Lữ Hoàng Đức,
Sinh viên K15502, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.
“Chúng ta ai cũng biết rằng nhân quyền là kết quả của sự tranh đấu, phát triển trí thức và củng cố luật lệ qua bao nhiêu thế kỷ. Những quyền căn bản này, đơn nhiên là những điểm cốt yếu của nền dân chủ và luân lý xã hội vốn là một kỳ công của loài người tạ ra, và tuy chật vật mới giành được, nhưng rất dễ bi mất đi hoặc chế biến xuyên tạc. Mỗi thời kỳ, trong mỗi nền văn hóa, con người lại có một quan điểm khác nhau về nhân quyền, thành ra mỗi thế hệ mới trong mỗi xứ lại có những khái niệm riêng về nhân quyền”[1]. Nhân quyền tồn tại và thuộc về chúng ta ngay từ khi sinh ra bởi một lẽ đơn giản: chúng ta là con người. Và một sự thật không thể chối cãi, nhân quyền chính là một trong những đối tượng quan trọng và chủ yếu trong luật quốc tế, đã và đang được bảo vệ một cách tối ưu. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của hệ thống luật quốc nội thì liệu rằng luật pháp của mỗi quốc gia có tuân thủ đầy đủ những giá trị tối thượng đối với những cam kết luật quốc tế, hay khi một quốc gia có những cơ chế bảo đảm thực thi luật pháp của mình, đặc biệt là Hiến pháp thì sẽ tạo ra rào cản như thế nào đối với luật quốc tế nhất là nhân quyền? Hãy thử đặt lên bàn cân giữa việc bảo lưu ưu thế Hiến pháp và đảm bảo nhân quyền thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bài viết dưới đây sẽ có vài nét phân tích về những vấn đề được đề cập ở trên.
Từ khóa: Nhân quyền, Bảo lưu ưu thế Hiến pháp, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948.
1. Những vấn đề cơ bản về Nhân quyền và Bảo lưu ưu thế Hiến pháp
1.1. Nhân quyền
Như chính cái tên gợi ra, nhân quyền là quyền của một con người. Đó không phải là những quyền do bất cứ ai tự tạo ra, được ban cho, hay được kế thừa từ người khác. Chúng là những quyền cố hữu, cơ bản mà một người nghiễm nhiên được hưởng, được bảo vệ và các tổ chức, cá nhân khác buộc phải thừa nhận và tôn trọng. Nhân quyền chính là sáng tạo của con người. Chúng ra đời từ cảm giác bất công mà con người phải trải qua khi nhân tính của họ bị chối bỏ hoặc bị ngược đãi. Chúng dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của con người về một cuộc sống trong đó nhân phẩm và các giá trị cố hữu của mỗi người đều được tôn trọng và bảo vệ. Nhân quyền đưa vào trật tự tự nhiên của thế giới ý niệm về sự công bằng, do đó mang lại cho sự tồn tại của con người một ý thức và mục đích cao hơn[2]. Vì lẽ đó, nhân quyền khác biệt với các quyền tự do dân sự – các quyền được thành lập bởi luật pháp của một nhà nước cụ thể và bị giới hạn trong phạm vi quyền hạn của mình.
1.2. Bảo lưu ưu thế Hiến pháp
Thuật ngữ “bảo lưu” dùng để chỉ một tuyên bố đơn phương, bất kể cách viết hoặc tên gọi như thế nào, của một quốc gia đưa ra khi ký kết, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập một điều ước, nhằm qua đó loại bỏ hoặc sửa đổi hiệu lực pháp lý của một số quy định của điều ước trong việc áp dụng chúng đối với quốc gia đó[3]. Tương tự, tại khoản 12, Điều 2 Luật Điều ước quốc tế 2016 có quy định rằng: “Bảo lưu là tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc bên ký kết nước ngoài khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế”. Từ đó ta có thể hiểu rằng, Bảo lưu ưu thế hiến pháp là việc một quốc gia loại trừ hoặc từ chối tuân thủ một số quy định của các công ước hay điều ước quốc tế nhằm mục đích bảo đảm khả năng thực thi tối ưu của Hiến pháp nước mình.
2. Từ thực tiễn những mâu thuẫn đến các tranh cãi
Liệu pháp luật quốc tế và các nhóm đấu tranh bảo vệ nhân quyền có thể chấp nhận sự khác biệt của từng quốc gia tùy hoàn cảnh kinh tế xã hội đối với các nhóm quyền nhất định hay không? Đây thực sự là một câu hỏi cực kỳ quan trọng, bởi chúng quyết định pháp luật quốc tế và pháp luật nội địa nên đối xử với luật nhân quyền ra sao.
