[CS 02 – 03/2017] Vài nét về pháp luật qua góc nhìn kinh tế học

Vũ Thị Ngọc Huyền

Sinh viên K14502C, ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

Nghiên cứu pháp luật đôi khi không thật hiệu quả nếu chỉ “gói gọn” thuần túy trong các học thuyết pháp lý. Việc mở rộng ra các lĩnh vực khác để nghiên cứu pháp luật sẽ mang lại kết quả khả quan mà trong đó, kinh tế học là một công cụ hữu hiệu. Khi kinh tế học càng được coi trọng và phát triển thì các ngành khoa học khác càng đón nhận và ứng dụng nó một cách hiệu quả hơn. Do vậy, nghiên cứu pháp luật đặt trong mối quan hệ với kinh tế học là một phương thức nghiên cứu khả thi. Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu cách sử dụng kinh tế học để đánh giá hiệu quả của một số chế định pháp luật. Đây cũng chính là phương pháp của một ngành học đã xuất hiện từ lâu trên thế giới – Kinh tế luật.

Từ khóa: Kinh tế luật, pháp luật qua “đôi mắt” kinh tế, kinh tế luật và một số chế định pháp luật.

1. Kinh tế luật và Luật hợp đồng

  • Giải thích hợp đồng

Lý do các điều khoản hợp đồng không rõ ràng và yêu cầu phải giải thích đôi khi do hợp đồng không dự trù hết những trường hợp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thông thường, hợp đồng có thể được giải thích theo ngôn từ (textual interpretation) và theo hoàn cảnh (contextual interpretation). Theo Cohen (1999), không thể kết luận cách giải thích nào là đúng hơn mà còn tùy từng trường hợp. Điều này phụ thuộc vào chi phí giao dịch, khả năng một bên lợi dụng để gây nhầm lẫn cho bên kia, hay tòa án giải thích sai hợp đồng… Hãy xem đẳng thức sau để dễ hình dung hơn:

Nếu C là chi phí giao dịch của hợp đồng, thì

C = x + p(x)[y + z + e(x, y, z)] [1]

Trong đó, x là chi phí đàm phán và soạn thảo, p là khả năng kiện tụng, y là chi phí kiện tụng của các bên, z là chi phí cho quan tòa, e là chi phí do sai sót. Nếu như x đại diện cho giai đoạn đầu – thỏa thuận ký kết hợp đồng – thì phần còn lại của vế bên phải đẳng thức đại diện cho giai đoạn tranh chấp và xét xử. Do vậy các chi phí này có thể bao gồm cả chi phí do tòa án giải thích sai hợp đồng. Nếu ngay từ đầu, các bên chú trọng hơn cho giai đoạn đầu thì chi phí cho giai đoạn sau sẽ giảm đi.

Kinh tế luật xem xét cả hai cách giải thích và cân nhắc lợi ích, chi phí của mỗi phương pháp trước khi chọn một phương pháp hiệu quả nhất.

  • Rủi ro và thiệt hại

Khi có rủi ro xảy ra và gây thiệt hại cho một bên thì bên kia có bồi thường hay không? Cần xem xét thiệt hại có được dự trù trước khi soạn thảo hợp đồng không. Trong kinh tế luật, việc xử lý thiệt hại phụ thuộc vào việc các bên có biết được rủi ro mình phải gánh chịu và nghĩa vụ của mình khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng hay không. Nếu nắm được điều này, họ sẽ có hướng xử lý khi thiệt hại phát sinh. Nếu rủi ro không cao thì họ sẽ không tiến hành các biện pháp ngăn chặn nếu biện pháp đó tốn kém hơn chi phí khắc phục hậu quả. Ngược lại, nếu rủi ro cao, họ sẽ tiến hành biện pháp phòng ngừa. Như vậy, các chủ thể sẽ tốn ít chi phí hơn và hoạt động kinh tế mang lại hiệu quả hơn.

  • Vi phạm hợp đồng

Theo Mahoney (1999) về khía cạnh kinh tế, có hai loại hợp đồng – hợp đồng hiệu quả và hợp đồng không hiệu quả. Hợp đồng hiệu quả là khi tổng giá trị sử dụng của hai bên sẽ tăng lên mức tối đa, còn hợp đồng không hiệu quả là khi vi phạm hợp đồng thì giá trị sử dụng của hai bên sẽ cao hơn. Chẳng hạn A phải bán cho B một lô hàng với giá 2 tỷ, và đã nhận cọc 200 triệu. Nếu vi phạm hợp đồng, A phải trả cho B 400 triệu (lỗ 200 triệu) nhưng lại bán được lô hàng cho C với giá 3 tỷ. Như vậy, rõ ràng nếu vi phạm hợp đồng thì lợi ích A nhận được sẽ lớn hơn, do đó đây là hợp đồng không hiệu quả. Trong kinh tế luật, không có chuyện đúng hay sai khi vi phạm hợp đồng, mà chỉ có hợp đồng hiệu quả hay không. Cần có quy định trước trong hợp đồng nghĩa vụ phải thực hiện khi vi phạm hợp đồng. Khi đó một trong các bên sẽ cân nhắc mình có nên vi phạm hay không. Từ đó, giao dịch sẽ thuận lợi hơn cho các bên.

