[CS 01 – 12/2016] Ô NHIỄM THỰC PHẨM – NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Vũ Thị Ngọc Huyền,

Sinh viên K14502C, ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM.

Thời gian gần đây, “ô nhiễm thực phẩm” đang dần trở thành chủ đề nóng bỏng trong xã hội. Chỉ trong khoảng 0,38 giây, Google đã có thể cung cấp khoảng 862.000 kết quả cho từ khóa “ô nhiễm thực phẩm”. Như vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, và hậu quả của nó có phải chỉ dừng lại ở vấn đề sức khỏe người tiêu dùng?

1.Thực trạng ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam.

Trước hết, ta cần hiểu ô nhiễm thực phẩm là gì. Theo Khoản 12 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 “Ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”.

Tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm có thể do tự thân thực phẩm đó sản sinh ra, có tác nhân lại do con người đưa đến. Chẳng hạn, hạt lạc để lâu ngày bị mốc có chứa chất độc aflatoxin. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ chỉ đề cập đến vấn đề ô nhiễm thực phẩm mà tác nhân làm ô nhiễm là do con người gây ra.

Hằng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp các bài báo với tựa đề như “Dừa tươi được ‘tắm trắng’ bằng axit cực độc”, “Rau muống, bắp chuối ‘ngậm’ hóa chất”, “TP. HCM phát hiện nhiều mẫu rau, thịt, thủy sản chứa chất cấm”… Số liệu thống kê từ đợt cao điểm kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm (10/2015-2/2016) cho thấy, có trên 5% mẫu rau kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép; 2%-6% mẫu thịt có chứa chất cấm, 7% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn; trên 20% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Thực phẩm kém an toàn đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới nhiều mặt của xã hội. Đầu tiên, hậu quả dễ thấy nhất của vấn nạn này chính là sức khỏe người tiêu dùng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010 – 2014, cả nước có khoảng 850 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 181 người chết[1]. Tại Việt Nam, các ca mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng lên. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020[2].  Một trong các nguyên nhân chính gây ung thư chính là vấn đề an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của thực phẩm Việt. Điển hình như thủy sản xuất sang Nhật Bản gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép. Do đó, Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm đối với Việt Nam.

Những vụ việc như trên cũng ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu quốc gia và cơ hội xuất khẩu, thương mại của nước ta. Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (Sanitary and Phytosanitary Standard – SPS) như dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch… Nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó, nông sản Việt Nam sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu.

Mặt khác, theo tác giả, vấn nạn ô nhiễm thực phẩm cũng đang xâm phạm đến quyền con người, mà cụ thể là quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe – các quyền được quy định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ô nhiễm thực phẩm

2.1. Xuất phát từ cơ quan quản lý

Bà Võ Ngân Giang – Đại diện cho Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết ở Mỹ, hàng hoá muốn nhập khẩu cần phải duy trì hồ sơ xác định nguồn gốc thực phẩm. Với Nhật Bản, các thực phẩm tươi sống buộc phải ghi nhãn nơi sản xuất để truy xuất nguồn gốc[3]. Trong khi đó, tại Việt Nam, các sản phẩm được tiêu thụ tràn lan nên người tiêu dùng Việt hiện có xu hướng sử dụng các loại thực phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến. Có thể nói, nước ta đang “thua” ngay tại “sân nhà” mình.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt của nước ta chưa đủ sức răn đe. Việc thiếu sự phối hợp trong quản lý của các cơ quan cũng dẫn đến tình trạng khi xảy ra vụ việc, ai cũng cho rằng mình làm đúng thủ tục, quy trình, và sau cùng là “đá bóng trách nhiệm”.

Khung pháp lý trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đã rất nhiều, có thể nói là khá đầy đủ, gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Hóa chất, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh về quản lý thị trường; về chế tài xử lý có Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự… Luật An toàn thực phẩm 2010 ra đời đánh dấu sự đổi mới tư duy từ quản lý trực tiếp sản phẩm sang quản lý cả quá trình sản xuất ra sản phẩm. Điều này có nghĩa là thay vì chứng nhận sản phẩm, sẽ thực hiện chứng nhận quy trình như quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến; bảo quản và phân phối. Tại Điều 3 của Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo. Mặt khác, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa cao.

