Nguyễn Hồng Quyên
Sinh viên K17502, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
Tóm tắt: Trách nhiệm nghiêm ngặt (Strict liability) là một học thuyết pháp lý được áp dụng khá rộng rãi trong pháp luật của các nước theo hệ thống Thông luật (Common Law). Học thuyết về “Trách nhiệm nghiêm ngặt” đã làm thay đổi bản chất của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm khi đã loại bỏ yếu tố về “lỗi sơ suất” và “nghĩa vụ bảo đảm”, nâng cao đến tối đa hạn mức chịu trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng sản phẩm, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng. Pháp luật Việt Nam từ đó nên khai thác và áp dụng học thuyết về “Trách nhiệm nghiêm ngặt” để hoàn thiện các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ khóa: Trách nhiệm nghiêm ngặt, Trách nhiệm sản phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Abstract: Strict liability is a widely applicable legal theory in Common Law Jurisdictions. Strict liability doctrine has changed the nature of product liability when eliminating the elements “negligence” and “warranty” to ensure the liability of person or entities relating to the supply chain of relevant products, regardless of whether they are bound to a contractual relationship with affected party or not, in order to protect better consumers’ right. Vietnamese Law, therefore, should pay more concern and apply Strict liability theory to improve regulations about product liability in Law on Protection of Consumer Rights.
Keywords: Strict liability, Product liability, Law on Protection of Consumer Rights
- Khái niệm
“Trách nhiệm sản phẩm” (TNSP) là trách nhiệm của người sản xuất hoặc người bán hàng trong việc bồi thường cho các thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của hàng hóa mà họ đã cung cấp cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh. TNSP là một loại trách nhiệm dân sự đòi hỏi người có trách nhiệm phải bù đắp bằng cách thức phù hợp đối với thiệt hại mà người khác phải gánh chịu, dựa trên những cơ sở nhất định làm phát sinh trách nhiệm theo quy định của pháp luật.[1]
“Trách nhiệm nghiêm ngặt” (TNNN) là một học thuyết pháp lý cho rằng cá nhân, pháp nhân phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại, tổn thất phát sinh từ sản phẩm của mình mà không cần phải suy xét, chứng minh các yếu tố như bất cẩn hoặc lỗi. Học thuyết về TNNN thường được áp dụng trong các trường hợp liên quan đến sản phẩm khuyết tật. Theo đó, những yêu cầu bồi thường không dựa vào hành vi có lỗi mà dựa vào những mối nguy hiểm vốn có của tình huống hoặc sản phẩm.[2]
Trong pháp luật về TNSP của các quốc gia, TNNN được xem là một nguyên tắc nền tảng, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chế định TNSP hướng đến mục đích quy kết TNNN đối với nhà sản xuất, nhà cung cấp có sản phẩm gây ra thiệt hại, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng. So với các nguyên tắc khác trong chế định TNSP như yếu tố về sự bất cẩn hay nghĩa vụ bảo đảm, TNNN thể hiện tư tưởng bảo vệ người tiêu dùng rõ nét và vượt trội hơn khi đã loại bỏ yếu tố lỗi của nhà sản xuất nhằm giảm gánh nặng chứng minh cho người bị thiệt hại.
- “Trách nhiệm nghiêm ngặt” dưới góc độ đạo đức và khoa học pháp lý
2.1. Dưới góc độ khoa học pháp lý
Theo quan điểm của nhiều tác giả, có thể hiểu “trách nhiệm pháp lý” theo hai nghĩa: trách nhiệm theo nghĩa tích cực và trách nhiệm theo nghĩa tiêu cực[3]. Trách nhiệm pháp lý theo nghĩa tích cực là sự tự giác, chủ động của chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý phù hợp với yêu cầu pháp luật cả về nội dung, hình thức và đem lại những kết quả khả quan, tích cực cho đời sống xã hội. Trách nhiệm pháp lý theo nghĩa tiêu cực được hiểu là việc chủ thể không thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý, vi phạm pháp luật và phải gánh chịu trừng phạt của Nhà nước[4].
