[CS 03 – 12/2017] TRÁCH NHIỆM TRUNG THỰC, THIỆN CHÍ TRONG GIAI ĐOẠN TIỀN HỢP ĐỒNG DƯỚI GÓC ĐỘ LUẬT HỌC SO SÁNH BLDS 2015 VÀ CISG

Vũ Thị Ngọc Huyền (K14502C) & Trần Ngọc Phương Minh (K15502)

Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.

Trong mọi giao dịch dân sự, trung thực thiện chí luôn là nguyên tắc nền tảng và được quan tâm hàng đầu. Khi các giao dịch ngày càng trở nên phức tạp và lý thuyết đề nghị – chấp nhận đề nghị không còn phù hợp nữa, lý thuyết về trách nhiệm tiền hợp đồng với nền tảng là nguyên tắc trung thực, thiện chí xuất hiện như một giải pháp kịp thời. Bài viết nhằm mục đích phân tích và so sánh trách nhiệm này trong Bộ luật Dân sự 2015 và Công ước Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).

Từ khóa: Trách nhiệm tiền hợp đồng, trung thực, thiện chí, BLDS 2015, CISG.

  1. Giai đoạn tiền hợp đồng

1.1 Khái niệm giai đoạn tiền hợp đồng

Năm 1861, luật sư người Đức Rudolph von Jhering đã đưa ra khái niệm về nghĩa vụ trong giai đoạn đàm phán hợp đồng, hay học thuyết “culpa in contrahendo”. Theo đó, một bên phải chịu trách nhiệm đối với vi phạm của mình trong giai đoạn đàm phán hợp đồng. Đây có thể xem là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm về giai đoạn tiền hợp đồng. Thực tế, tranh chấp có thể xảy ra từ khi các bên chưa ký kết hợp đồng mà họ vẫn đang trong giai đoạn thương thảo. Chính vì sự phù hợp với thực tiễn nên học thuyết này ngày càng được công nhận rộng rãi trong nền khoa học pháp lý. Có thể hiểu, giai đoạn đàm phán hợp đồng hay giai đoạn tiền hợp đồng bắt đầu khi một bên thể hiện ý định muốn xác lập một hợp đồng đến khi hợp đồng được giao kết. Giai đoạn này dài hay ngắn còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, phụ thuộc vào việc các bên có dành nhiều thời gian vào việc thương lượng hay không. Nghĩa vụ tiền hợp đồng là các xử sự mà pháp luật buộc các bên chủ thể trước khi tham gia ký kết hợp đồng phải thực hiện và trong trường hợp các bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu các hậu quả pháp lý bất lợi cho mình.

1.2 Đặc điểm giai đoạn tiền hợp đồng

Thứ nhất, ở giai đoạn tiền hợp đồng, các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng chưa được áp dụng. Trong giai đoạn này, nghĩa vụ phát sinh là nghĩa vụ tiền hợp đồng.

Thứ hai, trong giai đoạn này các bên được quyền lựa chọn có ký kết hợp đồng hay không và ký kết hợp đồng nào. Đây là sự thể hiện của nguyên tắc tự do hợp đồng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các bên được hoàn toàn tự do và tùy tiện trong hành vi của mình.

Thứ ba, sự độc lập giữa giai đoạn tiền hợp đồng và các giai đoạn khác là tương đối. Một số hành vi trong giai đoạn đàm phán hợp đồng có thể dẫn đến hậu quả trong các giai đoạn tiếp theo của hợp đồng.

1.3 Yêu cầu pháp lý đối với giai đoạn tiền hợp đồng

Trong giai đoạn tiền hợp đồng, các bên không được điều chỉnh bởi quy định về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Tuy nhiên, giữa các bên khi đó đã có sự tác động qua lại lẫn nhau. Mặt khác, trên thực tế, trong giai đoạn này đã có thể phát sinh vi phạm và hậu quả là thiệt hại mà bên tham gia đàm phán hợp đồng phải gánh chịu.

Liên quan đến mối quan hệ pháp lý giữa các bên trong giai đoạn này, có hai luồng quan điểm như sau:

Theo quan điểm thứ nhất, mối quan hệ pháp lý chỉ phát sinh khi hợp đồng đã được giao kết. Giai đoạn trước khi hợp đồng được xác lập chỉ được coi là giai đoạn chuẩn bị, các bên phải chịu mọi rủi ro có thể xảy ra và mối quan hệ pháp lý cũng chưa phát sinh.

