Nguyễn Lê Bảo Châu,
Sinh viên K16502, ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.
Bài viết đề cập đến một trong những vấn nạn đáng lo ngại hiện nay: cyberbullying (“bắt nạt qua mạng”) đang ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp. Những lỗ hổng trong pháp luật Việt Nam đối với bắt nạt qua mạng khiến những vụ việc xảy ra ngày một nhiều mà không có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Việc học hỏi các nước về vấn đề này cũng như việc kiến nghị ban hành Luật Bảo vệ người dùng mạng xã hội tại Việt Nam được phân tích cụ thể trong bài viết.
Từ khóa: Bắt nạt qua mạng, Cyber-bullying, Luật bảo vệ người dùng mạng xã hội
- Một số khái niệm
Bullying (hay còn gọi là bắt bạt), thường được miêu tả như một hành vi gây hấn, có chủ đích hoặc cách cư xử của một nhóm người hoặc một cá nhân một cách liên tục qua một khoảng thời gian dài đối với nạn nhân, người mà không dễ bảo vệ bản thân (Whitney & Smith, 1993; Olweus, 1999). Bắt nạt là một dạng của sự ngược đãi dựa trên sự mất cân bằng tâm lý; nó có thể được định nghĩa bằng một sự mất cân bằng tâm lý một cách có hệ thống (Smith & Sharp, 1994; Rigby 2002).
Qua việc sử dụng những định nghĩa trên về bắt nạt, chúng ta có thể định nghĩa cụm từ Cyberbullying (hay còn gọi là bắt nạt trực tuyến), là một hành vi mang tính thù địch của một cá nhân hay một nhóm người, sử dụng thông tin và sự kết nối thông tin như là thư điện tử, điện thoại di động hay tin nhắn văn bản, trang web cá nhân với dự định làm hại danh dự ai đó một cách cố ý, lặp đi lặp lại, hành vi mang tính thù địch bởi một cá nhân hay một nhóm.
Trò bắt nạt bây giờ không chỉ đơn thuần là bắt nạt vật lý (physical bullying), bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết và thậm chí có thể lấy đi tính mạng con người. Chính vì không thể chịu nổi áp lực từ “cư dân mạng”, những cái chết trẻ đã và đang xảy ra, ngay chính nơi bạn đang sống.
- Những con số biết nói
Lee Rainie, giám đốc của mảng nghiên cứu về mạng xã hội (internet) và công nghệ (technology) của Trung tâm Nghiên cứu Pew về bắt nạt trực tuyến vào ngày 10 tháng 10 năm 2017với 4248 người Mỹ được khảo sát trong Nghiên cứu. Theo đó, 41% người dân Mỹ đã và đang là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến và 66% đã từng chứng kiến các vụ việc bắt nạt. Theo thống kê thì một trong năm người Mỹ từng bị tấn công bởi nhiều dạng bắt nạt trực tuyến, như đe dọa tấn công, theo dõi, quấy rối tình dục. Số còn lại liên quan đến bị trêu chọc bằng tên gọi hay quấy rối có chủ đích. Bắt nạt trên mạng xã hội đặc biệt phổ biến ở giới trẻ. 67% bạn trẻ trong độ tuổi từ 18 – 29 là nạn nhân. 33% nạn nhân trên 30 tuổi bị quấy rối online.
Tổ chức chống nạn bắt nạt Ditch the Label đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 10000 bạn trẻ tại Anh trong độ tuổi từ 12-20 tuổi. Kết quả khảo sát được công bố vào tháng 7 năm 2017 cho thấy, 42% người cho biết đã bị bắt nạt qua Instagram, 37% bị bắt nạt trên Facebook và 31% bị bắt nạt trên Snapchat.
