


Nỗi sợ mang tên thách thức
Chúng tôi – tụi sinh viên năm nhất, khi chỉ mới vượt qua một kỳ thi THPT Quốc Gia căm go thì phải tiếp tục nỗ lực cho công cuộc tìm “nhà mới” cho mình ở Đại học. Và tôi nghĩ cơ hội đó đã đến với tôi khi tôi biết đến LRAC – Câu lạc bộ Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật. Để giành được chiếc vé trở thành thành viên của LRAC, chúng tôi – K17 phải trải qua cuộc thi tranh biện đồng đội “Karl Popper” – mô hình được sử dụng rộng rãi tại các cuộc tranh biện quốc tế. Trong tâm thế một sinh viên năm nhất, chỉ cần nghe tới hai chữ “quốc tế” thôi thì sự háo hức đan xen nỗi sợ hãi lan tỏa trong tâm trí chúng tôi. Chưa kể, nếu trở thành thành viên của LRAC, cùng với niềm vui, niềm hạnh phúc thì chúng tôi – Gen 3 còn phải trải qua những thách thức từ buổi Sinh hoạt chuyên môn về cuộc tranh biện ấy nữa. Thật khó mà vượt qua! – tôi đã nghĩ như thế.
Chuyển hóa dũng khí
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện về nỗi sợ hãi của tôi trong quá khứ. Dẫu thế nào chúng tôi, ngay cả mỗi người, đều phải đối mặt với nỗi sợ đó. Tuy vậy, một phần nào đó của những xúc cảm tiêu cực kia đã chuyển hóa thành dũng khí để tôi tiến lên. Thật vậy, minh chứng rõ ràng cho sự đổi mới đó là thời điểm lần hai tôi được tiếp xúc với mô hình “Karl Popper” ở buổi Sinh hoạt chuyên môn của LRAC.
Quay lại thời điểm buổi sinh hoạt diễn ra: Nhật ký ngày 09 tháng 12 năm 2017.
Một lần nữa, tôi phải đối mặt với nỗi sợ mang tên “Thách Thức” kia.
Hôm đó, Gen 3 phải tham gia một cuộc tranh biện đồng đội, hiển nhiên là tranh biện theo cái mô hình khó nhằn – “Karl Popper”. Mà sợ thì sợ thế thôi, trước khi buổi tranh biện kia bắt đầu, chúng tôi, ai nấy cũng đều vui vẻ, trao đổi xôn xao về những thứ sắp diễn ra, nào là luật thi mô hình Karl Popper, nào là phần chuẩn bị cho việc tranh biện, rồi nào là về phong cách tranh biện của mỗi người,… Nói nôm na là chuyện gì cũng bàn luận sôi nổi được.
Rồi gì đến cũng đến, bước chuẩn bị trước cuộc tranh biện diễn ra. Cũng giống như lần đầu, lần này chúng tôi vẫn phải tiếp tục bốc thăm để xem mình thuộc về đội nào, đội ủng hộ (đội A) hay đội phản đối (đội N) với chủ đề cho sẵn: “Nên hay không nên triển khai dự án xây dựng 36 cổng thu phí không dừng đối với ô tô khi lưu thông vào trung tâm thành phố kể từ năm 2020”. Lần này, bất ngờ thay, tôi tiếp tục bốc được vị trí mà tôi đã đảm nhiệm trong lần đầu tiếp xúc với Karl Popper. “Có lẽ đây là cơ hội tốt để tôi khẳng định lại bản thân” – tôi đã nghĩ như thế. Bất ngờ nối tiếp, nhóm tôi lại còn gồm cả Hà và Kiệt, tôi và hai người bọn họ học chung lớp và cũng từng là “đồng chí” trên nhiều “chiến tuyến”. Nghĩ lại thấy cũng trùng hợp ghê.
Trước khi bước vào cuộc tranh biện, các thành viên được nhận 15-20 phút để chuẩn bị cho phần tranh biện của mình. Giai đoạn này chúng tôi vừa phải xây dựng hệ thống quan điểm, vừa phải dự tính những quan điểm có thể bị bẻ gãy của đối phương. Từ đây, cách mà hai đội nghiêm túc chuẩn bị thôi cũng đã phần nào gây áp lực lên nhau.
Bước vào cuộc thi, không khí trở nên im phăng phắc, dường như lúc ấy ai cũng đang đứng trên chiến trường của riêng mình với nét mặt nghiêm nghị, tập trung, giấy bút ghi chú đều sẵn sàng. Cứ thế “cuộc chiến” nổ ra, cứ một quan điểm được đưa ra thì một quan điểm bị bác bỏ. Kết quả, đội N của tôi đã bị lấn át bởi đội A. Thật sự, đội kia thể hiện tốt lắm, ban đầu trông thì ai cũng như nai tơ, nhưng chẳng ngờ khi bước vào cuộc tranh biện lại hùng hổ đến như vậy. Trong khi đó thì bên đội tôi có vẻ hiền hơn về mọi mặt nên đã bị lấn áp phần nào. Tuy nhiên, không vì thế mà đội N chịu thua, chúng tôi lấy sự e sợ làm bàn đạp, dấy lên phản công liên tục và tìm cách bẻ gãy quan điểm đội ủng hộ.
Kết thúc cuộc tranh biện, chúng tôi (cả hai đội) ai cũng thở phào nhẹ nhõm, gỡ bỏ “lớp giáp” từ “cuộc chiến”. Lúc này, hai đội vẫn giữ nguyên vị trí và chờ sự nhận xét cũng như các câu hỏi từ các anh chị. Sau khi nghe nhận xét, chúng tôi chỉ biết ngồi ngơ ra mà cười. Bởi trông thì cuộc tranh biện diễn ra dữ dội thế đấy, nhưng vẫn chưa đi vào được đúng bản chất vấn đề, bỏ sót nhiều dữ kiện và đặc biệt là còn hơi ngố trong quan điểm, lối tranh biện. Tuy thế, dù còn nhiều thiếu sót, nhưng ai cũng thỏa mãn vì được một trận thả ga lại còn được nhận bao nhiêu bài học qua sự trải nghiệm, lời nhận xét từ các anh chị nữa.
Thật một ngày đáng nhớ và ý nghĩa.
Bài học sau thử thách
Thật sự, buổi sinh hoạt tranh biện ấy đã giúp tôi khẳng định lại bản thân mình. Và bài học mà chúng tôi nhận được không chỉ là lời nhận xét từ các anh chị mà còn là sự trải nghiệm thực tế. Khác với lần đầu, nhờ học hỏi từ lời nhận xét của các anh chị trong lần đầu, tôi đã có thể giữ bình tĩnh hơn, câu chữ rõ ràng hơn, không còn hỗn độn như lần đầu. Tôi cũng bắt đầu tách mình ra khỏi những suy nghĩ của bản thân mà học cách tư duy từ bình diện xã hội và tin rằng trong một cuộc tranh biện, những lý lẽ, lập luận đáng tin cậy và thuyết phục mới giúp chúng tôi phát huy tốt trong các bài tranh biện, chứ sợ sệt không giúp ích được gì cả. Đó là những gì mà tôi đạt được ở lần Sinh hoạt chuyên môn vừa rồi. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới là bắt đầu, chúng tôi – Gen 3 còn rất nhiều thứ để học, để nỗ lực phấn đấu hơn nữa để hoàn thiện bản thân.
Nguyễn Đặng Minh Châu (K17502)