KĨ NĂNG & YÊU CẦU ĐỐI VỚI PHẦN TRANH BIỆN (Oral Presentation)

1. Cấu trúc lập luận bằng lời trước tòa

1.1. Phần mở đầu

Công thức phổ biến để giới thiệu về vai trò của mình trong phiên tòa giả định là một câu như sau:

Kính thưa chủ tịch hội đồng và các thành viên hội đồng [xét xử], tôi tên là A cùng đồng nghiệp của tôi là B là luật sư cho bên nguyên đơn (nêu tên của khách hàng)/ đại diện công tố (trong trường hợp vụ kiện hình sự) hay bị đơn/bị cáo (nêu tên của khách hàng). Chúng tôi sẽ trình bày 4 vấn đề của vụ kiện này. Tôi sẽ trình bày trong vòng … phút về 2 vấn đề đầu tiên, đồng nghiệp của tôi sau đó sẽ trình bày 2 vấn đề còn lại trong vòng … phút và chúng tôi xin được dành … phút để phản bác (rebuttal) lập luận của luật sư bên bị đơn.

Với những mẫu câu này sinh viên phải học thuộc và nói ra rõ ràng, tự tin và chậm rãi đủ để cho hội đồng thẩm phán kịp ghi lại tên của luật sư và thư kí tòa/người nhắc giờ ghi lại tên và tính giờ chính xác.

5

1.2. Phần phát triển lập luận

Công thức “IRAC” nên được vận dụng trong bài lập luận trước tòa. Tuy nhiên, khác với lập luận bằng văn bản, khi chuẩn bị lập luận bằng lời trước tòa cần chú ý những điểm sau:

Thứ nhất, phần tóm tắt sự kiện và các vấn đề pháp lý của vụ việc (issue) cần ngắn gọn, cô đọng nhưng làm nổi bật lên được những sự kiện sẽ được sử dụng trong phần phân tích luật áp dụng. Phần tóm tắt các sự kiện cần nhấn mạnh vào các tình tiết mang tính quyết định để thuyết phục phán quyết của tòa theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự liên quan. Sau tóm tắt, người trình bày cần nêu lên câu hỏi về vấn đề pháp lý đang tranh chấp trong vụ việc. Đôi khi việc nêu câu hỏi trước khi tóm tắt vụ việc cũng có hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý.

Sau khi tóm tắt các sự kiện của vụ việc, người trình bày phát triển các lập luận dựa trên sự phân tích luật cần áp dụng để giải quyết vụ việc và đưa ra các kết luận liên quan. Người trình bày nên bắt đầu từ các quy định của pháp luật để làm căn cứ cho lập luận, người trình bày cũng có thể nêu các án lệ có cùng lập luận. Sau mỗi lập luận, người trình bày cần đưa ra kết luận về luật áp dụng và giải pháp pháp lý.

Thứ hai, người trình bày lập luận bằng lời phải kết nối được các vấn đề đã trình bày theo một trình tự khoa học để thuyết phục hiệu quả nhất đối với hội đồng xét xử. Nếu có hai hoặc nhiều vấn đề cần lập luận thì người trình bày cần thể hiện sự chuyển tiếp từ vấn đề này sang vấn đề khác bằng cách sử dụng hiệu ứng ngôn ngữ như: vấn đề thứ nhất cần tranh luận là…, vấn đề thứ hai là,… Người trình bày cũng nên có sự giới thiệu về các vấn đề pháp lý sẽ trình bày trong bài lập luận.

Nếu trong một đội có hơn một thành viên, thì người trình bày phải giới thiệu về cộng sự của mình và cách phân chia công việc trình bày của đội.

Thứ ba, bên cạnh việc làm rõ số lượng các vấn đề trong lập luận như trên đã đề cập thì trật tự sắp xếp vấn đề cần trình bày cũng rất quan trọng trước hội đồng xét xử. Trong trường hợp có nhiều vấn đề pháp lý cần lập luận, luật sư có thể áp dụng nhiều trật tự khác nhau.

1.3. Phần kết luận

Trong công thức “IRAC”, sau mỗi lập luận về từng vấn đề pháp lý đều có kết luận (Conclusion). Tuy vậy, sau khi trình bày xong các lập luận, người trình bày cần có kết luận của toàn bộ bài trình bày.

2. Câu hỏi từ hội đồng xét xử

Một trong những mục tiêu của trình bày bằng lời là tiếp cận suy nghĩ của hội đồng xét xử. Do vậy, một cách để tiếp cận suy nghĩ của hội đồng xét xử là lắng nghe các câu hỏi mà hội đồng xét xử đặt ra cho các bên trong quá trình lập luận và đặc biệt là các câu hỏi cho người đang trình bày lập luận. Chính vì vậy, nhận diện các câu hỏi của hội đồng xét xử để nắm bắt suy nghĩ của hội đồng xét xử là kỹ năng quan trọng.

