Phan Thị Thùy Trang
Sinh viên K17502C, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp. HCM
Những ngày qua cả thế giới đều dành sự quan tâm đặc biệt đến việc Catalonia – vùng tự trị thịnh vượng bậc nhất Tây Ban Nha – tuyên bố độc lập khỏi nước này vào ngày 27/10/2017. Chính quyền Tây Ban Nha không công nhận tuyên bố độc lập của Catalonia và cho biết sẽ tổ chức bầu cử chính quyền mới của khu vực vào ngày 21/12 tới.
Trước đó, vào ngày 1/10/2017, chính quyền địa phương đã tự tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và “phát súng” đầu tiên này có thể trở thành “ mồi lửa” thổi bùng làn sóng li khai tiềm ẩn ở nhiều khu vực châu Âu hiện nay như: Scotland và Bắc Ailen ở Anh; đảo Corse ở Pháp; xứ Basque (một khu vực giữa Tây Ban Nha và Pháp); miền Bắc Italia; xứ Sicule (Rumania); quần đảo Fraoe (Đan mạch)… Có thể thấy, ẩn sau một châu Âu trong tiến trình nhất thể hóa, hướng tới nền hòa bình bền vững và thống nhất toàn vẹn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa ly khai luôn chực chờ bùng phát.
Chủ nghĩa ly khai là một hành động đòi độc lập, muốn tách ra khỏi chính quốc để thành lập một quốc gia riêng của một nhóm người nào đó trong một quốc gia chung. Ly khai thường kèm theo các hành động mang tính cực đoan như nội chiến, đánh bom… và nguy hiểm hơn là nó mang hiệu ứng domino. Cụ thể là không lâu sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016, đến lượt Scotland cũng trưng cầu dân ý rời Liên hiệp Anh. Giờ đây là khu vực người Kurd ở Iraq và khu vực Catalonia ở Tây Ban Nha. Trước đó nữa là trưng cầu dân ý ở Quebec (Canada), Nam Sudan và Australia….
Việc nghị viện vùng lãnh thổ Catalonia tuyên bố độc lập bất chấp phản đối gay gắt từ chính quyền trung ương Madrid và các nước châu Âu được cho là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của “xứ sở bò tót” trong 40 năm qua. Điều này được dự báo sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với nền dân chủ Tây Ban Nha: đe dọa sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này, gây ra sự chia rẽ, biến động đầy phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, hỗn loạn kéo dài.
Dù nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến thứ hai không quá lớn, song nhiều khả năng sẽ nảy sinh xung đột giữa lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ độc lập. Nếu cả hai bên không ai chịu lùi bước, xung đột có thể làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng hiến pháp, gây ảnh hưởng sâu sắc không chỉ tới Tây Ban Nha mà còn cho cả toàn châu Âu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và quan hệ của các nước trong EU đang gặp nhiều trục trặc thì vấn đề “đi hay ở” của xứ Catalonia sẽ tiếp tục là bài toán khó cho Tây Ban Nha nói riêng và cho EU nói chung. Lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm này có lẽ là thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa chính quyền Madrid và xứ Catalonia, dựa trên khuôn khổ luật pháp, để tìm lối thoát hợp lý nhất cho cuộc khủng hoảng.