CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ BÀI HỌC THÀNH CÔNG

Nguyễn Thị Thùy Dung (K18502) & Dương Diễm Duyên (K18501C),

Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

Charles R. Swindoll đã từng nói: “Cuộc sống chỉ mang đến cho bạn 10% cơ hội, 90% còn lại là cách mà bạn phản ứng với nó”. Đó cũng chính là bài học chúng tôi rút ra được qua buổi trò chuyện với Luật sư Lê Thành Kính – giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn – giữa cái nắng oi ả của Sài Gòn tháng tư.

Chúng cháu rất muốn biết cơ duyên nào đã khiến Chú quyết định học Luật và theo đuổi nghề Luật sư ạ?

            Vào thời điểm thi đại học, Chú không có dự định thi vào trường Luật. Với niềm đam mê văn học và xã hội học, Chú đã thi vào khoa Báo chí của  Đại học Tổng hợp Hà Nội (bây giờ là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Đạt điểm thi đại học cao, Chú được nhà nước cử đi học Luật ở nước ngoài, đó là  cơ duyên đưa Chú đến với nghề Luật. Trong quá trình học luật, Chú nhận thấy đây là một ngành liên quan đến số phận con người và qua đó mình có thể giúp ích được cho xã hội. Tốt nghiệp về nước, Chú làm cho cơ quan Bảo vệ pháp luật trong 05 năm, sau đó, Chú bắt đầu con đường hành nghề Luật sư của mình. Đến nay đã được 31 năm, Chú chỉ gắn bó với một nghề duy nhất là nghề Luật. Đối với Chú, nghề Luật cho Chú rất nhiều: thứ nhất là một vị trí, chỗ đứng trong xã hội; thứ hai, mình có thể giúp đỡ được nhiều người, từ những người tận đáy của xã hội, tới những người quyền cao chức trọng, người có địa vị. Đó là lý do mà Chú đã theo đuổi nó suốt chừng ấy năm.

Theo cháu được biết thì Chú từng có thời gian dài học tập ở Liên Xô, vậy theo Chú, việc đi du học có cần thiết đối với sinh viên ngày nay, đặc biệt là sinh viên ngành Luật không ạ?

Theo Chú, trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng vào những khó khăn khi theo học luật ở nước ngoài. Thứ nhất, vấn đề rào cản ngôn ngữ. Chẳng hạn như khi Chú được gửi đi đào tạo cử nhân Luật ở Liên Xô thì quá trình nghiên cứu và học tập đòi hỏi phải sử dụng thành thạo tiếng Nga, chính vì vậy mà Chú gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp xúc với các thuật ngữ pháp luật Việt Nam khi trở về nước làm việc. Thứ hai, vì học luật của nước khác nên khi về nước, các bạn sẽ phải tìm hiểu từ đầu các quy định pháp luật của Việt Nam. Thứ ba, với một số bạn du học tại các nước Anh, Mỹ thì sự khác biệt về hệ thống pháp luật – Dân luật và Thông luật – cũng là một khó khăn trong quá trình học tập, tìm hiểu và áp dụng luật Việt Nam sau này.

Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn cũng có nhiều thuận lợi. Khi học ở nước ngoài, mình sẽ học được rất nhiều phương pháp như: phương pháp tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề, tự nghiên cứu… Ví dụ như tổ chức các kì thi theo hình thức vấn đáp, để đào tạo ra những Luật sư có sự phản ứng nhanh nhạy hơn, trong khi ở Việt Nam, hình thức thi viết vẫn chiếm đa số … Bên cạnh đó, người ta còn chú trọng phương pháp học kết hợp lí luận và thực hành, đơn cử như sinh viên luật bắt buộc phải đi thực tập từ năm thứ 2. Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sinh sống và làm việc, nếu chúng ta hiểu được hệ thống pháp luật của cả hai nước và có khả năng ngoại ngữ tốt thì đây là một cơ hội rất tốt để phát triển nghề luật.

Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn là một trong những công ty Luật có uy tín trong ngành và được khá nhiều các bạn sinh viên quan tâm, tìm hiểu. Chú có thể chia sẻ một vài thông tin về cơ hội việc làm, tiêu chí tuyển dụng cũng như môi trường làm việc ở đây được không ạ?

Sau nhiều năm hoạt động, Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn (Lê Nguyễn) đã trở thành một trong những công ty Luật có uy tín ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên.

Lê Nguyễn tập trung phát triển về Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu của công ty là tuyển chọn và đào tạo các bạn trẻ mới ra trường vì công ty muốn các bạn trẻ có định hướng tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thực tiễn hành nghề khi bước vào một môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, Lê Nguyễn có riêng một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho những thế hệ tương lai, vì thế Lê Nguyễn luôn luôn mở rộng cánh cửa cho các bạn sinh viên có mong muốn thực tập và làm việc tại đây. Trong quá trình các bạn sinh viên thực tập, các anh chị Luật sư và bản thân Chú sẽ đánh giá tinh thần và thái độ của các bạn. Sau khi hoàn thành quá trình thực tập tại công ty, đã có rất nhiều bạn đã trở thành nhân viên chính thức của Lê Nguyễn, đó là cơ hội mà chính các bạn phải biết cách nắm bắt. Các bạn sinh viên đến đây thực tập với rất nhiều mục đích khác nhau. Có nhiều bạn vì trường bắt buộc nên phải tìm chỗ thực tập, chứ mong muốn của các bạn không phải để học hỏi thực sự, những bạn như vậy không phải là đối tượng mà Lê Nguyễn nhắm tới. Lê Nguyễn sẽ tạo điều kiện cho những bạn tự nguyện, tích cực, ham học hỏi và muốn gắn bó lâu dài.

Theo Chú, yếu tố nào quyết định sự thành công hay làm hạn chế khả năng của một Luật sư ạ ?

Để trở thành một Luật sư đúng nghĩa phải đáp ứng tốt các kiến thức lí luận, phải biết kết hợp, áp dụng kiến thức nền vào việc giải quyết các tình huống. Khi làm Luật sư thì phải đặt cái tâm vào nghề, vì sứ mệnh của luật sư là bảo vệ công lý, lẽ công bằng và quyền con người trong xã hội. Khi bảo vệ cho những người phạm tội, Luật sư bảo vệ phần con người của người đó. Nếu chúng ta cảm thấy xã hội bệnh hoạn, con người đó đáng sợ, chúng ta không thể tiếp xúc hay bảo vệ được cho họ thì đó hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm.

Ngoài ra, một người Luật sư muốn thành công cần phải có thời gian, sự kiên trì và nhẫn nại. Thực tế, Luật sư vừa mới tốt nghiệp ra trường có thể giỏi về kiến thức nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Thời gian để thạo việc của Luật sư rất dài, khoảng thời gian đó không phải ai cũng có thể chấp nhận được, người ta có thể làm những nghề khác, kiếm tiền rất nhanh, thành công rất nhanh nhưng đối với nghề Luật sư thì không thể thành công trong nghề nhanh được. Bởi lẽ khách hàng không chỉ đánh giá về khả năng của Luật sư mà còn nhìn nhận dựa trên bề dày kinh nghiệm, thời gian Luật sư đó đã hành nghề nữa. Nếu không kiên trì và nhẫn nại thì chắc chắn không thể thành công. Chính thời gian sẽ tạo nên một người Luật sư vừa có lí luận và kinh nghiệm thực tiễn, vừa có bản lĩnh. Đó là những yếu tố cần và đủ để tạo nên sự thành công của một Luật sư.

Từng là giám khảo của rất nhiều các cuộc thi học thuật về Luật, Chú có nhận xét gì về các bạn sinh viên Luật hiện nay?

