Lữ Hoàng Đức (K15502) & Nguyễn Thị Thanh Loan (K15502C)
Sinh viên ĐH Kinh tế- Luật, ĐHQG Tp.HCM.
Cuộc sống vốn dĩ là một trò chơi, đã là cuộc chơi thi ắt hẳn phải có kẻ thắng người thua và người chiến thắng phải là người nắm rõ luật chơi nhất. Tất cả đều có những nhu cầu thỏa mãn các lợi ích khác nhau, nên để tạo tự công bằng cho các bên thì bắt buộc phải có sự thỏa thuận ban đầu để đi đến sự thống nhất về sau và sự thỏa thuận đó chính là bản chất của mọi giao dịch – Hợp đồng. Trong khoảng thời gian gần đây, có “một loại hợp đồng”, được gọi là “Hợp đồng tính ái” được dư luận quan tâm khá nhiều. Nhưng liệu rằng danh xưng của loại hợp đồng đó có giá trị pháp lý hay không và sinh viên chúng ta nên có cách nhìn nhận như thế nào đối với hiện tượng này? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một vài quan điểm về “Hợp đồng tình ái” dưới góc độ sinh viên, nhìn nhận một cách khách quan về chủ đề trên.
1. Từ các nguyên tắc cơ bản của hợp đồng
Khi nhắc đến loại giao dịch “tình – tiền”, thường người ta sẽ nghĩ ngay đến các mối quan hệ giữa chân dài với đại gia và thực tế cũng chứng minh được điều này. Giữa một người có tiền nhưng thiếu tình với một người thừa nhan sắc nhưng cần tiền, thì hiển nhiên mối quan hệ bù trừ như thế sẽ không khó để xảy ra. Nếu mối quan hệ này dựa trên tình cảm trai gái tự nhiên, tin tưởng lẫn nhau thì có lẽ đã không nổi lên loại giao dịch gọi là “hợp đồng tình cảm”, “hợp đồng tình ái”, “hợp đồng tình dục”,…trong thời gian qua. Loại giao dịch này được hai bên tiến hành như một bằng chứng để ràng buộc lẫn nhau và để hạn chế những rủi ro sau khi kết thúc cuộc tình.
Tháng 9 vừa rồi, câu chuyện về “hợp đồng tình ái” giữa đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga được dư luận bàn tán sôi nổi. Khi đại gia tố hoa hậu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì sau một thời gian bị bắt tạm giam và giữ im lặng, hoa hậu đã khai ra trước Hội đồng xét xử (HĐXX) về sự tồn tại của bản “hợp đồng tình ái”. Chính tình tiết này đã khiến cho HĐXX phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Cũng từ đây mà hàng loạt ý kiến, bình phẩm cũng như các phân tích đánh giá về vụ việc được cư dân mạng thay nhau chia sẻ. Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM chia sẻ trên báo vietnamnet.vn thì “loại hợp đồng” này không phải là hiếm, nó xuất hiện âm thầm từ lâu trong xã hội. Tuy nhiên, sự tình như thế nào thì vẫn chưa ai biết được cho đến khi các cơ quan điều tra làm rõ và tòa án đưa ra phán quyết.Vậy giá trị pháp lý của loại hợp đồng này thế nào và nếu không có giá trị pháp lý thì hậu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu được giải quyết ra sao?
Một khi đã gọi là “Hợp đồng”, thì để nó có tính pháp lý nhất định phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng. Theo điều 385 Bộ luât Dân sự (BLDS) 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017), hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Ngoài ra, trong tác phẩm Của cải của các dân tộc của Adam Smith thì hợp đồng là công cụ pháp lý được hình thành từ lâu đời, nó là công cụ pháp lý mà thông qua đó sự phân công lao động được thực hiện. Ngay từ khi xã hội loài người có sự phân công lao động và xuất hiện hình thức trao đổi hàng hóa thì hợp đồng đã hình thành và giữ một vị trí quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ tài sản. Để điều tiết các mối quan hệ tài sản trên thì bắt buộc hợp đồng phải được giao kết trên các nguyên tắc: tự do, tự nguyện trong cam kết, thỏa thuận và trung thực, thiện chí. Do đây là 2 trong số các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Việt Nam, được ghi nhận trong phần thứ nhất Những quy định chung của BLDS nên 2 nguyên tắc này được áp dụng cho toàn bộ quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ hợp đồng dân sự.
