[CS 05 – 12/2019] CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẢM TRỪ GIA CẢNH TRONG LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI TIỀN LƯƠNG, TIỀN CÔNG – THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

Trần Nguyễn Phước Thông (K5504T)

Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.

 

TÓM TẮT

Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân được xét giảm trừ gia cảnh. Đây là một quy định tiến bộ trong thuế thu nhập cá nhân nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu để duy trì cuộc sống của cá nhân có thu nhập và những người phụ thuộc cho nên quy định này chỉ áp dụng đối với thu nhập mang tính chất thường xuyên như thu nhập từ tiền lương, tiền công và dành cho đối tượng là cá nhân cư trú. Tuy nhiên, việc quy định và áp dụng vào thực tiễn trong thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho cá nhân có thu nhập chịu thuế, tác động không nhỏ đến quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của người phụ thuộc. Từ thực trạng này, tác giả có một vài kiến nghị liên quan đến quy định về giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. 

Từ khóa: Thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc.

 

ABSTRACT

The income for calculation of personal income tax from salaries or wages of individuals shall be considered for family circumstance reduction. This is a progressive regulation in personal income tax to ensure the essential need to sustain the lives of individuals with incomes and dependents, so this provision is only applicable to regular income such as income from wages and salaries and to individuals who reside. However, the regulation and applied in practice in the past have caused many shortcomings, causing difficulties for individuals with taxable income, affecting not only the right to care and nurture of the dependents. From this situation, the author has some recommendations related to the provisions on family allowances in the Law on Personal Income Tax on income from salaries and wages.

Keywords: Personal income tax, family circumstance reduction, dependents.

 

  1. Khái niệm

1.1. Khái niệm về thuế thu nhập cá nhân

Dưới góc độ kinh tế-xã hội, thuế thu nhập cá nhân là sự động viên của cải toàn xã hội để tái phân phối lại hướng đến mục tiêu công bằng. Vì vậy, thuế thu nhập cá nhân là quá trình chuyên hóa một phần nguồn lực từ khu vực tư nhân sang khu vực công nhằm thực hiện chức năng kinh tế-xã hội.

Dưới góc độ pháp lý, thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước. Nhà nước, bằng quy định của pháp luật, xác lập nghĩa vụ thuế của các thành viên trong xã hội và bảo đảm thực thi nghĩa vụ bằng quyền lực của Nhà nước.

Hơn nữa, thuế thu nhập cá nhân là một khoản thu bắt buộc mang tính cưỡng chế bằng sức mạnh của Nhà nước mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách Nhà nước; các khoản phải thu này không mang tính đổi giá và hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế. Bất kỳ một quốc gia nào có nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường đều coi thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế có tầm quan trọng lớn trong việc huy động nguồn thu ngân sách và thực hiện công bằng xã hội.

Qua đó, tác giả có thể cho rằng khái niệm thuế thu nhập cá nhân sẽ như sau: Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, thu vào thu nhập nhận được từ nhiều nguồn khác nhau (các loại thu nhập chịu thuế) của cá nhân, là một sắc thuế có tầm quan trọng lớn trong việc huy động nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và thực hiện hóa công bằng của xã hội.[1]

1.2. Giảm trừ gia cảnh

Giảm trừ gia cảnh[2] là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú. Nền kinh tế thị trường phát triển dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo và sự khác biệt về nhu cầu tiêu dùng giữa các cá nhân có thu nhập. Đồng thời, sự khác biệt giữa vùng miền (thành thị và nông thôn) tác động đến mức sống khác nhau của những người có thu nhập như nhau. Do đó, quy định về giảm trừ gia cảnh phải phù hợp với thực tế, đảm bảo công bằng và hợp lý trong việc chia sẻ gánh nặng về thuế đối với cá nhân có thu nhập. Mức giảm trừ gia cảnh sẽ bao gồm hai loại chủ yếu: giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.[3]

1.3. Các quy định của pháp luật về giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương.

– Về mặt nguyên tắc, nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được xác định như sau:[4]

  • Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
  • Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.
  • Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại Tiết d.4, Điểm d, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.
  • Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

– Về đối tượng, người phụ thuộc sẽ bao gồm các đối tượng sau đây:[5]

  • Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:
  • Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
  • Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
  • Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
  • Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.
  • Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:
  • Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
  • Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
  • Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
  • Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

