Nguyễn Tuấn Kiệt, Sinh viên K17502, ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
Xuất khẩu thủy sản luôn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từ trước đến nay của Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định nghiêm ngặt về IUU Fishing từ các thị trường nhập khẩu thủy sản chính đã và đang đặt ra nhiều thách thức lẫn cơ hội phát triển bền vững cho ngành khai thác thủy sản Việt Nam. Với vấn đề thực tiễn đặt ra như trên, bài viết nhằm mục đích giới thiệu các quy định về IUU Fishing trong luật pháp quốc tế, đặc biệt, tập trung phân tích các quy định về IUU của Liên Minh Châu Âu (EU). Dựa trên cơ sở đó, tác giả đề ra một số khuyến nghị về hoàn thiện khung pháp lý mà các cơ quan đầu ngành thủy sản Việt Nam có thể áp dụng để đáp ứng các quy định về IUU Fishing từ phía quốc gia nhập khẩu, từ đó có thể “dọn đường” cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU.
Từ khóa: IUU Fishing, IUU, EU, Việt Nam, thủy sản khai thác
Seafood exports always play an important role in the strategy of economic and social development ever in Vietnam. However, the rigorous regulations on IUU Fishing from main seafood import markets have posed many challenges and opportunities for sustainable development of fisheries sector in Vietnam. With practical problems above, the article aims to introduce regulations on IUU Fishing in international law, in particular, focus on analyzing the regulations on IUU European Union (EU). Based on that, the authors set out some recommendations for improvement regulatory framework that the leading agencies of Vietnam’s fisheries can be applied to meet the regulations on IUU Fishing from the importing countries, which could “pave the way” for Vietnam’s seafood exports to strict markets such as the EU.
- IUU Fishing
1.1 Khái niệm IUU Fishing
Theo định nghĩa của Tổ chức Nông nghệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) (2001) trích trong Chương trình hành động quốc tế nhằm ngăn ngừa, phòng tránh và loại bỏ các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quy định (FAO-IPOA IUU), IUU Fishing là một khái niệm rộng bao gồm:
– Hành vi đánh bắt bất hợp pháp (illegal) bao gồm các hoạt động:
(i) được thực hiện bởi tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của một quốc gia mà không được quốc gia đó cho phép hoặc vi phạm các quy định pháp luật của quốc gia đó về vấn đề nghề cá;
(ii) được thực hiện bởi tàu thuyền mang cờ một quốc gia thành viên của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản trái với quy định của tổ chức đó về vấn đề bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản theo luật pháp quốc tế;
(iii) tàu thuyền mang cờ một quốc gia là đối tác của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản trái với quy định của tổ chức đó về vấn đề bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản theo luật pháp quốc tế.
– Hành vi đánh bắt không được báo cáo (unreported) là hoạt động đánh bắt:
(i) được thực hiện bởi tàu thuyền trong vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của một quốc gia nhưng không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó, trái với các quy định trong pháp luật của quốc gia đó;
(ii) được thực hiện bởi tàu thuyền đánh bắt thủy sản trong vùng biển của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực nhưng không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật, trái với các quy định về thủ tục báo cáo của tổ chức đó.
– Hành vi đánh bắt không được kiểm soát (unregulated) là các hoạt động đánh bắt:
(i) xảy ra trong vùng biển thuộc sự quản lý của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Hành động này được thực hiện bởi tàu thuyền không có quốc tịch hoặc mang cờ của một quốc gia không phải thành viên của tổ chức quản lý nghề cá đó hoặc được thực hiện không phù hợp với các biện pháp về bảo tồn và quản lý tài nguyên của tổ chức nghề cá đó;
(ii) Đánh bắt thủy sản trong các vùng biển hoặc tại các ngư trường không có các quy định về biện pháp bảo tồn và quản lý tài nguyên. Đồng thời, việc đánh bắt này được thực hiện trái với các nghĩa vụ của các quốc gia về bảo tồn tài nguyên sinh vật biển theo luật quốc tế.[2]
Như vậy, IUU Fishing đã được định nghĩa khá rõ ràng, chi tiết. Theo đó, IUU Fishing đề cập đến hoạt động đánh bắt cá trái phép, không được báo cáo, không được kiểm soát của các chủ thể là tàu đánh bắt trong nước hay nước ngoài, thuộc quốc gia là thành viên hay không thành viên của một Tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO), nơi đánh bắt nằm trong khu vực các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của một quốc gia hay vùng biển của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
1.2 Nguyên nhân, thực trạng và tác động tiêu cực của IUU Fishing
Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng (xấp xỉ 7,49 tỷ người theo thống kê của Liên hợp quốc tính đến ngày 22/3/2017[3]), biến đổi khí hậu và nạn đói vẫn còn xảy ra ở nhiều khu vực, thủy sản đóng vai trò là một nguồn thực phẩm quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết công ăn việc làm cho người dân và góp phần đáng kể vào nền kinh tế của nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tiêu cực, tình hình đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép, không được quản lý, kiểm soát bởi các cơ quan chức năng đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái môi trường biển và thương mại toàn cầu.
Trên khía cạnh kinh tế, theo FAO, các hoạt động đánh bắt IUU là nguyên nhân chính gây thiệt hai khoảng 11–26 triệu tấn cá mỗi năm, ước tính có giá trị kinh tế từ 10 đến 23 tỷ USD[4]. Nguyên nhân là vì IUU Fishing làm giảm sản lượng khai thác có thể được thực hiện bởi quốc gia ven biển nếu việc khai thác IUU không diễn ra. Ngoài ra, IUU Fishing còn gây thất thoát các khoản thu thực tế cho các quốc gia ven biển dưới dạng phí, thuế và các khoản thu khác do các chủ thể (ngư dân, doanh nghiệp đánh bắt, nghiệp đoàn nghề cá,..) khai thác thủy sản hợp pháp chi trả.
