Vũ Thị Ngọc Huyền,
Sinh viên K14502C, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP. HCM.
Dù năm tháng đã đi qua và phủ lên lịch sử những lớp bụi dày của thời gian, nhưng các bộ cổ luật tiêu biểu của nước ta vẫn còn lưu giữ được giá trị đương đại mà cho đến nay, chúng ta vẫn đang kế thừa và phát triển.
Từ khóa: Cổ luật Việt Nam, tư duy lập pháp tiến bộ, giá trị nhân văn sâu sắc, hệ thống pháp luật Việt Nam thời quân chủ.
1. Khái quát các bộ cổ luật Việt Nam tiêu biểu.
Pháp luật cổ Việt Nam qua các thời kỳ đều được xây dựng dưới nhiều hình thức đa dạng, tác động tới hầu hết các quan hệ xã hội và thường có hiệu lực thời gian lâu dài. Các bộ cổ luật tuy đã trải qua bề dày lịch sử lâu đời nhưng vẫn còn lưu giữ nhiều nét tiến bộ mà pháp luật hiện đại có thể học hỏi và kế thừa.
Hình thư là bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước quân chủ Việt Nam do nhà Lý ban hành. Tuy bộ luật này không còn bản gốc[1] nhưng nội dung của nó vẫn được ghi chép trong sử cũ. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí, Hình thư gồm ba quyển. Bộ luật này quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại; biện pháp trừng trị những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội; các vấn đề phát sinh trong quan hệ xã hội hàng ngày… Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bộ luật Hình thư được ban hành để khẳng định quyền lợi, địa vị của nhà nước phong kiến, giai cấp quý tộc quan liêu, đồng thời cũng là công cụ ổn định xã hội, giữ gìn kỷ cương, bảo vệ sản xuất nông nghiệp…[2]
Bộ cổ luật tiêu biểu thứ hai của Việt Nam là bộ Quốc triều hình luật được ban hành dưới thời nhà Trần. Từ năm 1226, sau khi Trần Cảnh lên ngôi, nhà Trần đã định các điều luật lệnh và tiếp tục bổ sung vào năm 1230, 1244. Đến năm 1341, vua Trần Dụ Tông lệnh cho Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu soạn ra bộ Quốc triều hình luật gồm một quyển để ban hành.[3] So với những quy định có từ thời Lý, bộ Quốc triều hình luật thời Trần đã có những điều chỉnh nhất định, đặc biệt là các quy định về hình phạt, cách thức xử phạt, chế độ tư hữu đất đai, tài sản…
Kế thừa và phát triển tư duy lập pháp từ các đời vua trước, bộ Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) được ban hành năm 1483 dưới thời vua Lê Thánh Tông, trên cơ sở tập hợp các điều luật đã ban bố trong các triều đại trước, rồi san định cho hoàn thiện. Bộ luật này gồm 722 điều, chia thành 12 chương, 6 quyển, dành từng chương để quy định các vấn đề cụ thể (như cách phân loại hiện nay) như hành chính, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình[4] … Theo nhiều nhà nghiên cứu, “Quốc triều hình luật là thành tựu có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử pháp luật Việt Nam”[5]. Được ban hành trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của chế độ phong kiến trung ương tập quyền, Quốc triều hình luật không chỉ là bộ luật chính thức của Việt Nam dưới thời Lê Sơ, mà còn được các triều đại khác sau này sử dụng cho đến hết thế kỷ XVIII.[6]
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập ra triều Nguyễn năm 1802, đã lập tức sai quần thần ban hành bộ luật mới. Năm 1815, bộ Hoàng Việt Luật lệ (Bộ luật Gia Long) do Tổng trấn Bắc Thành làm chủ biên được ban bố. Có ý kiến cho rằng bộ luật này phần lớn xây dựng trên cơ sở khảo xét bộ Đại Thanh Luật lệ (bộ luật của nhà Mãn Thanh), và có chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam bấy giờ. Theo bản dịch từ bản khắc in chữ Hán, Hoàng Việt Luật lệ gồm 398 điều, chia thành 22 quyển. Các điều luật được phân loại và sắp xếp theo sáu lĩnh vực, tương ứng với nhiệm vụ của sáu Bộ, gồm các nội dung chính như: quy định về tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại (lại luật); quy định về tội danh và hình phạt (hình luật); quy định về quản lý dân cư và đất đai (hộ luật); quy định về ngoại giao và nghi lễ cung đình (lễ luật); quy định về tổ chức quân đội và quốc phòng (binh luật); quy định về xây dựng, bảo vệ đê điều, lăng tẩm (công luật). Hoàng Việt luật lệ được sử dụng trong suốt thời nhà Nguyễn, rồi dùng tiếp ở Trung Kỳ trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam.