Theo quan điểm thứ hai, trong giai đoạn thương thảo hợp đồng, giữa các bên đã hình thành một mối quan hệ pháp lý đặc biệt được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, vì “giai đoạn tiền hợp đồng là một giai đoạn rất dễ có sự gian lận và lạm dụng ở mọi góc độ”. Nhóm tác giả đồng quan điểm rằng cần có quy định điều chỉnh mối quan hệ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng để cân bằng và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các bên một cách hiệu quả.

  1. Nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng

Nguyên tắc trung thực, thiện chí là nguyên tắc nền tảng, chi phối nghĩa vụ tiền hợp đồng. Việc ghi nhận nguyên tắc này chưa có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật khác nhau.

Theo hệ thống Common Law, các bên trong giai đoạn đàm phán hợp đồng không có nghĩa vụ tuân theo nguyên tắc trung thực, thiện chí đối với bên còn lại. Do đó, họ được hưởng quyền tự do hoàn toàn trong việc rút khỏi thương lượng mà không phải chịu trách nhiệm đối với chi phí của các bên còn lại. Một ngoại lệ của sự tự do đàm phán này là thuyết promissory estoppel. Lý thuyết này bảo vệ bên đàm phán có niềm tin hợp lý về việc các bên sẽ đạt đến thỏa thuận cuối cùng.

Trái với hệ thống Common Law, khái niệm trách nhiệm tiền hợp đồng được áp dụng tại nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, đặc biệt là các nước theo hệ thống Châu Âu lục địa. Theo hệ thống Civil Law, culpa in contrahendo – một hình thức của trách nhiệm tiền hợp đồng – là một phần quan trọng trong luật hợp đồng và nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Trách nhiệm tiền hợp đồng yêu cầu các bên hành xử trên cơ sở nguyên tắc trung thực, thiện chí trong quá trình đàm phán hợp đồng. Như vậy, nguyên tắc trung thực, thiện chí không chỉ đặt ra trong giai đoạn thực hiện hợp đồng mà còn trong cả giai đoạn đàm phán hợp đồng.

  1. Trách nhiệm trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng theo BLDS 2015

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nước thuộc hệ thống pháp luật Civil law, các nhà lập pháp của Việt Nam đã luôn coi trọng nguyên tắc trung thực, thiện chí trong việc điều chỉnh các mối quan hệ dân sự. Quy định về trung thực, thiện chí trong pháp luật Việt Nam nằm trong Điều 3 của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định về các nguyên tắc cơ bản: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Khác với BLDS 2005, nguyên tắc trung thực, thiện chí trong Bộ luật dân sự hiện hành không còn được quy định riêng tại một điều luật. Ngoài ra, BLDS 2015 cũng đã loại bỏ quy định về các nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự, trong đó có nguyên tắc trung thực, thiện chí. Tuy nhiên, việc này không thực sự ảnh hưởng tới vai trò của nguyên tắc trung thực, thiện chí như một nguyên tắc cơ bản. BLDS 2015 quy định trách nhiệm trung thực, thiện chí trong giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự, thể hiện rõ ràng yêu cầu trách nhiệm trung thực, thiện chí đối với các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng.

Sự quan trọng của trách nhiệm trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng được thể hiện trực tiếp qua quy định tại Điều 387 về nghĩa vụ thông tin trong giao kết. Nghĩa vụ cung cấp thông tin “ảnh hưởng đến việc giao kết” chính là biểu hiện của trung thực; nghĩa vụ bảo mật thông tin, “không sử dụng thông tin bí mật cho mục đích riêng hoặc mục đích trái pháp luật” cũng chính là biểu hiện của thiện chí. Việc quy định về nghĩa vụ bồi thường của bên vi phạm tại khoản 3 là một quy định thỏa đáng, quy định này sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng.

“Tinh thần” của nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng còn được thể hiện gián tiếp trong một số điều luật. Chẳng hạn, Bộ luật cho phép một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu, bởi lẽ khi một bên có hành vi lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì bên đó đã vi phạm nguyên tắc trung thực, thiện chí. Hoặc, BLDS 2015 có quy định, “Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh. Đây cũng là biểu hiện của nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng. Quy định này cũng được tìm thấy trong pháp luật của nhiều nước khác nhau thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa.