Trên khía cạnh môi trường – xã hội, IUU Fishing gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi sinh vật biển do đánh bắt quá mức, không chọn lọc, sử dụng các phương tiện đánh bắt không đúng quy chuẩn cho phép. Do đó, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của ngư dân và tác động tiêu cực đến ngành khai thác thủy sản địa phương với quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ IUU xâm nhập vào thị trường các nước nhập khẩu, điều tiết nguồn cung thực phẩm nội địa. Do đó, việc IUU Fishing đe dọa đến sinh kế, làm trầm trọng thêm đói nghèo và gia tăng rủi ro mất an ninh lương thực. Thậm chí, IUU Fishing còn có thể liên quan đến tội phạm có tổ chức[5], bóc lột sức lao động của ngư dân làm việc trên tàu dánh bắt IUU[6].
Theo tác giả, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng IUU Fishing diễn ra khá phổ biến trên qui mô toàn cầu như hiện nay. Thứ nhất, nhu cầu thủy sản liên tục tăng của thị trường (từ năm 1961 đến năm 2016, mức tiêu thụ thủy sản đánh bắt tăng trung bình hàng năm trên toàn cầu là 3,2%, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dân số là 1,6 %)[7] trong khi nguồn lợi thủy sản lại suy giảm đã góp phần đẩy giá sản phẩm lên cao và tạo sức ép lên nguồn cung. Với tầm nhìn lợi ích kinh tế ngắn hạn, ngư dân đã tự ý đánh bắt bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu thị trường và thu được lợi nhuận cao nhất từ IUU Fishing. Thứ hai, trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ngày càng ít đi thì lực lượng tàu cá đánh bắt ngày càng nhiều, công suất không ngừng cải tiến thậm chí là khả năng đông lạnh, lưu trữ lượng cá lớn để đánh bắt xa bờ dẫn đến tận diệt các nguồn lợi thủy sản tự nhiên nhằm mục đích bù đắp chi phí, hồi vốn và thu lợi nhuận cho mỗi chuyến đánh bắt. Thứ ba, đó là hệ thống pháp lý lỏng lẻo trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát sản lượng đánh bắt các tàu đánh bắt, đánh bắt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia và vùng biển quốc tế.
1.3 Tính cấp thiết phải quy định chặt chẽ các hoạt động liên quan đến IUU Fishing
Cộng đồng quốc tế đã đề cập đến IUU Fishing trong hàng thập kỷ qua, thừa nhận việc đánh bắt cá IUU là mối đe dọa lớn đối với tính bền vững của nguồn lợi thủy sản, đến sinh kế của những người phụ thuộc và các hệ sinh thái biển nói chung[8]. Tuy nhiên, nó mới chỉ được các quốc gia quan tâm trong vài năm trở lại đây sau khi tổ chức FAO thông qua “Kế hoạch hành động quốc tế” nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá vi phạm IUU vào năm 2001.
Trước những tác hại mà IUU Fishing gây ra, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức nghề cá khu vực (RFMO) và các quốc gia đã thực hiện nhiều nỗ lực để hạn chế, xóa bỏ IUU Fishing trên toàn cầu từ việc ban hành các công ước, nghị quyết, luật, quy định, chương trình hành động,… về IUU Fishing. Cụ thể, các quy định IUU Fishing được đề cập một cách cơ bản trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp định thúc đẩy tuân thủ các biện pháp quốc tế về bảo tồn và quản lý thực hiện bởi tàu cá tại vùng biển quốc tế của FAO năm 1993, Hiệp định về biện pháp của các quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ IUU năm 2009. Đặc biệt, với vị thế là các quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ môi trường, nền lập pháp tiến bộ, sỡ hữu một thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, EU đã ban hành luật, quy định riêng về các hoạt động liên quan đến IUU Fishing, tương tự, Mỹ cũng đã ban hành Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) 09/12/2016.
Việc thực hiện mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm của các Chính phủ và người dân vào những tác động tiêu cực của hoạt động IUU Fishing và đặc biệt là xây dựng một cơ chế pháp lý quy định rõ ràng từ phía các cơ quan Nhà nước có liên quan.
- Quy định của EU về IUU Fishing:
Với mục tiêu bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản theo chính sách thủy sản chung[9], bảo đảm khai thác nguồn tài nguyên sinh vật, mang lại các điều kiện kinh tế, môi trường và xã hội bền vững, Hội đồng Liên minh Châu Âu (EC) đã ban hành Nghị quyết No. 1005/2008 ngày 29/9/2008, thiết lập một hệ thống nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động liên quan đến IUU Fishing.
2.1 Tàu đánh bắt thực hiện hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát.
Một tàu đánh bắt được xem là thực hiện hoạt động IUU Fishing nếu có các biểu hiện theo Điều 3 (1), Nghị quyết (EC) No. 1005/2008. Các hành vi trên, phụ thuộc vào mức độ vi phạm, được xác định dựa trên các tiêu chí như mức độ, giá trị thiệt hại gây ra hay mức độ độ lặp lại[10], sẽ được coi là vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Điều 42[11] và phải chịu mức xử phạt hành chính một cách hiệu quả, thích đáng và có tính chất răn đe[12].