Trên thực tế, phần lớn trách nhiệm pháp lý được hiểu theo nghĩa tiêu cực và gắn liền với vi phạm pháp luật. Điều này có thể khiến nhiều người nhầm lẫn rằng trách nhiệm pháp lý chỉ phát sinh khi có vi phạm pháp luật, hoặc hiểu rằng trách nhiệm pháp lý chủ yếu phát sinh từ vi phạm pháp luật và hai khái niệm này có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời[5]. Tuy nhiên, quan niệm gắn trách nhiệm pháp lý với vi phạm pháp luật, với yếu tố lỗi cũng như sự cưỡng chế từ nhà nước là chưa bao quát, chưa phản ánh hết được sự đa dạng, phức tạp từ thực tế đời sống pháp luật.
TNNN là một học thuyết nằm ngoài những nguyên tắc và lý lẽ thông thường đó. Trong pháp luật về TNSP, TNNN được áp đặt lên các chủ thể có liên quan trong quy trình từ sản xuất đến cung ứng sản phẩm, cho dù nhà sản xuất, kinh doanh không vi phạm pháp luật, thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý đối với bên còn lại, không hề có lỗi, họ vẫn phải chịu “trách nhiệm nghiêm ngặt” đối với tổn hại mà người tiêu dùng thực tế đã gánh chịu khi sử dụng sản phẩm, hàng hóa của họ. Mức độ chịu trách nhiệm như thế nào vẫn có sự khác biệt lớn trong nền pháp luật của các quốc gia. Trên thực tế đã phát sinh rất nhiều những vụ việc liên quan đến sử dụng sản phẩm khuyết tật gây tổn hại, trong đó, người bị thiệt hại đã không được giải quyết thỏa đáng hoặc không được bồi thường hợp lý bởi vì họ không chứng minh được bên sản xuất và cung cấp dịch vụ có lỗi. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, người chịu thiệt hại đáng được bảo vệ dù người cung cấp hay sản xuất có lỗi hay không. Chẳng hạn, khi thiệt hại xảy ra mà không có ai chứng chứng kiến, hoặc không do lỗi của ai cả, nếu buộc nạn nhân phải chứng minh lỗi, tức là gián tiếp bác bỏ quyền đòi bồi thường của nạn nhân. Như vậy, nếu người bị thiệt hại cố gắng chứng minh lỗi của người gây ra thiệt hại để được bồi thường, họ phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của, từ đó tăng sự lo lắng và áp lực cho cả hai bên[6].
2.2. Dưới góc độ đạo đức
Xét về mặt đạo đức, việc cá nhân, pháp nhân phải có trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mà mình đem lưu thông trên thị trường là điều hợp tình, hợp lý. Khi quyết định lựa chọn, sử dụng một loại sản phẩm, hàng hóa, người tiêu dùng mặc nhiên có quyền được sử dụng những sản phẩm đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng chính đáng của họ. Trách nhiệm theo nghĩa thông thường được hiểu như việc phải “đảm bảo làm tròn phần việc được giao cho, nếu kết quả không tốt phải gánh chịu phần hậu quả”[7]. Như vậy, dưới góc độ đạo đức xã hội, chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình, cũng như nhà sản xuất, nhà phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo về tiêu chuẩn sản phẩm, đáp ứng mong đợi căn bản và chính đáng của người tiêu dùng. Với vị trí là nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, trách nhiệm đó “nghiêm ngặt” hơn và học thuyết về TNNN áp đặt lên các chủ thể là nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm, hàng hóa trong pháp luật về TNSP thể hiện quan điểm và nhận thức phù hợp với lý lẽ tôn trọng và bảo vệ tối đa quyền lợi của bên thiệt hại, bên yếu thế hơn trong mối quan hệ này.