Trong cam kết, thỏa thuận phải có cả tự do và tự nguyện. Tự do tự nguyện trong cam kết, thỏa thuận là khi chủ thể có nhiều lựa sự lựa chọn. Khi có nhiều sự lựa chọn thì “ý chí của chủ thể được thể hiện một cách tự do, không chịu bất kỳ một sự tác động nào, hay nói cách khác là tự do ý chí được thể hiện một cách đầy đủ”[1] . Vấn đề tự do ý chí đã được đề cao trong pháp luật của các quốc gia khác nhau trên thế giới, ví dụ như trong quy định tại Điều 1318 – Bộ luật dân sự Philippines thì đó là “sự ưng thuận giữa các bên” và tự do ý chí của chủ thể là yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong giao kết hợp đồng. Đối với pháp luật Việt Nam thì ngoài đề cập đến tự do, tự nguyện tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015, nhà làm luật cũng gián tiếp nhắc đến tự do ý chí thông qua các trường hợp làm cho giao dịch dân sự (GDDS) vô hiệu. Từ Điều 123 đến Điều 129 BLDS 2015 có quy định GDDS vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giả tạo; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; bị nhầm lẫn; bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; không tuân thủ quy định về hình thức. Như vậy, nếu không thuộc một trong các trường hợp trên thì chủ thể được coi là tự do, tự nguyện.
Trung thực, thiện chí là “thực hiện hành vi với ý định tốt một cách ngay thẳng, chính trực”[2]. Nguyên tắc này cũng được đề cao trong pháp luật của các nước, ví dụ như tại khoản 1 Điều 2 BLDS Thụy Sỹ có quy định rằng các bên phải trung thực, thiện chí khi thực hiện nghĩa vụ, và sự trung thực, thiện chí mang tính giả định[3] và do pháp luật quy định, các bên không được xem là trung thực, thiện chí khi không thực hiện hành vi một cách mẫn cán, cẩn trọng và không đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Trong Dự thảo khung tham chiếu chung- Các nguyên tắc chung của hợp đồng, các nhà nghiên cứu của Pháp đã đề xuất một quy định trong phần chung về pháp luật hợp đồng với nội dung như sau: “Mỗi bên phải ứng xử phù hợp với yêu cầu của thiện chí, từ khi thương lượng hợp đồng đến khi thực hiện toàn bộ hệ quả pháp lý của hợp đồng. Các bên không thể loại bỏ hay giới hạn nghĩa vụ thiện chí này”[4] . Đề xuất này đã làm rõ phạm vi áp dụng nguyên tắc thiện chí (theo nghĩa bao hàm cả trung thực) từ khi các bên bắt đầu có ý định xác lập hợp đồng đến khi thực hiện xong các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Nhà làm luật Việt Nam cũng có quy định tương tự như vậy tại khoản 3 Điều 3 BLDS 2015: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”.
Sau khi hợp đồng được giao kết trên những nguyên tắc trên thì để hợp đồng có hiệu lực pháp luật cần thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của GDDS theo điều 117 BLDS 2015 như sau:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với GDDS được xác lập;
– Chủ thể tham gia GDDS hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
– Hình thức của GDDS là điều kiện có hiệu lực của GDDS trong trường hợp có quy định.
2. Đến các tranh cãi hiện tại về “hợp đồng tình ái”
Trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, bài “Phiếm luận về hợp đồng tình ái” này tác giả sẽ chỉ tập trung bàn tới điều kiện thứ ba là “Mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội” .
