[CS 02 – 03/2017] Phá sản cá nhân – Nhìn từ pháp luật Hoa Kỳ và sự cần thiết áp dụng pháp luật phá sản cá nhân vào Việt Nam

GVHD: ThS. Nguyễn Ngọc Thứ

SVTH: Lê Nguyễn Nhật Huy, Nguyễn Hồng Hân
Phan Trường Nhật Tân, Đặng Thị Thùy Trang, Trương Lê Hải Vân

Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.

Bài viết nghiên cứu các quy định về phá sản cá nhân của pháp luật phá sản Hoa Kỳ, thông qua đó đánh giá sự cần thiết áp dụng phá sản cá nhân vào Việt Nam. Việc phân tích, đánh giá dựa trên thực tiễn hoạt động phá sản cá nhân của Hoa Kỳ đã cho thấy rằng phá sản cá nhân là giải pháp điều hòa lợi ích cho cả con nợ lẫn chủ nợ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập và quản lý trật tự xã hội, định hướng con nợ và chủ nợ hướng giải quyết vấn đề phù hợp. Bài viết còn đề xuất những giải pháp nhằm đảm bảo cơ chế thực hiện pháp luật phá sản cá nhân tại Việt Nam. Việc áp dụng phá sản cá nhân vào Việt Nam, cần phải đặt ra những quy định chặt chẽ về điều kiện cũng như thủ tục cần thiết trước khi nộp đơn khai phá sản, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi và công bằng để các cá nhân, tổ chức tập trung nguồn lực, phát triển kinh tế.

Từ khóa: phá sản cá nhân, Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ, sự cần thiết

1. Lý luận chung về pháp luật phá sản cá nhân

1.1. Đặc điểm của phá sản cá nhân

Về bản chất, “phá sản” hay “vỡ nợ” là tình trạng mà một cá nhân phải gặp khi mất khả năng thanh toán cho các khoản nợ đến hạn của mình. Quá trình giải quyết phá sản bằng pháp luật giúp cá nhân không còn bị quấy rầy bởi chủ nợ, tìm ra được con đường trả nợ, bắt đầu lại tài chính và các chủ nợ được đảm bảo quyền lợi của mình, được đảm bảo trả nợ bằng pháp luật. Sau đây chúng tôi xin nêu một số đặc điểm cơ bản của phá sản cá nhân:

Thứ nhất, phá sản cá nhân là một thủ tục đòi nợ tập thể. Bởi lẽ, khi một cá nhân quyết định nộp đơn khai phá sản thì số lượng chủ nợ của họ thường trên hai. Khi đó các chủ nợ sẽ ngưng mọi hành động đòi nợ từ con nợ, họ sẽ được tòa án triệu tập, cùng nhau xem xét hoặc là thanh lý các tài sản của con nợ, hoặc đề ra một kế hoạch để cá nhân đó làm lại tài chính và lấy lợi tức thu được trả nợ,  góp phần đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ là bằng nhau.

Thứ hai, phá sản cá nhân không những giúp cá nhân giải quyết nợ mà còn tạo cho họ một khởi đầu tài chính mới. Thông qua phá sản, một cá nhân có thể giải quyết được số nợ của mình, kết thúc thời gian bị gây áp lực từ các chủ nợ và bắt đầu lại cuộc sống mới.

Thứ ba, phá sản cá nhân là một thủ tục pháp lý tổng hợp và phức tạp. Khi bắt đầu nhận đơn khai phá sản của một cá nhân, Tòa án phải tiến hành các biện pháp bảo vệ cá nhân khỏi các chủ nợ, tịch thu tài sản của cá nhân, triệu tập các chủ nợ, đưa ra một kế hoạch khởi đầu lại tài chính cho cá nhân, giám sát việc trả nợ theo kế hoạch của cá nhân cho các chủ nợ. Do tính chất đặc biệt và phức tạp trên nên phá sản cá nhân phải được quy định một cách chặt chẽ, và hình thành một quy trình tố tụng riêng.

