[CS 04 – 05/2018] GIÁO SƯ VŨ VĂN MẪU – CHUYÊN GIA VỀ DÂN LUẬT VÀ CỔ LUẬT VIỆT NAM

Lý Ngọc Yến Nhi

                                                Sinh viên K17501, ĐH Kinh tế-Luật, ĐHQG Tp.HCM

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, có một tên tuổi lớn ở lĩnh vực Luật học mà mãi về sau này người đời vẫn dành trọn sự kính trọng khi nhắc đến – giáo sư Vũ Văn Mẫu. Với những đóng góp tích cực mang tầm thời đại, ông được đánh giá là “ngọn đuốc soi đường của nhiều thế hệ”, “cây đại thụ của ngành luật Việt Nam”. Những công trình nghiên cứu mang tính uyên thâm, kết hợp cựu và tân học của ông cho đến ngày nay vẫn khó có thể tìm được ở một học giả đương đại nào.

Vài nét về tiểu sử

Vũ Văn Mẫu sinh ngày 25 tháng 7 năm 1914 trong một gia đình có truyền thống nghề thêu ở tỉnh Hà Đông (Hà Nội ngày nay). Cụ thân sinh không may mất sớm, mẹ ông đã vất vả nuôi dạy sáu con, trong đó có giáo sư  mê nghiên cứu pháp luật, sau khi hoàn thành giáo dục trong nước, Vũ Văn Mẫu được gia đình đưa sang học tại Đại học Luật khoa Paris, Pháp. Sau tốt nghiệp, ông tiếp tục theo học tại đây cho đến khi lấy được bằng Thạc sĩ và trở về hành nghề luật tại Hà Nội. Thời gian này Vũ Văn Mẫu vẫn tiếp tục học tập tại trường Luật Hà Nội. Đỗ cử nhân luật, ông đăng kí học Cao học và sau này thi đỗ luôn hai bằng Cao học, trong đó có Vũ Văn Mẫu cùng với em trai là tiến sĩ Vũ Như Canh, em gái là dược sĩ Vũ Thị Sửu đều là những người thành công sau này.

Vốn thông minh, học giỏi và có niềm đamg Cao học Kinh tế. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Camerlynck, Vũ Văn Mẫu chuẩn bị luận án tiến sĩ Luật và sang Paris bảo vệ thành công luận án vào năm 1948, sau đó trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy. Năm 1951 ông trở lại Paris chuẩn bị thi Thạc sĩ Luật và năm 1953 chính thức đỗ Thạc sĩ. Thời đó, Vũ Văn Mẫu là một trong số ít các luật sư tài năng có được học vị danh giá này. Niềm đam mê học tập, nghiên cứu gắn liền với quãng đời kiên trì, bền bỉ đã dần tạo cho Vũ Văn Mẫu những khởi đầu trong việc trở thành tên tuổi lớn về sau.

Cuộc đời Vũ Văn Mẫu gắn liền với nhiều thành tựu ở các lĩnh vực khác nhau, khi là một chính trị gia vững vàng trên chính trường, lúc là vị giáo sư khả kính trong tâm trí của sinh viên ngành Luật, hơn nữa còn là một học giả với những nghiên cứu trứ danh. Song, ở mỗi cương vị ông đều cho thấy sự tận tâm và để lại những dấu ấn của một tên tuổi lớn. Sau những biến động thời cuộc, Vũ Văn Mẫu cùng gia đình sang định cư ở Pháp. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm 1998 trên đất Paris, kết thúc một cuộc đời hơn nửa thế kỉ dấn thân, gắn bó với bao thăng trầm của đất nước.