Mặc dù có quy định về nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giao kết hợp đồng, BLDS 2015 vẫn chưa ban hành các chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản này. Như vậy, có thể thấy, BLDS 2015 tuy có thể hiện nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng nhưng cách quy định vẫn chưa thật sự rõ ràng và đầy đủ.

  1. Trách nhiệm trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng theo CISG

Công ước Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) là nỗ lực thành công nhất của cộng đồng quốc tế trong việc thiết lập một cơ chế điều chỉnh mối quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Việc quy định nghĩa vụ trung thực, thiện chí trong các điều khoản của CISG đã gặp rất nhiều khó khăn bởi sự khác biệt trong quan điểm của các hệ thống luật mà đại diện là hai hệ thống Civil Law và Common Law. Sau ba vòng đám phán, quy định về trung thực, thiện chí có phạm vi bó hẹp trong việc giải thích các điều luật của CISG được quy định tại Điều 7 như sau:  

“1. Trong việc giải thích Công ước này, cần xem xét đến tính chất quốc tế của nó cũng như sự cần thiết phải thúc đẩy việc áp dụng Công ước này một cách thống nhất và bảo đảm nguyên tắc thiện chí trong thương mại quốc tế.

  1. Các vấn đề pháp lý liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Công ước này mà không có các quy định rõ ràng trong Công ước này thì sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc chung làm nền tảng của Công ước, hoặc nếu không có các nguyên tắc chung đó thì giải quyết theo luật áp dụng được xác định dựa trên các quy tắc của tư pháp quốc tế.”

Điều 7 là sự thỏa hiệp giữa các hệ thống luật, với cách sử dụng từ ngữ mơ hồ có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhiều học giả hiện nay ủng hộ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 7 điều chỉnh quan hệ giữa hai bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng, mà cụ thể hơn ở đây là giai đoạn tiền hợp đồng. Nhóm tác giả cũng đồng tình với quan điểm này.

4.1. Tính chất của trung thực, thiện chí trong CISG

CISG đặt ra một nghĩa vụ giải thích trung thực, thiện chí các quy định của CISG nhưng lại không đưa ra bất cứ định nghĩa trung thực, thiện chí nào. Tuy nhiên cần khẳng định rằng trung thực, thiện chí phải được phân tích theo tính quốc tế của CISG và theo sự áp dụng thống nhất quy định tại khoản 1 Điều 7. Các tòa án cũng đồng ý với nhận định trên, cụ thể trong vụ việc Dulces Luisi, S.A de C.V v. Seoul International Co.Ltd y Seolia Confectionery Co. (Dulces Luisi) khi mà tòa án nhận định rằng trung thực thiện chí phải được diễn giải theo thông lệ quốc tế mà không “giải nghĩa [quy tắc trung thực, thiện chí] bằng luật của Mexico”.

Với vai trò là một nguyên tắc chung, trung thực, thiện chí không chỉ ảnh hưởng tới cách diễn giải CISG mà còn gián tiếp điều chỉnh hành vi của các bên. Tuy nhiên, không có chế tài nào được quy định khi các bên vi phạm quy tắc này. Trong vụ việc SARL Bri Production “Bonaventure” v. Societe Pan African Export thì tòa án đã nhận định bên mua không hành xử trung thực, thiện chí theo quy định của khoản 1 Điều 7 do bán lại hàng hóa tới nơi khác với những địa điểm đã đồng ý trong hợp đồng và cũng đã phạt bên bán 10,000 francs bồi thường tổn thất cho bên mua. Bởi vì CISG không quy định chế tài khi các bên vi phạm nguyên tắc trung thực, thiện chí, tòa án đã trở về luật quốc nội để đưa ra những phán quyết thỏa đáng, công bằng.