Hiến pháp – chiếc áo của một quốc gia
Chính khách người Anh William E. Gladstone đã mô tả Hiến pháp là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”[4]. Thậm chí, Thượng nghị sĩ người Mỹ Daniel Webster còn cho rằng sự thịnh vong hay suy tồn của một quốc gia phụ thuộc đặc biệt lớn vào Hiến pháp qua câu nói nổi tiếng vào ngày 15/03/1837: “Một quốc gia, một Hiến pháp, một vận mệnh”[5]. Hay có thể nói rằng, mỗi chính quyền, mỗi thể chế phải phù hợp với từng quốc gia, như thể quốc gia nào thì Hiến pháp ấy. Bởi lẽ, để hình thành nên một bản Hiến pháp hoàn chỉnh là cả một quá trình đấu tranh, vận động, kế thừa và phát triển của các giá trị thực tiễn trên tất cả các phương diện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội,… không chỉ đối với với nội bộ mỗi quốc gia mà là cả quốc tế. Hiến pháp Việt Nam 2013 có nói rằng: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”[6] hay “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”[7]. Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung, chủ nghĩa pháp quyền tương đương với chủ nghĩa Hiến pháp. Chúng ta có thể thấy rằng, nhà nước pháp quyền đã trở thành một tất yếu trong nguyên tắc hiến định cho nên Hiến pháp là không thể thiếu và tính tối cao của Hiến pháp là yêu cầu quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền. Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới đã phần nào chứng đỏ điều nói trên, chẳng hạn như Hoa Kỳ, cơ chế bảo hiến của quốc gia này đóng vai trò cực kỳ quan trọng, ở đó có hẳn những cơ quan thực thi quá trình giám sát tính hợp hiến của các đạo luật như Tòa án hiến pháp và khi một đạo luật được tuyên bố là vi hiến thì coi như đạo luật đó không còn giá trị áp dụng nữa.
Nhân quyền và những cam kết bảo đảm
Luật về các quyền của Anh sau cách mạng 1689, Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Hiến pháp của tất cả các nước, dù là chế độ xã hội nào (tư bản, xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển) đều có định chế về quyền con người, quyền công dân. Đó là nội dung cơ bản nhất của mỗi bản Hiến pháp, nội dung quan trọng đến mức nếu không có chế định quyền con người, quyền công dân thì cũng không có bản thân Hiến pháp. Nội dung này chi phối cả kết cấu của bản Hiến pháp và chính vì lẽ này quyền con người, quyền công dân thường được đặt lên hàng đầu trong Hiến pháp nhiều nước[8].
Theo điểm b, khoản 1, Điều 2 của Công ước Vienna về Điều ước quốc tế, những thuật ngữ “phê chuẩn”, “chấp thuận”, “phê duyệt”, “gia nhập” dùng để chỉ, tùy từng trường hợp, một hành vi quốc tế của quốc gia, như trên vừa kể, theo đó quốc gia xác nhận sự đồng ý của mình, trên phương diện quốc tế, chịu sự ràng buộc của một điều ước[9]. Điều này có nghĩa rằng, một khi Việt Nam đã quyết định thực hiện các hành vi nói trên đối với các công ước quốc tế thì bắt buộc Việt Nam phải tuân thủ một cách đầy đủ và chịu sự ràng buộc bởi những công ước này.
Giữa Hiến pháp và công ước quốc tế về nhân quyền, đâu mới là tối thượng?
