[CS 03-12/2017] HIỆU LỰC ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI ĐA TẦNG

Trần Ngọc Phương Minh

Sinh viên K15502, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

Điều khoản trọng tài đa tầng là điều khoản quy định về việc giải quyết tranh chấp với những cơ chế tăng dần từ thương lượng, hòa giải, thẩm định chuyên gia tới trọng tài. Điều khoản trọng tài đa tầng đang ngày càng được ưu tiên sử dụng nhờ lợi thế giúp các bên tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh, cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp.

Từ khóa: Điều khoản trọng tài, Luật Trọng tài, ICC.

  1. Khái niệm

Điều khoản trọng tài đa tầng (Multi-Tiered Dispute Resolution Clause) là một chuỗi quy trình các bên sử dụng để giải quyết tranh chấp bao gồm hai, ba hoặc toàn bộ các cơ chế sau: thương lượng, hòa giải, thẩm định chuyên gia và trọng tài. Điều khoản trọng tài đa tầng giúp các bên lựa chọn các phương thức phù hợp với nhu cầu và mối quan hệ của mình, với những cơ chế tăng dần về tính ràng buộc và độ phức tạp. Thương lượng, hòa giải và thẩm định chuyên gia là những cơ chế đòi hỏi sự thiện chí của các bên, giúp các bên bình tĩnh suy xét và cùng nhau giải quyết tranh chấp. Tầng cuối cùng của điều khoản trọng tài đa tầng là tố tụng trọng tài, vốn tốn nhiều thời gian và chi phí nên chỉ nên được sử dụng khi các bên cảm thấy mối quan hệ kinh doanh không còn có khả năng duy trì.

1.1. Thương lượng

Thương lượng thường là cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tiên trong điều khoản trọng tài đa tầng. Hai bên sẽ tự cố gắng thỏa thuận và không có sự can dự của bên thứ ba, được xem là cơ chế giải quyết ít rủi ro và ít tốt kém nhất. Có ý kiến cho rằng việc quy định cơ chế thương lượng thường có tác dụng tâm lý, giúp các bên bình tĩnh lại trước khi nộp đơn ra tòa trọng tài. Kết quả thương lượng không có hiệu lực bắt buộc nên để thương lượng hiệu quả, các bên phải soạn thảo cơ chế này một cách cẩn thận, tránh việc thương lượng trở thành công cụ trì hoãn quá trình giải quyết tranh chấp.

1.2. Hòa giải

Hòa giải là cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua một bên thứ ba trung lập. Hòa giải viên hẹn gặp các bên, khuyến khích các bên thương lượng và tìm ra điểm trung hòa nhằm giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa. Việc để một bên thứ ba giúp hai bên giải quyết tranh chấp có thể sẽ giúp hai bên nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng và khách quan hơn. Các bên có thể tự soạn thảo quy định hòa giải hoặc dựa vào luật hòa giải mẫu do các tổ chức quốc tế soạn thảo như ICC (Trung tâm Thương mại Quốc tế) hay UNITRAL.

1.3. Thẩm định chuyên gia

Thẩm định chuyên gia cũng do bên thứ ba trung lập thực hiện. Tùy thuộc vào loại tranh chấp về mặt pháp lý hay mặt chuyên môn kĩ thuật mà hai bên sẽ thỏa thuận lựa chọn chuyên gia hay thành lập hội đồng chuyên gia thích hợp. Sau khi có quyết định của chuyên gia, nếu các bên không tự nguyện thực hiện thì một bên có thể bắt buộc bên kia thực hiện bằng quyết định của tòa án. Hội đồng thẩm định chuyên gia còn có thể được thành lập và tồn tại xuyên suốt quá trình thực hiện hợp đồng, có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Mô hình này đặc biệt được ưa chuộng trong các hợp đồng dài hạn, điển hình là hợp đồng xây dựng.

1.4. Trọng tài

Tố tụng trọng tài luôn là bước cuối cùng trong điều khoản trọng tài đa tầng. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dựa vào thỏa thuận của các bên. Phán quyết trọng tài có giá trị thi hành nhờ vào Công ước New York năm 1958 về Công nhận và Thi hành Phán quyết Trọng tài Nước ngoài cũng như quy định của các quốc gia về công nhận phán quyết trọng tài.

