Trần Ngọc Phương Minh
Sinh viên K15502, Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM
“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói đều có thể bị sử dụng làm bằng chứng chống lại anh trước tòa án do luật định. Anh có quyền tham vấn luật sư, và có quyền được có luật sư hiện diện trong quá trình thẩm vấn; nếu anh không đủ tiền chi trả cho luật sư thì sẽ có một luật sư được chỉ định bào chữa cho anh, nếu anh muốn.” – Lời cảnh báo Miranda hẳn là dấu hiệu quen thuộc nhất của Quyền im lặng đối với người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh của Mỹ. Tuy nhiên, bản thân Quyền im lặng còn chứa đựng nhiều nguyên tắc nội hàm khác của quá trình tố tụng hình sự. Bài viết mong muốn làm sáng tỏ phần nào lí do vì sao Việt Nam cần tôn trọng và áp dụng Quyền im lặng.
1. Nội hàm Quyền im lặng
Quyền im lặng là quyền của nghi can, bị can, bị cáo được quyền giữ im lặng trong suốt quá trình thẩm tra, xét xử. Quyền im lặng là hiện thân của quyền suy đoán vô tội, quyền không phải buộc tội chính mình và rộng hơn là quyền được xét xử công minh. Quyền suy đoán vô tội (the right to be presumed innocent) đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải giả định nghi can, bị can, bị cáo không có tội (kể cả khi bản thân những người điều tra có thể tin rằng họ đã phạm tội) cho đến khi các cơ quan này thuyết phục được tòa án là nghi can, bị can, bị cáo có tội. Quyền không phải buộc tội chính mình (the right not to be compelled to testify against oneself or to confess guilt) là quyền của nghi can, bị can, bị cáo không phải khai báo bất cứ thứ gì bất lợi cho mình và giúp các cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội mình trong quá trình điều tra. Hai quyền này giúp việc xét xử diễn ra khách quan, công bằng và Quyền im lặng sẽ giúp nghi can, bị can, bị cáo sử dụng những quyền trên một cách thuyết phục.
Không chỉ vậy, Quyền im lặng chính là một phần của quyền tự nhiên của con người. Đó là quyền được tự bảo vệ trước những thứ có thể đe dọa bản thân, cụ thể ở đây là việc có thể chịu các chế tài hình sự nếu bị kết tội bởi tòa án. Quyền im lặng sẽ giúp một người bảo vệ danh dự, nhân phẩm của họ trước những cơ quan nhà nước dày dặn kinh nghiệm trong việc xét xử, có thông tin về vụ án và có khả năng xâm phạm các quyền cơ bản của một người trong lúc họ bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài. Quyền im lặng có thể được dùng cùng những quyền khác để tạo ra thế cân bằng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và nghi can, bị can, bị cáo. Những biện pháp khác bao gồm hỗ trợ pháp lý hoặc một quan sát viên độc lập trong quá trình thẩm tra, hoặc việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong khi lấy lời khai.
Jeremy Bentham – cha đẻ của thuyết vị lợi, đã xuất bản một cuốn sách nổi tiếng phê phán Quyền im lặng năm 1827. Trong đó ông khẳng định “Người vô tội sẽ không bao giờ tận dụng nó. Người vô tội sẽ dành quyền nói, như người có tội sử dụng quyền được im lặng”[1]. Tuy nhiên, một người hoàn toàn vô tội cũng có thể phải sử dụng tới Quyền im lặng của mình, đặc biệt là khi họ không tin tưởng cảnh sát, sợ sẽ bị lừa trả lời những câu hỏi mang tính dẫn dắt hoặc bị sửa câu trả lời theo hướng bất lợi. Một người có thể sẽ sử dụng Quyền im lặng khi đang cố gắng giấu một điều gì đó xấu hổ về bản thân hoặc bao che một hành động phi pháp khác không liên quan đến tội trạng đang được điều tra. Hay đơn giản là họ đang bị sốc và rối trí sau khi bị bắt, dẫn đến không thể nhớ chi tiết cụ thể của vụ việc nên không thể trả lời ngay. Hoặc có thể có trường hợp những sự kiện đã xảy ra quá rắc rối, hoặc vấn đề tình cờ trở nên quá bất lợi nên không muốn trả lời. Những cáo buộc của cảnh sát có thể cũng có thể không rõ ràng, không đủ thông tin để trả lời hoặc không hiểu câu hỏi do giới hạn khả năng trí tuệ hay rào cản ngôn ngữ. Trong những trường hợp được liệt kê ở trên và cả những trưởng hợp khác nữa, Quyền im lặng sẽ là một chiến lược tạm thời, cho tới khi người bị buộc tội đã lấy lại được bình tĩnh, hay có được phiên dịch, trợ giúp pháp lý hay bất cứ sự hỗ trợ cần thiết nào khác.
Có vô vàn lí do để một người sử dụng Quyền im lặng của mình, cho dù họ có tội hay không. Mục đích của Quyền im lặng là không để nhà nước lấy mất quyền của người bị buộc tội được chọn nói hay không nói với cơ quan có thẩm quyền. Quyền im lặng là tuyệt đối cần thiết cho việc xét xử công minh và là một trong những điều kiện tiên quyết để cân bằng quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhà nước.