– Về điều kiện để cá nhân được tính là người phụ thuộc, pháp luật về thuế thu nhập cá nhân quy định như sau:[6]

  • Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng động thời các điều kiện sau:

+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động

+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

  • Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

 

  1. Thực trạng và kiến nghị đối với những quy định về giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế Thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Thứ nhất, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 9,000.000 đồng/tháng, tức 108.000.000 đồng/năm.[7]

Mức giảm trừ gia cảnh này được áp dụng từ tháng 7 năm 2013, trong khi những năm qua thu nhập người dân tăng lên, kéo theo giá cả tăng, lạm phát hàng năm cũng tăng. Đặc biệt, tiền lương tối thiểu, lương cơ sở cũng liên tục được điều chỉnh tăng để bù trượt giá, cải thiện đời sống người lao động. Tuy nhiên, cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân vẫn không thay đổi. Tác giả cho rằng, mức giảm trừ thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đang quá thấp. Đặc biệt, khi các sắc thuế khác có thể tăng (như thuế giá trị gia tăng) khiến chi tiêu cá nhân tăng, nên mức giảm trừ gia cảnh cũng cần phải được nâng lên. Đồng thời, việc sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân phải tính toán một lộ trình sao cho hợp lý, công bằng, minh bạch. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tính theo GDP thực tế đang có sự tăng trưởng, trong khi mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế chỉ 9.000.000 đồng là quá thấp[8]. Mức thu nhập như trên cũng chưa thể xem là tầng lớp trung lưu, mà vẫn là người thu nhập thấp, trong khi đối tượng mà thuế thu nhập cá nhân hướng tới là người thu nhập cao.[9] Những cá nhân sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập 9.000.000 đồng mỗi tháng để đáp ứng cho các nhu cầu sống cơ bản dường như là bất khả thi. Trên thực tế, với sự tăng lên của chi phí giá cả hàng hóa và dịch vụ hiện nay, mức thu nhập từ 10.000.000 đồng mỗi tháng trở lên đối với một người lao động mới gọi là tạm ổn[10]. Đặc biệt, khi nhiều dịch vụ công đang dần chuyển sang cơ chế giá và xã hội hóa, ví dụ như một số phí và lệ phí sẽ chuyển sang cơ chế giá dịch vụ[11],… thì chi phí chi tiêu hàng ngày của người dân sẽ còn tăng cao. Gánh nặng tài chính của người dân không chỉ cho bản thân họ mà còn cho cuộc sống gia đình, ví dụ như: chi phí học hành cho con nhỏ, dự phòng tình trạng ốm đau, bệnh tật hay những trường hợp bất khả kháng khác. Mức 9.000.000 đồng mới chỉ đáp ứng được mức sống tối thiểu, nhưng khi thu nhập của người dân vừa vượt qua mức 9.000.000 đồng, họ ngay lập tức phải chịu thuế. Rõ ràng, mức khấu trừ 9.000.000 đồng mỗi tháng chủ yếu để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nên các cơ quan chức năng cần phải tính toán và cân nhắc lại, để người dân có cơ hội cải thiện cuộc sống của họ tốt hơn. Thiết nghĩ, các nhà làm luật nếu thay mức giảm trừ gia cảnh cũ bằng một mức khấu trừ cao hơn 9.000.000 đồng sẽ giúp cho người dân không còn phải lúng túng trước các vấn đề cơm áo gạo tiền trong cuộc sống cũng như để họ an tâm hơn trong gia tăng sản xuất, phát triển nền kinh tế nước nhà vì “dân giàu nước mạnh”.