Sự nghiệp nghiên cứu Luật học

Giáo sư Vũ Văn Mẫu được biết đến với tư cách là một học giả lớn của ngành Luật, vị giáo sư khả kính của sinh viên Luật khoa lúc bấy giờ. Với vốn kiến thức uyên thâm, sâu rộng, am hiểu cả cựu lẫn tân học, thông thạo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Hán, La Tinh, cho đến nay vẫn chưa có một học giả đương đại nào có thể sánh kịp bước giáo sư. Về điều này, luật sư Trương Thị Hòa đã từng khẳng định: “Giáo sư Vũ Văn Mẫu, nhà nghiên cứu pháp luật đầu đàn ở miền Nam, mà qua các công trình khoa học pháp lý hiện nay cũng đã khẳng định ông là đầu đàn của cả nước… ”.

Trong quá trình hoạt động nghiên cứu, giáo sư Vũ Văn Mẫu đã để lại những tác phẩm mang tầm thời đại. Đối với giáo sư Vũ Văn Mẫu, danh xưng học giả có thể nói là phù hợp nhất để nhắc đến ông thay vì những chức danh lúc còn hoạt động trên chính trường vì cuộc đời giáo sư là một quá trình tận lực, tận tâm cho hoạt động nghiên cứu pháp luật. Vốn bận rộn với công việc giảng dạy và quản lí, lại giành nhiều thời gian cho các hoạt động chính trị nhưng giáo sư vẫn miệt mài tìm hiểu và đã có những đóng góp giá trị, thấu đáo về các vấn đề luật pháp mang tính chuyên sâu. Một trong những dấu ấn nổi bật của Vũ Văn Mẫu chính là những tác động từ các nghiên cứu của ông đã trở thành nền móng cho việc hình thành và hoàn thiện Bộ luật Dân sự Việt Nam. Các tác phẩm ông để lại đều mang những giá trị nhất định và xứng tầm trứ danh. Một số các tác phẩm có thể kể đến như Dân luật khái luận, Dân luật lược giảng (2 tập), Pháp luật diễn giảng (2 tập), Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giảng, Cổ luật Việt Nam thông khảo (2 tập) đều được xuất bản bởi Đại học Luật khoa Sài Gòn, đã trở thành những trứ tác trong lĩnh vực lịch sử và pháp luật. Ngoài ra còn có các tác phẩm đồng sáng tác như Tiểu từ điển luật và kinh tế (đồng tác giả với Hồ Thới Sanh, Lê Đình Chân, Lưu Văn Bình, Nguyễn Cao Hách), Tự điển Hiến luật và Dân luật (đồng tác giả với Lê Đình Chân),… Năm 1989 khi lấy hiệu là Minh Không, ông có viết bộ sách nói về “Hành trình mở cõi của dân tộc Việt” gồm 3 tập nhưng chưa rõ đã xuất bản hay chưa. Các nghiên cứu kể trên được soạn thảo một cách nghiêm túc, lối khảo cứu, trình bày mang tính bác học uyên thâm nhưng hoàn toàn không xa rời thực tiễn, ngược lại rất quen thuộc bởi những gì được viết ra là những gì gắn liền với lịch sử, cuộc sống. Tác phẩm của ông còn được René David và John E.C Brierley trích dẫn trong cuốn sách nổi tiếng về luật so sánh Major Legal Systems in the World Today.

Ngày nay, khi nhìn lại những đóng góp tích cực của Vũ Văn Mẫu, có rất nhiều những nhận định bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông. Một trong số đó xin được kể đến lời tưởng niệm chân thành của luật sư Lê Công Định: “Mặc dù chỉ là hậu bối và không trực tiếp lắng nghe ông giảng dạy, song gia tài học thuật ông để lại cũng đủ để tôi trang bị một hệ thống kiến thức nền tảng về luật học và nhận ra đâu là khoa học thật sự. […] Tưởng nhớ đến ông, tôi vẫn không thôi ao ước một ngày trên đất nước này, người Việt có được một nền luật pháp và học thuật pháp lý đạt đến tầm vóc và đỉnh cao của thế giới văn minh Tây phương, mà một thời tại mảnh đất miền Nam tưởng chừng chúng ta đã gần đạt đến.”

