[CS 05 – 12/2019] TRÁCH NHIỆM VÀ CHUYỂN TRÁCH NHIỆM TRONG HỢP ĐỒNG TRƯỚC ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP (PRE-INCORPORATION CONTRACT)

Lê Xuân Tiến

Sinh viên K17504, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.

 

Tóm tắt: Bài viết này khái quát về hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp và bàn luận về trách nhiệm cá nhân của người thành lập doanh nghiệp khi tham gia vào hợp đồng này. Từ đó đặt câu hỏi về vấn đề chuyển trách nhiệm khi doanh nghiệp được thành lập qua ý tưởng về thực hiện công việc không có ủy quyền được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Abstract: This article provides a general background about the origin of pre-incorporation contracts and considers the personal liability of people who enter into these contracts. Through the viewpoint of doing work without authorization in the Civil Code 2015 of Vietnam, this article also tries to resolve issues relating to transferring of liability in case a company is established.

Từ khóa: doanh nghiệp, chuyển trách nhiệm, hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp.

Keywords: company, pre-incorporation contract, promoter, transfer of liability.

 

  1. Khái niệm hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.[1] Trong bài viết này, doanh nghiệp được tiếp cận dưới góc độ của một tổ chức đã hoặc chưa được đăng ký.[2]

Quá trình đăng ký doanh nghiệp, dù chỉ là một thủ tục nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Doanh nghiệp chỉ tồn tại sau khi nó đã được đăng ký[3], nói cách khác, một doanh nghiệp vẫn được xem là chưa thành lập cho đến khi nó được đăng ký. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp cần tham gia vào một số thỏa thuận hay hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp như thuê trụ sở, cơ sở vật chất, người lao động. Những người thành lập doanh nghiệp (sau đây gọi là người sáng lập), trong trường hợp này, sẽ thay doanh nghiệp và nhân danh chính mình tham gia vào các hợp đồng phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp. Các hợp đồng này được gọi là hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp (pre-incorporation contract, sau đây gọi là PC).

  1. Trách nhiệm trong PC

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.[4] Hợp đồng phải được ký kết giữa ít nhất hai chủ thể trở lên, trong đó quyền của một bên là nghĩa vụ của các bên còn lại.

Mặc dù người sáng lập tham gia vào PC trên cơ sở vì lợi ích của công ty nhưng họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về hợp đồng đã ký.[5] Giả sử vì một nguyên nhân khách quan nào đó doanh nghiệp không được thành lập, như đã trình bày, doanh nghiệp vì không có tư cách pháp lý nên mặc nhiên không thể chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, giải pháp duy nhất để một doanh nghiệp tham gia PC là trách nhiệm trong PC phải ràng buộc những người sáng lập.

Quy định về trách nhiệm trong PC, pháp luật hầu hết các quốc gia trong hệ thống Thông luật như Anh, Canada, Úc, Ấn Độ, Nepal thống nhất rằng người sáng lập tham gia PC phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với hợp đồng mình đã ký[6]. Cụ thể, Đạo luật về Công ty năm 2006 của Anh (UK Companies Act 2006) quy định: “Một hợp đồng thay mặt hoặc dựa trên lợi ích của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp chưa được thành lập sẽ có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, như thỏa thuận giữa một người với một người khác hành động vì lợi ích của công ty hoặc như người đại diện của công ty, và người đó đồng ý chịu trách nhiệm cá nhân đối với hợp đồng được ký[7].”

 

  1. Chuyển trách nhiệm

3.1. Vụ án Kelner v. Baxter[8] – Trách nhiệm trong PC không mặc nhiên được chuyển giao

Những người sáng lập chịu trách nhiệm cá nhân khi tham gia PC vì doanh nghiệp tại thời điểm ký kết PC còn chưa tồn tại. Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu khi doanh nghiệp đã được thành lập, trách nhiệm trên có được chuyển giao? Đến trước khi vụ án Kelner v. Baxter xảy ra, trách nhiệm cá nhân trong PC vẫn được cho là tự động chuyển giao cho doanh nghiệp khi nó được thành lập.