Thứ hai, mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/tháng. Trước khi bình luận, tác giả muốn trình về nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, các đối tượng là người phụ thuộc và điều kiện để cá nhân được tính là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Mức giảm trừ được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu chỉ số GDP, chính sách tiền lương, tiền công của Nhà nước, tài liệu thống kê của Nhà nước và các kết quả điều tra xä hội học về thu nhập, chi tiêu thường xuyên của các tầng lớp dân cư đã được công bố.[12] Từ các thông tin về quy định của pháp luật đã được nêu ra, tác giả nhận thấy rằng: Mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình hình thành dựa trên cơ sở đan xen giữa quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác đã đưa ra quan niệm về gia đình: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở – đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình… Sự sản xuất ra đời sống – ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái – biểu hiện ra là một quan hệ song trùng; một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội, quan hệ xã hội với ý nghĩa đó là hoạt động kết hợp của nhiều cá nhân, không kể là trong những điều kiện nào, theo cách nào và nhằm mục đích gì”[13]. Quan niệm này đã chỉ rõ: thứ nhất, gia đình ra đời cùng với sự ra đời và tồn tại của xã hội loài người, cùng với quá trình tái tạo ra chính bản thân con người; thứ hai, gia đình được tạo ra bởi hai quan hệ cơ bản (quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống); thứ ba, gia đình có hai nhiệm vụ chính (sản xuất ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu cho cá nhân, gia đình, đóng góp vào sự phát triển xã hội, đồng thời tái sản xuất con người để duy trì nòi giống – đảm bảo cho sự trường tồn của xã hội).[14] Ngoài ra, khái niệm “gia đình” cũng được nêu rõ trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này.”[15] Như vậy, có thể nói rằng mỗi cá nhân có thể được nuôi dưỡng bởi nhiều cá nhân khác và ngược lại. Bởi vì một cá nhân có thể được nuôi dưỡng bởi cha hoặc mẹ hoặc cả hai; ngược lại cha mẹ có thể được nuôi dưỡng bởi một người con hoặc nhiều người con. Do đó, nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, tại Khoản 2 Điều 19 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. Như vậy, quy định về nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là hợp lý.

Tuy nhiên, về đối tượng là người phụ thuộc, tác giả nhận thấy quy định về người phụ thuộc là “Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động”[16] vẫn chưa hợp lý. Nếu so sánh với pháp luật về thuế thu nhập cá nhân của Hoa Kỳ thì pháp luật Việt Nam sẽ bộc lộ nhiều hạn chế về vấn đề này. “The Tax Jobs and Cuts Act of 2017”[17] quy định rằng: Để đủ điều kiện trở thành đối tượng là người phụ thuộc, đứa trẻ phải sống với gia đình hơn nửa năm và phải dưới 19 tuổi vào cuối năm, hoặc dưới 24 tuổi và là sinh viên toàn thời gian trong năm (tức là đi học ít nhất 5 tháng/năm). Cha mẹ[18] sẽ không cần phải chứng minh thu nhập của con mình nhỏ hơn một nửa khoản trợ cấp nuôi dưỡng của họ dành cho con, như đã được yêu cầu theo các quy tắc có hiệu lực một vài năm trước đây[19]. Điều đó có nghĩa là cha mẹ có thể yêu cầu giảm trừ gia cảnh ngay cả khi trẻ có thu nhập hợp lý, miễn là thu nhập của trẻ đáp ứng được điều kiện đã nêu ở trên.[20]

Có thể nhận thấy yếu tố khuyết tật không được đề cập và không phải là yếu tố tiên quyết đối với đối tượng là sinh viên có độ tuổi từ từ 19 đến 24 tuổi trong “The Tax Jobs and Cuts Act of 2017”. Từ thông tin này, tác giả cho rằng có rất nhiều cách để xác định người phụ thuộc: Độ tuổi, khả năng lao động và thu nhập thực tế của cá nhân được “giả định” là người phụ thuộc. “The Tax Jobs and Cuts Act of 2017” của Hoa Kỳ đã quy định rất cụ thể về trường hợp con cái từ 19 tuổi trở lên và dưới 24 tuổi nếu là sinh viên đại học, đồng thời thu nhập không đủ và cần sự trợ cấp nuôi dưỡng từ cha mẹ thì họ vẫn là người phụ thuộc. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chỉ căn cứ vào độ tuổi, vào tình trạng sức khỏe mà cụ thể là có khuyết tật hay không để làm căn cứ xác định người phụ thuộc là chưa đủ và chưa hợp lý. Bởi vì có những đối tượng tuy đã đủ tuổi và không bị khuyết tật theo như luật định nhưng thu nhập của họ vẫn không đủ để đáp ứng các nhu cầu sống cần thiết. Cụ thể, tác giả cho rằng pháp luật Việt Nam cần xem xét thêm về đối tượng là sinh viên vì trên thực tế, nhiều bạn sinh viên (trên 18 tuổi) không bị khuyết tật, vẫn đi làm thêm nhưng thu nhập hoàn toàn không đủ để trang trải học phí, họ vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ từ cha mẹ. Như vậy, về bản chất, thu nhập của họ là không đủ và họ vẫn có thể được coi là người phụ thuộc. Từ khía cạnh này, tác giả hy vọng rằng các nhà làm luật nên cân nhắc thêm đối tượng người phụ thuộc, vì căn cứ vào độ tuổi và khả năng lao động là chưa đủ, mà còn phải căn cứ vào thu nhập thực tế của họ cũng như là các khoản trợ cấp của cha mẹ cho họ. Nếu cha mẹ vẫn hỗ trợ tài chính vượt hơn một nửa thu nhập của họ thì các nhà lập pháp nên có những quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn.

