[CS 01 – 12/2016] HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ- SỰ CẦN THIẾT CHO MỌI THƯƠNG VỤ M&A

Lê Thị Thuỷ Tiên

                                                                 Sinh viên K15502C, ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp.HCM

Phép toán 1+1=3[1] ra đời trong môi trường doanh nghiệp như một hình thức minh chứng cho những ích lợi mà hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) mang lại. Đằng sau mỗi thương vụ M&A thành công, doanh nghiệp lại được tăng thêm giá trị nhiều lần so với khi chúng hoạt động một cách riêng rẻ: Đạt được hiệu quả dựa vào quy mô, trang bị công nghệ mới, tăng cường thị phần và danh tiếng trong ngành…[2]Người ta gọi phần gia tăng ấy là giá trị cộng hưởng, đó cũng là lý do M&A trở nên rầm rộ và phát triển hơn. Pháp luật – công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội đã hình thành các quy tắc xử sự chung cho M&A, đã có sự thay đổi tốt hơn trong mỗi lần sửa đổi song khung pháp lý điều chỉnh hình thức “kết hôn” trong doanh nghiệp này vẫn tồn tại những bất cập không mong muốn và việc hoàn thiện là một điều tất yếu.

1. Thực trạng hoạt động M&A ở Việt Nam

M&A là tên gọi viết tắt của hai từ Tiếng Anh Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại), là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phân doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Khác với hình thức đầu tư thông thường, khi một tổ chức, cá nhân có đủ thẩm quyền sở hữu chi phối để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì mới được coi là hoạt động M&A. Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm định nghĩa rõ ràng về M&A. Đối với Luật Đầu tư 2014, pháp luật quy định hình thức đầu tư liên quan đến M&A trong đó có hình thức mua lại (Điều 24, 25, 26). Đối với Luật Cạnh tranh 2004, M&A được nhìn nhận dưới góc độ các hình thức tập trung kinh tế: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh giữa hai doanh nghiệp trở lên (Điều 16, 17), vấn đề này lại mâu thuẫn với hình thức tổ chức lại doanh nghiệp nhìn theo khía cạnh M&A của Luật Doanh nghiệp 2015 (chương IX)- M&A có thể chỉ xảy ra trong bản thân doanh nghiệp. Bài viết này ghi nhận khía cạnh thương vụ M&A trên cơ sở thoả thuận giữa hai chủ thể khác nhau để đi sâu về vấn đề cải thiện pháp lý.

Có thể kể tới một số thương vụ M&A nổi bật về quy mô, số vốn cũng như mức độ tác động đến ngành bán lẻ như: Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) bỏ ra 880 triệu USD mua lại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (bán buôn); Công ty Power Buy thuộc Tập đoàn Central Group cũng của Thái Lan hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim.[3] Ông Christopher Kummer  – Chủ tịch của Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) cho hay, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ đạt một kỷ lục mới trong thời gian tới. Thực tế năm 2015 tổng số các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt mốc khoảng 5,2 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 3,5 tỷ USD. Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) Thụy Sỹ dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục năm 2015.[4] Như vậy, có thể nhận thấy, hoạt động M&A có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam, việc cần có sự hoàn thiện khung pháp lý mang điều kiện cần trong sự thành công của các giao dịch M&A.

2. Một số ý kiến về hoàn thiện khung pháp lý M&A của Việt Nam

Đến nay, M&A vẫn chưa có một khung pháp lý riêng biệt và hoàn chỉnh, những quy định điều chỉnh chúng lại phân bố rải rác ở các văn bản quy phạm khác nhau: Luật doanh nghiệp, Luật cạnh tranh, Luật đầu tư,… tạo cho người sử dụng cảm giác mơ hồ, không thống nhất khi tìm hiểu về chúng, nó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó nắm bắt về các quy định M&A, tỉ lệ thành công trong thương vụ không cao. Dẫn đến ba luồng ý kiến khác nhau:

(i) phải có một bộ luật riêng, tổng hợp chuyên biệt điều chỉnh M&A.[5] Điều này là giúp hình thành một “không gian” cho M&A rõ ràng hơn trong “môi trường” luật pháp nhưng lại dẫn đến việc cần một lượng lớn công sức, của cải bỏ vào trước và sau khi Bộ luật ban hành. Bộ luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành nhằm để điều chỉnh các mối quan hệ có phạm vi rộng trong một lĩnh vực nào đó (Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự,..), khái niệm này nếu áp vào M&A có thể thấy được rằng: M&A chỉ là một phương thức, cách hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp, nó chưa thể lớn lao đến mức tốn kém để làm ra một Bộ Luật;