  • Bảo hành trong hợp đồng mua bán

Trong hợp đồng mua bán, điều khoản bảo hành là thỏa thuận mà trong đó, người bán phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người mua nếu chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu như cam kết. Điều khoản bảo hành giúp người mua yên tâm hơn về chất lượng hàng hóa và mặt khác cũng khuyến khích người bán đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm của mình. Điều khoản bảo hành ngày càng được sử dụng rộng rãi chứng tỏ tính hiệu quả của nó trong việc giải quyết vấn đề không kiểm chứng được thông tin, vì người mua không thể biết được những lời “quảng cáo” của người bán có thật sự đáng tin cậy không. Điều này cũng đáp ứng được nhu cầu thông tin của khách hàng đối với các loại hàng hóa có giá trị cao.

2. Kinh tế luật và Luật lao động

  • Mức lương tối thiểu

Theo các nhà kinh tế học, việc có quy định về mức lương tối thiểu hay không sẽ ảnh hưởng đến lượng lao động, cụ thể, khi có quy định về mức lương tối thiểu, lượng lao động tăng và ngược lại. Bởi lẽ, nếu không có mức lương tối thiểu, các công ty sẽ không biết trả bao nhiêu là hợp lý và họ có xu hướng trả tăng, do đó họ ngại thuê thêm lao động. Điều này do Stigler (1969) phát hiện ra. Khi năng suất lao động tăng thì tiền lương cũng phải tăng.

  • Tình trạng phân biệt đối xử

Tại các nước đa sắc tộc như Mỹ, phân biệt đối xử xảy ra giữa người lao động da trắng và người lao động da màu. Còn tại Việt Nam, đối xử phân biệt có thể xuất hiện giữa các lao động Việt Nam và lao động nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tình trạng này có thể xảy ra khi đối tác Việt Nam có tâm lý tin tưởng, “chuộng” lao động ngước ngoài hơn và bản thân người Việt Nam cũng không cảm thấy bất thường khi mình được nhận lương thấp hơn người nước ngoài, dù năng suất lao động của mình cao hơn họ.

Vậy pháp luật có nên quy định về việc chống phân biệt đối xử hay không? Nếu không giải quyết tình trạng này, sự bất công về lương còn có thể dẫn đến những bất công công khác. Đồng thời, cần thay đổi được ý thức của doanh nghiệp là nên đánh giá lao động qua năng lực chứ không phải qua quốc tịch, màu da hay giới tính… Do vậy, theo tác giả, quy định chống phân biệt đối xử là cần thiết.

  • Quy định về bảo vệ sức khỏe người lao động

Theo quan điểm kinh tế luật, người sử dụng lao động sẵn sàng trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động chừng nào các chi phí này thấp hơn việc tăng lương cho người lao động để tăng năng suất lao động. Do đó quy định về an toàn lao động, bảo hiểm cho người lao động phục vụ lợi ích cho cả hai chủ thể.

3. Kinh tế luật và việc điều chỉnh hành vi của người tham gia tố tụng dân sự

Kinh tế luật quan tâm đến việc điều chỉnh hành vi của người tham gia tố tụng dân sự. Tố tụng dân sự nên tập trung giải quyết vấn đề bảo vệ quyền lợi của công dân và khuyến khích họ hòa giải hơn là tranh tụng, bằng cách nghiên cứu hành vi của người tham gia tố tụng, từ đó cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn hành vi của mình cho phù hợp, góp phần nâng cao lợi ích xã hội. Chẳng hạn, tại Mỹ, pháp luật khuyến khích công dân kiện tụng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Công dân phải đóng một khoản án phí nhỏ khi khởi kiện. Sau đó tòa án xem xét khả năng tiến hành vụ kiện. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các bên phải cung cấp toàn bộ chứng cứ mình có. Điều này làm giảm chi phí tìm chứng cứ. Sau đó các bên xem xét chọn hòa giải hay kiện tụng. Phương pháp hòa giải làm giảm chi phí kiện tụng và đề cao sự thỏa thuận của các bên nên được khuyến khích. Nếu ra tòa, các bên phải trình bày trước bồi thẩm đoàn, bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết và thẩm phán sẽ quyết định bên thua phải bồi thường bao nhiêu. Bên thua có thể kháng cáo, nhưng tòa phúc thẩm chỉ xem xét vấn đề thuộc về áp dụng luật mà không xem lại diễn biến vụ kiện, trừ khi có bằng chứng mới. Việc này giúp tiết kiệm chi phí tranh tụng và giảm gánh nặng cho tòa án.