- Bản chất và những nguyên tắc áp dụng của học thuyết “Trách nhiệm nghiêm ngặt” trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm
3.1. Bản chất của học thuyết “Trách nhiệm nghiêm ngặt”
Khi nói đến TNNN của nhà sản xuất đối với thiệt hại được gây ra bởi sản phẩm của họ, liệu có đầy đủ hay không khi nguyên đơn chỉ cần chỉ ra rằng anh ta đã sử dụng sản phẩm của bị đơn và thực tế đã chịu thương tổn, thiệt hại? Câu trả lời là không. Nếu lý thuyết về TNNN đối với sản phẩm được áp dụng, nguyên đơn phải chứng minh đối tượng sử dụng có khiếm khuyết (defective condition) hay ở trong tình trạng nguy hiểm vô lý (unreasonably dangerous).[8] Trong một số trường hợp, nguyên đơn không cần phải chứng minh nhà sản xuất bất cẩn (hoặc không cần chứng minh có hay không có việc tuân thủ nghĩa vụ bảo đảm) nếu đối tượng đó vượt ngoài sự kiểm soát của bị đơn trong điều kiện không an toàn, gây nguy hiểm cho người sử dụng, bị đơn phải chịu trách nhiệm cho dù họ có lỗi hay không có lỗi trong việc tạo ra tình huống nguy hiểm đó hoặc trong việc phát hiện và loại bỏ nó.[9] Về bản chất, TNNN trong trường hợp này không khác so với yếu tố về sự bất cẩn. Việc bán một sản phẩm không an toàn, gây nguy hiểm tương đương với việc bất cẩn, cẩu thả bất kể các hành vi của bị đơn trong việc để sản phẩm trở nên không an toàn.[10] Tuy nhiên, yếu tố về “bất cẩn, cẩu thả” xuất phát chủ yếu từ hành vi của nhà sản xuất. Đối với những thiệt hại xảy ra, họ buộc phải biết và phải hành động để ngăn ngừa và loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm. Trong khi đó, TNNN lại tập trung hơn vào bản chất của sản phẩm. Trường hợp nhà sản xuất không biết sự tồn tại của các khiếm khuyết, họ vẫn bị quy kết một TNNN vì để những sản phẩm không an toàn, gây nguy hiểm một cách vô lý cho người tiêu dùng được lưu thông trên thị trường. Dĩ nhiên, học thuyết này không hoàn toàn áp đặt trách nhiệm vô căn cứ đối với nhà sản xuất mà có những ngoại lệ nhất định chẳng hạn như nhà sản xuất sẽ không phải chịu trách nhiệm, không phải bị bồi thường trong tình huống những khuyết tật, những yếu tố gây nguy hiểm đó không thể nhận biết hoặc chứng minh được trong điều kiện trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm xảy ra thiệt hại v.v.
Như vậy, TNNN được xem là bước cao nhất, chặt chẽ và nghiêm ngặt nhất trong khung áp dụng tính chịu trách nhiệm về sản phẩm của nhà sản xuất, nhà kinh doanh đối với người tiêu dùng. TNNN cũng là cơ sở thuận tiện và chặt chẽ nhất cho việc kiện đòi bồi thường thiệt hại. Bỏ qua việc suy xét các yếu tố về lỗi bất cẩn và nghĩa vụ bảo đảm, TNNN thể hiện rất rõ tư tưởng bảo vệ quyền lợi của bên thực tế bị thiệt hại, thường là người tiêu dùng, nâng cao đến tối đa tính chịu trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối liên quan đến sản phẩm có khiếm khuyết gây tổn hại cho người sử dụng bất kể họ có lỗi hay không.
3.2. Nguyên tắc áp dụng của học thuyết “Trách nhiệm nghiêm ngặt” trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm
Khác với các cơ sở yêu cầu đòi bồi thường khác, nguyên tắc về TNNN không xuất phát từ yếu tố hành vi của nhà sản xuất mà dựa vào bản chất của sản phẩm. Theo đó, người sử dụng phải chứng minh được các yếu tố nhất định để kiện đòi bồi thường theo nguyên tắc TNNN.