Tại Việt Nam, theo một khảo sát được về bắt nạt qua mạng với quy mô 1609 học sinh trung học phổ thông thuộc 6 trường tại Hà Nội, Thừa Thiên – Huế và Cần Thơ. Nghiên cứu điều tra cắt ngang, sử dụng có cập nhật, điều chỉnh thang đo của Putchin và Hinduja về bắt nạt qua mạng; cô lập xã hội (social isolation), thời gian chơi game online. Số liệu thu được thông qua bộ câu hỏi tự điền khuyết danh. Tỷ lệ học sinh bị bắt nạt qua mạng trong 30 ngày trước thời điểm nghiên cứu là 13,5%. Học sinh nam có xu hướng bị bắt nạt qua mạng nhiều hơn học sinh nữ. Học sinh ở thành phố trải nghiệm bị bắt nạt qua mạng nhiều hơn học sinh nông thôn. Học sinh được bạn bè yêu mến hơn có xu hướng ít bị bắt nạt hơn học sinh ít được yêu mến. Học sinh dành nhiều thời gian chơi game online cũng bị bắt nạt nhiều hơn các học sinh khác.
- Kiến nghị ban hành luật bảo vệ người dùng mạng xã hội
Khoản 1 điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” Khoản 1 điều 21 Hiến pháp 2013 cũng ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.” Theo đó, Hiến pháp xác định rõ những vấn đề liên quan đến đời tư cần bảo vệ, bao gồm: đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, danh dự, uy tín của mình. Có thể thấy rằng, nước ta đã có sự quan tâm và bảo vệ danh dự cá nhân của mỗi người.
Thế nhưng, hiện nay, ở Việt Nam, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân đang bị xâm phạm bởi mặt trái của việc sử dụng mạng xã hội, bộc lộ qua những vụ việc gây sự chú ý cao trong dư luận. Với dân số trẻ và sự bùng nổ nhanh chóng của các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, việc bắt nạt qua mạng cũng đang là vấn nạn đáng báo động hiện nay. Những vụ việc như câu chuyện về cô bạn Ngọc Anh – hay còn được cộng đồng mạng biết đến với nickname “hot girl Thắm Tây”, hay cô bạn vô danh ở Hải Phòng bị gán ghép cho cái danh “hot girl big C” là những ví dụ điển hình của bạo lực qua mạng. Gần đây nhất là việc PGS.TS Bùi Hiền với công trình cải tiến chữ Quốc ngữ hay những bài hát của Chi Pu cũng thường xuyên bị đem ra làm trò cười, mua vui thậm chí là dè bỉu, mỉa mai, miệt thị rộng rãi trên cộng đồng mạng và khắp các mặt báo.
Tuy vậy, những quy định, biện pháp và chế tài dành cho việc bắt nạt qua mạng dường như chưa rõ ràng. Điều đó càng cho thấy sự quan trọng của việc ban hành về Luật bảo vệ người dùng mạng xã hội, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên – những đối tượng chưa được vững vàng về mặt tâm lý, chưa đủ kĩ năng đối phó với khó khăn xảy ra với bản thân cũng như chưa ý thức được về ảnh hưởng của những lời nói, hành vi của mình có thể gây tổn thương cho người khác. Những bước đi của các nước trong công cuộc chống bắt nạt ảo cũng là câu chuyện đáng để ta học hỏi. Trong phần này, tác giả phân tích và nêu ý kiến đề xuất một số nội dung nên được đưa vào Luật bảo vệ người dùng mạng xã hội như sau:
3.1. Những hành vi được xem là bắt nạt qua mạng
Hiện nay, khái niệm bắt nạt, quấy rối (bullying), cụ thể hơn là quấy rối, bắt nạt qua mạng (cyberbullying) chưa được định nghĩa một cách rõ ràng trong luật pháp Việt Nam. Nó chỉ mới được đề cập một cách chung chung, mơ hồ và rải rác trong các luật, bộ luật của Việt Nam. Trong Bộ luật Lao động 2012, quấy rối tình dục (bao gồm cả bằng hành vi và ngôn ngữ) được đề cập đến như một hành vi bị nghiêm cấm (khoản 2, điểu 8) và là căn cứ để người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (điểm c, khoản 1, điều 37). Trong bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam công bố vào ngày 25/5/2015 đã nêu ra khái niệm về quấy rối tình dục. Dù ý tưởng và câu chữ giải thích của bộ quy tắc khá chặt chẽ, tiệm cận với pháp luật của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhưng đó chỉ được xem là một dạng tài liệu tham khảo dành cho người lao động và người sử dụng lao động chứ không mang giá trị pháp lý.
