1. Phần tranh luận
Kết cấu của một bài lập luận bằng lời trước hội đồng xét xử thông thường sẽ có 3 phần: Phần mở đầu, phần phát triển lập luận và phần kết luận.
1.1. Phần mở đầu
Người trình bày cung cấp cho người nghe nói chung và hội đồng xét xử nói riêng thông tin về bản thân của mình như: họ tên, bảo vệ quyền và lợi ích cho ai trong vụ án và lập luận của họ sẽ tập trung vào các vấn đề pháp lý nào của vụ việc. Các thông tin này sẽ giúp cho hội đồng xét xử biết được người trình bày đang đứng về bên nào trong vụ tranh chấp và từ đó liên hệ đến những vấn đề cần lưu ý, cần làm rõ trong các lập luận.
1.2. Phần phát triển lập luận
Cấu trúc của phần phát triển lập luận bằng lời không có gì khác so với lập luận trong bài biện hộ. Vì thế, công thức “IRAC” vẫn nên được vận dụng. Người trình bày bắt đầu với các sự kiện của vụ việc và vấn đề pháp lý đặt ra (issue), tiếp theo là nêu văn bản pháp luật và điều luật cần áp dụng (rule), phân tích tại sao lại áp dụng điều luật đã nêu (analysis) để giải quyết vụ việc đang xem xét và cuối cùng là kết luận liên quan đến vấn đề pháp lý vừa nêu (conclusion).
1.3. Phần kết luận
Sau khi trình bày xong các lập luận, người trình bày cần có kết luận của toàn bộ bài trình bày. Kết luận này xâu chuỗi ngắn gọn tất cả các lập luận trước đó và nêu lên kiến nghị/đề xuất của người trình bày đối với việc giải quyết vụ việc.
2. Phần viết memorandum (gọi tắt là “memo”)
Thông thường, một bài biện hộ có bố cục chung như sau:
2.1. Tiêu đề (Heading):
Tiêu đề của bài biện hộ là nội dung chính cần được trình bày ở trang đầu tiên (thường là trang bìa – cover page). Thông thường, những nội dung cần phải thể hiện ở phần này bao gồm các nội dung sau:
(1) Thông tin người gửi ( tên của luật sư viết bản memo)
(2) Thông tin người nhận (trong phiên tòa giả định, cơ quan giải quyết tranh chấp giả định – tòa án/trọng tài – sẽ xem xét vụ việc)
(3) Thời gian gửi bản memo (ngày – tháng – năm mà bản memo được hoàn tất và gửi đi)
(4) Tên vụ việc (case name): phần này phải thể hiện tên đầy đủ của các bên tranh chấp (bao gồm bên nguyên đơn vs. bên bị đơn hoặc công tố vs. bị cáo) và vấn đề tranh chấp của vụ việc hoặc đối tượng tranh chấp
2.2. Mục lục (Table of Contents)
Phần mục lục là sự sắp xếp khoa học những vấn đề chính và các vấn đề phụ bằng cách đặt tên các tiêu đề của từng luận điểm. Mục lục các tiêu đề thường được trình bày với kết cấu như sau:
Tiêu đề của nhóm vấn đề lớn thứ nhất
A1. Nội dung thứ 1
A2. Nội dung thứ 2
A3. Nội dung thứ 3
Tiêu đề của nhóm vấn đề lớn thứ hai
B1. Nội dung thứ 1
B2. Nội dung thứ 2
Tiêu đề của nhóm vấn đề thứ ba
…
2.3. Tóm tắt (Summary, Introduction, Preliminary Statement)
Đây là phần giới thiệu tóm lược nội dung của bài biện hộ, đồng thời nhấn mạnh lập luận của người viết. Thông thường, phần này dài không quá 1 trang A4, trong đó nêu ngắn gọn vị trí tố tụng, bản chất vụ kiện, mô tả yêu cầu và các biện pháp khắc phục thông qua yêu cầu.
2.4. Báo cáo về tình tiết của vụ việc (Statement of Fact hoặc Facts hoặc Statement of the Case)
Khả năng nắm bắt toàn diện và chặt chẽ các tình tiết của vụ việc liên quan đến mục đích biện hộ trong phần này chính là điểm thuyết phục đầu tiên của luật sư biện hộ trước thẩm phán. Điều này giúp thẩm phán có thể hiểu được những chứng cứ liên quan trực tiếp đến việc yêu cầu tòa ra phán quyết, đồng thời thể hiện được quan điểm có lợi cho mình qua cách trình bày các sự kiện đó.
2.5. Phần lập luận (Agrument)
Đây là phần trọng tâm và khó khăn nhất của bài biện hộ vì nó tạo cơ sở cho hoạt động tranh tụng diễn ra hiệu quả tại phiên tòa. Người viết cần được trang bị tốt khả năng tổng hợp và phân tích các vấn đề pháp lý bên cạnh kĩ năng tìm kiếm và xử lý nguồn luật sẽ được áp dụng.
2.6. Phần kết luận (Conclusion)
Việc chốt lại vấn đề và khẳng định lại mục đích của bài biện hộ được thể hiện ngắn gọn ở phần kết luận. Thông thường, phần này chỉ cần diễn đạt trong khoảng 3-4 câu.
2.7. Phần xác nhận (Indorsement)
Phần xác nhận này bao gồm tên của luật sư, tên của bên luật sư đại diện, các thông tin liên lạc. Trong một vài hệ thống luật thì luật sư cũng phải kí tên vào bài biện hộ đó.
Trên đây là bố cục những nội dung cơ bản cần được thể hiện trong một bài biện hộ. Trong thực tế, luật sư có thể thiết kế một bài biện hộ với những kết cấu phù hợp nhất cho mục đích biện hộ của mình mà không nhất thiết phải theo đúng trình tự đã nêu trên.