4. Kinh tế luật và cơ chế trọng tài

Tại sao hiện nay càng nhiều vụ tranh chấp được giải quyết bằng cơ chế trọng tài hơn thông qua tòa án? Có lẽ là do cơ chế trọng tài hiệu quả hơn, giảm chi phí cho các bên mà vẫn đảm bảo bảo vệ lợi ích chính đáng cho các bên.

Thủ tục trọng tài giúp các bên giữ bí mật về tranh chấp, giảm thiệt hại do mất uy tín vì kiện tụng hay giảm chi phí kiện tụng. Cơ chế trọng tài cũng giúp các bên mau chóng đạt được thỏa thuận hơn vì chỉ đưa ra phán quyết một lần. Ngoài ra, các bên còn được chủ động trong việc chọn trọng tài viên giải quyết vụ việc.

5. Kinh tế luật và Luật Hình sự

Pháp luật bao gồm các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội, được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng chế tài. Vậy chế tài tác động như thế nào đến các quan hệ xã hội? Chẳng hạn, mức phạt tù cao hơn có làm cho tội phạm trộm cắp giảm đi?

Trong kinh tế học, chế tài được xem như cái giá phải trả cho hành vi, theo đó, phản ứng của một người đối với chế tài cũng giống như người mua phản ứng trước giá mà người bán đưa ra. Giá càng cao thì càng kén người mua. Tuy không phải lúc nào chế tài nặng thì hiệu quả cũng càng cao nhưng nhìn chung, theo lý thuyết dự đoán hành vi do kinh tế học cung cấp, chế tài càng nặng thì càng ít người vi phạm. Tuy nhiên, cần tìm ra phương hướng quy định chế tài sao cho hiệu quả nhất cho từng loại tội phạm. Nếu chế tài nhẹ hơn so với lợi ích có được khi phạm tội thì số lượng tội phạm được thực hiện sẽ có xu hướng gia tăng. Do vậy, kinh tế luật phải tìm cách giải quyết việc ngăn chặn tội phạm và tìm cách tăng xác suất bắt được kẻ phạm tội hơn là tăng nặng hình phạt.

6. Kinh tế luật và thủ tục cấp phép kinh doanh

Vấn đề cấp phép kinh doanh cũng là một trong những mối quan tâm của kinh tế luật. Theo quy định của Luật đầu tư, nhiều ngành nghề vẫn duy trì thủ tục cấp phép kinh doanh. Có hai quan điểm khác nhau về thủ tục này: quan điểm ủng hộ cho rằng việc cấp phép giúp Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh, kiểm tra tính khả thi của dự án; trong khi quan điểm phản đối lại cho rằng thủ tục này hạn chế khả năng tham gia thị trường của doanh nghiệp, theo kiểu “nhanh chân thì được”, làm giảm hiệu quả của nền kinh tế.

Trong nhiều trường hợp, sự bất cân xứng về thông tin giữa người cấp phép và người xin phép dẫn đến việc người cấp phép không thể kiểm chứng mà chỉ có thể tin vào thông tin được cung cấp bởi người xin phép. Điều này khiến cho thủ tục này bộc lộ sự kém hiệu quả. Như vậy, đối với những ngành nghề không do một hiệp hội nghề nghiệp quản lý thì không nên áp dụng cơ chế cấp phép, mà việc chọn lọc nhà đầu tư nên là kết quả của sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Có thể nói, kinh tế nằm trong mọi vấn đề của xã hội, do vậy pháp luật cũng không là ngoại lệ. Nhờ các nghiên cứu về kinh tế mà tư duy pháp luật của nhân loại đã có thêm những bước tiến xa hơn[2]. Do vậy, sẽ thật thiếu sót nếu không nghiên cứu các chế định của pháp luật qua “đôi mắt” kinh tế học, từ đó góp phần tìm ra những thiếu sót và giải pháp cho hệ thống pháp luật, xây dựng xã hội công bằng và văn minh hơn./.

[1] Richard A. Posner, The Law and Economics of Contract Interpretation, The Law School – The University of Chicago, November 2004.

[2] Nghiên cứu của các nhà kinh tế đoạt giải Nobel như Ronald Coase, John Nash…

 Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Nết, “Kinh tế luật”, Nxb Tri thức, Tp. Hồ Chí Minh, 2006.
  2. Richard A. Posner, “The Law and Economics of Contract Interpretation”, The Law School – The University of Chicago, November 2004.

Advertisement