Trịnh Huyền Trang
Sinh viên K15502, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM
Tóm tắt:
Nhại (parody) được hiểu khái quát là bắt chước một một người, một vật hay một thể loại cụ thể nào đó theo hướng hài hước hóa để gây cười hoặc châm biếm. Ở Việt Nam, đa số các bài nghiên cứu về nhại đều được phân tích dưới góc nhìn văn học mà chưa từng được nhìn nhận kỹ lưỡng về bản chất pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đối với nhại, sau đó liên hệ với các quy định của Luật Bản quyền của Hoa Kỳ để xác định tính hợp pháp của loại hình này.
Từ khóa: nhại, parody sở hữu trí tuệ, quyền tác giả
- Khái quát chung về nhại (parody)
“Nhại” là từ được dịch sang tiếng Việt của thuật ngữ “parody”. Thuật ngữ “parody” được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “parodia”[1], nghĩa là “một bài hát được hát cùng với một người khác” hay “một người bắt chước hát một bài hát của một người nào đó”. Hiện nay, từ “parody” được định nghĩa một cách rõ ràng hơn trong tiếng Anh là “sự bắt chước phong cách của một nhà văn, một nghệ sĩ hay một thể loại cụ thể nào đó một cách cường điệu có chủ ý nhằm tạo ra hiệu ứng hài hước”[2] hay là “tác phẩm văn học có sự bắt chước phong cách của một tác giả nhằm tạo ra sự hài hước hoặc chế giễu”[3]. Do đó, nhại được hiểu là sự bắt chước, mô phỏng một cách hài hước phong cách của một tác giả, một tác phẩm hay một thể loại nào đó nhằm gây cười, phê bình hay thể hiện sự chế giễu.
Nhại đã xuất hiện trong đời sống thường ngày của con người từ rất lâu, biểu hiện đơn giản nhất là việc một người bắt chước giọng điệu, cử chỉ, điệu bộ của một người hoặc hình dáng một vật nào đó theo cách hài hước. Mục đích của việc nhại lại có thể chỉ là nhằm thu hút sự chú ý của người khác, hay đơn giản là để chọc vui mọi người. Tuy nhiên, đôi khi, nhại được xem như một phương tiện để thể hiện sự phê bình hay chỉ trích một người nổi tiếng hay nhân vật có quyền lực nào đó trong xã hội thông qua việc bắt chước lại những câu nói hay hành động gây tranh cãi/ bị chỉ trích của người đó theo cách hài hước hóa.[4]
Dần về sau, nhại trở nên phổ biến hơn và dần xuất hiện ngay trong cả các lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Một trong những ví dụ về nhại được biết đến sớm nhất trong văn học vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại là việc một nhà thơ vô danh đã bắt chước phong cách sử thi của Homer[5] để viết nên tác phẩm tác phẩm truyện tranh Batrachomyomachia (Trận chiến giữa Ếch và Chuột). Ở Việt Nam, nhại cũng xuất hiện từ rất sớm dưới các hình thức như thơ nhại. Cách nhại thơ thường thấy là lấy lại nguyên bài thơ của tác giả khác, thay thế vài chữ, lấy đó làm thơ của mình[6]. Sau này, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhại được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như nhại lời bài hát, nhại MV (video âm nhạc), nhại phim, nhại phụ đề, nhại các chương trình gameshow trên truyền hình…[7]
Trên thực tế, mọi người đều có thể dễ dàng tạo ra một “sản phẩm nhại” mà không cần yêu cầu kĩ thuật quá cao, không tốn nhiều công sức cũng như thời gian; chỉ cần mô phỏng một cách đơn giản các dấu hiệu và nội dung đặc trưng của bản gốc đủ để khiến cho người khác dễ dàng nhận ra bản gốc nào đang dược nhại lại, thêm một chút sáng tạo và sự hài hước thì việc nhại lại đã thành công. Hầu hết, các “sản phẩm” nhại này đều được thực hiện mà không cần sự đồng ý của tác giả bản gốc và thậm chí có nhiều trường hợp tác giả bản gốc còn không biết đến sự xuất hiện của bản nhại đó. Ban đầu, việc nhại lại chỉ đơn giản là nhằm giải trí nhưng dần về sau nhại trở thành một trào lưu phổ biến, mức độ phổ biến và độ nổi tiếng của bản nhại còn vượt xa hơn cả so với chính bản gốc, vì thế mà việc nhại không còn chỉ giới hạn trong mục đích giải trí ban đầu mà dần trở thành một loại hình kinh doanh thu lợi nhuận của nhiều người.