1.2. Mục đích cuối cùng của việc tuyên bố phá sản cá nhân

Việc một cá nhân tuyên bố phá sản khi không đủ tài sản cũng như khả năng chi trả cho các khoản nợ cùng tiền lãi được xem như một quyền chính đáng và hợp pháp của công dân. Đó có thể được xem là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của quốc gia khi lấy con người làm yếu tố trọng điểm. Mục đích sau cùng khi cho phép một cá nhân tuyên bố phá sản là mở ra cho người này cơ hội hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ bằng biện pháp thanh lý tài sản hoặc tái tổ chức tình trạng tài chính, trả nợ dần bằng lợi tức tương lai hoặc những biện pháp khác tùy theo quan điểm lập pháp của các quốc gia. Mặc dù chế định về phá sản cá nhân (PSCN) đã được hình thành từ lâu ở pháp luật các nước phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam, đây vẫn còn là một khái niệm còn khá mới mẻ và chưa được luật định.

1.3. Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật phá sản cá nhân

Khái niệm “phá sản” trong thời kỳ cổ đại không tồn tại. Việc mắc nợ lúc bấy giờ bị xem là tội nặng không thể chấp nhận được, đáng phải bị trừng phạt một cách dã man. Khi xã hội phát triển thì quan niệm này đã dần được thay thế bằng những quan niệm tiến bộ hơn. Vỡ nợ không còn là một “tội” nữa, người ta đã nhìn nhận nó theo hướng tích cực hơn và có những cách giải quyết hợp lý hơn so với thời kỳ trước. Luật Phá sản 1542 của Anh là đạo luật đầu tiên giải quyết các vấn đề về phá sản và vỡ nợ. Đến năm 1813, “Luật về những người mất khả năng thanh toán” được ban hành và được xem là Bộ luật Phá sản nổi bật của Anh về PSCN.

Bộ Luật Phá sản Hoa Kỳ được ban hành đầu tiên vào năm 1800 với các quy định nhằm bảo vệ chủ nợ. Những năm sau đó, Bộ luật này cũng đã sửa đổi và bổ sung với nhiều quy định hướng vào con nợ hơn. Đến năm 1978, Hoa Kỳ đã thông qua bộ luật phá sản sửa đổi, và PSCN được quy định tại hai chương là Chương 7 và Chương 13. Lần sửa đổi này đã đánh dấu một bước ngoặt mới cho Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ cũng như đã tạo nên sự thay đổi lớn cho hệ thồng pháp luật phá sản. Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore cũng là những quốc gia thừa nhận cá nhân là đối tượng điều chỉnh của pháp luật phá sản.

Còn ở Việt Nam, trước năm 1990 thì “phá sản” được sử dụng với thuật ngữ là “khánh tận[1] nhằm chỉ tình trạng mất khả năng thanh toán của một thương gia. Khái niệm “khánh tận” đã xuất hiện từ thời phong kiến, trong bộ luật Thương mại Trung phần năm 1942 (Điều 180) và được định nghĩa cụ thể tại Điều 864, Quyển thứ năm – Khánh tận, phá sản và thanh toán tư pháp, Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972[2]: “Thương gia ngưng trả nợ có thể, đương nhiên hoặc theo đơn xin của trái chủ, bị toà tuyên án khánh tận.” Như vậy, có thể thấy rằng trong khoảng thời gian này, cá nhân được thừa nhận là một chủ thể của chế định phá sản.

Có thể nhận thấy rằng tuy luật phá sản của các quốc gia trên thế giới được quy định dưới các tên gọi và chứa đựng trong các nguồn khác nhau nhưng việc phá sản xuất hiện từ rất sớm trong hệ thống pháp luật của các nước đã chứng minh được sự quan trọng của chế định này đối với con người.

  1. Quy định về pháp luật phá sản cá nhân của Hoa Kỳ

Trong Chương 2 của đề tài nghiên cứu, chúng tôi trình bày và làm rõ các quy định của Bộ luật Phá sản hiện hành của Hoa Kỳ (sau đây gọi là “BLPSHK”) về phá sản cá nhân được điều chỉnh chủ yếu tại Chương 7 và Chương 13 của bộ luật này. Chúng tôi xem xét chủ thể nào đủ điều kiện nộp đơn khai phá sản, và chủ thể đó phải tuân thủ theo những trình tự thủ tục nào, đồng thời nêu ra một số hệ quả của việc cá nhân được tuyên bố phá sản khi áp dụng pháp luật phá sản cá nhân tại Hoa Kỳ.

