1. Định nghĩa
Thuật ngữ “Phiên tòa giả định” (“moot court” hay “mooting”) được sử dụng phổ biến tại các trường luật trên thế giới như một hình thức hoạt động nghiên cứu và thực hành pháp lý của sinh viên các trường luật, trong đó các sinh viên đóng vai luật sư của các bên trong một vụ việc giả định, tranh luận về nội dung của vụ việc đó trước các thẩm phán của tòa giả định. Tại phiên tòa giả định, sinh viên không phải chỉ hiểu và trình bày các quy định pháp luật, nguyên tắc và học thuyết pháp lý, mà còn phải biết cách diễn giải và thuyết phục thẩm phán về các lập luận của mình.
2. Lịch sử
Moot court được bắt nguồn từ thuật ngữ “moot” hay “emoot” trong tiếng Anh cổ có nghĩa là cuộc họp của những người hiểu biết của địa phương để thảo luận về các vấn đề quan trọng của địa phương. Trong giai đoạn thế kỷ XVIII, sinh viên các trường luật của Anh đã sử dụng từ “mooting” để chỉ hoạt động tranh luận học thuật mà trong đó sinh viên bắt chước các luật sư giải quyết các vấn đề tranh cãi trong cộng đồng địa phương. Cuối thế kỉ XIX, khi các cơ sở đào tạo luật được hình thành tại Mỹ, khái niệm phiên tòa giả định bắt đầu được sử dụng rộng rãi như một hình thức trao đổi học thuật của sinh viên liên quan tới những vấn đề pháp lý giả định.
Nhờ những hiệu quả cũng như lợi ích sinh viên có được qua hình thức phiên tòa giả định như bồi dưỡng kiến thức trong lĩnh vực pháp luật liên quan, đồng thời hình thành nhiều kĩ năng mềm quan trọng mà trong vòng ba thập niên trở lại đây, hình thức giảng dạy luật thông qua phiên tòa giả định đã được áp dụng phổ biến tại rất nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Từ những trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard Law School, King’s College London, Columbia University, Berlin University,… cho đến những trường đại học nổi tiếng trong khu vực: Hong Kong University, National University of Singapore, Malay National University, v.v… Từ đó hình thành nên các cuộc thi phiên tòa giả định về các lĩnh vực luật thương mại quốc tế, luật hình sự quốc tế, luật môi trường, luật nhân đạo quốc tế, nhân quyền,… nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng sinh viên quốc tế.
Tại Việt Nam, trong những năm qua đã có một số trường như Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao quan tâm tới hoạt động này và đã cử đội tuyển sinh viên tham gia các cuộc thi phiên tòa giả định quốc tế và đạt được một số thành tựu nhất định. Mặc dù kết quả chưa thực sự cao, việc áp dung moot court còn hạn chế nhưng những điều trên là một tín hiệu đáng mừng cho sinh viên ngành luật nói chung.
3. Những cuộc thi phiên tòa giả định quốc tế mà Việt Nam có tham gia
Năm 2009, Trường Đại học Luật TP HCM lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công cuộc thi phiên tòa giả định quốc tế của Hiệp hội Luật gia Châu Á – Thái Bình Dương (LawAsia). Đây là cuộc thi phiên tòa giả định quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi đã thu hút 18 đội đến từ các trường Luật của Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Mỹ, Úc,… Đội tuyển của Đại học Luật TP HCM đã lọt vào vòng bán kết và nhận giải nỗ lực và giải tinh thần.
Năm 2013, Trường Đại học Luật TP HCM lần đầu tiên tham gia cuộc thi Phiên tòa giả định về Luật Nhân đạo quốc tế của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và giành thắng lợi tại vòng thi quốc gia. Tại vòng thi quốc tế diễn ra ở Hong Kong vào tháng 3/2014, đội tuyển sinh viên Đại học Luật TP HCM đã lọt vào vòng tứ kết của giải và xếp hạng 6 chung cuộc trên 24 đội tuyển từ các trường luật tham dự. Cuộc thi tại vòng quốc gia năm 2016 tổ chức tại Đại học Luật TP HCM đã rất thành công và ghi nhận sự chiến thắng của Học viện Ngoại giao Việt Nam. Và đây cũng sẽ là đại diện cho nhóm sinh viên Việt Nam tham dự cuộc thi Phiên tòa giả định châu Á – Thái Bình Dương 2017.
❄Tài liệu tham khảo:
1. Trần Việt Dũng, Đào tạo luật thông qua mô hình Phiên tòa giả định, Nxb. Đại học Quốc gia TP HCM, 2014.
2.http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=10045:tbtdctptgdtnntc&catid=178:ctbnttieudiem&Itemid=339, tham khảo ngày 13/3/2017.
3.http://thanhnien.vn/giao-duc/sinh-vien-hv-ngoai-giao-vn-se-tham-du-phien-toa-gia-dinh-chau-atbd-2017-769678.html, tham khảo ngày 13/3/2017.