Trong vụ án này, một nhóm người sáng lập đã ký kết hợp đồng, thay mặt và dựa trên lợi ích của công ty sắp được thành lập,[9] để mua rượu từ Kelner phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Khi được thành lập, doanh nghiệp đã phê duyệt hợp đồng này. Tranh chấp nảy sinh khi rượu được tiêu thụ hết và công ty đã phá sản trước khi tiền rượu được thanh toán. Kelner đã kiện những người sáng lập để yêu cầu thanh toán tiền hàng.

Những người sáng lập tranh luận rằng khi công ty phê duyệt hợp đồng này, trách nhiệm cá nhân của họ đã được chuyển giao cho công ty và vì vậy họ không còn bị ràng buộc bởi hợp đồng nữa. Trong khi đó, một lý lẽ khác cho rằng tại thời điểm ký kết hợp đồng, công ty vẫn chưa tồn tại, do đó hợp đồng chỉ có hiệu lực khi những người ký kết bị ràng buộc bởi trách nhiệm cá nhân[10]. Và do vậy, dù đã được thành lập, doanh nghiệp, như một người lạ (stranger), không thể có quyền tự nó giải phóng trách nhiệm cá nhân của những người sáng lập thông qua hành động phê duyệt, bỏ mặt ý chí của bên giao kết còn lại.

Trong kết luận của mình, tòa án đã cho rằng những người thành lập doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm nào vì nó chưa tồn tại tại thời điểm hợp đồng được ký kết. Mặc khác, hợp đồng giữa Kelner và Baxter không có điều khoản nào thỏa thuận về việc sau khi được thành lập, các quyền và nghĩa vụ sẽ được chuyển sang doanh nghiệp. Do đó, hành động phê duyệt hợp đồng này của doanh nghiệp cũng không có giá trị[11].

Phán quyết của Tòa án trong vụ án này đã bác bỏ khả năng chuyển trách nhiệm cá nhân của những người sáng lập sang trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp PC không có thỏa thuận về vấn đề này. Điều này có nghĩa rằng, trách nhiệm trong PC không mặc nhiên được chuyển giao cho doanh nghiệp khi nó được thành, trừ phi sự chuyển giao này được thỏa thuận trong PC.

3.2. Doanh nghiệp có thể từ chối PC?

Dường như các nhà làm luật đã và đang gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi này. Thực tế, cách tiếp cận đối với vấn đề liệu doanh nghiệp có quyền từ chối PC hay không có sự khác biệt giữa pháp luật của hai hệ thống Dân luật và Thông luật, trong khi cả hai hệ thống đều chưa tìm được một nền tảng pháp lý vững chắc nào cho câu hỏi trên.

Pháp luật của các quốc gia theo hệ thống Dân luật cho rằng, PC phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp buộc phải chấp nhận PC. Đơn cử, ở pháp luật Việt Nam, Điều 19.2[12] Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rằng: “Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết.”

Ngược lại, theo pháp luật của các quốc gia theo hệ thống Thông luật, doanh nghiệp có quyền từ chối PC. Đơn cử, ở pháp luật Nam Phi, Điều 20.4 Luật Doanh nghiệp 2008[13] quy định: “Nếu trong vòng ba tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp không phê chuẩn hoặc từ chối PC, hoặc các hoạt động đã được thực hiện dưới tên doanh nghiệp hoặc dựa trên lợi ích của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được xem là đã phê chuẩn PC.” Hay theo pháp luật Úc, Điều 131.2 Luật Doanh nghiệp 2001[14] quy định rằng: “Người sáng lập chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không được thành lập, hoặc được thành lập nhưng không chấp nhận PC.”

  1. PC trong pháp luật Việt Nam

4.1. Khái niệm PC

Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm PC được nhắc đến ở Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN 2014). Điều 19.1[15] LDN 2014 cho phép người thành lập doanh nghiệp ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, PC trong pháp luật Việt Nam, tương tự như pháp luật quốc tế, là “các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.” Tuy vậy, khái niệm này không thể hiện được trách nhiệm cá nhân khi tham gia PC là yếu tố tiên quyết, cũng như không có yêu cầu bắt buộc về thỏa thuận chuyển trách nhiệm trong PC.

4.2. Trách nhiệm và chuyển trách nhiệm

Quy định về PC, Điều 19 LDN 2014 chủ yếu làm rõ hậu quả pháp lý của việc thành lập doanh nghiệp và trả lời câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai trong mỗi tình huống đó. Do vậy, Điều 19 LDN 2014 không thể hiện rõ yếu tố trách nhiệm cá nhân.