Cụ thể, theo BLPSHK, nếu một cá nhân quyết định nộp đơn xin phá sản thì học có 2 sự lựa chọn: Chương 7 “Phá sản thanh lý” (liquidation bankruptcy[3]) hay Chương 13 “Phá sản hoàn trả” (repayment bankruptcy[4]).

Theo Chương 7, hầu hết các món nợ không có tài sản bảo đảm (động sản hoặc bất động sản) sẽ được tòa án xem xét và ra quyết định “xóa” các món nợ này (theo mục 727(a) BLPSHK). Đối với một số tài sản, tòa án có thể ra quyết định cho cá nhân được giữa lại. Cũng tại chương này, một quản tài viên (trustee[5]) do tòa án chỉ định sẽ tiến hành tịch thi các tài sản và bán nó. Với số tiền thu được, quản tài viên này có trạch nhiệm chi trả càng nhiều càng tố cho các món nợ của cá nhân. Tuy nhiên, đối với một số khoản nợ không được thanh toán hết cá nhân buộc phải tiến hành cách biện pháp để trả nợ.  Thực tế các vụ khai phá sản theo Chương 7, con nợ thường sẽ nhận được lệnh giải nợ chỉ một vài tháng sau khi nộp đơn khai phá sản.

Nếu cá nhân muốn giữ lại các tài sản của mình thì họ có thể nộp đơn khai phá sản theo Chương 13, tức là căn cứ vào tình hình lương và lợi tức mà cá nhân đó có được để thuyết phục tòa án cho họ được trả dần số nợ theo thời hạn đã ấn định trước, thường là từ ba đến năm năm. Không giống như Chương 7, cá nhân không nhận được sự “giải nợ” ngay lập tức. Con nợ phải trả nợ theo kế hoạch trước khi nhận được lệnh “giải nợ”.

2.1. Điều kiện nộp đơn khai phá sản

Để được tuyên bố phá sản, một cá nhân phải đáp ứng được các điều kiện về chủ thể, thời điểm nộp đơn, quá trình thẩm tra tiền bạc cũng như thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục theo quy định tại BLPSHK.

2.1.1. Điều kiện về chủ thể

Chủ thể phải thuộc một trong các trường hợp sau đây: một cá nhân, vợ hoặc chồng hoặc cả vợ chồng hoặc người buôn bán nhỏ lẻ (Theo mục 727(a)(1) Chương 7 BLPSHK). Nếu là người buôn bán nhỏ lẻ thì người đó có quyền khai tất cả các món nợ cá nhân và nợ liên quan đến nghề nghiệp. Ví dụ, hai vợ chồng cùng làm chủ một cửa hàng buôn bán nhỏ khi cùng khai phá sản thì sẽ liên đới với nhau, ngược lại nếu chỉ có người chồng đứng khai phá sản với tư cách cá nhân ông ta thì chỉ có ảnh hưởng đến những khoản nợ riêng của người chồng[6]. Như vậy nếu các cá nhân góp vốn làm ăn khi muốn khai phá sản trước hết phải thương lượng với người kia để chính thức chấm dứt phần góp chung. Nếu không theo trình tự đó thì hậu quả sẽ rắc rối vì bị người cùng góp vốn đệ đơn kiện xin tòa án bãi bỏ vô hiệu hóa vụ khai phá sản.

2.1.2. Thời điểm nộp đơn khai phá sản

Theo Mục 727(a)(8) và mục 727(a)(9) BLPSHK, cá nhân được nộp đơn khai phá sản theo Chương 7 khi:

(a) chưa từng nộp đơn;

(b) đã từng nộp đơn và cá nhân đó vẫn chưa nộp đơn lại trong khoảng thời gian tám năm (nếu đơn gần nhất được tòa án cho phép xóa nợ theo Chương 7) hoặc sáu năm (nếu đơn gần nhất được tòa án cho phép xóa nợ theo Chương 13) tính từ ngày nộp đơn gần nhất đó.

Cá nhân được nộp đơn khai phá sản theo Chương 13 khi:

(a) chưa từng nộp đơn;

(b) đã từng nộp đơn và cá nhân đó vẫn chưa nộp đơn lại trong khoảng thời gian hai năm (nếu đơn gần nhất được tòa án cho phép xóa nợ theo Chương 13) hoặc bốn năm (nếu đơn gần nhất được tòa án cho phép xóa nợ theo Chương 7) tính từ ngày nộp đơn gần nhất đó.