Chú đã làm giám khảo cho rất nhiều cuộc thi về Luật được tổ chức tại trường Đại học Luật, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Mở, … Chú rất mừng là hiện nay, so với thế hệ của Chú thì các bạn sinh viên đã có một bước tiến rất dài, suy nghĩ của các bạn hiện đại hơn, sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ tốt hơn rất nhiều. Các bạn đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 nên việc tìm hiểu kiến thức, trao đổi thông tin, giao lưu, học hỏi đều rất thuận tiện và nhanh chóng, từ đó, các bạn có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, các bạn trẻ đã tự tin, dám nói, dám làm, muốn đột phá và các bạn không chỉ có kiến thức mà còn có ngoại ngữ. Nhìn thấy thế hệ trẻ, thế hệ tiếp nối ngày càng phát triển như vậy, Chú cảm thấy rất trân trọng và tự hào. Với tư cách là thế hệ đi trước, Chú chỉ mong các bạn trẻ luôn phải cố gắng, không ngừng trau dồi kiến thức và hoàn thiện bản thân để có thể thành công hơn nữa trong tương lai. Thời gian trên giảng đường của các bạn trẻ tuy còn rất nhiều nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng: “Ra trường tôi mới bắt đầu làm việc, còn nhiệm vụ bây giờ của tôi chỉ là học thôi.”

Trong quá trình hành nghề, kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất đối với Chú ạ?

Trong quá trình hành nghề, cũng có nhiều vụ việc mà Chú không thể nào quên được. Đơn cử là câu chuyện về một người nông dân ở Bình Chánh bị nhà nước thu hồi đất trái luật. Người này rất nghèo và tuần nào cũng đi xe buýt đến gặp Chú để nhờ hỗ trợ trong vụ kiện. Sau khi đọc hồ sơ, Chú đã nhận lời giúp đỡ và hoàn toàn không thu khoản phí nào. Đến lúc vụ kiện thành công và được trả lại đất, người nông dân đem những con cua còn lấm bùn đất đến cho Chú để trả công, khiến Chú không khỏi xúc động.

Bên cạnh đó, còn một vụ việc khác cũng khiến chú nhớ mãi – vụ việc đã giúp chú trở thành một Luật sư nổi tiếng. Đó là vụ một ca sĩ người Anh, mắc một căn bệnh khiến ông có thái độ lệch lạc về tình dục, chỉ muốn tiếp xúc và dâm ô với trẻ em. Ông ta đã từng bị bắt giữ rất nhiều trên thế giới và bị trục xuất ở Cuba, Mĩ, Campuchia,…  Khi đến Việt Nam, ông ấy bị các tờ báo nổi tiếng ở nước ngoài theo dõi và phát hiện ra rằng tại đây ông cũng đã có các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, sau đó cơ quan điều tra đã bắt giữ ông ta. Công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Đại sứ quán của Anh ở Việt Nam yêu cầu phải chỉ định cho ông ta một Luật sư và khi họ hỏi ý kiến Chú, Chú đã đồng ý. Khi ông ta bị bắt giữ, có khoảng 150 hãng tin thông tấn lớn nhỏ trên thế giới đã qua Việt Nam tìm hiểu thông tin như Reuters, BBC, CNN, AP, Sky news,… Mỗi lần như vậy, họ đi tìm Chú để phỏng vấn. Làm sao để bảo vệ cho khách hàng, làm sao để trả lời cho báo chí bằng tiếng Anh cho chính xác, những điều ấy tạo  cho chú áp lực rất lớn. Đó là sự kiện mà không bao giờ Chú quên được trong cuộc đời làm Luật sư.

Vừa qua, dư luận và truyền thông xã hội có nhiều tranh cãi trong việc AI (trí tuệ nhân tạo) đã đánh bại 20 Luật sư hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực mà họ giỏi nhất. Quan điểm của Chú về vấn đề này như thế nào ạ? Liệu AI có thể thay thế các Luật sư trong tương lai hay không?