Dân Luật và Cổ Luật – hai đề tài lớn cùng những tác phẩm trứ danh

Trên bình diện là một học giả lớn, đặc biệt là chuyên gia về Dân Luật và Cổ Luật, giáo sư Vũ Văn Mẫu đã để lại những nghiên cứu quan trọng và giá trị. Thời giảng dạy ở  Đại học Luật khoa Sài Gòn, biết bao sinh viên đã rất ấn tượng và say mê lối giảng luật của giáo sư, đặc biệt là đối với bộ môn Dân Luật. Nhờ am tường lịch sử, thông thạo Hán học mà giáo sư đã vận dụng vào nghiên cứu, phân tích một cách cụ thể để truyền đạt những gì hữu ích nhất cho sinh viên. Về vấn đề Dân Luật, giáo sư Vũ Văn Mẫu đã có những đóng góp qua các tác phẩm Dân Luật Khái Luận, Dân Luật Lược Giảng (2 quyển). Với những nghiên cứu, phân tích cụ thể những quan niệm về pháp luật để nhìn nhận một cách khách quan quá trình phát triển của Dân Luật Việt Nam và từ đó có những nhận định sâu sắc đối với khái niệm Dân Luật thời hiện đại, giáo sư đã trở thành một trong những người tiên phong mở đường cho những nghiên cứu sau này. Giáo sư quan niệm rằng: “Muốn hiểu rõ căn bản của pháp luật, biện pháp thích ứng nhất là nghiên cứu lịch trình tiến hóa của pháp luật trong khuôn khổ của luật đối chiếu”. Dân Luật khái luận là tác phẩm minh chứng điển hình cho quan điểm này với việc “so sánh các điểm sai biệt chính yếu giữa hai quan niệm  Đông Phương và Tây Phương phản chiếu hai nền văn minh dị biệt”, ngoài ra còn “phác họa những đại cương của các hệ thống pháp luật hiện hữu trên thế giới”.

Bên cạnh những khảo cứu về Dân Luật, Cổ Luật cũng là một đề tài mà giáo sư vẫn luôn đam mê khai thác. Trải qua bao biến động, lịch sử đã ghi nhận quá trình hình thành và xây dựng đất nước từ bao đời nay, cùng với đó là việc ra đời và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy vậy, lúc bấy giờ, nền pháp luật cổ truyền của nước ta chỉ có vài học giả Pháp dịch thuật và nghiên cứu. Giáo sư Vũ Văn Mẫu cho đó là “một khống khuyết tinh thần”, “một tủi nhục cho kẻ thức giả”. Với ý thức đó, giáo sư đã sưu tầm, nghiên cứu và soạn nên tập Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử (1973) cùng với Cổ luật Việt Nam thông khảo (2 tập, 1974).

Trong quá trình hình thành và phát triển của đất nước tất yếu không thể không xảy ra những lần “va chạm” với nền văn minh các nước khác, và sự ảnh hưởng đến pháp luật Việt Nam thật sự không  nhỏ. Song, nền bản sắc dân tộc không vì thế mà trở nên lai căn, mai một. Những nghiên cứu của giáo sư Vũ Văn Mẫu về lịch sử và pháp luật Việt Nam đã cho thấy ông thật sự rất chú tâm đến nguồn gốc và những nét đặc trưng đáng trân trọng mà đất nước, con người Việt Nam phải trải qua bao gian truân mới có thể gìn giữ được hơn là đi khai thác những yếu tố Cổ Luật phương Đông, đặc biệt là Trung Hoa trong pháp luật của người Việt. Nhờ vốn kiến thức uyên thâm, đặc biệt thông thạo Hán học đã giúp giáo sư có những phân tích đầy giá trị về quá trình hình thành luật pháp, một trong số đó là việc mở ra cái nhìn toàn diện đối với tính ưu việt của bộ luật Hồng Đức – một bộ luật tiến bộ thời Lê sơ. Sau đó, một học trò của giáo sư là ông Tạ Văn Tài đã cùng vói một nhóm chuyên gia Hán Nôm có soạn cuốn The Le Code: Law in traditional Vietnam (Quốc Triều Hình Luật), nhưng theo các đánh giá, tác phẩm  không thể phổ quát và sâu sắc như những gì giáo sư Vũ Văn Mẫu để lại.

