Trịnh Huyền Trang (K15502) & Lê Thị Thủy Tiên (K15502C)
Sinh viên ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
Vạn vật, suy cho cùng, đều ẩn chứa trong nó hai mặt đối lập, thống nhất, cùng tồn tại và tác động qua lại lẫn nhau. Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật diễn ra, đó là thời khắc đánh dấu lịch sử nhân loại sang trang mới. Cuộc sống vật chất và tinh thần của con người nhờ đó mà phát triển rất nhanh: lao động chân tay chuyển dần sang lao động bằng máy móc, thư tay – phương tiện liên lạc trở nên lỗi thời dần thay thế bằng những chiếc điện thoạị, mạng internet ra đời mang đến sự kết nối con người bằng trang mạng xã hội và email,… Không ai phủ nhận được những điểm tích cực ấy, nhưng, song song với nó, những điều tiêu cực cũng dần dần phát sinh. Điển hình, việc kiểm tra và nhận email trong môi trường công việc đã làm cho con người xóa mờ đi ranh giới cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đó là lý do, đầu tiên là ở Pháp, quyền ngắt kết nối ra đời. Đối với sự xuất hiện loại quyền mới này, Việt Nam ta nên có những động thái nghiên cứu bản chất và khả năng thực thi cho nền lập pháp trong tương lai.
Từ khóa: Quyền ngắt kết nối, dân quyền, nhân quyền, Điều 25, Luật Lao động Pháp
1. Quyền ngắt kết nối ở Pháp
Ngày 01/01/2017, luật quy định về quyền “ngắt kết nối” ở Pháp bắt đầu có hiệu lực. Luật mới này yêu cầu đối với những công ty có 50 nhân viên trở lên sẽ phải đàm phán với nhân viên của mình về quyền “ngắt kết nối”, cụ thể là quy định về những khung giờ mà người lao động có quyền từ chối đọc và trả lời các email cũng như các cuộc gọi liên quan đến công việc sau giờ làm. Theo đó, nếu có vấn đề liên quan tới công việc xảy ra, người lao động sẽ không bị phạt hay chịu trách nhiệm vì đã từ chối đọc tin nhắn, email giao việc. Và nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, công ty vẫn phải đưa ra các điều lệ rõ ràng dựa trên mong muốn và quyền lợi của nhân viên, khi làm ngoài giờ.[1]
Nguyên nhân cho sự ra đời của luật này xuất phát từ việc nhân viên văn phòng Pháp thường xuyên phải đối mặt với việc phải trả lời các email và cuộc gọi công việc sau giờ làm hay vào những ngày nghỉ cuối tuần. Hàng loạt nghiên cứu chỉ ra rằng người lao động đang ngày càng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe vả tâm lý do họ không có thời gian thảnh thơi thật sự khi trở về nhà từ nơi làm việc, thậm chí có người phải nhập viện vì làm việc quá sức[2]. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Chính phủ Pháp đã quyết định thông qua điều luật mới về “quyền ngắt kết nối” để giúp người lao động có một cuộc sống cân bằng hơn, giảm tải tình trạng kiệt sức vì công việc cho giới công nhân viên Pháp. Quyền ngắt kết nối xuất hiện tại Điều 25 thuộc chương “Sự thích ứng của các quyền làm việc trong thời đại kỹ thuật số” (The Adaptation of Work Rights to the Digital Era) trong dự thảo luật Lao động mới của Pháp. Cụ thể Điều 25 nói như sau “Trong sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nếu nhà quản lý quản lý kém sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực tới sức khỏe người lao động. Trong số đó phải kể đến áp lực công việc, sự quá tải thông tin, công việc lẫn lộn với đời sống riêng tư và cả những rủi ro khi sử dụng các công nghệ kỹ thuật số”[3].
2. Quyền ngắt kết nối – dân quyền hay nhân quyền?
Quyền ngắt kết nối là một dân quyền…
Dân quyền hay còn được gọi là quyền công dân là quyền mà một người được hưởng trên cơ sở là công dân của một quốc gia nhất định. Dân quyền được xem là kết quả của sự thỏa thuận giữa nhà nước và cá nhân, trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân nước đó. Dân quyền xuất phát từ hiến pháp hay pháp luật của mỗi quốc gia, do đó công dân một nước chỉ được hưởng các quyền dân sự nhất định mà pháp luật quốc gia họ công nhận.[4]
Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật quy định về quyền “ngắt kết nối”. Luật này áp dụng cho những người lao động Pháp, làm việc tại các công ty hoạt động trên lãnh thổ Pháp. Các quốc gia trên thế giới có xu hướng bước đầu thừa nhận quyền này như dân quyền, thế nhưng về bản chất, nó nên được thừa nhận như một nhân quyền.