- Tính hợp pháp của tác phẩm nhại trong pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam
Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam không có những quy định chi tiết về nhại, do đó, nếu muốn xác định bản chất pháp lý của nhại cần phải phân tích các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả tại Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 (LSHTT) và các văn bản hướng dẫn liên quan[8].
2.1. Nhại – đối tượng được bảo hộ bởi quyền tác giả?
Khi nhắc đến quyền tác giả, vấn đề thường được nhắc đến đầu tiên là đối tượng được bảo hộ bởi quyền tác giả. Ở Việt Nam, đối tượng được bảo hộ quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học và các tác phẩm phái sinh được liệt kê tại Điều 14 LSHTT và chương II Nghị định 100/2006/NĐ-CP[9]. Quan trọng, các tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác[10]. Nhại, theo như định nghĩa ở trên, là một sự bắt chước, có nghĩa gần giống với sao chép (từ “bắt chước” có nghĩa là “làm theo kiểu của người khác một cách máy móc”[11], từ “sao chép” được hiểu là “chép lại hoặc tạo ra bản khác theo đúng bản gốc”[12]). Thực tế, nhại là làm theo kiểu giống so với bản gốc, có thể không phải là giống 100% thế nhưng giống đến mức người bình thường có thể nhận ra bản gốc được bắt chước lại là tác phẩm nào. Do đó, nhại mang bản chất là một sự sao chép. Vì thế, theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhại không thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
2.2. Nhại – một ngoại lệ của quyền tác giả?
Theo định nghĩa về nhại ở trên, nhại được tạo nên dựa trên việc sử dụng từ một bản gốc. Nếu việc sử dụng này không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả và không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả thì được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 LSHTT. Tuy nhiên, nhằm tránh sự lạm dụng độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả và nhằm đảm bảo cho công chúng được quyền sử dụng khai thác tác phẩm vì mục đích phát triển khoa học, văn học và mục đích giáo dục, pháp luật các nước đều quy định các trường hợp được sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép, không cần trả tiền bản quyền, trong đó có Việt Nam. Trong LSHTT, các nhà làm luật có những quy định liên quan đến việc giới hạn về quyền tác giả (hay còn gọi là ngoại lệ của quyền tác giả) đối với các hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm được bảo hộ[13]. Vậy tác phẩm nhại có thuộc trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hay không?
Theo LSHTT, các trường hợp giới hạn quyền tác giả được chia thành hai nhóm: (i) các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, và (ii) các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Cả hai nhóm trường hợp trên đều có điểm chung là người sử dụng các tác phẩm đã công bố đều không phải xin phép chủ sở hữu và khác nhau ở chỗ một nhóm trường phải trả thù lao cho chủ sở hữu, nhóm còn lại thì không.
2.2.1. Trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao
Đối với nhóm thứ nhất – các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao được liệt kê chi tiết tại khoản 1 Điều 25 LSHTT[14]. Ngoài ra, việc sử dụng không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm được bảo hộ, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.[15] Việc sử dụng tác phẩm trong các trường này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính. [16] Trong các trường hợp được liệt kê tại khoản 1 Điều 25 LSHTT, có hai trường hợp: (i) ngoại lệ của việc sao chép tác phẩm[17] và (ii) trích dẫn hợp lý[18], có đặc điểm khá giống với nhại bởi vì các trường hợp này đều sử dụng tác phẩm được bảo hộ để nhằm mục đích tạo ra một tác phẩm mới. Tác giả sẽ phân tích hai trường hợp này để xác định nhại có thể thuộc hai trường hợp ngoại lệ này hay không.
Trường hợp thứ nhất, ngoại lệ của việc sao chép tác phẩm. Việc sao chép này được quy định cụ thể hơn tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP là việc sao chép nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, đặc biệt chỉ được “tự” sao chép một bản duy nhất. Trên thực tế, nhại thường được sử dụng cho mục đích giải trí, chọc cười hay thậm chí là phê bình, chế giễu chứ không phải dùng cho nghiên cứu khoa học hay giảng dạy cá nhân. Ngoài ra, chỉ được thực hiện sao chép một bản duy nhất và việc sao chép phải mang tính “phi thương mại”. Nhại mặc dù được tạo ra nhằm chọc cười, chế giễu là chủ yếu, tuy nhiên, bản thân một bản nhại có thể trở nên nổi tiếng và thậm chí có sức ảnh hưởng đến công chúng không khác gì bản gốc. Trên thực tế, các bản nhại được đầu tư chăm chút cả về nội dung lẫn hình thức để thu hút công chúng để thông qua đó chủ sở hữu các bản nhại có thể thu được lợi nhuận từ việc phát hành các bản nhại đó, do đó, việc sử dụng tác phẩm của nhại có tính “thương mại”. Vì vậy, nhại không thể được xem là trường hợp ngoại lệ của sao chép tác phẩm theo điểm a khoản 1 Điều 25 LSHTT.
