[CS 02 – 03/2017] Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Lê Công Luận

Sinh viên K14502, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP. HCM

Hình sự hóa pháp nhân thương mại có thể được xem là điểm mới đột phá và nổi bật nhất của Bộ luật Hình sự 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển nhưng liệu rằng ý nghĩa mà nó đại diện xét về góc độ khoa học pháp lý hình sự liệu có phù hợp hay không thì đó là một điểm hoàn toàn khác.

Từ khóa: Bộ luật Hình sự 2015, pháp nhân thương mại

1. Thực tiễn cần thiết hình sự hóa pháp nhân thương mại

Bộ luật Hình sự 2015 ra đời với mục nhằm đáp ứng cũng như theo kịp sự phát triển một cách chóng mặt và đa dạng của các mối quan hệ xã hội đặc biệt là các mối quan hệ quan trọng cần sự điều chỉnh của Luật Hình sự. Và trong số đó hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân thương mại là một điển hình. Dưới thực trạng trong những năm gần đây hàng loạt vụ án nghiêm trọng liên quan đến các pháp nhân thương mại được bóc mẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống kinh tế và xã hội của đất nước có thể ví dụ điển hình là Formosa Hà Tĩnh thải nước thải gây chết cá hàng loạt trên các tỉnh miền Trung đã làm dấy lên một mối quan ngại trong dư luận. Formosa Hà Tĩnh[1] chỉ là một ví dụ điển hình trong hàng loạt vụ án nghiêm trọng có liên quan đến các pháp nhân thương mại. Thế nhưng, những chế tài và biện pháp khắc phục của nước ta hiện nay chỉ dừng lại ở chế tài hành chính bồi thường thiệt hại là những chế tài không đủ mạnh để răng đe chủ thể này vi phạm so với lợi ích vật chất mà nếu vi phạm sẽ mang lại. Đặc biệt, đối với các vụ án có liên quan đến bên bị thiệt hại là người dân những người thế yếu thì thật sự là quá sức đối với họ cả về mặt tài chính lẫn hậu thuẫn để có thể khởi kiện nhằm chứng minh tội của các pháp nhân này. Thêm vào đó, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra khiến các rào cản về kinh tế thương mại đang dần được dỡ bỏ dẫn tới việc môi trường kinh doanh được thông thoáng và cỏi mở hơn các tội phạm quốc tế về rửa tiền, buôn lậu, chuyễn giá,… liên quan đến các pháp nhân ngày càng tinh vi và khó đoán hơn với sức ảnh hưởng và quy mô lớn hơn. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ trong hệ thống đó, cùng với việc ký kết các Điều ước quốc tế như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Công ước chống tham nhũng (UNCAC),…[2] càng cho ta thấy việc nước ta quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại càng là một điều tất yếu của sự vận động.

2. Những vấn đề liên quan đến hình sự hóa pháp nhân thương mại

Đó là lý do các nhà lập pháp đưa ra để biện luận cho quyết định của họ khi quy định như vậy. Thế nhưng, liệu rằng những ý nghĩa cao đẹp mà họ đề ra có thể thực hiện được hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Để làm rõ hai điều này ta sẽ đi xem xém hai khía cạnh của vấn đề này đó là: lý luận và thực tiễn.