2. Đôi nét tiến bộ của cổ luật Việt Nam.
Kỹ thuật lập pháp ngày nay được phát triển trên cơ sở kế thừa và bổ sung các kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Các nhà làm luật cổ đã sử dụng kỹ thuật lập pháp khá tiến bộ và hiệu quả, được thể hiện qua các vấn đề như sau:
Thứ nhất, các nhà làm luật đã phân chia và sắp xếp các điều luật thành môn loại. Qua cấu trúc của Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long, có thể thấy cả hai bộ luật đều có phần đầu khái quát các vấn đề chung, nguyên tắc chung. Các chương/quyển tiếp theo được dành để tập hợp những điều luật trong cùng một lĩnh vực. Ngoài ra, các điều luật còn lại được đưa vào phần tạp luật. Cách phân loại như vậy đã phần nào thể hiện tư duy khoa học và giúp việc tra cứu được dễ dàng, thuận lợi.
Ví dụ: Trong Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ), Chương Hộ, Hôn gồm các điều luật về quản lý cư dân và hôn nhân – gia đình;… Ở Bộ luật Gia Long (BLGL), Quyển 1, 2, 3 quy định những vấn đề chung; Quyển 4 và 5 gồm các điều luật về quan lại và công chức;…
Thứ hai là cách tổ chức và thể hiện các quy phạm pháp luật. Hầu hết các điều luật của các bộ cổ luật đều có cấu trúc như một quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, gồm ba thành phần cơ bản là giả định, quy định và chế tài.
Ví dụ:
- Điều 89 – BLHĐ quy định: “Trước và sau ngày Hoàng đế lên ngôi một tháng, cấm các nhà ở trong kinh thành cử hành việc tang, người nào phạm thì phạt 50 roi, biếm một tư.”
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các điều luật chỉ có hai thành phần mà không có phần chế tài.
Về kỹ thuật thể hiện quy phạm pháp luật, có thể thấy các nhà làm luật cổ đã có khả năng tiên liệu được nhiều tình huống để đặt ra điều luật điều chỉnh.
Ví dụ: Trong chương Điền sản của BLHĐ, khi quy định về việc chia tài sản sau khi vợ hoặc chồng chết mà không có chúc thư, các nhà làm luật đã tiên liệu được nhiều tình huống cụ thể như:
Vợ chồng không có con
Chồng có con với tất cả các bà vợ/ hoặc có con với vợ trước, nhưng không có con với vợ sau và ngược lại…
Vợ chồng đã có con, một trong hai người chết, sau đó con cũng chết…
Ngoài ra, khi xây dựng và ban hành pháp luật, các nước đều phải tham chước luật lệ của các quốc gia khác. Do hạn chế điều kiện về thông tin, các nhà nước Việt cổ thường và chỉ có thể tham chước hệ thống pháp luật của nước láng giềng là Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng: hệ thống pháp luật ở Việt Nam thời quân chủ đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo pháp luật Trung Quốc, nhưng có chỉnh sửa và sáng tạo để phù hợp với xã hội Việt Nam. Trong công trình khảo cứu “Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII”, giáo sư người Hàn Quốc Insun Yu đã sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu giữa các điều khoản của Bộ luật Hồng Đức với các bộ luật của nhà Đường và nhà Minh (Trung Quốc), sau đó đưa ra nhận xét như sau[7]:
- Thứ nhất, trong số 722 điều khoản của BLHĐ, có 261 điều vay mượn hoàn toàn hoặc một phần từ Luật nhà Đường, 53 điều từ Luật nhà Minh và 1 điều từ luật khác. Còn lại 407 điều là có riêng trong Bộ luật nhà Lê.