Trong nghị định 167/2013/NĐ-CP, bắt nạt, quấy rối được đề cập như hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Đối với Bộ luật Hình sự 2015, bắt nạt, quấy rối lại được nói đến như tội làm nhục người khác, tội vu khống. Có thể thấy rằng, các nhà làm luật ở Việt Nam đã có sự quan tâm nhất định đối với hành vi quấy rối, tuy vậy, hành vi quấy rối bao gồm nhiều mức độ mà lại chưa được định nghĩa một cách rõ ràng, thống nhất trong những văn bản mang giá trị pháp lý. Điều này khiến người dân, hay chính những người hành nghề luật khó khăn trong việc xác định hành vi đó có được xem là quấy rối hay không.
Đối với các nước phương Tây, hành vi bắt nạt, quấy rối được định nghĩa khá đầy đủ trong các văn bản pháp luật. Đạo luật Jessica Logan của bang Ohio, Hoa Kỳ đã đưa ra khái niệm về “Hành vi điện tử” tại điều 1 và điều 2, chương I. Điều 1, điều 2 chương I của luật quy định như sau: “Hành vi điện tử” là hành vi liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động, máy tính, máy nhắn tin, thiết bị liên lạc cá nhân hoặc thiết bị truyền thông điện tử khác.
(1) “Quấy rối, hăm dọa, hoặc bắt nạt” có nghĩa là một trong những điều sau đây:
(2) (a) Bất cứ hành động cố ý bằng văn bản, bằng lời nói, điện tử hoặc thể chất nào mà một học sinh đã biểu hiện đối với một học sinh khác nhiều lần và hành vi đó:
(i) Gây tổn hại về tinh thần hoặc thể chất cho học sinh kia;
(ii) Có đủ nghiêm trọng, dai dẳng, hoặc cho thấy rằng nó tạo ra một môi trường giáo dục hăm dọa, đe dọa, hoặc lạm dụng cho học sinh kia.
Để xác định một hành vi được xem là quấy rối, nhà làm luật xem xét việc hành vi đó được thực hiện như thế nào và ảnh hưởng của hành vi đó đối với nạn nhân. Như vậy, đạo luật đã đưa ra khái niệm khá đầy đủ, chính xác về tội quấy rối, cụ thể là tội quấy rối đối với học sinh và những hành vi được xem là quấy rối, hăm dọa, bắt nạt.
Bắt nạt, quấy rối (bullying), như tác giả đã đề cập ở phần 1. Khái niệm, không chỉ đơn thuần là hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, nó bao gồm nhiều dạng hành vi khác nhau với nhiều mức độ khác nhau. Nhà làm luật Việt Nam cần nêu ra một cách rõ ràng, bao quát nhất đối với hành vi bắt nạt, quấy rối, cụ thể hơn là hành vi bắt nạt qua mạng và xem xét khi nào (về tính chất hành vi, mức độ ảnh hưởng) thì truy cứu trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc nặng hơn là hình sự.
3.2. Quy định về xử lý hành vi bắt nạt qua mạng
3.2.1. Đối với kẻ thực hiện hành vi quấy rối, bắt nạt qua mạng
+ Về xử lý vi phạm hành chính: Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, nếu người quấy rối thực hiện những hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
+ Về xử lý hình sự: Nếu hành vi quấy rối gây xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội làm nhục người khác. Đối với Tội vu khống được quy định tại điều 156 cũng tương tự như vậy. Đặc biệt, hình phạt của 2 tội trên sẽ tăng lên một bậc (đối với tội làm nhục người khác là phạt tù từ 03 tháng đến 2 năm và đối với tội vu khống là 01 năm đến 03 năm) nếu kẻ phạm tội sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. Tuy nhiên, hành vi quấy rối sẽ không đủ yếu tố để cấu thành tội làm nhục người khác nếu không có hậu quả cần chứng minh đó là nạn nhân cảm thấy vô cùng nhục nhã, ê chề. Ở đây, luật chưa chỉ rõ được thế nào là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người khác.