Trung thực, thiện chí cũng là một quy tắc chứa đựng trong nhiều điều khoản của CISG. Ví dụ như quy định tại Điều 29 quy định “hợp đồng thể hiện bằng văn bản trong đó có quy định rằng việc sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng cũng phải thể hiện bằng văn bản thì các bên không thể sửa đổi chấm dứt hợp đồng bằng hình thức khác. Tuy nhiên, một bên không thể viện dẫn quy định này nếu hành vi của họ làm cho bên kia hành động dựa trên hành vi đó”. Có thể hiểu nếu một bên cố tính hành xử trái với nội dung hợp đồng đã được giao kết bằng văn bản và bên kia hành động dựa trên sự tin tưởng vào hành xử đó thì việc này đã vi phạm quy tắc trung thực, thiện chí quy định tại khoản 1 Điều 7. Việc quy định “một bên không thể viện dẫn quy định này nếu hành vi của họ làm cho bên kia hành động dựa trên hành vi đó” chính là biểu hiện của quy tắc trung thực, thiện chí.

4.2. Trách nhiệm tiền hợp đồng trên cơ sở nguyên tắc trung thực, thiện chí theo CISG

Lý thuyết đằng sau CISG là sự thống nhất trong pháp luật điều chỉnh giao dịch thương mại quốc tế để giảm chi phí giao dịch cho các bên. Cụ thể là những chi phí trong đàm phán chọn luật áp dụng, trong việc làm quen với một hệ thống luật mới của ít nhất một bên (nếu luật của một nước thứ ba trung lập được chọn thì cả hai bên đều phải chịu chi phí này). Hơn nữa, lý thuyết đề nghị – chấp nhận đề nghị giao kết truyền thống không còn phù hợp bởi giao dịch hiện đại ngày càng phức tạp và khó xác định thời điểm hợp đồng được hình thành. Nếu khẳng định trong CISG không quy định về trách nhiệm tiền hợp đồng và để vấn đề này được điều chỉnh bởi luật quốc nội thì sẽ giảm tính dự đoán được, tính thống nhất mà CISG hướng tới và tăng chi phí giao dịch cho các bên. Bởi vậy, trách nhiệm trung thực, thiện chí quy định tại Điều 7 cần được mở rộng để điều chỉnh giao đoạn tiền hợp đồng.

Tòa án có thể dựa vào Điều 8 quy định về cách diễn giải ý chí các bên để diễn giải ý chí các bên trong các giai đoạn soạn thảo, đàm phán những nội dung quan trọng của hợp đồng để từ đó xét trách nhiệm của họ. Ví dụ như khi hai bên đã thỏa thuận xong về các nội dung quy định tại Điều 14 và một bên không muốn tiếp tục giao kết, trách nhiệm trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng có thể phát sinh. Khoản 2 Điều 16 CISG quy định “chào hàng không thể bị hủy bỏ nếu bên được chào hàng hành động dựa trên sự tin tưởng hợp lý rằng chào hàng đó không thể bị hủy bỏ”, sự tin tưởng hợp lý này cũng có thể là cơ sở hình thành nên trách nhiệm tiền hợp đồng của bên chào hàng.

Biện pháp khắc phục cho bên chịu tổn thất trong giai đoạn tiền hợp đồng có thể được áp dụng tương tự những quy định theo Điều 74 khi có sự vi phạm nghĩa vụ tiết lộ hay bảo mật thông tin của bên kia. Áp dụng tương tự Điều 74 thì “tổn thất” có thể là những chi phí bên bị vi phạm đã bỏ ra dựa vào khả năng hợp đồng được giao kết, những lợi nhuận bị bỏ lỡ bởi cơ hội giao kết không còn, những chi phí hợp lí  khác liên quan tới hợp đồng, và có thể là cả chi phí, thời gian để tìm một đối tác tương tự. Ngoài ra, Điều 81 quy định về nghĩa vụ bồi thường của các bên trong trường hợp hủy hợp đồng. Khi áp dụng tương tự cho giai đoạn tiền hợp đồng, khi một bên đã thực hiện những công việc nhất định hay hứng chịu tổn thất do tin tưởng hợp đồng sẽ được giao kết, các bên cũng có thể dựa trên cơ sở của Điều 81 để được bồi thường với luận điểm là hợp đồng đã được ngầm định trong luật, và như vậy sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 81. Mặc dù Điều 74 quy định về nghĩa vụ bồi thường khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và Điều 81 quy định về nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp hủy hợp đồng, nhóm tác giả xét thấy khi áp dụng cho giai đoạn tiền hợp đồng sẽ đem lại cùng một kết quả là sự bồi thường thỏa đáng cho bên bị vi phạm.