Vào năm 2006, Cảnh sát biển Na Uy đã kiểm tra một số tàu đánh cá của Tây Ban Nha gần khu vực quần đảo Svalbard (Spitsbergen), Nauy. Các cảnh sát biển đã phát hiện ngoài đầu và ruột cá tuyết đã báo cáo cho cho chính quyền Na Uy còn có đến 600 tấn phi-lê cá tuyết đã không được báo cáo. Chính quyền Na Uy sau đó đã áp dụng mức tiền phạt đối với công ty tàu đánh cá Tây Ban Nha tương đương với 2 triệu euro[13] đối với hành vi sai phạm con tàu này.
2.2 Khám xét tàu của nước thứ ba tại cảng của quốc gia thành viên
Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động liên quan đến IUU Fishing, Nghị quyết (EC) No. 1005/2008 đặt ra các điều kiện cho tàu của nước thứ ba cập cảng. Trước khi tàu dự kiến cập cảng, thuyển trưởng hoặc người đại diện các tàu đánh bắt của nước thứ ba phải khai báo đầy đủ các thông tin liên quan đến thông tin nhận dạng tàu, giấy phép khai thác hoặc giấy phép hỗ trợ hoạt động khai thác hoặc chuyển tải các sản phẩm thủy sản, thời gian và địa điểm đánh bắt, số lượng hàng hoá thủy sản theo từng chủng loại có trong khoang và dự kiến sẽ cập cảng hoặc chuyển tải cho cơ quan chức năng của quốc gia thành viên có cảng biển được chỉ định hay có dụng cụ neo đậu mà tàu muốn sử dụng ít nhất ba ngày làm việc[14]. Việc khai báo này giúp ngăn chặn các tàu cập cảng bất ngờ và cho phép cảng nhập chuẩn bị tiếp nhận, thanh tra và tiến hành kiểm tra lý lịch tàu. Nó cũng cho phép các quốc gia thành viên cập nhật thông tin về đặc điểm và hoạt động của tàu để có thể đưa ra quyết định sớm và thông báo về việc cho phép hay từ chối tiếp nhận tàu đánh bắt[15]. Ngoài ra, tàu đánh bắt của nước thứ ba chỉ được tiếp nhận các dịch vụ cảng, tiến hành cập cảng hay chuyển tải hàng hóa trong phạm vi cảng được chỉ định[16].
Như vậy, tàu đánh cá của nước thứ ba nếu không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Nghị quyết (EC) No. 1005/2008 quy định sẽ không được phép vào cảng, không được cung cấp các dịch vụ cảng và hoạt động cập cảng hay chuyển tải của tàu tại cảng sẽ bị cấm, loại trừ một số trường hợp bất khả kháng hay tình huống ngoại lệ[17]. Bên cạnh đó, mọi hành vi trao đổi, chuyển đổi hàng hóa giữa tàu đánh bắt của các quốc gia thành viên trong khối EU và nước thứ ba cũng bị nghiêm cấm[18].
Đây là một biện pháp khá hiệu quả trong việc ngăn chặn các tàu IUU Fishing trong việc cập cảng và tuồn sản phẩm đánh bắt trái phép vào thị trường các quốc gia thành viên EU nhưng chưa hoàn toàn có thể xóa bỏ vấn nạn IUU Fishing trên toàn cầu. Thêm vào đó, các tàu cá vi phạm IUU vẫn có thể cập cảng ở những khu vực khác, không bị kiểm soát gắt gao như EU[19]. Mặt khác, thực tế không phải lúc nào các tàu IUU Fishing cũng cập cảng ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, các tàu đánh cá có thể cấp đông cá ngay trên tàu khi đang trên biển, cho phép họ duy trì sản phẩm đánh bắt trong nhiều tháng. Chính điều này gây nhiều trở ngại cho công tác kiểm tra của cơ quan chuyên trách ở các quốc gia đang phát triển xuất khẩu thủy sản vào EU, nơi mà sự quản lý, kiểm soát vấn nạn IUU Fishing còn khá lỏng lẻo.
2.3 Giấy chứng nhận khai thác cho hoạt động xuất nhập khảu các sản phẩm thủy sản
Theo Điều 12, Nghị quyết (EC) No. 1005-2008, các sản phẩm thủy sản chỉ được phép nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU) nếu có giấy chứng nhận khai thác (về sau gọi là giấy chứng nhận) phù hợp với những yêu cầu theo quy định: giấy chứng nhận được chứng thực độ chính xác của thông tin bởi một cơ quan chuyên trách có thẩm quyền của quốc gia tàu treo cờ hoặc dựa trên giấy chứng nhận của tàu đánh bắt đã thực hiện hoạt động đánh bắt sản phẩm thủy sản mà tàu chuyên chở, cung cấp đầy đủ các thông tin được cụ thể hóa trong mẫu Phụ lục có đính kèm theo Nghị quyết[20]. Với sự đồng ý của quốc gia tàu treo cờ, giấy chứng nhận được chứng thực và được trình thông qua phương tiện điện tử hoặc được thay thế bởi các hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đảm bảo mức độ kiểm soát tương đương của các cơ quan chức năng nếu EU và quốc gia tàu treo cờ có một khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực hành chính cấp giấy chứng nhận này[21].