Có thể thấy rằng, quan niệm truyền thống của chúng ta về tội danh “xúc phạm danh dự” và “vu khống” với những hình thức xử phạt hành chính hay nặng hơn khung hình phạt vài năm tù được hình thành giữa một người với một người, nó tương tự quan niệm truyền thống về bắt nạt trên thế giới và khiến những vụ bắt nạt qua mạng trở nên khó giải quyết hơn bao giờ hết. Sự cộng hưởng của đám đông khiến những tội danh “làm nhục người khác” hay “vu khống” đã vượt ra khỏi phạm vi của nó, những vụ bắt nạt giữa một nhóm, thậm chí là cả một cộng đồng đối với một hoặc một số người đã khiến nạn nhân rơi vào tận cùng của sự tuyệt vọng và sự thiếu an toàn, ngay cả khi ở nhà, họ vẫn nhận được những lời lẽ lăng mạ, trêu ghẹo, xúc phạm. Ngay cả khi chết đi, những lời sỉ vả vẫn chưa chấm dứt. Nhiều lúc, mức phạt hành chính như trên là không đủ để răn đe hay làm hành vi bắt nạt qua mạng dừng lại, những status một khi đã đăng lên mạng sẽ lan tỏa cực nhanh và không thể kiểm soát bởi chủ nhân của nó. Trong khi đó, trách nhiệm hình sự lại chỉ được đặt ra khi đã có những tổn thương nghiêm trọng đối với nạn nhân về tinh thần, thể chất,… thì lúc đó đã quá muộn. Cho dù thủ phạm có được xử lý hành chính hay hình sự thì những tổn thương do hành vi bắt nạt gây ra vẫn còn tồn tại trong nạn nhân, thậm chí tổn thương đó vẫn còn tăng lên gấp nhiều lần nếu hành vi đó vẫn còn tiếp diễn.
Như vậy, chúng ta cần những biện pháp thiết thực hơn để kịp thời ngăn chặn hành vi bắt nạt qua mạng nếu nó được xem xét là có nguy cơ xâm phạm đến tinh thần và thể chất của người khác, kể cả khi hậu quả chưa thực sự xảy ra trên thực tế.
Đạo luật về truyền thông kỹ thuật số gây hại (The Harmful Digital Communications) do Quốc hội New Zealand ban hành vào ngày 02/7/2017 quy định ngăn cấm việc các nhân, tổ chức có hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Theo đó, luật pháp nghiêm cấm việc gửi tin nhắn cho người khác mang nội dung phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, chỉ trích tôn giáo, tình trang khuyết tật và quấy rối tình dục. Hành vi bắt nạt trên mạng được xác định là gây hại nếu như những tin nhắn này gây ra sự căng thẳng tinh thần nghiêm trọng cho những người nhận chúng. Theo đó, một người phạm tội liên quan đến bắt nạt trên mạng có thể đối mặt với hình phạt 2 năm tù giam. Thêm vào đó, luật cũng quy định một tội riêng về hành vi kích động/xúi giục tự tử. Người vi phạm sẽ bị tù tới 3 năm nếu họ bị phát hiện có hành vi khuyến khích chuyện này. Như vậy, các nhà làm luật ở New Zealand đưa ra những hành vi được xem là bắt nạt qua mạng và nghiêm cấm những hành vi đó ngay từ đầu; khi nào có xác định hành vi đó gây hại nến nạn nhân và xã hội thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật còn quy định về tội danh kích động/xúi giục tự tử, điều này mang tính tích cực trong việc xử lý hành vi bắt nạt qua mạng khi xem xét đến việc nạn nhân có nguy cơ tự sát nếu hành vi đó diễn ra chứ không đợi đến khi nạn nhân tự sát mới giải quyết.