Trong từ điển Chính quyền và chính trị Hoa Kỳ của Jay M. Shafritz có một định nghĩa đáng lưu ý như sau: “Chủ nghĩa hiến pháp là sự phát triển của tư tưởng hợp hiến qua nhiều thời đại. Trong khi lý luận cổ điển về Hiến pháp thường quay về với những tư tưởng của Aristotle, thì lý luận hiện đại về Hiến pháp lại xuất phát từ tư tưởng về khế ước xã hội thế kỷ XVII. Những biểu hiện của lý luận hiện đại về Hiến pháp là khái niệm về một chính quyền bị giới hạn mà thẩm quyền tối cao của nó là tuân theo sự đồng ý của nhân dân”. Chủ nghĩa hiến pháp bao gồm những yếu tố: sự tồn tại của Hiến pháp, giới hạn chính quyền, bảo đảm tính chính đáng của chính quyền, bảo đảm nhân quyền và bảo đảm hiến pháp[10]. Cuối cùng mục đích của tất cả những việc như hạn chế quyền lực, phân chia quyền hành và bảo vệ Hiến pháp đề hướng đến mục đích vô cùng quan trọng là bảo vệ nhân quyền. Vậy thì, đối với những trường hợp nhằm bảo lưu ưu thế của Hiến pháp để tôn tính tối thượng của Hiến pháp nhưng lại có mâu thuẫn trong quy định về nhân quyền hay các công ước quốc tế về nhân quyền thì phải ứng xử như thế nào? Hay luật quốc nội sẽ lấy lý do rằng, vì Hiến pháp là đạo luật gốc sẽ bao gồm các quy phạm mang tính quy tắc bắt buộc không thể làm trái và hơn nữa tình hình nội địa có những vấn đề khiến nội luật không thể tuân thủ hoàn toàn và đầy đủ các nguyên tắc quốc tế và buộc phải có những hành vi không đúng với nhân quyền để đảm bảo lợi ích quốc gia và công dân của quốc gia đó. Nếu như vậy thì, việc bảo đảm ưu thế Hiến pháp có còn đúng với vai trò ban đầu của nó hay không?
Một tranh cãi đáng lưu tâm trên các bàn đàm phán hiện nay không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả ở quốc tế là: có nên bỏ án tử hình hay không? Theo Điều 19 Hiếp pháp Việt Nam 2013 có quy định: “Mọi người có quyền được sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”, Có thể hiểu điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một loại luật nào đó có quyền tước đi quyền được sống của con người, hay nói cách khác, Hiến pháp công nhận án tử hình trong các thủ tục phán quyết của luật Hình sự. Theo Điều 3 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (The Universal Declaration of Human Rights – UDHR) năm 1948, “ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể” và giống như hầu hết các điều khoản khác trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, cách diễn đạt của điều này mô tả địa vị pháp lý của một con người vốn dĩ là một quyền bẩm sinh, chứ không phải do ảnh hưởng của nghĩa vụ quốc gia can thiệp vào sự toàn vẹn của cá nhân. Năm 1989, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị định thư tùy chọn thứ hai của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights – ICCPR), đề cập trực tiếp đến Điều 3 UDHR, nhằm xóa bỏ án tử hình. Điều 1 của Nghị định thư quy định: “Không ai trong thẩm quyền của một quốc gia thành viên Nghị định thư này bị tử hình. Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp cần thiết để xóa bỏ án tử hình trong thẩm quyền của mình.”[11]. Theo Nghị định thư tùy chọn thứ hai của ICCPR (Thông qua bởi Đại hội đồng res. 44/128 ngày 15/12/1989, đề cập cụ thể đến điều 3 UDHR) với mục đích bãi bỏ án tử hình, các quốc gia thành viên phải từ bỏ việc tử hình (Điều 1, đoạn 1) và bằng mọi biện pháp có thể, bao gồm cả pháp lý (Điều 1, đoạn 2). Việc bảo lưu liên quan đến việc không bị ràng buộc với quy định cấm án tử hình chỉ có thể được xem xét tại thời điểm phê chuẩn chứ không thể sau đó. Như đối với những nước phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung số 6 của Tòa án Nhân quyền châu Âu (European Court of Human Rights – ECHR), vấn đề này đã được giải quyết ở mức độ rộng hơn. Theo Điều 1 của Nghị định thư Bổ sung, phải hủy bỏ bất cứ điều khoản nào trong luật pháp quốc gia cho phép tuyên án tử hình trong thời kỳ hòa bình và phải bãi bỏ thi hành những bản án tử hình đã được tuyên trước đó. Việt Nam đã trở thành thành viên của ICCPR từ rất sớm (1982) và rất nhiều những người tự nhận là hoạt động nhân quyền đang ra sức kêu gọi Việt Nam thực thi tốt ICCPR. Điều này có nghĩa họ cũng sẽ phải chấp nhận những gì ghi nhận trong Điều 6 về quyền sống. Bởi lẽ đó, nếu luật pháp việt Nam vẫn tiếp tục thực thi án tử hình là vi phạm điều 6 của ICCPR và xem như chúng ta tự mình loại bỏ các quyền khác của công dân quy định trong Công ước này như: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thân thể, tự do lập hội, tự do tư tưởng,… (đều là những quyền của công dân được công nhận trong Hiến pháp Việt Nam 2013 tại Điều 25). Đối với một quốc gia đã cam kết thực hiện các hoạt động nhân quyền thì không thể xảy ra tình trạng công nhận và tôn trọng quyền này mà lại vi phạm quyền kia, đây là một hành động sai lầm và đáng loại bỏ.