Thế nhưng nó đã thực sự được xem là một nhân quyền hay chưa?
Ví như luật biển ra đời khi con người có khả năng khai phá nhiều hơn biển cả cho nền kinh tế, luật hàng không ra đời khi vật thể tàu bay xuất hiện trên thế giới,… có quan hệ cần điều chỉnh thì mới có luật ra đời. Sở dĩ có cuộc tranh cãi quyền ngắt kết nối là dân quyền hay nhân quyền, bởi lẽ trước đó, chưa có công nghệ như hiện nay hoặc cuộc đổ bộ kĩ thuật ấy chưa choáng ngợp đời sống mọi người như bây giờ, người ta dễ lầm tưởng nó không phải quyền tự nhiên của con người và đánh đồng nó là sự thừa nhận của pháp luật, là quyền được ban cho.
Nhân quyền là những quyền tự nhiên và cơ bản nhất của con người. Bất kỳ ai khi sinh ra đều được hưởng những quyền này. Các quyền này không do ai ban cho và cũng không ai có quyền được tước đi, tất cả các quyền đó đều phải được thừa nhận và tôn trọng tuyệt đối. Nhân quyền mang tính phổ quát, ở đâu có con người thì ở đó có nhân quyền, không phụ thuộc hay bị chi phối bởi bất kỳ điều kiện nào (dân tộc, tôn giáo, giới tính,…).
Điều 24 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948[5] nêu rõ “Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả việc hạn chế số giờ làm việc và cả các ngày nghỉ định kỳ có trả lương”. Theo tác giả, Quyền được ngắt kết nối của người lao động Pháp là một trong những quyền thuộc về “Quyền nghỉ ngơi và giải trí” được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948. Người lao động được ký kết hợp đồng để làm việc trong một số giờ nhất định và họ được trả lương để làm việc trong số giờ quy định đó. Sau giờ làm việc họ có quyền không cần phải giải quyết các công việc được gửi đến sau giờ làm việc. Thế nhưng, trên thực tế, sau giờ làm các nhân viên vẫn dành nhiều thời gian nghỉ ngơi của mình để trả lời các email và cuộc gọi liên quan đến công việc từ các ông chủ và đồng nghiệp của họ sau giờ làm. Và dĩ nhiên họ không được trả lương cho việc làm thêm giờ tại nhà này. Điều này khiến cuộc sống của người lao động trở nên căng thẳng, áp lực và trông họ giống như được tự do về thể chất nhưng lại bị trói buộc tinh thần bởi công việc. Sự phát triển của các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính khiến cho cuộc sống của người lao động ngày càng gắn chặt với công việc. Người lao động sợ rằng nếu không trả lời mail và điện thoại công việc, họ sẽ bị sếp và đồng nghiệp đánh giá không tốt về thái độ và năng lực làm việc của mình, từ đó có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến công việc tương lai của họ. Do đó, mặc dù đã kết thúc công việc nhưng bản thân người lao động vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc khi có email hay cuộc gọi khẩn cấp từ sếp. Với việc phải trả lời email và cuộc gọi sau giờ làm lại khiến cho họ trở thành nô lệ của công việc. Và chẳng khác nào họ không chỉ bị tước đi quyền nghỉ ngơi và giải trí mà còn bị tước đi quyền cơ bản của con người – quyền tự do. Bởi một người được xem là tự do khi họ không chỉ tự do về mặt thể chất mà còn phải được tự do về mặt tinh thần.
Quyền được ngắt kết nối ra đời như một đề xuất mới để bổ sung hoàn thiện hơn cho hệ thống nhân quyền và các quyền cơ bản của con người. Quyền ngắt kết nối giúp người lao động thoải mái tận hưởng giờ nghỉ ngơi của mình mà không phải tỏ ra căng thẳng mệt mỏi mỗi khi nhận được email và cuộc gọi công việc. Họ được sống một cuộc sống chất lượng với thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, hiệu quả. Họ được sống như một con người chứ không phải là một cỗ máy làm việc.