Theo quan điểm của tác giả về những vấn đề đã đề cập ở trên, Luật Bảo vệ người dùng mạng xã hội trước hết cần có quy định về việc nghiêm cấm những hành vi mang tính bắt nạt, quấy rối qua mạng như: xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác, những tin nhắn, status mang tính miệt thị, chửi bới người khác,… cho thấy đây là những hành động bị pháp luật cấm, không được vi phạm. Nếu trường hợp vi phạm xảy ra, hành vi sẽ bị xử lý hành chính và xử lý hình sự thích đáng.
3.2.2. Đối với nạn nhân – người bị bắt nạt qua mạng xã hội
Hiện nay, trong pháp luật Việt Nam, việc xử lý hành vi bắt nạt qua mạng thường hướng đến sự răn đe, trừng phạt thủ phạm mà không hướng tới biện pháp bảo vệ cho nạn nhân (nội dung đã đề cập ở phần trên). Kể cả khi thủ phạm có bị xử lý hành chính hay hình sự thì với sự lan tỏa của mạng xã hội, việc bắt nạt vẫn có thể còn tiếp diễn, những lời nói, hình ảnh nhằm xúc phạm nạn nhân vẫn tồn tại trên mạng xã hội và lan truyền từ người này đến người khác không có dấu hiệu kết thúc. Hậu quả là nạn nhân vẫn phải chịu sự tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất.
Đối với luật pháp của các nước khác lại có những quy định khác. Chính phủ New Zealand cũng sẽ lập một cơ quan truyền thôn kỹ thuật số mới để tiếp nhận khiếu nại từ người dùng mạng, những điều mà cả Twitter và Facebook đến nay chưa thực hiện hiệu quả. Hai mạng xã hội cũng có thể kí thỏa thuận với cơ quan này và cam kết xóa những tin nhắn vi phạm trong vòng 48 giờ sau khi phát hiện chúng. Việc này giúp chúng ta ngăn chặn những nội dung mang tính thù địch, xúc phạm trước khi nó kịp lan truyền ra ngoài, từ đó người bị bắt nạt qua mạng sẽ được bảo vệ kịp thời khỏi sự miệt thị, xúc phạm từ cộng đồng.
Luật an toàn mạng (Cyber-Safety Act) do chính quyền bang Nova Scotia, Canada đưa ra vào ngày 25/4/2013 nhằm ngăn chặn và giải quyết bắt nạt qua mạng, cho phép nạn nhân xin lệnh tòa, buộc người nào đó phải ngưng hành động bắt nạt qua mạng. Thẩm phán có thể ra lệnh cho người đó ngưng dùng một hình thức truyền thông xã hội hay một phương tiện truyền thông điện tử khác. Trong các trường hợp nghiêm trọng, thẩm phán có thể ra lệnh tịch thu máy tính hay điện thoại di động của người ấy. Nếu vi phạm lệnh của tòa, có thể bị phạt tiền tới 5 ngàn đôla, phạt tù tới 6 tháng, hoặc cả hai. Nạn nhân có thể kiện kẻ bắt nạt qua mạng. Nếu người này dưới 19 tuổi, cha mẹ người ấy phải chịu trách nhiệm (Part I Protection Orders).
Luật cũng quy định về việc thành lập một đơn vị điều tra mạng gồm giám đốc và các nhân viên điều tra, để trẻ em, phụ huynh, giáo viên và cộng đồng có nơi tố cáo hành vi bắt nạt qua mạng xã hội. Đơn vị sẽ điều tra và yêu cầu tòa án ra lệnh bảo vệ nạn nhân. Nếu xét thấy cần điều tra hình sự, đơn vị sẽ chuyển vụ việc cho cảnh sát. Việc hình thành một đơn vị đặc biệt như thế xảy ra lần đầu tiên ở Canada (Cyberbullying prevention order, part V Safer communities and neighbourhoods Act). Việc thành lập đơn vị điều tra mạng sẽ giúp xử lý và gỡ bỏ những thông tin ảnh hưởng xấu đến người khác một cách kịp thời và nhanh chóng mà không phải mất thời gian thụ lý của tòa án hay thời gian điều tra của cảnh sát.
