[CS 06 – 05/2019] JUSTICE – WHAT’S THE RIGHT THING TO DO? CÂN NHẮC NHỮNG LỜI PHÁN XÉT

Nguyễn Xuân Nhi

Sinh viên K18502, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

 

Justice,_what's_the_right_thing_to_do
Nguồn: Internet

Chúng ta, những con người đang sống ở thế giới này, đã, đang và luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Công lý là gì? Là lý lẽ, công bằng hay còn nhiều hơn một định nghĩa nào khác? Bởi vì công lý là đề tài tranh luận thường xuyên và khó nắm bắt, suốt nhiều thế kỉ qua, các nhà triết học lớn như Immanuel Kant, Aristotle, John Rawls,… luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Đôi khi bạn sẽ bắt gặp mình bị kẹt trong suy nghĩ khi phải trả lời những câu hỏi: Liệu giết một người vô tội để cứu mạng sống cho rất nhiều người là việc nên làm? Hoặc giết chết cậu bé Hitler để đổi lấy sự bình yên của thế giới, hai việc đó có giống nhau không? Đó chính là những điều mà tác phẩm ‘Justice – What’s the right thing to do?’ của triết gia Micheal J. Sandel hướng tới. Cuốn sách cũng chính là bài giảng của ông trên giảng đường Harvard.

 

 

Tác phẩm nêu lên những trăn trở của ông về việc đúng nên làm, về công lý, tự do và đạo đức. Chúng có đề cập đến nhiều lý thuyết nổi tiếng như thuyết Công lợi của Jeremy Bentham – công lý là khi lợi ích chung đạt được mức lớn nhất, hạnh phúc của số đông là lớn nhất; Chủ nghĩa tự do cá nhân: chúng ta có quyền sở hữu chính mình không? Chúng ta có được phép mang thai hộ, bán nội tạng của bản thân hoặc bằng một cách nào đó, bán đi cả mạng sống của chính mình?

 

Thông qua các câu chuyện thường nhật, xuyên suốt cuốn sách là những câu hỏi lớn luôn được đặt ra như thách thức người đọc tự nêu lên cho mình một câu trả lời. Từ nhiều góc nhìn rất riêng biệt, trên những quan điểm và định kiến khác nhau mà các câu trả lời của họ cũng rất khác nhau. Đây là một trong các tác phẩm mà tôi cực kì tâm đắc bởi nội dung và cả hình thức trình bày. Bố cục tác phẩm theo từng phần, trong mỗi phần tác giả sẽ đề cập đến các quan điểm của từng triết gia, rồi sau đó giải thích cặn kẽ thông qua những tình huống thực tế lẫn giả định để người đọc dễ dàng hình dung và nắm bắt những điều tác giả muốn hướng đến. Nội dung tác phẩm cô đọng, dễ hiểu nhưng cũng rất sâu sắc, đòi hỏi người đọc phải tự chiêm nghiệm dựa vào các quan niệm về công lý, hệ thống giá trị đạo đức của chính bản thân mỗi người.

 

 Là một sinh viên Luật, chúng ta không chỉ học với bàn giấy, với các văn bản khô khan. Chúng ta học được nhiều điều từ kinh nghiệm thực tế,  mà phần lớn đến từ việc đọc sách – kiến thức nhân loại thể hiện dưới hình thức chữ viết. Justice – What’s the right thing to do? chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng sau khi trải nghiệm hết chuỗi hành trình mà nó mang lại: ngạc nhiên, kinh sợ, trầm lắng và đầy suy tư. Cuốn sách này là một bài giảng quý báu mà bất cứ sinh viên Luật nào cũng nên một lần khám phá. Nó không đơn thuần chỉ là những học thuyết, hơn thế nữa, nó mở ra cho chúng ta một chân trời mới xoay quanh các khái niệm về công lý – đạo đức, những nền tảng cơ bản trong việc suy luận, đánh giá từ các nhà làm luật và chính trị gia lớn trên thế giới.

 

Khi dung nạp được nhiều lý thuyết mới, điều này giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về công lý, ta có thể nhận ra sự cứng nhắc của bản thân khi có đôi lúc vội vàng đánh giá một sự vật hiện tượng mà chỉ dựa vào cảm tính. Chính cuốn sách này sẽ là người đồng hành đắc lực của bạn, giúp bạn tìm ra câu trả lời không chỉ đơn thuần xoay quanh hai thái cực đúng – sai. Vì cuộc sống là muôn hình vạn trạng, một sự việc không chỉ có một hướng giải quyết, công lý cũng như vậy, nó có thể đúng với trường hợp này nhưng sẽ là sai khi áp dụng tương tự vào một trường hợp khác. Và thực ra sẽ không thể nào, không bao giờ có một quy tắc chung để định nghĩa được “công lý”.

Advertisement