Việt Nam là một quốc gia luôn sẵn sàng và tích cực tham gia các công ước quốc tế, tuy nhiên việc bảo đảm thực thi các công ước ấy là một dấu hỏi lớn đáng lưu tâm. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới khi bị ràng buộc vào các điều khoản để đảm bảo nghĩa vụ quốc tế, các quốc gia thường suy xét để tìm cách bảo vệ tuyệt đối luật quốc nội và chủ quyền quốc gia. Hay nói cách khác, các nhà đàm phán luôn cố gắng làm sao để sau khi ký kết các công ước quốc tế nhưng vẫn đảm bảo tính tối thượng của Hiến pháp nước mình, để bảo lưu được ưu thế Hiến pháp và xem Hiến pháp là bất khả xâm phạm. Gần đây nhất, chỉ với một thay đổi rất nhỏ trong Luật điều ước Quốc tế được thông qua ngày 09/04/2016 (thay thế cho luật cũ năm 2005), Việt Nam đã có ý định lợi dụng điều này để có thể viện dẫn cho một vài điều ước quốc tế nhằm mục đích từ chối thực thi chúng khi cần thiết hoặc khi cảm thấy không phù hợp. Thay đổi đó như sau, tại khoản 1, Điều 6: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. Chỉ với việc thêm ba từ “trừ Hiến pháp” mà luật 2005 không hề có đã tạo ra một con đường để Việt Nam dễ dàng “luồng lách” qua khỏi các ràng buộc quốc tế lâu đời. Không thể phủ nhận việc bảo lưu ưu thế Hiến pháp sẽ tạo ra tính tối thượng cho Hiến pháp và luật quốc nội, tuy nhiên vấn đề đáng lưu tâm là làm sao để kiểm soát việc xác định hiệu lực hay trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công ước của quốc gia có bảo lưu Hiến pháp? Và có thể sẽ dẫn đến tình trạng bất khả quan nhất là không thể kiểm soát được. Điều này là bởi quốc gia sở tại có thể sử dụng những công cụ pháp lý nội địa vốn do họ nắm giữ 100% quyền kiểm soát, thậm chí khi cần có thể thay đổi tùy ý hoặc để phủ nhận các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết bất kỳ lúc nào. Một quy định khác theo Điều 27 Công ước Vienna về Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên từ năm 2001 có nói rõ: “Một bên không thể viện dẫn những quy định của pháp luật trong nước của mình làm lý do cho việc không thi hành một điều ước”, có nghĩa rằng ở mức độ nào đó, chúng ta chấp nhận rằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có hiệu lực cao hơn Hiến pháp. Và một vấn đề ta cần chú ý rằng từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ đã xuất hiện một nguyên tắc về bảo đảm thực hiện luật quốc tế, đó chính là nguyên tắc Pacta sunt servanda (tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế) và trong thời kỳ này nó được tồn tại dưới hình thức tập quán quốc tế. Kể từ khi luật quốc tế hiện đại ra đời, nguyên tắc này đã được kế thừa và phát triển với đầy đủ nội dung pháp lý cơ bản của nó và hơn nữa được ghi nhận trong hầu hết các văn kiện pháp lý quan trọng, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước viên Liên hợp quốc 1969 về Luật điều ước quốc tế,… Theo nội dung nguyên tắc này: mỗi quốc gia phải có nghĩa vụ thực hiện một cách tận tâm, đầy đủ, thiện chí và trung thực các nghĩa vụ mà mình đã cam kết và điều tất yếu là phải phù hợp với Hiến chương liên hợp quốc và luật quốc tế hiện đại. Hơn thế nữa, các quốc gia không được viện dẫn những lý do không chính đáng để từ chối thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong điều ước quốc tế như các lý do về việc đất nước có biểu tình, thiên tai, sự thay đổi lãnh thổ, không phù hợp với pháp luật trong nước,… Chính vì lẽ đó, không thể phủ nhận việc những cam kết quốc tế mà quốc gia đã cam kết và thực hiện. Cho nên, khi thực hiện bảo lưu ưu thế hiến pháp thì nhất định sẽ vi phạm hàng loạt các công ước quốc tế tiền nhiệm, giống như việc phản bội lại chính những quyết định ban đầu của quốc gia.