Giấy chứng nhận chứng nhận rằng việc đánh bắt được tiến hành theo đúng quy định pháp luật, các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế được áp dụng. Theo đó, thuyền trưởng phải có trách nhiệm điền các thông tin về tàu khai thác, sản lượng và loài, sau đó giấy chứng nhận này mới được chuyển đến nhà xuất khẩu hoàn thành các thông tin sau cùng trước khi trình lên cơ quan chức năng để chứng nhận. Tiếp theo, giấy chứng nhận hợp lệ sẽ được bên nhập khẩu trình cơ quan chức năng của quốc gia thành viên dự kiến xuất khẩu hàng hóa vào ít nhất là 3 ngày làm việc trước khi hàng về đến cửa khẩu vào lãnh thổ Cộng đồng[22]. Đến đây sản phẩm mới đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường EU. Sau khi nhận được hồ sơ giấy chứng nhận khai thác từ tàu cập cảng, bên quốc gia có cảng tiến hành thực hiện các hoạt động thẩm tra giấy chứng nhận khai thác và kiểm tra hàng hóa[23]. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, cơ quan có chức năng của các nước thành viên hoàn toàn có thể từ chối nhập khẩu hàng hóa vào EU mà không cần đề nghị chứng cứ bổ sung hay đề nghị quốc gia tàu treo cờ giúp đỡ nếu có sai xót hay độ tin cậy của thông tin trong giấy chứng nhận[24].
Là một thị trường lớn cho các sản phẩm cá, EU có thể chọn và liệt một quốc gia là bất hợp tác và sẽ mất quyền tiếp cận thị trường các quốc gia thành viên EU[25]. Trong quá khứ, EU từng đã cấm các sản phẩm thủy sản của Campuchia, Ghi-nê, Sri-lan-ca, Bê-li-xê. Đây là bài học nhãn tiền cho các quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển trước vấn nạn IUU Fishing và lợi ích kinh tế. Có thể nói, giấy chứng nhận khai thác như một “giấy thông hành” hay “hộ chiếu xanh” cho các quốc gia muốn xuất khẩu thủy sản vào EU và tránh được những rào cản kỹ thuật làm tăng chi phí đầu vào một cách không cần thiết từ cơ quan chức năng của nước nhập khẩu.
2.4 Thiết lập danh sách tàu cá và các nước không tuân thủ các quy định về phòng chống IUU:
Một điểm đặc trưng trong Quy định IUU của EU là việc tạo ra một danh sách tàu IUU trên quy mô toàn cầu đã tham gia vào khai thác IUU, trong đó sẽ chứa thông tin tàu đánh bắt và được xác định bởi Liên minh châu Âu và các nước thành viên[26]. Danh sách các tàu đánh bắt IUU được hình thành dựa trên những thông tin cơ bản được quy định tại điều 25, Nghị quyết (EC) No.1005-2008.
Trước khi EU đưa bất cứ tàu nào vào danh sách tàu đánh bắt IUU, Ủy ban sẽ thông báo chi tiết lý do tàu có nguy cơ bị đưa vào danh sách và các yếu tố chứng minh tàu đã tham gia hoạt động IUU Fishing cho chủ tàu và bên vận hành tàu. Thông báo này cũng trao quyền được hỏi hay cung cấp thêm thông tin cho chủ tàu và, nếu phù hợp, bên vận hành tàu cơ hội có ý kiến và tự bảo vệ mình, cho họ có đủ thời gian và phương tiện. Ủy ban cũng sẽ thông báo cho quốc gia tàu treo cờ về việc đưa tàu vào danh sách tàu đánh bắt IUU của EU và sẽ cung cấp cho quốc gia đó lý do tại sao tàu bị đưa vào danh sách, cũng như đề nghị các quốc gia tàu treo cờ có tàu bị đưa vào danh sách thông báo cho chủ tàu và tiến hành các biện pháp cần thiết để xóa bỏ các hoạt động đánh bắt, có báo cáo lại cho Ủy ban các biện pháp đã được thực thi[27]. Nếu các tàu thực hiện tốt các biện pháp để chấm dứt, xóa bỏ các hoạt động IUU Fishing, đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 28, Ủy ban Châu Âu (EC) có thể suy xét đưa tàu ra khỏi danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng.
Tương tự đối với quốc gia bất hợp tác[28], khi một quốc gia chính thức bị EU cảnh báo (nhận “thẻ vàng”) do các vi phạm liên quan đến IUU Fishing, thông báo sẽ được đăng tải trên trang web và trên Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu[29] để cảnh cáo hoạt động các quốc gia đang thực hiện và để đảm bảo rằng các nước thành viên áp dụng biện pháp thích hợp đối với các nước thứ ba[30].
Song song với đó, Ủy ban sẽ thông qua các biện pháp khẩn cấp theo nghĩa vụ quốc tế kéo dài không quá 6 tháng, sau đó, Ủy ban có thể đưa ra quyết định mới để kéo dài các biện pháp khẩn cấp thêm không quá 6 tháng nữa. Khi một quốc gia bị rút “thẻ vàng”, các tàu đánh bắt của quốc gia này sẽ bị chịu những biện pháp kiểm soát gắt gao, hạn chế từ phía các quốc gia thành viên thuộc EU[31].
Nếu các quốc gia bị rút “thẻ vàng” không cải thiện được tình trạng đánh bắt IUU tại quốc gia mình, EU sẽ tiếp tục rút “thẻ đỏ” với quốc gia đó. Hậu quả, các quốc gia này sẽ bị cấm xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường EU, ngược lại, EU cũng nghiêm cấm các hoạt động mua bán của doanh nghiệp EU với tàu đánh cá treo cờ của các quốc gia bị “thẻ vàng”, cấm các quốc gia thành viên xuất bán tàu cho các quốc gia đó, Ủy ban không được đàm phán để ký thỏa thuận song phương về thuỷ sản hoặc thỏa thuận hợp tác về thuỷ sản, lên án bất kỳ thỏa thuận khai thác thủy sản song phương hiện hành hoặc thoả thuận hợp tác về thuỷ sản nào với các nước đó[32]. Trong cuộc chơi thương mại toàn cầu, EU đã dùng quyền lực của mình về kinh tế, ngoại giao đề tạo sức ép cho các quốc gia khác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về IUU Fishing nếu không muốn đánh mất miếng bánh thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới với GDP năm 2017 là 15.3 nghìn tỷ Bảng Anh[33].
