[CS 03 – 12/2017] MONTESQUIEU: “BÀN VỀ TINH THẦN PHÁP LUẬT” – HỒI CHUÔNG KHAI TRÍ

Nguyễn Đặng Minh Châu & Trần Thị Thu Trang
Sinh viên K17502, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.

Trước bối cảnh nhiễu nhương của xã hội Pháp thế kỷ XVIII, tư tưởng khai sáng sớm được hình thành từ những thế kỷ trước, lúc bấy giờ đã bắt đầu lan rộng trong lòng nhân dân Pháp. Cũng từ đó đã dần xuất hiện những nhà tư tưởng xã hội, chính trị lỗi lạc như Leibnitz, Rousseau, Wolff,… với những tác phẩm để đời. Trong đó nổi bật về phương diện pháp luật, chính trị có thể kể đến là “Bàn về tinh thần pháp luật”, được viết bởi Charles de Secondat Montesquieu.

montesquieuCharles de Secondat Montesquieu

Montesquieu, người Pháp, sinh năm 1689 và mất năm 1755. Trước khi mất, ông đã để lại những tác phẩm lớn có ảnh hưởng sâu sắc tới chế độ chuyên chế, độc tài trong xã hội Pháp và châu Âu thế kỷ XVIII.

Xuất thân từ gia đình dòng dõi quý tộc, ngay từ nhỏ Montesquieu đã thể hiện tài năng của mình. Lòng ham tìm tòi, học hỏi; nhiệt tình nghiên cứu các vấn đề trên khắp các lĩnh vực, mang đậm tính duy lý và thế tục của ông trong thời kỳ này đã phần nào dự báo hồi chuông khai trí. Tiếng chuông sẽ vang lên để thức tỉnh thời kỳ đen tối của xã hội đương thời. Khi trưởng thành, ông nổi lên trong việc phân tích các vấn đề về pháp luật, chính trị. Bên cạnh đó, Montesquieu còn được biết đến là một nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên và bình luận xã hội lúc bấy giờ.

Thời kỳ Khai sáng

Phong trào Khai Sáng diễn ra ở giai đoạn thế kỷ XVIII ở châu Âu. Đây là thời kỳ có nhiều chuyển biến quan trọng về chính trị, xã hội, đặc biệt là sự xuất hiện của thể chế dân chủ tự do, có thể nói rằng, nền tảng của pháp quyền ngày nay được hình thành từ thời kỳ Khai sáng. Và những người đã mang lại điều này chính là những nhà tư tưởng cùng thời, họ tin rằng họ có thể mang lại tia sáng mới cho xã hội đen tối đương thời. Trong đó, nổi bật là nhà luật học Montesquieu với tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật”.

Tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật”

Tập sách lớn “Tinh thần pháp luật” được nghiên cứu, soạn thảo bởi Montesquieu ở lâu đài Brède – nơi ông sinh ra và lớn lên, trong những năm từ 1741 đến 1749. Khoảng thời gian này, Montesquieu đã làm việc căng thẳng để hoàn thành tác phẩm dẫn đến sự suy yếu về mặt sức khỏe.

“Bàn về tinh thần pháp luật” thể hiện thái độ căm ghét, phẫn nộ của Montesquieu đối với chế độ chuyên chế và chủ trương thay thế bằng một hình thức tiến bộ hơn. Trong tác phẩm, ông đã nhấn mạnh rằng: ông vua chuyên chế là “một con người mà cả năm giác quan luôn luôn nói rằng ông ta là tất cả, và mọi người không là gì cái gì hết (…) Nếu ông giao việc cho nhiều người thì người nào cũng tìm cách chạy chọt để được làm tên đầy tớ hạng nhất của ông ta (…)”.

Cũng chính trong nhà nước độc tài đó, nhà nước mà vua nắm quyền tuyệt đối, dân chúng dần thích nghi với việc bị tước đoạt tất cả quyền lợi của mình. Do đó, để giới hạn phạm vi quyền lực, Montesquieu đã sáng lập ra lý thuyết phân quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thuyết này vẫn được áp dụng đến ngày nay trong nhà nước pháp quyền. Và cũng theo ông, Montesquieu coi pháp luật là phương tiện hữu hiệu trong việc duy trì trật tự xã hội và chế ước quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, nền dân chủ pháp trị ấy chỉ mang ý nghĩa tích cực và phát huy tác dụng của nó phải dựa trên nguyên tắc đạo đức và lòng khoan dung, của tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh quyền lợi riêng tư cho mục đích chung.