Bất kỳ cá nhân nào nộp đơn khai sản theo Chương 7 hoặc Chương 13 thì trong vòng 180 ngày tính từ ngày nộp đơn trở về trước, không có vụ nộp đơn phá sản nào của cá nhân đó bị hủy bỏ vì vi phạm pháp luật phá sản hay bị tòa án kết án về tội lạm dụng hệ thống luật pháp phá sản hoặc tự ý xin rút đơn phá sản.

2.1.3. Thẩm tra tiền bạc

Khi một cá nhân nộp đơn khai phá sản dù theo Chương 7 hay Chương 13 đều phải trải qua quá trình thẩm tra tiền bạc. Điều kiện này được đặt ra nhằm hạn chế việc một cá nhân lợi dụng pháp luật phá sản để trục lợi cho bản thân. Việc thẩm tra tiền bạc gắn liền với lợi tức và mức thu nhập trung bình của cá nhân nộp đơn khai phá sản với mức trung bình của tiểu bang mà cá nhân đó đang cư trú. Thông qua con số này cá nhân có thể biết họ nên nộp đơn khai phá sản theo Chương 7 hay bắt buộc phải theo Chương 13 (theo mục 707(b) BLPSHK).

Để phục vụ cho quá trình thẩm tra tiền bạc, cá nhân phải nộp bản sao khai thuế mới nhất (nếu nộp đơn theo Chương 7) hoặc bản sao khai thuế trong 4 năm qua (nếu nộp đơn theo Chương 13). Trong trường hợp cá nhân không nộp bản sao khai thuế theo quy định thì tòa án sẽ từ chối xử lý đơn. Do vậy cá nhân nên tiến hành khai thuế trước khi nộp đơn khai phá sản.

2.2. Hệ quả từ việc cá nhân tuyên bố phá sản

Việc tuyên bố phá sản được xem như là giải pháp tích cực đối với một cá nhân khi rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Sự kiện pháp lý này có thể giúp họ thoát khỏi những gánh nặng nhất định về mặt tài chính song cũng đem đến không ít ảnh hưởng cho đời sống của các cá nhân đó ở hiện tại và trong tương lai.

2.2.1. Mặt tích cực

Thứ nhất, khi một cá nhân ký vào đơn khai phá sản, họ sẽ nhận được sự bảo vệ của pháp luật – gọi là cơ chế “lệnh bảo vệ”. Cơ chế này đảm bảo rằng cuộc sống của con nợ sẽ không bị chủ nợ làm ảnh hưởng bởi việc đòi nợ, xiết nhà, xiết xe hay bất kỳ hành động nào khác. Nếu chủ nợ vi phạm sẽ bị tòa án phạt và buộc phải bồi thường.

Thứ hai, khi cá nhân đang nợ tiền nhà thì việc khai phá sản sẽ giúp họ không bị đuổi ra khỏi nhà nếu chủ nhà chỉ mới dọa đuổi. Trường hợp chủ nhà nộp đơn lên tòa án yêu cầu cá nhân đó phải rời đi thì cá nhân khai phá sản vẫn có cơ hội ở lại nếu họ đáp ứng được một số điều kiện theo luật định.

Thứ ba, khi một cá nhân khai phá sản theo Chương 7, họ có cơ hội được tòa án xóa một số khoản nợ không bảo đảm và được giữ lại một số tài sản miễn trừ theo quy định của từng tiểu bang. Còn nếu khai theo Chương 13, cá nhân sẽ có cơ hội trả dần các khoản nợ theo kế hoạch mà không bị áp lực từ phía các chủ nợ.

Có thể nói rằng, mặt tích cực nhất là việc khai phá sản sẽ giúp cho nhiều cá nhân có cơ hội làm lại cuộc sống mới tốt đẹp hơn và khởi đầu lại nguồn tài chính của cá nhân đó.

2.2.2. Mặt tiêu cực

Bên cạnh những mặt tích cực của việc khai phá sản thì cá nhân cũng phải đối mặt với những ảnh hưởng xấu không mong muốn.