Ngoài ra, qua những phân tích và đánh giá nêu trên, tác giả cũng muốn trình bày về một vấn đề mà dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân không đề cập chỉnh sửa. Đó là việc xác định các người phụ thuộc bao gồm: Vợ hoặc chồng của người nộp thuế, Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế, Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng (Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế, Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế, Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột, Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.)[21]. Những người này phải không có thu nhập và nếu có thu nhập thì thu nhập bình quân tháng không quá 1.000.000 đồng/tháng. Trên thực tế, có thể thấy mức 1.000.000 đồng/tháng được áp dụng từ năm 2013 đến nay đã quá lạc hậu.[22] Với quy định này, người có thu nhập 1.100.000 đồng/tháng cũng không được giảm trừ theo người nộp thuế trong khi số tiền này không thể đủ cho họ tự sống. Mức thu nhập này còn thua xa chuẩn nghèo của thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 là 1.750.000 đồng/người/tháng trở xuống.[23] Còn theo quy định chung của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 thì người có thu nhập 1.000.000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/tháng ở khu vực thành thị là được xếp vào danh sách cận nghèo.[24] Theo các quy định, người ở chuẩn cận nghèo và nghèo phải được nhà nước có các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội. Do đó, Bộ Tài chính cần xem xét điều chỉnh lại quy định về thu nhập của người phụ thuộc cho phù hợp với các luật hiện hành khác của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cũng phải cần tính toán đến việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc để đảm bảo mức sống cho người dân.[25]

Ở góc nhìn khác, ngay cả mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc vẫn giữ nguyên là 3.600.000 đồng/tháng trong nhiều năm liền là không hợp lý.   Vì sao bản thân người nộp thuế được khấu trừ đến 9.000.000 đồng nhưng một người phụ thuộc đi theo chỉ được trừ 3.600.000 đồng/tháng? Phải chăng chi tiêu hàng ngày về các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở hoặc sinh hoạt phí của người phụ thuộc lại ít hơn người nộp thuế? Chúng ta có thể nói khả năng tạo ra thu nhập của người phụ thuộc thấp hơn người nộp thuế nhưng không thể khẳng định rằng nhu cầu chi tiêu của họ là thấp hơn người nộp thuế. Do đó, Bộ Tài chính có thể liệt kê tất cả các chi phí cần thiết cho cuộc sống của một người để đưa ra tính toán cụ thể và hợp lý hơn thay vì tiếp tục sử dụng những quy định mang tính chất  như vậy.

Nếu so sánh với pháp luật của Hoa Kỳ, chúng ta có thể thấy rằng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc ở Hoa Kỳ (Luật liên bang) vào năm 2007 là 3400 USD[27]. Tuy nhiên, từ năm 2017, mức giảm trừ này đã tăng lên thành 4050 USD (“The Tax Jobs and Cuts Act of 2017”).[28]  Như vậy, rõ ràng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc ở Hoa Kỳ sau 10 năm (2007-2017) đã tăng thêm 650 USD. Nguyên do cho việc tăng này là mức lương tối thiểu ở các bang của Hoa Kỳ đều tăng. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ tăng mức lương tối thiểu tính theo giờ chứ không phải tính theo tháng như ở Việt Nam. Ví dụ như từ ngày 01/01/2018, ở bang New York, mức lương tối thiểu cho công nhân phục vụ các cửa hàng thức ăn nhanh làm việc ngoài Thành phố New York sẽ tăng từ 10,75 USD lên 11,75 USD vào cuối tuần. Nó sẽ đạt 15 đô la một giờ vào tháng 7 năm 2021.[29] Như vậy, chính phủ Hoa Kỳ đã luôn bắt kịp mức sống cũng như tình trạng thu nhập của người dân ở nước họ để điều chỉnh các mức giảm trừ gia cảnh, các mức khấu trừ thuế phù hợp và có lợi nhất cho công dân của họ. Thiết nghĩ, chính phủ Việt Nam cũng nên cân nhắc về vấn đề này, xem xét thêm về các mức giảm trừ gia cảnh hiện nay hoặc mức thu nhập để xem xét đối tượng là người phụ thuộc sao cho công bằng, có lợi hơn cho người dân Việt Nam.