3.2.1. Quy định về việc áp dụng học thuyết “Trách nhiệm nghiêm ngặt” trong pháp luật của Liên minh châu Âu
Pháp luật của Liên minh châu Âu cũng có những quy định áp dụng học thuyết TNNN trong các chế định về TNSP. Điển hình như Chỉ thị số 85/374/EEC ngày 25/7/1985 của Hội đồng châu Âu về trách nhiệm đối với thiệt hại do sản phẩm gây ra (Chỉ thị số 85/374/EEC) được ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đối với những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản gây ra bởi sản phẩm có khuyết tật, đồng thời tạo nền tảng cho sự thống nhất pháp luật các nước thành viên trong vấn đề TNSP. Chỉ thị số 85/374/EEC cũng tạo nên sự cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua các hạn mức về trách nhiệm sản phẩm và các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm của nhà sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra.[11] Chỉ thị trên đã áp dụng học thuyết về TNNN như nguyên tắc nền tảng trong chế định TNSP, bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng, theo đó, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả khi nhà sản xuất không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, miễn là sản phẩm của những người cung ứng này có khuyết tật[12]. Để thắng một vụ kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt, theo Điều 4 Chỉ thị số 85/374/EEC, người bị thiệt hại phải chứng minh được:
(i) Sản phẩm của nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc bất kỳ người nào trong chuỗi cung ứng sản phẩm có khuyết tật và khuyết tật của sản phẩm phải chứa đựng sự nguy hiểm bất hợp lý.
(ii) Có thiệt hại xảy ra, có thể là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc thiệt hại về tài sản.
(iii) Khuyết tật của sản phẩm là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.
Có thể nhận thấy, quy định trên hoàn toàn bỏ qua việc suy xét các yếu tố như có hay không có lỗi bất cẩn từ nhà sản xuất; Liệu họ có lơ là trong việc ban hành các chỉ dẫn đảm bảo an toàn hoặc cảnh báo về các nguy hiểm tiềm tàng từ sản phẩm đó hay không; Và việc bồi thường thiệt hại có phải chỉ là nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức bị ràng buộc với bên thiệt hại bởi một quan hệ hợp đồng.
3.2.2. Quy định về việc áp dụng học thuyết “Trách nhiệm nghiêm ngặt” trong pháp luật Hoa Kỳ
Học thuyết về TNNN là một trong ba học thuyết quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng, hình thành chế định về TNSP trong pháp luật Hoa Kỳ bên cạnh học thuyết về sự bất cẩn (negligence), học thuyết về sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm (warranty)[13]. TNNN được hiểu là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm nếu sản phẩm kém chất lượng và việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng trong điều kiện bình thường gây thiệt hại cho người sử dụng. Để khởi kiện theo nguyên tắc này, nguyên đơn:
(i) không cần phải chứng minh có hay không có sự cẩu thả của nhà sản xuất; có hay không có nghĩa vụ bảo đảm.
(ii) chứng minh sản phẩm kém chất lượng và nguy hiểm một cách vô lý và thực tế gây thiệt hại.
Nguyên tắc chung là nhà sản xuất sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm gây thiệt hại nếu sản phẩm đó không hư hỏng và có độ an toàn. Do đó, điều kiện tiên quyết để áp dụng nguyên tắc TNNN theo pháp luật Hoa Kỳ trong bồi thường thiệt hại là người khởi kiện phải chứng minh được sản phẩm kém chất lượng. Những cách thức để xác định sự khiếm khuyết trong sản phẩm được các bang của Hoa Kỳ sử dụng phổ biến như: kiểm định về sự mong muốn của người tiêu dùng, nguyên tắc về sự nguy hiểm rõ ràng, sự lựa chọn thiết kế hợp lý[14], v.v.