Trường hợp thứ hai, trích dẫn hợp lý. Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định trích dẫn hợp lý phải thỏa các điều kiện: trích dẫn mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình; phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn. Từ quy định trên có thể thấy có hai điều kiện để xét tính hợp lý của việc trích dẫn: mục đích trích dẫn và mức độ trích dẫn. Thứ nhất, mục đích của việc trích dẫn là nhằm để bình luận, minh họa trong tác phẩm mới. Như có nhắc đến trong phần 1 về mục đích của nhại, nhại được xem như một phương tiện để thể hiện sự phê bình hay chỉ trích một người nổi tiếng hay nhân vật có quyền lực nào đó trong xã hội thông qua việc bắt chước lại những câu nói hay hành động gây tranh cãi/ bị chỉ trích của người đó theo cách hài hước hóa. Do đó, trong một số trường hợp, việc sử dụng trong nhại có thể được xem là một hành vi trích dẫn dùng cho mục đích bình luận trong tác phẩm mới. Thứ hai, về mức độ trích dẫn. Trong quy định của Nghị định 100/2006/ND-CP, số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phải phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn. Tuy nhiên, số lượng và thực chất phần trích dẫn như thế nào sẽ không gây phương hại đến tác phẩm gốc luật lại không quy định rõ ràng. Bởi vì nhại gần như là một sự “trích dẫn nguyên văn” nên nếu là sự trích dẫn nguyên văn thì đó có được xem là trích dẫn hợp lý hay không. Đối với hành vi hành vi “trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình”, tiến sĩ Đỗ Văn Đại và tiến sĩ Lê Thị Nam Giang cho rằng: “Trong ngôn ngữ tiếng Việt, trích dẫn được hiểu là “dẫn nguyên văn một câu hay một đoạn văn nào đó”. Định nghĩa này không đầy đủ vì chỉ quan tâm tới “đoạn văn” trong khi đó trích dẫn có thể được sử dụng cả với những lĩnh vực khác nhưng dù sao cũng cho biết trích toàn bộ một tác phẩm không nằm trong định nghĩa của “trích dẫn”. Theo một tác giả, “trích dẫn là việc sử dụng một tác phẩm (không đáng kể) của người khác để nêu bật ý tác giả”[19]. Như vậy, nhìn chung, “trích dẫn” không thể là sử dụng “toàn bộ” tác phẩm của người khác.”[20] Hơn nữa, “nếu chúng ta cho phép một người sử dụng nguyên văn một tác phẩm của người khác với một vài bình luận, nhận xét cá nhân thì chúng ta sẽ giảm khả năng tiêu thụ tác phẩm gốc được in hay xuất bản ở nơi khác. Do đó, việc cho sử dụng nguyên văn tác phẩm của người khác không nên được chấp nhận cho dù có thêm lời nhận xét cá nhân.”[21] Qua đó, có thể thấy nhại không thể được xem là một sự trích dẫn hợp lý bởi bản thân nhại sử dụng nguyên văn một tác phẩm của người khác, cho dù có thêm lời bình luận, nhận xét cá nhân.
Tóm lại, nhại không thuộc bất kỳ trường hợp nào được phép sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao quy định tại Điều 25 LSHTT. Do đó khi muốn sử dụng tác phẩm được bảo hộ để tạo ra một bản nhại, người sử dụng bắt buộc phải xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu của tác phẩm đó.
2.2.2. Trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao
Đối với nhóm thứ hai – trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao: Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm (trừ tác phẩm điện ảnh) đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào và việc sử dụng đó không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.[22] Nhại cũng không thuộc trường hợp này bởi như đã phân tích ở phần trên, muốn nhại một tác phẩm được bảo hộ, người sử dụng buộc phải xin phép của sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc đó.