Như vậy, với những biện pháp trên, nạn nhân sẽ có thể bảo vệ bản thân tốt hơn khỏi nguy cơ bị bắt nạt tiếp diễn, những hành vi bắt nạt qua mạng sẽ được ngăn chặn và giải quyết kịp thời, tránh gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với nạn nhân. Tác giả cho rằng, Luật Bảo vệ người dùng mạng xã hội nên có quy định về việc gỡ bỏ những thông tin mang tính xúc phạm, miệt thị, quấy rối người khác, để làm được điều này chúng ta cần phối hợp làm việc với các trang mạng xã hội, những nơi có lượng người truy cập và lượng tương tác cao, dễ xảy ra sự bắt nạt. Các trang mạng xã hội có thể cam kết gỡ bỏ những thông tin được xác định có khả năng gây tổn hại đến người khác sau khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Nạn nhân cũng có quyền kiện ra tòa án buộc người nào đó ngưng hành động bắt nạt qua mạng đối với nạn nhân, nếu hành vi đó vẫn tiếp tục thì kẻ bắt nạt phải chịu sự trừng phạt thích đáng. Luật cũng nên quy định thành lập một đơn vị điều tra mạng để ngăn chặn xử lý kịp thời những thông tin xúc phạm nạn nhân. Đơn vị sẽ điều tra và yêu cầu tòa án bảo vệ cho nạn nhân, nếu xét thấy cần điều tra hình sự thì đơn vị sẽ chuyển hồ sơ cho cảnh sát để việc điều tra hiệu quả hơn.
3.2.3. Đối với đối tượng của những vụ bắt nạt qua mạng là học sinh, sinh viên
Hiện nay, bắt nạt qua mạng diễn ra cực kỳ phổ biến và phức tạp đặc biệt ở thành phần học sinh, sinh viên. Những cuộc khảo sát, nghiên cứu về bắt nạt qua mạng đều hướng tới đối tượng là giới trẻ nằm trong độ tuổi từ khoảng 12 – 29 tuổi. Theo kết quả khảo sát về bắt nạt trực tuyến của Trung tâm nghiên cứu Pew, 67% bạn trẻ trong độ tuổi từ 18 – 29 là nạn nhân. Những vụ bắt nạt qua mạng gây xôn xao trong dư luận hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam chủ yếu diễn ra giới trẻ vị thành niên là chủ yếu. Điển hình là vụ việc nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi) đã tự tử sau khi bị bạn trai tung clip “tình cảm” lên mạng ở ấp Đá Bạc, xã Xuân Đông, huyển Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Trước khi hành động tiêu cực, T. đã phải chịu rất nhiều lời xỉa xói, áp lực từ cộng đồng mạng. T. đã viết lên trang cá nhân những lời van xin mọi người đừng bàn tán, bình phẩm về sự việc.
Qua đó, chúng ta có thể thấy chính vì còn nhỏ tuổi nên các bạn có cái tôi rất lớn, luôn muốn thể hiện, chứng tỏ bản thân bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào, điều đó dễ dẫn đến những quyết định bốc đồng, thiếu suy nghĩ. Có thể ban đầu các bạn chỉ đăng nội dung bêu xấu bạn khác lên mạng chỉ để “cho vui”, nhưng dưới sự lan tỏa khủng khiếp của mạng xã hội, sự việc lại đi xa và khó lường hơn bao giờ hết. Vì các em đang ở độ tuổi vị thành niên nên khó để truy cứu trách nhiệm hình sự, ngay cả Luật Trẻ em 2016 hay Luật Giáo dục 2005 cũng không đề cập rõ về bắt nạt qua mạng đối với học sinh, sinh viên. Do đó, việc quy định những trường hợp xử lý về hành vi bắt nạt qua mạng riêng đối với học sinh, sinh viên là rất cần thiết.