3.3. Ý nghĩa của việc áp dụng học thuyết “Trách nhiệm nghiêm ngặt” trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm
Thứ nhất, TNNN đã chỉ ra các chủ thể liên quan chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm mà mình cung ứng có khuyết tật gây thiệt hại. Các cá nhân, tổ chức sản xuất, phân phối, vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật trong sản phẩm mình gây ra (dù mình có bị ràng buộc hay không với bên thiệt hại bởi một quan hệ hợp đồng). Nhà sản xuất (bao gồm cả nhà sản xuất thành phẩm, nhà sản xuất nguyên vật liệu, nhà sản xuất một bộ phận cấu thành) có thể chịu trách nhiệm về khuyết tật ngay cả khi sản phẩm được sản xuất đúng quy cách, tiêu chuẩn hiện hành hoặc tiêu chuẩn đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nguyên tắc về TNNN đã bác bỏ thuyết “quan hệ mật thiết” (privity doctrine) đã từng là pháo đài bất khả xâm phạm được các bị đơn và thẩm phán sử dụng để chống lại nguyên đơn trong các vụ kiện liên quan đến bồi thường thiệt hại[15] tại các nước theo hệ thống Thông Luật. Theo thuyết này, giữa người bị thiệt hại với người được yêu cầu bồi thường phải có mối liên hệ nhất định nào đó, chẳng hạn như quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, có những tình huống phát sinh ngoài quan hệ hợp đồng phải được điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi các bên liên quan, và TNNN trong pháp luật về TNSP đã đề cập và giải quyết vấn đề đó. Xác định mức chịu trách nhiệm chặt chẽ, nghiêm ngặt đã thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của giới học giả, của các nhà làm luật nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi của bên bị thiệt hại (người tiêu dùng) nhiều hơn khi thừa nhận việc áp dụng học thuyết TNNN trong pháp luật về TNSP.
Thứ hai, TNNN đã bỏ qua việc suy xét các yếu tố về lỗi và nghĩa vụ bảo đảm của nhà sản xuất nhằm tập trung hơn vào bản chất và tình trạng vốn có của sản phẩm khuyết tật, đánh giá mức độ chịu trách nhiệm của các chủ thể liên quan từ chính sản phẩm phát sinh thiệt hại cho người tiêu dùng mà không cần thông qua yếu tố hành vi của nhà sản xuất. Quy định như vậy không những thể hiện quan điểm chặt chẽ, rõ ràng trong việc quy kết TNNN đối với chủ thể bồi thường thiệt hại mà còn giảm gánh nặng chứng minh cho người tiêu dùng. Trước đây, khi việc áp dụng TNNN chưa phổ biến với pháp luật các nước, người tiêu dùng khi kiện đòi bồi thường thiệt hại phải chứng minh lỗi phát sinh từ phía nhà sản xuất. Trên thực tế, việc chứng minh yếu tố lỗi là một việc hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt là đối với người tiêu dùng khi hầu như họ thiếu kiến thức, kĩ năng chuyên môn cũng như các thông tin về sản phẩm. Do đó, quy định không buộc người tiêu dùng phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất trong việc gây ra thiệt hại đã bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong “mặt trận” đầy phức tạp và khó khăn này. Trong khi đó, chứng minh sự tồn tại của khuyết tật trong sản phẩm, thiệt hại thực tế và mối quan hệ giữa thiệt hại thực tế với khuyết tật là một vấn đề khách quan, phù hợp hơn với năng lực thực hiện của người tiêu dùng. Rõ ràng, việc giảm nhẹ gánh nặng chứng minh đó sẽ làm cho việc quy kết trách nhiệm đối với nhà sản xuất được đơn giản hơn và do đó, người tiêu dùng có cơ hội nhiều hơn, có động lực tốt hơn để tiến hành khởi kiện quy trách nhiệm cho nhà sản xuất.[16] Khi người tiêu dùng đã có cơ hội và động lực tốt để kiện đòi bồi thường thiệt hại từ sản phẩm khuyết tật, nhà sản xuất từ đó sẽ cẩn trọng hơn trong việc thiết kế sản xuất sản phẩm của mình để đảm bảo sản phẩm ít hoặc không có khuyết tật, an toàn hơn cho người sử dụng.