Qua các phân tích trên, có thể kết luận rằng nhại không thuộc bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào của quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Do đó khi muốn sử dụng tác phẩm được bảo hộ để tạo ra một bản nhại, người sử dụng bắt buộc phải xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu của tác phẩm đó. Ngoài ra, người sử dụng tác phẩm bảo hộ phải trả tiền thù cho chủ sở hữu quyền tác giả.[23] Vì vậy, một hành vi nhại sẽ bị xem là xâm phạm quyền tác giả nếu thực hiện việc sao chép tác phẩm gốc mà không phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.[24]
2.3. Nhại và việc sử dụng tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ
Mặc dù không được hưởng ngoại lệ quyền tác giả, người sử dụng vẫn có thể sử dụng tác phẩm gốc mà không cần xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, đó là khi thời hạn bảo hộ của tác phẩm gốc đã chấm dứt. Đối với những tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ, chúng thuộc về công cộng, việc khai thác sử dụng sẽ ở tình trạng tự do, mọi người trong cộng đồng có thể công khai sử dụng và chia sẻ một cách miễn phí. Tuy nhiên các tổ chức, cá nhân sử dụng phải tôn trọng quyền đứng tên, đặt tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm[25]. Theo LSHTT, thời hạn bảo hộ quyền tác giả[26] đối với các tác phẩm gốc tương đối dài, có khi lên tới 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên (đối với những tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh) hay suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau năm tác giả mất… Tuy nhiên, dường như chờ đợi một tác phẩm hết thời hạn bảo hộ để được sử dụng tự do mà không phải xin phép của chủ sở hữu quyền tác giả không có ý nghĩa gì đối với nhại. Bởi vì nhại thường dựa trên tác phẩm nổi tiếng hay đang gây tranh cãi trong một khoảng thời gian nhất định, lúc này các bản nhại mới dễ đạt được mục đích của chính nó (phê bình hay chế giễu một điều gì đó một cách hài hước). Chẳng ai chờ đợi sau 50 năm để nhại một tác phẩm hết thời hạn bảo hộ, thậm chí là hết sự hấp dẫn và mất đi sự quan tâm từ công chúng.
- Tính hợp pháp của tác phẩm nhại theo pháp luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ
3.1. Nhại – biểu hiện của tự do ngôn luận
Trong Luật Bản quyền của Hoa Kỳ[27], nhại không được nhắc đến một cách rõ ràng, tuy nhiên, vấn đề này vẫn luôn nhận được sự quan tâm trong các ý kiến của tòa án. Tại Hoa Kỳ, quyền sử dụng tác phẩm mà không cần sự cho phép của tác giả nhằm mục đích phê bình hài hước hoặc chế giễu xuất phát từ quyền tự do ngôn luận được bảo đảm bởi Tu chính án thứ nhất, trong đó tuyên bố rằng “Quốc hội sẽ không có luật … làm giảm đi quyền tự do ngôn luận”[28]. Do đó, nhại được xem là một cách thể hiện của quyền tự do ngôn luận được Tu chính án thứ nhất của Hoa Kỳ bảo vệ và người tạo ra nhại sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý từ việc nhại lại tác phẩm của người khác.
3.2. Nhại – một trường hợp của “sử dung hợp lý”
Tác phẩm nhại là tác phẩm mang nội dung cốt lõi của một tác phẩm được bảo hộ, bắt chước cách diễn đạt của tác giả tác phẩm đó và nhằm mục đích gây ra sự hài hước.[29] Bởi vì bản chất của nhại là việc sử dụng tác phẩm của người khác với mục đích bình phẩm hay chế giễu nên đôi khi điều này sẽ gây ra tình trạng căng thẳng giữa người tạo ra tác phẩm nhại (người sử dụng) và chủ sở hữu quyền tác giả (chủ sở hữu). Chủ sở hữu thường không mong muốn và không cho phép tác phẩm của mình bị người khác sử dụng để bình phẩm, chế giễu hay gây cười. Vì thế, những người làm tác phẩm nhại ở Mỹ đã sử dụng quy định về “sử dụng hợp lý” (Fair Use[30]) để có thể vay mượn nguyên liệu từ một tác phẩm gốc và thể hiện mục đích của mình mà không sợ bị ảnh hưởng từ phía chủ sở hữu của tác phẩm gốc đó[31].