(ii) trích câu dân gian “cái quái gì cũng có thể xảy ra”, M&A không phải chỉ là những hình thức ta thường thấy ở tầm vĩ mô như: mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp,…mà nó còn là những thứ tưởng chừng ta không nghĩ đến như: mua bán ki- ốt trên chợ hay cửa hàng của một tiểu thương nhưng luật không mấy quan tâm đến, đơn giản , về cơ bản, quyền mua bán thuộc tự do khế ước; thuận mua vừa bán, miễn là không có những dấu hiệu làm cho việc mua bán có nguy cơ trở nên vô hiệu, ý kiến này cho rằng: về cơ bản khung pháp lý điều chỉnh đã triển khai cơ bản đầy đủ, không Nhà nước nào có thể thông thái hơn giới doanh nhân, việc tính toán mua bán bằng cách nào là tự do của họ nên việc phải có luật riêng theo luồng ý kiến này là thiếu cơ sở;[6]

(iii) đây là luồng ý kiến dung hoà, và họ đồng ý với (ii) nhưng họ lại nhắm vào công dụng, giá trị mà pháp luật tồn tại: “Pháp luật vẫn là động lực để M&A phát triển đúng hướng”, không cần có Bộ luật riêng điều chỉnh nhưng vẫn nên có một văn bản pháp lý để tập trung hướng dẫn thủ tục và trình tự M&A ở mức Nghị định chính phủ.[7] Cách này dường như trở nên hiệu quả nhất, vừa giúp hạn chế sự tốn kém vừa tạo được “nhãn quan” rõ ràng hơn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp lí khi tiến hành các thương vụ M&A.

Việc mua bán, sáp nhập giống như việc mua bán một tài sản, các thông tin các bên nhận về thương vụ được phải rõ ràng, minh bạch, nếu không sự cộng hưởng sẽ mang hệ quả ngược lại. Đơn cử như trường hợp sáp nhập, trong nhiều trường hợp, phép bất đẳng thức 1+1[8] vì thế, những cổ đông công ty, người tiêu dùng, chủ nợ đôi khi là người gánh chịu rủi ro nhiều nhất, pháp luật cần có những quy định về việc công khai hoá các thương vụ M&A đã xảy ra nhằm giúp các nhà đầu tư, chuyên gia có cái nhìn đầy đủ hơn để phân tích, chức năng “hậu kiểm”- kiểm tra các báo cáo về M&A của các doanh nghiệp về tính xác thực, kèm theo các chế tài đủ mạnh răn đe để tạo môi trường trung thực, minh bạch ngay cả khi không có luật riêng điều chỉnh.

Trong thời đại toàn cầu hoá, hoạt động giao thương diễn ra toàn cầu với tính chất “phẳng” ngày càng gia tăng, đó cũng là lý do, nếu doanh nghiệp trong nước không cố gắng thay đổi mình, hậu quả bị đào thải là một sớm một chiều, thông qua hoạt động mua bán M&A các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia có thể ”nuốt chửng” các doanh nghiệp có tầm nhỏ hơn, về lâu về dài, có thể gây nên tình trạng độc quyền, làm giảm động lực phát triển của nền kinh tế, cần có sự điều chỉnh, bổ sung các điều luật quản lý cạnh tranh hướng tới cả các vụ M&A xuyên quốc gia bởi đây là xu hướng tất yếu của thị trường,[9] nếu hoạt động này không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ gây lũng đoạn thị trường và khống chế thị trường ở mức độ cao.[10]

Pháp luật về M&A nhiều lúc lại có tật: “ Học mà không hành”, cụ thể điều 20 Luật cạnh tranh 2004: “Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế”. Thứ nhất, hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam một thiếu hai không đồng bộ hệ thống. Thứ hai, doanh nghiệp phải mất thời gian, chi phí để nghiên cứu, đánh giá thị phần, nhằm xác định xem thương vụ của họ thuộc diện trên không.[11] Đối với một doanh nghiệp, một nhà doanh nhân, một nhà đầu tư, thời gian là tiền đối với họ, mỗi giây qua đi số tiền giao dịch trên sàn chứng khoán lại biến thiên theo cấp số nhân, pháp luật quy định như vậy chẳng khác nào tác dụng ngược lại, doanh nghiệp mất đi cơ hội của họ. Việc ra pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, ngay cả khi dự liệu cũng phải đong đo đếm các trường hợp khả năng, nếu không tất cả văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ là “ mảnh giấy trắng có chữ”.