Kể từ khi luật đánh bắt trái phép của EU có hiệu lực, hàng loạt các quốc gia đã bị nhận lời cảnh báo và bị rút “ thẻ vàng”, thâm chí là “thẻ đỏ” khi thất bại trong việc cải thiện tình trạng đánh bắt IUU trong cộng đồng. Tuy nhiên, các quốc gia hoàn toàn có thể được EU ban “thẻ xanh”, đồng nghĩa với việc được rút khỏi danh sách các quốc gia bất hợp tác trong việc ngăn chặn và xóa bỏ IUU Fishing nếu đáp ứng được những yêu cầu mà EU đã đề ra[34].
- Nổ lực ngăn chặn và từng bước xóa bỏ IUU Fishing – Câu chuyện của Việt Nam
3.1 EU rút “thẻ vàng” với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
Với đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh và ngư trường giàu tiềm năng, Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển ngành đánh bắt, chế biến và xuất khẩu (XK) hải sản. Cụ thể, năm 2017, sản lượng thủy sản khai thác của cả nước ước tính đạt 3.389,3 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2016, trong đó, sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 3.191,2 nghìn tấn, tăng 5,1%[35]. Cũng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016. Trong đó, hai thị trường XK lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Mỹ, EU.
Tuy nhiên, trước áp lực đến từ những rào cản kỹ thuật khắt khe của các thị trường nhập khẩu, thủy sản Việt Nam đang gặp khó trên con đường tiến công vào các thị trường này. Điển hình hơn cả, ngày 23/10/2017, EU, thị trường chiếm 16-17% giá trị XK thủy sản hàng năm của Việt Nam[36] tương ứng với 1,1-1,4 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua (2012-2016)[37], đã chính thức cảnh báo “thẻ vàng” đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam. Đây là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến khả năng XK cũng như uy tín, thương hiệu của thủy sản Việt Nam không chỉ ở EU mà còn trên trường quốc tế. Việc nhận “thẻ vàng” đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi chi phí kiểm tra hàng hóa ngày càng tăng, làm trầm trọng thêm vấn đề lưu kho, thương hiệu sản phẩm trên thị trường cũng như tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành. Đó là những ảnh hưởng tiêu cực dễ nhận thấy trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản nước ta cải thiện hoạt động khai thác, chế biến thủy sản, phát triển một cách bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và phù hợp với luật pháp quốc tế.
3.2 Nổ lực khắc phục “thẻ vàng” – bình luận và khuyến nghị từ góc độ hoàn thiện khung pháp lý
Tháng 1/2019 sắp tới, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại để đánh giá lần hai về “thẻ vàng” của thủy sản Việt Nam[38]. Đứng trước vấn đề trên, các cơ quan ban ngành đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng IUU Fishing tại Việt Nam. Theo đó, việc ban hành Luật Thủy sản số 18/2017QH14, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019, là một trong những biện pháp thiết thực được các cơ quan đầu ngành triển khai thực hiện.
3.2.1 Các hành vi được xem là đánh bắt IUU
Luật Thủy sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến IUU Fishing theo quy định của quốc tế trong đó có tham khảo quy định của EU và 8 khuyến nghị mà EU dành cho Việt Nam [39]. Theo Luật này, lần đầu tiên các hành vi liên quan đến IUU Fishing được quy định, liệt kê khá rõ ràng tại điều 60 và thuộc nhóm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản[40].
Các hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm:
(i) Nhóm các hành vi khai thác bất hợp pháp (illegal): Khai thác thủy sản không có giấy phép; Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Khai thác vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Khai thác trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; Khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
(ii) Nhóm các hành vi khai thác không báo cáo (unreported): Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
(iii) Nhóm các hành vi khai thác không được kiểm soát (unregulated): Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Tuy nhiên, các nhà làm luật vẫn chưa nêu được nội hàm, bản chất của các hành vi vi phạm liên quan đến IUU Fishing. Vì thế, hệ quả trong thực tế, nhiều hành vi sai phạm có thể lách luật với lý do không nằm trong danh sách các hành vi vi phạm của luật Thủy sản 2017 mặc dù xét về bản chất là vi phạm. Một phần nào đó, nó gây khó cho cơ quan thi hành, tuần tra lẫn ngư dân khi áp dụng luật trên thực tiễn. Vì vậy, theo tác giả, các thuật ngữ như đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo, không được kiểm soát cần được giải thích cụ thể trong phần giải thích từ ngữ, tránh trường hợp mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân có một cách hiểu khác nhau hay áp dụng máy móc quy định của luật.
3.2.2 Qui định về giấy phép khai thác thủy sản trên biển
Được nội luật hóa theo khuyến nghị của EC, căn cứ xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển được quy định trong Điều 49, Luật Thủy sản 2017 bao gồm: kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản; tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác bền vững; cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác; trường hợp khai thác loài thủy sản di cư xa hoặc loài thủy sản có tập tính theo đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm xác định. Thêm vào đó, hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần để phù hợp với tình hình nguồn lợi thủy hải sản thực tế.