Tại phần mở đầu của Điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ, các trường hợp được xem là sử dụng hợp lý bao gồm: sao chép lại từ các bản sao hoặc bản ghi âm hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác được quy định nhằm phục vụ cho các mục đích như bình luận, phê bình, nhận xét, đưa tin, giảng dạy (bao gồm nhiều bản sao để sử dụng trong lớp học) hoặc nghiên cứu.[32] Thực tế, nhại là một sự sao chép được sử dụng như là một hình thức phê bình (criticism), nhận xét (comment), và vì thế nó được xem là thuộc một trong các trường hợp “sử dụng hợp lý” được liệt kê tại phần mở đầu của Điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ.[33]
3.3. Nhại và bốn tiêu chí trong việc chứng minh tính “sử dụng hợp lý”
Mặc dù nhại được xem là một trường hợp của sử dụng hợp lý, nhưng không phải trường hợp nhại nào cũng được bảo vệ bởi quy định về sử dụng hợp lý. Bất kể một sự sử dụng nào được liệt kê tại phần mở đầu của Điều 107 chỉ được xem là hợp lý khi nó thỏa mãn các tiêu chí được quy định theo sau. Có bốn tiêu chí được liệt kê nhằm mục đích xác định “sử dụng” như thế nào là “hợp lý”[34]:
- Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ – lý do thương mại hay hoạt động giáo dục phi lợi nhuận;
- Bản chất của tác phẩm được bảo hộ;
- Tỉ lệ và mức độ ý tưởng được sử dụng dựa trên tổng thể tác phẩm được bảo hộ; và
- Sự ảnh hưởng đến khả năng khai thác kinh tế và giá trị của tác phẩm được bảo hộ.[35]
3.2.1. Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ
Nếu mục đích của việc sử dụng thuần túy là nhằm nhằm đáp ứng các nhu cầu về giáo dục phi lợi nhuận thì hành vi sử dụng này có thể được xem là “sử dụng hợp lý” bởi vì lúc này, khả năng khai thác kinh tế của tác phẩm được bảo hộ sẽ ít có xu hướng bị xâm hại hơn. Mặt khác, nếu sử dụng tác phẩm bảo hộ nhằm thu lợi nhuận (tức có yếu tố thương mại) thì cho dù mục đích cuối cùng là sử dụng cho nhu cầu giáo dục, viết báo cáo hay bất kì mục đích nào khác được liệt kê tại đoạn mở đầu của Điều 107, hành vi đó vẫn sẽ không được coi là “sử dụng hợp lý”. Do đó, yếu tố thương mại thường có xu hướng được xem là dấu hiệu của sự không công bằng.[36] Như lúc đầu có đề cập, mặc dù nhại được tạo ra với mục đích chính là gây cười, chế giễu, tuy nhiên dần về sau các bản nhại lại được ưa chuộng và có khả năng kiếm ra lợi nhuận như chính bản gốc. Vì thế, nhại ở một khía cạnh nào đó đang dần được thương mại hóa và có tính kinh tế chứ không đơn thuần chỉ là giải trí. Tuy nhiên, tính thương mại, bản thân nó, không là yếu tố quyết định một bản nhại không phải là sản phẩm của sự “sử dụng hợp lý”; lợi ích về tài chính chỉ nên được coi là một yếu tố đóng góp, chứ không phải là yếu tố quyết định đối với kết quả của một vụ việc. Cho dù có yếu tố thương mại hay không, tòa án vẫn phải xem xét đầy đủ cả ba yếu tố còn lại trước khi đi đến kết luận cho một vấn đề về “sử dụng hợp lý”.[37]
3.2.2. Bản chất của tác phẩm được bảo hộ
Thực tế cho thấy các tác phẩm chưa được công bố nhận được sự bảo hộ nhiều hơn so với các tác phẩm đã được công bố, bởi vì việc khai thác các tác phẩm chưa được công bố sẽ dễ gây phương hại đến quyền lợi cũng như sự mong đợi của chủ sở hữu đối với tác phẩm của mình. Trong khi đó, các tác phẩm đã được công bố có một vị trí vững chắc trên thị trường, công chúng tiếp cận công khai và biết đến các tác phẩm này nhiều hơn so với những tác phẩm còn chưa được công bố. Do đó, không ai muốn “bắt chước” một tác phẩm chưa được công bố bởi “bắt chước” những tác phẩm này sẽ khó thu hút được sự chú ý của công chúng và làm giảm đi mục đích gây cười hay chế giễu của tác phẩm mới. Chính vì thế, tiêu chí thứ hai này rất ít khi được sử dụng để xem xét tính “sử dụng hợp lý” của một tác phẩm nhại.[38]
3.2.3. Tỉ lệ và mức độ ý tưởng được sử dụng dựa trên tổng thể tác phẩm được bảo hộ.
Việc sao chép phải thật sự cần thiết đối với mục đích của việc sử dụng tác phẩm gốc, không được sao chép quá mức vì nó dễ trở thành dấu hiệu của sự sử dụng không hợp lý. Bản chất của nhại là bắt chước tác phẩm khác, do đó, nó không thể tránh khỏi việc phải sao chép một tác phẩm gốc và phải khiến người khác liên tưởng đến tác phẩm gốc nhằm tạo hiệu ứng hài hước. Một tác phẩm nhại chỉ thực sự thành công khi nó khiến khán giả liên tưởng được tác phẩm nào đã bị đem ra chế giễu, bình phẩm. Vì vậy, nếu công nhận tác phẩm nhại là một hình thức phê bình hợp lý thì nên cho phép tự do sử dụng bản gốc mà không lo ngại đến việc vi phạm quyền tác giả.[39]