  1. Hiệu lực của điều khoản trọng tài đa tầng

Trên thực tế, khi tranh chấp xảy ra các bên có thể không tôn trọng các bước trong điều khoản trọng tài đa tầng mà lập tức nộp đơn lên tòa trọng tài. Tòa trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền để quyết định xem các bên đã thỏa mãn điều khoản trọng tài đa tầng hay chưa và những vấn đề được đặt ra là (i) đơn khởi kiện có thể được chấp nhận, (ii) làm thế nào để các bước trong điều khoản trọng tài đa tầng có hiệu lực bắt buộc, và (iii) chế tài nếu các bước của điều khoản này không được tuân thủ là gì

(i) Khi một bên bỏ qua một trong những tầng của điều khoản trọng tài đa tầng và nộp thẳng đơn khởi kiện lên tòa trọng tài thì liệu đơn khởi kiện có được chấp thuận?

Tham khảo thực tiễn của một số quốc gia và bản án của ICC, nếu từ ngữ và các bước của điều khoản là rõ ràng thì các bên có nghĩa vụ tuân thủ điều khoản trọng tài đa tầng. Khi đó, hội đồng trọng tài sẽ tạm hoãn vụ việc và yêu cầu các bên thực hiện đúng các bước của điều khoản trọng tài đa tầng.

Tham khảo vụ việc của ICC số 6276, phán quyết ngày 29/01/2990 : Điều khoản giải quyết tranh chấp 3 tầng: thương lượng – thẩm định chuyên gia – trọng tài. Đầu tiên các bên có nghĩa vụ thương lượng; khi thương lượng không thành, các bên phải thống nhất lựa chọn một kĩ sư để đưa ra quyết định khách quan cho tranh chấp. Nếu một trong hai bên không có bất cứ kháng nghị nào đối với quyết định này trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, quyết định có ý nghĩa ràng buộc đối với các bên. Nếu có kháng nghị hoặc kĩ sư không đưa ra được quyết định, các bên có thể đưa tranh chấp ra trước Hội đồng trọng tài theo luật hòa giải và luật trọng tài của ICC. Nguyên đơn đã nộp thẳng đơn khởi kiện lên Hội đồng trọng tài và Bị đơn đã kiến nghị rằng các bên phải sử dụng điều khoản quy định về thẩm định chuyên gia trước khi giải quyết tranh chấp theo quy định của tố tụng trọng tài. Nguyên đơn cho rằng phía Nguyên đơn đã không sử dụng điều khoản này do Bị đơn không đưa ra tên cụ thể người kĩ sư có khả năng giải quyết tranh chấp. Phán quyết không chấp nhận biện luận này, tạm hoãn vụ việc và yêu cầu hai bên thực hiện hòa giải bằng biện pháp thẩm định chuyên gia.

Như vậy, khi một bên bỏ qua một bước nhất định của điều khoản trọng tài đa tầng, nếu bên kia có kiến nghị, hội đồng trọng tài sẽ yêu cầu hai bên thực hiện đầy đủ các bước của điều khoản trọng tài đa tầng.

(ii) Thương lượng và hòa giải là các cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên sự tự nguyện của các bên. Trong điều khoản trọng tài đa tầng, nếu không có sự tự nguyện của các bên thì liệu thương lượng và hòa giải có thể được tiến hành?

Tham khảo vụ việc của ICC số 10256, phán quyết ngày 08/12/2000: Điều khoản giải quyết tranh chấp 3 tầng: thương lượng – hòa giải – trọng tài. Từ ngữ sử dụng ở điều khoản quy định về hòa giải sử dụng từ “có thể” (may) nên kháng nghị của Bị đơn về việc bắt buộc hòa giải không được chấp thuận. Hội đồng trọng tài nhận định việc sử dụng từ “có thể” (may) thể hiện hòa giải là quyền, tùy ý các bên có thể sử dụng hoặc không sử dụng, không phải nghĩa vụ bắt buộc của các bên.

Như vậy, nếu từ ngữ trong điều khoản trọng tài đa tầng không mang tính bắt buộc, các bên có thể không tự nguyện và không bị bắt buộc thực hiện. Ngược lại, nếu từ ngữ trong điều khoản trọng tài đa tầng được soạn thảo một cách kĩ lưỡng, rõ ràng và mang tính bắt buộc thì các bên sẽ phải tuân thủ.

Tham khảo vụ việc của ICC số 9977, phán quyết ngày 22/06/1999: Điều khoản giải quyết tranh chấp 2 tầng: thương lượng – trọng tài. Thương lượng “phải” (shall) được tiến hành bằng quản lý cấp cao của hai bên với thời hạn là 14 ngày.  Nếu thương lượng không thành, hai bên sẽ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo luật của ICC.