3. Tranh cãi của quyền dưới góc độ kinh tế đến giải quyết bài toán: có nên được thực thi và áp dụng?
Như một quy luật tất yếu của tự nhiên, cái mới xuất hiện luôn vấp phải sự phản đối của một bộ phận, có chăng sự hình thành của nó được chấp nhận bởi số đông đồng thuận cao hơn. Quyền ngắt kết nối ở Pháp trở thành đạo luật có hiệu lực cũng đã được 2 tháng nhưng sự tranh cãi cho sự ra đời của nó là điều không thể tránh khỏi, nhất là dưới góc độ kinh tế. Một số nhà kinh tế, chủ doanh nghiệp cho rằng: việc nhân viên của họ không nhận và trả lời email công việc ngoài giờ làm có thể làm mất đi năng suất công việc, đồng thời cũng làm qua đi những khoảnh khắc quyết định – “cơ hội ngàn vàng” để cạnh tranh với đối thủ trong ngành, cùng phân khúc. Bộ phận này cho hay: trong lúc bất chợt đọc email, não bạn có thể hoạt động, bật ra những điều mới và sáng tạo cho kế hoạch đang làm.[6] Các nghiên cứu khoa học đã bác bỏ điều đó[7]: khi điều luật ra đời, nỗi ám ảnh mang tên: “email” đã không đu bám họ nữa, họ có thời gian nhiều hơn cho gia đình, và các sở thích bên lề, vì thế mà bộ não cho một ngày làm việc mới luôn tỉnh táo, đầy năng lượng và hiệu quả làm việc của họ cao hơn trước.
Các lý thuyết kinh tế chỉ ra hai tiền đề cơ bản của kinh tế học: nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, nhu cầu của con người là vô hạn. Mọi động thái tác động vào nền kinh tế, muốn bền vững, phải luôn ghi nhớ điều kiện tiên quyết này. Thời gian, sức lao động của con người là thành phần hữu hạn như thế, sự khai thác một cách hợp lý sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Trước khi quyền ngắt kết nối có tên trong nền lập pháp trên thế giới Lý thuyết này mang theo quyền ngắt kết nối đã đem lại một bài toán mới cho các chủ doanh nghiệp: lấy thời gian làm việc là 8 tiếng cơ bản mỗi ngày, các nhà quản lý và lãnh đạo phải sử dụng làm sao để 8 tiếng đó năng suất làm việc của nhân viên họ được hoặc hơn so với trước khi điều luật ban hành, đương nhiên, không được lấn vào thời gian không kết nối khi không được cho phép của chủ thể có quyền.
Quyền có việc làm được coi là quyền hiến định trong pháp luật quốc tế, cụ thể ở Điều 23 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 ghi nhận: “Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm…”[8]. Khi một cá nhân chấp nhận một công việc nào đó (job), họ đang thực hiện sự trao đổi với một cá nhân khác, ví như “tôi làm việc cho anh, anh trả tiền cho tôi”, sự trao đổi ấy diễn ra một cách công bằng. Một nhân viên đã hết giờ làm, nhưng lúc nào cũng bị phân tâm, lo lắng hay bị đè nặng bởi việc phải nhận và trả lời mail như một việc làm không công, khi đó sự trao đổi đó, giữa người lao động và người sử dụng lao động, đã có sự chênh lệch trên cán cân. Quyền ngắt kết nối ra đời, như mang theo một chiếc giáp mới, bảo vệ cho các quyền cơ bản khác của con người khỏi bị xâm phạm, khiến giá trị của bản Hiến Pháp tăng lên vài phần về mặt thực tiễn. Lúc này, thời gian của mỗi người như dần hình thành rõ ranh giới: kết nối và không kết nối[9]. Người sử dụng lao động chỉ được phép vào “cửa” thời gian kết nối của nhân viên mình, muốn vào cánh cửa còn lại phải có sự xin phép.
Thời đại toàn cầu hóa, thế giới vận hành với tính chất “phẳng” ngày càng tăng, việc xem xét bối cảnh và sự thay đổi lớn của thế giới tác động đến Việt Nam là điều cần thiết, nền lập pháp cũng vậy. Sự thay đổi là vô hạn, trái lại, điều ta biết lại là một con số đếm được. Quyền “ngắt kết nối” đã xuất hiện trên “bản đồ” pháp luật thế giới, thuật ngữ này nằm trong khoa học pháp lý Việt Nam trong tương lai gần là một điều khả dĩ- có thể xảy ra, việc nghiên cứu sớm bản chất của nó là một điều đáng lưu tâm. Nguyên tắc vàng của việc “học hỏi” đã được thể hiện một cách đầy thận trọng trong câu nói của Alexander Hamilton: “Mỗi chính quyền phải phù hợp với từng quốc gia , như thể mỗi chiếc áo hợp với mỗi cá nhân. Vì thế, điều có thể là tốt đẹp ở Philadelphia có thể là thứ tồi tệ ở Paris, hay trở nên lố bịch ở Saint Petersburgh.” Cách quy định luật này ở nước Pháp tỏ ra phù hợp nhưng chưa chắc phù hợp với Việt Nam hay một số quốc gia khác,… Mỗi quốc gia có một lịch sử, đặc điểm địa lý, chính trị và trình độ dân trí, tính cách dân tộc,… khác nhau. Áp dụng một cách máy móc, rập khuôn có thể mang lại một bài học thất bại cay đắng[10], cần có sự chọn lọc, đảm bảo được tính phù hợp thực tiễn, nhất là cân nhắc thời điểm ban hành và tính khả thi của điều luật. Tính bền vững của một văn bản pháp lý thể hiện ở tính hiệu lực lâu dài và ổn định, tuy nhiên, sự thay đổi (ban hành mới hoặc sửa đổi) có thể nhằm những mục đích tích cực, cần phải tránh những cải cách ngắn hạn theo cách thức “vá săm xe đạp” (thủng đâu sửa đó), trái lại cải cách phải mang tính mạnh dạn, đột phá và dài hạn.[11]
