Thẩm Thị Nga
Sinh viên K16501, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp. HCM
Đối với tôi, tìm được một cuốn sách hay đã khó nhưng việc đọc hiểu được nó lại còn khó hơn. Trong quá trình làm quen với ngành học của mình, tôi luôn loay hoay để đi tìm những kỹ năng luật phù hợp với chính mình trong những cuốn sách mang tên “kiến thức luật”. Và trong số những cuốn sách đó, tôi khá ấn tượng với cuốn “Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn” của tác giả Trương Nhật Quang[1].
Ngay ở phần đầu, tác giả đã nói rõ đối tượng độc giả chính mà cuốn sách hướng tới là các luật sư trẻ, các cử nhân luật đã bắt đầu quá trình tập sự trong công ty luật và chuẩn bị thi để lấy chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc các luật sư chỉ mới bắt đầu hành nghề từ 1 đến 6 năm. Thế nhưng, tôi đã rất tò mò và quyết định vẫn sẽ tiếp tục đọc cuốn sách này.
Cuốn sách có nội dung khá hay và bổ ích, hướng dẫn về các kỹ năng của nghề luật sư tư vấn nói riêng và nghề luật sư nói chung. Đến với cuốn sách, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về các kỹ năng cơ bản nhất trong quá trình hành nghề luật sư như: Nghiên cứu và phân tích; trình bày vấn đề pháp lý; soạn thảo hợp đồng; dịch thuật và phát triển quan hệ với khách hàng,… Ngoài ra, các kỹ năng mềm bao gồm: giao tiếp ứng xử, tiếp nhận và quản lý công việc cũng được tác giả chú trọng đến.
Trước khi chưa đọc cuốn sách này, với tư tưởng của một sinh viên luật năm nhất như tôi đã nghĩ rằng: “Để trở thành một luật sư, tôi chỉ cần nắm chắc các kiến thức pháp lý và nếu có thể thì rèn luyện thêm một số kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả,… và có thái độ làm việc đúng đắn.”. Tuy nhiên, cho đến khi tìm hiểu sâu vào cuốn sách tôi mới hiểu được rằng mình cần học hỏi và rèn luyện nhiều hơn thế nữa. Mặc dù có nhiều khái niệm pháp lý với tôi còn mơ hồ nhưng các kỹ năng được tác giả trình bày rất cụ thể, rõ ràng và dễ nắm bắt. Ở đó là các bài học quý báu và những kinh nghiệm tích lũy lâu dài không chỉ dành cho luật sư hành nghề tư vấn mà các luật sư tố tụng cũng dễ dàng học hỏi.
Theo như tôi thấy, khi còn học trong trường đại học, khá nhiều sinh viên luật thường rất lơ là với các kỹ năng cơ bản để chuẩn bị hành trang cho con đường lập nghiệp. Do đó, khi ra hành nghề, các luật sư trẻ thường gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu tại công ty luật. Vậy liệu rằng kiến thức pháp lý mà chúng ta học được trên giảng đường đã đủ hay chưa cho việc hành nghề luật sư? Để trả lời cho một hay nhiều câu hỏi tương tự như vậy, tôi khuyên các bạn nên một lần đọc thật chậm và nghiền ngẫm từng phần trình bày của tác giả trong cuốn sách. Những kinh nghiệm được chia sẻ trong cuốn sách không chỉ tạo niềm cảm hứng để các bạn sinh viên luật chọn hành nghề luật sư tư vấn mà còn là tiền đề để các luật sư trẻ tự tin, sẵn sàng bước vào nghề.
Điều mà tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách này là phần “Đạo đức nghề nghiệp luật sư” bởi đặc thù nghề luật sư là một nghề có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội và có nhiều khả năng làm phát sinh các vấn đề về đạo đức và hành xử. Vì vậy, vấn đề “Đạo đức nghề nghiệp luật sư” rất quan trọng, nghiêm túc và cần được lên tiếng khi cần thiết. Luật sư là người tìm hướng, đứng ra giải quyết các vấn đề trái đạo đức, pháp luật nên đồng nghĩa với việc buộc phải tuân thủ đúng nhất các quy tắc đạo đức nhằm đảm bảo rằng luật sư hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là người bảo vệ công lý và pháp luật, người đại diện cho quyền lợi tối đa của khách hàng, và nâng cao uy tín nói chung của nghề luật sư.
Cuốn sách này đã cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích và ý nghĩa. Mỗi người có một con đường của riêng mình và quan trọng là bạn tìm đúng con đường đó hay không. Điều này cũng tương tự như việc bạn tìm và đọc rất nhiều cuốn sách nhưng quan trọng là bạn tìm đúng và coi nó như người bạn tri thức cho bạn những lời khuyên chân thành nhất để cùng đồng hành trên con đường phía trước. Với tôi, cuốn sách này sẽ là người bạn tri kỉ của mình trong suốt quá trình học tập và sau này là hành nghề. Hãy thử đọc cuốn sách này một lần, tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy hài lòng với những điều mà cuốn sách mang lại./.
[1] Tác giả là luật sư điều hành công ty luật hợp danh YKVN, phụ trách Bộ phận tư vấn luật tài chính ngân hàng. Là một trong những người sáng lập, luật sư Trương Nhật Quang đã điều hành YKVN từ năm 1999. Trước khi làm việc ở đây, tác giả đã làm việc ở công ty luật Mỹ White & Case từ năm 1994 đến năm 1999.