Việc áp dụng nguyên tắc hay học thuyết nào về TNSP có ý nghĩa tác động rất lớn đến với việc bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng. Trong tương quan về sức mạnh kinh tế cũng như việc tiếp cận thông tin, so với nhà sản xuất và doanh nghiệp, rõ ràng người tiêu dùng là bên yếu thế. Do vậy, những quy định, những nguyên tắc nhằm bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế hơn được đề cập trong học thuyết về TNNN đã đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của người tiêu dùng, giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn từ mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, thúc đẩy doanh nghiệp cẩn trọng và có trách nhiệm hơn đối với các sản phẩm mà mình đem lưu thông trên thị trường. Đây là học thuyết có mục đích bảo vệ người tiêu dùng mà pháp luật các nước áp dụng rộng rãi.
- Kiến nghị về việc áp dụng học thuyết “Trách nhiệm nghiêm ngặt” trong pháp luật Việt Nam để hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm
4.1. Các quy định của pháp luật Việt Nam về “trách nhiệm nghiêm ngặt” và thực tiễn áp dụng
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định áp dụng học thuyết về TNNN trong pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và trong pháp luật về TNSP (Luật Việt Nam là “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra[17]”). Tuy nhiên, các quy định đó chưa cụ thể, chặt chẽ và nhất quán trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) là một trong những văn bản quy phạm có quy định điều chỉnh về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm khuyết tật). Điều 585.2 BLDS 2015 quy định: “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”. Với quy định này, nhà sản xuất vẫn phải bồi thường kể cả khi không có lỗi, nhưng mức độ bồi thường sẽ được giảm nếu thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của nhà sản xuất. Đây là một quy định mang tư tưởng, dáng dấp của học thuyết về TNNN, nhưng không minh thị, còn chung chung và chưa thật sự chặt chẽ.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Luật BVQLNTD 2010) là văn bản quy định trực tiếp cơ chế bảo vệ quyền lợi người bị thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra.[18] Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng bao gồm hàng hóa có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật, từ quá trình sản xuất, lưu giữ, vận chuyển hay tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn cảnh báo đầy đủ v.v.[19] Điều 23, Luật BVQLNTD 2010 có quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật đó”[20] Với quy định như trên, TNNN đã được thừa nhận một cách chính thức trong pháp luật Việt Nam, là căn cứ pháp lý giải quyết các vụ việc liên quan đến kiện đòi bồi thường thiệt hại phát sinh giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm khuyết tật. Việc áp dụng TNNN trong pháp luật về TNSP đã có những bước đi căn bản, đảm bảo về mặt hài hòa lợi ích giữa các bên, đặc biệt là người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Luật BVQLNTD 2010 cũng có những quy định về nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể liên quan. Cụ thể, Điều 25 quy định: “Người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”[21]. Ngoài ra, Điều 26.1 cũng ghi nhận: “Khi nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thông tin, bằng chứng hoặc tự mình xác minh, thu thập thông tin, bằng chứng để xử lý theo quy định của pháp luật”. Với những quy định này, cơ quan quản lý yêu cầu bên bị thiệt hại phải cung cấp chứng cứ vi phạm của tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đồng thời nhà sản xuất cũng phải thu thập thông tin, chứng cứ để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Điều 42.1 quy định: “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.[22] Như vậy, nhà làm luật đã loại bỏ yêu cầu về chứng minh lỗi của nhà sản xuất cho bên bị thiệt hại nhằm giảm nhẹ gánh nặng chứng minh cho đối tượng này. Tuy nhiên, việc chứng minh không có lỗi lại được chuyển qua nhà sản xuất, bên bán hàng: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.[23]” Một mặt, luật thừa nhận rằng khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng không cần chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Mặt khác, luật lại quy định nhà sản xuất có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi.