2. Việt Nam: Quyền im lặng – Nên hay không nên?
Trong những năm vừa qua, nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự tích cực của công tác báo chí, dư luận biết tới và bày tỏ sự bức xúc với số lượng không nhỏ án oan, án sai do nghi phạm bị ép cung, mớm cung để nhận tội, ngồi tù thay cho hung thủ thật sự. Trong báo cáo trước Quốc hội ngày 05/06/2015 về tình hình oan, sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã nêu rõ thực trạng: Trong 219.500 vụ án với hơn 338.000 bị can bị khởi tố, điều tra trong ba năm qua có 71 trường hợp là án oan, bị can là người vô tội[2]. Những vụ án được báo chí gán cho những cái tên “đại án”, “kỳ án”, “án oan chấn động”… có khi đã xảy ra đã cách đây bảy năm, mười năm, thậm chí tới mười sáu năm nhưng gần đây mới được phát hiện.
Việt Nam là một nhà nước pháp quyền và một nhà nước pháp quyền phải đảm bảo được cho công dân của mình quyền được xét xử công minh cũng như nhân quyền tối thiểu trong quá trình tố tụng. Các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm đảm bảo những lời khai của người tạm giữ, bị can, bị cáo là thoải mái và tự nguyện, không có sự sợ hãi hay mua chuộc. Việc tìm ra sự thật phải là nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nghi phạm không thể bị ép để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng hồ sơ vụ án chống lại bản thân, bằng cách đưa ra những lời khai chống lại mình ở giai đoạn điều tra hay là ở trước tòa. Bởi vậy, Việt Nam phải tôn trọng và áp dụng Quyền im lặng của nghi can, bị can, bị cáo.
Trong bản Hiến pháp mới nhất, ngay tại Chương 2 quy định về nhân quyền, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã khẳng định tại khoản 1 Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Quy định này được ủng hộ nhiệt liệt vì đã đưa nội hàm quyền suy đoán vô tội vào đạo luật gốc của quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 nên việc nội luật hóa những quyền mà Công ước bảo hộ là nghiễm nhiên.
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 đã quy định tại khoản 2 Điều 72: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. BLTTHS 2015 kế thừa tinh thần tiến bộ của điều luật này và tiếp tục nỗ lực “…không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” (Điều 2) bằng những “dấu hiệu” của Quyền im lặng, thể hiện gián tiếp qua một số điều khoản. Cụ thể, điểm e khoản 1 Điều 58 và khoản 2 của lần lượt các Điều 59/60/61 quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt/người bị tạm giữ/bị can/bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận có tội. Ngoài ra, Quyền im lặng còn được ghi nhận gián tiếp trong việc quy định người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai, có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung (điểm b khoản 1 điều 73); Khoản 3 điều 309 cho phép khi bị xét hỏi trong phiên tòa, nếu bị cáo không trả lời câu hỏi thì những người có thẩm quyền liên quan tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.
Tuân thủ theo đạo luật gốc của quốc gia cũng như giữ đúng cam kết đối với quốc tế là biểu hiện của một nhà nước pháp quyền dân chủ, văn minh. Qua việc thể chế hóa Quyền im lặng, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực đáng trân quý trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Tài liệu tham khảo:
- Eileen Skinnider, Frances Gordon (2001). The right to silence – International norms & domestic realities, Sino Canadian International Conference on the Ratification and Implementation of Human Rights Covenants, Beijing, 16 – 25/10/2001.
- “Hiểu đúng về Quyền im lặng của bị can, bị cáo: Im lặng là quyền tự nhiên”, Tạp chí Pháp luật Việt Nam, số 36(114)/9-2015, tr.8 – 11.
- LS. Lương Văn Tuấn, ThS.NCS. Trần Văn Duy, “Quyền im lặng từ Quy tắc Miranda theo án lệ Hoa Kỳ đến vấn đề Quyền im lặng trong Hiến pháp và pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay”, tạp chí Nghề Luật, số 1-2016, tr. 93 – 96.
- ThS. Bùi Tiến Đạt, “Quyền giả định vô tội và Quyền im lặng: Lý thuyết và thách thức từ thực tiễn”, tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22(302)/ Kỳ 2 – tháng 11/2015, tr.3 – 11.
[1] “Innocence never takes advantage of it. Innocent claims to the right of speaking, as guilt invokes the privilege of silence”. Phân tích cụ thể về bài phê bình của Jeremy Bentham có thể được tìm thấy trong Helmholz, R.H., Gray, C.M., Langbein, J.H., Moglen, E., Smith, H.E., và Alschuler, A.W., The Privilege Against Self- Incrimination: Its Origins and Developments (The University of Chicago Press)
[2] Hoàng Thùy, Viện trưởng kiểm sát xin lỗi trước Quốc hội về án oan, Báo điện tử VnExpress.net, 2015, http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/vien-truong-kiem-sat-xin-loi-truoc-quoc-hoi-ve-an-oan-3229635.html, [ngày truy cập 30/11/2016].