Trọng tài đã công nhận hiệu lực bắt buộc của bước thương lượng do cách soạn thảo điều khoản đã sử dụng từ ngữ bắt buộc với nội dung và thời hạn rõ ràng.

(iii) Chế tài khi không tuân thủ các bước của điều khoản trọng tài đa tầng?

Nếu coi điều khoản trọng tài đa tầng là một phần của luật nội dung của hợp đồng, khi một bên vi phạm điều khoản này thì sẽ tương đương với việc vi phạm hợp đồng. Khi đó, chế tài cho viêc không tuân thủ điều khoản trọng tài đa tầng là những chế tài như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hay đơn phương chấm dứt hợp đồng do hợp đồng hay pháp luật quy định cho hành vi vi phạm hợp đồng. Quan điểm chung của các học giả và các tòa trọng tài là như vậy quá hà khắc. Những vụ việc của ICC ở trên đều cho thấy rằng vấn đề tuân thủ điều khoản trọng tài đa tầng thuộc về quy trình tố tụng/ luật tố tụng, nếu các bên chưa thực hiện hòa giải hay thương lượng, phiên tòa sẽ được hoãn và tòa trọng tài sẽ yêu cầu các bên thực hiện đầy đủ các bước trước khi giải quyết tranh chấp tại tòa trọng tài.

  1. Cách soạn thảo một điều khoản trọng tài đa tầng

Điều khoản trọng tài đa tầng có nền tảng từ sự tự do thỏa thuận (party autonomy) nên khi điều khoản này phản ánh được ý chí các bên và có quy trình rõ ràng, các bên sẽ phải tuân thủ đầy đủ. Để làm được điều này, một điều khoản trọng tài đa tầng cần phải được viết bằng những từ ngữ mang tính bắt buộc, có các bước thể hiện nội dung và thời gian cụ thể và nhấn mạnh sự thiện chí của các bên trong việc thực hiện.

Điều khoản trọng tài đa tầng phải được soạn thảo sử dụng những từ ngữ mang tính bắt buộc như “phải” (shall/must) thay vì “có thể” (may/should) để thể hiện ý định của các bên rằng các tầng đầu là yêu cầu bắt buộc trước khi ra tòa trọng tài. Điều khoản nên ghi cụ thể thứ tự các tầng (ví dụ: X tới Y, không nên X hoặc Y) và nên yêu cầu các bên có nghĩa vụ thông báo khi bắt đầu hoặc kết thúc một tầng.

Thời gian các bên thực hiện các tầng trước (thương lượng, hòa giải hay thẩm định chuyên gia) của điều khoản trọng tài đa tầng có thể ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện nên các bên cần quy định rõ thời gian cụ thể dành cho từng tầng. Khoảng thời gian này chỉ nên kéo dài 45-90 ngày, đủ thời gian để các bên thực hiện các tầng này mà không ảnh hưởng tới thời hiệu khởi kiện.

Ngoài ra, ở tầng thương lượng, các bên cũng nên quy định cụ thể về số lượng các cuộc thương lượng, thành phần tham gia hay thẩm quyền của người đại diện tham gia thương lượng. Việc chọn hòa giải viên và thủ tục hòa giải cũng nên được hai bên thống nhất ngay từ đầu, và nên quy định về việc trao thẩm quyền cho một bên thứ ba trong trường hợp không thể tự thống nhất cũng như ưu tiên sử dụng quy trình hòa giải của trung tâm nới đã được lựa chọn để thực hiện thủ tục tố tụng trọng tài.

Pháp luật Việt Nam yêu cầu các bên hành xử một cách trung thực, thiện chí trong quá trình giao dịch dân sự, bởi vậy, các bên nên nêu rõ trong điều khoản trọng tài đa tầng rằng mọi tầng của điều khoản cần được tuân thủ một cách thiện chí để đảm bảo tốt hơn hiệu lực của điều khoản này. Nghĩa vụ trung thực, thiện chí cũng sẽ giúp các bên đảm bảo nghĩa vụ cung cấp và bảo mật thông tin trong quá trình thương lượng, hòa giải.

  1. Điều khoản mẫu

Để hiểu rõ hơn về điều khoản trọng tài đa tầng, chúng ta có thể tham khảo điều khoản mẫu của ICC:

(i) Lựa chọn sử dụng Luật Hòa giải của ICC:

“Các bên có thể, tại bất cứ thời điểm nào, giải quyết tranh chấp phát sinh từ hay liên quan tới hợp đồng này theo Luật Hòa giải của ICC.”