Như đã trình bày, Điều 19.2 LDN 2014 quy định rằng doanh nghiệp bắt buộc phải chấp nhận PC và do vậy, trách nhiệm cá nhân của người sáng lập tự động chuyển giao cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp được thành lập. Bên cạnh đó, Điều này còn quy định cụm từ “trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.”

Theo quy định “trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác,” việc chuyển trách nhiệm có thể là một trong hai hình thức: chuyển một phần trách nhiệm hoặc không chuyển giao trách nhiệm tùy vào thỏa thuận của các bên. Đối với tình huống không chuyển giao trách nhiệm, mọi rủi ro và trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến PC sẽ do người sáng lập gánh chịu. Đối với tình huống chỉ chuyển một phần trách nhiệm, người sáng lập sẽ cùng với doanh nghiệp chịu trách nhiệm về những nội dung đã thỏa thuận trong PC. Đây có thể xem là một điểm sáng trong quy định của pháp luật Việt Nam so với các nước. Nếu như pháp luật nhiều nước chỉ quy định hoặc là bắt buộc doanh nghiệp phải chấp nhận PC và nhận toàn bộ trách nhiệm hoặc là không chấp nhận PC, thì pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp từ chối hoặc tiếp nhận một phần nếu PC có thỏa thuận.

Dưới góc độ pháp lý, quy định này tôn trọng tính tự do thỏa thuận trong hợp đồng. Dưới góc độ kinh tế, cùng với quyền hưởng dụng[16], quy định này đặc biệt có ý nghĩa trong việc sử dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hợp tác cùng phát triển hiện nay.

Tuy nhiên, Điều 19.3 LDN 2014 có thể gây nhầm lẫn trong việc áp dụng. Cụ thể, Điều này quy định: “Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.” Cụm từ gây hiểu lầm chính là “không được đăng ký thành lập.” Là quy định “lấp đầy” của Điều 19.2, Điều 19.3 quy định hậu quả pháp lý của việc doanh nghiệp không được thành lập. Tuy nhiên, cụm từ “không được đăng ký thành lập” lại mang ý nghĩa là người sáng lập không tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Có thể nhà làm luật đang dự liệu tình huống, người tham gia PC lừa dối về việc sắp thành lập doanh nghiệp và ký kết PC. Tuy nhiên, điều này lại vô tình bỏ ngỏ tình huống doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký thành lập nhưng không được chấp thuận hoặc vì một số lý do khách quan nào đó doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Để tránh gây nhầm lẫn, cụm từ “không được đăng ký thành lập” nên được xem xét sửa đổi thành cụm từ rõ ràng hơn như “không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.”

4.3. Ý tưởng về PC từ quy định “thực hiện công việc không có ủy quyền” tại Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015)

Trong hoàn cảnh của doanh nghiệp chưa thành lập, như bài viết đang xem xét, quy định này không thể được áp dụng do địa vị pháp lý của doanh nghiệp vẫn chưa hình thành. Tuy vậy, việc xem xét tinh thần của quy định này lại mang ý nghĩa nhất định.

Đầu tiên, thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối[17]. Công việc thực hiện trong quan hệ này không phải là một nghĩa vụ pháp lý có tính chất bắt buộc. Trước thời điểm thực hiện công việc, hai bên chủ thể hoàn toàn không có một sự ràng buộc nào[18]. Đối chiếu với tình huống của người sáng lập và doanh nghiệp, có thể thấy người sáng lập ở một vị trí tương tự. Khi tham gia vào PC, người sáng lập xác định rõ mục đích phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp. Người sáng lập ý thức được rằng, nếu công việc đó không có ai quan tâm thực hiện thì có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp được thành lập trong tương lai.

Pháp luật dân sự cũng quy định người thực hiện công việc đó có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Tuy nhiên khi đã thực hiện thì người thực hiện phải có thiện chí và phải tuân theo các quy định của pháp luật[19] về thực hiện công việc không có ủy quyền được quy định tại BLDS 2015.

Theo Điều 576.1 BLDS 2015 về nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện, “người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán với chi phí hợp lý,” kể cả trong trường hợp không đạt được kết quả theo ý muốn của mình. Dựa trên cách tiếp cận này, với vị thế người có công việc được thực hiện, doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của người sáng lập và thanh toán chi phí nếu có.