Sau này, khi bàn về vấn đề tìm hiểu văn hóa pháp luật, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa đã viết rằng: “[…] Sau một thời gian tiếp nhận và giao mới có thể nhận chân được những sức mạnh nổi trội của văn hóa Việt, điều mà các học giả thời nay ngồi bên bàn giấy cho là mạnh mẽ chưa chắc đã mạnh ở ngoài đời. Với những nghiên cứu có bằng chứng xác thực, ví dụ về thói quen mua bán đệ đương tài sản như nhà đất, điển cố nhân công, những tập tục bắt nợ, như cách mà ông Vũ Văn Mẫu đã tiến hành khi khảo cứu cổ luật Việt Nam, có vẻ thân thiết và gắn bó với người Việt hơn. Nghiên cứu về di sản văn hóa pháp luật có lẽ nên theo những nếp hành xử cũ và cuộc ẩn hiện của nếp cũ ấy dưới những tấm áo hiện đại thời nay, nếu làm được như vậy thì di sản trở nên sống và thân thương, hơn chỉ là một món đồ cổ trang trí cho hàng ngàn năm đã trôi qua”. Những nhận định trên đủ để hiểu tầm giá trị của các tác phẩm ngay cả khi đặt trong bối cảnh hiện tại cũng như sự tác động của một tư tưởng lớn lên những nghiên cứu sau này.  

Lời kết

Sau một chặng đường dài nhìn lại, chúng ta đã có thể nhìn nhận toàn diện hơn về cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với những thành tựu ghi đậm dấu ấn của giáo sư Vũ Văn Mẫu. Bởi những thăng trầm của lịch sử mà thế hệ ngày nay đã mất đi một vị học giả đáng ngưỡng mộ khi chưa kịp bày tỏ lòng trân trọng vô hạn đối với những gì ông đã để lại. Tuy nhiên càng về sau, tên tuổi của ông lại càng được nhắc đến nhiều hơn bởi các học giả, các nhà nghiên cứu và những người đam mê tìm hiểu pháp luật. Thời gian vùi lấp dần cuộc đời của mỗi người. Nhưng đối với cố giáo sư Vũ Văn Mẫu, những gì ông để lại tuy có mất mát, không vẹn nguyên, song giá trị vốn chưa bao giờ mai một, đó là minh chứng cho quá trình tận lực, tận tâm của một tài năng lớn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Vũ Văn Mẫu, Dân Luật khái luận, NXB Bộ Giáo dục, 1961.
  2. Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, NXB Đại học Luật khoa Sài Gòn, 1974.
  3. Nguyễn Vân Trang, Luật sư Vũ Văn Mẫu – vài nét giới thiệu, http://sinhviekhoaluat.vnweblogs.com/a250245/luat-su-vu-van-mau-vai-net-gioi-thieu.html, [ngày truy cập 10/03/2018].
  4. Lê Quang Vy, “Đến thăm Giáo sư Vũ Văn Mẫu – một kỷ niệm quý trong đời”, Kỉ niệm 100 năm ngày sinh học giả Vũ Văn Mẫu, Văn Việt – Vanviet.info, http://vanviet.info/tu-lieu/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-hoc-gia-chinh-khach-vu-van-mau, [ngày truy cập 15/03/2018].
  5. Trương Thị Hòa, Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3, 5/2014, [ngày truy cập 11/03/2018].
  6. Lê Công Định, “Tưởng niệm giáo sư Vũ Văn Mẫu”, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả Vũ Văn Mẫu, Văn Việt – Vanviet.info, http://vanviet.info/tu-lieu/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-hoc-gia-chinh-khach-vu-van-mau, [ngày truy cập 15/03/2018].
  7. Phạm Duy Nghĩa, “Góp phần tìm hiểu văn hóa pháp luật”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế – Luật , số 24/2008.