Đầu tiên, việc phá sản sẽ ảnh hưởng đến lý lịch tín dụng của cá nhân trong vòng từ 07 – 10 năm. Trong khoảng thời gian này con nợ có thể gặp khó khăn trong việc xin thẻ tín dụng mới, xin việc, mượn tiền mua nhà, mua bảo hiểm. Các vụ phá sản trong vòng 10 năm tại một khu vực sẽ được lưu giữ trong hồ sơ tín dụng và các tổ chức tín dụng sẽ dự vào lý lịch tín dụng để truy vấn và tham khảo các giao dịch trước đó của người vay.

Ngoài việc lý lịch tín dụng bị ảnh hưởng, việc tiếp tục tuyên bố phá sản những lần tiếp theo sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định. Mục đích của việc quy định khoảng thời gian này chính là nhằm hạn chế việc cá nhân lợi dụng các quy định về bảo vệ con nợ để tuyên bố phá sản nhiều lần liên tiếp nhằm trốn nợ, làm ảnh hưởng đến lợi ích của chủ nợ.

3. Sự cần thiết phải xây dựng pháp luật phá sản cá nhân ở Việt Nam

3.1. Lý luận về quyền được nộp đơn khai phá sản của cá nhân

Ở Việt Nam, trước đây, trong nền kinh tế tự cung tự cấp, con người làm ra sản phẩm tự phục vụ cho cuộc sống của mình nên chưa tồn tại sự trao đổi mua bán hàng hóa. Khi bước sang thời kỳ kinh tế tập trung, các doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo quyết định và luôn nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước nên hiện tượng phá sản chưa tồn tại trong các giai đoạn này. Khi bước sang thời kỳ kinh tế thị trường quá trình cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt những chủ thể kinh tế không đủ khả năng cạnh tranh sẽ rơi vào tình trạng nợ nần dẫn đến phá sản. Qua đó, có thể thấy phá sản là một hiện tượng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, là một sản phẩm của quá trình cạnh tranh, chọn lọc và đào thải tự nhiên.

Vào năm 1990, khi Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thuật ngữ “phá sản” đã lần đầu tiên được đề cập trong Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 tại Điều 24 quy định: “Công ty gặp khó khăn thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh đến mức tại một thời điểm tổng số các tài sản của công ty không đủ để thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn là công ty lâm vào tình trạng phá sản.” Có thể thấy, chủ thể áp dụng của pháp luật phá sản là doanh nghiệp, công ty, không áp dụng đối với chủ thể là cá nhân. Tuy nhiên, quyền bình đẳng trước pháp luật là một quyền được Hiến pháp bảo vệ. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật, không bị pháp luật phân biệt đối xử, quyền có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Theo Điều 22, Hiến pháp năm 1992 và theo Khoản 2, Điều 51 Hiến pháp năm 2013 qua đó, có thể thấy chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh và cá nhân tiêu dùng đều được bình đẳng theo pháp luật. “Bình đẳng theo pháp luật” được hiểu là quyền và nghĩa vụ của những chủ thể này là như nhau. Tuy nhiên theo Điều 1, Luật Phá sản (LPS) 1993, Điều 2, LPS 2004 và theo Điều 2, LPS 2014 thì chỉ có các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã được mới có quyền tuyên bố phá sản. Qua đó, có thể thấy rằng mặc dù trong Hiến pháp đề cao vai trò bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế tuy nhiên khi xây dựng thì đối tượng là cá nhân vẫn không được đề cập đến. Về phương diện pháp lý chủ thể này phải được quyền bình đẳng với doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia vào nền kinh tế. Vì thế, đây chính là một vấn đề bất cập trong việc xây dựng Luật Phá sản.

Theo Khuyến nghị số 8 và 9 của Khuyến nghị Hướng dẫn xây dựng pháp luật về phá sản của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRAL) chỉ rõ việc đưa cá nhân (thể nhân) vào đối tượng điều chỉnh và hình thành nên các quy định liên quan đến đối tượng này trong LPS là cần thiết. Bởi lẽ, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, việc tương thích pháp luật với các quy định trong các hiệp định song phương, đa phương, với các nước trên thế giới là một vấn đề quan trọng vì đây chính là tiền đề để thúc đẩy quá trình hoàn thành sứ mệnh hội nhập trong thời đại mới.