Các bên hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn và không bị bắt buộc sử dụng Luật Hòa giải. Điều khoản chỉ mang tính nhắc nhở về khả năng sử dụng hòa giải hoặc các biện pháp giải quyết tranh chấp khác.

(ii) Nghĩa vụ xem xét sử dụng Luật hòa giải của ICC:

“Trong trường hợp có bất cứ tranh chấp nào phát sinh từ hay liên quan tới hợp đồng này, các bên sẽ trước hết thỏa thuận và xem xét việc sử dụng Luật Hòa giải của ICC để giải quyết tranh chấp.”

Điều khoản này mang tính bắt buộc cao hơn và yêu cầu các bên phải thảo luận và xem xét sử dụng Luật Hòa giải của ICC để giải quyết tranh chấp. Điều khoản này phù hợp khi các bên không muốn chắc chắn sử dụng Luật này nhưng để ngỏ một khả năng cho các bên thương lượng khi tranh chấp xảy ra.

(iii) Nghĩa vụ phải sử dụng Luật Hòa giải của ICC để giải quyết tranh chấp đồng thời cho phép tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài nếu thấy cần thiết:

“Trong trường hợp có bất cứ tranh chấp nào phát sinh từ hay liên quan tới hợp đồng này, đầu tiên các bên phải giải quyết tranh chấp theo Luật Hòa giải của ICC. Việc tiến hành thủ tục hòa giải theo Luật này sẽ không ảnh hưởng tới việc một trong các bên tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài theo điều khoản dưới đây.

Tất cả các tranh chấp phát sinh từ hay liên quan tới hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm bằng Luật Trọng tài của ICC bởi một hoặc nhiều hơn trọng tài chỉ định bởi Luật này.”

Điều khoản này tạo ra một nghĩ vụ các bên sử dụng Luật Hòa giải khi có tranh chấp xảy ra. Nó không xâm phạm vào thời hiệu khởi kiện của các bên cũng như không tạo ra bất cứ rào cản nào nếu các bên muốn tiến hành tố tụng trọng tài.

(iv) Nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng Luật Hòa giải của ICC, sau đó sử dụng Luật trọng tài nếu cần thiết:

“Trong trường hợp có bất cứ tranh chấp nào phát sinh từ hay liên quan tới hợp đồng này, đầu tiên các bên phải giải quyết tranh chấp theo Luật Hòa giải của ICC. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong thời gian 45 ngày kể từ ngày nộp Đơn yêu cầu Hòa giải hoặc một khoảng thời gian khác do hai bên ấn định bằng văn bản, tranh chấp sẽ được giải quyết chung thẩm bằng Luật Trọng tài của ICC bởi một hoặc nhiều hơn trọng tài chỉ định bởi Luật này.”

Điều khoản này thể hiện rõ nhất tính chất của một điều khoản trọng tài đa tầng, yêu cầu hai bên hòa giải trước khi tiến hành tố tụng trọng tài. Việc quy định thời gian 45 ngày là hợp lý, đủ để các bên tiến hành hòa giải, nhưng cũng không xâm phạm quá nhiều vào thời hiệu khởi kiện.

  1. Kết luận

Điều khoản trọng tài đa tầng là một công cụ thích hợp cho những đối tác lâu bền hoặc những hợp đồng dài hạn. Các bên nên cân nhắc sử dụng điều khoản này với những ưu điểm về chi phí và thời gian giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý soạn thảo một điều khoản rõ ràng để đạt được hiệu quả như mong muốn và được tòa trọng tài công nhận hiệu lực./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Marko Mécar, Enforceability of Multi-tiered Clauses Leading to Arbitration, Hungary, 03/2015.
  2. Didem Kayali, “Enforceability of Multi-Tiered Dispute Resolution Clauses”, Tạp chí Trọng tài Quốc tế, Kluwer Law International, số 06/2010.
  3. Dyala Jimenez-Figueres, Multi-Tiered Dispute Resolution Clause in ICC Arbitration, Bản tin ICC Vol. 14/01, 2003.
  4. Alexander Jolles, “Consequences of Multi-tier Arbitration Clauses: Issues of Enforcement”, Arbitration (số 72/2006).
  5. Frederick A.Acomb, Simon Hart, Liam Kennedy & Co., Multi-Tiered Dispute Resolution Clauses Handbook, IBA Litigation Committee, 01/10/2015.
Advertisement