https://www.ilo.org/global/standards/information-resources-and-publications/news/WCMS_220793/lang–en/index.htm>
3. Chang-Hee Lee ‘Giúp việc gia đình – một nghề như bao nghề khác’ (2017), ILO< https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_558647/lang–vi/index.htm>
4. ‘From the Philippines: Domestic work is no longer a “domestic issue”’ (2012), ILO <https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/features/WCMS_189173/lang–en/index.htm>
5. Sziraczki G, ‘Ngày quốc tế Lao động giúp việc gia đình: Bàn về vấn đề quyền lợi tối thiểu đối với lao động giúp việc gia đình Việt Nam’ (2017), ILO<http://www.oit.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/comments-and-analysis/WCMS_376176/lang–vi/index.htm>
6. ‘Hướng tới việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình’ Tạp chí Lao động và xã hội online <http://laodongxahoi.net/huong-toi-viec-lam-ben-vung-cho-lao-dong-giup-viec-gia-dinh-trong-asean-1308053.html>
7. ‘Landmark treaty for domestic workers to come into force’ (2012) ILO <https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_189191/lang–en/index.htm>
8. ‘Lao động cưỡng bức tạo ra 150 tỷ USD lợi nhuận hàng năm trên thế giới’ (2014) ILO <http://www.oit.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_243736/lang–vi/index.ht>m>
9. ‘New Publication: 12 Reasons to Ratify ILO Convention 189 on Decent Work for Domestic Workers’ (2019), Migrants Forum in Asia <https://mfasia.org/12-reasons-to-ratify-ilo-convention-189-on-decent-work-for-domestic-workers/>
10. ‘Ratification by Countries of Domestic Workers’ Convention’ (C189) WIEGO <https://www.wiego.org/ratification-countries-domestic-workers-convention-c189>
11. ‘Ratifications of C189-Domestic Workers Convention (No. 189)’ ILO <https://www.ilo.org/dyn/normlex/en/f?p=NORMLEXPUB:11300:0::NO::P11300_INSTRUMENT_ID:2551460>
12. Nishimoto T, ‘Việc làm bền vững cho người giúp việc gia đình: Đã đến lúc biến cam kết thành hành động’ (2017) ILO <https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_189191/lang–en/index.htm>
13. ‘Thông tin tóm lược: Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài’ (2015) ILO <https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_376174/lang–vi/index.htm>