Một số câu hỏi của hội đồng xét xử có thể chỉ đề nghị làm rõ thông tin về hồ sơ vụ án, luật, thủ tục tố tụng, hay lý do khởi kiện. Bên cạnh đó, hội đồng xét xử có thể nêu những câu hỏi mang tính thử thách, yêu cầu người trình bày phải giải thích luật, tranh luận những chứng cứ trái ngược với lập luận mà mình vừa trình bày. Hội đồng xét xử có thể nêu câu hỏi khuyến khích luật sư tập trung vào một vấn đề của vụ án mà hội đồng xét xử tin rằng nó có sức thuyết phục cao hoặc câu hỏi mang tính trung lập. Một số câu hỏi được đưa ra bởi theo quan điểm của thẩm phán nó có ý nghĩa quan trọng cho việc giải quyết vụ việc. Các câu hỏi khác có thể mang tính tức thời và câu trả lời không tác động nhiều đến phán quyết.

Khi hội đồng xét xử nêu câu hỏi, sinh viên cần lắng nghe thật kỹ và có thể dừng lại chốc lát để suy nghĩ trước khi trả lời. Người được hỏi không được bỏ qua bất kỳ câu hỏi nào và cố gắng hình dung ra mục đích của câu hỏi để xác định vấn đề mà hội đồng xét xử đang quan tâm. Khi trả lời, người trình bày không nên nói quá ngắn hoặc quá dài và cũng không nên dành quá nhiều thời gian để trả lời một câu hỏi.

Một điểm cần lưu ý là người được hỏi đừng vội đưa ra giả định về khuynh hướng suy nghĩ của thẩm phán từ câu hỏi của họ. Hãy nhớ là luôn trả lời đúng câu được hỏi chứ không trả lời câu hỏi mà mình cho là có thể được hỏi, trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

Luật sư cũng nên tránh việc hứa trả lời sau dù theo dàn bài luật sư sẽ đề cập đến câu hỏi đó ở luận điểm sau, câu trả lời chỉ mang tính thuyết phục tức thời khi nó được trình bày ngay sau câu hỏi. Sau đó, khi luật sư nói đến phần mình trình bày như trong kế hoạch thì hãy bỏ qua những điều mình đã trình bày nhằm tránh tình trạng lặp lại các lập luận. Luật sư cũng có thể bằng cách nào đó thuyết phục hội đồng xét xử tin rằng phần sau của bài thuyết trình sẽ trình bày vấn đề mà hội đồng đã hỏi trước đó.

Một kỹ thuật khác cũng có hiệu quả khi trả lời đó là đưa ra kết luận trước rồi lập luận sau. Nếu người trình bày nói quá nhiều luận điểm cơ sở trước khi kết luận có thể làm luận điểm trở nên không rõ ràng hoặc không được nắm bắt kịp thời.

Khi hội đồng xét xử xác định chính xác điểm yếu của bên đương sự mà luật sư đang bảo vệ thì hãy đối mặt trực diện và đưa ra những phản biện thực tế. Thoái thác và trả lời thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng xấu đến sự tín nhiệm của luật sư trình bày.

Khi trả lời câu hỏi, một kĩ năng khác cần phải chú ý là xây dựng cầu nối đến những phần còn lại của lập luận. Nếu luật sư được hỏi một câu mà không biết câu trả lời thì tốt nhất là nói đúng điều đó. Tuy nhiên, luật sư cũng cần nắm bắt tất cả những vấn đề pháp lý liên quan để chuẩn bị cho các câu hỏi để có thể trả lời những vấn đề mang tính quyết định đối với vụ án, bảo vệ quyền lợi đương sự.

Nếu luật sư nhận được câu hỏi mà không chắc mình có hiểu câu hỏi hay không, thì luật sư nên thể hiện điều này với hội đồng xét xử để nhờ họ giúp mình hiểu rõ câu hỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một trong số rất ít dạng câu hỏi mà luật sư không nên nêu lên khi tranh luận trước tòa, bởi điều đó có thể gián tiếp tạo ấn tượng rằng luật sư không có mạch tư duy phân tích nhanh hoặc chưa có sự chuẩn bị kỹ cho phiên tòa.

3. Thời gian trình bày lập luận

Thời gian cho các bên trình bày thường được quy định thành hai lượt và có một khoảng thời gian để phản biện quan điểm của đối thủ. Một cấu trúc phổ biến mà các cuộc thi phiên tòa giả định thường áp dụng là cho phép luật sư thứ nhất của bên nguyên đơn trình bày 20 phút và luật sư thứ hai của bên nguyên đơn trình bày 20 phút. Sau đó luật sư thứ nhất của bên bị đơn trình bày 20 phút, luật sư thứ hai của bên bị đơn trình bày 20 phút. Tiếp theo, luật sư của bên nguyên đơn có 5 phút để tranh luận lại (rebuttal) và luật sư bị đơn cũng có 5 phút để tranh luận lại (surrebuttal).

Khi hội đồng xét xử đưa ra những câu hỏi khó đòi hỏi nhiều thời gian giải đáp trong khi thời gian đã gần hết, thì người trình bày hãy kết luận với một câu ngắn gọn để hội đồng xét xử hiểu yêu cầu của mình. Ví dụ: “Vì thế, phán quyết sơ thẩm phải được giữ nguyên vì… ”.

