KĨ NĂNG & YÊU CẦU ĐỐI VỚI PHẦN VIẾT MEMORANDUM

1. Chứng cứ (facts) và luận điểm pháp lý (legal points)

Trong một phiên tòa, tòa án hay bất cứ các bên trong tranh chấp đều cần phải làm sáng tỏ hai vấn đề: thứ nhất là các sự kiện pháp lý và thứ hai là những quy định pháp luật sẽ được áp dụng để giải quyết các tình huống pháp lý (nội dung văn bản luật hay án lệ).

Một kinh nghiệm từ các luật sư trong việc trình bày chứng cứ, đó là các chứng cứ nên bám sát vào từng luận điểm đã được thiết kế ở phần mục lục (Table of Contents). Dựa trên các tiêu đề chính và các tiêu đề phụ ở Mục lục, người viết sẽ lựa chọn những chứng cứ phù hợp theo dàn ý đã được định trước.

4

Thông thường, các chứng cứ hay tình tiết của vụ việc thường được trình bày trong phần Báo cáo về tình tiết của vụ việc (Statement of Fact) và phần Lập luận (Argument). Những chứng cứ được trình bày trong phần báo cáo sẽ được tiếp tục sử dụng trong phần lập luận để minh chứng cho các luận điểm pháp lý. Việc trình bày chứng cứ phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính trung thực, không được sai lệch với những gì đã xảy ra, dù là thiếu sót hay dư thừa. Để việc trình bày chứng cứ biện hộ có tính thuyết phục cao, sinh viên cần nắm vững những nguyên tắc sau:

(1) Chứng cứ phải liên quan trực tiếp đến luận điểm cần giải thích, không có những chi tiết thừa, chi tiết không quan trọng.

(2) Chứng cứ phải thể hiện được quan điểm biện hộ của mình và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc lý giải từng luận điểm pháp lý.

(3) Việc sử dụng từ ngữ phải sống động, tạo ấn tượng mạnh gây sự thu hút đối với người đọc nhưng không được thể hiện tính suy luận chủ quan của người viết.

Bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc, để đánh giá hiệu quả của việc triển khai các chứng cứ trong bài biện hộ, sinh viên hãy tự kiểm chứng những điều sau:

Thứ nhất, sinh viên cần xác định những vấn đề pháp lý về vụ việc cần giải quyết. Để nắm bắt được đầy đủ chứng cứ cho công việc của mình, sinh viên phải đọc tài liệu về vụ việc một cách thấu đáo.

Thứ hai, các tình tiết phải được sắp xếp theo một thứ tự mạch lạc. Sinh viên hãy hệ thống chứng cứ theo từng luận điểm biện hộ, sau đó đặt tên các luận điểm thành các tiêu đề theo mô hình.

Thứ ba, các tình tiết, chứng cứ được trình bày phải thể hiện được phần nào lý lẽ và phản ánh được lý luận của sinh viên. Việc trình bày chứng cứ phải khiến người đọc hiểu được ta đang bảo vệ cho ai, thể hiện lập luận có lợi cho ai thì như vậy chứng cứ mới có sự thuyết phục.

Thứ tư, những tình tiết được đưa vào cần nhấn mạnh được phương án biện hộ và bảo vệ quyền lợi của bên được đại diện. Chính vì vậy, trong quá trình viết bài biện hộ, cần ưu tiên nhấn mạnh những tình tiết có lợi cho mình.

2. Kỹ năng viết và những phương pháp thể hiện phân tích hiệu quả

2.1. Cách thức trình bày một vấn đề pháp lý

Bước 1: từ những dữ kiện đã trình bày trong phần tóm tắt, sinh viên phải xác định những yếu tố của một nguyên tắc pháp lý (legal principle) (ở đây chính là đưa ra một quy phạm sẽ được áp dụng)

Bước 2: Xác định vị trí các sự kiện quan trọng để có thể kết luận có hay không các yếu tố của tội phạm hoặc lý thuyết pháp lý. Trước khi viết, cần phải kết nối các sự kiện với các yếu tố của các quy phạm pháp luật.

Bước 3: Viết ra các câu hỏi mà bài biện hộ sẽ trả lời trong một câu ngắn gọn. Sử dụng các sự kiện quan trọng để áp dụng cho các yếu tố. Nhớ chú thích nguồn luật và thẩm quyền áp dụng pháp luật. Qua việc đặt câu hỏi, các quy tắc pháp lý sẽ được áp dụng để giải thích từng (nhóm) vấn đề. Vấn đề (câu hỏi) phải thể hiện nội dung cần được giải thích và làm sáng tỏ kết luận đã được khẳng định, tránh sự không liên quan đến việc cần giải thích, thiếu dữ kiện hay nguồn luật liên quan.

2.2. Phương pháp phân tích một vấn đề pháp lý

– Vấn đề pháp lý (issue): Đây là nội dung quan trọng nhất trong các phân tích và phải được trình bày theo cách gợi mở cho thấy đó là những điều gây tranh luận và cần phải được giải quyết. Người viết cần nêu ra những vấn đề cụ thể của vụ việc theo những cụm câu hỏi liên quan đến việc lý giải những quy tắc pháp lý sẽ được giải quyết như thế nào.