Tại bang New Jersey, Hoa Kỳ, sau vụ Tyler Clementi hồi tháng 9/ 2010, vào ngày 5/01/2011 New Jersey đã thông qua đạo luật chống bắt nạt (The “Anti-Bullying Bill of Rights Act”). Đạo luật bao gồm cả “cyber-bullying” và yêu cầu mỗi trường học phải đưa ra quy định chống bắt nạt trên website của trường đồng thời thông báo nó hàng năm đến cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh học tại trường đó. Đạo luật đã ràng buộc trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, nhân viên nhà trường, cha mẹ, người giám hộ của học sinh phải có trách nhiệm trong công cuộc chống bắt nạt học đường; họ đều là những người có quan hệ gần gũi và là đối tượng tương tác nhiều nhất với học sinh – những bạn trong độ tuổi dễ bị bắt nạt qua mạng nhất. Bằng việc quy định như trên, các em học sinh sẽ được bảo vệ kịp thời và hiệu quả cũng như tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra sau này.
Hay tại Luật An toàn mạng (Cyber-Safety Act) của bang Nova Scotia, Canada buộc cha mẹ của đứa trẻ có hành vi bắt nạt qua mạng có trách nhiệm với hành động của con mình. Họ cũng bị xem là kẻ bắt nạt qua mạng nếu biết hành động của con mình, biết tác động xấu của hành động bắt nạt qua mạng đối với nạn nhân (gây sợ hãi, nhục nhã, lo lắng, làm tổn hại sức khỏe, lòng tự trọng hay danh dự,…) mà không có biện pháp ngăn chặn. Luật cũng đề ra việc cải cách Luật giáo dục để thêm vào một số nội dung. Hệ thống trường học phải thực hiện việc cổ vũ, khuyến khích thông tin điện tử an toàn như một nhiệm vụ bắt buộc. Nhà trường có quyền phản ứng hành vi bắt nạt qua mạng xảy ra bên ngoài khuôn viên trường, hay sau giờ học. Hiệu trưởng có thể buộc học sinh thực hiện hành vi bắt nạt qua mạng nghỉ học đến 5 ngày. Như vậy, Nova Scotia đã hướng đến sự bắt buộc tham gia của nhà trường và cha mẹ học sinh – những người gần gũi, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của học sinh, sinh viên và cũng là những người có khả năng giúp đỡ học sinh, sinh viên một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, ngăn ngừa những sự cố, hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo quan điểm của tác giả, vì tính chất đặc biệt về tâm lý của lứa tuổi học sinh, sinh viên, Luật An toàn mạng nên có những quy định riêng đối với các bạn thuộc lứa tuổi này. Luật An toàn mạng nên bắt buộc sự tham gia của nhà trường, thầy cô và cha mẹ học sinh trong công cuộc phòng chống bắt nạt qua mạng diễn ra trong giới học sinh, sinh viên. Bởi chính nhà trường, thầy cô, cha mẹ và chính những em học sinh, sinh viên là những người gần gũi nhất, là người đáng lẽ phải nắm rõ đời sống vật chất và tinh thần cũng như người sẽ thấu hiểu, là nơi để chúng dựa vào lúc gặp khó khăn và cổ vũ chúng đi lên trong cuộc sống. Theo đó, mỗi trường phải có quy định chống bắt nạt trên website của trường và thông báo đến cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ của học sinh đó, đồng thời thực hiện việc cổ vũ thông tin an toàn mạng đến toàn thể học sinh, sinh viên.
3.2.4. Đối với cộng đồng mạng – nguyên nhân gián tiếp hay trực tiếp dẫn đến sự tổn thương về mặt tinh thần hay thể chất đối với nạn nhân?