3.2.4. Sự ảnh hưởng đến khả năng khai thác kinh tế và giá trị của tác phẩm được bảo hộ.
Có ý kiến cho rằng các tác phẩm nhại gây ảnh hưởng đến tính thương mại cũng như tính nghệ thuật của tác phẩm gốc.[40] Nếu nhại mang ý chế giễu, phê bình gay gắt có thể xâm hại đến tác phẩm gốc, tuy nhiên, chúng lại không gây ra thiệt hại nào được quy định trong Luật Bản quyền Hoa Kỳ. Do đó, vấn đề cần xem xét ở đây là các tác phẩm nhại (hay những tác phẩm mang tính chất đánh giá, phê bình giống như thế) có thể “thay thế” tác phẩm gốc và “loại bỏ” sự tồn tại của các tác phẩm phái sinh có tiềm năng ra khỏi thị trường hay không[41]. Theo Tòa án cấp phúc thẩm trong một vụ kiện liên quan đến tác phẩm nhại, nếu một tác phẩm nhại chỉ đơn giản gây hiệu ứng hài và châm biếm thuần túy thì nó sẽ không thể thay thế cho tác phẩm gốc được bởi vì hai tác phẩm này thường phục vụ cho hai loại thị trường khác nhau. [42] Do đó, khi một tác phẩm nhại có khả năng thay thế thấp thì có thể được xem xét để chứng minh là “sử dụng hợp lý”.
3.3. Vụ kiện Campell v. Acuff-Rose Music Inc. – Ví dụ nổi tiếng về nhại được xem là sử dụng hợp lý
Một trong những vụ án được nhắc đến nhiều nhất khi xem xét tính sử dụng hợp lý của một tác phẩm nhại là vụ Campell, 510 U.S (1994)[43]. Nội dung vụ kiện này xoay quanh việc nhóm nhạc rap 2 Live Crew đã tạo ra một bài hát nhại lại bài hát nổi tiếng “Oh, Pretty Woman” – được Roy Orbison và Willian Dees sáng tác vào năm 1964 và do Công ty Acuff-Rose làm chủ sở hữu quyền tác giả. Bài hát mới của 2 Live Crew có kết cấu giai điệu tựa như bản gốc, thế nhưng lời bài hát có sự thay đổi. Nhóm 2 Live Crew đã thay thế một số câu trong lời bài hát gốc bằng những câu nhận xét không tốt về một người phụ nữ nhằm chọc cười, tạo ra sự hài hước. Nhóm nhạc này đã cố gắng xin phép Công ty Acuff-Rose được sử dụng bàn gốc “Oh, Pretty Woman” để tạo ra bài hát mới của họ, nhưng việc này đã bị từ chối. Tuy nhiên, bài hát mới vẫn được phát hành, các bản thu âm được bán có ghi kèm theo rằng Orbinson và Dees là tác giả và công ty sản xuất là Acuff-Rose. Ngay sau đó, Acuff-Rose đã kiện nhóm 2 Live Crew (gồm có Luther Campell – tác giả của bài hát mới và các thành viên khác trong nhóm) và công ty thu âm của họ vì có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả của Acuff-Rose đối với bài hát “Oh, Pretty Woman”.
Ban đầu, Tòa án Quận Tenessee, sau phi phân tích bốn yếu tố của sử dụng hợp lý, đã quyết định ủng hộ nhóm 2 Live Crew. Tòa án Quận cho rằng yếu tố thương mại của một bản nhại, bản thân nó không phải là lý do để kết luận về tính sử dụng hợp lý, và số lượng phần tác phẩm gốc được sử dụng là cần thiết trong việc tạo mối liên kết giữa bản nhại và bản gốc. Thế nhưng, Tòa án Phúc thẩm lại đưa ra quyết định ngược lại vì cho rằng cần phải xem xét lại tầm quan trọng của yếu tố thứ nhất – đặc điểm thương mại của việc sử dụng – một yếu tố để kết luận có sự vi phạm bản quyền. Cuối cùng, Tòa án Tối cao đưa ra quyết định rằng ủng hộ nhóm 2 Live Crew và cho rằng Tòa án Phúc thẩm đã sai lầm khi chỉ nhấn mạnh “tính thương mại” của việc sử dụng mà bỏ qua việc xem xét các yếu tố còn lại.
Vụ việc trên cho thấy rằng một số tình huống thực tế hơi khác nhau có thể tạo ra các kết quả hoàn toàn khác nhau. Các yếu tố để xác định “sử dụng hợp lý” phải được xem xét kết hợp với nhau, không bao giờ được phân tích chúng một cách riêng lẻ bởi vì mức độ ảnh hưởng và ý nghĩa của các yếu tố tác động lẫn nhau và liên quan đến kết quả cuối cùng của một vụ việc.[44] Đối với từng vụ viêc cụ thể mà Tòa án sẽ có cách xác định và giải thích phù hợp để chứng minh đâu là một sự sử dụng hợp lý.