Một điều tiêu cực thường thấy đó là các nhà lập pháp Việt Nam thường làm cho quy định cùa Việt Nam khác thế giới bằng cách giới hạn quyền một cách tùy tiện: Toàn bộ nội dung tốt đẹp của nó có thể bị thu hẹp theo từng “nhát kéo” của luật, nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị, và thậm chí còn có công văn – loại văn bản quy phạm pháp luật không được chính thức thừa nhận là văn bản quy phạm pháp luật. Qua từng lát cắt, bản chất của quyền lại khác xa với thực tiễn áp dụng, nó không còn là quyền mà trở thành một thứ được “bên trên” cấp giấy phép ban cho. Điều này làm bóp méo tinh thần ban đầu của việc ban điều luật: bảo vệ cho bên có quyền.[12]
Lần đầu tiên, sau vài thập kỷ của cách mạng kỹ thuật thời công nghệ số, nền lập pháp Pháp đã có những động thái tích cực tiên phong tạo ra đạo luật bảo vệ “sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống” (Best jobs for work – life balance) cho những người lao động. Ý nghĩa cho sự ra đời của pháp luật như được minh chứng một lần nữa: công cụ để quản lý và điều chỉnh các quan hệ xã hội. Dù trong tương lai, quyền ngắt kết nối có được công nhận là một phần của nhân quyền hay không, Việt Nam có đưa nó vào Bộ luật lao động mới hay không đi chăng nữa thì sự ra đời của quyền mới nay vẫn luôn được người lao động ở trên toàn thế giới ủng hộ rộng rãi và được xem như là một bước tiến tích cực trong lịch sử lập pháp của nhân loại./.
[1] French workers win legal right to avoid checking work email out-of-hours, The Guardian, https://www.theguardian.com/money/2016/dec/31/french-workers-win-legal-right-to-avoid-checking-work-email-out-of-hours, [truy cập ngày 26/02/2017].
[2] Theo tờ nhật báo Les Échos, cứ 10 lao động thì có 1 người phải nhập viện vì làm việc quá sức.
[3] Bản gốc “The development of information and communication technologies, if badly managed or regulated, can have an impact on the health of workers, Among them, the burden of work and the informational overburden, the blurring of the borders between private life and professional life, are risks associated with the usage of digital technology.” Xem tại https://www.globalcitizen.org/en/content/emails-after-work-illegal-with-new-french-law/ [Truy cập ngày 26/02/2017]
[4] Dạ Lãm, Phân biệt Nhân quyền và Dân quyền, Tạp chí Luật Khoa, đăng ngày 8/12/2016, http://luatkhoa.org/2016/12/phan-biet-nhan-quyen-va-dan-quyen/ [Truy cập ngày 26/02/2017].
[5] Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 ttaij Palais de Chaillos ở Paris, Pháp.
[6] Patrick Thibodeau, Why France’s new ‘right to disconnect’ law matters, Computerworld, 2017
http://www.computerworld.com/article/3155153/it-industry/why-france-s-new-right-to-disconnect-law-matters.html [truy cập 11/3/2017]
[7] Claire Hall, The Right to Disconnect, UCONN, 2017
http://today.uconn.edu/2017/01/the-right-to-disconnect/ [truy cập 11/3/2017]
[8] ThS. Trần Thị Tuyết Nhung, Quyền có việc làm của người lao động – Tiếp cận dưới góc độ quyền con người, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=182 [truy cập 27/02/2017]
[9]Amar Toor ,France’s ‘right to disconnect’ is a nice idea, but it’s also pretty vague, 2017, http://www.theverge.com/2017/1/11/14229000/france-email-law-right-to-disconnect [truy cập 27/02/2017]
[10] ThS. Nguyễn Cảnh Bình,Sừa Hiến pháp: Đi từng bước, không ảo tưởng, Luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, NXB Chính trị Quốc gia, 2013
[11] TS. Đăng Minh Tuấn, Tiêu chí đánh gía một Hiến pháp thành công, Luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, NXB Chính trị Quốc gia, 2013
[12] TS. Võ Trí Hảo, Phương trình Hiến pháp, Luận về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, NXB Chính trị Quốc gia, 2013