- Thứ hai, ngay cả trong các điều luật được vay mượn từ luật Trung Quốc, các nhà làm luật Thời Lê cũng có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Trong khi BLHĐ được đánh giá cao bởi tính sáng tạo trong việc tham chước luật pháp nước ngoài, thì các nhà nghiên cứu cho rằng BLGL đã sao chép Bộ luật Mãn Thanh (Trung Quốc):
- Luật sư Phan Văn Trường – trong luận án tiến sĩ tại Đại học Paris vào những năm 20 của thế kỷ XX đã phân tích, so sánh “Hoàng Việt luật lệ” với các bộ luật Trung Hoa thời quân chủ (đặc biệt là bộ luật nhà Thanh) và đã dành trọn hai trang của phần Mở đầu để nhận xét về bộ “Hoàng Việt luật lệ”: “Thực ra bộ luật này chỉ là một bản sao chép – có sửa đổi tý chút – nguyên văn bộ luật hình của triều Mãn Thanh đang thống trị Trung Hoa hồi đó”;
- Luật sư người Pháp P.L.F. Philastre trong sách “Le Code Annamite” nhận định: “Bộ luật An Nam gồm các điều luật, chú giải, các điều lệ kèm theo điều luật chẳng phải là cái gì khác hơn bộ luật Trung Hoa của triều Mãn Thanh, chỉ bỏ đi rất ít điều luật và ở vài điều luật khác – mà cũng rất hiếm hoi – thì sửa đổi tý chút”…
Tuy nhiên, các dịch giả cho rằng, tuy có tham chước nhiều Bộ luật nhà Thanh, nhưng trong từng quy định cụ thể, các nhà làm luật thời đó cũng đã có những chỉnh sửa, bổ sung và thay đổi cho phù hợp với điều kiện Việt Nam[8]. Điều này ít nhiều cho thấy nỗ lực của những nhà soạn luật khi đi tham chước một bộ luật của một vương triều khác, ở một quốc gia khác, tạo ra một bộ luật hoàn chỉnh áp dụng vào xã hội Việt Nam.
Các bộ cổ luật Việt Nam để lại cho thế hệ đương đại những giá trị về tính nhân văn sâu sắc, thể hiện qua một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, các bộ luật có nhiều quy định nhằm hạn chế và xử phạt những hành vi tham nhũng của quan lại và gián tiếp bảo vệ một số quyền lợi chính đáng của người dân. Có tới khoảng 107 điều của BLHĐ, 79 điều của BLGL điều chỉnh các hành vi không được phép đối với quan lại để bảo vệ người dân.
Ví dụ:
- Điều 138 BLHĐ quy định: “Quan lại nhận hối lộ từ 01 đến 09 quan tiền bị phạt biếm tước hoặc bãi chức; từ 10 dến 19 quan tiền bị phạt đồ (làm khổ sai) hoặc lưu đày; từ 20 quan tiền trở lên bị phạt chém.”
- Điều 31 BLGL quy định: “Quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ.”
Thứ hai, các bộ cổ luật Việt Nam đều chứa đựng nhiều quy định mang tính nhân văn như: bảo vệ người già và trẻ em; giúp đỡ người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn; tôn trọng phong tục và văn hóa của các tộc người thiểu số; thậm chí cả người phạm tội…
Ví dụ:
- Trong điều 16 BLHĐ, người già trên 90 tuổi và trẻ em dưới 7 tuổi được tha miễn hoàn toàn, cho dù phạm vào tội nặng, từ 70 tuổi trở lên và 15 tuổi trở xuống được phép chuộc tội bằng tiền.
- Điều 669 BLHĐ quy định: “…Nếu tù có bệnh ung nhọt, không chờ lành lại tra khảo thì người ra lệnh bị xử biếm. Nếu tù bệnh ấy mà đánh roi, trượng thì phạt 30 quan tiền, nhân đó tù chết thì bị biếm 2 tư…”.
Chính sách đối với các tộc thiểu số cũng là vấn đề được nhà nước quan tâm. Một phần là để giảm bớt khó khăn về đời sống, nhưng mặt khác đây cũng là một trong những biện pháp nằm trong chủ trương “nhu viễn” – mềm mỏng với vùng xa mà các nhà nước quân chủ xưa kia hầu hết đều áp dụng[9]. Tuy BLHĐ không chứa nhiều điều luật liên quan đến các tộc người thiểu số (thời Lê gọi là Dân Man Liêu), nhưng có hai vấn đề quan trọng đã được đề cập và quy định là: các tộc người thiểu số có quyền dùng luật tục để giải quyết nnhững xung đột giữa họ với nhau và tất cả quan lại, khi giải quyết công việc ở vùng có người thiểu số sinh sống, cần báo và xin phép người Quản giám (chỉ người đại diện và quản lý) của họ.
Ví dụ:
- Điều 40 BLHĐ quy định: “Những người miền thượng du (miền núi, miền đồng bào dân tộc ít người cư trú) cùng phạm tội với nhau thì theo phong tục xứ ấy mà định tội. Những người thượng du phạm tội với người trung châu (miền trung du và miền đồng bằng) thì theo luật mà định tội.”
BLHĐ cũng có một số điều nhằm bảo vệ các tộc thiểu số trước sự sách nhiễu của quan lại.