Tóm lại, nhại là một trường hợp của sử dụng hợp lý theo Luật Bản quyền của Hoa Kỳ, tuy nhiên, không phải tác phẩm nhại nào cũng đáp ứng đủ bốn tiêu chí của sử dụng hợp lý. Không hề đơn giản để trả lời câu hỏi một tác phẩm nhại như thế nào là vi phạm quyền tác giả, ta chỉ có thể đưa ra kết luận cuối cùng rằng một một sử dụng là hợp lý khi đã phân tích tất cả các yếu tố trên và xem xét các trường hợp liên quan đối với từng vụ việc cụ thể.
- Kết luận
Từ các phân tích trên, có thể thấy rằng bản chất pháp lý của nhại theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và Luật Bản quyền của Hoa Kỳ có sự khác nhau. Ở Hoa Kỳ, nhại được xem là một trường hợp của “sử dụng hợp lý”, tức là người nhại tác phẩm của người khác không cần phải xin phép sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả để được sử dụng tác phẩm được bảo hộ nếu hành vi sử dụng đó thỏa các tiêu chí của sử dụng hợp lý theo quy định của Luật Bản quyền Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ để tạo ra tác phẩm nhại bắt buộc phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và thậm chí người sử dụng phải trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm của họ. Mặc dù có sự khác nhau nói trên, thế nhưng quy định của mỗi quốc gia đều đảm bảo cân bằng quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả và công chúng, không những khuyến khích sự sáng tạo của tác giả mà còn đảm bảo cho công chúng được quyền sử dụng khai thác tác phẩm vì mục đích giáo dục, phát triển xã hội.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2003, sửa đổi bổ sung 2009.
- Luật Bản quyền Hoa Kỳ năm 1976.
- Copyright and Fair Use: A Guide for the Harvard Community, Harvard University Office of the General Counsel, May 31st, 2016.
- Monika Bimbaite, When Is A Parody A Violation Of Copyright, International Journal of Baltic Law Volume 1 No. 2 (February, 2004).
- Marshall A. Leaffer, Understanding Copyright Law, 5th edition, New York: Matthew Bender, 2010.
- B. Kaplan, An Unhurried View of Copyright, New York: Columbia University Press, 1967.
- Campbell Aka Luke Skywalker, et al. v. Acuff-Rose Music, Inc. 510 U.S. 569 (1994). (https://supreme.justia.com/cases/federal/us/510/569/case.html, truy cập ngày 20/03/2018).
- Edward Lee Lamoureux, Steven L. Baron, Claire Stewart, Intellectual Property Law and Interactive Media: Free for a Fee, New York: Peter Lang Publishing Inc., 2009.
- Đỗ Văn Đại, Lê Thị Nam Giang, Về vấn đề trích dẫn tác phẩm của người khác, Bản án và bình luận bản án, Bình luận Bản án số 127/2007/DSPT ngày 14/6/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, (http://www.agllaw.com.vn/ve-van-de-trich-dan-tac-pham-cua-nguoi-khac/, truy cập ngày 08/05/2018).
[1] https://www.britannica.com/art/parody-literature, truy cập ngày 04/03/2018.
[2] Nguyên văn: “An imitation of the style of a particular writer, artist, or genre with deliberate exaggeration for comic effect”. (https://en.oxforddictionaries.com/definition/parody, truy cập ngày 20/03/2018).
[3] Merriam-Webster’s Encyclopaedia of Literature, (Springfield: Merriam-Webster, Incorporated, Publishers, 1995). Nguyên văn: “A literary work in which the style of an author is closely imitated for comic effect or in ridicule”.
[4] Edward Lee Lamoureux, Steven L. Baron, Claire Stewart, Intellectual Property Law and Interactive Media: Free for a Fee, New York: Peter Lang Publishing Inc., 2009, tr. 73.
[5] Homer là một trong những nhà thơ Hy Lạp cổ đại xuất sắc nhất.
[6] Giáp Nguyễn – Thoại Khanh, ‘Nhại thơ’ – lối sáng tạo độc đáo của người Việt Nam, <http://plo.vn/xa-hoi/nhai-tho-loi-sang-tao-doc-dao-cua-nguoi-viet-nam-642422.html>, truy cập ngày 10/4/2018.
[7] https://tintucvietnam.vn/parody-la-gi-va-parody-co-lanh-manh-khong-13667, truy cập ngày 15/3/2018.