 

  1. Kết luận

Pháp luật Việt Nam về PC, cụ thể là Điều 19 LDN 2014, khá linh hoạt và phù hợp với pháp luật thế giới, trong đó nổi bật là quyền thỏa thuận về việc chuyển trách nhiệm của các bên trong PC. Tuy nhiên, quy định về PC chưa làm rõ được khái niệm, trong đó yếu tố trách nhiệm cá nhân tại thời điểm ký kết là tiên quyết, và cần quy định rõ tình huống doanh nghiệp không được thành lập để tránh gây nhầm lẫn. Mặt khác, qua góc nhìn việc thực hiện công việc không có ủy quyền, bài viết phần nào làm sáng tỏ tinh thần của quy định bắt buộc doanh nghiệp phải chấp nhận PC trong pháp luật nhiều nước trên thế giới.


Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật dân sự 2015
  2. Luật Doanh nghiệp 2014
  3. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an Nhân dân, 2015.
  4. Trương Nhật Quang, Pháp luật về doanh nghiệp – Các các vấn đề pháp lý cơ bản, Nbx. Dân Trí, 2016.
  5. Caroline B. Ncube, Pre-Incorporation Contracts: Statutory Reform, University of Cape Town, The South African Law Journal, May 2014.
  6. Prasidh Raj Singh, Promoter and Pre-incorporation contract, Orissa India Law Journal, Vol 19, p.47. 2007.
  7. H. R. Saviprasad, Pre-incorporation contracts: A comparative analysis of Indian and English laws, Journal of the Indian law Institute, Vol 44, 2002.
  8. M. J. Whincop, Of Dragons and Horses: Filling Gaps in Pre-incorporation Contracts, 1998.
  9. J. P. Hambrook, Pre-Incorporation Contracts And The National Companies Code: What Does Section 81 Really Mean? , The Adelaide Law Review, 1982.
  10. Joseph H. Gross, Liability on Pre-incorporation Contracts: A Comparative Review, McGILL Law Journal, Vol 18, 1972.

[1] Điều 4.7 Luật doanh nghiệp 2014

[2] Xem thêm về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2014

[3] Pre-incorporation contracts: A comparative analysis of Indian and English laws, Journal of the Indian law Institute, Vol 44, p 117, 2002.

[4] Điều 385, BLDS 2015

[5] Prasidh Raj Singh, Promoter and Pre-incorporation contract, Orissa India Law Journal, Vol 19, p.47. 2007.

[6] Xem thêm phân tích quy định về PC của các nước trong hệ thống thông luật: J.P.Hambrook, Pre-incorporation contract and the National Company Code: What does Section 81 really mean?, The Adelaide Law Review, Jan 2007 và Dr. Joseph H. Gross, Liability on Pre-incorporation Contracts: A Comparative Review, McGILL Law Journal, Vol 18, 1972.

[7] Article 51. Pre-incorporation contracts, deeds and obligations (UK Companies Act 2006)

[8] Kelner v. Baxter 1866 là án lệ đầu tiên của Anh về PC, được ghi nhận vào năm 1866 dựa trên cơ sở pháp luật bấy giờ là Luật Doanh nghiệp Anh 1862. Xem toàn văn án lệ tại: https://www.iclr.co.uk/document/1865219673/casereport_30455/html

[9] The Gravesend Royal Alexandra Hotel Company

[10] H. R.Saviprasad, Pre-incorporation contracts: A comparative analysis of Indian and English laws, Journal of the Indian law Institute, Vol 44, p 118, 2002.

[11] Jacqueline Martin & Chris Turner, 2007, The fact of your fingertips…Company law, p.08.

[12] Điều 19. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp

  1. Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
  2. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
  3. Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.

[13] https://www.gov.za/documents/companies-act

[14] https://www.legislation.gov.au/Details/C2018C00031

[15] Xem chú thích 12

[16] Xem thêm về Quyền hưởng dụng:

Nguyễn Thị Phương Hải, Quyền Hưởng dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 01, 2017 tại http://tks.edu.vn/WebTapChiKhoaHoc/Detail/186?idMenu=64

[17] Điều 574 BLDS 2015.

[18] Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập 2, Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an Nhân dân, tr 264.

[19] Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập 2, Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an Nhân dân, tr 265.

Advertisement