Chú nghĩ trí tuệ nhân tạo rất là tốt, có thể phản ứng nhanh trước bất kì tình huống nào. Tuy nhiên nó vẫn không thể thay thế con người được, nhất là về kinh nghiệm. Có những kinh nghiệm không thể lập trình hay giải quyết được bằng hệ thống máy tính hoặc trí tuệ nhân tạo mà cần có bản lĩnh con người, đúc kết ra từ quá trình làm việc, thực hành. Ví dụ, khi gặp một tình huống pháp lí chưa từng có tiền lệ, chỉ những người sau thời gian dài làm việc mới có thể đúc kết được kinh nghiệm để giải quyết. Giải quyết vấn đề là sự vận dụng giữa sáng tạo, kinh nghiệm, lí luận và thực tiễn nên trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được tư duy của người Luật sư. Nếu xét về việc ghi nhớ những câu hỏi mang tính chất nguyên tắc thì có thể phản ứng của Luật sư không nhanh bằng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, khi gặp một tình huống thực tế, đòi hỏi suy luận thì có thể trí tuệ nhân tạo sẽ không đủ dữ liệu để giải quyết.

Là một người có bề dày kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, Chú có thể chia sẻ những kì vọng của mình về nghề Luật trong tương lai và đôi lời nhắn nhủ đến các bạn sinh viên Luật không ạ?

Kinh tế – xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, các nhu cầu về chuyên môn hóa, dịch vụ, nhất là dịch vụ pháp lí ngày càng nhiều – đó là cơ hội cho các bạn trẻ, cơ hội cho những người mong muốn theo đuổi nghề Luật. Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội đó, Chú mong muốn các bạn sinh viên, khi đã chọn được con đường của mình rồi thì phải làm thật tốt chứ không phải vào trường đại học chỉ để lấy một tấm bằng rồi xin việc. Các bạn phải rèn luyện, sử dụng tốt được các kĩ năng như viết, nói, nghiên cứu, tự đọc. Mỗi người phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với nghề đã chọn, phải phấn đấu để khi ra trường có thể làm việc đúng với những mong muốn, sự lựa chọn của mình. Chỉ khi có kiến thức, có kĩ năng và đam mê thì chúng ta mới có thể thành công được.

Hiện nay, tại các nước trên thế giới, người ta đã bắt đầu định hướng cho những người học Luật phải có tư tưởng về kinh doanh và khởi nghiệp. Các nhà tuyển dụng hiện nay không chỉ mong muốn người hành nghề luật giải quyết các tranh chấp mà còn phải biết tìm ra các cái phương thức để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

Trong thời đại 4.0, ngoại ngữ là vấn đề mà các bạn cần phải lưu tâm. Nhiều bạn có kiến thức tốt nhưng lại không có ngoại ngữ nên khi ra trường các bạn gặp rất nhiều khó khăn để xin việc hoặc tìm một mức lương hay môi trường phù hợp.

Bên cạnh đó, Chú cũng hiểu rằng có nhiều người học Luật nhưng sau này họ lại đam mê, theo đuổi các công việc thuộc lĩnh vực khác. Đối với những bạn như vậy, chú ủng hộ các bạn và cũng mong các bạn nhớ rằng Luật có thể tạo cho mình kiến thức nền cần thiết và là “cứu cánh”, giúp đỡ cho chúng ta trên bước đường thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

            Thay mặt Câu lạc bộ Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật (LRAC), chúng cháu cảm ơn Chú đã dành thời gian cho bài phỏng vấn. Kính chúc Chú luôn thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.


1.

Luật sư Lê Thành Kính, giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn

Tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ luật tại Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kuban – Liên bang Nga

– Kinh nghiệm 20 năm hành nghề Luật

– Thành viên của Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh

– Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

– Tham gia giảng dạy các khóa đào tạo luật sư tại Học viện Tư pháp (trực thuộc Bộ Tư pháp), các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư hàng năm của Đoàn luật sư các tỉnh;

– Tham gia nhiều vụ kiện lớn, nổi tiếng.

– Năm 2009, Luật sư Lê Thành Kính được bình chọn là “Luật sư tiêu biểu của năm”

Advertisement