Trước tiên xét “hợp đồng tình ái” trên phương diện đạo đức xã hội, tại Điều 123 BLDS 2015 có định nghĩa đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Hay có thể hiểu giá trị đạo đức là cái được con người lựa chọn và đánh giá, xem nó như việc làm có ý nghĩa tích cực đối với xã hội, được cộng đồng thừa nhận và biểu dương. Vậy nên những thứ đi ngược lại với những điều nói trên hay vi phạm các điều cấm kỵ làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục thì được xem như trái đạo đức xã hội. Trong vụ án của ông Mỹ và bà Nga thì đối tượng của hợp đồng là tình cảm, tình dục… đây vốn dĩ là những thứ mà con người chúng ta cấm kỵ trong trao đổi mua bán. Cấm kỵ ở đây không phải do luật cấm, mà là do lương tâm con người không cho phép chúng ta làm vậy. Việc trao đổi mua bán tình cảm, tình dục còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình và việc giáo dục con trẻ. Dư luận cũng không biểu dương loại hợp đồng như trên và điều này có thể thấy được trong mục bình luận của các bài báo mạng đăng tải về vụ án của ông Mỹ và bà Nga. Do đó tác giả cũng đồng tình với quan điểm rằng cần tuyên “hợp đồng tình ái” này vô hiệu do trái đạo đức xã hội.
Thứ hai, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định tại khoản 1 Điều 2: Hôn nhân một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng là những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, luật này còn có quy định cấm “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”[5], tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Như vụ án của ông Mỹ và bà Nga đã đề cập trước đó, ông Mỹ đã có vợ con và vẫn đang trong thời kì hôn nhân nhưng lại chung sống với hoa hậu Phương Nga trong một thời gian dài và còn nảy sinh các mối quan hệ khác về tình dục, tài sản,… Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, thì “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…” Việc định nghĩa hay xác định như thế nào là “chung sống như vợ chồng” vẫn là những vướng mắc hiện nay. Do đó, việc tuyên “hợp đồng tình ái” vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là không thể vội vàng được mà cơ quan có thẩm quyền cần phải điều tra xác minh việc “chung sống như vợ chồng” của ông Mỹ và bà Nga.
Thứ ba, tác giả muốn bàn luận về một vấn đề được đặt ra là liệu rằng mục đích của “hợp đồng tình ái” này có đơn thuần chỉ dừng lại ở việc được “chung sống như vợ chồng” hay nó là một hình thức nhằm che dấu cho hành vi mua bán dâm? Mua bán dâm là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm và có cả một hệ thống văn bản phòng chống và xử lý. Theo Điều 3 về giải thích từ ngữ của Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2013 có quy định: “Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Việc trao đổi qua lại giữa hai bên chủ thể – một bên trao tiền và một bên đáp ứng nhu cầu về tình dục, thì có khác gì bên trao tiền là kẻ mua dâm, còn bên kia là kẻ bán dâm, bởi mục đích chính của giao dịch này là đổi tiền để đạt được sự thỏa mãn về tình dục. Đối với hành vi mua dâm, bán dâm sẽ chịu trách nhiệm pháp lý như Điều 22, 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tuy vậy, để xác minh được ông Mỹ có thực hiện hành vi giao cấu với bà Nga và có trả tiền cho bà Nga về hành vi này hay hành vi nào khác thì vẫn cần điều tra làm rõ, do ông Mỹ đã phủ nhận sự tồn tại của hợp đồng này.
Như vậy, từ khi bà Nga khai ra trước Hội đồng xét xử (HĐXX) về sự tồn tại của bản “hợp đồng tình ái” thì những tranh cãi xung quanh về loại hợp đồng này có rất nhiều, và vẫn chưa có lời giải đáp chính thức nào cho những tranh cãi này. Hợp đồng này vô hiệu hay không phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền trên các phương diện đạo đức xã hội, điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2013.
3. Và góc nhìn của người học luật
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu cung ứng, trao đổi của con người ngày càng tăng cao và diễn ra vô cùng phức tạp. Lẽ tự nhiên, họ có quyền đưa ra thỏa thuận để được đáp ứng nhu cầu thực tế và có quyền tự do lựa chọn cách thức để thỏa mãn nhu cầu đó. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng, họ có quyền tự do một cách tuyệt đối trên mọi phương diện. Ở góc độ đạo đức xã hội, mọi hành vi được xem là trái với đạo đức, trái với “luân thường đạo lý” thì xem như không được xã hội công nhận và điều này cũng một phần nằm trong những điều cấm của luật pháp. Bởi lẽ, pháp luật các nước luôn có những quy định về tôn trọng tự do hợp đồng, nhưng vẫn phải có những điểm hạn chế trong quyền tự do hợp đồng đó.