Bên cạnh đó, các vi phạm nếu bị phát hiện thì đa phần chỉ bị xử phạt hành chính, mức xử phạt cũng không đủ mạnh để quán triệt các sai phạm này. Chẳng hạn như vụ ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ, có qui mô bán cho hàng vạn người ăn, khi cơ quan chức năng đến phát hiện, bắt thì chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng, trong khi đây là một hành vi dã man, đầu độc rất nhiều người.

Bên cạnh việc “phạt chưa tới” thì chính sách khen thưởng, khuyến khích những người làm tốt cũng còn thiếu. Ví dụ như trồng rau theo quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp (tiêu chuẩn Vietgap), cần có chính sách khuyến khích nông dân để họ áp dụng qui trình đó và hình thành các chuỗi cung cấp rau sạch, an toàn vệ sinh.

Như vậy, chính công tác kiểm tra, giám sát yếu kém và những thiếu sót trong việc tổ chức thực thi pháp luật đã góp phần gây ra vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm đáng ngại ở nước ta hiện nay.

2.2. Xuất phát từ người sản xuất, kinh doanh

Trong bất cứ ngành nghề kinh doanh nào, lợi nhuận luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc chạy theo lợi nhuận, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu mà bỏ quên đạo đức kinh doanh không phải là điều đáng khuyến khích.

Hiện nay, có không ít người sản xuất do thiếu hiểu biết, bị hấp dẫn bởi lợi nhuận cao mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng; thậm chí vô cảm, bán rẻ lương tâm khi trục lợi trên sự sống của đồng bào mình. Khi có một, hai hay ba người thực hiện được các “mánh khóe” thì những người khác – những người có thể không bao giờ nghĩ đến việc vi phạm pháp luật – sẽ làm theo và vấn đề lại gia tăng theo cấp số nhân. Nếu trong một xã hội, ai cũng làm theo thì điều đó sẽ trở thành điều hết sức bình thường, dễ chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, do thiếu kiến thức, họ cho rằng thực phẩm kém an toàn có khả năng gây bệnh, thậm chí ung thư là điều mơ hồ và xa xôi. Hoặc đôi lúc họ có nghĩ đến, nhưng rồi sau đó lại bị cuốn vào guồng quay công việc, vì miếng cơm manh áo. Do đó, gần đây có một câu nói rất nặng nề được sử dụng khá phổ biến: “Chính người Việt đang giết lẫn nhau”. Vậy, suy cho cùng, là thực phẩm bẩn hay chính con người “bẩn”?

2.3. Xuất phát từ người tiêu dùng

Trong khi hầu như cả xã hội đều lên án người sản xuất cũng như cơ quan chức năng khi nói đến vấn đề chất lượng thực phẩm xuống cấp thì một phần lỗi là do chính người tiêu dùng.

Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam là người thu nhập thấp nên họ chỉ có thể lựa chọn thực phẩm có giá thành thấp, và đa phần có chất lượng không cao.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng còn thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn thực phẩm. Chẳng hạn, thời gian gần đây, một số chợ trên địa bàn Hà Nội bày bán khá nhiều loại bưởi quả to, vỏ vàng và nhẵn bóng. Loại bưởi này khá lạ mắt, khác hoàn toàn với các giống bưởi phổ biến tại Việt Nam. Khi được hỏi về xuất xứ của giống bưởi này, các tiểu thương không trả lời rõ ràng mà chỉ quanh co và phủ nhận bưởi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loại bưởi này có giá rất rẻ[4]. Hằng ngày, có rất nhiều người tiêu dùng mua loại bưởi này về ăn mà chính họ cũng không biết nguồn gốc thực sự của nó. Câu hỏi được đặt ra là, nếu không phải thực phẩm không rõ nguồn gốc thì tại sao người bán không dám nói về xuất xứ của nó?