3.2. Phân biệt giữa thủ tục kiện dân sự và thủ tục phá sản cá nhân

3.2.1. Thủ tục kiện dân sự

Kiện đòi nợ là thủ tục dân sự nhằm mục đích giúp người cho vay tiền đòi được nợ quá hạn mà bên vay chưa thanh toán. Đây là một vấn đề mang tính thời điểm, chỉ cần quá hạn một thời gian nhất định so với hợp đồng thì cá nhân có quyền kiện đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, thủ tục kiện dân sự chỉ cho phép chủ nợ thực hiện quyền đòi nợ của mình khi khoản nợ đã đến hạn. Vì vậy, khi các khoản nợ không đến hạn cùng một lúc sẽ dẫn đến tình trạng các chủ nợ không thể thực hiện được quyền đòi nợ các khoản nợ chưa đến hạn khi họ nhìn thấy sản nghiệp của con nợ đã không còn hoặc còn rất ít và chắc chắn sẽ không đủ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với mình. Ngay cả khi các khoản nợ đáo hạn cùng một lúc thì theo thủ tục dân sự, cơ quan tài phán cũng chỉ có thể ra phán quyết buộc con nợ có nghĩa vụ phải thanh toán chứ không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề con nợ không có khả năng thực hiện đồng thời tất cả các nghĩa vụ tài sản của mình.

Như vậy có thể thấy, thủ tục kiện đòi nợ dân sự vẫn mang lại không ít rủi ro cho chủ nợ.

3.2.2. Phá sản cá nhân – Giải pháp điều hòa lợi ích giữa con nợ và chủ nợ

Cũng như thủ tục kiện dân sự liên quan đến hợp đồng vay tài sản, chức năng đầu tiên của phá sản là thu hồi nợ cho các chủ nợ. Tuy nhiên, cơ sở phát sinh thủ tục thanh toán các khoản nợ là thông qua tuyên bố cá nhân phá sản của Tòa án. Do đó, khi cá nhân khai phá sản thì Tòa án sẽ xử lý các khoản nợ cho tất cả các chủ nợ kể cả các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn.

Sự điều hòa lợi ích giữa chủ nợ và con nợ được thể hiện qua mục đích và lợi ích mà nó mang lại. Cụ thể:

Thứ nhất, tối đa hóa việc thu hồi nợ cho chủ nợ. Xuất phát từ việc bảo vệ tốt nhất chủ nợ, nếu con nợ lâm vào tình trạng phá sản và tài sản hiện tại không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các chủ nợ thì dù Tòa án có tuyên bố con nợ phải thực hiện nghĩa vụ thì chủ nợ cũng sẽ không thể thu hồi được tài sản của mình. Vì thế, nếu được pháp luật bảo vệ khỏi những quấy rầy, đe dọa của chủ nợ, giúp họ giải phóng nợ để tạo lập cho mình một sự nghiệp mới. Lúc đó chủ nợ sẽ dễ dàng thu hồi nợ.

Thứ hai, cho con nợ cơ hội phục hồi. Thủ tục phá sản (trong đó giải pháp quan trọng nhất đó là phục hồi) sẽ tạo cho cá nhân nợ nần có cơ hội thương lượng với các chủ nợ về các khoản nợ và tránh được các biện pháp đòi nợ bất hợp pháp, ví dụ như xiết nợ đảm bảo việc giải quyết nợ theo một trật tự nhất định, Nhà nước có thể kiểm soát. Thủ tục phá sản còn tránh được tình trạng cá nhân bị phân biệt đối xử thông qua các cơ chế bảo mật thông tin cho con nợ, bảo vệ các con nợ qua cơ chế bảo vệ tự động ngay khi con nợ nộp đơn khai phá sản.

Có thể thấy rằng, tuy cùng mục đích giải quyết các khoản nợ của một cá nhân nhưng hai thủ tục trên lại có hướng giải quyết khác nhau. Với mục đích nhân đạo hơn đối với con nợ mà vẫn đảm bảo quyền lợi của chủ nợ, thủ tục phá sản được xem là một thủ tục đòi nợ đặc biệt.