Cần phải nói thêm rằng, mạng xã hội là kênh truyền thông cung cấp thông tin vô cùng nhanh chóng. Khi báo mạng đăng tải về những vấn đề xung quanh “hợp đồng tình ái” thì xuất hiện hàng loạt bình luận của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng thực chất đây là vụ “chia tay đòi lại quà” như một người dùng facebook N.Q.V chia sẻ “Lấy tiền dụ gái đẹp, vợ không dám chia tay, chà đạp trắng trợn hạnh phúc gia đình, lén lút cặp bồ. Dù hình thức là gì thì ông cũng là người vi phạm pháp luật về luật hôn nhân gia đình. Giờ ông lại vu vạ người ta lừa đảo để đẩy con người ta vào tù. Trong khi chính ông bảo đưa tiền cho cô Nga mua nhà. Vậy mà, tòa hỏi nhà ở đâu? Nhà thế nào? Ông cũng không biết được. Phải chăng ông quyết tâm buộc tội “lừa đảo” cho cô Nga nhằm mục tiêu đòi quà của mình?” Nhìn chung thì tác giả cho rằng, những chia sẻ này mang đậm tư duy cảm tính, cho nên chúng cực đoan, một chiều. Trước khi biết về sự tồn tại của “hợp đồng tình ái” thì người người trách móc hoa hậu lừa đảo, lợi dụng sắc đẹp để lừa dối đại gia; nhưng khi xuất hiện tin tức về “hợp đồng tình ái” thì họ lại quay qua trách móc đại gia đểu cáng và thương xót hoa hậu, hồng nhan bạc phận.
Là một sinh viên luật thì đòi hỏi người sinh viên đó phải có tư duy logic. Như vậy thì mới có được cái nhìn khách quan, biết phân biệt đâu là đúng và đâu là chưa đúng và sẽ không có cái nhìn phiến diện, cực đoan như đối tượng nêu trên. Đứng trước vụ án này thì sinh viên luật không chỉ có am hiểu nhất định về luật pháp Việt Nam, mà còn phải biết nhìn nhận, phân tích vụ án ở nhiều góc độ, đặc biệt là góc độ luật học. Hơn thế nữa, một sinh viên học luật tốt thì ngoài xác định được giá trị pháp lý của bản hợp đồng này thì phải biết làm giảm rủi ro nhất khi phân tích vụ án này ở từng góc độ, từng luật khác nhau. Ví dụ với vụ án trên thì khi dựa vào BLDS 2015 thì gặp khó khăn trong việc xác minh mục đích, nội dung của hợp đồng, dựa vào Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì gặp phải vướng mắc trong việc xác minh mục đích “sống như vợ chồng” của ông Mỹ và bà Nga, còn dựa vào Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2013 thì cũng gặp phải những trở ngại trong việc xác định rằng vụ việc của ông Mỹ và bà Nga có phải là mua bán dâm hay không.
Tóm lại, pháp luật Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, việc gặp phải những bất cập hay những sai phạm là không thể tránh khỏi. Do đó, việc điều chỉnh pháp luật để giải quyết các yêu vướng mắc như trên là rất cần thiết, cần phải có những quy định rõ ràng hơn về hợp đồng và cả các xử phạt chặt chẽ hơn về vi phạm hợp đồng, như đối tượng của bài viết này “Hợp đồng tình ái” là một ví dụ điển hình.
[1] Dương Anh Sơn, Hoàng Vĩnh Long, Thử bàn về bản chất của hơp đồng từ góc độ Kinh tế học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Viện Nhà nước và Pháp luật, Số 2/2013, tr. 57 – 65.
[2] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS năm 2005 ,tập I, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 28.
[3] Nguyên tắc trung thực, thiện chí về mặt lý luận mang tính giả định, nghĩa là các bên khi tham gia vào giao dịch dân sự mặc nhiên được coi là trung thực, thiện chí, bên nào cho rằng bên kia không hành xử như vậy thì phải chứng minh. Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập I, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.55.
[4] Bénédicte Fauvarque-Cosson và Denis Mazeaud ( chủ biên ), Projet de cadre commun de référence-Principes contractuels communs, NXB Société de législation comparée 2008, tr.158
[5] Điểm c, Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.