Một ví dụ khác, gần đây giới trẻ rộ lên trào lưu uống trà sữa Thái, có mùi vị vừa miệng, giá thành rẻ. Nhưng ẩn đằng sau những chai trà Thái tự làm tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh do nguyên liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, quy trình pha chế không đảm bảo vệ sinh dẫn đến rối loạn các hormone, tăng nguy cơ ung thư…

Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng đã có ý thức nâng cao nhận thức lựa chọn thực phẩm an toàn nhưng chính vì thực phẩm kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường nên họ khó có cơ hội được trở thành “người tiêu dùng thông minh”. Thật vậy, bằng cách thông thường, khó có thể nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng dù muốn nhưng cũng không dễ để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

3. Kiến nghị – Giải pháp

Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp quản lý nhà nước, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chuỗi, ban hành qui định, qui chuẩn kỹ thuật, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn.

Người sản xuất, kinh doanh nên nghĩ đến lợi ích của cộng đồng, có thể là của chính người thân mình, không vì lợi nhuận mà bất chấp thực hiện những việc làm trái đạo đức và đáng lên án. Đối với người tiêu dùng, nên tỉnh táo và thận trọng trước khi lựa chọn thực phẩm để sử dụng, không nên dễ dãi và gián tiếp tạo điều kiện cho vấn nạn này phát triển.

Về vấn đề khắc phục các hạn chế trong thực thi pháp luật, trước hết cần rà soát và bổ sung quy chế quản lý nhập khẩu hoá chất và loại bỏ những điểm chồng chéo giữa các văn bản và những quy định kém khả thi; bổ sung, điều chỉnh các quy định phù hợp với điều kiện thực tế và chuẩn quốc tế.

Thứ hai, phải xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, phương tiện vận chuyển, công nghệ bảo quản đối với từng nhóm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao.

Thứ ba, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế tại các cửa khẩu để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh, dịch hại; đẩy mạnh việc ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chỉ cần có một vụ việc xảy ra nhưng không được xử lý triệt để và hiệu quả thì càng ngày sẽ có càng nhiều vụ việc tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn xảy ra. Điều này tương tự như thuyết “Cửa sổ vỡ”: Nếu một chiếc cửa sổ bị phá hỏng mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi ngang qua sẽ kết luận rằng không ai quan tâm và không ai chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Rồi không lâu sau, nhiều cánh cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ, dần dà ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng…[5].

Thực phẩm bẩn có thể hủy diệt tương lai của cả một dân tộc. Tác giả hy vọng những quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng hiệu quả hơn và thêm vào đó, ý thức của người sản xuất, người tiêu dùng sẽ nâng cao, tạo ra sự ổn định, lành mạnh cho lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm nước nhà./.

[1] Bộ Y tế, Niên giám Thống kê y tế 2014, Nxb Y học, tr. 178.

[2] Phạm Huyền, Ăn gì cũng chết, người Việt mắc ung thư nhanh nhất thế giới, Báo điện tử Vietnamnet.vn, 2016, http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/an-toan-thuc-pham/an-gi-cung-chet-nguoi-viet-mac-ung-thu-nhanh-nhat-the-gioi-319268.html, [ngày truy cập 20/11/2016].

[3] Bạch Dương, Nghịch lý hàng ngon thì xuất khẩu, thực phẩm bẩn “cho” người Việt, Báo điện tử Người lao động, 2016, http://nld.com.vn/kinh-te/nghich-ly-hang-ngon-thi-xuat-khau-thuc-pham-ban-cho-nguoi-viet-20160716103308759.htm, [ngày truy cập 20/11/2016].

[4] Như Băng, Bưởi lạ vàng bóng: Tò mò ăn thử, lo sợ nguồn gốc, Báo điện tử Vietnamnet.vn, 2016, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/buoi-la-vang-bong-to-mo-an-thu-lo-so-nguon-goc-337742.html, [ngày truy cập 20/11/2016].

[5] Thuyết “Cửa sổ vỡ” do nhà tội phạm học George Kelling và nhà xã hội học James Q. Willson đưa ra vào những năm 1980. Thuyết này sau đó được chứng minh và ủng hộ thông qua nhiều thí nghiệm của các nhà nghiên cứu khác.

Advertisement