Đây là một biện pháp cần thiết về mặt quản lý của cơ quan chức năng đề hạn chế tình trạng khai thác quá mức, gây cạn kiệt nguồn lợi tài nguyên thủy sản, phù hợp với tinh thần bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản theo Hiệp định về đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc năm 1995 cũng như quy định về IUU Fishing của EU. Nhưng để phát huy hết tính hiệu quả của nó, các cơ quan chức năng cần đề ra một lộ trình thực hiện phù hợp và các chính sách đi kèm. Thực tế, ngư dân quanh năm bám biển, khai thác nhiều vùng biển khác nhau chứ không phải riêng một khu vực cố định. Ngư trường nào cạn kiệt, ngư dân lại di chuyển đánh bắt ngư trường khác. Với quy định hiện tại, ngư dẫn sẽ làm gì khi đã khai thác đủ với hạn ngạch được cho phép. Nếu đang vào mùa khai thác hay khoảng thời gian có thời tiết thuận lợi, việc “thuyền nằm bờ” là một thiệt hại lớn cho ngư dân trong khi hàng ngày họ phải gánh một khoảng tiền lãi lớn đã đầu tư cho mỗi chuyến vươn khơi trước đó. Vì vậy, nếu Nhà nước có biện pháp cấm/hạn chế khai thác vùng biển nào, thời gian bao lâu thì Nhà nước cũng phải có biện pháp xử lý, hỗ trợ hợp lý cho ngư dân, mục đích của chính sách trong giấy mới có thể hát huy trong thực tiễn. Hơn nữa, các cơ quan chuyên trách phải thực hiện khảo sát, đánh giá, nghiên cứu các thành tố, chỉ số của một hệ sinh thái, quần thể thủy sản đang quản lý để có thể đưa ra hạn ngạch hay lệnh cấm chuẩn xác. Còn lại bất kỳ sự can thiệp nào bằng mệnh lệnh hành chính nhưng không xuất phát từ sự hiểu biết tường tận về tài nguyên, chỉ tạo ra “cửa quyền” cho bộ phận quản lý và có thể ảnh hưởng nguy hại đến người dân[41].
3.2.3 Quy định về chứng nhận, xác nhận thuỷ sản khai thác
Thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác là việc kiểm tra hồ sơ, giám sát trực tiếp quá trình lên bến của nguyên liệu thủy sản, đối chiếu thông tin, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu dự kiến đưa vào chế biến xuất khẩu không vi phạm các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp[42].
Theo Điều 61 Luật Thủy sản 2017, cơ quan chức năng của Việt Nam có thẩm quyền xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tại vùng biển Việt Nam không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu và thẩm quyền tương tự cho các sản phẩm thủy sản nhập khẩu của nước ngoài hay sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài. Các cơ quan có thẩm quyền là Chi cục Thủy sản, Tổ chức quản lý cảng cá và Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng sẽ kiểm tra hồ sơ, giám sát trực tiếp quá trình lên bến của nguyên liệu thủy sản, đối chiếu thông tin, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu dự kiến đưa vào chế biến xuất khẩu không vi phạm các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp để thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác.
Đối với thẩm định chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu, thủ tục bao gồm việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra xác suất quá trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác, cấp giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền đối với lô hàng xuất khẩu, chế biến từ nguyên liệu thủy sản được xác nhận có nguồn gốc từ nguyên liệu khai thác không vi phạm các quy định về khai thác bất hợp pháp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.[43]
Xét đến cùng, một mặt quy định IUU của EU là để hạn chế, xóa bỏ vấn nạn IUU Fishing, một mặt để quản lý, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thủy sản nhập khẩu vào EU. Vì thế, quy định, thủ tục về chứng nhận, xác nhận thuỷ sản khai thác được quy định khá chi tiết là một thành công để EU xem xét gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện quy định của luật thế nào trong thực tế cũng vô cùng quan trọng. Bộ NN&PTNT cần phải đưa ra những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn cho các cơ quan chuyên trách có liên quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa 3 cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác, làm sao để tránh sự chồng chéo trong quy định, thủ tục, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, xem xét hồ sơ cho ngư dân và doanh nghiệp.
3.2.4 Quy định về nghĩa vụ ghi nhật ký và báo cáo sản lượng khai thác
Các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản có nghĩa vụ ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn[44], không phân biệt tàu cá trong nước hay nước ngoài đang đánh bắt trong vùng biển Việt Nam. Hơn nữa, khi vào cảng cá, thuyền trưởng phải tuân thủ nội quy của cảng cá và sự điều động tàu của tổ chức quản lý cảng cá, xuất trình và khai báo đầy đủ các thông tin, giấy tờ theo quy định tại Luật này và Nghị định hướng dẫn.
Quy định là vậy nhưng để thực hiện tốt và có hiệu quả là cả một bài toán khó của ngành thủy sản. Nguyên nhân đến từ nhận thức của ngư dân ta chưa tốt, số lượng tàu thuyền khai thác lớn nhưng hầu hết là quy mô khai thác nhỏ, tính tổ chức nghiệp đoàn chưa cao gây khó khăn cho việc tuyên truyền, phổ biến quy định cho ngư dân. Ngoài ra, báo cáo sản lượng và ghi nhật ký khai thác được thực hiện thủ công, ghi chép bằng tay, chưa có hệ thống ghi nhật ký khai thác điện tử như các nước phát triển[45]. Hệ quả, tính chính xác của nhật ký khai thác hay báo cáo sản lượng khai thác không cao trong khi cơ quan quản lý nhà nước đối mặt với khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, Bộ NN&PTNT, Chính phủ cần vạch ra lộ trình thực hiện, áp dụng ghi nhật ký và báo cáo sản lượng, có thể phân nhóm theo các tiêu chí như khu vực tàu thuyền đăng ký, đối tượng thủy sản đánh bắt hay công suất của tàu, không nên áp dụng đại trà nhưng thiếu hiệu quả như hiện nay.