  • Lý luận

Xét về mặt lý luận (i) thì bản chất của luật hình sự là nhằm trừng phạt, răn đe tội phạm cũng như cải tạo, giáo dục tội phạm và ngăn chặn tội phạm nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội và người dân.  Một câu hỏi được đặt ra “Làm sao để trừng phạt, răn đe cũng như cải tạo giáo dục khi pháp nhân thương mại chỉ là một thực thể pháp lý không có thực về mặt vật chất?” , các pháp nhân thương mại không phải là một con người mà nó là một chủ thể được con người tạo ra làm phương tiện cho con người kinh doanh. Thế thì mục đích của các biện pháp răn đe hay giáo dục sẽ trở nên vô nghĩa khi áp dụng đối với pháp nhân thương mại, vì chúng không phải là con người vật chất chúng không thể hiểu không thể tư duy được. Nếu như ta nói rằng khi áp dụng các biện pháp này khiến các thành viên đưa ra quyết định của pháp nhân thương mại sợ khi phải làm điều xấu thì ta lại quay lại là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân chứ không phải là pháp nhân thương mại. Từ đó, ta thấy rằng việc quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại có sự bất cập với bản chất về trách nhiệm hình sự được quy định trong luật hình sự ; (ii) Theo quy định tại Điều 8.1 Bộ luật Hình sự 2015[3] quy định về tội phạm có quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự…” , vấn đề đặt ra ở đây là làm sao pháp nhân có thể tự mình thực hiện hành vi nếu không thông qua người đại diện và nếu thông qua người đại diện ta lại quay lại vấn đề về trách nhiệm hình sự cá nhân. Có thể phản biện lại rằng người đại diện chỉ thực hiện hành vi đó dựa trên lợi ích của pháp nhân thương mại nên hành vi mà người đại diện đó thực hiện chính là hành vi của pháp nhân thương mại nên pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Với cách lý luận như trên ta thấy rằng nó không được chặt chẽ và hợp logic. Ngoài ra, với cách quy định trên thì các cá nhân có thể lợi dụng pháp nhân thương mại để trốn tránh trách nhiệm hình sự do mình gây ra. Từ đó sẽ không đạt được mục đích ban đầu đặt ra các nhà lập pháp mà nó còn bị phản tác dụng. (iii) Xét về các yếu tố cấu thành tội phạm quy định trong lý luận của Luật hình sự ta thấy rằng các quy định về pháp nhân có phần bất cập và khó xử lý, đặc biệt là mặc chủ quan của tội phạm. Yếu tố lỗi được xem là yếu tố bắt buộc để một hành vi có thể xem là phạm tội hay là không. Trong yếu tố lỗi gồm hai dấu hiệu là ý trí và lý trí là những dấu hiệu thể hiện sự nhận biết được hậu quả của hành vi và mong muốn nó xảy ra trong điều kiện tâm lý hoàn toàn bình thường. Lỗi, ý trí và lý trí là các cụm từ dùng để chỉ cho con người không ai dùng để chỉ cho một thực thể pháp lý vì thực thể đó không thể biết suy nghĩ. Từ đó, ta thấy rằng xét về mặt lý luận của luật hình sự hiện tại thì pháp nhân thương mại vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của tội phạm hình sự nên cần có một giải pháp mới hay quy định riêng biệt đối với loại chủ thể này.

  • Thực tiễn

Xét về mặt thực tiễn thì việc quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đặt ra khá nhiều câu hỏi về hiệu quả áp dụng của nó. Khi đặt ra trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại thì khi khởi kiện, truy tố vụ án liên quan đến lợi ích của người dân lợi ích của xã hội thì sẽ giúp Cơ quan điều tra của công an với Viện kiểm soát được tháo cồng tay chân sẽ dễ dàng hơn trong công tác điều tra để không bỏ lọt tội phạm. Nhưng lại đặt ra một vấn đề khá nhạy cảm đó là (i) đối với các vụ án của các ông lớn pháp nhân thương mại thì liệu mình có giữ được sự minh bạch nếu như vụ án đó không bị dư luận phanh phui (ii) Các vấn đề bình đẳng giữa các pháp nhân thương mại và đặc biệt là pháp nhân Nhà nước và tư nhân sẽ là một câu hỏi lớn khi mà các quy định về chế định này vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn chưa biết khi đưa vào thực tiến nó sẽ như thế nào có vẻ hơi khó đoán (iii) Mục đích và các biện pháp chế tài chủ yếu các nước đối với các tội phạm liên quan đến pháp nhân thương mại là tài chính thì liệu rằng khi Việt Nam áp dụng chế định có giúp Việt Nam tốt hơn hay lại là một công cụ giúp Việt Nam tiếp tục đứng vững ở vị trí 113/176 quốc gia về cảm nhận tham nhũng năm 2016 (năm 2015: 112/168) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế tiến hành khảo sát[4].

3. Kết luận

Tóm lại, việc quy định về trách nhiệm hình sự  đối với pháp nhân thương mại  là lẽ tất yếu nếu theo sự vận động của khoa học pháp lý nhưng chúng ta cần có một sự chuẩn bị thật cẩn thận và chu toàn từ thực tiễn cho đến lý luận để tránh vấp phải những sai lầm không đáng.

[1] http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-formosa-la-thu-pham-cam-ket-boi-thuong-500-trieu-usd-568080.bld tham khảo ngày 09/10/2016

[2] http://vksbinhdinh.gov.vn/newsdetail.asp?newsid=10835&cat1ID=3&Cat2id=7 tham khảo ngày 12/10/2016

[3] Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015 (Bộ luật Hình sự 2015)

[4] https://towardstransparency.vn/vi/chi-so-cam-nhan-tham-nhung tham khảo ngày 29/01/2016

Advertisement