Đôi khi thủ phạm của những trò bắt nạt ảo không chỉ là một cá nhân mà là cả cộng đồng. Mọi người, kể cả trẻ em, đều có khuynh hướng trở nên ác ý hơn và lan truyền tin đồn nhanh hơn khi nghĩ rằng họ chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong số rất nhiều người bắt nạt nạn nhân và sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu cơ quan chức năng vào cuộc. Bạn có đang bắt nạt ảo? Đôi khi những kẻ bắt nạt người khác có thể rất hiền lành và vô hại ngoài đời thực. Tuy nhiên, khi tham gia vào mạng xã hội, chịu ảnh hưởng bởi tâm lí đám đông, tư tưởng “thay trời hành đạo” nên nhiều bạn không nghĩ rằng chỉ vì một nút like, một nút chia sẻ, những câu bình luận soi xét, bức xúc của mình có thể xâm phạm đến đời sống cá nhân, sự riêng tư thậm chí cả cảm xúc của họ. Lúc đó, thủ phạm chính thực hiện hành vi bắt nạt không chỉ đơn thuần là nguyên nhân khiến nạn nhân tổn thương nghiêm trọng, thậm chí tự sát, mà chính những nút like, share vô cảm, những dòng bình luận ác ý mới là nguyên do chính.
Tuy vậy, việc thực hiện chế tài xử phạt với cả một cộng đồng mạng là không thể, chưa kể đến việc có truy tìm ra được tất cả những kẻ đã góp phần bắt nạt hay không, việc xử phạt một cộng đồng đôi khi lên tới cả hàng ngàn người sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Đối với thủ phạm chính gây ra sự việc, chúng ta có thể dùng pháp trị khi chúng thường chỉ là một người hoặc một nhóm người, và có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nhưng đối với một cộng đồng người, việc áp dụng pháp trị sẽ gây ra sự khó khăn và sự phản đối từ công chúng, tác giả thiết nghĩ nhân trị, giáo dục số đông trong trường hợp này mới là hợp lý.
Chính quyền Nova Scotia, Canada cũng triển khai hai dự án: Speak Up, một kế hoạch hành động nhằm nhận diện hành vi bắt nạt và bắt nạt qua mạng, đó là một ý tưởng toàn diện bao gồm mọi khía cạnh từ quan điểm xã hội học; và RAISP (Restorative Approaches In Schools Program, “Các phương pháp tiếp cận việc phục hồi trong trường học”) để hướng tới những chủ đề bắt nạt ở trường học và khuyến khích sự nuôi dưỡng các mối quan hệ trong hệ thống trường học, bao gồm cả học sinh, sinh viên, giáo viên và cha mẹ học sinh. Những dự án này hiện đang được thực hiện một cách hiệu quả và đang có nhiều tác động tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, mọi người giờ đây đã ý thức được hành vi cư xử qua mạng xã hội của mình và dũng cảm tố cáo khi phát hiện có hành vi bắt nạt xảy ra.
Do chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông cùng sự ý thức chưa được cao từ cộng đồng mạng, những vu việc bắt nạt thường bị đẩy đi quá xa trước khi cộng đồng mạng kịp nhận ra sai lầm của họ, nạn nhân đã bị những tổn thương không thể nào hàn gắn. Vì vậy, việc nâng cao ý thức cho học sinh, sinh viên thông qua những dự án nhằm nâng cao nhận thức về bắt nạt qua mạng (cyberbullying) trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Những dự án có thể do nhà trường, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức xã hội triển khai thực hiện đến giới trẻ, tuyên truyền về kỹ năng xử lý khi bị bắt nạt qua mạng và nâng cao ý thức cho mỗi nút like, share hay bình luận trên mạng xã hội.
- Kết luận
Tóm lại, việc ban hành Luật Bảo vệ người dùng mạng xã hội là lẽ tất yếu theo nhu cầu từ thực tiễn trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Tuy vậy, chúng ta cần có sự xem xét và học hỏi các nước để áp dụng ở Việt Nam một cách hợp lý, tránh những sai lầm không đáng có.