- Kết luận
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ, khai thác truyền thống sang nghề cá được tổ chức, quản lý tốt. Do đó, ngành thủy sản Việt Nam đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu áp dụng, thực thi quy định IUU Fishing của EU. Nhiều hạn chế còn tồn tại, đặc biệt hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, hợp lý nên khi áp dụng quy định IUU đã xuất hiện những bất cập và lúng túng. Tuy nhiên, với nổ lực vào cuộc mạnh mẽ từ hệ thống các cơ quan ban ngành, Luật Thủy sản cũng như các Nghị định, Thông tư kèm theo đã được ban hành, áp dụng trong thực tiễn cuộc sống và phần nào tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho các hành vi IUU Fishing. Với những kết quả đạt được ban đầu, cuộc thanh tra lần hai của EC sắp tới, ngành thủy sản Việt Nam có thể được nhận “thẻ xanh”, từ đó mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam trong tương lai với điều kiện tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền và thực thi có đồng bộ trên quy mô cả nước.
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Messrs David J. Agnew and Colin T. Barnes, Economic aspects and drivers of IUU Fishing: Building a framewok, Link: http://www.oecd.org/greengrowth/fisheries/29468002.PDF
- Carl-Christian Schmidt, Economic Drivers of Illegal, Unreported and Unregulated (IUU) Fishing, The international journal of marine and costal law, Vol 20, Nos 3-4 © Koninklijke Brill NV, 2005
- The state of world fisheries and aquaculture (SOFIA) 2018, Link: http://www.fao.org/3/i9540en/I9540EN.pdf
- Martin Tsamenyi, Mary Ann Palma, Ben Milligan, Kwame Mfolwo, The European Council Regulation on Illegal, Unreported and Unregulated Fishing: An International Fisheries Law Perspective, The International JournalofMarineand CoastalLaw 25 (2010) 5-31, tr. 26
- Blaise Kuemlangan and Michael Press, Preventing, Deterring and Eliminating IUU Fishing – Port State Measures, Environmental policy and law No. 40/6 (2010)
- AnastasiaTelesetsky, Scuttling IUU Fishing and Rewarding Sustainable Fishing: Enhancing the Effectiveness of the Port State Measures Agreement with Trade-Related Measures, 38 Seattle University Law Review
- Sách trắng về IUU Fishing của Vasep
- Nguyễn Thị Hồng Yến, Đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU Fishing) trong Luật Quốc tế và thực tiễn áp dụng các biện pháp phòng, chống IUU của một số quốc gia
- Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Huyền, Giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam, Tạp chí điện tử tài chính, ngày đăng: 04/03/2018
Danh mục văn bản pháp luật
- International Plan of action to prevent, deter and eliminate illegal, unreported, unregulated fishing (FAO-IPOA IUU)
- Nghị quyết Hội đồng EC số 1005/2008 về thiết lập một hệ thống nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động liên quan đến IUU Fishing
- Luật Thủy sản 2017
- Thông tư Số 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2015 qui định về việc chứng nhận, xác nhận thuỷ sản khai thác
- Thông tư số: 02/2018/TT-BNNPTNT, sửa đổi, bổ sung thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT, thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT, thông tư 02/2006/TT-BTS , thông tư 62/2008/TT-BNN và thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT
- Nghị định 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 về sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thuỷ sản;
Website tham khảo:
- http://www.un.org/ – Webste của LHQ
- http://www.fao.org/home/en/ – Website của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ
- https://eur-lex.europa.eu/ – Chuyên trang pháp luật của EU
- http://vasep.com.vn/ – Website của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam
- https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/ – Trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản
- http://tapchitaichinh.vn/ – Tạp chí điện tử Tài chính của Bộ Tài chính
[1] IUU Fishing là từ viết tắt của Illegal, Unreported, Unregulated Fishing (Đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát).
[2] Bản dịch của Nguyễn Thị Hồng Yến, trích trong Đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU Fishing) trong Luật Quốc tế và thực tiễn áp dụng các biện pháp phòng, chống IUU của một số quốc gia.
[3] Thống kê dân số thế giới năm 2017, xem thêm tại: http://vienthongke.vn/tin-tuc/43-tin-tuc/2560-thong-ke-dan-so-the-gioi-nam-2017, truy cập ngày 01/10/2018
[4] International Day for the Fight against Illegal, Unreported and Unregulated Fishing 5 June, http://www.un.org/en/events/illegalfishingday/, truy cập ngày 01/10/2018
[5] Illegal, Unreported and Unregulated (IUU) fishing, xem thêm http://www.fao.org/iuu-fishing/en/, truy cập ngày 03/10/2018
[6] Carl-Christian Schmidt, Economic Drivers of Illegal, Unreported and Unregulated (IUU) Fishing, The international journal of marine and costal law, Vol 20, Nos 3-4 © Koninklijke Brill NV, 2005, tr. 487
[7] World review, The state of world fisheries and aquaculture (SOFIA) 2018, tr. 2
[8] Combating illegal, unreported and unregulated fishing: Global developments, The state of world fisheries and aquacultures 2018, tr. 98, xem thêm tại: http://www.fao.org/3/I9540EN/i9540en.pdf, truy cập ngày 03/10/2018
[9] Quy định của Cộng đồng (EC) số 2371/2002 ngày 20/12/2002, xem thêm tại: https://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=OJ:L:2002:358:0059:0080:EN:PDF, truy cập ngày 18/10/2018
[10] Xem Điều 3 (2), Nghị quyết EC No. 1005/2008
[11] Article 42: Serious infringements
- For the purpose of this Regulation, serious infringement means:
(a) the activities considered to constitute IUU fishing in accordance with the criteria set out in Article 3;
(b) the conduct of business directly connected to IUU fishing, including the trade in/or the importation of fishery products;
(c) the falsification of documents referred to in this Regulation or the use of such false or invalid documents.