Ví dụ:
- Cấm quan quân giữ cửa ải khi thấy “khách buôn bán và dân Man Liêu qua cửa ải mà đòi tiền của họ thì bị biếm hai tư, đền trả lại gấp hai số tiền” (điều 71)
Thứ ba, dù chịu ảnh hưởng từ Nho giáo với tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhưng những bộ luật cổ vẫn có các điều luật bảo vệ thân phận người phụ nữ.
Ví dụ:
- Trong điều 308, BLHĐ cho phép người vợ có quyền đệ trình và xin được bỏ chồng nếu người chồng bỏ rơi vợ trong 5 tháng không đi lại. Đây là một quy định góp phần ngăn chặn sự thiếu trách nhiệm của người chồng với vợ và tạo cho người phụ nữ cơ hội để có thể tự giải phóng mình.
Tính tiến bộ, nhân văn của BLHĐ còn được thể hiện ở trong các chế định về giao dịch dân sự mà người phụ nữ tham gia.
- Theo điều 374, 375 của BLHĐ, khi ly hôn hoặc khi chồng chết trước, người phụ nữ vẫn được công nhận quyền sở hữu đối với tài sản riêng (của hồi môn) và được hưởng một phần giá trị tài sản do hai vợ chồng gây dựng…
Luật Hồng Đức có nhiều quy định trách nhiệm pháp lý đối với quan lại với các mức hình phạt rất nặng khi họ phạm tội cưỡng ép, hiếp dâm, cưỡng bức đàn bà, con gái. Đặc biệt là bộ luật quy định việc xử phạt nghiêm khắc những kẻ có hành vi gian dâm với con gái dưới 12 tuổi.
Thứ tư, các bộ luật Việt cổ đều đề cao và tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của con người.
Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đều quy định Tội Thập ác tại điều 2. Thập ác bao gồm: Mưu phản, Mưu đại nghịch, Mưu bạn, Ác nghịch, Bất đạo, Đại bất kính, Bất hiếu, Bất mục, Bất nghĩa, Nội loạn. Trong Thập ác có 4 tội bảo vệ vương quyền (mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, đại bất kính), 5 tội bảo vệ quan hệ hôn nhân gia đình phong kiến (ác nghịch, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn) và một tội trừng trị những hành vi phạm tội vô cùng dã man, tàn ác xâm hại nghiêm trọng một trong những tiêu chí đạo đức hàng đầu của đạo Nho (tội bất đạo). Tất cả những ai phạm tội thập ác đều phải chịu hình phạt nặng nhất (xử chết).
Đó là đôi nét về sự tiến bộ trong các bộ cổ luật của Việt Nam. Có thể thấy, rất nhiều điều luật cổ thực sự mang đậm tính tân kỳ, tiến bộ mà xã hội hiện đại cần gìn giữ và kế thừa. Chúng ta có quyền tự hào, tôn vinh, và phát huy giá trị văn hóa pháp lý của tổ tiên ta trong thời kỳ hiện đại./.
[1] Theo các tư liệu lịch sử, đầu thế kỷ XV, khi sang xâm chiếm Việt Nam, quân Minh đã tịch thu nhiều sách và văn bản quý của Đại Việt để đưa về chính quốc. Trong đó có bản gốc của của cả hai bộ luật thời Lý và Trần.
[2] Lịch sử Chế độ Phong kiến Việt Nam, Tập 1, Nxb Giáo dục, 1960, tr. 272, 273.
[3] Lịch sử Chế độ Phong kiến Việt Nam, Tập 1, Nxb Giáo dục, 1960, tr. 361.
[4] Căn cứ theo bản in chữ Hán lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (ký hiệu A.341), đã được Viện Sử học và Nhà xuất bản Pháp lý phối hợp dịch ra chữ Quốc ngữ và ấn hành năm 1991.
[5] Cuốn Quốc triều hình luật, phần Lời nói đầu, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1991.
[6] Phan Huy Lê, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1962, tr. 159.
[7] Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 73-81.
[8] Tham khảo điều 181, 182, 350, 352, 357, 580, 581, 601 (BLHĐ) và Quyển 6, 11, 12, 21 (BLGL).
[9] Xem các điều 40, 163, 164, 451, 595, 703 BLHĐ.
Tài liệu tham khảo:
- Những bộ luật cổ Việt Nam và một số giá trị đối với đương đại (PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội).
- Bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong Luật Hồng Đức (Lê Triều hình luật) – Tính tiến bộ, nhân văn và giá trị đương đại (Hoàng Thị Kim Quế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).