[8] Trong bài viết, ngoài LSHTT, tác giả sử dụng chủ yếu Nghị định 100/2006/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan (gọi tắt là Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
[9] Các tác phẩm này gồm có: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc; Tác phẩm sân khấu; Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; Tác phẩm nhiếp ảnh; Tác phẩm kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
[10] Khoản 3 Điều 14 LSHTT.
[11] http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/B%E1%BA%AFt_ch%C6%B0%E1%BB%9Bc, truy cập ngày 07/05/2018.
[12] http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Sao, truy cập ngày 07/05/2018.
[13] Cụ thể tại Điều 25 và 26 LSHTT.
[14] Theo khoản 1 Điều 25, các trường hợp này bao gồm:
“a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
- b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
- c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
- d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
- e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
- g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
- h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
- i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
- k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.”
[15] Khoản 2 Điều 25 LSHTT.
[16] Khoản 3 Điều 25 LSHTT.
[17] Điểm a khoản 1 Điều 25 LSHTT.
[18] Điểm b khoản 1 Điều 25 LSHTT.
[19] Lê Nết, Quyền sở hữu trí tuệ, Nxb. Đại học quốc gia, 2006, tr. 72.
[20] Đỗ Văn Đại, Lê Thị Nam Giang, Về vấn đề trích dẫn tác phẩm của người khác, Bản án và bình luận bản án, Bình luận Bản án số 127/2007/DSPT ngày 14-6-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, <http://www.agllaw.com.vn/ve-van-de-trich-dan-tac-pham-cua-nguoi-khac/>, truy cập ngày 08/05/2018.
[21] Như trên.
[22] Điều 26 LSHTT.
[23] Điều 20 LSHTT.
[24] Khoản 6 Điều 28 LSHTT.
[25] Theo Điều 27 LSHTT, các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm đều có thời hạn bảo hộ. Đối với các quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm thì được bảo hộ vô thời hạn.
[26] Điều 27 LSHTT.
[27] The United States Copyright Act of 1976.
[28] Constitution of the United States, Art. I, 8, cl.8.
[29] Xem thêm: Campbell Aka Luke Skywalker, et al. v. Acuff-Rose Music, Inc. 510 U.S. 569 (1994). (https://supreme.justia.com/cases/federal/us/510/569/case.html, truy cập ngày 20/03/2018).
[30] Fair Use là một học thuyết luật pháp của Hoa Kỳ cho phép sử dụng các tài liệu có bản quyền mà không cần phải có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền.
[31] Marshall A. Leaffer, Understanding Copyright Law, 5th ed. (New York: Matthew Bender, 2010), tr. 516.
[32] Nguyên văn “The fair use of a copyrighted work, including such use by reproduction in copies or phonorecords or by any other means specified by that section, for purposes such as criticism, comment, news reporting, teaching (including multiple copies for classroom use), scholarship, or research, is not an infringement of copyright.”
[33] Marshall A. Leaffer, sdd, tr, 516.
[34] Điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ
[35] Nguyên văn “In determining whether the use made of a work in any particular case is a fair use the factors to be considered shall include (1) the purpose and character of the use, including whether such use is of a commercial nature or is for nonprofit educational purposes; (2) the nature of the copyrighted work; (3) the amount and substantiality of the portion used in relation to the copyrighted work as a whole; and (4) the effect of the use upon the potential market for or value of the copyrighted work.”
[36] Marshall A. Leaffer, sdd, tr, 496-497.
[37] Marshall A. Leaffer, sdd, tr, 497-498.
[38] Monika Bimbaite, When Is A Parody A Violation Of Copyright, International Journal of Baltic Law Volume 1 No. 2 (February, 2004), tr. 27.
[39] Monika Bimbaite, Sdd, tr.28.
[40] B. Kaplan, An Unhurried View of Copyright, New York: Columbia University Press, 1967, tr.69.
[41] Thị trường của các tác phẩm phái sinh cũng bị ảnh hưởng xấu từ sự tồn tại của các bản sao bởi vì tác phẩm phái sinh được tạo ra dựa trên một hoặc nhiều các tác phẩm đã có trước đó, được xem như là “hình ảnh đạị diện” cho tác phẩm gốc và cũng được bảo hộ quyền tác giả như đối với tác phẩm gốc (Đọc thêm Điều 101 Luật Bản quyền Hoa Kỳ).
[42] Xem thêm: Campbell Aka Luke Skywalker, et al. v. Acuff-Rose Music, Inc. 510 U.S. 569 (1994). (https://supreme.justia.com/cases/federal/us/510/569/case.html, truy cập ngày 20/03/2018).
[43] Như footnote số 32.
[44] Monika Bimbaite, sdd, tr.31.