3.3. Những lợi ích khi pháp luật phá sản cá nhân được áp dụng ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, số người tìm đến cái chết mà nguyên nhân chính là do nợ nần, chịu áp lực từ sự đe dọa của chủ nợ hay những đối tượng đòi nợ thuê đang ngày một gia tăng. Vì vậy, nhìn nhận một cách khách quan, việc cho phép một cá nhân nộp đơn phá sản khi không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn có thể mang lại những tác động tích cực đến chính cá nhân đó, chủ nợ và đặc biệt là Nhà nước.

Cá nhân khi đủ điều kiện nộp đơn khai phá sản có thể nhận được sự bảo hộ của pháp luật khỏi sự đe dọa bất hợp pháp từ phía chủ nợ hoặc những nhóm đòi nợ thuê. Đồng thời, việc chịu sức ép lớn từ phía chủ nợ trong nhiều trường hợp sẽ dẫn cá nhân vào con đường phạm pháp, do đó, việc cơ chế bảo hộ này sẽ loại trừ được nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự của cá nhân là điều có thể mong đợi.

Xét về quyền lợi của chủ nợ, khai phá sản có thể giúp cá nhân chi trả những khoản nợ của mình bằng một số thủ tục pháp lý. Điều này tạo điều kiện để chủ nợ thu hồi một phần hoặc toàn bộ khoản nợ khó đòi thông qua việc thanh lý tài sản của cá nhân hay lập kế hoạch trả nợ dần bằng mức lợi tức thu được trong tương lai. Bản chất của phá sản là tài sản thanh lý được trả cho các chủ nợ theo tỷ lệ tương ứng của khoản nợ trong tổng khối nợ mà cá nhân có nghĩa vụ thanh toán, khác với đòi nợ thông thường là người nào đến trước thì được trả trước. Từ đó, hạn chế bất kỳ sự thiên vị nào đối với các chủ nợ, theo nguyên tắc những người này đều bình đẳng với nhau về quyền và lợi ích hợp pháp.

Cuộc sống con người được bảo vệ thì xã hội mới phát triển theo một hướng tích cực. Vì vậy, việc một cá nhân có quyền được tuyên bố phá sản khi thỏa mãn các điều kiện luật định không những mang lại những lợi ích cho chính bản thân cá nhân đó, cho những chủ nợ với mong muốn thu hồi khoản tiền đã cho vay, mà hơn hết là điều tiết trật tự xã hội, ổn định nền kinh tế. Xây dựng chế định phá sản cá nhân thông qua quá trình học hỏi kinh nghiệm, phân tích, đánh giá từ những hệ thống pháp luật tiến bộ trên thế giới sẽ đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam.

3.4. Các giải pháp đảm bảo cơ chế thực hiện pháp luật phá sản cá nhân tại Việt Nam

Hiện nay, vấn đề phá sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế. Với số lượng lớn các cá nhân mất khả năng thanh toán và phải giải quyết nợ theo thủ tục kiện đòi dân sự[7], việc thành lập một tòa án chuyên trách về phá sản, hoặc một ban chuyên trách về phá sản cá nhân trong Tòa kinh tế là cực kỳ cần thiết. Về chức năng, Tòa Phá sản xét xử, giải quyết các vụ việc liên quan đến lĩnh vực phá sản, bao gồm cả phá sản doanh nghiệp và phá sản cá nhân. Như vậy, thẩm quyền của Tòa Phá sản sẽ bao gồm: Giải quyết việc phá sản theo yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; giải quyết việc phá sản theo yêu cầu của cá nhân mất khả năng thanh toán; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho công tác quản lý, thanh lý tài sản; đảm bảo tính công bằng, hợp pháp trong việc phân chia nợ. Tòa hoặc bộ phận chuyên trách phá sản một khi được thành lập sẽ góp phần đáng kể làm giảm thiểu sự quá tải cho Tòa Kinh tế, có khả năng chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như thời hạn trong việc thụ lý, xem xét, giải quyết và tuyên bố phá sản.

Song song với việc thành lập tòa hoặc bộ phận chuyên trách về phá sản, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên có thẩm quyền trong giải quyết phá sản là điều vô cùng cần thiết. Cụ thể, Thẩm phán phải có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu và phải có phẩm chất tốt; đồng thời, cần không ngừng được bồi dưỡng năng lực cũng như chuyên môn hóa phụ trách về lĩnh vực pháp luật phá sản. Bên cạnh đó, Quản tài viên cũng cần được bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu, cần hiểu biết rạch ròi, cặn kẽ về công việc và phạm vi quyền hạn của mình.