Nếu người trình bày đang trả lời câu hỏi giữa chừng mà thời gian hết hoặc bị hội đồng xét xử cắt ngang, thì người trình bày cần xin phép được trả lời hết và kết thúc vấn đề nhanh chóng và súc tích. Nếu hội đồng xét xử tiếp tục hỏi sau khi thời gian đã hết, hãy trả lời đầy đủ vì điều này có nghĩa là hội đồng xét xử ngầm định trao cho người trình bày thêm thời gian. Tuy nhiên, trong trường hợp hội đồng không cho người trình bày thêm thời gian, người trình bày phải trả lời một cách ngắn gọn, chính xác và ngắt mạch câu hỏi của hội đồng.

Các đội tham gia phiên tòa giả định còn phải chuẩn bị phương án dự phòng nếu hội đồng hỏi quá nhiều trong vấn đề 1 và vì thế mà thời gian dành cho vấn đề 2 còn quá ít. Với phương án đó, người trình bày sẽ trình bày ngắn gọn và súc tích cho vấn đề 2.

Nếu người trình bày kết thúc phần tranh luận của mình trước khi hết thời gian, hãy kết luận ngay và dừng lại đôi chút để xem hội đồng xét xử có hỏi thêm câu nào không rồi hãy ngồi xuống.

Tránh trình bày trùng các lập luận gây lãng phí thời gian, thay vào đó luật sư nên làm rõ những luận điểm mà hội đồng xét xử chưa chú ý, hiểu chưa chính xác hay sửa chữa những điểm cốt yếu trong lập luận của mình.

4. Hình thức, ngôn ngữ và phong thái trình bày lập luận trước tòa

4.1. Hình thức

Trang phục và hình thức của người trình bày tuy không có giá trị tạo nên giá trị của lập luận nhưng nó có tác động đến tâm lý của hội đồng xét xử cũng như bản thân người trình bày. Do vậy, trong phong thái trình bày lập luận cũng cần chú ý đến trang phục và hình thức.

Khi đứng trước hội đồng xét xử, người trình bày không nên để màu tóc, trang sức lòe loẹt,… tránh gây nên sự phản cảm trong hội đồng xét xử. Để tạo tính chất nghiêm túc và chuyên nghiệp, người trình bày nên mặc trang phục tối màu, lịch sự, mang vest và đeo cà vạt đối với nam, giày cao gót không hở ngón chân đối với nữ và giày tây với nam.

4.2. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ trình bày tại tòa cần phù hợp với “thuật ngữ” pháp lý liên quan. Luật sư cần dùng giọng nói và âm lượng để nhấn mạnh những điểm quan trọng. Người trình bày cần tạo điểm dừng trước hoặc sau những điểm quan trọng và nói đủ chậm để hội đồng xét xử có thể hiểu đầy đủ.

4.3. Phong thái

Phong thái trình bày lập luận có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả lập luận. Một luật sư chuyên nghiệp nên có phong thái tự tin, “lễ độ”, trí tuệ và bình đẳng. Sinh viên cũng cần phải luôn nhớ sử dụng ngôn ngữ theo chuẩn mực, luôn biết kiềm chế trong lời nói, thể hiện sự lịch sự và không chế nhạo, giễu cợt đối thủ.

Luật sư khi xác định được lỗi của mình nên nhận lỗi, xin lỗi ngắn gọn về việc đó và tiếp tục tranh luận về vụ việc.

Luật sư nên nhìn thẳng vào thẩm phán, duy trì giao tiếp bằng mắt xuyên suốt cả quá trình lập luận. Khi trình bày trước hội đồng xét xử luật sư nhớ đứng thẳng, đừng làm những hành động gây sao nhãng hội đồng cũng như hành vi thiếu kiểm soát. Luật cũng cần hạn chế những cử chỉ làm ngắt quãng việc tranh luận.

5. Tiêu chuẩn đánh giá:

Đối với phiên tòa giả định, phương thức đánh giá cần được thực hiện trên cơ sở phân tích tổng hợp các tiêu chí sau:

(a) Hiểu biết về quy định pháp luật: Sinh viên cần thể hiện được hiểu biết của mình về các nguyên tắc pháp lý, các quy định pháp luật; có hiểu biết sâu sắc, chính xác các quy định pháp luật áp dụng trong vụ tranh chấp.

(b) Vận dụng các quy định pháp luật vào giải quyết tranh chấp: Sinh viên phải tiến hành phân tích các quy định pháp luật, lập luận để áp dụng các quy định pháp luật đó vào vụ tranh chấp nhằm bảo vệ cho quan điểm của mình.

(c) Khả năng trả lời các câu hỏi: Trong quá trình trình bày, sinh viên sẽ được giám khảo đặt các câu hỏi phản biện. Do đó, sinh viên cần thể hiện được khả năng trả lời linh hoạt, chính xác và thuyết phục các câu hỏi của giám khảo.

(d) Tác phong trình bày: Sinh viên thực hiện phần tranh tụng của mình một cách tự tin, bình tĩnh, chững chạc và thuyết phục, đảm bảo yêu cầu về thời gian trình bày.

Advertisement