 

  1. Kết luận

Thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công là loại thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của các cá nhân làm công, ăn lương. Do đó, yêu cầu về tính công bằng của sắc thuế này đã được thể hiện rất rõ ngay chính trong tên gọi của nó. Việc xác định toàn diện các khía cạnh để xem xét những đối tượng người phụ thuộc phù hợp và chỉnh sửa các mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng như người phụ thuộc là cần thiết cho cuộc sống của người dân hiện nay. Tác giả hy vọng rằng những ý kiến đã nêu ở trên phần nào sẽ giúp người đọc hiểu thêm về các quy định giảm trừ gia cảnh cũng như hy vọng pháp luật Việt Nam sẽ khắc phục được những khuyết điểm còn tồn đọng về thuế thu nhập cá nhân để có thể có những quy định phù hợp hơn cho việc đánh thuế thu nhập tại Việt Nam./.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. Phan Thỵ Tường Vi (2015), Tài liệu học tập Luật thuế, NXB Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 91.
  2. Giáo trình Luật thuế, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, năm 2016, trang 340.
  3. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.21, Nxb CTQG, H, 1995, tr 44.
  4. Lê Xuân Trường, “Mở rộng cơ sở thuế: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Tài chính Số 662, Kỳ 1 tháng 8 năm 2017, trang 8.

     Danh mục văn bản pháp luật

  1. The Tax Jobs and Cuts Act of 2017
  2. Luật thuế thu nhập cá nhân 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)
  3. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
  4. Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
  5. Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
  6. Quyết định 58/2015/QĐ-UBND quy định về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
  7. Quyết định 59/2015/QĐ-TTG quy định về việc ban hành chuẩn nghèo cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Danh mục tài liệu online

  1. GovCentral – Government Jobs, Security Clearances, and Pay Scales, “Tax Exemptions and Deductions Available For Families”.
  2. Intuit Turbotax – INTUIT INC. [US], (Updated for Tax Year 2018) “Tax Exemptions and Deductions for Families”.
  3. Julia Horowitz, (2017), “Here’s where the minimum wage is going up in 2018”. Được lấy về từ:

https://money.cnn.com/2017/12/29/news/economy/2018-minimum-wage-increases/index.html, ngày truy cập: 29/10/2018.

  1. Tạp chí Mặt trận – Cơ quan của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, “Những giá trị lý luận và thực tiễn từ quan điểm của C.Mác về hôn nhân và gia đình.” Được lấy về từ:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2014-04-11/ra-soat-thu-phi-le-phi-theo-co-che-gia-dich-vu-9025.aspx, ngày truy cập: 27/10/2018.

  1. Kinh tế và Dự báo – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018, Dự kiến tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 đạt 6,90%. Được lấy về từ: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-12374-du-kien-tang-truong-gdp-binh-quan-giai-doan-2019-2020-dat-690.html, ngày truy cập: 29/10/2018.
  2. Thời báo tài chính Việt Nam – Cơ quan của Bộ Tài chính, 2014, Sẽ chuyển một số phí, lệ phí sang cơ chế giá dịch vụ. Được lấy về từ: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2014-04-11/ra-soat-thu-phi-le-phi-theo-co-che-gia-dich-vu-9025.aspx, ngày truy cập: 27/10/2018.
  3. Thanh niên online, (2018), “Thuế thu nhập cá nhân vẫn quá sức chịu đựng”. Được lấy về từ:

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thue-thu-nhap-ca-nhan-van-qua-suc-chiu-dung-867783.html, ngày truy cập: 28/10/2018.


[1] Phan Thỵ Tường Vi (2015), Tài liệu học tập Luật thuế, NXB Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 91.

[2] Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

[3] Khoản 4 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân 2012 (sửa đổi, bổ sung 2014)

[4] Tiết c.2 Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

[5] Điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

[6] Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

[7] Khoản 4 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân 2012 (sửa đổi, bổ sung 2014)

[8] Theo Kinh tế và Dự báo – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018, Dự kiến tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019-2020 đạt 6,90%. Được lấy về từ:

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-12374-du-kien-tang-truong-gdp-binh-quan-giai-doan-2019-2020-dat-690.html, ngày truy cập: 29/10/2018.