Sau cùng, một khi pháp luật đã quy định cá nhân được quyền khai phá sản thì các cá nhân phải chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng các hành động thiết thực như chi tiêu có kế hoạch, giữ lại các hóa đơn chứng từ, tự mình lập sổ sách kế toán. Để người dân có thể nắm bắt và vận dụng pháp luật một cách hiệu quả nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần có hoạt động tuyên truyền pháp luật phá sản đến với người dân, trang bị cho người dân các kiến thức cần thiết về giấy tờ, hồ sơ, cách thức đệ đơn khai phá sản. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần phải giải tỏa những bức xúc và e ngại của người dân bằng cách giải thích cho người dân hiểu rõ hơn những tác động tích cực của pháp luật phá sản cá nhân về cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của con nợ, từ đó thúc đẩy cộng đồng dần áp dụng các chế định PSCN thay cho thủ tục kiện đòi nợ dân sự.

4. Kết luận

Việt Nam vẫn chưa thừa nhận cá nhân như một đối tượng áp dụng của pháp luật phá sản. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, phá sản lại được xem là một hiện tượng tất yếu và việc công nhận quyền được phá sản của cá nhân là hoàn toàn cần thiết. Muốn áp dụng phá sản cá nhân vào Việt Nam cần phải đặt ra những quy định chặt chẽ về điều kiện cũng như thủ tục cần thiết trước khi nộp đơn khai phá sản. Để đạt được điều đó, cơ quan hoặc bộ phận thụ lý phải có năng lực chuyên môn cao, bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức về pháp luật của cộng đồng để hạn chế tình trạng cá nhân ồ ạt khai phá sản, lạm dụng sự sơ hở của pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ thanh toán đối với những khoản vay kinh doanh hoặc nhằm mục tiêu tiêu dùng. Việc áp dụng phá sản cá nhân vào Việt Nam nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thể hiện được đường lối phát triển của Việt Nam, tạo ra môi trường thuận lợi và công bằng để các cá nhân, tổ chức tập trung nguồn lực, phát triển kinh tế, đưa đất nước lên một tầm cao mới.

[1] “Khánh tận” hay còn gọi là “khánh kiệt”, có nghĩa là “hết sạch sành sanh”, theo từ điển mở Wiktionary, xem tại https://vi.wiktionary.org/wiki/kh%C3%A1nh_t%E1%BA%ADn, truy cập lúc 14h43’ ngày 8/5/2016.

[2] Bộ luật Thương mại Sài Gòn năm 1972 được ban hành bằng sắc luật số 029/TT-SLU ngày 20/12/1972.

[3] Amy Hackney Blackwell (2008), The Essential Law Dictionary , Sourcebooks, Inc, page 49: Bankruptcy, Chapter 7: Straight bankruptcy; a proceeding that liquidates property, pays off debts, and leaves the debtor discharged.”.

[4] Amy Hackney Blackwell (2008), The Essential Law Dictionary , Sourcebooks, Inc, page 50: Bankruptcy, Chapter 13: A proceeding that lets a borrower with enough income pay off bills over a specified period of time while being supervised by the court.”.

[5] Amy Hackney Blackwell (2008), The Essential Law Dictionary , Sourcebooks, Inc, page 50: Bankruptcy trustee: A person appointed by the court to handle a debtor’s property during bankruptcy proceedings.”.

[6] Xem: Nolo Press, “Filling a Joint Bankruptcy Petition”, tại http://www.nolo.com/legal-encyclopedia/filing-joint-bankruptcy-petition.html, truy cập lúc 19h27’ ngày 02/3/2016.

[7] Tòa án Nhân dân Tối cao (2014), Hội nghị chuyển sang thi hành Luật Phá sản 2014, NXB Lao động.

Theo thống kê của trang thông tin hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, qua 9 năm thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp 1993, Tòa án đã thụ lý 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong đó tuyên bố phá sản được 46 trường hợp và qua 9 năm thi hành Luật Phá sản 2004, Tòa án đã thụ lý 336 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và quyết định tuyên bố phá sản được 83 trường hợp.

Advertisement