Nguyên tắc giảm nhẹ tại Điều 77 cũng có thể được viện dẫn: bên bị vi phạm có thể không được đền bù nếu đã có thể tự tránh những tổn thất nếu đã cẩn trọng, ngăn ngừa các chi phí thất thoát nhiều hơn hoặc tìm kiếm các cơ hội khác sớm nhất có thể khi nghi ngờ khả năng giao kết hợp đồng.

Như vậy, những quy định của CISG điều chỉnh các nghĩa vụ hợp đồng cũng có thể áp dụng tương tự đối với giai đoạn tiền hợp đồng dựa trên nguyên tắc trung thực, thiện chí.

  1. So sánh & Bình luận

BLDS 2015 và CISG đều sử dụng trách nhiệm trung thực, thiện chí như một nguyên tắc chung để điều chỉnh hành vi các bên. Thông qua các phiên bản của Bộ luật Dân sự, ta có thể khẳng định hệ thống luật dân sự của Việt Nam đã luôn coi trọng nghĩa vụ trung thực, thiện chí và luôn khẳng định trách nhiệm này là quan trọng và cơ bản trong quan hệ hợp đồng. Trong phiên bản hiện hành, BLDS 2015 tồn tại một nghĩa vụ thành văn, rõ ràng về trách nhiệm này. Đối với CISG thì lịch sử của CISG cho thấy sự khác biệt trong hệ tư tưởng của hai hệ thống luật Common Law và Civil Law và Điều 7 đã luôn được xem là sự thỏa hiệp hiển hiện nhất của hai hệ thống luật này. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh trách nhiệm trung thực, thiện chí từ thời Lex Mercatoria đang tiếp tục điều chỉnh hành vi các bên trong giao dịch thương mại quốc tế; Điều 7 CISG đã dần được mở rộng ra khỏi nghĩa vụ hạn hẹp của việc giải thích CISG theo những nghiên cứu và án lệ thực tế. Hai quy định này tương tự nhau về bản chất và đều đòi hỏi các bên trong hợp đồng những hành vi ứng xử trung thực, thiện chí nhất trong quan hệ tiền hợp đồng.

Ngoài việc khẳng định trung thực, thiện chí là một nguyên tắc chung, BLDS 2015 cũng có những quy định cụ thể về trách nhiệm thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng dựa trên trách nhiệm trung thực, thiện chí của các bên. Trong khi đó, việc CISG có điều chỉnh giai đoạn tiền hợp đồng không hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của các bên và giải thích của các cơ quan tài phán quốc tế, nhưng ta có thể khẳng định nếu CISG điều chỉnh giai đoạn này, cơ sở của trách nhiệm tiền hợp đồng sẽ chính là nguyên tắc trung thực, thiện chí.

Một điểm nữa đáng lưu ý là cả hai đều không có những chế tài cụ thể nếu các bên vi phạm trách nhiệm trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền hợp đồng. Tuy nhiên, BLDS 2015 và CISG đều có thể áp dụng tương tự pháp luật những quy định điều chỉnh những hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng để điều chỉnh trách nhiệm tiền hợp đồng./.

Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. International Sales Law – A Critical Analysis of CISG Jurisprudence (2005), Cambridge University Press, New York, The USA,
  2. Diane Madeline Goderre, International Negotiations Gone Sour: Precontractual Liability under the United Nations Sales Convention, U. Cincinnati Law Review (1997).
  3. Harry M. Flechtner (ed.), Transcript of a Workshop on the Sales Convention: Leading CISG Scholars Discuss Contract Formation, Validity, Excuse for Hardship, Avoidance, Nachfrist, Contract Interpretation, Parol Evidence, Analogical Application, and Much More, 18 J.L. & COM. 191, 219-20 (1999).
  4. Bruno Zeller (2000), Good Faith – The Scarlet Pimpernel of the CISG, < https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/zeller2.html>, [ngày truy cập 03/05/2017].
  5. Lisa Spagnolo, “Opening Pandora’s Box: Good Faith and Precontractual Liability in the CISG”, International and Comparative Law Journal, (2008).
  6. Lê Trường Sơn (2015), “Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ (62.38.01.07), Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Dương Anh Sơn, Nguyễn Văn Luyện, Lê Thị Bích Thọ, Luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2016.

 

Advertisement