– Quy định (rule): Sau khi chỉ ra những vấn đề pháp lý của vụ việc, sinh viên phải nêu được những quy tắc pháp lý (các đạo luật, văn bản pháp luật, án lệ) được xác định sẽ áp dụng cho việc giải quyết các vấn đề (issue) đã được đặt ra. Các quy tắc phải có sự kết nối chặt chẽ với các tình tiết (facts) của vụ việc.

– Phân tích (analysic/applying): Trong phần này, người viết thể hiện khả năng thuyết phục của mình qua việc hướng người đọc kiểm chứng lại kết luận của người viết về vấn đề được nêu thông qua việc lý giải các quy định pháp luật đối với từng vấn đề. Các câu hỏi tại saonhư thế nào thường được áp dụng trong phần này.

– Kết luận (conclusion): Hãy kết luận từng vấn đề trước khi đưa ra một kết luận tổng cho toàn bộ vụ việc. Sinh viên nên sử dụng các loại câu dùng để kết luận kết quả của việc phân tích (analysic).

3. Các lỗi không nên có trong bài biện hộ

– Viết một bản biện hộ (memo) không rõ ràng: Memo phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và dễ đọc, thông tin được truyền tải trong bài phải rõ ràng, logic. Việc thực hành nhuần nhuyễn công thức IRAC trong một bản memo là cách hạn chế tốt nhất rủi ro này.

– Viết, diễn đạt vấn đề dài dòng: Một bản memo nên ngắn gọn và hướng đến các vấn đề chính, memo sẽ giúp người đọc định hướng vấn đề một cách nhanh chóng và hiểu được tổ chức của bản biện hộ. Hệ thống các câu hỏi theo cụm vấn đề và lần lượt trả lời chúng để người đọc kết nối được các vấn đề.

– Lỗi chính tả: Văn phong sử dụng trong một bản memo phải trong sáng và đúng ngữ pháp. Không dùng văn nói; dùng đại từ (chúng, nó) cho những đối tượng (thường là thân chủ của bên đối trọng); dùng tùy tiện các loại dấu câu khiến cho ý nghĩa diễn đạt không chính xác.

– Lỗi chú thích: Phải chú thích đầy đủ các minh chứng là các văn bản pháp luật, án lệ hay những tình tiết thể hiện chứng cứ từ những trao đổi của các bên. Nếu trích nguyên văn thì phải để trong dấu ngoặc kép.

– Lỗi quên vị trí đại diện cho ai (khách hàng, thân chủ): Sinh viên khi viết bản memo không được quên rằng họ đang tham gia đại diên cho quyền lợi của ai (nguyên đơn hay bị đơn; người bị hại hay bị cáo) trong vụ việc vì những định kiến xã hội hoặc do bị chi phối về quan điểm tranh luận. Nhiệm vụ của bạn là phân biệt và trả lời chúng một cách thuyết phục nhất có thể.

4. Tiêu chí đánh giá: Bài biện hộ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí cụ thể sau:

(a) Mức độ hiểu biết về quy định pháp luật và các dữ kiện của đề bài: Các sinh viên cần thể hiện được hiểu biết của mình về các nguyên tắc pháp lý, các quy định pháp luật được áp dụng trong vụ việc giả định được nêu trong đề bài. Đồng thời, sinh viên cần phải nghiên cứu, nắm rõ và vận dụng linh hoạt các dữ kiện của đề bài trong bài biện hộ.

(b) Khả năng phân tích và lập luận: Từ những quy định pháp luật và dữ kiện đề bài, các sinh viên cần trình bày các phân tích, lập luận của mình một cách chặt chẽ, chính xác, logic và thuyết phục.

(c) Mức độ và cách thức nghiên cứu, tìm tài liệu: Sinh viên phải trình bày rõ danh mục tài liệu tham khảo trong bài biện hộ của mình. Giảng viên cần dựa trên danh mục tài liệu tham khảo này để đánh giá mức độ và phạm vi nghiên cứu của các sinh viên, cũng như tính chính xác của các tài liệu tham khảo.

(d) Bố cục của bài biện hộ: Đây là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kỹ năng của các sinh viên. Bài biện hộ cần được trình bày logic, chặt chẽ và rõ ràng. Cụ thể, giảng viên cần đánh giá: cách phân chia và sắp xếp các luận điểm, luận cứ, cách đặt tiêu đề cho từng đoạn, độ liên kết và logic giữa các đoạn. Lưu ý rằng các lỗi về mặt hình thức sẽ bị trừ điểm theo quy định riêng nên những lỗi về mặt hình thức không được xem xét khi cho điểm bố cục ở phần này.

(e) Cách sử dụng chú thích và văn phong: Sử dụng trong bài biện hộ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về chú thích tài liệu. Bài biện hộ cần được trình bày rõ ràng, mạch lạc, không có lỗi chính tả.

Advertisement