3. Lời kết
Những tranh cãi giữa việc bảo đảm thực thi nhân quyền và việc bảo lưu ưu thế Hiến pháp luôn là vấn đề lớn của mỗi quốc gia khi đưa ra quyết định thông qua các công ước, điều ước quốc tế. Mỗi quốc gia sẽ có những đặc thù riêng biệt, khó tránh khỏi những ràng buộc của luật quốc nội do đó việc xem xét một cách tỉnh táo nhất về vấn đề bảo lưu ưu thế Hiến pháp hay ký kết thực hiện các điều ước quốc tế là vô cùng quan trọng.
Thực tiễn cho thấy, Hoa Kỳ là một quốc gia cực kỳ coi trọng giá trị tối cao của Hiến pháp, dù bị phản đối kịch liệt về phương pháp bảo lưu ưu thế hiến pháp từ các quốc gia như: Hy Lạp, Ireland, Norway hay Thuỵ Điển,… nhưng vẫn thành công với phương pháp này. Tuy nhiên, đôi khi chính việc bảo lưu này cũng khiến Hoa Kỳ phải rơi vào tình cảnh khó xử. Chẳng hạn như vào năm 1988, Công ước Vienna về các Chất ma túy và Chất hướng thần bị Colombia bảo lưu điều khoản dẫn độ với lý do rằng dẫn độ chính công dân nước họ là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Colombia. Hoa Kỳ phản đối và cho rằng Colombia đang xem nhẹ nghĩa vụ của mình theo Công ước so với Hiến pháp quốc gia[12]. Câu hỏi được đặt ra cho Hoa Kỳ rằng, tại sao họ có quyền trong việc từ chối thực thi công ước quốc tế còn quốc gia khác thì không? Qua đó phần nào ta có thể thấy được rằng để thực hiện hình thức bảo lưu luật pháp và cả bảo lưu Hiến pháp không phải là một chuyện đơn giản, và khả năng vướng phải những rủi ro là cực kỳ lớn.
Với những phân tích nói trên, trong tương lai gần, nhà nước, Chính phủ và các nhà làm luật cần nghiêm túc trong việc lựa chọn phương án bảo lưu ưu thế hiến pháp trong pháp luật quốc gia để bảo đảm sự cân bằng giữa luật quốc nội với luật quốc tế và những công ước nhân quyền đã được ký kết./.
[1] Lời nói đầu Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền do Bộ giáo dục – Việt Nam Cộng hòa dịch và ấn hành năm 1965 tại Sài Gòn đánh dấu 17 năm của bản Tuyên ngôn này. Nguồn:Http://indomemoires.hypotheses.org/4016 [Truy cập ngày 25/02/2017]
[2] Xem: http://luatkhoa.org/2014/12/nhung-cau-hoi-va-tra-loi-don-gian-nhat-ve-nhan-quyen/ [truy cập ngày 27/02/2017]
[3] Điểm d, khoản 1, Điều 2, Công ước Vienna về Luật điều ước quốc tế năm 1969.
[4] Hiến pháp hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chú thích, ấn phảm của chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 7/2004. Nguồn : https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/01/16/35235/ [Truy cập ngày 27/02/2017].
[5] Xem: https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/01/16/35235/ [Truy cập ngày 27/02/2017].
[6] Khoản 1,Điều 119 Hiến pháp Việt Nam 2013
[7] Khoản 1, Điều 2 Hiến pháp Việt Nam 2013
[8] Hoàng Văn Hảo, “Hiến pháp Việt Nam và vấn đề quyền con người, quyền công dân”, Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội, 2011, tr. 64,65. Xem: http://tainguyenso.vnu.edu.vn/jspui/handle/123456789/20982
[9] Công ước Vienna về Điều ước quốc tế được ký kết ngày 23/05/1969 và có hiệu lực kể từ ngày 27/01/1980.
[10] Xem: Vũ Văn Nhiêm, Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc bảo đảm quyền con người, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Tr. 45 – 46.
[11] Xem: Gudmundur Alfredsson & Asbjørn Eide, THE UNIVERSAL DECLARATION OF HUMAN RIGHTS: A COMMON STANDARD OF ACHIEVEMENT (Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, 1948: Mục tiêu chung của nhân loại), Được dịch bởi Khoa luật – ĐHQG Hà Nội, Nxb Lao động Xã hội, Tr. 109 – 110.
[12] Nguyễn Tấn Quốc Trung, Bảo lưu ưu thế hiến pháp: Luật mới vô hiệu hóa các công ước nhân quyền, Nguồn: http://luatkhoa.org/2017/02/bao-luu-uu-hien-phap-luat-moi-vo-hieu-hoa-cac-cong-uoc-nhan-quyen/ [Truy cập ngày 27/02/2017].