Mặc dù đề tài mà tác giả lựa chọn nghiên cứu mang tính bao la và trừu tượng, nhưng bằng nỗ lực sáng tạo, linh động những kỹ xảo hành văn, Montesquieu đã tạo ra một tác phẩm nghiên cứu khoa học ngắn gọn, không quá trừu tượng và khó hiểu. Tuy là một luật gia chuyên nghiệp, Montesquieu đã không đề cập đến những vấn đề pháp lý theo thuộc tính của phương pháp cổ truyền. Đồng thời là một triết gia, ông đã lựa chọn phương pháp thực nghiệm, phân tích bản chất, cái hồn, cái tinh thần của pháp luật. Chính nhờ nghệ thuật đó mà tác phẩm nhanh chóng đi vào lòng quần chúng, hóa thành động lực đấu tranh xóa bỏ hình thức nhà nước cũ để hướng đến một hình thức nhà nước mới tiến bộ hơn.

Đặt tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật” trong thời đại Khai Sáng, chúng ta không khó để phát hiện và công nhận những điểm mới mẻ. Không sa vào cái nhìn chủ quan, duy lý cực đoan của những nhà luật học trước và cùng thời, Montesquieu đã phân tích pháp luật trong cái nhìn khách quan, bao quát. Montesquieu đã chỉ ra sự khác biệt lớn giữa các chính thể (dân chủ, quân chủ và chuyên chế) và các nguyên tắc cấu thành mỗi chính thể (đạo đức, danh dự, sợ hãi), tính tương đối của luật pháp trong mối tương quan với lịch sử và các yếu tố bên ngoài. Chủ trương phản đối những sự lạm dụng của thời đại bấy giờ về chính trị,  xã hội, con người, ông đòi hỏi sự thay đổi hợp lý bằng một lý tưởng tự do, dân chủ
vừa phải.

Tuy đã hơn 250 năm kể từ khi tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật” của Montesquieu ra đời nhưng tư tưởng tinh hoa của ông vẫn luôn là chìa khóa để mở toang cánh cửa của chế độ độc tài, dẫn dắt nhiều quốc gia, nhiều dân tộc đến với khát vọng tự do, dân chủ và được hưởng những quyền lợi xứng đáng.

Lời bình của Désiré Nisard (1806 – 1888):

Sau khi nghiên cứu tập sách “Bàn về tinh thần pháp luật” của Montesquieu, Désire Nisard, một nhà báo đồng thời là nhà phê bình văn học nổi tiếng thời bấy giờ đã đánh giá rằng đây là tác phẩm mang ý nghĩa soi sáng, dẫn đường cho việc sửa đổi luật pháp nhà nước đương đại đến hình thành một chủ thể thống nhất, tiến bộ.

“Chắc chắn rằng Montesquieu không phải một chiến binh thế kỷ XVIII đi đánh vào chế độ hiện hành. Tư tưởng của ông thiên về giữ gìn sự ổn định của chế độ hơn là đập tan trật tự đã được thiết lập. Nhưng, đứng giữa những người hướng dẫn quốc dân, có những kẻ đưa quốc dân đi lạc hướng thì phải có những người soi sáng. Montesquieu chính là người soi sáng. Chưa có ai vượt lên hơn ông. Soi Sáng: đó là điều ông mong muốn. “Tinh thần pháp luật” là ngọn đuốc trong khoa học xã hội, một lần nó được thắp lên thì sẽ không bao giờ tắt. Trong tác phẩm này, có những điều làm cho chính thể cai trị tốt đẹp hơn lên, không có điều gì là mơ tưởng hão huyền.” 

 (Trích “Lịch sử văn học Pháp” – tập 4)

Charles de Secondat Montesquieu, tác giả của tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật”, vẫn luôn được biết đến như người đã rung lên hồi chuông khai trí trước xã hội độc tài lúc bấy giờ. Tuy tác phẩm được hình thành dựa trên những vấn đề chính trị nhạy cảm, song Montesquieu đã khéo léo truyền tải vào từng con chữ, những cụm từ chính trị những lời giảng giải ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Công trình nghiên cứu đồ sộ ấy đâu phải chỉ là tác phẩm của một nhà luật học tài ba, lỗi lạc mà đó còn là tác phẩm của tâm huyết yêu nghề, mong muốn đổi mới luật pháp-chính trị thời đại. Những điều đó thật sự đã và vẫn luôn khiến bao thế hệ người đọc phải cảm phục trước một tư duy lớn.

 

Advertisement