Một trong những lĩnh vực không chỉ riêng hoạt động M&A mà tất cả hoạt động có mặt tài sản làm đối tượng giao dịch điều trăn trở, đó là pháp luật về hợp đồng- một trong những nguyên nhân quyết định sự thành bại của thương vụ. Pháp luật hợp đồng cần phải mềm dẻo; sự cứng nhắc theo kiểu “ bút sa gà chết” ban đầu có thể hiệu quả vì chúng hạn chế, ngăn chặn được sự không thiện chí, trung thực của các bên trong hợp đồng và tạo sự ổn định trong lưu thông các hoạt động kinh doanh thương mại nhưng với tính chất phẳng, nhiều biến của thế giới hiện nay, nó lại không phù hợp, không thay đổi kịp để “hoà” mình, tự nó phá vỡ trật tự do nó tạo nên. Vì thế, “lạt mềm buộc chặt” lại hiệu quả vào lúc này, các quy định nên có tính khái quát cao, độ mở đủ rộng để có thể giải thích khi áp dụng; hạn chế sử dụng các quy phạm mệnh lệnh, gia tăng sử dụng các quy phạm tuỳ nghi; tôn trọng hợp đồng đúng chỗ và giới hạn tự do hợp đồng cũng đúng chỗ; phù hợp với thông lệ quốc tế và tương thích với pháp luật quốc tế phù hợp với giao dịch tự do hiện nay trên thế giới.[12]

Phép toán 1+1=3 là nền tảng để phép toán 1+1= n xảy ra trong tương lai, từ đó có thể thấy được, con người làm nên những điều không tưởng. Hoàn thiện khung pháp lý cho M&A là việc cấp thiết, tạo nên sự phồn vinh và vững mạnh cho nên kinh tế, đó cũng là một minh chứng thành quả mà “công cụ” pháp luật mang lại.

[1] BVL Law Company, Nguyên lý của M&A, http://www.sanduan.vn/help.php?self=detail&id=28 , [truy cập ngày 21/11/2016]

[2] BVL Law Company, Nguyên lý của M&A, http://www.sanduan.vn/help.php?self=detail&id=28 , [truy cập ngày 21/11/2016]

[3] Song Thanh, Các thương vụ M&A đình đám của Việt Nam,Báo điện tử Thanh Niên, 2016, http://thanhnien.vn/kinh-doanh/cac-thuong-vu-ma-dinh-dam-cua-viet-nam-695492.html [truy cập ngày 21/11/2016]

[4] Minh Long- Mai Ca, Giá trị M&A tại Việt Nam năm 2016 có thể đạt 6 tỷ USD, Báo Công thương, 2016,  http://baocongthuong.com.vn/gia-tri-ma-tai-viet-nam-nam-2016-co-the-dat-6-ty-usd.html [truy cập ngày 21/11/2016]

[5] Nguyễn Thị Mai Hương, Khía cạnh pháp lý của hoạt động sáp nhập và mua lại các tổ chức tài chính ở Việt Nam, Tài nguyên số- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

[6] PGS,TS. Phạm Duy Nghĩa, Luật về mua bán doanh nghiệp:Bình luận ngắn từ góc nhìn quản trị công ty,Tạp chí nghiên cứu lập pháp , Tháng 5/2010, số 10 (171) 5/2010, tr.46-49.

[7] Nguyễn Thị Mai Hương, Khía cạnh pháp lý của hoạt động sáp nhập và mua lại các tổ chức tài chính ở Việt Nam, Tài nguyên số- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

[8] Đề án Tái cấu trúc và định giá doanh nghiệp của nhóm sinh viên trường Đại học Hoa Sen, 2012

[9] Mỹ Châu, Cần hạn chế những vụ M&A hướng tới độc quyền, Tạp chí Vietnam Business Forum, 2012, http://vccinews.vn/news/7139/.html [truy cập ngày 21/11/2016]

[10] Những gợi ý cho khung pháp lý M&A ở Việt Nam, Báo Mới, 2015, http://www.baomoi.com/nhung-goi-y-cho-khung-phap-ly-m-a-o-viet-nam/c/8728058.epi [truy cập ngày 04/12/2016]

[11] Những gợi ý cho khung pháp lý M&A ở Việt Nam, Báo Mới, 2015, http://www.baomoi.com/nhung-goi-y-cho-khung-phap-ly-m-a-o-viet-nam/c/8728058.epi [truy cập ngày 04/12/2016]

[12] PGS,TS Dương Anh Sơn, Một số yêu cầu khi xây dựng chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, Trường ĐH Kinh tế- Luật, ĐHQG TP.HCM

Advertisement