2. The serious character of the infringement shall be determined by the competent authority of a Member State taking into account the criteria set out in Article 3(2).
[12] Sđd, Điều 44
[13] Xem Illegal fishing, World Ocean Review 2: The Future of Fish – The Fisheries of the Future, tr. 70, https://worldoceanreview.com/en/wor-2/fisheries/illegal-fishing/, truy cập ngày 20/10/2018
[14] Sđd, Điều 43
[15] Blaise Kuemlangan and Michael Press, Preventing, Deterring and Eliminating IUU Fishing – Port State Measures, Environmental policy and law No. 40/6 (2010), tr. 265.
[16] Sđd, Điều 5
[17] Sđd, Điều 4 (2)
[18] Sđd, Điều 4 (3,4)
[19] Sđd, Illegal fishing, tr.74, https://worldoceanreview.com/wp-content/downloads/wor2/WOR2_english.pdf, truy cập ngày 20/10/2018
[20] Sđd, xem thêm Phụ lục I, II, III, IV
[21] Sđd, xem thêm Điều 20 (4)
[22] Sđd, Điều 16 (1)
[23] Sđd, Điều 24 (1)
[24] Sđd, Điều 18
[25] AnastasiaTelesetsky, Scuttling IUU Fishing and Rewarding Sustainable Fishing: Enhancing the Effectiveness of the Port State Measures Agreement with Trade-Related Measures, 38 Seattle University Law Review
1237 \(2015), tr. 1247.
[26] Martin Tsamenyi, Mary Ann Palma, Ben Milligan, Kwame Mfolwo, The European Council Regulation on Illegal, Unreported and Unregulated Fishing: An International Fisheries Law Perspective, The International JournalofMarineand CoastalLaw 25 (2010) 5-31, tr. 26
[27] Sđd, Điều 27
[28] Theo Điều 31, Nghị quyết (EC) No.1005-2008: Một nước thứ ba có thể bị xác định là quốc gia bất hợp tác nếu không thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo luật pháp quốc tế với tư cách là quốc gia tàu treo cờ, quốc gia có cảng biển, quốc gia ven biển và quốc gia là thị trường tiêu thụ sản phẩm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
[29] Sđd, Điều 35 (2)
[30] Sđd, Điều 23 (1)
[31] Sđd, Điều 36 (2)
[32] Sđd, Điều 38
[33] How big is the EU economy?, xem tại: https://europa.eu/european-union/about-eu/figures/economy_en, truy cập ngày 24/10/2018
[34] Sđd, Điều 34
[35] Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Huyền, Giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam, Tạp chí tài chính, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/giai-phap-phat-trien-ben-vung-nganh-thuy-san-viet-nam-136466.html, truy cập ngày 25/10/108
[36] Thuỳ Dung, Doanh nghiệp hải sản lo khó xuất khẩu sang EU, https://www.thesaigontimes.vn/164968/Doanh-nghiep-hai-san-lo-kho-xuat-khau-sang-EU.html, truy cập ngày 26/10/2018
[37] Sách trắng về chống khai thác IUU ở Việt Nam, ban hành ngày 12/1/2018, tr. 13
[38] Lần đầu tiên, Đoàn Thanh tra Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của EC sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện các kiến nghị mà EU đã đưa ra để giảm thiểu và ngăn chặn vấn nạn IUU Fshing là từ ngày 16 – 24/5/2018.
[39] Xem thêm: Ủy ban châu âu (EC) chưa chấp thuận dỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, Bản tin Doanh nghiệp và tự do hóa thương mại, quý II, số 12, tr.15 (ấn phẩm xuất bản hàng quý của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI))
[40] Điều 7, Luật Thủy sản 2017
[41] Mai Thanh, Có cần cần hạn ngạch khai thác thủy sản, link: http://enternews.vn/co-can-cap-han-ngach-khai-thac-thuy-san-108250.html, truy cập ngày 29/10/2018
[42] Điều 1, Thông tư số: 02/2018/TT-BNNPTNT, sửa đổi, bổ sung thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT , thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT, thông tư 02/2006/TT-BTS , thông tư 62/2008/TT-BNN và thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT
[43] Tlđd, Điều 1.
[44] Tlđd, Điều 52 (2.h)
[45] Nguyen Quốc Khánh, Trần Đức Phú, Nguyen Trọng Lương, Impact of the EC Regulation No. 1005/2008 on Tuna Long-line Fisheries in Vietnam, Fish for the people, Volume 11 Number 1: 2013, tr. 39.
Link:http://repository.seafdec.org/bitstream/handle/20.500.12066/907/SP111%20EC%20regulation%20tuna%20longline.pdf?sequence=1&isAllowed=y, truy cập ngày 1/11/2018