[9] Theo Hà Nội mới – Cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội , Các nước thu thuế thu nhập cá nhân thế nào?. Được lấy về từ:

http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chung-khoan/888397/cac-nuoc-thu-thue-thu-nhap-ca-nhan-the-nao, ngày truy cập: 01/11/2018.

[10] Theo Tuổi trẻ online, Ở TP.HCM thu nhập 10 triệu đồng/tháng may ra mới đủ. Được lấy về từ: https://tuoitre.vn/o-tphcm-thu-nhap-10-trieu-dong-thang-may-ra-moi-du-1304958.htm, ngày truy cập: 01/11/2018.

[11] Theo Thời báo tài chính Việt Nam – Cơ quan của Bộ Tài chính, 2014, Sẽ chuyển một số phí, lệ phí sang cơ chế giá dịch vụ. Được lấy về từ:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2014-04-11/ra-soat-thu-phi-le-phi-theo-co-che-gia-dich-vu-9025.aspx, ngày truy cập: 27/10/2018.

[12] Giáo trình Luật thuế, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, NXB Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, năm 2016, trang 340.

[13] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.21, Nxb CTQG, H, 1995, tr 44.

[14] Theo Tạp chí Mặt trận – Cơ quan của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Những giá trị lý luận và thực tiễn từ quan điểm của C. Mác về hôn nhân và gia đình. Được lấy về từ: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/nhung-gia-tri-ly-luan-va-thuc-tien-tu-quan-diem-cua-cmac-ve-hon-nhan-va-gia-dinh-12890.html, ngày truy cập: 29/10/2018.

[15] Khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

[16] Điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

[17] “The Tax Jobs and Cuts Act of 2017, signed into law by President Trump on December 22, 2017”. Information from the article: Kelly Phillips Erb, 2018,  New: IRS Announces 2018 Tax Rates, Standard Deductions, Exemption Amounts And More. Retrieved from:

https://www.forbes.com/sites/kellyphillipserb/2018/03/07/new-irs-announces-2018-tax-rates-standard-deductions-exemption-amounts-and-more/amp/, visited day: 01/11/2018.

[18] Người có nghĩa vụ nộp thuế.

[19] Giả sử: – Khoản trợ cấp nuôi dưỡng cha mẹ dành cho con là: X

  • Khoản thu nhập của con cái là: Y
  • Y ≤ ½ X

[20] Intuit Turbotax – INTUIT INC. [US], (Updated for Tax Year 2018) “Tax Exemptions and Deductions for Families”.

Retrieved from: https://turbotax.intuit.com/tax-tips/family/tax-exemptions-and-deductions-for-families/L0Nx5Tnxi, visited day: 29/10/2018.

[21] Điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

[22] Lê Xuân Trường, “Mở rộng cơ sở thuế: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Tài chính Số 662, Kỳ 1 tháng 8 năm 2017, trang 8.

[23] Quyết định 58/2015/QĐ-UBND quy định về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.

[24] Quyết định 59/2015/QĐ-TTG quy định về việc ban hành chuẩn nghèo cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

[25] Theo Thanh niên online, (2018), “Thuế thu nhập cá nhân vẫn quá sức chịu đựng”. Được lấy về từ: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thue-thu-nhap-ca-nhan-van-qua-suc-chiu-dung-867783.html, ngày truy cập: 28/10/2018.

[26] Điều 3 Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

[27] GovCentral – Government Jobs, Security Clearances, and Pay Scales, “Tax Exemptions and Deductions Available For Families”. Retrieved from:

http://govcentral.monster.com/training/articles/1475-tax-exemptions-and-deductions-available-for-families, visited day: 29/10/2018.

[28] Intuit Turbotax – INTUIT INC. [US], (Updated for Tax Year 2018) “Tax Exemptions and Deductions for Families”. Retrieved from:

https://turbotax.intuit.com/tax-tips/family/tax-exemptions-and-deductions-for-families/L0Nx5Tnxi, visited day: 29/10/2018.

[29] Julia Horowitz, (2017), “Here’s where the minimum wage is going up in 2018”. Retrieved from: https://money.cnn.com/2017/12/29/news/economy/2018-minimum-wage-increases/index.html, visited day: 29/10/2018.

Advertisement