Tác giả cho rằng, yếu tố về lỗi cần được xem xét và làm rõ trong các quy định trên và liệu nguyên tắc về TNNN có được áp dụng phù hợp, thống nhất giữa các điều khoản này hay không. Trong khi pháp luật tại các nước như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu hoàn toàn loại bỏ yếu tố về lỗi khi yêu cầu bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc TNNN, pháp luật Việt Nam dường như chỉ chuyển vai trò chứng minh liên quan đến “lỗi” từ người tiêu dùng sang nhà sản xuất. Các quy định trên có thiên hướng giảm nhẹ gánh nặng chứng minh cho người bị thiệt hại, bảo vệ một cách tối đa quyền lợi của đối tượng này bằng các điều khoản áp dụng học thuyết về TNNN. Tuy nhiên, tồn tại các điểm chưa thống nhất trong việc áp dụng đúng bản chất của nguyên tắc TNNN tại các khoản 1, khoản 2, Điều 42 Luật BVQLNTD 2010.
4.2. Kiến nghị về việc áp dụng học thuyết Trách nhiệm nghiêm ngặt trong quy định của pháp luật Việt Nam về Trách nhiệm sản phẩm
Việc áp dụng đúng đắn và sâu sắc các giá trị từ học thuyết về TNNN trong chế định TNSP sẽ bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng – bên yếu thế hơn so với nhà sản xuất, doanh nghiệp. Do vậy, Pháp luật Việt Nam cần có sự điều chỉnh đối với các quy định liên quan đến việc áp dụng học thuyết TNNN nhằm hoàn thiện và phù hợp hơn với thực tiễn giải quyết các vụ việc.
Điều 25.2 Luật BVQLNTD 2010 không nên quy định bên bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, hành vi vi phạm của nhà sản xuất hay kinh doanh hàng hóa. Thay vào đó, Luật nên quy định tương tự như Chỉ thị số 85/374/EEC bằng cách yêu cầu người tiêu dùng cung cấp chứng cứ liên quan đến khuyết tật sản phẩm, thiệt hại xảy ra và mối liên hệ giữa thiệt hại và khuyết tật.[24] Việc cung cấp bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của nhà sản xuất là không hề đơn giản, do đó quy định như trên sẽ hỗ trợ người tiêu dùng trong việc kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Điều 42.2 Luật BVQLNTD 2010 nên thay đổi quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại” Yếu tố lỗi nên được bỏ qua đối với người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất trong quá trình kiện đòi bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc TNNN. Việc yêu cầu nhà sản xuất có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi thể hiện sự thiếu nhất quán giữa các điều, khoản áp dụng theo nguyên tắc TNNN.
- Tổng kết
Học thuyết về “Trách nhiệm nghiêm ngặt” là một trong các nguyên lý nền tảng hình thành nên chế định TNSP trong pháp luật của các nước trên thế giới. Với việc bỏ qua sự suy xét các yếu tố về lỗi xuất phát từ hành vi của nhà sản xuất, TNNN tập trung hơn vào bản chất nguy hiểm hoặc khiếm khuyết vốn có của sản phẩm khuyết tật, từ đó quy kết một trách nhiệm “nghiêm ngặt” đối với nhà sản xuất, nhà phân phối trong chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng. Pháp luật Việt Nam nên có những điều chỉnh trong các quy định áp dụng TNNN để học thuyết này phát huy ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn./.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
2) Bộ luật Dân sự 2015
3) John W. Wade, Strict tort liability of manufacturers, 19 Sw. L.j 5 (1965), [Heinonline]
4) Whitaker Simon, The Development of Product Liability (Cambridge University Press, 2010), tr. 45.
5) “Product liability and the control of product risk in the European Community”, in Oxford Review of Economic Policy. Vol 10, No. 1, tr. 68-83, tr. 73.
6) Chị thị số 85/374/EEC.
7) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học Hà Nội – Đà Nẵng, 1996, tr, 985.
8) Lê Vương Long, Trách nhiệm pháp lý – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay, nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.9.
9) Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Cương, Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.
10) Nguyễn Văn Quân, “Góp phần nhận thức lại trách nhiệm pháp lý dưới góc độ lý luận”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 34, Số 1 (2018) 1-7,
11) Lê Văn Sua, “Một số quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – bất cập cần hoàn thiện”, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1901 [Ngày truy cập 20/10/2018]
12) Lê Hồng Hạnh, Trương Hồng Quang, “Các nguyên lý của chế định trách nhiệm sản phẩm tại Hoa Kỳ và một số quốc gia” Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2(262) tháng 2/2010, tr 35-42.
13) Nguyễn Hữu Phúc, “Yêu cầu pháp lý của trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật liên minh Châu Âu – Bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=291 [ngày truy cập 24/10/2018]
14) Phạm Thị Phương Anh, “Trách nhiệm nghiêm ngặt và miễn giảm trách nhiệm trong pháp luật về Trách nhiệm sản phẩm”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(171) tháng 5/2010 http://www.nclp.org.vn/tu-lieu/tong-tap-tap-chi-nghien-cuu-lap-phap-nam-2010/tap-chi-nclp/so-10-171-thang-5-2010 [ngày truy cập 26/10/2018]
15) Viện Khoa học pháp lý – Bộ tư pháp, Lê Hồng Hạnh (Chủ biên), Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam, nxb Chính trị quốc gia, tr.5.
[1] Viện Khoa học pháp lý – Bộ tư pháp, Lê Hồng Hạnh (Chủ biên), “Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam”, nxb Chính trị quốc gia, tr.5.
[2] Từ khóa “Strict liability”, Legal Dictionary, link truy cập: https://legaldictionary.net/strict-liability/ [Ngày truy cập 4/10/2018]
[3] Lê Vương Long, “Trách nhiệm pháp lý – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay”, nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.9.
[4] Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Cương, Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 107.
[5] Nguyễn Văn Quân, “Góp phần nhận thức lại trách nhiệm pháp lý dưới góc độ lý luận”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 34, Số 1 (2018) 1-7.
[6] Ngô Thu Trang, “Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật bào vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật bản điện tử, link truy cập: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/phap-luat-kinh-te.aspx?ItemID=125 [ngày truy cập 27/10/2018]
[7] Hoàng Phê ( chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học Hà Nội – Đà Nẵng, 1996, tr, 985.
[8] John W. Wade, “Strict tort liability of manufacturers”, 19 Sw. L.j 5 (1965), [Heinonline]
[9] John W. Wade, “Strict tort liability of manufacturers”, 19 Sw. L.j 5 (1965), [Heinonline]
[10] John W. Wade, tlđd
[11] Whitaker Simon, The Development of Product Liability (Cambridge University Press, 2010), tr. 45.
[12] Khoản 2 Điều 3 Chỉ thị số 85/374/EEC.
[13] Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Cương, Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nxb Chính trị Quốc gia, tr.148.
[14] Lê Hồng Hạnh, Trương Hồng Quang, “Các nguyên lý của chế định trách nhiệm sản phẩm tại Hoa Kỳ và một số quốc gia” Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2(262) tháng 2/2010, tr. 35-42.
[15] Lê Hồng Hạnh, Trương Hồng Quang, “Các nguyên lý của chế định trách nhiệm sản phẩm tại Hoa Kỳ và một số quốc gia”, tlđd.
[16] Lê Văn Sua, “Một số quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – bất cập cần hoàn thiện” link truy cập: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1901%20 [Ngày truy cập 20/10/2018]
[17] Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Cương, Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nxb Chính trị Quốc gia, tr.148
[18] Nguyễn Hữu Phúc, “Yêu cầu pháp lý của trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật liên minh Châu Âu – Bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật bản điện tử, link truy cập: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=291 [ngày truy cập 24/10/2018]
[19] Xem khoản 3 Điều 3, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
[20] Xem khoản 1 Điều 23, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
[21] Xem khoản 2 Điều 25, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
[22] Xem khoản 1 Điều 42, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
[23] Xem khoản 2, Điều 42, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
[24] Nguyễn Hữu Phúc, “Yêu cầu pháp lý của trách nhiệm sản phẩm theo pháp luật liên minh Châu Âu – Bài học cho Việt Nam”, tlđd.